Tuesday, March 3, 2009

Bi Quyet Hoc Thuoc Long Kinh Dien Tuyen Hoa HT

Phien Nao La Bo De Tuyen Hoa HT

Thursday, February 26, 2009

CÚNG DƯỜNG NIỆM PHẬT


25.- CÚNG DƯỜNG NIỆM PHẬT
Phàm gặp giai tiết (tiết đoan ngũ, tiết trung thu v.v...) hoặc ngày vía Phật, Bồ Tát thì nên hương đăng hoa quả tùy phận cúng dường, nhưng đó chỉ là tài cúng, chưa phải pháp cúng. Pháp cúng thuộc về tâm, quý hơn tất cả tài cúng.
Gần đây, vì tà giáo thạnh hành, bày đặt các pháp cúng kiến, la liệt quả phẩm, tam sanh, heo, dê, gà, vịt có ích gì cho sự tu hành? Thậm chí, còn bày bố trận đồ, chiêu hồn dẫn quỉ, tà mị, dị đoan, càng làm cho hao tài tổn mạng, dối dá bậy bạ, phỉnh gạt người đời.
Chỉ pháp môn niệm Phật thì vạn bịnh tiêu trừ không tốn không hao, lại ít người chịu biết đến. Kính mong những trang thức giả đừng để bị lầm.

Lời phụ giải: Giết mạng sống của kẻ khác để cúng cầu cho mạng mình được sống, thật là hết sức ích kỷ và vô nhân đạo!
Câu: “Thiên địa vô tư, thần minh ám sát, bất dĩ tế hưởng nhi giáng phước, bất dĩ thất lễ nhi giáng họa” sao không suy xét cho kỹ càng. Thần thánh đâu vì của cũng như tham quan ăn hối lộ sao? Trời đất không có lòng tư vị ai, hễ làm lành thì hưởng quả tốt, làm dữ mắc báo xấu thế thôi. Các bậc thần minh thầm xét nghiệm những tâm niệm, hành vi thiện, ác của mình tùy thời răn phạt, nào phải vì ta cúng tế mà các Ngài bỏ qua những điều tội lỗi của ta đâu?
Hơn nữa, tâm mình ngay, thân mình chánh, có sợ gì mà phải bận tâm lo nghĩ?
Khi niệm Phật, Phật hiệu đã ngự trong tâm ta, lòng ta xứng hợp với lòng Phật, cùng xứng hợp một điển lực thanh tịnh, thì tà ma nào dám nhập? Nghe theo tà mị, dị đoan chỉ càng làm cho hàng thức giả chê cười, mà cũng lại chuốc lấy họa hại không ít do một số kẻ lợi dụng lòng tin tưởng và sợ sệt của ta.
Vậy hãy suy nghiệm cho thật chín chắn.

26.- NIỆM PHẬT ÐỂ BÁO ÂN CHA MẸ
Ân của cha mẹ là cái ân to lớn nhứt phải làm sao báo đáp? Cung phụng tất cả những thức uống ăn, lập công danh để hiễn đạt phụ mẫu, chỉ là phép báo đáp của thế gian; mặc dầu không phải là bất thiện, song xét cho tột thì đây chưa phải trọn vẹn (vì dù sao cũng vẫn còn trong vòng khổ lụy của kiếp người). Chỉ có cách là ta niệm Phật và khuyên cha mẹ niệm Phật, đem công đức ấy hồi hướng Tây phương, đó là gieo một hột giống kim cương, về sau ta và cha mẹ cùng tự được giải thoát. Huống chi một câu niệm Phật lại có thể tiêu được vô biên tội chướng. Những ai muốn báo thâm ân cha mẹ, không thể không biết pháp này.

Lời phụ giải: Cung phụng cha mẹ về mặt vật chất, nào quạt nồng, ấp lạnh, món ngon vật lạ, áo ấm cơm no, đó mới chỉ là cái hiếu thế gian mà thôi. Nếu không lo tu nhơn xuất thế, tất phải đọa lạc tam đồ, quanh đi quẩn lại sanh tử không cùng, sao gọi là báo hiếu trọn vẹn được?
Thế tất phải tìm cách nào cho rốt ráo? Chỉ có Pháp môn Tịnh độ Niệm Phật, cầu sau khi xả báo thân này, nương nhờ nguyện lực của Phật A Di Ðà mà được cùng vãng sanh Cực Lạc. Nhờ chiếc thuyền nguyện lực của Phật, bao nhiêu tội chướng của chúng ta dù nặng như đá cũng nương đó mà qua sông dễ dàng. Thế thì công ít mà quả to, ta còn chần chờ gì nữa?

