Thursday, December 2, 2010

ÔNG LÃO TRONG AN DƯỠNG ĐỊA

Thích Tịnh Từ 

An Dưỡng Địa là một khu nhà mồ ở Phú Lâm, gần bến xe đi về lục tỉnh. Trong khu An Dưỡng Địa có chùa Huệ Nghiêm, có tháp Phổ Đồng. Tiền thân cuả chùa Huệ Nghiêm là Viện Phật Học Phổ Thông được thành lập đầu năm 1964, rồi chuyển qua Viện Phật Học Chuyên Khoa đầu năm 1971. Tôi và ba thầy Liêm Chính, Toàn Châu, Thiện Tường được Viện Trung Đẳng Chuyên Khoa Phật Học Liễu Quán ở Huế gửi vào đây học thêm bốn năm. Sau ba năm tu học theo chương trình cuả Viện, tôi đi thêm đoạn đường dài là đến tu học, hoằng hoá tại Hoa Kỳ.

Ở An Dưỡng Địa nổi tiếng có nhiều ma. Đêm đêm ra các nhà mồ ngồi ngắm trăng hay tham thiền một mình thì có thể gặp các cô gái tóc dài, đội nón lá xuất hiện ngồi khóc nỉ non trên các nấm mộ. Vì sự đồn đại có vẻ "dễ sợ" này mà trên 40 thầy giảng sư của Viện Cao Đẳng thường "cấm túc" khi bóng đêm buông xuống. Riêng tôi thì rất lỳ, không hề sợ chuyện ma quái. Chuyện các cô gái bận áo trắng, xoã tóc dài, đội nón lá khóc nỉ non trên các nấm mộ là chuyện rất lôi cuốn cái tâm hiếu kỳ cuả tôi.

Để coi việc ma là có thật hay hoang đường, một hôm vào mùa Đông tối trời vào khoảng 11 giờ đêm, tôi bận áo ấm, đầu trùm mũ len, mình khoác áo mưa, trong từng bước một chậm rãi và thầm niệm bài chú Đại Bi, đi đến các nấm mồ ở An Dưỡng Điạ để quan sát hư thật. Khi đến nhà mồ thì tinh thần tôi bị rối loạn, răng đánh bò cạp, đôi chân bị cứng lại và không di chuyển được. Tôi có ý nghĩ là mình nên ngồi xuống với tư thế "kiết già phu tọa, bắt ấn hàng ma". Nhưng không thể nào làm được, con người tôi lúc bấy giờ như một cây khô trồng giữa các nhà mồ sang trọng và giữa các nấm mộ nghèo, phủ đầy cỏ dại. Chuyện gì xảy ra?

Trước mắt tôi, không phải là các thiếu nữ bận áo trắng phủ tóc dài và ngồi khóc nỉ non, mà trước mắt tôi là một đám trẻ tàn tật, trần mình, đang bò lết chung quanh các nấm mộ, các nhà mồ sang trọng để tìm kiếm thức ăn: nào là trái cây, bánh chuối, xôi chè và đôi khi có cả đầu heo quay, gà quay, vịt quay nữa. "Các trẻ con ấy là những người chết không siêu hoá, nên làm thân cô hồn, là các vong linh không nơi nương tựa, đói khổ. Và chúng cứ đợi khi mặt trời lặn, bóng đêm xuống thì kéo nhau đi kiếm ăn từ nhà mồ, cho tới nhà cầu, bếp núc, thùng rác, máng heo...có nhiều thức ăn dơ bẩn, sót lại". Tôi nghĩ như vậy khi chứng kiến đám trẻ con mò mẫm tìm kiếm, tranh giành miếng ăn trên các nấm mộ. Vì vậy mà tâm tôi bị xúc động và thân tôi hoá thành gỗ đá, đứng trơ trơ như trời trồng. Ngay lúc đó, dưới ánh trăng non vằng vặc, tôi thấy một ông lão đầu trắng xoá, râu dài, tay chống gậy xăm xăm đi tới nơi các trẻ con ra hiệu cho chúng ngồi xuống. Có khoảng mười mấy đứa con nít tàn tật đều răm rắp tuân theo "lệnh" cuả ông lão, ngồi xuống chung quanh các nấm mộ. Bây giờ ông lão lên tiếng dạy bảo chúng những lời rành mạch đầy trìu mến: "Này các cháu! Trước khi ăn thức ăn nầy các cháu phải biết đọc lời cầu nguyện để bày tỏ lòng hiếu kính và biết ơn. Các cháu nên cùng nhau chắp tay đọc lời cầu nguyện với ta. Dạy xong, ông lão cất tiếng đọc và lũ con nít đọc theo:


"Kẻ chết oan không nơi nương tựa
Quanh quẩn chung quanh các nấm mồ
Lắng nghe câu niệm Phật siêu độ:
Nam Mô Cứu Khổ Quán Thế Âm
Nam Mô A Di Đà Kim Sắc
Nam Mô Cứu Khổ Quán Thế Âm
Nam Mô A Di Đà Kim Sắc..."


Tiếng niệm đều đặn, liên tục, trầm hùng danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm, danh hiệu Đức Phật A Di Đà đầy màu nhiệm dưới ánh trăng. Nghe tiếng cầu nguyện cuả ông lão và các em bé, khiến tôi ấm lòng, trầm tỉnh và buột miệng tôi cũng niệm theo câu niệm Phật rất chí thành. Bỗng một cơn gió mạnh thổi ngang qua, với từng tiếng rít dài, toàn thân tôi nghe lành lạnh, rồi phút chốc các hình ảnh trước mắt tôi tan biến. Tôi bàng hoàng và cảm được sự có mặt cuả sự sống trong cõi vô hình. Cũng từ đó, hằng đêm tôi thường đến các nấm mồ để nói pháp cho các vong thức, âm linh, cô hồn nghe. Có khi kiếm được tiền, tôi đã mua rất nhiều thức ăn, trái cây, bắp nổ, bông hoa và các loại kẹo bánh đem ban phát cho các cháu qua đời chưa siêu, còn vãng lai đêm đêm trên các nhà mồ nơi khu An Dưỡng Địa.

Trước khi đi Mỹ, tôi có ra nhà mồ An Dưỡng Địa để nói pháp và bố thí thức ăn cho các âm linh cô hồn lần cuối. Trong mắt tôi, chẳng thấy bóng dáng ông lão và các cháu nhỏ tàn tật nào cả. Nghĩa là tôi chỉ thấy một lần đêm đó mà thôi. Tôi ước ao được gặp họ lần nầy để từ giã, vì ngày mai khoảng 25 tiếng đồng hồ máy bay cất cánh là tôi có mặt tại Hoa Kỳ, không còn trên quê hương và không còn có cơ hội sinh hoạt đời sống tâm linh với những người quá cố tại An Dưỡng Địa nữa. Tôi ước ao và ngồi niệm Phật chờ đợi; chờ đến 1 giờ khuya mà chẳng thấy em thơ nào cả. Tôi nghĩ là tất cả các cháu đã được đi đầu thai và siêu hoá? Trên đường từ khu nhà mồ trở về phòng, tôi gặp ông lão. Ông bảo là ông gặp tôi lần này là để chúc tôi lên đường đi Mỹ. Ông xác chứng là các cháu nhỏ và nhiều âm linh, cô hồn, đã nhờ nghe giáo pháp của tôi vài lần mà tỉnh ngộ và được vãng sanh về cõi Tây Phương. Trước khi ẩn hình, ông lão có dặn dò tôi mấy điều:

"Ngày mai đi xa là tốt
Quyết đi ngay chớ chờ đợi
Năm 42 tuổi lên núi
Ngược bến thuyền qua đến bờ"

Tôi vừa nhẩm đọc lại bốn câu trên hai lần để nhớ, ông lão trầm ngâm một hồi rồi nói tiếp:

Nhớ mang diệu ngữ trao truyền
Nhớ nuôi nhân sự nối liền tông môn
Nhớ thắp đèn buổi hoàng hôn
Nhớ xây tu viện bảo tồn chánh nhân".


Tôi định hỏi vài điều về tương lai, nhưng ông lão biến mất. Cho đến bây giờ tôi vẫn hình dung một cách rõ ràng hình ảnh và lời dặn dò tâm huyết, dẫn đạo cho công phu tu tập, hoằng hoá cuả tôi trên xứ người. Với tôi, ông lão chắc chắn là hoá thân cuả Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Đúng như lời ông lão nói, năm 42 tuổi là năm 1983, tôi có cơ duyên lên núi Madona khẩn đất lập Tu Viện Kim Sơn.

THÍCH TỊNH TỪ

0 comments:

Post a Comment