Friday, August 3, 2012

Chữa bạc và rụng tóc bằng Đông dược

 - Câu kỷ tử 15 g, gạo nếp 50 g (hoặc vừng đen 20 g). Câu kỷ tử sắc lấy nước đặc, cho gạo nếp vào nấu cháo ăn hằng ngày. Cũng có thể lấy hà thủ ô 30 g sao vàng, sắc lấy nước đặc cho 30 g gạo nếp nấu thành cháo, cho thêm đường phèn vừa đủ, ăn hàng ngày. 
- Dâu ta rửa sạch, ép lấy nước, cho vào nồi đất hoặc nồi sành cô đặc thành cao, cho đường đỏ và đường phèn hai thứ bằng nhau, mỗi ngày uống một thìa canh với nước nóng. 
- Vừng đen, lạc, hạnh đào, đậu tương lượng bằng nhau, sao riêng cho thơm, chín rồi tán vụn, trộn đều. Mỗi tối uống một thìa canh với sữa bò, sữa đậu nành hoặc nước nóng trước khi đi ngủ. Người đang bị tiêu chảy không được dùng loại này. 
- Long nhãn 50 g, mộc nhĩ đen 3 g, đường phèn vừa đủ, cho nước vào đun sôi kỹ rồi uống.

Chữa bệnh bằng bí ngô

Bí ngô vị ngọt, tính ôn, có tác dụng sát khuẩn, giải độc, tiêu viêm, giảm đau, được dùng để chữa sưng viêm do trùng hút máu, hen, giun đũa.... Ngoài ra, loại quả này cũng được xem là một thực phẩm bổ não, ăn thường xuyên sẽ giúp phòng bệnh viêm màng não. 


Sau đây là một số cách trị bệnh bằng bí ngô do Hồng Minh Viễn ghi nhận trong sách "Ẩm thực phương Đông trị bệnh": - Chữa hen: Bí ngô tươi 500 g, táo đỏ 15 quả, đường đỏ vừa phải. Bí ngô gọt vỏ, táo đỏ bỏ hạt, cho nước vào nấu nhừ rồi cho đường để ăn. 
- Chữa sán, giun đũa: Hạt bí ngô 100-300 hạt, rang chín, bóc bỏ vỏ, nghiền thành bột, trộn đều với mật ong để ăn, ngày 2 lần. 
- Chữa giun kim: Ruột bí ngô (cả hạt) 100 g, tỏi vỏ tía 50 g. Ruột bí giã nát, cho tỏi vào nấu canh, ăn tỏi và uống nước canh. Ăn 3-5 ngày liền, mỗi ngày một lần. 
- Chữa thiếu sữa: Hạt bí ngô sống (hạt chín không có tác dụng) 25-30 g, bóc bỏ vỏ, lấy nhân cho vào khăn gói lại, giã nhuyễn rồi pha nước sôi uống. Uống trong 3-5 ngày, mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng và tối, lúc đói.

Ba nhóm thảo dược trị mụn hiệu quả

Trà xanh, dưa leo, mướp đắng... được xem là những dược thảo chống mụn hiệu quả. Chúng được chia thành 3 loại: nhóm kháng sinh, nhóm diệt cồi mụn và nhóm tác dụng kép - vừa bảo vệ da khỏi độc chất, vừa thúc đẩy phản ứng phục hồi dưới da. - Nhóm dược thảo kháng sinh có tác dụng thanh trùng da mặt dưới dạng sữa rửa mặt hằng ngày được sản xuất từ rau trái thông thường như trà xanh, chanh, bưởi, dưa leo, mướp đắng, bồ công anh, cà rốt, dưa gang... Ngoài ra còn có một số cây thuốc kinh điển như kim ngân hoa, bồ kết, bồ công anh, hoa cúc, sứ, dâm bụt, mồng gà, vạn thọ... cũng thuộc nhóm này. - Nhóm có công năng diệt cồi mụn có thể nhẹ nhàng phân hủy chất sừng vùng bị mụn, thay vì nạo khô tuyến bã như các loại thuốc tổng hợp. Thuốc trị mụn thuộc nhóm này gồm các thành phần men kháng viêm trong dứa thơm, đu đủ, mơ, sung, dâu... hoặc các hoạt chất từ củ huệ, rau diếp cá, gấc, lá tràm, rau má... - Nhóm tác dụng kép gồm nghệ, rong biển, hoa hướng dương..., vừa bảo vệ da khỏi chất độc hại từ môi trường, vừa thúc đẩy phản ứng phục hồi dưới da để chống sẹo hoặc giúp sẹo mau lành với ít dư chứng. Ngoài ra còn có trứng gà, sữa ong chúa, mật ong... cũng có những tác dụng này. Bên cạnh việc sử dụng thường xuyên những cây thuốc chọn lọc để trị mụn, cần áp dụng biện pháp giải độc định kỳ cho cơ thể bằng các loại trà thuốc lợi mật (artiso, rau má), nhuận trường (khổ qua), lợi tiểu (râu bắp) và chống căng thẳng thần kinh (linh chi, tim sen). Ngoài ra, một chế độ dinh dưỡng nhiều rau trái tươi cũng là đòn bẩy hiệu quả của mọi quy trình ngừa và trị mụn.

Tự bấm huyệt chữa nghẹt mũi , sổ mũi

Để xử trí tình trạng này, có thể nhỏ thuốc hoặc dùng bơm tiêm hút sạch mũi (ở trẻ nhỏ), hít nước qua mũi. Ngoài ra, có thể thực hiện một phương pháp đơn giản mà hiệu quả: bấm huyệt. Các huyệt cần tác động là ấn đường, nghinh hương, hợp cốc. Huyệt ấn đường nằm ở giao điểm đường thẳng nối hai đầu lông mày với đường chính trung (đi qua chính giữa mặt trước cơ thể), có tác dụng trừ phong nhiệt, định thần chí. Việc tác động vào huyệt này giúp chữa ngạt mũi, cảm mạo, nhức đầu... Huyệt nghinh hương nằm bên cạnh cánh mũi, trên rãnh mũi má, cách cánh mũi khoảng nửa thốn (tương đương 0,8-0,9 cm). Đây là huyệt có tác dụng đặc hiệu với các bệnh về mũi, có tác dụng thông tỷ khiếu, tán phong nhiệt, thanh hỏa khí, giúp chữa viêm mũi, ngạt mũi, chảy nước mũi... Huyệt hợp cốc nằm tại hổ khẩu bàn tay (giữa ngón cái và ngón trỏ), có tác dụng dẫn khí đi lên đi xuống, chữa các bệnh cảm mạo, đau đầu, sốt cao, ngạt mũi, chảy nước mũi. Cách day bấm huyệt: Thường dùng ngón tay cái bấm thẳng góc vào các huyệt vị để có thể tạo được lực bấm mạnh. Mỗi huyệt nên bấm trong thời gian 1-3 phút, làm cả hai bên, ngày 1-2 lần, liên tục trong 7-10 ngày tùy theo tiến triển của bệnh. Nếu sổ mũi do cảm lạnh, sau khi day bấm các huyệt vị nói trên, có thể dán một miếng Salonpas kích thước 1,5 x 1,5 cm vào các huyệt vị này.