Tuesday, November 30, 2010
Sunday, November 28, 2010
Vị A La Hán 7 Tuổi (Chú Tiểu Hiền Trí)
10:40:00 AM
No comments
(Trích "Truyện cổ Phật giáo")
Thuở Phật Ca Diếp còn tại thế, Ngài có một tăng đoàn gồm 20.000 (hai mươi ngàn) tỳ kheo đã diệt tận các lậu hoặc. Mỗi khi du hóa một nơi nào, tất cả các Tỳ kheo ấy đều theo Phật Ca Diếp, cũng như 1250 Tỳ kheo thường đi cùng với Đức Bổn Sư Thích Ca vậy.
Một hôm, Phật Ca Diếp và Tăng chúng của Ngài đi đến thành Ba La Nại, dân chúng đua nhau đến đảnh lễ cúng dường và nghe Ngài thuyết pháp. Sau khi thọ thực xong, Phật nói lời tùy hỷ công đức như sau:
- “Này các cư sĩ, trong thế gian có bốn hạng người. Thế nào là bốn?
Một là những người tự mình làm phước bố thí, nhưng không khuyến khích kẻ khác làm. Hạng người này, trong tương lai được giàu có nhưng không được nhiều người theo.
Hai là những người khuyên kẻ khác bố thí, nhưng tự mình không bố thí. Hạng người này đời sau có phước báo được đông người theo, nhưng không có của cải.
Ba là những người tự mình không bố thí cũng không khuyên người bố thí. Hạng người này đời sau không có của cải cũng không có người theo, phải sống cô độc, ăn cơm thừa của kẻ khác.
Bốn là hạng người vừa tự bố thí, vừa khuyên người bố thí, hạng người này trong tương lai sẽ được cả hai phước báo: giàu có và đông người theo”.
Khi nghe như thế, có một người khởi lên ý nghĩ: “Ta cố làm sao để được hai phước ấy”. Rồi vị ấy đến đảnh lễ Phật, bạch rằng:
- Bạch Thế Tôn, xin Ngài đến thọ thực làng con vào ngày mai, để chúng con được phước cúng dường.
Phật Ca Diếp hỏi lại:
- Ngươi muốn cúng dường bao nhiêu vị Tỳ kheo?
- Bạch Thế Tôn, Tăng chúng của Ngài gồm bao nhiêu?
- Hai mươi ngàn.
- Bạch Thế Tôn, ngày mai xin Ngài đem theo tất cả Tỳ kheo ấy.
Đức Phật nhận lời. Người kia cầm một mảnh bối diệp (xưa dùng lá cây khô để viết chưa có giấy) trở về làng, rồi đi từng nhà khuyên sửa soạn cúng dường Phật và chư Tăng tùy khả năng của mỗi gia đình. Có nhà tình nguyện cúng dường 500 vị, nhà 200 vị, nhà 100 vị, nhà 50 vị v. v. . . Người kia đều ghi dấu vào lá bối để hôm sau thỉnh đúng số Tỳ kheo đến từng nhà. Trong làng, có một gia đình rất nghèo đến nỗi ông chủ được mệnh danh là “ông Chúa Nghèo”. Người kia cũng không quên ghé vào nhà Chúa Nghèo để tạo phước cho ông ta. Khi Chúa Nghèo nghe người kia muốn mình cúng dường chúng Tỳ kheo thì giật bắn người lên:
- Ối bạn ơi! Bạn coi nhà cửa tôi đây, đến một chỗ ngồi cũng không có, làm sao tôi cúng dường gì được? Tôi có đồng xu nào đâu? Hãy đến những nhà cao cửa lớn kia!
- Này bạn, không phải chính vì vậy bạn mới nên nhân cơ hội này mà gieo giống phước sao? Vì sao bạn phải nghèo? Phải chăng bạn chưa từng giúp ai một chút gì cả?
Chúa Nghèo ngẫm có lý bèn ưng thuận:
- Được. Vậy thì xin bạn ghi cho tôi cúng dường một vị tỳ kheo.
Người kia bằng lòng nhưng không ghi vào lá vì y nghĩ rằng một vị thì ít quá, chẳng cần ghi làm gì. Y từ giã, tiếp tục đi phổ khuyến.
