Thursday, December 2, 2010

ÔNG LÃO TRONG AN DƯỠNG ĐỊA

Thích Tịnh Từ 

An Dưỡng Địa là một khu nhà mồ ở Phú Lâm, gần bến xe đi về lục tỉnh. Trong khu An Dưỡng Địa có chùa Huệ Nghiêm, có tháp Phổ Đồng. Tiền thân cuả chùa Huệ Nghiêm là Viện Phật Học Phổ Thông được thành lập đầu năm 1964, rồi chuyển qua Viện Phật Học Chuyên Khoa đầu năm 1971. Tôi và ba thầy Liêm Chính, Toàn Châu, Thiện Tường được Viện Trung Đẳng Chuyên Khoa Phật Học Liễu Quán ở Huế gửi vào đây học thêm bốn năm. Sau ba năm tu học theo chương trình cuả Viện, tôi đi thêm đoạn đường dài là đến tu học, hoằng hoá tại Hoa Kỳ.

Ở An Dưỡng Địa nổi tiếng có nhiều ma. Đêm đêm ra các nhà mồ ngồi ngắm trăng hay tham thiền một mình thì có thể gặp các cô gái tóc dài, đội nón lá xuất hiện ngồi khóc nỉ non trên các nấm mộ. Vì sự đồn đại có vẻ "dễ sợ" này mà trên 40 thầy giảng sư của Viện Cao Đẳng thường "cấm túc" khi bóng đêm buông xuống. Riêng tôi thì rất lỳ, không hề sợ chuyện ma quái. Chuyện các cô gái bận áo trắng, xoã tóc dài, đội nón lá khóc nỉ non trên các nấm mộ là chuyện rất lôi cuốn cái tâm hiếu kỳ cuả tôi.

Để coi việc ma là có thật hay hoang đường, một hôm vào mùa Đông tối trời vào khoảng 11 giờ đêm, tôi bận áo ấm, đầu trùm mũ len, mình khoác áo mưa, trong từng bước một chậm rãi và thầm niệm bài chú Đại Bi, đi đến các nấm mồ ở An Dưỡng Điạ để quan sát hư thật. Khi đến nhà mồ thì tinh thần tôi bị rối loạn, răng đánh bò cạp, đôi chân bị cứng lại và không di chuyển được. Tôi có ý nghĩ là mình nên ngồi xuống với tư thế "kiết già phu tọa, bắt ấn hàng ma". Nhưng không thể nào làm được, con người tôi lúc bấy giờ như một cây khô trồng giữa các nhà mồ sang trọng và giữa các nấm mộ nghèo, phủ đầy cỏ dại. Chuyện gì xảy ra?

Trước mắt tôi, không phải là các thiếu nữ bận áo trắng phủ tóc dài và ngồi khóc nỉ non, mà trước mắt tôi là một đám trẻ tàn tật, trần mình, đang bò lết chung quanh các nấm mộ, các nhà mồ sang trọng để tìm kiếm thức ăn: nào là trái cây, bánh chuối, xôi chè và đôi khi có cả đầu heo quay, gà quay, vịt quay nữa. "Các trẻ con ấy là những người chết không siêu hoá, nên làm thân cô hồn, là các vong linh không nơi nương tựa, đói khổ. Và chúng cứ đợi khi mặt trời lặn, bóng đêm xuống thì kéo nhau đi kiếm ăn từ nhà mồ, cho tới nhà cầu, bếp núc, thùng rác, máng heo...có nhiều thức ăn dơ bẩn, sót lại". Tôi nghĩ như vậy khi chứng kiến đám trẻ con mò mẫm tìm kiếm, tranh giành miếng ăn trên các nấm mộ. Vì vậy mà tâm tôi bị xúc động và thân tôi hoá thành gỗ đá, đứng trơ trơ như trời trồng. Ngay lúc đó, dưới ánh trăng non vằng vặc, tôi thấy một ông lão đầu trắng xoá, râu dài, tay chống gậy xăm xăm đi tới nơi các trẻ con ra hiệu cho chúng ngồi xuống. Có khoảng mười mấy đứa con nít tàn tật đều răm rắp tuân theo "lệnh" cuả ông lão, ngồi xuống chung quanh các nấm mộ. Bây giờ ông lão lên tiếng dạy bảo chúng những lời rành mạch đầy trìu mến: "Này các cháu! Trước khi ăn thức ăn nầy các cháu phải biết đọc lời cầu nguyện để bày tỏ lòng hiếu kính và biết ơn. Các cháu nên cùng nhau chắp tay đọc lời cầu nguyện với ta. Dạy xong, ông lão cất tiếng đọc và lũ con nít đọc theo:


