Lễ đặt đá đi qua, không ít thì nhiều, đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng những người dự khán. Một bước nhỏ, rất nhỏ, đã được cất lên trên lộ trình dài xa. Mọi khó khăn, chướng ngại còn chờ ở phía trước. Tuy nhiên, bước khởi đầu đã được thuận lợi, dù không ít vất vả gian nan, mọi người đều cảm thấy an tâm và tin tưởng Phật sự lớn lao này sẽ sớm được thành tựu. Tất cả đều luôn ghi nhớ lời Thầy Trụ Trì Trúc Lâm ân cần nhắc nhở, sách tấn: “Phàm làm việc lớn ắt sẽ có chướng ngại lớn. Thế nên phải có sức Nhẫn lớn, sức chịu đựng lớn mới có thể hoàn thành trách nhiệm”. Thầy còn chỉ dạy: “Phật sự này là một cơ hội tốt để vun bồi công đức. Phước trí nhị nghiêm là điều cần phải thực hành trên con đường tu tập của mọi hành giả”. Thấu hiểu lời chỉ dạy của Thầy, cho nên tất cả mọi người đều nhận thức rõ: mọi việc chỉ mới bắt đầu, cần phải gắng sức nhiều hơn nữa. Giờ đây, dẫu luôn ghi nhớ lời Phật dạy đinh ninh: Cẩn thận, đừng nghĩ quá khứ, tương lai cũng chớ mong cầu. Quá khứ đã qua, đã mất. Tương lai chưa đến, còn xa… (Trung A Hàm – Kinh Thích Trung Thiền Thất Tôn - NO 166), tuy nhiên, hồi tưởng lại những việc đã qua với sự bình tâm, nhẹ nhàng, để đúc kết, rút tỉa những kinh nghiệm cho quãng đường dài phía trước, thiết tưởng cũng không vô ích.
Ngày 29/11/2011, ngày phát dọn khoảnh đất đầu tiên, lúc ấy thậm chí cả người lạc quan nhất cũng khó có thể tin được rằng chỉ 180 ngày sau, trên khu rừng thưa nước ngập mênh mông này lại có một diện mạo như hiện nay. Mọi thành viên đang công tác tại đây đều thấu hiểu: để có được một kết quả ban đầu tuy khá khiêm tốn, là cả một sự nỗ lực rất lớn của tất cả mọi người cùng sự gia hộ của Tam Bảo, oai đức của Hòa Thượng tôn sư. Trong đó, phải kể đến công sức của rất nhiều Phật tử gần xa, nhất là những bà con Phật tử tại địa phương, đã nhiệt tình đóng góp vào Phật sự chung này với tấm lòng chân chất như bẩm tính của người dân quê nơi đây. Chư tăng luôn ghi nhớ và cảm kích tấm lòng cao quý đối với Tam bảo của một bà cụ ở đây. Suốt trong thời gian dài, cứ cách vài ngày cụ lại lễ mễ đi bộ trên 2km để mang đến cúng dường chư tăng khi thì mớ rau hái ngoài đồng, khi thì nải chuối bẻ sau vườn, lúc thì vài trái khóm trên liếp nhà, những món quà quê, đơn sơ nhưng đong đầy nghĩa tình, nặng trĩu công lao. Thọ nhận những phẩm vật cao quý như thế, chư Tăng cảm thấy như được tiếp thêm sức mạnh, thấy rõ được lợi ích ý nghĩa cao đẹp của công việc hiện tại, qua đó cũng góp phần giúp một số vị vượt qua những phiền não, ưu tư tất yếu sẽ nảy sinh trong quá trình làm việc.
