Tuesday, March 19, 2013
Cải Biến Tập Khí Cũ - Tuyển Chọn Tông Chỉ Mới
Hôm nay là ngày cuối cùng của năm Giáp Tý và ngày mai sẽ bắt đầu năm Ất Sửu. Lúc bấy giờ chúng ta hãy nên sửa đổi lại các thói quen, tập khí cũ của mình. Những việc làm của chúng ta trong quá khứ, đều do từ các tập khí không tốt, cho nên có nhiều chỗ bất hợp pháp. Vậy bắt đầu từ ngày mai trở đi, chúng ta nên lựa chọn tông chỉ mới và làm lại con người mới. Như nếu chúng ta vẫn cứ không “biết nay là đúng, khi xưa là sai,” thì sự tu hành của chúng ta sẽ không có tiến bộ mà lại uổng phí thời gian thôi!
Quý vị! Đừng bao che những chỗ thiếu sót của mình, mà hãy nên phát huy những cái hay của mình, gọi là: “Kiến hiền tư tề,” tức là thấy người hiền bèn lo chấn chỉnh lấy mình để được như họ. Chúng ta nên noi gương và học tập theo tác phong của thầy Tăng Tử. Trong Luận Ngữ có ghi rằng:
“Tăng Tử viết: Ngô nhật tam tỉnh ngô thân.
Vị nhân mưu nhi bất trung hồ.
Dữ bằng hữu giao nhi bất tín hồ.
Truyền bất tập hồ,”
Thầy Tăng Tử nói: “Mỗi ngày tôi có ba việc cần phải tự kiểm điểm bản thân là: Trong việc làm, mình có thật lòng làm hết khả năng chưa? Khi giao tiếp với bạn bè, mình có chỗ nào không thành thật chăng? Các bài tập được học mỗi ngày, mình có ôn luyện, nghiên cứu lại không?”
Vì vậy chúng ta cũng nên noi theo những câu nói đó để làm gương soi lấy mình.
Tam Tự Kinh đã bắt đầu bằng những câu nói như: “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện. Tánh tương cận. Tập tương viễn, cẩu bất giáo, tánh nãi thiên.” Nghĩa là: Lúc các hài nhi mới lọt lòng mẹ, bản tánh của chúng đều là lương thiện. Bởi vì bản tánh và cái thiện gần nhau, cho nên nói “tánh tương cận,” khi lớn lên, dần dần chúng bị huân tập theo hoàn cảnh và bị ô nhiễm bởi các tập khí. Như câu nói: “Nhuộm xanh sẽ thành xanh, nhuộm vàng sẽ thành vàng.” Thế là tánh tình của chúng dần dần rời xa cái thiện, cho nên nói: “Tập tương viễn.” Trong thời kỳ nầy, nếu con người không được giáo dục đàng hoàng để sửa đổi lại các tập khí cũ và phục hồi tánh thiện hảo, thì tánh tình của họ sẽ bị biến đổi.
Lúc tuổi còn trẻ, chúng ta được cha mẹ, thầy cô dạy dỗ, sửa đổi những thói hư nết xấu của chúng ta để trở nên tốt lành hơn. Nhưng khi lớn lên thì đâu còn ai dạy dỗ ta nữa. Vì vậy, nếu chúng ta muốn sửa đổi tánh tình cho tốt, tất phải do tự mình sửa đổi lấy mình. Bởi vì cớ nầy, nên đề tài hôm nay là: “Cải Biến Tập Khí Cũ, Tuyển Chọn Tông Chỉ Mới.”
Chúng ta nên nhận rõ mục tiêu của mình. Chúng ta muốn làm người như thế nào? Thế nào mới có thể trở thành người Phật tử chân chánh? Phương châm mới của chúng ta là gì? Tông chỉ mới của chúng ta ra sao? Đó là những vấn đề mà chúng ta cần phải hiểu cho rõ ràng. Nếu không, chúng ta sẽ chẳng có cách gì sửa đổi các tập khí, thói quen cũ của mình, cũng không có cách nào lựa chọn một tông chỉ mới cho được. Vì vậy quý vị hãy nên chú ý điểm nầy.