"Kẻ chết oan không nơi nương tựa
Quanh quẩn chung quanh các nấm mồ
Lắng nghe câu niệm Phật siêu độ:
Nam Mô Cứu Khổ Quán Thế Âm
Nam Mô A Di Đà Kim Sắc
Nam Mô Cứu Khổ Quán Thế Âm
Nam Mô A Di Đà Kim Sắc..."


Tiếng niệm đều đặn, liên tục, trầm hùng danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm, danh hiệu Đức Phật A Di Đà đầy màu nhiệm dưới ánh trăng. Nghe tiếng cầu nguyện cuả ông lão và các em bé, khiến tôi ấm lòng, trầm tỉnh và buột miệng tôi cũng niệm theo câu niệm Phật rất chí thành. Bỗng một cơn gió mạnh thổi ngang qua, với từng tiếng rít dài, toàn thân tôi nghe lành lạnh, rồi phút chốc các hình ảnh trước mắt tôi tan biến. Tôi bàng hoàng và cảm được sự có mặt cuả sự sống trong cõi vô hình. Cũng từ đó, hằng đêm tôi thường đến các nấm mồ để nói pháp cho các vong thức, âm linh, cô hồn nghe. Có khi kiếm được tiền, tôi đã mua rất nhiều thức ăn, trái cây, bắp nổ, bông hoa và các loại kẹo bánh đem ban phát cho các cháu qua đời chưa siêu, còn vãng lai đêm đêm trên các nhà mồ nơi khu An Dưỡng Địa.

Trước khi đi Mỹ, tôi có ra nhà mồ An Dưỡng Địa để nói pháp và bố thí thức ăn cho các âm linh cô hồn lần cuối. Trong mắt tôi, chẳng thấy bóng dáng ông lão và các cháu nhỏ tàn tật nào cả. Nghĩa là tôi chỉ thấy một lần đêm đó mà thôi. Tôi ước ao được gặp họ lần nầy để từ giã, vì ngày mai khoảng 25 tiếng đồng hồ máy bay cất cánh là tôi có mặt tại Hoa Kỳ, không còn trên quê hương và không còn có cơ hội sinh hoạt đời sống tâm linh với những người quá cố tại An Dưỡng Địa nữa. Tôi ước ao và ngồi niệm Phật chờ đợi; chờ đến 1 giờ khuya mà chẳng thấy em thơ nào cả. Tôi nghĩ là tất cả các cháu đã được đi đầu thai và siêu hoá? Trên đường từ khu nhà mồ trở về phòng, tôi gặp ông lão. Ông bảo là ông gặp tôi lần này là để chúc tôi lên đường đi Mỹ. Ông xác chứng là các cháu nhỏ và nhiều âm linh, cô hồn, đã nhờ nghe giáo pháp của tôi vài lần mà tỉnh ngộ và được vãng sanh về cõi Tây Phương. Trước khi ẩn hình, ông lão có dặn dò tôi mấy điều:

"Ngày mai đi xa là tốt
Quyết đi ngay chớ chờ đợi
Năm 42 tuổi lên núi
Ngược bến thuyền qua đến bờ"

Tôi vừa nhẩm đọc lại bốn câu trên hai lần để nhớ, ông lão trầm ngâm một hồi rồi nói tiếp:

Nhớ mang diệu ngữ trao truyền
Nhớ nuôi nhân sự nối liền tông môn
Nhớ thắp đèn buổi hoàng hôn
Nhớ xây tu viện bảo tồn chánh nhân".


Tôi định hỏi vài điều về tương lai, nhưng ông lão biến mất. Cho đến bây giờ tôi vẫn hình dung một cách rõ ràng hình ảnh và lời dặn dò tâm huyết, dẫn đạo cho công phu tu tập, hoằng hoá cuả tôi trên xứ người. Với tôi, ông lão chắc chắn là hoá thân cuả Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Đúng như lời ông lão nói, năm 42 tuổi là năm 1983, tôi có cơ duyên lên núi Madona khẩn đất lập Tu Viện Kim Sơn.