Chúa Nghèo gọi vợ ra, cho hay ý định cúng dường một vị Tỳ kheo của mình, và đề nghị với vợ cùng đi làm mướn để đủ tiền sắm sửa các thứ. Người vợ bằng lòng ngay và cả hai cùng đi đến một nhà phú hộ. Nhà này sẳn lòng mướn hai vợ chồng làm việc một buổi chiều hôm ấy để chuẩn bị cho việc cúng dường hôm sau. Họ mướn Chúa Nghèo giã gạo, còn bà vợ thì gánh nước. Hai vợ chồng làm việc rất hăng hái, nét hân hoan lộ hẳn trên gương mặt, đến nỗi chủ nhà hỏi nguyên do. Khi được biết họ làm mướn để có tiền mua thực phẩm cúng dường một vị Tỳ kheo, phú ông cảm khái, trả công gấp bội. Với số tiền nhận được họ mua ít gạo thơm hảo hạng, trái cây quí và ít đồ vặt vãnh để nấu nướng.
Sáng hôm sau, Chúa Nghèo dậy sớm đi hái rau bên bờ sông về cho vợ làm thức ăn. Một người đánh cá hỏi:
- Chúa Nghèo hái rau làm gì sớm thế?
- Tôi hái rau để cúng dường một vị Tỳ kheo.
- Thế à! Vị nào ăn rau của Chúa Nghèo cúng dường chắc là hên lắm đó.
- Thôi tôi đi đây, sắp tới giờ cúng dường rồi.
Chúa Nghèo sung sướng đem rau về cho vợ. Khi ấy, từ trong tịnh xá của Ngài, Phật Ca Diếp đã biết được một người nghèo đang thành tâm sửa soạn cúng dường một vị Tỳ kheo. Ngài cũng biết được rằng tất cả chúng Tỳ kheo đã được sắp đặt vào từng nhà, mỗi nhà sẽ cúng dường một số Tỳ kheo. Duy chỉ có nhà Chúa Nghèo chỉ cúng có một vị, người phổ khuyến quên ghi vào lá, do đó mà y đã không chừa một người nào cho Chúa Nghèo. “Vậy chỉ còn ta để cho Chúa Nghèo gieo ruộng phước”, Phật nghĩ thế, và Ngài lấy làm hoan hỷ, vì Phật vốn thương những kẻ nghèo cùng. Vừa khi Ngài có ý định như vậy, thì vua trời Đế Thích cảm thấy chiếc ngai vàng đang ngồi rung mạnh, “Có chuyện gì thế?” Vua trời ngẫm nghĩ, và biết chính tấm lòng thành khẩn của Chúa Nghèo ở dưới thế đã làm chấn động đến chư thiên. “Ta phải giúp Chúa Nghèo một tay để sửa soạn món ăn cúng dường Phật”. Đế Thích cùng với vợ rời thiên cung bay xuống, hóa làm hai vợ chồng nghèo đang đi tìm việc làm. Đến gần nhà Chúa Nghèo, Đế Thích hỏi:
- Nhà có việc gì làm không? Cho chúng tôi làm với.
- Ông lão ơi! Chúng tôi có nhiều việc làm lắm, nhưng thú thật là chúng tôi không có tiền để trả công ông lão.
- Bạn làm gì thế?
- Chúng tôi làm thức ăn cúng dường vị Tỳ kheo.
- Ồ, việc phước ấy thì tôi cũng muốn hùn. Tôi không cần trả công đâu.
- Tốt lắm. Vậy lão hãy giúp chúng tôi.
- Xin vâng.
Rồi hai vợ chồng Đế Thích bước vào nhà, Đế Thích bảo:
- Bây giờ, để chúng tôi làm thức ăn cho. Bạn hãy đi thỉnh vị Tỳ kheo của bạn đi.
Chúa Nghèo đi đến vị phổ khuyến hôm qua. Y bảo:
- Ồ bạn! Tôi quên bẵng. Không còn vị Tỳ kheo nào cho bạn thỉnh vì tất cả đều nhận lời các nhà khác rồi.
Không thể nào tả nỗi tuyệt vọng lớn lao của Chúa Nghèo lúc ấy. Chúa Nghèo đấm ngực, lăn ra mà khóc.
-Trời đất ơi! Bạn hại tôi rồi! Suốt hai hôm nay, chúng tôi làm việc tối mắt tắt đèn để chờ đợi bữa trưa nay cúng dường một vị Tỳ kheo! Vậy mà bây giờ bạn bảo không còn vị nào! Bạn phải cho tôi một vị Tỳ kheo! Không thì tôi chết mất. Hu hu.
Quần chúng bu lại xem đông. Người kia bối rối năn nỉ:
- Này Chúa Nghèo, xin Chúa Nghèo đừng làm tội tôi nữa. Tôi lỡ đi mà. Chúa Nghèo tha cho tôi đi.
- Không biết! Phải cho tôi một vị Tỳ kheo! Hu hu, hu hu.