Người dân Nam bộ nói chung, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long, có cung cách sống hết sức giản dị, chân thành. Họ rất ít lời trong giao tiếp, chỉ vài lời đơn giản mộc mạc nhưng người nghe cảm nhận được ngay tấm chân tình của họ. Thiền viện tuy mới trong giai đoạn chuẩn bị cho lễ đặt đá, thế nhưng thật đáng vui mừng, khi với sự có mặt và sự sinh hoạt của chư Tăng đã góp phần chuyển hóa được một bộ phận dân cư nơi đây theo hướng tích cực. Có vài thanh niên trước khi xin vào làm việc với quý thầy, từng nổi danh nhậu nhẹt, quậy phá xóm làng. Một thời gian sau, khi vào làm việc rồi, đã thay đổi hoàn toàn. Người thân của họ vui mừng đến khoe: “Quý thầy biết hông, từ ngày ổng vào làm việc với quý thầy, ổng bỏ nhậu luôn “gồi”! Thiệt mừng quá sức quý thầy ơi!”. Cảm động nhất là cứ mỗi lần phát lương, đều có mấy anh công nhân lao động, bẽn lẽn rụt rè, gãi đầu gãi tai, cầm mấy trăm ngàn đến thưa với quí thầy: “Cho con xin cúng dường Tam Bảo”. Những món tiền công đức này thật quý giá làm sao, bởi gia cảnh của họ còn nhiều khó khăn vất vả, mấy trăm ngàn đâu phải là nhỏ! Mấy tháng trước tết Nhâm Thìn, chư tăng còn ở tạm trong xóm dân cư (nhà của một người dân có cảm tình với quý thầy cho mượn) cách công trường hơn 2km. Luôn ghi nhớ lời dạy ân cần của thầy Trụ trì Trúc Lâm: chư Tăng nên duy trì thời khóa công phu để cảm hóa người dân địa phương. Cho nên mỗi ngày, buổi sáng quý thầy đi làm, đến chiều về nhà dầu mệt mỏi cũng cố gắng duy trì thời sám hối vào lúc 18g30. Dần dà cũng có một số bà con cô bác đến tụng kinh với quý thầy, có khi lên đến 20 người. Mệt, nhưng thật hoan hỷ làm sao! Nếu biết rằng, khu vực này xưa nay chưa từng có ngôi chùa nào, người dân chưa hề nghe nói tới, biết tới Phật – Pháp -Tăng, thế mà chỉ với sự xuất hiện thầm lặng của chư Tăng, họ đã biết tụng kinh, niệm Phật, biết lắng nghe quý thầy nói chuyện đạo lý, mới thấy đây là một chuyển biến lớn lao trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Qua đó lại càng thấy Phật pháp thật nhiệm mầu và thiết thực biết bao! Cho đến khi chư tăng di dời vào công trình, cách khá xa khu dân cư, thế nhưng đêm nào cô bác, có cả những thanh niên và các em nhỏ, cũng vượt hơn 2km qua những đoạn đường lầy lội, sình bùn, gò nổng lại phải vượt qua một con kinh để đến tụng kinh, sám hối cùng quý thầy. Và rồi, như một hệ quả tất yếu, đến ngày lễ đặt đá, tại buổi lễ quy y Tam bảo lần đầu tiên tại Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác do thầy Trụ trì TV Trúc Lâm Đà Lạt truyền trao, đã có hơn 350 người xin Quy y Tam Bảo và thọ trì 5 giới. Đây có lẽ là niềm vui lớn nhất, là thành quả đẹp nhất, mà toàn thể chư tăng cũng như tất cả Phật tử kính dâng lên Đức Từ Phụ nhân dịp Khánh Đản của Ngài. Niềm vui lại được nhân lên khi những đêm sau đó, bà con đi tụng kinh, sám hối vào buổi chiều lên đến 2-3 trăm người. Đến lễ Phật đản thì chánh điện tạm của Thiền viện đã quá tải vì có hơn 450 người dự lễ!
Do đại lễ đặt đá vừa kết thúc trước đó chỉ 7 ngày (mùng 8/4) ngày nên vào ngày Rằm tháng Tư, thiền viện chỉ tổ chức một buổi lễ đơn sơ, nhưng đầy đủ ý nghĩa để mừng ngày Đức Từ Phụ đản sanh. Sau khóa lễ, đồng bào Phật tử lại được thiền viện đãi ăn chè. Mọi người đều hết sức hoan hỷ với buổi lễ đơn sơ nhưng ấm áp, thân tình và đầy đủ ý nghĩa.
Những hoa trái đầu mùa này, đối với chư tăng thật qúy giá. Mọi người có cảm giác như một kẻ trồng cây may mắn: vừa gieo trồng, liền có ngay kết quả!
Niềm vui này lại càng củng cố thêm niềm tin cho mọi người vào mục đích, ý nghĩa thiết thực của Phật sự này. Bởi suy cho cùng, việc xây dựng Thiền viện, hay bất cứ một cảnh Già lam nào, cũng chỉ nhắm đến mục đích này: Đem giáo pháp của Đức Thích Tôn để làm lợi lạc cho quần sanh.
Nhìn lại chặng đường đã qua, mọi người thật sự cảm thấy mình quả có phước, đã tích lũy thiện duyên nhiều đời cho nên ngày nay mới được gieo trồng, vun bồi công đức trong một Phật sự lớn lao và nhiều ý nghĩa như vậy. Từ đó lại có thêm động lực để gắng sức vượt qua những gian nan, thử thách còn đang chờ đợi ở phía trước.
Hình ảnh Thiền viện ngày đầu tiên (29/11/2011)
Công nhân đang bốc dỡ vật liệu từ bến lên công trình làm chánh điện tạm
Khóa lễ Phật Đản đầu tiên - PL 2556 tại chánh điện tạm
Toàn cảnh Thiền viện trong sương sớm tháng 5
Phật tử dùng chè mừng Phật Đản
Có Là Không
Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Giác :
Xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước , tỉnh Tiền Giang .
Phone : 07-33-643-266