THÍCH TỊNH TỪ

Ông Phật mũi đen


Có một Ni cô trên đường tìm chân lý đã chắt chiu nhờ thợ tạc riêng cho mình một tượng Phật nhỏ cỡ chừng gang tay bằng gỗ ngoài thếp vàng. Tượng Phật đó rất đẹp và Ni cô rất trân quí; đi đâu cũng mang theo, và thường đốt hương cúng dường cho Phật nữa. 
Năm tháng trôi qua, Ni cô vẫn luôn mang vác tượng Phật trên vai đi khắp nơi. Một ngày kia, nghĩ mình cũng lớn tuổi rồi, Ni cô dừng chân lại một ngôi chùa nhỏ miền quê; nhưng chùa này lại có rất nhiều tượng Phật lớn nhỏ. Mỗi vị Phật đều có bàn thờ riêng cả. Nhìn lại pho tượng Phật nhỏ xíu của mình, Ni cô thấy trong lòng ái ngại qúa. Ở nhờ chùa người ta nên khó lập bàn thờ riêng cho Phật mình, Ni cô đành phải thờ ké bàn thờ vậy.

Từ hồi nào đến giờ, Ni cô thường đốt hương trầm cúng dường "Phật của mình", nay trong cảnh thờ chung như vậy, Ni cô thấy trong lòng bất ổn; mấy ông Phật trụ xứ nhiều quá, ông nào ông nấy to lớn, lỗ mũi to như qủa quít thế kia thì hít hết khói hương trầm, còn gì cho ông Phật của mình nữa. Thiệt thòi cho Phật mình quá!

Ngày đêm suy nghĩ, Ni cô tìm được một kế thượng sách. Ni cô lấy giấy và ống nhựa nhỏ quấn lại với nhau thành hình một cái phễu (ống quặn) vừa đủ khói xông lên hun thẳng vào mũi ông Phật mình. Hay qúa, thế là mấy ông Phật trụ xứ kia đừng hòng ngửi ké nhá. Ni cô rất hoan hỷ, trong lòng vui sướng, ăn ngủ ngon lành.

Trải qua mấy tuần lễ đốt hương xông thẳng vào mũi Phật, cái lỗ mũi tượng Phật của Ni cô đen thui đầy muội hương trong khi mấy pho tượng Phật trụ xứ chẳng có sao hết. Cái lỗ mũi đen trên pho tương Phật bằng vàng làm cho pho tượng trông xấu xí, kỳ cục hơn các tượng Phật khác.

Ối chao, làm Phật rồi mà còn khổ thế.
Khổ thay, khổ thay!

Vấn đề then chốt nhất của người đi tìm chân lý giải thoát là phải phân biệt rõ ràng ranh giới giữa Yêu, Ghét, Tham Đắm và Ràng Buộc. Cái ranh giới đó hay bị lẫn lộn nhập nhằng với nhau, nhưng thực ra, chúng khác nhau đấy.
Sự ràng buộc đắm trước là một tai họa, một nguy hiểm giết chết Tình Yêu. Không có một vật gì nguy hiểm hơn, độc hại hơn lòng chiếm hữu dính mắc.
Bạn phải cố gắng hiểu cho kỹ điểm này, rồi chúng ta đi vào cốt truyện.
Rất nhiều người đã lầm lẫn Tình Yêu và sự Chiếm Hữu. Chiếm Hữu không phải là mặt trái, không phải là một phần của Tình Yêu gì cả. Nó là sự đối nghịch hoàn toàn.

Tình Yêu (viết hoa) không đơn thuần có ý nghĩa là tình yêu nam nữ, mà còn là tình yêu quê hương, tình yêu cha mẹ, tình yêu chúng sanh, v.v... Một thứ tình yêu bao la không biên giới, không phân biệt màu da, chủng tộc, quốc gia gì cả. Sức mạnh Tình Yêu Đại Đồng này có công năng tiêu hủy cái tự ngã vị kỷ hẹp hòi của bạn để bạn hòa hợp mình vào với mọi người, với chúng sanh, với vũ trụ và sẽ giúp bạn thăng hoa nhân cách tới mức tối thượng. Hơn thế nữa, Tình Yêu Đại Đồng đó sẽ giúp bạn đối diện dễ dàng với cái chết, và từ đó, bạn cũng sẽ dễ dàng thực tập thiền định.

