Saturday, December 10, 2011

Câu chuyện hay thời Đức Phật

 293927_111408058964520_100002859801551_61083_784178774_n

Ngày xưa giữa vua Phạm Chí và vua Trường Sinh có mối thù từ nhiều đời kiếp. Vua Phạm Chí cất quân sang đánh chiếm nuớc của vua Trường sinh, bắt vua và hoàng hậu đem đi xử trảm. Thái tử còn nhỏ được người trung thần ẵm mang đi thoát được, mai danh ẩn tích trở thành một trẻ bụi đời kiếm sống bằng nghề hát rong. Một hôm đi ngang hoàng cung bấy giờ đã bị vua Phạm Chí chiếm đoạt, nghe giọng hát hay, hoàng hậu của vua Phạm Chí bèn gọi đứa trẻ vào cung để mua vui. Đứa trẻ được hoàng hậu yêu mến, cho ở luôn trong cung cấm. Một hôm xâu ngọc quý của hoàng hậu không cánh mà bay mất. Nhà vua, hoàng và đình thần đều nghi đứa bé ăn cắp, vì ngoài nó ra không người nào được vào ra trong cung. Khi bị bắt, đứa trẻ bèn nhận tội ngay không chối cãi. Hỏi cung, nó khai ra thêm bốn người liên lụy trong vụ này là thái tử, quan tể tướng, ông tỷ phú trong thành, và nữ danh ca được yêu chuộng nhất. Cả bốn người đều bị bắt vào tù. Quản tể tướng hỏi: "Này con, tại sao con biết rõ là ta không lấy, mà lại khai ẩu?".
Nó bảo: "Vì quan thông minh, đa mưu túc trí, thế nào cũng tìm ra manh mối vụ này".
Thái tử cũng hỏi nó một câu tương tự, nó đáp, "Tại vì ngài là con vua, vua sẽ không nỡ giết. Không lẽ cha mà lại đi giết con?".
Ông tỷ phú vào tù gặp nó, bứt đầu bứt tai bảo: "Trời đất quỷ thần ơi, sao cháu nỡ nào khai oan cho bác vậy?"
Thì nó tỉnh bơ đáp rằng: "Tại vì bác có thể bỏ tiền ra chuộc mạng để khỏi ở tù".
Và khi cô ca sĩ khóc lóc hỏi nó, "Em ơi, tại sao em nỡ vu khống cho chị lấy xâu chuỗi ngọc trong khi chị chẳng biết ất giám gì?"
Nó trả lời: "Vì thiên hạ đều hâm mộ chị, nên thế nào người ta cũng tìm cách đưa vụ này ra ánh sáng càng sớm càng tốt, để cứu chị thoát nạn lao tù".
Quả nhiên sau đó một người đầu đảng khét tiếng tài danh về nghề trộm cướp được đưa vào khám đường đối chất. Gặp nó, người chuyên nghề trộm cướp hỏi: "Trong cung, ngoài đức vua, hoàng hậu và bé ra, còn có con vật nào được ra vào không?"
- "Có một con khỉ thường theo chơi với hoàng hậu".
Kẻ trộm nổi danh đi về, rồi trở lại đem theo vào nội cung một bầy khỉ. Ông cũng xin cho đem con khỉ của hoàng hậu đến. Sau khi mượn tạm những xâu chuỗi của các cung nữ đang đeo, y phân phát cho mỗi con khỉ một chuỗi, rồi tự đeo vào cổ một xâu. Cả bầy khỉ đềm làm theo y, con nào cũng tròng chuỗi trang sức vào cổ. Con khỉ của hoàng hậu trông thấy liền bắt chước đi lấy xâu chuỗi ngọc quý nó đã ăn cắp ra đeo. Thế là nội vụ đã ra manh mối.
Khi nhà vua hỏi tại sao nó không lấy cắp mà chịu nhận tội, lại khai thêm những người vô tội khác. Nó trả lời, "Con chỉ là một tên bụi đời, dù con có nói mình không lấy cũng chẳng ai tin. Con không có chứng cớ gì để minh oan nếu không nhận tội sẽ bị vua trừng trị. Do vậy con cứ nhận đại, rồi khai thêm mấy người mà con biết có bị tống vào ngục cũng không sao. Họ là những người danh tiếng, có thể nhờ họ mà người ta sẽ ra công điều tra vụ án này". Vua công nhận thằng bé thông minh, và từ đấy càng thêm yêu mến, cho hầu cận luôn bên mình.
Một hôm theo vua đi săn lạc giữa rừng sâu, cậu bé bây giờ tuổi đã thành niên, đang canh cho vua ngủ. Thấy nhà vua ngủ say li bì, cậu tuốt gươm khỏi vỏ toan giết để báo thù cho cha, nhưng bỗng nhớ lời cha dặn: "Lấy oán báo oán, oán ấy chất chồng; lấy ân báo oán, oán ấy tiêu tan" cậu tra gươm vào vỏ. Đúng lúc ấy, nhà vua trở dậy kể lại giấc chiêm bao: "Vừa rồi ta mộng thấy con vua Trường Sinh đến báo mối thù giết cha ngày trước". Cậu bé liền thú thực với vua tông tích của mình, vốn là thái tử. Nhà vua cảm động, trả lại ngai vàng cho thái tử con vua Trường Sinh, lại gả con gái cho chàng. Mối thù giữa hai nhà từ đấy chấm dứt, hai nước láng giềng trở thành bạn hữu.