27.- BỐ THÍ BẰNG CÁCH NIỆM PHẬT
Phàm thấy người khổ não, trước phải giúp cho họ an thân (cho cơm, cho áo) rồi sau mới an ủi khuyên họ niệm Phật. Bởi vì cứu cái khổ trong nhứt thời, bố thí là gấp, mà cứu cái khổ nhiều kiếp, phương pháp niệm Phật lại gấp hơn. Hoặc thấy người hay vật bị nạn, sức mình không cứu rỗi được phải gấp niệm Phật cầu an cho hồn thức ấy. Hoặc đêm thanh tụng niệm cầu nguyện cho mọi loài thoát khỏi tai ương. Gặp lúc đao binh, tật dịch, năm canh trì niệm Phật danh, cầu cho chúng sanh được tiêu trừ mọi oan khổ.
Nên quán tưởng: Một câu A Di Ðà Phật của ta đây, trên tột trời Hửu đảnh dưới suốt đáy phong luân mọi loài chúng sanh một thời đều được lợi ích. Cách bố thí đó thật không thể nghĩ bàn vậy.

Lời phụ giải: Trước cho ăn no, mặc ấm để đỡ khổ phần xác, sau khuyên bảo niệm Phật để cứu rỗi linh hồn. Gặp nhiều trường hợp mà sức ta vô khả nại hà, chỉ nên nhứt tâm niệm Phật, vận dùng tất cả điển lành của mình chí hướng về kẻ ấy, cầu nguyện cho họ thoát khỏi khổ lụy của kiếp sống triền miên, giải thoát an nhàn nơi thiện cảnh. Một câu niệm Phật diệt oan khiên.

28.- TỰ TÂM NIỆM, TỰ TÂM NGHE
Tâm tưởng, rồi mới động đến lưỡi, lưỡi khua động thành tiếng lại trở vào tự tâm, là pháp: Tâm niệm tâm nghe vậy.
Mà hễ tâm niệm tâm nghe thời mắt không thể thấy bậy, mũi không thể ngửi bậy, thân không thể động bậy, vị chủ nhơn ông (tự tâm) đã bị bốn chữ A Di Ðà Phật bắt cóc mất rồi.

Lời phụ giải: Niệm tức là niệm tự tâm Phật, tai nghe tiếng niệm là nghe tiếng của tự tâm, tiếng ấy từ tự tâm mà ra, rồi lại chạy ngược vào tự tâm, xây vòng như vậy, thời một mảy vọng tưởng cũng không còn, tất cả vọng trần, vọng cảnh cũng từ đấy mà diệt.
Niệm Phật niệm tâm, tâm niệm Phật
Tham thiền tham tánh, tánh tham thiền.

29.- NIỆM PHẬT TRONG TIẾNG NIỆM
Tiếng niệm Phật đã thuần thục rồi, thời trong sáu trần chỉ còn một thinh trần. Tất cả sáu căn hoàn toàn gởi nơi nhĩ căn (lổ tai). Thân cũng không còn cảm biết tới lui, lưỡi cũng không còn biết khua động, ý cũng không còn cảm biết phân biệt, mũi cũng không còn cảm biết hít thở, mắt cũng không còn cảm thấy mở nhắm. Hai thứ viên thông của hai ngài Quán Âm và Thế Chí cũng tức là một, không chi là chẳng viên và chẳng chi là không thông cả. Vì căn tức là trần, trần tức là căn, căn và trần tức là thức. Mười tám giới đều dung hợp thành một giới. Trước chưa được thuần, lâu sau sẽ dần dần thâm nhập.
Phàm trong khi niệm Phật, phải lựa một chỗ vắng, yên, sạch sẽ, khoảng 4,5 thước vuông, đi nhiễu một vòng theo phía tay mặt, rồi sau từ từ cất tiếng niệm Phật, tiếng cao lên dần dần, niệm như vậy độ 3 vòng trở lên sẽ tự cảm thấy tâm, tiếng to bay vòng quanh khắp thái hư, bao bọc cả 10 phương, trùm đầy toàn pháp giới. Ðó là cách an trụ thân tâm, thế giới vào trong tiếng niệm Phật, và đó là đem thân, tâm của mình an trụ trong tiếng niệm Phật mà niệm Phật. Ðây là cảnh thù thắng để tiêu diệt tâm địa phiền não nhơ trược, hành giải cần phải gắng tập cho kỳ được.
(Bài này chỉ vẽ rõ ràng, không cần phụ giải)

30.- NIỆM PHẬT TRONG ÁNH SÁNG CỦA TỰ TÂM
Phàm tiếng là tiếng của tự tâm, thì ánh sáng cũng là ánh sáng của tự tâm. Hễ tiếng của tự tâm quanh lộn ở chỗ nào thì ánh sáng của tự tâm phóng ra ở chỗ ấy; nếu ta an trụ trong tiếng của tự tâm mà niệm Phật, tức là an trụ trong ánh sáng của tự tâm mà niệm Phật vậy. Ðây cũng là cảnh thù thắng diệt được lòng tham phiền não nhơ bẩn, hành giả nên gắng siêng tu tập.