Tình Yêu sâu thẳm hơn cái Chết, Thiền Định sâu thẳm hơn Tình Yêu. Trong thiền định, tự ngã của bạn phải vắng bóng; cái tự ngã của bạn phải chết đi. Khi bạn không dính mắc bám víu một cái gì, khi bạn hòan tòan thoát ly ra được cái ngục tù "Tự Ngã" thì bạn mới thể nhập được vào Đại Định.
Danh từ tiếng Anh "Ecstasy" rất dẹp và có ý nghĩa. "Ecstasy" có nghĩa là đứng bên ngoài, đứng ngoài lề. Nhưng trong đạo Phật, "Đại Định" mang ý nghĩa sâu xa hơn, hàm xúc hơn, triệt để hơn ý nghĩa xuất thần, nhập định rất nhiều.

Thiền Phật giáo không đơn thuần là trạng thái xuất thần, đi vào những cảnh giới lạc thú như các cõi trời mà là nghệ thuật kiến chiếu vào thể tánh của chúng ta; nó chỉ con đường từ triền phược đến giải thoát, nó đưa chúng ta đến uyên nguyên của cuộc sống, uống ngụm nước đầu nguồn, cởi bỏ tất cả những sự ràng buộc chấp mắc. Khi nhập vào đại định, ta có thể khai phóng tất cả năng lực nội tại và tự nhiên tích tập trong mỗi người chúng ta ( Thiền Luận của Dr. Suzuki). Nghệ thuật trong thiền chính là nghệ thuật học cách Chết. Chết con người khốn nạn tầm thường này để trở thành một con người mới toàn thiện hơn. Do đó, Tình Yêu có nghiã là chết đi cái tự ngã nhỏ hẹp ích kỷ để sống an lạc và chia xẻ hạnh phúc với mọi người, mọi loài... Nó khác xa tính chất độc hại của sự chiếm hữu ràng buộc.

" Có một Ni cô trên đường đi tìm chân lý đã dành dụm tiền nhờ tạc một tượng Phật bằng gỗ thếp vàng. Tượng Phật đó rất đẹp và Ni cô đi đâu cũng mang theo kè kè... "
Từng chữ một trong câu truyện này cần phải giải thích trọn vẹn. "Một Ni cô" Tại sao lại là một ni cô mà không phải là một ông thầy tăng? Có phải vì đầu óc và trái tim phụ nữ rất chật hẹp và thích chiếm hữu cho nên nhân vật cốt truyện là một ni cô?

Chúng ta khoan phê bình đánh giá vội. Không phải chỉ riêng có phụ nữ mới có tánh ích kỷ, hẹp hòi, tham lam, đố kỵ, nhiều tật xấu đâu, mà những ngừơi đàn ông cũng có những tật xấu đó. Nhưng trước hết, chúng ta thử phân tích "Tại sao người đàn bà ích kỷ, sở hữu nhiều hơn đàn ông?" — Bởi vì tánh ích kỷ sở hữu thoát thai từ sợ hãi.

