Tác giả TS Vũ Gia Hiền
Đã nhiều lần nghe nói về sự hiền từ của các nhà sư và sự đối xử từ bi của đạo Phật, nhưng vì chưa chứng kiến nên tôi vẫn còn hoài nghi. Âu cũng tại vì tôi là người nghiên cứu khoa học tâm lý, nên cứ muốn chứng minh mọi sự phải rõ ràng, phải mắt thấy, tai nghe.
Tôi chưa bao giờ được chứng kiến sự ứng xử của các nhà sư ở ngoài đời mà chỉ biết về các nhà sư ở trong chùa qua các câu chuyện chân kính.
Tuy rằng tin vào sự hiền hậu, những lời nói từ tốn, luôn nhận lỗi về mình, nhưng sự hoài nghi trong tôi về đời sống thực ở các nhà sư vẫn không thể trút bỏ, nhất là khi có nhiều tin đồn trái chiều, thất thiệt về đời sống của một số nhà tu hành. Phải chăng vì thế mới là đời thường? Rồi dịp may đã đến với tôi:
Trong một chuyến đi giảng ở trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch tại thành phố Nha Trang, hôm đó, tôi rời trường vào lúc 11 giờ trưa để gấp rút về SaiGon. Các em sinh viên vui vẻ tiễn tôi ra xe với tình cảm thân thiết.
Trên đường đi, xe bất ngờ thắng gấp, tôi giật mình, nhìn về phía trước và thấy một chiếc xe máy lượn vòng trước xe của chúng tôi đụng phải một nhà sư đang đi bộ ngang qua đường, nhà sư ngã lăn ra đường một lúc mới tự đứng dậy được.
Lúc đó, người chạy xe máy dừng lại định đỡ nhà sư dậy. Với vẻ mặt tự nhiên và hiền từ, nhà sư chắp tay nói với người đã đụng phải mình: “xin lỗi, xin lỗi…”.
Tôi thật sự ngạc nhiên, vì người sai là anh chạy xe máy chứ không phải nhà sư, và ngạc nhiên hơn nữa là nhà sư vẫn có phong thái từ tốn, nhận lỗi về mình, không chút bực tức, trách móc. Mọi việc được giải quyết như vậy, không một lời qua tiếng lại…
Hình ảnh nhà sư theo tôi suốt buổi chiều hôm ấy, và đến nay điều đó vẫn thôi thúc tôi không thể không viết lại câu chuyện này. Lòng tự hỏi, không biết bằng cách nào mà nhà sư lại bình thản khi bị xe gắn máy đụng ngã lăn ra đường, và điều gì đã giúp nhà sư không oán trách người đã gây ra tai nạn cho mình?
Trong cuộc sống của chúng ta, nói tốt đã khó, nhưng có được hành vi ứng xử tốt là việc khó hơn. Bản năng của con người là phản xạ, tự vệ trong các tình huống khi có tác động bởi ngoại cảnh.
Nếu người bình thường, hiền lắm thì cũng mắng cho anh chàng đi ẩu một hồi, nhưng ở nhà sư, vẫn nụ cười vô sự để mọi sự yên lặng qua đi, trong khi việc đau đớn do trầy xước thân thể là không thể nào tránh khỏi.
Tôi nghĩ, nếu là tôi, thì việc đầu tiên là phải kiểm tra cơ thể xem có bị thương tích gì không, sau đó phải nhận định đúng sai, ai chịu trách nhiệm đến đâu, lỗi do tôi hay do người chạy xe… để có hướng giải quyết. Nhưng đối với nhà sư sao mà mọi chuyện trở nên đơn giản thế.
Có ai bắt nhà sư phải cam chịu thiệt thòi như vậy? Người chạy xe cũng định đỡ nhà sư dậy cơ mà, nhưng nhà sư lại tự đứng dậy và xem mình là người có lỗi.
Theo thuyết nhà Phật, có duyên mới tạo ra nghiệp, trả nghiệp sẽ có duyên cao hơn, cứ theo thế mà thoát ra khỏi luân hồi. Tôi nghĩ, việc nhà sư đi trên đường và gặp người gây ra tai nạn cho mình vừa là duyên vừa là nghiệp của cả hai người.
Duyên tức là gặp người, nhưng do nghiệp còn, nên duyên đến thì nợ đến, trả được “nợ” tức là còn duyên. Nụ cười và câu xin lỗi của nhà sư với người gây tai nạn cho mình tức là nhà sư đang gieo duyên mới cho bước đường tu hành.
Nhà sư hôm đó đã tạo ra nhân duyên mới để có được giá trị văn hóa ứng xử cao, làm xúc động lòng người như thế, điều đó chỉ có nhà sư tự chứng biết. Và phải chăng sự tu hành đạt đến một mức độ nào đó thì người ta thoát khỏi sự sân hận.
Hình ảnh và cách ứng xử rất đẹp ấy của nhà sư trên đường phố Nha Trang đã làm cho lòng tôi rung động. Tôi thấy mình còn nhỏ nhoi, còn nhiều tham vọng quá. Tôi tự hỏi, trong cuộc sống đời thường bề bộn này, còn phải phấn đấu bao nhiêu nữa tôi mới được như nhà sư kia?...
http://lotus-lantern-canada.blogspot.com/2011/03/duyen-nghiep-o-noi-ta.html