31.- NIỆM PHẬT TRONG THỂ CỦA TỰ TÂM
Tiếng nói của tự tâm vòng quây và ánh sáng tự tâm chiếu phát, tự nhiên tâm thể phơi bày. Một chơn tâm này như tấm gương tròn lớn (Ðại viên cảnh) rỗng thông sáng suốt, không gì ngăn ngại, mười phương, ba đời, ta, Phật, và chúng sanh, vòng khổ của đời trược, đài sen nơi cảnh tịnh đều là bóng trong gương cả. Cho nên niệm Phật trong tiếng tức trong ánh sáng, trong ánh sáng tức trong gương không phải một, khác. Ðây cũng là cảnh thù thắng tột cùng, diệt hẳn được tâm nhơ, cần phải gia công hết lòng tu tập.

Lời phụ giải: Tâm thể vốn luôn luôn thanh tịnh (tịch), nhưng hằng phát khởi diệu dụng sai thù (chiếu). Khi chúng ta nhận được toàn thể đại dụng không ngoài tánh thể thường như, thì bấy giờ, tâm, Phật và chúng sanh vốn chỉ là một, rỗng thông, sáng suốt, không gì ngăn ngại. Thật hành pháp niệm Phật mà đạt được như đây, thật quả là bậc đại căn tánh vậy! Muôn pháp đều chỉ là bóng hình trong gương, vốn dĩ hư huyễn, tự sanh, tự diệt, đâu can phạm gì đến tánh thể tự cổ thường như, bất sanh bất diệt của chơn tâm. Thấu triệt được lý này ắt đã thoát được ngoài dòng cương tỏa của không gian và thời gian rồi vậy.

32.- KHÔNG DỨT
Buổi sáng niệm, buổi tối cũng niệm; vô sự niệm, hữu sự cũng niệm; chỗ sạch niệm, chỗ nhơ vẫn niệm, không một niệm nào mà không phải là niệm Phật. Giả sử hàng ngày có sự thù tiếp bạn bè, đãi đằng khách khứa, có lúc gián đoạn, nhưng chỉ gián đoạn thinh niệm, chớ không thể gián đoạn được tâm niệm. Niệm Phật mà công phu đến thế, thì dễ thành Tam muội lắm.

33.- KHÔNG TẠP
Không xen tạp niệm tức là Chỉ, Chỉ là nhơn của Ðịnh, dừng được tạp niệm, thì chánh niệm (định) tự nhiên phát hiện.
Tạp niệm có 3: Thiện, ác, và vô ký, trừ hết ba thứ mới là không tạp. Tâm cần vắng lặng, vắng lặng thời các niệm thiện, ác không sanh. Tâm cần sáng suốt, sáng suốt thời vô ký niệm không có.
Ngoài Phật không có niệm nên tường vắng lặng, trong niệm có Phật nên thường sáng suốt rõ ràng.

34.- KHÔNG DỪNG
không dừng tức là Quán, Quán là nhơn của Huệ. Câu (niệm Phật) trước đã qua, câu sau chưa đến, câu hiện tại cũng không dừng. Cứ thế mà quán sát, rõ ràng nhưng không thể được (không câu chấp), không thể được nhưng lại rõ ràng. Ðuổi như vậy mãi sẽ thấu đạt lẽ vạn pháp duy tâm, tức Phật tức tâm, tức tâm tức Phật.

