(Trích "Truyện cổ Phật giáo")
Thuở Phật Ca Diếp còn tại thế, Ngài có một tăng đoàn gồm 20.000 (hai mươi ngàn) tỳ kheo đã diệt tận các lậu hoặc. Mỗi khi du hóa một nơi nào, tất cả các Tỳ kheo ấy đều theo Phật Ca Diếp, cũng như 1250 Tỳ kheo thường đi cùng với Đức Bổn Sư Thích Ca vậy.
Một hôm, Phật Ca Diếp và Tăng chúng của Ngài đi đến thành Ba La Nại, dân chúng đua nhau đến đảnh lễ cúng dường và nghe Ngài thuyết pháp. Sau khi thọ thực xong, Phật nói lời tùy hỷ công đức như sau:
- “Này các cư sĩ, trong thế gian có bốn hạng người. Thế nào là bốn?
Một là những người tự mình làm phước bố thí, nhưng không khuyến khích kẻ khác làm. Hạng người này, trong tương lai được giàu có nhưng không được nhiều người theo.
Hai là những người khuyên kẻ khác bố thí, nhưng tự mình không bố thí. Hạng người này đời sau có phước báo được đông người theo, nhưng không có của cải.
Ba là những người tự mình không bố thí cũng không khuyên người bố thí. Hạng người này đời sau không có của cải cũng không có người theo, phải sống cô độc, ăn cơm thừa của kẻ khác.
Bốn là hạng người vừa tự bố thí, vừa khuyên người bố thí, hạng người này trong tương lai sẽ được cả hai phước báo: giàu có và đông người theo”.
Khi nghe như thế, có một người khởi lên ý nghĩ: “Ta cố làm sao để được hai phước ấy”. Rồi vị ấy đến đảnh lễ Phật, bạch rằng:
- Bạch Thế Tôn, xin Ngài đến thọ thực làng con vào ngày mai, để chúng con được phước cúng dường.
Phật Ca Diếp hỏi lại:
- Ngươi muốn cúng dường bao nhiêu vị Tỳ kheo?
- Bạch Thế Tôn, Tăng chúng của Ngài gồm bao nhiêu?
- Hai mươi ngàn.
- Bạch Thế Tôn, ngày mai xin Ngài đem theo tất cả Tỳ kheo ấy.
Đức Phật nhận lời. Người kia cầm một mảnh bối diệp (xưa dùng lá cây khô để viết chưa có giấy) trở về làng, rồi đi từng nhà khuyên sửa soạn cúng dường Phật và chư Tăng tùy khả năng của mỗi gia đình. Có nhà tình nguyện cúng dường 500 vị, nhà 200 vị, nhà 100 vị, nhà 50 vị v. v. . . Người kia đều ghi dấu vào lá bối để hôm sau thỉnh đúng số Tỳ kheo đến từng nhà. Trong làng, có một gia đình rất nghèo đến nỗi ông chủ được mệnh danh là “ông Chúa Nghèo”. Người kia cũng không quên ghé vào nhà Chúa Nghèo để tạo phước cho ông ta. Khi Chúa Nghèo nghe người kia muốn mình cúng dường chúng Tỳ kheo thì giật bắn người lên:
- Ối bạn ơi! Bạn coi nhà cửa tôi đây, đến một chỗ ngồi cũng không có, làm sao tôi cúng dường gì được? Tôi có đồng xu nào đâu? Hãy đến những nhà cao cửa lớn kia!
- Này bạn, không phải chính vì vậy bạn mới nên nhân cơ hội này mà gieo giống phước sao? Vì sao bạn phải nghèo? Phải chăng bạn chưa từng giúp ai một chút gì cả?
Chúa Nghèo ngẫm có lý bèn ưng thuận:
- Được. Vậy thì xin bạn ghi cho tôi cúng dường một vị tỳ kheo.
Người kia bằng lòng nhưng không ghi vào lá vì y nghĩ rằng một vị thì ít quá, chẳng cần ghi làm gì. Y từ giã, tiếp tục đi phổ khuyến.
Chúa Nghèo gọi vợ ra, cho hay ý định cúng dường một vị Tỳ kheo của mình, và đề nghị với vợ cùng đi làm mướn để đủ tiền sắm sửa các thứ. Người vợ bằng lòng ngay và cả hai cùng đi đến một nhà phú hộ. Nhà này sẳn lòng mướn hai vợ chồng làm việc một buổi chiều hôm ấy để chuẩn bị cho việc cúng dường hôm sau. Họ mướn Chúa Nghèo giã gạo, còn bà vợ thì gánh nước. Hai vợ chồng làm việc rất hăng hái, nét hân hoan lộ hẳn trên gương mặt, đến nỗi chủ nhà hỏi nguyên do. Khi được biết họ làm mướn để có tiền mua thực phẩm cúng dường một vị Tỳ kheo, phú ông cảm khái, trả công gấp bội. Với số tiền nhận được họ mua ít gạo thơm hảo hạng, trái cây quí và ít đồ vặt vãnh để nấu nướng.