Nói tóm lại, những vấn đề đó cũng đơn giản lắm thôi. Tức là chúng ta cứ tận tâm thực hành: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành,” nghĩa là các việc xấu không làm, vâng làm những điều lành, như vậy là tốt rồi. Nếu ai nấy đều thực hành y theo phương châm nầy, tự nhiên chúng ta sẽ đạt được mục tiêu làm người.
Phương châm mới là hãy tiêu diệt hoàn toàn các tật bệnh ghen ghét, gây chướng ngại, cống cao, ngã mạn, không cho chúng nó hoành hành. Chúng ta làm sao mới tiêu diệt được bốn loại tâm lý bất chánh đó? Tức là dùng Tứ Vô Lượng Tâm: từ, bi, hỷ, xả để điều trị chúng. Người có tâm từ sẽ không có lòng ghen ghét; có tâm bi thì sẽ không gây chướng ngại; có tâm hoan hỷ thì sẽ không cống cao; có tâm buông xả thì sẽ không ngã mạn. Quý vị nghiên cứu đi, xem thử như thế là có đạo lý hay không?
Tông chỉ mới là không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không vọng ngữ. Thật ra, những điều đó vốn là tông chỉ cũ xưa của Vạn Phật Thánh Thành. Tuy quý vị đã nghe qua nhiều lần, nhưng không có ai nghiêm chỉnh thực hành theo. Phàm việc gì mà quý vị chưa thực hành qua, thì xem như là mới vậy. Khi nào quý vị có thực hành rồi, đó sẽ không còn là mới nữa. Hôm nay tôi lập lại giọng điệu cũ, bàn về ý nghĩa của Lục Đại Tông Chỉ đó nữa, hy vọng quý vị sẽ chú ý!
Vì sao chúng ta có phiền não, có lo âu? Đó đều là do - có tranh, có tham, có cầu, có ích kỷ, có tự lợi, có vọng ngữ, chúng nó đang tác quái đấy. Chúng chi phối đến nỗi cả thân tâm chúng ta chẳng được an ổn, tự tại. Nếu hàng phục được chúng, thì mình sẽ không bị điên điên đảo đảo. Khi đó chúng ta sẽ đạt đến cảnh giới không phiền não, không lo âu và bất luận lúc nào, chúng ta cũng đều được tự tại. Vì sao chúng ta không được tự tại? Nói tóm lại, là vì chúng ta bị sáu cảnh giới đó xoay chuyển.
Lúc tôi còn nhỏ, tôi thích tranh cãi với người và thường hay xen vào những chuyện bất bình. Như có chuyện gì không công bình xảy ra, trừ phi không biết thì thôi, nhưng hễ mà biết được thì tôi nhất định sẽ xông ra để tranh luận phải trái. Tôi cũng có tham, mà tham cái gì vậy? Thì là tham ăn, con nít đều hay có tật xấu nầy. Như có món gì ngon mà tôi không có phần, tôi nhất định phải tranh giành cho bằng được mới thôi. Lúc lên mười hai tuổi, tôi bắt đầu biết phản tỉnh, tự xét lại tánh nết của mình - Tại sao mình lại ngang ngạnh như thế? Đến khi đã tỏ rõ rồi, tôi liền sửa đổi lỗi lầm để làm lại con người mới. Từ đó, tôi bắt đầu khấu đầu quỳ lạy cha mẹ để tỏ lòng sám hối. Vì trong quá khứ, tôi đã từng làm nhiều chuyện khiến cho cha mẹ tôi phải nhọc lòng lo lắng. Từ đấy về sau, tôi cũng không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi. Tôi cảm thấy làm được như vậy rất có hữu dụng, cho nên tôi vẫn một mực áp dụng tuân theo cho mãi đến ngày hôm nay và cho đến trọn đời không hề thay đổi.