Túng quá, người kia đánh bạo đề nghị:
- Thôi chúa Nghèo hãy đứng dậy, tôi bày cho một cách này. Đấng Đạo sư chưa nhận lời của ai, vì rất đông vua chúa đại thần đều muốn thỉnh Ngài. Vậy bạn hãy đến thỉnh Ngài đi. Ngài rất thương những người nghèo chắc Ngày sẽ nhận lời bạn đấy. Ngài đang ngồi trong tịnh xá nói pháp cho các bậc thượng khách nghe.
Chúa nghèo nghe lời, đứng lên đi đến tịnh xá. Vua và đình thần đang nghe pháp, thấy Chúa Nghèo tiến tới thì ngăn lại (vì họ tưởng Chúa Nghèo đến xin đồ ăn thừa):
- Chúa Nghèo! chưa đến giờ ăn đâu.
- Tôi biết. Tôi đi thỉnh Phật về nhà tôi thọ trai.
Đức Phật mỉm cười, chìa cái bình bát của Ngài ra, trao cho Chúa Nghèo một cách thân mật. Chúa Nghèo ôm lấy bình bát của Phật vào lòng, mặt mày hớn hở như đứa bé vừa được kẹo. Các ông Hoàng và đại thần chạy theo đề nghị:
- Chúa Nghèo, hãy nhường cái bát ấy cho ta cúng thức ăn cho Phật. Ta sẽ cho Chúa nghèo 1000 đồng.
- Không bao giờ tôi nhường cái bát này cho ai dù có đổi bạc triệu.
Chúa Nghèo trân trọng ôm bình bát của Phật về nhà để bày thức ăn. Vua đang ngồi gần Phật ngẫm nghĩ: “Lão Chúa Nghèo chắc chẳng có gì ngon lành mà cúng dường Đức Thế Tôn đâu. Chi bằng ta sắm sẵn các thức ăn thượng vị đựng trong một cái bát khác, chờ khi Chúa Nghèo dâng lên Phật ta sẽ đổi thức ăn của ta cho Phật dùng.
Đến giờ thọ thực, Phật Ca Diếp đến nhà chúa Nghèo. Vua đi theo ý định như trên. Nhưng khi Phật vào nhà Chúa Nghèo, Đế Thích đã hóa trang để dâng Phật một bát đầy thức ăn mùi thơm bay khắp không gian. Vua đành thất vọng bẻn lẻn cáo từ Phật trở về.
Do phước báo cúng dường Phật Ca Diếp, Chúa Nghèo được sanh lên cõi Trời cho đến khi Phật Thích Ca ra đời mới trở xuống trần thế, sanh vào nhà một thí chủ thân tín của Ngài Xá Lợi Phất. Khi mang thai Chúa Nghèo người mẹ bổng thông minh khác thường, những người trong gia đình ai có bệnh tật gì đều được khỏi và trở nên thông tuệ. Do đó hài nhi được Tôn Giả Xá Lợi Phất đặt tên là Hiền Trí. Khi lên 7, Hiền Trí xin mẹ xuất gia làm đệ tử Tôn giả.
Tôn giả dạy cho chú tiểu những uy nghi phép tắc phải theo trước khi đưa chú vào thành khất thực. Lần đầu tiên ôm bát theo hầu thầy ra đường, chú hỏi Ngài khi thấy một con đê:
- Bạch Tôn giả, cái kia là cái gì?
- Chú tiểu, đấy là một con đê.
- Bạch Tôn giả, con đê dùng để làm gì?
- Để dẫn nước đi khắp nơi nào người ta muốn.
- Nhưng bạch Tôn giả, nước có hiểu biết gì không?
- Không đâu, chú tiểu. Nước là vật vô tri giác.
- Bạch Tôn giả, thế thì người ta có thể hướng dẫn một vật vô tri giác đến bất cứ chỗ nào người ta muốn hay sao?
- Chính vậy, chú tiểu
- Hiền Trí nghĩ: “Nếu người ta có thể hướng dẫn một vật vô tri tùy theo ý muốn thì tại sao ta lại không thể nhiếp phục tâm ý mình để chứng A La Hán quả?”
Đi thêm một quãng, chú thấy những người làm tên đang hơ những cây tên trên lửa và nheo mắt nhắm để uốn chúng cho thẳng. Chú tiểu hỏi:
- Bạch Tôn giả họ làm chi vậy?
- Họ đang uốn những cây tên cho thật thẳng.
- Cây tên có lý trí không?
- Không nó là vật vô tri.