Lời phụ giải: (cho cả ba pháp trên) Niệm Phật tức niệm tự tâm Phật, cho nên không ngại gì chỗ nhơ sạch. Lại chúng sanh vốn đồng một thể tánh chơn tâm với Phật, vì vọng động bất giác nên để tánh Phật vốn sẵn sáng suốt phải bị phiền não vô minh che lấp, làm cho mê tối đảo điên, càng ngày càng chạy theo vọng trần vọng cảnh, xa lần thật thể, nhận giả làm chân; bấy giờ nhất niệm giác ngộ quay về ánh sáng của tâm, thì dễ gì trong một ít thời gian mà có thể bôi xóa đi được những phiền não đen tối vốn nhuộm đậm từ lâu. Thế nên, chúng ta cần phải luôn luôn liên tục theo dõi câu niệm Phật (niệm Phật tức niệm tự tâm Phật) Phật niệm liên tục mãi mãi thì chúng sanh niệm không còn, thế nên dù có bận rộn gì cũng chỉ gián đoạn được thinh niệm mà thôi, chớ làm sao ràng buộc được tâm niệm bên trong của chúng ta? Khi mà tâm chúng ta thuần một Phật niệm thì tạp niệm đâu còn? Tạp niệm bặt dứt (gió dừng) tâm không còn bị gì làm chao động nữa, bấy giờ tự tâm an nhiên tại định (nước lặng) thì muôn tượng hiện bày, không thiếu sót một mảy may, bấy giờ vạn pháp đương nhiên hiển lộ, tự tâm quán chiếu một cách thần diệu phi thường (huệ). Hành giả thật hành pháp môn niệm Phật được như đây quả đã đạt đến viên mãn cứu cánh rồi vậy.

35.- TỨC THIỀN TỨC PHẬT
Hoặc khởi từ một câu thoại đầu gọi là tham thiền, hoặc ngồi mà dứt niệm gọi là tọa thiền. Tham hay tọa đều là Thiền cả, Thiền hay Phật đều là tâm cả. Thiền tức là Thiền của Phật. Phật tức là Phật của Thiền. Pháp môn niệm Phật đâu có gì ngại với pháp tham thiền, tọa thiền? Vả lại, người tham thiền có thể dùng bốn chữ A Di Ðà Phật làm một câu thoại đầu, niệm đến, niệm lui, niệm xuôi, niệm ngược, trở lại, xây qua không rời đương niệm, mặc dù không nói tham thiền, mà thiền ở trong đó rồi. Người tọa thiền cần phải đến giai đoạn một niệm tương ưng, hoát nhiên như vinh vào hỗ hư không, mới là Ðắc thủ . Niệm Phật đến lúc nhứt tâm bất loạn, không phải là tương ưng là gì?
Niệm đến lúc tâm không, không phải vĩnh viễn tương ưng sao? Trong lúc niệm Phật, không hôn trầm, không tán loạn, chỉ, quán, định, huệ mỗi niệm viên thành; nếu muốn tìm thiền, thiền ở đâu nữa?

Lời phụ giải: Thiền tức Tịnh vì Thiền hay Tịnh đều cầu đạt mục đích nhứt tâm bất loạn, phương tiện tuy hai, nhưng kết quả vẫn một, mà Thiền thì khó thập bội!
Trong Quy ngươn trực chỉ có đoạn thí dụ người tu các pháp môn khác, như thiền v.v... mà đi đến mục đích, khác nào như con kiến bò lên núi cao, như con mọt đục từng mắt tre mà lên, từ gốc cho đến tận ngọn. Pháp môn Tịnh độ niệm Phật thẳng tắt nhờ tha lực, như thuyền thuận buồm, xuôi nước, như con mọt đục ngang cây tre mà ra, còn gì nhanh chóng hơn!

36.- TỨC GIỚI TỨC PHẬT
Trì giới luật của Phật để trị thân, trì danh hiệu của Phật để trị tâm. Trì lâu thì thân thuần, niệm lâu được tâm không. Tánh của niệm hay tánh của giới không hai; luôn luôn trì giới thì tội lỗi không hiện, luôn luôn niệm Phật, thời lúc lâm chung đánh tan được quỷ môn quan, vượt khỏi ba cõi. Nếu giữ giới đã có công phu, liền đem công đức này hồi hướng Tây phương, chắc được về trung phẩm. Còn như chưa có thể giữ trọn cả hai, thời nên phải siêng niệm Phật, như cứu lửa cháy đầu.

Lời phụ giải: Trì giới cốt làm cho tự tâm thanh tịnh, vì không gây tội lỗi, không có hối hận. Niệm Phật cũng cốt cho thanh tịnh tự tâm. Vậy nên trì giới tức là niệm Phật. Nhưng niệm Phật là phương tiện thiết yếu hơn khi người chưa giữ giới được trọn vẹn. Thế nên ta hãy cấp tốc niệm Phật, để cho tâm tịnh rồi thì tự nhiên giới được thanh tịnh.

http://www.niemphat.net/Luan/48phapniemphat/phanba.htm

48 Pháp Niệm Phật Diệu Không Ðại Sư Soạn


Tất cả Pháp đều là Phật Pháp(6-6)