Phụ nữ là một linh vật yếu đuối về thể chất. Vì sự yếu đuối thể chất đó, họ cần nương dựa; họ cần được bảo vệ. Từ những ngày đầu của thời kỳ khai thiên lập địa, phụ nữ đã phải nương dựa vào cánh đàn ông để được che chở và bảo vệ khỏi thú dữ để sinh tồn. Lâu dần, họ trở nên phụ thuộc và tự biến mình thành cái bóng sau lưng người đàn ông. Và càng yếu đuối chừng nào, họ càng sợ thêm chừng đó, càng sợ lại càng chiếm giữ ràng buộc, sợ mất đi sự che chở, sợ mất đi sự bảo vệ, sợ mất đi sự nương dựa. Ngay cả khi họ đang đựơc bảo vệ, họ cũng vẫn cảm thấy không hài lòng thỏa mãn. Họ vẫn cảm thấy bất an, lo sợ sẽ mất đi cái an toàn, cái phao che chở đó, và từ đó, tánh chiếm hữu ràng buộc tự lợi nẩy sanh, không muốn chia xẻ với ai cái họ đang nắm giữ. Vì thế, trong câu truyện, hình ảnh ni cô, người phụ nữ, đã được lựa chọn. Song, bạn cần phải nhớ kỹ rằng không có sự khác biệt gì nếu bạn mang thân tướng đàn ông mà ích kỷ, hẹp hòi, không rộng lượng thì thể chất đàn ông nhưng tánh khí đàn bà đó. Điều đó còn tệ hơn nữa, phải không? Còn phụ nữ nào xả bỏ được tánh vị kỷ sở hữu thì hơn hẳn đàn ông rồi còn gì. Như vậy, sự khác biệt không phải đặt trên vấn đề nam giới hay nữ giới mà đặt trên cơ bản phong cách hành xử.

Nghe rằng Mahavira đã nói "Phụ nữ không thể nào giác ngộ được trừ phi người ấy trở thành đàn ông." Và mọi người tin theo nghĩ rằng phụ nữ phải cố gắng làm tất cả những việc phước đức để kiếp sau tái sanh lại làm phái nam. Thực ra, ý nghĩ đó quả là buồn cười và ngờ nghệch. Mahavira muốn nói là còn tư tưởng ích kỷ chiếm hữu đó thì không thể nào giác ngộ được chứ không phải nói còn cái thân tướng đàn bà là không gíac ngộ — vì còn sợ, còn chiếm hữu thì không Tình Yêu, không Thiền Định được.

"Ni cô đó tạc một pho tượng Phật bằng gỗ thếp vàng và đi đâu, Ni cô cũng mang theo."
Từ lúc tạc tượng Phật thếp vàng, Ni cô ngủ không an giấc vì lo sợ kẻ nào đó sẽ đột nhập vào rinh mất pho tượng quí này đi. Đang đi trên đường, nếu có ai chợt nhìn vào tay nãi trong có tượng Phật, Ni cô cũng giật thót người, cảm thấy bất an nghĩ rằng biết đâu họ biết trong túi có tượng Phật thếp vàng và sẽ cướp đi mất. Pho tượng trở thành gánh nặng, trở thành hàng rào cản bước tiến giải thoát của Ni cộ Tâm trí Ni cô xoay vần với lo sợ, bất an, và dính mắc. Còn chỗ trống nào đâu để an lạc giải thoát lọt vào! Pho tượng đã trở thành tâm điểm chiếm hữu, lo sợ và thờ phụng.
" Năm tháng trôi qua. Ni cô vẫn luôn mang tượng Phật đi khắp đó đây. Và một ngày kia, Ni cô dừng chân lại một ngôi chùa làng có rất nhiều tượng Phật..."
Thời gian trôi qua, không có dấu hiệu giác ngộ gì. Mang kè kè một tượng Phật như thế mà không thấy gì à? không giác ngộ gì sao? Lạ thật.
Phật là Giác ngộ, là Giải thoát, là Đại Ngã, là Chân Tâm, là Bản Thể; nhưng bạn không thể giác ngộ chân lý giải thoát đó nếu bạn vẫn vác nặng hành trang ràng buộc, chấp trước và vị kỷ. Dù bạn có mang vác trên vai bao nhiêu pho tượng Phật đi chăng nữa thì cũng dã tràng xe cát biển đông mà thôi.

Bên Trung Hoa, Nhật Bản, người ta đã xây dựng rất nhiều đại tự, đại tháp để thờ Phật. Ở Trung Hoa, có một ngôi cổ tự thờ 10,000 tượng Phật. Tuy nhiên, dù có hàng 10,000 tượng đi chăng nữa cũng chẳng giúp ích được gì cho ta cả nếu ta không chịu tu tập đọan trừ Tham Sân Si, Ngã Mạn, Tà Kiến, v.v...

Tượng Phật chỉ là một biểu trưng cho sự giác ngộ giải thoát; chiêm ngưỡng lễ lạy tượng Phật để tự nhắc nhở vốn sẵn có Phật tánh. Phật tánh có ở trong anh, có ở trong tôi, có ở trong em, có ở trong người giàu sang quyền quí cũng như ở trong kẻ ăn mày khốn khổ kia.

Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh!
Tất cả chúng sanh đều thành Phật!
Tất cả chúng sanh đều bình đẳng!

Hãy tìm một vị Phật sống. Hãy tìm vị Phật sống trong ta. Đừng rong ruỗi tìm cầu bên ngoài. Đừng trông chờ mong đợi sự cứu độ. Đừng dập đầu van lạy các ngẫu tượng cầu xin giải thoát. Vì thế, Ni cô này đã vác tượng Phật gỗ suốt nhiều năm mà chẳng thấu hiểu được gì. Cái tâm đắm chấp đã che mờ giác tánh trong Ni cô. Quả vậy, có cái gì khổ theo cái nấy. Người đời có gia đình, có cái nhà cái xe là lo lắng ôm giữ bảo vệ những thứ đó cả đời, sợ mai một mất đi và lo nối dòng nối dõi để giao phó của cải. Tu sĩ thì trụ trì một ngôi chùa nào hay thánh đường nào thì cũng dính mắc vào tự viện đó không thoát ra nổi, cũng lo kiếm đệ tử truyền trao lại. Cha truyền con nối; không muốn giao cho ai khác ngoài con ruột mình, đệ tử ruột mình. Cái chế độ phong kiến tự ngàn xưa đã bị chúng ta hủy bỏ đi để xây dựng chế độ tự do dân chủ; nhưng đó chỉ là hình thức thay đổi còn nội dung vẫn như cũ. Tự Ngã vẫn hoàn lại Tự Ngã đầy tham vọng ích kỷ, tư lợi và ràng buộc. Cái hay nhất của người tu sĩ là rày đây mai đó, đem chánh pháp giáo hóa chúng sanh. Chùa chiền, tự viện chỉ là trạm dừng chân qua đêm, đến sáng lại quảy gánh ra đi. Nếu phải trụ trì một ngôi chùa hay tự viện nào thì tu sĩ đó phải hằng tự giác tỉnh là Vạn Pháp vốn Vô Thường Vô Ngã. Không có cái gì trường tồn bất biến cũng không có cái gì là của ta cả. Sự vật đến đến đi đi, có có không không. Người tu sĩ phải luôn luôn có tâm niệm Xả Phá Ngã đó thì mới ứng phó đạo tràng, tùy duyên bất biến. Nếu không, họ sẽ sanh tâm đắm nhiễm, mắc kẹt vào chùa chiền, thánh đường, tự viện, tín đồ, danh lợi thế gian.

"Ni cô đó thường đốt hương trầm cúng dường tượng Phật của mình . Vì không muốn khói xông lên bay vào các tượng Phật khác, Ni cô đã chế ra một cái phễu nhỏ để khói chỉ bay thẳng vào mũi tượng Phật của mình."
Thấy chưa? Nội chỉ có khói hương thôi mà người ta đã phân biệt ích kỷ rồi huống chi là những thứ quí giá hơn, to lớn hơn gấp bội. Thế cho nên, chúng ta đã chứng kiến quá nhiều cảnh tranh giành tương tàn lẫn nhau để chiếm đoạt hay ôm giữ. Ông tu sĩ này nói xấu ông sư kia, bà ni cô kia bêu riếu bà vãi nọ. Đền thờ, chùa chiền, tự viện, v.v... đua nhau mọc lên như nấm, và cũng đua nhau khuếch trương, mưu cầu đóng góp, dụ dẫn tín đồ... Tất cả chẳng qua phản ảnh tâm Tham Đắm, Chấp Ngã, Mê Danh của những con người chưa liễu đạo. Ni cô trong truyện có phải chăng chính là hình ảnh của chúng ta? Chúng ta dã từng ra rả tụng kinh, sám hối, tọa thiền... nhưng chúng ta nào có thấu được chút hương thơm giáo lý của Phật, của Chúa, của Mahavira. Chúng ta xây bao tượng Phật, tượng Chúa, đền thờ, tháp tự, v.v. nhưng nào chúng ta thực hành được chút xíu nào lời các Thánh nhân dạy về giải thoát giác ngộ? Cũng như Ni cô mang vác tượng Phật suốt nhiều năm mà vô minh vẫn hòan vô minh, trói buộc vẫn hòan trói buộc.