Sáng hôm sau, Chúa Nghèo dậy sớm đi hái rau bên bờ sông về cho vợ làm thức ăn. Một người đánh cá hỏi:
- Chúa Nghèo hái rau làm gì sớm thế?
- Tôi hái rau để cúng dường một vị Tỳ kheo.
- Thế à! Vị nào ăn rau của Chúa Nghèo cúng dường chắc là hên lắm đó.
- Thôi tôi đi đây, sắp tới giờ cúng dường rồi.
Chúa Nghèo sung sướng đem rau về cho vợ. Khi ấy, từ trong tịnh xá của Ngài, Phật Ca Diếp đã biết được một người nghèo đang thành tâm sửa soạn cúng dường một vị Tỳ kheo. Ngài cũng biết được rằng tất cả chúng Tỳ kheo đã được sắp đặt vào từng nhà, mỗi nhà sẽ cúng dường một số Tỳ kheo. Duy chỉ có nhà Chúa Nghèo chỉ cúng có một vị, người phổ khuyến quên ghi vào lá, do đó mà y đã không chừa một người nào cho Chúa Nghèo. “Vậy chỉ còn ta để cho Chúa Nghèo gieo ruộng phước”, Phật nghĩ thế, và Ngài lấy làm hoan hỷ, vì Phật vốn thương những kẻ nghèo cùng. Vừa khi Ngài có ý định như vậy, thì vua trời Đế Thích cảm thấy chiếc ngai vàng đang ngồi rung mạnh, “Có chuyện gì thế?” Vua trời ngẫm nghĩ, và biết chính tấm lòng thành khẩn của Chúa Nghèo ở dưới thế đã làm chấn động đến chư thiên. “Ta phải giúp Chúa Nghèo một tay để sửa soạn món ăn cúng dường Phật”. Đế Thích cùng với vợ rời thiên cung bay xuống, hóa làm hai vợ chồng nghèo đang đi tìm việc làm. Đến gần nhà Chúa Nghèo, Đế Thích hỏi:
- Nhà có việc gì làm không? Cho chúng tôi làm với.
- Ông lão ơi! Chúng tôi có nhiều việc làm lắm, nhưng thú thật là chúng tôi không có tiền để trả công ông lão.
- Bạn làm gì thế?
- Chúng tôi làm thức ăn cúng dường vị Tỳ kheo.
- Ồ, việc phước ấy thì tôi cũng muốn hùn. Tôi không cần trả công đâu.
- Tốt lắm. Vậy lão hãy giúp chúng tôi.
- Xin vâng.
Rồi hai vợ chồng Đế Thích bước vào nhà, Đế Thích bảo:
- Bây giờ, để chúng tôi làm thức ăn cho. Bạn hãy đi thỉnh vị Tỳ kheo của bạn đi.
Chúa Nghèo đi đến vị phổ khuyến hôm qua. Y bảo:
- Ồ bạn! Tôi quên bẵng. Không còn vị Tỳ kheo nào cho bạn thỉnh vì tất cả đều nhận lời các nhà khác rồi.
Không thể nào tả nỗi tuyệt vọng lớn lao của Chúa Nghèo lúc ấy. Chúa Nghèo đấm ngực, lăn ra mà khóc.
-Trời đất ơi! Bạn hại tôi rồi! Suốt hai hôm nay, chúng tôi làm việc tối mắt tắt đèn để chờ đợi bữa trưa nay cúng dường một vị Tỳ kheo! Vậy mà bây giờ bạn bảo không còn vị nào! Bạn phải cho tôi một vị Tỳ kheo! Không thì tôi chết mất. Hu hu.
Quần chúng bu lại xem đông. Người kia bối rối năn nỉ:
- Này Chúa Nghèo, xin Chúa Nghèo đừng làm tội tôi nữa. Tôi lỡ đi mà. Chúa Nghèo tha cho tôi đi.
- Không biết! Phải cho tôi một vị Tỳ kheo! Hu hu, hu hu.
Túng quá, người kia đánh bạo đề nghị:
- Thôi chúa Nghèo hãy đứng dậy, tôi bày cho một cách này. Đấng Đạo sư chưa nhận lời của ai, vì rất đông vua chúa đại thần đều muốn thỉnh Ngài. Vậy bạn hãy đến thỉnh Ngài đi. Ngài rất thương những người nghèo chắc Ngày sẽ nhận lời bạn đấy. Ngài đang ngồi trong tịnh xá nói pháp cho các bậc thượng khách nghe.