Chú tiểu nghĩ: “Nếu người ta có thể uốn nắn một vật vô tri cho thẳng theo ý muốn, thì ta cũng có thể nỗ lực điều phục tâm ý để chứng quả A La Hán”
Một lát sau, hai thầy trò gặp những người thợ mộc đang đẽo bánh xe, chú lại hỏi:
- Bạch Tôn giả, họ làm gì thế?
- Đây là thợ mộc đang đẽo bánh xe.
- Bánh xe có lý trí không?
- Không, bánh xe chỉ chạy theo ý người muốn.
Khi ấy chú tiểu trao y bát cho thầy và bạch:
- Bạch Tôn giả, con muốn trở về tịnh xá.
Tôn giả Xá Lợi Phất không nói một lời đỡ lấy y bát trên tay chú tiểu. Chú tiểu vái chào thầy xong còn quay đầu lại dặn Tôn giả:
- Bạch Tôn giả, khi nào Ngài ăn xong xin đem thức ăn về cho con.
Tôn giả Xá Lợi Phất nhận lời và vốn cẩn thận, Ngài sợ chú tiểu ngủ ngoài trời có thể bị rắn cắn, hay sâu bọ đốt, bởi thế Ngài trao chìa khóa cho chú tiểu và bảo:
- Hãy mở cửa tịnh thất của ta mà vào.
Chú tiểu vâng lời. Vào phòng Tôn giả, chú bắt đầu tỉnh tọa thiền quán. Khi ấy Đế Thích ở trên trời cảm thấy chiếc ngai vàng rung động, và nhận ra rằng chú tiểu Hiền Trí đang ngồi thiền quyết chứng quả A La Hán trong ngày đó, nên Ngài muốn giúp chú một tay. Ngài bảo thần mặt trời phải đi chậm lại, kéo dài buổi sáng ra trọn ngày, và sắc cho Tứ Thiên vương đứng gác bốn góc chùa, đuổi hết chim chóc ra khỏi vườn đừng gây tiếng động. Do đó, Kỳ Viên tịnh xá trở nên yên tĩnh lạ thường. Thỉnh thoảng mới có một âm thanh rất nhỏ gây nên bởi một chiếc lá vàng lìa cành rơi xuống.
Trong khi ấy, Tôn giả Xá Lợi Phất vào nhà người thí chủ quen biết để khất thực. Gia chủ vừa mới mua thực phẩm về nấu nướng cũng vừa xong, ông đem đặt vào bát Ngài. Tôn giả định đem về cho chú tiểu như lời chú tiểu dặn nhưng gia chủ xin thỉnh Tôn Giả cứ dùng, sẽ còn phần khác để Tôn giả đem về. Tôn giả ngồi lại thọ thực.
Đúng lúc ấy, từ tư thất của Ngài, đức Phật Thích-Ca quan sát bằng Phật nhãn thanh tịnh thấy chú tiểu có thể chứng quả A La Hán trong vài giờ nữa, nhưng nếu Tôn giả Xá Lợi Phất mà về lúc này, đem thức ăn vào phòng cho chú tiểu thì lỡ mất dịp đắc quả của chú. Do đó Đức Phật quyết định đi đến tịnh thất của Tôn giả để đón đường. Vừa khi Tôn giả trở về, Ngài gặp ngay đức Đạo Sư đứng trước cửa. Tôn giả thi lễ, đức Đạo Sư hỏi vị thông tuệ của Ngài về một số câu hỏi trong luận tạng, chỉ cốt kéo dài thời gian cho chú tiểu có thể đắc quả. Khi biết Hiền Trí đã chứng quả, Ngài bảo Tôn giả Xá Lợi Phất:
- Bây giờ, này Xá Lợi Phất, hãy đem thức ăn vào cho chú tiểu Hiền Trí đi.
Tôn giả khỏ cửa. Chú tiểu bước ra đỡ lấy bát trên tay Ngài đặt xuống một nơi, rồi bắt đầu quạt cho Ngài. Tôn giả bảo:
- Này chú hãy ăn sáng đi.
- Bạch Tôn giả, còn Tôn giả thì sao?
- Ta đã ăn rồi.
Khi chú tiểu mới ngồi xuống quán tưởng năm điều rồi thọ thực. Khi chú đã ăn xong, rửa bát và dọn dẹp xong, thì mọi sự mới trở lại bình thường: Mặt trời bắt đầu lặn, trăng từ từ lên, Tứ thiên vương hết canh gác bốn góc chùa. Đế Thích trở về thiên cung ngồi vào chiếc ngai vàng thường lệ. Chúng Tỳ kheo bảo nhau:
- Thật kỳ lạ! Hôm nay buổi sáng hầu như dài suốt cả ngày, mà buổi chiều lại ngắn có một khoảnh khắc. Tại sao thế nhỉ?