(theo daitangkinhvietnam) 

Trích SỰ TÍCH GIỚI LUẬT
Ni Sư Thích Nữ Trí Hải



Lấy ân trả oán, oán liền tan, có đúng không nhỉ ?

375208_323704407657244_100000530620666_1251167_442926256_n

Không biết mọi người thì sao, chứ Chơn Ngọc thì oan gia đầy ngỏ. Hồi xưa mình chưa quán chiếu tu tập nhiều thì khi bị oan gia  hại thì  mình  defense lại rất dữ dội. Nhưng sau này khi  được Sư Phụ chỉ dạy rất nhiều về cách quán chiếu, Sư Phụ bảo ai ai cũng có tánh Phật, không nhiều thì ít. Cho nên mỗi khi con bị hại và vu oan thì con cứ đối xử thật tốt với họ đi, tự nhiên họ cảm thấy hỗ thẹn với những việc họ đã làm với con và đồng thời con cũng trả được nghiệp cũ mà con đã gây tạo.

Rồi sư phụ còn chọc là kiếp trước Chơn Ngọc là vợ của vị quan rất lớn, ỷ quyền hành trong tay nên đàn áp biết bao người, nên kiếp này phải trả quả thật ghê gớm. ....Trời, không ngờ kiếp trước mình là đại ma đầu ....Cho nên kiếp này phải ráng mà trả quả thôi chứ biết sao ....

Sư Phụ dạy cách buông xả cũng rất hay, Sư Phụ nói khi mà con bị người ta hại, thì con phải biết quán chiếu, có 2 cách quán chiếu rất hiệu nghiệm:

Một là quán chiếu rằng  xem như mình  trả nợ cho người ta đi, phải vui vẻ mà trả thì nợ mới mau hết, người ta đòi 1 mình trả 100 luôn cho mau sạch nợ ....Chơn Ngọc mới nói: A! vậy con biết rồi, con giao cho oan gia của con nguyên cái nhà luôn, gia đình con ra ngoài chuồng heo  ở  ......Sư Phụ bảo, thiệt khg đó? Hay giao nhà cho đã rồi, khi người ta ăn nhậu tưng bừng trong nhà con thì lúc đó con đi đốt nhà?....heheh...Sao sư phụ nói thế chứ, Chơn Ngọc hiền khô  à! .....
Còn cách quán chiếu thứ 2 là quán chiếu thân này là tạm bợ, không thật, thân này  nếu mà chia ra từng tế bào thì chắc  do những con vi trùng hợp thành, ôi thôi  vô số vi trùng trong thân.

Cho nên những vị chứng quả họ nhàm gớm thân này lắm, vì toàn đồ bất tịnh trong thân khg à , và quán chiếu âm thanh thì quán chiếu rằng người đang nói móc, mỉa mai mình, hay đang chửi mình là do cái lưỡi lắc qua, lắc lại, tạo ra âm thanh, âm thanh buông ra  thì bay mất mà mắc gì mình phải chấp vào lời nói của người kia chứ?