Và chuyện gì đã xảy ra?
"Trải qua mấy tuần lễ bị hun khói như vậy, lỗ mũi ông tượng Phật vàng bị đen thui đầy muội hương. Cái lỗ mũi đen trên pho tượng vàng càng làm cho pho tượng Phật xấu xí, kỳ cục hơn..."
Điều đó đương nhiên phải xẩy ra cho tất cả những người còn tâm đắm nhiễm vị kỷ. Hương thơm không còn là hương thơm, chân lý không còn là chân lý nữa.

Hãy trở về nhìn lại các pho tượng Phật, tượng Chúa, tượng Krishna. Ở tất cả lỗ mũi của các pho tượng đó đều bị đen thui vì ám khói ích kỷ tư lợi, chấp trước vô minh của chúng ta. Lời cầu nguyện của chúng ta chỉ là lời cầu xin đưọc ban thêm ân huệ vật chất. Ngay khi chúng ta mở miệng ra nói: "Nhà thờ của tôi, chùa của tôi, thầy của tôi, đệ tử của tôi... Có danh từ "của tôi" thêm vào là đền đài, chùa chiền, tự viện... đều bị phá sập hoàn toàn.

Trước đây, chính tôi (tác giả) đã bị dẫn độ ra tòa vì tôi dám xâm phạm một nhà thờ. Ngôi nhà thờ đó đã đóng cửa, không hoạt động ít nhất là 20 năm rồi. Những tín đồ đã dọn đi nơi khác, không còn ở Ấn nữa. Nhà thờ này thuộc về giáo hội Thiên Chúa Giáo Anh và cũng không còn người Anh nào ở phố thị này, không ai chăm sóc trông nom nhà thờ cả. Nhà thờ ấy rất đẹp nhưng bị hoang phế.

Ngày kia, có vài tín đồ đến gặp tôi và nói:
"Chúng tôi không thuộc giáo phái Anh, nhưng chúng tôi không có nhà thờ riêng. Vậy ông có thể giúp chúng tôi mở khóa vào lễ Chúa không?"

Tôi đáp ngay:
"Được thôi, có gì đâu."
Và những tín đồ đó vào nhà thờ, quét dọn, lau chùi bụi bặm bám đen lỗ mũi của Chúa.
Tôi nói với họ:
"Không cần hỏi ai là chủ nhà thờ này cả. Người nào thờ phụng Chúa với tất cả lòng thành không riêng tư thì nhà thờ đó là của họ."

Nhưng hai, ba tháng sau thì tin tức bay tới tai những người trước kia bỏ tiền ra mua nhà thờ. Họ tìm luật sư và kiện tôi ra toà vì dám xâm phạm nhà thờ.
Công tố viên buộc tội:
— Tại sao ông dám mở khóa nhà thờ? Nhà thờ này thuộc về những nguyên cáo là những người bỏ tiền ra mua. Nó là tài sản của họ.
— Nhà thờ không phải là tài sản của bất cứ riêng ai. Nhà thờ chỉ là một phương tiện để mọi người có thể đến lễ lạy Chúa. Nhà thờ không phải là tài sản của riêng ai cả.
— Đó là luật pháp. Khi ông xâm phạm vào tài sản người khác, ông đã phạm tội.
— Được thôi, các ông có thể đóng cửa nhà thờ lại. Các ông có thể buộc tội tôi; nhưng hãy nhớ kỹ một điều là chính các ông, những con người ích kỷ tham đắm kia, đã giết chết Tôn Giáo! Chính các ông mới là kẻ có tội!"

Hãy nhớ kỹ lời Đức Đạt Lai Lạt Ma nói:
"Ngôi chùa của tôi chính tại Tâm tôi!"
Chùa tại Tâm. Phật tại Tâm!
Đủ rồi! 

Bài này CN nhận được từ 1 người bạn đạo.

Wednesday, December 1, 2010

Đối Cảnh Vô Tâm 1/7 - ĐĐ. Thích Thiện Thuận 05/2010

Đối Cảnh Vô Tâm 2/7 - ĐĐ. Thích Thiện Thuận 05/2010