Sau đó, trừ việc đảnh lễ tạ tội với song thân, tôi lại đảnh lễ trời, đất, vua, bà con thân quyến, và thầy giáo. Tôi lại còn khấu đầu đảnh lễ các vị đại thánh, đại hiền, đại thiện, đại hiếu trong thiên hạ, và cả đến người đại ác, tôi cũng lạy luôn. Tại sao vậy? Vì tôi muốn họ cũng cải ác hướng thiện. Mỗi ngày tôi lạy hơn tám trăm lạy ở phía sau vườn, mất khoảng hai tiếng đồng hồ, và dù có mưa gió gì đi nữa cũng không cản trở việc lễ bái của tôi (*). Lần trước khi đến chùa Kim Phật ở Canada, tôi có nói với hai vị Tam Bộ Nhất Bái (thầy Hằng Thật và thầy Hằng Triều) rằng: “Các vị thử xem, nếu không tranh, không tham, không cầu như vậy thì vi diệu biết dường nào! Không ích kỷ, không tự lợi, đó là sự vi diệu trong cái vi diệu, và chẳng có pháp nào vi diệu hơn thế nữa. Nếu như ai nấy đều chân chánh thực hành theo Lục Đại Tông Chỉ, các vị thử hỏi là còn có pháp nào siêu xuất hơn pháp nầy nữa chăng?”
Quý vị! Hãy nỗ lực thực hành theo Lục Đại Tông Chỉ, có vậy quý vị tu hành mới tiến bộ được. Bằng không, tất cả chỉ là lời nói suông, cũng như ăn bánh vẽ không thể hết đói, như nấu cát thì không thể thành cơm được. Lục Đại Tông Chỉ nầy ở Vạn Phật Thành, người người nên nhớ ghi khắc trong tâm chớ quên. Bởi có nó cho nên cái gì ta cũng buông xả, cái gì ta cũng bố thí cho người, chứ không phải bảo người bố thí cho mình. Đương nhiên là nếu có người bố thí cho ta, ta cũng không từ chối. Nhưng ta nên hết sức mình làm việc bố thí, hễ có cơ hội là ta bố thí một ít. Phàm làm việc gì, nếu ta có thể làm được thì hãy làm, còn việc gì làm không được thì ta cũng không nên miễn cưỡng.
Quý vị nghĩ thử xem! Nếu chúng ta làm được như thế thì còn cái gì để ưu sầu, còn cái gì mà buông bỏ không được chớ? Nếu chúng ta nghiêm chỉnh thực hành theo Lục Đại Tông Chỉ nầy, thế mới thật sự hiểu rõ được Phật Pháp. Nói cách khác, chân đế của Phật Pháp đã bao quát trong Lục Đại Tông Chỉ rồi.
Không tranh: Là không phạm giới sát. Vì sao phải sát sanh? Bởi vì muốn tranh, anh tranh tôi đoạt, rồi phát sanh những hành vi giết người, phóng hỏa. Hơn nữa nếu không tranh sẽ không sát, như vậy là giữ được giới sát rồi.
Không tham: Thì không phạm giới trộm. Vì sao phải trộm cắp? Bởi là tham, tham muốn vật của người làm của riêng mình. Nếu không tham tức là giữ được giới không trộm cắp.
Không cầu: Thì không phạm giới dâm. Người nam truy tìm người nữ, đó là cầu. Người nữ truy tìm người nam, đó cũng là cầu. Cầu mà không được thì thần hồn điên đảo. Thậm chí trong giấc ngủ cũng mơ mộng truy cầu, thân tâm không an ổn.
Không ích kỷ: Thì không phạm giới vọng ngữ. Vì sao phải nói dối? Bởi vì muốn bảo vệ cái quyền lợi của bản thân, cho nên đi đến đâu cũng nói dối để gạt người. Nếu người không ích kỷ, đến đâu họ cũng nói lời chân thật, và không bao giờ có những hành vi dối trá.