Đức Đạo Sư giải thích:
- Đúng thế, này các Tỳ kheo, chính vì chú tiểu 7 tuổi kia phát tâm chứng quả A La Hán, mà tất cả trời Đế Thích, Tứ Thiên Vương, thần mặt trời, thần mặt trăng đều hỗ trợ cho công việc của chú ấy và để canh chừng, chính Như Lai cũng đã phải bỏ cả thì giờ nghỉ ngơi cho chú bé, một người nhân quán sát con đê dẫn nước, thợ làm tên, người làm bánh xe, mà quyết tâm nỗ lực thiền định để chứng quả vị bất lai.
“Người đào đê dẫn nước. Người làm tên uốn tên
Thợ mộc đẽo gỗ, còn người trí thì lo điều phục tâm mình”
(Pháp cú 80)
Dứt Bỏ Ảo Tình
Từ khi Phật Thích Ca Mâu Ni lại thành Xá Vệ thuyết pháp, giáo hóa đại chúng thì nhân dân toàn thành này trở nên có đạo đức, có lễ độ, lại biết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, khiến cho nước Xá Vệ biến thành một cực lạc quốc. Tin này truyền đi gần xa, có một số người khác đạo ở nước La Kiệt Kỳ rất khâm phục uy tín Ðức Phật, liền không quản đường xá xa xôi, cố tìm đến nước Xá Vệ để cầu Phật dạy bảo. Nhưng trong khi chưa gặp được Ðức Phật thì bỗng xảy ra một chuyện rất trái ý ở giữa đường.
Số là nước Xá Vệ ở vào xứ nóng, thường có nhiều rắn độc, một khi rắn đã cắn phải người thì người ấy tức khắc chết liền, không có cách nào cứu sống được.
Hôm đó, người viễn khách vừa tới ngoài thành, ngồi nghỉ dưới bóng cổ thụ, nhìn xuống bên đường, thấy hai người, một già một trẻ, đang cuốc đất. Bỗng đâu có con rắn độc núp trong cỏ nhảy ra mổ chết người ít tuổi, người nhiều tuổi bỏ cuốc chạy lại thấy người ít tuổi đã tắt thở thì hơi lộ nét buồn rồi thản nhiên quay lại chỗ cũ cuốc đất.
Viễn khách thấy thái độ ấy làm lạ, liền tiến lại bên cạnh ông già mà hỏi rằng:
- Này cụ! Thanh niên vừa chết kia có là con cháu hay là gia nhân cụ?
Ông già đáp cách tự nhiên:
- Hắn là con tôi.
- Ủa, lệnh lang bị rắn cắn chết sao cụ lại không kêu gào khóc lóc thảm thiết như người xứ chúng tôi thường làm?
- Nó là con trai tôi đó, nhưng bây giờ đã chết rồi, thiết tưởng dù có khóc than chỉ là thêm phiền não mà cũng chẳng cứu sống lại được. Vậy khóc than có ích lợi gì?… Trầm ngâm một lúc, ông lão nói tiếp:
- Ông ạ! Con người ở đời trước sau thế nào cũng chết, khác nào như mọi sự vật, có thành tựu thời phải có hoại không, đó là hiện tượng tự nhiên của tuần hoàn, nếu mà lúc sống gây nhiều nhân thiện thì sau có báo ứng tốt, nhược bằng gây nhiều nhân ác thì có ác báo không sai. Nay đã chết rồi, thì dầu gì chăng nữa cũng là thừa.
Ông già nói xong thấy khách suy nghĩ đờ đẫn người ra liền hỏi:
- Phải chăng ông định tiến vào thành? Tôi muốn cảm phiền ông giúp cho một việc, phỏng có được không?
- Có việc gì xin cụ cứ nói!
- Thế thì hay lắm! Ðây: nhà tôi ở ngay cổng thành đi vào, quẹo sang bên phải bỏ gian đầu đến gian thứ hai ấy chính là nhà tôi. Vậy xin ông, khi đi qua, ghé vào nói giúp với bà nhà tôi rằng: Ðứa con đã chết, vậy trưa nay chỉ đem một xuất cơm cho tôi ăn mà thôi.