Chúa nghèo nghe lời, đứng lên đi đến tịnh xá. Vua và đình thần đang nghe pháp, thấy Chúa Nghèo tiến tới thì ngăn lại (vì họ tưởng Chúa Nghèo đến xin đồ ăn thừa):
- Chúa Nghèo! chưa đến giờ ăn đâu.
- Tôi biết. Tôi đi thỉnh Phật về nhà tôi thọ trai.
Đức Phật mỉm cười, chìa cái bình bát của Ngài ra, trao cho Chúa Nghèo một cách thân mật. Chúa Nghèo ôm lấy bình bát của Phật vào lòng, mặt mày hớn hở như đứa bé vừa được kẹo. Các ông Hoàng và đại thần chạy theo đề nghị:
- Chúa Nghèo, hãy nhường cái bát ấy cho ta cúng thức ăn cho Phật. Ta sẽ cho Chúa nghèo 1000 đồng.
- Không bao giờ tôi nhường cái bát này cho ai dù có đổi bạc triệu.
Chúa Nghèo trân trọng ôm bình bát của Phật về nhà để bày thức ăn. Vua đang ngồi gần Phật ngẫm nghĩ: “Lão Chúa Nghèo chắc chẳng có gì ngon lành mà cúng dường Đức Thế Tôn đâu. Chi bằng ta sắm sẵn các thức ăn thượng vị đựng trong một cái bát khác, chờ khi Chúa Nghèo dâng lên Phật ta sẽ đổi thức ăn của ta cho Phật dùng.
Đến giờ thọ thực, Phật Ca Diếp đến nhà chúa Nghèo. Vua đi theo ý định như trên. Nhưng khi Phật vào nhà Chúa Nghèo, Đế Thích đã hóa trang để dâng Phật một bát đầy thức ăn mùi thơm bay khắp không gian. Vua đành thất vọng bẻn lẻn cáo từ Phật trở về.
Do phước báo cúng dường Phật Ca Diếp, Chúa Nghèo được sanh lên cõi Trời cho đến khi Phật Thích Ca ra đời mới trở xuống trần thế, sanh vào nhà một thí chủ thân tín của Ngài Xá Lợi Phất. Khi mang thai Chúa Nghèo người mẹ bổng thông minh khác thường, những người trong gia đình ai có bệnh tật gì đều được khỏi và trở nên thông tuệ. Do đó hài nhi được Tôn Giả Xá Lợi Phất đặt tên là Hiền Trí. Khi lên 7, Hiền Trí xin mẹ xuất gia làm đệ tử Tôn giả.
Tôn giả dạy cho chú tiểu những uy nghi phép tắc phải theo trước khi đưa chú vào thành khất thực. Lần đầu tiên ôm bát theo hầu thầy ra đường, chú hỏi Ngài khi thấy một con đê:
- Bạch Tôn giả, cái kia là cái gì?
- Chú tiểu, đấy là một con đê.
- Bạch Tôn giả, con đê dùng để làm gì?
- Để dẫn nước đi khắp nơi nào người ta muốn.
- Nhưng bạch Tôn giả, nước có hiểu biết gì không?
- Không đâu, chú tiểu. Nước là vật vô tri giác.
- Bạch Tôn giả, thế thì người ta có thể hướng dẫn một vật vô tri giác đến bất cứ chỗ nào người ta muốn hay sao?
- Chính vậy, chú tiểu
- Hiền Trí nghĩ: “Nếu người ta có thể hướng dẫn một vật vô tri tùy theo ý muốn thì tại sao ta lại không thể nhiếp phục tâm ý mình để chứng A La Hán quả?”
Đi thêm một quãng, chú thấy những người làm tên đang hơ những cây tên trên lửa và nheo mắt nhắm để uốn chúng cho thẳng. Chú tiểu hỏi:
- Bạch Tôn giả họ làm chi vậy?
- Họ đang uốn những cây tên cho thật thẳng.
- Cây tên có lý trí không?
- Không nó là vật vô tri.
Chú tiểu nghĩ: “Nếu người ta có thể uốn nắn một vật vô tri cho thẳng theo ý muốn, thì ta cũng có thể nỗ lực điều phục tâm ý để chứng quả A La Hán”
Một lát sau, hai thầy trò gặp những người thợ mộc đang đẽo bánh xe, chú lại hỏi:
- Bạch Tôn giả, họ làm gì thế?
- Đây là thợ mộc đang đẽo bánh xe.
- Bánh xe có lý trí không?
- Không, bánh xe chỉ chạy theo ý người muốn.
Khi ấy chú tiểu trao y bát cho thầy và bạch:
- Bạch Tôn giả, con muốn trở về tịnh xá.
Tôn giả Xá Lợi Phất không nói một lời đỡ lấy y bát trên tay chú tiểu. Chú tiểu vái chào thầy xong còn quay đầu lại dặn Tôn giả:
- Bạch Tôn giả, khi nào Ngài ăn xong xin đem thức ăn về cho con.