Không tự lợi: Thì không phạm giới rượu. Người uống rượu cho rằng rượu làm máu huyết lưu thông, có lợi ích cho thân thể, nhất định sẽ được tráng kiện. Khi say rượu, người ta cảm thấy tâm thần lâng lâng như ở cõi thần tiên. Đó là do lòng tự lợi của họ đang tác yêu tác quái đấy.
Không vọng ngữ: Chúng ta đã nói bao quát năm giới trên, nhưng vì muốn đề cao cảnh giác mọi người và đặc biệt nhấn mạnh chỗ xấu xa của vọng ngữ, cho nên chúng ta lại cộng thêm mục nầy để nhắc nhở vậy.
Hiện chùa Kim Phật ở Vancouver, Canada, chúng ta thường hay giảng về Lục Đại Tông Chỉ để dạy mọi người, gồm cả người già, thanh niên và trẻ em, để cho họ biết rõ tánh cách trọng yếu của Phật Pháp. Như nếu con người có thể thật sự không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không vọng ngữ, thế thì xã hội nhất định sẽ được an ninh và gia đình nhất định sẽ được hạnh phúc.
Nếu con người trên thế giới có thể nghiêm chỉnh giữ năm giới và không có những hành vi như sát sanh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, rượu chè thì họ sẽ không có phiền não, không lo âu gì cả. Cho nên tôi nói Lục Đại Tông Chỉ nầy là pháp môn tối mầu nhiệm. Quý vị cũng có thể nói đó là:
“Pháp vi diệu thậm thâm vô thượng,
Trăm nghìn muôn kiếp khó được gặp,
Nay con thấy nghe được thọ trì,
Nguyện hiểu Như Lai chân thật nghĩa.”
Tôi xin nói thêm một câu nữa: Như thân đã là đệ tử Phật, tối thiểu là chúng ta phải nghiêm trì năm đại giới cơ bản nầy và triệt để thực hành theo. Như vậy chúng ta mới được an vui tự tại. Giả dụ như chúng ta không giữ được năm giới đó, thế thì 250 giới của Tỳ Kheo, hoặc 348 giới của Tỳ Kheo Ni lại càng không dễ gì giữ đặng. Cho nên tại rừng cây Song Thọ, lúc Đức Phật Thích Ca sắp nhập Niết Bàn, Ngài đã căn dặn tôn giả A Nan nên “lấy giới làm thầy.” Do đấy, chúng ta cũng biết được giới luật là trọng yếu như thế nào!
Giảng ngày 19 tháng 2 năm 1985
Quý Vị Muốn Biết Quỷ Là Gì Không?-- HT Tuyên Hóa giảng
Quỷ có rất nhiều loại. Có người cứ tưởng rằng quỷ có bộ dạng hung ác, đáng sợ với bộ dạng mặt xanh, răng nhọn. Thật ra, không nhất định là như thế. Có lúc quỷ hóa ra thân người, mới thấy thì tưởng như người thật, nhưng lại là quỷ.