Viễn khách nghe ông già dặn thì điếng người, vừa đi vừa tự nghĩ: Ông già này keo quá, con đã chết mà còn đếm xỉa đến cả bữa cơm… Thật cả thế gian này cũng không đâu có người cha đến như thế! Kịp khi qua cửa thành, quẹo sang bên phải, cách hai nhà, quả nhiên thấy bà cụ vừa vặn đứng ở ngoài cửa. Viễn khách liền thi lễ và nói:
- Thưa bà, con trai bà bị rắn cắn chết, ông có nhắn tôi về bảo bà chỉ cần đem một suất cơm cho ông thôi.
Bà nghe khách nói xong thì tỏ vẻ buồn rầu thoáng qua nét mặt rồi trân trọng cảm tạ khách, viễn khách lấy làm lạ lùng hết sức và tự hỏi: “Tại sao bà nghe tin con chết mà không kinh hoảng hoặc té xỉu người đi???”. Liền hỏi luôn:
- Này bà, xin thứ lỗi cho tôi hỏi câu đường đột: Bà không thương xót lệnh lang hai sao?
Bà lão thong thả đáp:
- Thưa ông! Cái đạo con cái với cha mẹ là tự túc nhân nghiệp báo nên mới có sự thác sinh vào nhà chớ không phải là do cha mẹ mời vào mà được, đến khi họ chết, cũng là do mãn nhân, mãn nghiệp mà họ đi, nên cũng không thể lưu họ lại. Cha mẹ khác nào như người chủ quán trọ chiều nay có khách lại ngủ đỡ, sáng mai hay ngày kia khách lại ra đi, chủ quán không thể lưu lại. Ấy sự liên quan giữa cha mẹ và con cái cũng thế đó. Vậy thì: Có thương tiếc hay kêu gào khóc lóc liệu có thể cứu sống lại được người đã chết không? Hay chỉ là gây thêm phiền não mà chẳng có ích gì?
Nghe câu trả lời của bà cụ, khách rất hoang mang cho rằng vợ chồng ông già này quả thật là xứng đôi vừa lứa. Cả hai đều có một tấm lòng sắt đá giống nhau. Giữa lúc này, từ phía trong nhà, một người con gái đi ra, bà lão giới thiệu là chị gái người vừa chết. Khách liền hỏi ngay:
- Em trai cô vừa bị rắn cắn chết, chắc cô thương xót lắm nhỉ?
- Thương xót là lẽ thường, nhưng thương xót có thể cứu người em sống lại được chăng? Tôi tưởng: Chị em một nhà, khác nào như các cây gỗ ở rừng hạ xuống đóng thành cái bè rồi thả vào nước cho trôi. Nếu sông hồ phẳng lặng thì bè trôi mãi, bằng có cơn phong ba bão táp nổi lên đánh tan chiếc bè thì mỗi cây trôi đi mỗi ngả, có bao giờ còn hy vọng lắp lại liền với nhau? Tình chị em cũng thế. Ðó là nhân duyên kiếp trước hợp rồi sinh vào một cửa. Tuổi thọ cũng tùy nghiệp báo, có người ngắn có người dài, và ngày chết cũng là vô thường, không sao biết trước được. Nay em tôi chết, mặc dầu tôi là chị hắn, nhưng tôi có làm gì được đâu? Huống chi là khóc với lóc, có phải không ông?
Người này đang nói, bỗng ở đằng sau, thấy một người đàn bà nữa tiến ra, khi nghe cô chị nói xong thì kêu lên:
- Thế ra chồng tôi đã chết rồi?
- Ðúng đấy! Chồng bà đã bị rắn cắn chết ở ngoài đồng. Vậy bà đau buồn lắm thì phải?
- Thưa ông! Chồng chết ai không đau buồn, nhưng cái đạo vợ chồng ở đời khác nào như đôi chim trong rừng, tối đến cùng ngủ một cành, sáng ngày lại bay đi kiếm ăn, nếu có duyên thì trở về cùng nhau, nhược bằng gặp tai họa thì mỗi con bay đi một ngả. Ấy nghĩa vợ chồng ở đời là thế, mỗi người có một số mạng riêng, không làm sao mà nói được rằng: Chồng chết thay cho vợ, hay vợ chết thay cho chồng. Như thế khóc lóc phỏng có ích gì?
Viễn khách nghe lời mọi người trong gia đình này nói ra thì lòng sanh hoài nghi cho thế tục nhân tâm ở xứ này, liền hối hận đã mất công tìm đến xứ này để học cái hay cái tốt của Ðức Phật giáo hóa dân chúng; nào ngờ dân chúng như thế hỏi còn học được cái gì ở đây? Chi bằng lui gót trở về quê hương xứ sở là hơn. Nhưng hồi lâu lại nghĩ: Mình chưa được gặp Ðức Phật đã nóng nảy phê bình một vài thái độ của dân, rồi vội vã quay về, như thế là hành động nông nổi chưa chín chắn, chắc sau này có điều phải ân hận… Vậy ta phải đến thẳng tịnh xá tại vườn Kỳ Viên, để được gặp Ðức Phật đã rồi sẽ hay. Nghĩ rồi, khách đi thẳng một hơi tới Tịnh xá và được ra mắt Phật.