Nhiều lúc người ta vô tình  nói xong quên mất, còn mình thì ở đây ôm cả khối sầu .....ngu dại chi dữ vậy ta .... Sư Phụ dạy kỹ và nhiều lắm. Nhưng Chơn Ngọc chỉ nhớ bao nhiêu thôi (học trò dõm mà )

....Hôm nào rảnh Chơn Ngọc phải viết về "Sư Phụ tôi" mới được, Chơn Ngọc rất may mắn được gặp Sư Phụ chỉ dạy rất rõ cách tu tập  và những trắc trở mình mắc phải trên đường Đạo cũng như đường đời ......Nhưng Sư Phụ bảo tu cách quán chiếu thì đi rất nhanh và mình nhổ cỏ tận gốc những vấn đề mình mắc phải ....Nhưng Sư Phụ dạy cách quán chiếu là phải quán nhiều từng giây, từng phút, vậy đó.

-Khi đi ra ngoài gặp cảnh vật thì phải quán chiếu sao, chẳng hạn như thấy lá cây đổi màu thì mình phải quán chiếu là đời người vô thường, tạm bợ, cái gì rồi cũng phải tan hoại, cái đó là cái thấy đúng lẽ thật mà Phật đã dạy.....

-Hay là thấy hai người vì một chuyện nhỏ, lời qua tiếng lại. Nhưng không ai nhịn ai rồi một hồi đổ ra chuyện lớn dẫn tới đánh lộn và bắn nhau, cùng nhau tạo tội, cùng nhau xuống địa ngục ở cho vui .....thấy sự việc đó, mình phải quán chiếu thật kỹ vào. Đó là những người thiếu trí tuệ, vì họ chấp vào cái thân này quá đi sinh ra chấp ngã. Cho nên ai hơn chút không chịu, phải làm cho hơn người đó mới vừa lòng. Rồi cuối cùng ẩu đả và có thể còn có chuyện lớn hơn nữa dẫn đến oán thù và mất mạng nữa không chừng ....

Sư phụ bảo những cái hư, cái dở, cái gì thiên hạ chê hết thì Sư Phụ lại ôm về làm hết, Sư Phụ bảo phước không đó con à! mà người ta khg biết. Người ta chỉ lo giành cái đẹp, cái tốt, thật ra là rác không à .......sao Sư Phụ nghĩ gì lạ thật không hiểu nổi ??? .....

Chơn Ngọc nhớ có một lần đi chùa, có một chị trên chùa tánh thật là dễ thương. Hôm đó, thọ Bát-quan-trai nguyên một ngày, lúc ăn trưa xong thì Thầy kêu lên chánh điện ngồi niệm Phật  luôn, thì đồ ăn trên bàn còn nguyên, chén bát cả đống trong sink và cả khoá tu đó thì chỉ có chị ấy và Chơn Ngọc là trẻ nhất trong đám. Cho nên mình cũng muốn ở bếp phụ dọn dẹp tiếp chị ấy. Nhưng không ngờ Thầy  kêu Chơn Ngọc phụ đem tiếp cái mõ lên chánh điện, thế là bị vướng trên chánh điện luôn, tội nghiệp chị ấy một mình ở dưới bếp làm hết tất cả công việc, hôm ấy chắc chị ấy hốt hết phước rồi, mà chuyện gì ai chê không thèm là chị ấy giành hết. Chơn Ngọc thật là đáng kính phục! tu vậy mới thật là tu, Phật pháp ở ngay trong từng cách ứng xử  hằng ngày trong cuộc sống

    Chơn Ngọc thì ai chơi trên đầu trên cổ  mình hoài mình bực lắm chứ!!! Nhưng ráng quán chiếu, oan gia đó, oan gia đến đòi nợ đó, rứt ra thì rứt không được, trốn qua Mexico  thì cũng không xong. Suy nghĩ tính toán đủ kiểu nhưng không cách nào thoát khỏi oan gia thì biết là mình bị nghiệp nó cột cứng ngắt, càng vùng vẫy thì dây nghiệp nó càng thắt mình chặt hơn. Thôi đành vui vẻ trả nợ, người ta tát mình má trái mình đưa má phải cho tát luôn, cứ vậy hoài thì thay vì 20 năm sạch nợ, mình trả trong 5 năm thôi ....không biết tính vậy đúng không? Hay lại tính trật nữa?  Chơn Ngọc viết theo dòng cảm xúc cho nên các bạn chịu khó đọc nhé!!!