Nếu quý vị là người đã khai mở Ngũ Nhãn, bọn quỷ không thể nào lừa phỉnh được quý vị. Quỷ lại có thể biến làm súc sanh như: ngựa, trâu, dê, chó, thỏ và các loài cá... Vì sao chúng lại có thể biến hóa như thế? Bởi chúng có thần thông, hoặc giả là chúng biến làm con kiến, con muỗi, con trùng, con ruồi, con chim sẻ, con ong... Ví như lúc mùa xuân, trăm hoa đua nở, cho nên có hàng trăm con ong đến hút mật, nhưng trong đó có rất nhiều hóa thân của quỷ. Trong đám hoa có ong thật, mà cũng có ong giả. Ong thật là do nghiệp mà thọ quả báo, trong khi ong giả là do quỷ biến hóa thành. Chúng nó đi các nơi để hút nhụy hoa, uống sương hoa. Bởi vậy quý vị đừng tưởng rằng, nhất định là không thể thấy quỷ được. Quý vị hàng ngày đối diện với nó, vậy mà hãy còn không nhận ra nó. Cho nên có câu nói: “Đối mặt mà không biết là Quán Thế Âm.” Nhưng đây cũng có thể nói tương tợ như: “Đối mặt mà không biết là quỷ!” Bây giờ có người nói: “Thầy à! Thầy nói như thế, tôi thật là không dám tin đâu!” Ờ! Ông không tin thì thôi. Nhưng sao phải nói là không dám tin hả? Tôi cũng đâu có cưỡng ép ông tin, tôi chỉ nói đạo lý cho ông đề cao cảnh giác, để khỏi ngày ngày chung đụng với quỷ mà vẫn không biết.
Có người nói: “Eo ơi! Thầy mà nói như thế thì chỉ làm cho tụi con lo sợ, rồi tối đến cũng không dám ngủ.” Thế thì dứt khoát là đừng nên ngủ nữa, mà hãy lo tu Bát-chu Tam muội là được rồi. (Là tu pháp môn niệm Phật liên tục 90 ngày, hành giả sẽ không ngồi và cũng không nằm.) Nếu tôi nói lời chân thật thì nhất định quý vị sẽ không tin, thành thử tôi ít nói chuyện thật. Vậy có phải là tôi nói chuyện giả không? Không phải đâu, lời giả lại càng không nên nói. Chúng ta ít nói lời thật, còn lời giả dù một chút cũng chớ nên nói. Nếu chúng ta nói nhiều lời thật, người ta cũng không tin.
Lại nữa, yêu ma quỷ quái cũng có thể biến thành rất nhiều loại động vật khác nhau. Quý vị còn nhớ năm 1976, khi chúng ta mới dọn đến Vạn Phật Thành lần đầu tiên không? Lúc bấy giờ, có vị cư sĩ mua được một số rùa để đem phóng sanh. Trong đó có một con bị lật ngữa, bốn chân giơ lên trời. Cư sĩ Phùng Phùng cũng có mặt tại đó. Ông thấy có một người mặc y phục màu xanh đang hướng về ông cầu cứu mạng. Ông Phùng Phùng bèn đến tận nơi quan sát, ông phát hiện ra đó là một chú rùa đang bị lật ngữa. Quý vị thấy chưa! Con rùa đó cũng có linh tánh, cho nên nó biết hướng về ông Phùng Phùng để cầu cứu mạng. Vậy mà nhiều năm qua cũng chưa có ai chú ý đến chuyện nầy. Nhưng từ chuyện đó thì biết rằng tất cả chúng sanh, mỗi loài đều có quyến thuộc. Đó là vật cùng loài tụ họp với nhau, khí cơ tương dẫn y theo loại mà hiển hình.
Bây giờ mọi người đang để tâm nghiên cứu chú Lăng Nghiêm, mới biết là quỷ cũng có đủ hình đủ dạng, muôn ngàn loài khác nhau. Chúng nó đều là do cảm quả mà thọ báo, tùy theo loài mà hiện. Trong chú Lăng Nghiêm có nêu danh nhiều vị vua của quỷ thần, trong đó có quỷ dạ xoa (nhanh lẹ), quỷ la sát (kinh sợ), quỷ thủ hồn, quỷ thủ thi, quỷ tỳ xá xá (hớp tinh khí), quỷ cưu bàn trà (làm người tê liệt, còn gọi là bóng đè, ma đè), quỷ đại thân, quỷ điên, quỷ xú (thối), quỷ phú đan na (có mùi hôi độc), quỷ nhiệt, quỷ hàn, quỷ ảnh, quỷ âm nhạc... Ngoài ra còn có quỷ ăn hoa, quỷ ăn nhau sanh sản, quỷ ăn thai, quỷ ăn hài nhi, quỷ ăn mỡ, quỷ ăn đèn, quỷ ăn ngũ cốc... Sự biến hóa của chúng, quả là vô cùng vô tận, vô lượng vô biên.