Khi thấy Phật, khách khoan tay cúi đầu thi lễ, đoạn lui sang ngồi một bên, không nói không rằng: Ðức Phật đọc rõ ý kiến trong lòng khách, nhưng cũng cất tiếng từ bi hỏi:
- Tại sao viễn khách có bộ dạng buồn rầu?
- Bạch Thế Tôn, nhân vì con hy vọng một việc mà chưa được như ý nên trong lòng con không được vui vẻ.
- Có việc gì trái với bản tâm, tưởng cứ nói ra không nên để trong lòng phải ưu sầu không thể giải quyết được việc gì hết!
Lúc đó người khách mới thuật hết đầu đuôi câu chuyện đã gặp ở ngoài thành, cuối cùng khách phê bình thái độ của gia đình nông dân ấy là trái với tình đời.
Phật nghe xong mỉm cười dạy rằng:
- Ðiều mà viễn khách cho rằng trái với tình đời là thuộc về “nhân tính”. Còn chân lý thì không những không được thể hiện theo “nhân tính” mà còn phải tước bỏ nhân tính cho đến hết. Ðó mới thực là điều khẩn yếu của kẻ tu hành xuất gia.
Nghĩ một chút, Ngài nói tiếp:
- Viễn khách đây vì chưa hiểu chân lý, nên thấy gia đình nhà nông kia hành động như thế thì vội cho là “phản tình đời”. Nhưng đứng về mặt chân lý mà xét, thì những người ấy quả nhiên là không có hành động lỗi lầm, vì họ biết rõ thế nào là “cuộc đời vô thường”, nghĩa là con người đời không thể nào nắm giữ vĩnh viễn được cái “sắc thân” làm sinh mệnh bấy hủy bất diệt của mình. Kìa xem từ xưa tới nay, dù là phàm hay Thánh, cũng không ai có thể tránh được cái chết.
Nếu vì một cái chết mà cả nhà theo nhau khóc lóc đến phát đau, phát ốm thì sự khóc lóc ấy hỏi có ích lợi gì cho cả người sống lẫn người chết? Vả chăng, con người ngay từ lúc sơ sinh, đã nắm chắc lấy cái chết trong tay rồi. Nay thấy sự chết mà gây phiền não trong lòng quá đỗi thì ta “mê hoặc” chưa hiểu cái lẽ sống chết. Nên biết rằng “sống” và “chết” là hai đầu mối luôn luôn tiếp diễn và luân chuyển không lúc nào ngừng. Hễ đã biết rõ được như thế là đã giải thoát rồi.
Viễn khách nghe Ðức Phật giảng giải cho nghe một hồi thì lòng thoát nhiên tỉnh ngộ. Liền nguyện xin ở lại làm đệ tử của Phật và qui y Phật pháp tức thì. Viễn khách này sau trở nên một vị Tỳ kheo rất tinh tiến.
KHÚC CA PHẬT TÂM
(Dịch thơ: Thiền sư Thích Thanh Từ)
(Thiền viện: Trúc Lâm Yên Tử)
Phật! Phật! Phật! không thể thấy!
Tâm! Tâm! Tâm! không thể nói!
Khi tâm sanh tức là Phật sanh,
Bằng Phật diệt là lúc tâm diệt.
Diệt tâm còn Phật chuyện không đâu,
Diệt Phật còn tâm bao giờ hết.
Muốn biết tâm Phật, tâm sanh diệt,
Hãy chờ Di lặc sau sẽ quyết.
Xưa không tâm, nay không Phật,
Phàm Thánh trời người như điện phất.
Tâm thể không thị cũng không phi,
Phật tánh chẳng hư cũng chẳng thực.
Bỗng dưng khởi, bỗng dưng dừng,
Xưa nay qua lại luống lẩn quẩn.
Há chỉ chôn vùi nếp tổ tông,
Lại khiến yêu ma vào nhà lộng.
Muốn cầu tâm, chớ tìm ngoài,
Bản thể như nhiên vốn không tịch.
Niết bàn sanh tử buộc ràng suông,
Phiền não Bồ đề hư giả nghịch.