Cảm ơn!!! chúc quý vị an lạc hạnh phúc trong ngôi nhà Chánh pháp, hẹn kỳ sau tâm sự tiếp

Chơn Ngọc

3.NIỆM PHẬT GIỐNG NHƯ ĐIỆN THOẠI ( HT Tuyên Hoá )



Mỗi niệm chân thành mỗi niệm thông 
Tịch lặng cảm ứng tịch lặng trong 
Cho đến non cao nước cùng tận
Rong choi pháp giới khắp Tây Đông


Có ai trong pháp hội hiểu ý nghĩa bài kệ này không? Chữ “niệm” thứ nhất là niệm phải từ nơi tâm phát ra, chữ “niệm” thứ hai là từ nơi miệng phát ra, niệm phải từ nơi tâm rồi phát ra nơi miệng. Nếu chỉ “niệm” bằng miệng thì chẳng phải chân thành niệm Phật. Cho nên, niệm Phật hoặc niệm danh hiệu Bồ tát tâm miệng phải tương ưng, thiết tha chân thành. Quý vị niệm đến tâm-khẩu hợp nhất, một mà chẳng thấy hai, cũng chẳng phải niệm theo kiểu tùy hứng, cũng không phải tán loạn mà niệm, lại cũng chẳng phải xen tạp vọng tưởng mà niệm. Làm được những điều trên, mới gọi là niệm Phật “chân thành”. Niệm một cách chân thành mới có sự cảm ứng. Cảm ứng này như thế nào? Chính là tâm phàm phu cùng với ánh quang minh của Phật và Bồ tát tương thông, nên nói “Quang quang tương chiếu, khổng khổng tương thông”, tức là ánh sáng quang minh của Phật, Bồ tát hòa với bản tâm sáng suốt xưa nay của bạn, đến từng lỗ chân lông trên toàn thân thể của bạn. Sao lại có cảm ứng này? Giống như gọi điện thoại, khi gọi đúng số thì bên kia “Alô!”, bắt đầu giao tiếp liên lạc với nhau. Niệm Phật, niệm Bồ tát cũng giống như gọi điện thoại, khi làn sóng bạn phát đi thì bắt gặp làn sóng của Bồ tát và ở bên kia các Ngài cũng hỏi bạn: “Người nam lành, người nữ lành kia, bạn muốn cầu gì nào?” Thì biết, lúc đó bạn có sự cảm ứng rất mầu nhiệm. Niệm Phật mà chẳng thành tâm thành ý thì giống như điện thoại có năm số mà bạn chỉ bấm gọi ba số, thế làm sao gọi được? Niệm Phật và Bồ tát cũng như thế. Nếu như bạn niệm một lúc rồi không niệm nữa, thiếu sự chuyên tâm thành ý thì nhất định chẳng thông được. Khi quý vị tu tập thành tâm thành ý, thì trong người quý vị sẽ phát ra một loại ánh sáng, ánh sáng đó giao cảm với ánh sáng quang minh của chư Phật và Bồ tát. Muốn được điều này, mỗi vị trong chúng ta phải cố gắng tu tập. Giống như gọi điện thoại thì biết rõ ràng tiếng nói của đầu dây bên kia, mắt thịt phàm phu không thể nhìn và nghe xa được, cho nên nói “Lặng lặng cảm ứng lặng lặng trong” là vậy. Câu “Cho đến non cao nước cùng tận” nghĩa là đạt đến trình độ “Trăm đầu sào chỉ một bước chân, giơ tay nắm hết cả càn khôn”. Khi niệm đến chỗ “Sơn cùng thủy tận”, đó thật là niệm mà chẳng phải niệm, kết thành một khối, niệm thành một phiến. Đến đó quý vị “Rong chơi pháp giới dạo Tây Đông”. Nếu như quý vị muốn vãng sanh về thế giới Tây phương Cực lạc thì ứng một niệm là lập tức đi ngay, muốn giương thuyền