Trước đây khi chưa nghe chú Lăng Nghiêm, chúng ta đâu biết có nhiều loại quỷ như thế. Nhưng sau khi chúng ta nghe rồi, mới biết là quỷ cũng có rất nhiều chủng loại. Đương nhiên quỷ so với người thì chúng nó đông hơn nhiều. Người tạo nghiệp tội thì bị đọa xuống cảnh giới quỷ, không thể tự mình thoát ra được.
Khi Phật còn tại thế, có lần Ngài hốt lên nắm đất và hỏi chúng đệ tử: “Các ông nói, đất trong tay ta nhiều hay là đất trên đại địa nầy nhiều?” Đệ tử thưa: “Đương nhiên là đất trên đại địa nhiều, còn đất trong tay Thế Tôn thì rất ít.” Thế Tôn nói: “Chúng sanh được thân người như đất trong bàn tay ta, trong khi chúng sanh bị mất thân người như đất trên đại địa.” Bị mất thân người như đất trên đại địa, vậy mất thân người rồi thì họ đi đâu, làm gì? Đương nhiên là đi làm quỷ! Vậy mà còn phải hỏi nữa sao? Cho nên quỷ so ra thì đông hơn người. Kể như có dùng máy điện não (computer) thống kê cũng không tính nỗi, trừ phi dùng “thần não” thôi. Thần não còn gọi là “thiên não”. Có người nói: “Thầy đã phát minh ra thiên não đó hồi nào vậy?” Không phải là tôi phát minh. Nếu quý vị không tin, thì cứ lên trời xem thử. Thiên não là tự tự nhiên nhiên vẫn luôn tồn tại. Loại thiên não nầy không cần người quản lý, cũng không dùng tay ấn xuống bàn phím đánh chữ (keyboard). Khi quý vị muốn biết điều gì, chỉ cần khởi niệm là tự nhiên nó sẽ tính ra ngay, tơ hào cũng không sai sót. Tâm quý vị nghĩ gì, nó lập tức biết liền. Bởi nó huyền diệu thông linh như thế nên tôi gọi là “THẦN”. Nhưng số lượng của quỷ e rằng dùng thần não cũng tính không xuể, bởi chúng nó quá nhiều. Hơn nữa, vừa mới tính xong là nó tăng vọt lên hàng ngàn, hàng trăm ức. Một giây khắc sau, chúng lại gia tăng thêm hàng ngàn trăm ức nữa. Do đó không cách nào tính cho chính xác được. Bởi vì quỷ cũng thoạt nhiên lên trời, rồi cũng thoạt nhiên xuống đất, không có cách nào để định được.
Quỷ cũng có quyến thuộc và bằng hữu. Nếu nó biết chỗ nào có ăn, nó sẽ mời bạn bè nó cùng tới ăn. Ví như loại quỷ ăn hoa có thể hóa làm ong mật hay bươm bướm, chúng đến đâu thì ăn nhụy hoa, uống sương hoa đến đó. Quỷ đói là do chỗ cảm nhận của quả báo, cho nên thường bị lửa đốt chẳng lúc nào ngừng. Thân thể nó cũng có lửa, bên ngoài, bên trong cũng có lửa. Lửa trong lửa ngoài giao nhau hừng hừng thiêu đốt, thống khổ khó tả. Vì sao bị quả báo như thế? Vì khi làm người lại có tánh giận dữ quá lớn, nên sau khi chết biến thành quỷ cũng chẳng được thoải mái, ngày đêm lại bị thiêu đốt, vĩnh viễn không mãn kỳ hạn, muốn trốn cũng trốn không khỏi. Nhưng nếu chúng ăn được một ít mật hoa, sương hoa là chúng giảm bớt được chút nhiệt não nóng bức. Dù chúng có cầu được mát mẻ chỉ một giây lát thôi cũng không được. Cho nên thiện ác, nhân quả, như bóng theo hình, không bao giờ sai chạy.
