Tuesday, June 5, 2012

Luật nhân qủa thật đáng sợ !

Trên đời này, sự giàu sang sung túc nhiều lúc không phải là phước mà là họa lớn nếu mình không biết tu.
CN thấy nhiều gia đình giàu có, tiệc tùng linh đình, ăn nhậu tối ngày, sát sanh vô số để đãi đằng bà con, bạn bè. Vào bàn tiệc, rượu vào lời ra, khi hết chuyện nói thì đem người này, người kia ra nói xấu, phanh phui cho tới cùng những lỗi nhỏ của người. Năm này qua năm nọ, nghiệp xấu chất chồng, khi quả báo tới, lúc đó kêu trời oán đất thì đã quá muộn, có người phải bỏ mất thân mạng.
Bởi vậy do vô minh che mờ tâm trí, gây ra biết bao lỗi lầm mà không biết. Nhiều người mở miệng ra cứ nói mình ăn hiền ở lành rồi thì không cần tu, tôi tu tâm được rồi. Tu tâm là tu làm sao? Chỉ dùm cho CN đi. Chỉ riêng việc sát sanh thấy sợ mà nói là tôi ăn hiền ở lành. Ngay ở câu nói tôi tu tâm là mình thấy vô minh quá chừng rồi.

Đối với những người đó, nói thật lòng, CN chỉ thấy rất tội nghiệp cho họ thôi, chứ không phải mình có ý chỉ trích, phê phán gì. vì trước khi biết Đạo Phật, CN cũng y chang họ thôi, chứ mình cũng đâu có tốt lành gì hơn... Khi lắng lòng xuống, định tâm và quán chiếu nhiều việc, CN mới thấy luật nhân quả thật đáng sợ. Gieo nhân nào thì gặt quả nấy thật không sai chút nào, có khi còn phải bị quả báo gấp nhiều lần nữa.
Cô ruột của CN hồi xưa, hay kiếm chuyện với mẹ của CN nhiều lắm, làm gia đình ba mẹ cứ lủng củng, xào xáo không yên. Ba mẹ CN suýt thôi nhau cũng vì cô ấy. Cô ấy còn kiếm chuyện với những chị em dâu khác và ngay cả con dâu của cô ấy. Sau này cô bị quả báo. CN cũng không nhớ rõ là bịnh gì nữa mà bụng cô đau dữ dội, càng ngày càng sưng to lên, bị bệnh hành 4,5 năm vậy, trị thuốc Tây, thuốc nam gì cũng không hết. Cuối cùng cô mất năm 53 tuổi. Sau này CN có gặp lại 2 người con dâu ruột của cô, nhắc tới cô là 2 người khóc và còn mối hận trong lòng.
CN không hiểu nhiều người làm vậy chi nữa, khó khăn làm chi, rồi đến khi mình ra đi, chỉ để lại tiếng xấu để đời. CN thấy hình như mình làm ai đau khổ là mình sẽ bị bệnh đau ruột ấy, phải đi nhà thương cắt hết ruột mới hết bệnh (just kidding, đoán vậy thôi không chắc lắm J)
Bởi vậy giờ CN rất sợ làm ai buồn, mỗi ngày cầu nguyện với Phật hoài, cho con đừng bị vô minh che lấp, cho con đừng vô tình làm ai đau khổ. Nếu ai đó ác khẩu chửi bới mình, mình chỉ giữ im lặng và bỏ đi vì không muốn gây thêm nghiệp mới nữa. Nhìn thấy những người chung quanh là bài học cho mình rồi, nên sợ bị quả báo lắm, ai gây tội thì họ tự lãnh quả báo, mắc gì mình phải phiền não chi cho khổ. Họ muốn mình đau khổ, nhưng mình không khổ mà mình vui thì họ cũng đâu làm gì mình được. Bởi vậy thấm sâu lý nhân quả cũng rất có lợi ích cho cuộc sống trong đời thường này lắm.
Sư Phụ của CN thường hay dạy CN mỗi ngày phải ráng tu nhân, tích đức thì mình mới có cuộc sống an lành, hạnh phúc. Không biết tu, mở mắt ra từ sáng tới tối toàn tạo nghiệp ác, tới khi tội nhiều quá thì sẽ trổ quả báo, lúc đó cực kỳ thống khổ quay đầu tu cũng không kịp nữa. Trái đã chín rồi, đành nhận lấy quả báo xấu ác thôi .
Có lần CN nghe trong băng giảng của Thầy nào đó là khi mình tổ chức tiệc tùng ăn uống, mình nấu đồ mặn cũng có tội đó nha; làm cho thiên hạ ăn nhậu ì xèo, còn tội thì mình lãnh hết. CN cũng lấy làm lạ, vì mình đâu có ăn, làm cho thiên hạ ăn mà mình gánh tội là sao? Đáng lẽ tội phải chia đều chứ, tại sao bắt một mình mình gánh? Sau này tiệc tùng gì là CN làm đồ chay đãi, mấy ông nhậu sợ lắm, và sợ lại nhà mình luôn... Mọi người kháo nhau lại nhà nó toàn đãi đồ chay không hà...
Nhà CN là cái chùa, mấy anh không biết sao, ai vào đây là bắt buộc phải ăn chay hết... ha ha!
Chơn Ngọc