Tôn giả Xá Lợi Phất nhận lời và vốn cẩn thận, Ngài sợ chú tiểu ngủ ngoài trời có thể bị rắn cắn, hay sâu bọ đốt, bởi thế Ngài trao chìa khóa cho chú tiểu và bảo:
- Hãy mở cửa tịnh thất của ta mà vào.
Chú tiểu vâng lời. Vào phòng Tôn giả, chú bắt đầu tỉnh tọa thiền quán. Khi ấy Đế Thích ở trên trời cảm thấy chiếc ngai vàng rung động, và nhận ra rằng chú tiểu Hiền Trí đang ngồi thiền quyết chứng quả A La Hán trong ngày đó, nên Ngài muốn giúp chú một tay. Ngài bảo thần mặt trời phải đi chậm lại, kéo dài buổi sáng ra trọn ngày, và sắc cho Tứ Thiên vương đứng gác bốn góc chùa, đuổi hết chim chóc ra khỏi vườn đừng gây tiếng động. Do đó, Kỳ Viên tịnh xá trở nên yên tĩnh lạ thường. Thỉnh thoảng mới có một âm thanh rất nhỏ gây nên bởi một chiếc lá vàng lìa cành rơi xuống.
Trong khi ấy, Tôn giả Xá Lợi Phất vào nhà người thí chủ quen biết để khất thực. Gia chủ vừa mới mua thực phẩm về nấu nướng cũng vừa xong, ông đem đặt vào bát Ngài. Tôn giả định đem về cho chú tiểu như lời chú tiểu dặn nhưng gia chủ xin thỉnh Tôn Giả cứ dùng, sẽ còn phần khác để Tôn giả đem về. Tôn giả ngồi lại thọ thực.
Đúng lúc ấy, từ tư thất của Ngài, đức Phật Thích-Ca quan sát bằng Phật nhãn thanh tịnh thấy chú tiểu có thể chứng quả A La Hán trong vài giờ nữa, nhưng nếu Tôn giả Xá Lợi Phất mà về lúc này, đem thức ăn vào phòng cho chú tiểu thì lỡ mất dịp đắc quả của chú. Do đó Đức Phật quyết định đi đến tịnh thất của Tôn giả để đón đường. Vừa khi Tôn giả trở về, Ngài gặp ngay đức Đạo Sư đứng trước cửa. Tôn giả thi lễ, đức Đạo Sư hỏi vị thông tuệ của Ngài về một số câu hỏi trong luận tạng, chỉ cốt kéo dài thời gian cho chú tiểu có thể đắc quả. Khi biết Hiền Trí đã chứng quả, Ngài bảo Tôn giả Xá Lợi Phất:
- Bây giờ, này Xá Lợi Phất, hãy đem thức ăn vào cho chú tiểu Hiền Trí đi.
Tôn giả khỏ cửa. Chú tiểu bước ra đỡ lấy bát trên tay Ngài đặt xuống một nơi, rồi bắt đầu quạt cho Ngài. Tôn giả bảo:
- Này chú hãy ăn sáng đi.
- Bạch Tôn giả, còn Tôn giả thì sao?
- Ta đã ăn rồi.
Khi chú tiểu mới ngồi xuống quán tưởng năm điều rồi thọ thực. Khi chú đã ăn xong, rửa bát và dọn dẹp xong, thì mọi sự mới trở lại bình thường: Mặt trời bắt đầu lặn, trăng từ từ lên, Tứ thiên vương hết canh gác bốn góc chùa. Đế Thích trở về thiên cung ngồi vào chiếc ngai vàng thường lệ. Chúng Tỳ kheo bảo nhau:
- Thật kỳ lạ! Hôm nay buổi sáng hầu như dài suốt cả ngày, mà buổi chiều lại ngắn có một khoảnh khắc. Tại sao thế nhỉ?
Đức Đạo Sư giải thích:
- Đúng thế, này các Tỳ kheo, chính vì chú tiểu 7 tuổi kia phát tâm chứng quả A La Hán, mà tất cả trời Đế Thích, Tứ Thiên Vương, thần mặt trời, thần mặt trăng đều hỗ trợ cho công việc của chú ấy và để canh chừng, chính Như Lai cũng đã phải bỏ cả thì giờ nghỉ ngơi cho chú bé, một người nhân quán sát con đê dẫn nước, thợ làm tên, người làm bánh xe, mà quyết tâm nỗ lực thiền định để chứng quả vị bất lai.
“Người đào đê dẫn nước. Người làm tên uốn tên
Thợ mộc đẽo gỗ, còn người trí thì lo điều phục tâm mình”
(Pháp cú 80)
0 comments:
Post a Comment