Quý vị! Hãy cẩn thận!
Lại có một giống quỷ chuyên ăn trái cây. Nhưng trước hết tôi xin giải thích sơ lược về bốn loại ăn (thực). Tất cả chúng sanh đều nhờ ăn để sống. Nói về ăn tức gồm có bốn loại:
1) Phần đoạn thực: Chúng sanh hữu tình, phàm hễ có khí huyết, hình tướng đều là phần đoạn thực. “Phần” là anh có phần của anh, tôi có phần của tôi. “Đoạn” là từng khúc, từng đoạn, hoặc là từng bữa, từng bữa. Giống như ăn sáng, ăn trưa, ăn tối, và không ăn giữa các bữa ăn, nên gọi là đoạn. Người và súc sanh đều thuộc về phần đoạn thực.
2) Xúc thực: Khi đụng chạm tiếp xúc là như ăn rồi. Quỷ thuộc loại xúc thực.
3) Tư thực: Chỉ cần nghĩ tới là no. Người cảnh trời thuộc về tư thực.
4) Thức thực: Ngay cả ý nghĩ cũng không cần khởi tưởng, vì cơ năng ăn uống ở trong thức thứ tám. Chư thiên ở Tứ Không Thiên thuộc về thức thực. Súc sanh đều có đồng loại với nó. Ví dụ như chim, cùng đồng loại thì chúng sống chung một cách hòa bình. Còn nếu không là đồng loại, mà muốn đến nhà loài khác để làm khách thì không được, vì nhất định là chúng sẽ đánh lộn.
Chắc quý vị cũng nhớ là ở trong khu rừng Vạn Thánh Lâm tại Vạn Phật Thánh Thành, có lúc bầy bạch hạc đã đánh nhau với chim ưng đó. Năm ngoái có một con bạch hạc bị đánh trọng thương, hoặc giả cũng có thể là nó từ trên ổ cao té xuống mà bị thương. Đệ tử tôi là Tiểu Quả Đà, chú nầy trước kia đã từng làm bạn với nó. Có lẽ kiếp trước Quả Đà cũng là chim hạc, nhưng vì nhờ nghe được một chút kinh Phật, cho nên kiếp nầy nó chuyển được làm người. Điều nầy cũng không nhất định là vậy. Quả Đà thấy bạn chim đó đang gặp nạn nên không nỡ lòng bỏ, thế là chú bèn mang chim đến bệnh viện để chữa trị. Nhưng cả đoàn bác sĩ cũng đành bó tay, muốn giúp mà giúp chẳng được. Kết quả là chú phải trả nó về gốc cây. Mặc dù có chim bạch hạc lớn đứng canh giữ bảo hộ, nhưng cuối cùng nó cũng bị chim ưng bắt đi. Do đó chúng ta biết rằng: tất cả chúng sanh loài nào sẽ theo giống nấy, mỗi loài đều có quyến thuộc riêng của chúng.
Trở lại đề tài chính, chúng sanh đều nhờ ăn mà sống. Thí dụ như chúng ta ăn trái cây. Khi trái cây vừa mới được hái từ trên cây xuống, nó vốn là hai trái. Ví như một trái táo (apple), nó không phải đơn thuần là một trái đâu, vì trên mặt trái táo hãy còn có một trái táo khác. Có người nói: “Tại sao tôi không thấy trái đó?” Nếu quý vị thấy được thì sẽ lén ăn nó rồi! Hai trái táo nầy, trong đó có một trái là cái bóng, lại cũng có thể gọi là “Tánh” của trái táo.
Cũng giống như vậy, mỗi cá nhân không phải đơn thuần là một con người, mà còn có một linh tánh tùy thân khác. Nhưng linh tánh của con người thì ẩn tàng bên trong thân thể, không bộc lộ ra ngoài. Nếu linh tánh nầy chạy thoát ra, nó sẽ bị yêu ma quỷ quái ăn mất.