Monday, June 4, 2012

Tích cóp cả đời, chết cô đơn trên khối tài sản lớn



Chuyện người phụ nữ độc thân đột tử để lại khối tài sản nghìn tỷ được các chuyên gia tâm lý nhìn nhận ở góc độ xã hội học rằng "làm chăm chỉ, sống tằn tiện, tích cóp tài sản là thói quen của người Việt".

Nhà tâm lý - luật sư Võ Thị Minh Huệ ở TP HCM, cho rằng từ xưa đến nay ở Việt Nam, nhiều người, nhất là phụ nữ thường có thói quen làm việc chăm chỉ, sống tiết kiệm, tằn tiện để tích góp của cải cho con cháu. Trên thực tế một số trường hợp, sau khi các cụ qua đời, con cháu mới phát hiện những hũ vàng, bạc chôn dưới chân giường, ngoài vườn...
Cũng theo bà Huệ, vấn đề tồn tại hiện nay người Việt Nam vẫn chưa có thói quen làm di chúc, một phần do chủ quan, một phần do lo sợ sẽ bị con cháu hắt hủi nếu làm thủ tục cho tặng khi còn sống hoặc sợ mất lòng mọi người...
"Đối với phụ nữ không có gia đình, các nhu cầu tiêu xài cũng ít nên họ dễ dàng tích góp hơn. Tuy nhiên khi họ qua đời đột ngột không để lại di chúc thì dễ xảy ra tranh chấp giữa những người liên quan", bà Huệ nhìn nhận.
Chuyên gia tâm lý này dẫn câu chuyện về người đàn bà độc thân 66 tuổi đột ngột qua đời để lại khối tài sản ước trị giá cả nghìn tỷ đồng đang gây xôn xao dư luận cả tuần nay. Bà cụ Phấn, thường gọi là Năm, không có chồng, sống với một người phụ nữ và cô giúp việc trong căn nhà ở phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, TP HCM. Bà nhận nuôi một người con gái, năm nay đã 25 tuổi.
Qua đời hồi đầu tháng 2/2011, bà không để lại di chúc nên khối tài sản khổng lồ của bà đang vướng vào khả năng tranh chấp quyền thừa kế giữa con gái nuôi và họ hàng, bởi gia tộc cho rằng trong đó có sự đóng góp của anh em bà con từ nước ngoài.
Em trai út bà Phấn kể, sự ra đi đột ngột của chị ông để lại nỗi đau lớn cho gia đình. Trước đây khi chưa phát hiện ra khối tài sản khổng lồ trong két sắt, mọi người trong gia tộc họ Thạch này sống với nhau rất hòa thuận. Song hơn một năm nay do tranh chấp tài sản mà anh em con cháu không còn nhìn mặt nhau nữa. Còn cô con gái nuôi vẫn chưa lên tiếng chính thức về vụ việc.
Một trong những mặt tiền của bà Năm cho thuê ở quận Tân Phú. Ảnh: TT.
Một trong những mặt bằng cho thuê tại quận Tân Phú thuộc sở hữu của bà Phấn. Ảnh: T.T.
Khối tài sản của bà Phấn khiến nhiều người nhớ đến câu chuyện tương tự về bà Phạm Thị Hiền, 82 tuổi ở Đà Lạt, đột tử tại bệnh viện khi trong người có rất nhiều vàng mà không di chúc. Bệnh viện phải nhờ chính quyền lập biên bản và quản lý số tài sản gồm nhiều lắc, nhẫn, dây chuyền, kim cương, bông tai cẩm thạch, 2 sổ tiết kiệm trị giá 350 triệu đồng; 2 giấy chứng nhận giữ hộ 233,8 chỉ vàng tại ngân hàng cùng trên 19 triệu đồng tiền mặt, 50 lượng vàng...
Hàng xóm nói rằng từ khi bà cụ về đây sống không thấy làm bất cứ nghề gì. Bà Hiền góa chồng, có một cô con nuôi đang sống ở Mỹ và người em ở Hà Nội. Cách sinh hoạt thường ngày của cụ không thể hiện là một người giàu có, cuộc sống rất khép kín, ít tiếp xúc với bà con lối xóm. Chỉ đến khi bà qua đời, dân khu phố mới biết người phụ nữ sống một mình trong ngôi nhà nhỏ cuối con hẻm sâu ở Đà Lạt sở hữu khối tài sản lớn.
Em của bà Hiền sau này cho biết, đây là những tài sản bà gom góp được lúc còn trẻ và cất giữ cẩn thận để phòng thân cho tuổi già cô đơn. Trường hợp này không phát sinh tranh chấp thừa kế tài sản, vì em gái người chủ tài sản cho biết sẽ chuyển lại toàn bộ tiền, vàng cho con nuôi chị mình.
Vị chuyên viên tâm lý khuyên, để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra sau này về việc tranh chấp tài sản, các bậc cha mẹ nên quan tâm đến vấn đề lập di chúc ngay khi còn minh mẫn. Việc chia gia tài cũng cần thể hiện sự khách quan, sòng phẳng không vì ghét hay thương mà thiên vị người nào hơn.
"Các cụ không nên lo lắng làm mất lòng hay bị con cháu hắt hủi vì trong bản di chúc đều thể hiện tiêu chí văn bản chỉ có hiệu lực khi người lập đã qua đời. Hãy tìm đến văn phòng luật sư để nhờ họ tư vấn những vấn đề pháp lý và điều khoản ràng buộc trong bản di chúc hoặc hợp đồng trao tặng", bà Huệ nhìn nhận.
Xét góc độ khác, ông Nguyễn Trung Nguyên, chuyên viên tâm lý trị liệu người lớn và trẻ em, Viện Nghiên cứu tâm lý học thực hành nhìn nhận, chọn cách sống tằn tiện, tích cóp là tùy thuộc vào tính cách và là quyền của mỗi người. Quan trọng làtrong quá trình tư vấn, ông từng chứng kiến nhiều trường hợp người thân quay lưng lại với nhau chỉ vì không thống nhất được vấn đề chia gia tài.
Vì thế theo ông Nguyên, thay vì trở mặt, người thân của bà Phấn nên ngồi lại để cùng nhau để tìm hướng giải quyết ổn thỏa về việc sử dụng khối tài sản sao cho hợp với nguyện vọng của bà lúc sinh thời.
"Quyền sở hữu tài sản thuộc về ai đã có tòa án phán quyết. Tuy nhiên chắc chắn bà Phấn không mong nhìn thấy cảnh người thân kéo nhau ra tòa rồi quay lưng lại với nhau. Theo tôi gia đình có thể thống nhất với nhau trích một phần tài sản ấy ủng hộ tổ chức từ thiện hoặc lập quỹ học bổng mang tên bà do người trong gia đình quản lý", ông Nguyên nói.
Thi Trân