Tâm tức Phật, Phật tức tâm,
Linh diệu chiếu cùng kim cổ thông.
Xuân đến, tự hoa xuân mỉm miệng,
Thu về, đâu chẳng nước thu trong.
Bỏ vọng tâm, giữ chân tánh,
Khác nào tìm ảnh mà quên kính.
Nào hay ảnh vốn tự gương ra,
Chẳng biết vọng do từ chân hiện.
Vọng lên chẳng thực cũng chẳng hư,
Gương nhận không tà cũng không chính.
Vẫn không tội, vẫn không phúc,
Lầm sánh ma ni cùng bạch ngọc.
Ngọc có vết chừ châu có tỳ,
Tánh vốn không hồng cũng không lục.
Cũng không được, cũng không mất,
Bốn mươi chín ấy là thất thất.
Sáu độ muôn hạnh: biển sóng trào,
Ba độc chín tình: giữa không nhật.
Lặng! lặng! lặng! Chìm! chìm! chìm!
Tâm của muôn loài tức Phật tâm.
Phật tâm bèn với tâm ta hiệp,
Pháp vốn như nhiên suốt cổ kim.
Đi cũng thiền, ngồi cũng thiền,
Giữa lò lửa rực một cành sen.
Ý khí mất đi thêm ý khí,
Được an tiện đấy cứ an tiện.
Chao! chao! chao! Ối! ối! ối!
Bọt trong biển cả uổng chìm nổi.
Các hạnh vô thường thảy thảy không,
Linh cốt tiên sư tầm đâu tá!
Thức thức tỉnh! Tỉnh tỉnh thức!
Dẫm đất bốn bề chớ lệch nghiêng.
Ai có như lời tin được vậy,
Đạp đảnh Tỳ lô bước bước lên.
Tâm! Tâm! Tâm! không thể nói!
Khi tâm sanh tức là Phật sanh,
Bằng Phật diệt là lúc tâm diệt.
Diệt tâm còn Phật chuyện không đâu,
Diệt Phật còn tâm bao giờ hết.
Muốn biết tâm Phật, tâm sanh diệt,
Hãy chờ Di lặc sau sẽ quyết.
Xưa không tâm, nay không Phật,
Phàm Thánh trời người như điện phất.
Tâm thể không thị cũng không phi,
Phật tánh chẳng hư cũng chẳng thực.
Bỗng dưng khởi, bỗng dưng dừng,
Xưa nay qua lại luống lẩn quẩn.
Há chỉ chôn vùi nếp tổ tông,
Lại khiến yêu ma vào nhà lộng.
Muốn cầu tâm, chớ tìm ngoài,
Bản thể như nhiên vốn không tịch.
Niết bàn sanh tử buộc ràng suông,
Phiền não Bồ đề hư giả nghịch.
Tâm tức Phật, Phật tức tâm,
Linh diệu chiếu cùng kim cổ thông.
Xuân đến, tự hoa xuân mỉm miệng,
Thu về, đâu chẳng nước thu trong.
Bỏ vọng tâm, giữ chân tánh,
Khác nào tìm ảnh mà quên kính.
Nào hay ảnh vốn tự gương ra,
Chẳng biết vọng do từ chân hiện.
Vọng lên chẳng thực cũng chẳng hư,
Gương nhận không tà cũng không chính.
Vẫn không tội, vẫn không phúc,
Lầm sánh ma ni cùng bạch ngọc.
Ngọc có vết chừ châu có tỳ,
Tánh vốn không hồng cũng không lục.
Cũng không được, cũng không mất,
Bốn mươi chín ấy là thất thất.
Sáu độ muôn hạnh: biển sóng trào,
Ba độc chín tình: giữa không nhật.
Lặng! lặng! lặng! Chìm! chìm! chìm!
Tâm của muôn loài tức Phật tâm.
Phật tâm bèn với tâm ta hiệp,
Pháp vốn như nhiên suốt cổ kim.
Đi cũng thiền, ngồi cũng thiền,
Giữa lò lửa rực một cành sen.
Ý khí mất đi thêm ý khí,
Được an tiện đấy cứ an tiện.
Chao! chao! chao! Ối! ối! ối!
Bọt trong biển cả uổng chìm nổi.
Các hạnh vô thường thảy thảy không,
Linh cốt tiên sư tầm đâu tá!
Thức thức tỉnh! Tỉnh tỉnh thức!
Dẫm đất bốn bề chớ lệch nghiêng.
Ai có như lời tin được vậy,
Đạp đảnh Tỳ lô bước bước lên.
Hết!
Subscribe to:
Posts (Atom)