từ để cứu độ chúng sanh thì từ thế giới Tây phương Cực lạc chỉ ứng một niệm là bạn đến ngay thế giới Ta bà và khắp tất cả pháp giới. Chỉ cần bạn ứng một niệm là đi ngay. Nên nói “Rong chơi khắp Đông Tây”, tức là dạo khắp tất cả. Hoặc “Nhất như ý nhất thiết như ý, nhất tự tại nhất thiết tự tại” tức là bạn đại tự do đại tự tại rồi. Do đó, chúng ta là người học Phật, mỗi nơi mỗi chỗ đều phải chân thành, không hư ngụy. Hư ngụy thì như “Hoa không nở, quả không kết”. Người học Phật phải ghi nhớ điều này, đừng bao giờ lừa dối với chính mình. Kế nữa, người xưa nói: “Quân tử cầu nơi mình, tiểu nhơn cầu nơi người”. Chúng ta không quan tâm ỷ lại, nên biết cảm ứng là tự mình nỗ lực chứ chẳng phải tự nhiên đến được. Có người nói: “Niệm Phật được sanh về Tịnh độ, phải nương nhờ vào Phật lực tiếp dẫn”. Câu nói này, nếu không khéo hiểu, sẽ bị sai lầm, vì sao vậy? Bởi vì câu nói là đối cơ mà nói, tức đối với người chưa hiểu biết gì cả. Chư Tổ phương tiện tạo ra sự ham thích cho chúng sanh khởi tâm niệm Phật, hy vọng có thể dụng công ít mà thu hoạch lại lớn, giống như buôn bán kinh doanh, bỏ vốn ra ít mà thu vào thì nhiều. Vì vậy chư Tổ tùy cơ ứng biến, nói có Phật lực tiếp dẫn, mục đích là khích lệ cho chúng sanh nỗ lực niệm Phật. Thực ra, người niệm danh hiệu Phật và Bồ tát mà được vãng sanh Tịnh độ, hoàn toàn có niềm tin rất lớn nơi chính mình. Vì sao vậy? Có phải niệm Phật là Phật niệm thay bạn được không? Niệm một câu danh hiệu Bồ tát là Bồ tát hiện ra không? Nếu nói không phải, sao nói nương dựa vào tha lực của các Ngài? Giống như Phật và Bồ tát phóng ánh hào quang gia hộ cho bạn, đó là do công đức của chính bạn đã trì niệm danh hiệu Phật Bồ tát, cho nên mới có cảm ứng như thế. Thí dụ như điện thoại, nếu như bạn chẳng gọi, thì có ai đầu dây bên kia nói chuyện với bạn được không? Cho nên người niệm Phật cũng như gọi điện thoại là vậy. Lý lẽ ở chỗ này. Tâm hy vọng trông mong nương tựa vào năng lực của Phật để tiếp dẫn mình vãng sanh Tịnh độ, thật ra đó chính là tâm tham, tâm ỷ lại, không thể được. Chúng ta tu hành, chính yếu là phải tự lực, tinh thần phải mạnh mẽ dũng khí, tinh tấn, được kết quả chẳng phải tự dưng do người khác ban tặng cho. Niệm Phật, có thể nói không nên trông mong và nương tựa vào sự tiếp dẫn của Phật. Cổ nhân nói: “Làm tướng vốn không phải là cha truyền con nối, nam nhi nên tự cường”. Chúng ta là người học Phật nên có ý thức câu nói này: “Làm Phật vốn không phải Phật ban cho thành Phật, chúng sanh nên tự cường”. Nếu chẳng được như thế, thì cả ngày cứ ỷ lại Phật lực tiếp dẫn, giống như con em nhà giàu ỷ lại sản nghiệp của cha mẹ, rốt cuộc tự làm hại chính mình. Mọi người nên tỉnh giác chỗ này! 

(theo buddhismtoday)