Gỏi chay


   Cách làm gỏi chay :

- Vỏ dưa hấu ,loại vỏ dầy,lạng bỏ phần vỏ ngoài ,còn phần trắng ,lạng cho mỏng ,trộn đường vô cho đều ,đem bỏ vào tủ lạnh 1 đêm cho giòn ...lấy ra để lên rổ đè đè cho ra nước ,để dành nước lại để trộn gỏi .
-Táo Nhật ( Apple Fuji ),cắt ra làm 3,cắt mỏng 
-Thịt chay : ướp đều đem chiên  
-Ớt xanh bự ,xắt thật mỏng ,vắt ráo nước 
-Rau răm cắt mỏng .
-Đậu phộng đâm nhuyễn 

Nước trộn gỏi  :

Nước chanh,tỏi ,ớt ,bột nêm,lấy nước đường trong dưa hấu đã ngâm qua đêm trong tủ lạnh trộn lại cho vừa ăn . Gỏi này ăn rất giòn ,vừa ăn nên khỏi cần chan thêm nước mắm chay .Chúc các bạn chế biến  nhiều món  chay ngon .

Hột vịt muối chay





Cách làm hột vịt muối chay :
Tròng đỏ :
Đậu xanh nấu chín ,xay nhuyển ,nêm vừa ăn và cho chút hạt điều (1 muỗng dầu hạt điều cho có màu chút )
Lòng trắng :
Sườn non chay (2 phần),tàu hủ (1 phần )đem xay mịn  nhồi chung với ham nhão ,nêm cho vừa ăn.
Cho vào nồi hấp .
  Ăn chung với muối Ấn Độ ( còn gọi là muối Hy Mã Lạp Sơn ) có bán trong tiệm Ấn Độ ,muối này màu hồng hồng ,hột vịt chay mà ăn chung với muối này ngon lam....