Bất luận chủng loại nào mà biến thành người, phía sau lưng nó vẫn còn lưu lại cái bóng, đó gọi là “quỷ hồn” (con người có ba hồn bảy vía). Ví như kiếp trước người đó làm ngựa, phía sau lưng của y sẽ có bóng ngựa. Có người kiếp trước sanh làm con lừa, cho đến trâu, dê, gà, chó hoặc là heo, phía sau lưng của y vẫn còn lưu lại hình bóng của loài đó. Người đã mở Ngũ Nhãn, nhìn qua là biết ngay: “À! Thì ra người nầy kiếp trước vốn là con chó!” Nhưng không phải ai ai cũng có được Ngũ Nhãn. Bởi e rằng người ta sẽ phanh phui ra hết những vấn đề về kiếp trước của kẻ khác. Cho nên nói: “Thiên cơ bất khả tiết lậu” là vậy.
Trái cây không phải là động vật, tuy không có khí huyết, nhưng nó cũng là sanh vật. Hễ có sanh mạng tức là có tánh. Như đem trái cây cúng tế quỷ thần, quỷ thần sẽ ăn tánh của trái cây đó. Quỷ không phải là cầm trái cây để cắn ăn, mà nó chỉ cần xúc chạm rồi hút lấy tánh của trái cây, tức là đã ăn rồi. Do đó nếu ăn trái cây đã cúng quỷ thần rồi, quý vị sẽ cảm thấy không có mùi vị gì mấy.
Quê tôi thuộc miền núi đông bắc ở Mãn Châu, nơi đó có một loại gấu lớn. Nó ăn món gì cũng không cần cắn xé, tức là nó nuốt trửng nguyên con. Trên núi có mọc một loại lê, gọi là thiết đàn lê vì nó cứng lắm. Nhưng gấu cũng không cần nhai, chỉ ngoạm trái lê một cái là nuốt ngay. Lại càng kỳ diệu hơn nữa là khi đại tiện, nó cũng cho ra nguyên trái lê, hình dáng y như lúc chưa nuốt, không chút sứt mẻ. Nhưng trái lê đó đã không còn mùi vị nữa. Bởi một khi trái lê chạy qua công xưởng hóa học (hệ thống tiêu hóa) trong thân thể con gấu thì chất tinh hoa đã bị hút hết. Cho nên dù hình tướng vẫn còn lưu lại đó, nhưng tánh của nó đã mất rồi.
Từ điểm nầy chúng ta có thể hiểu được tình hình của Phật, Quỷ, Thần ăn trái cây như thế nào. Trái cây đã cúng Phật, cũng không nên để lâu vì nó rất mau bị hư. Cũng giống như con người lúc sanh thời, linh hồn còn ở bên trong, một mai chết rồi thì hồn lìa khỏi xác, thi thể rất mau mục thối. Trái cây nếu còn sanh tánh sẽ không chóng hư thối, nhưng khi đã bị hút mất sanh tánh tức sẽ bị hư hoại rất mau.
Trong bốn loại ăn, quỷ chỉ cần ngửi một cái, chạm một cái là đã ăn xong. Không giống như con người chúng ta, là phải cắn nhai một miếng, rồi lại phải nuốt xuống bụng, rất là phiền phức. Có người hỏi: “Làm sao thầy biết được chuyện như thế? Đó là vì kiếp trước tôi đã từng làm quỷ, cho nên ngày nay vẫn còn nhớ đó mà! Quỷ thuộc loại xúc thực, người Trời thuộc tư thực, chư Thiên ở cõi Tứ Không Xứ thuộc loại thức thực.
Nghiệp báo của mọi loài quỷ thần đều do từ các nhân duyên mà thọ cảm, nhân nào, quả nấy, gọi là: “Khởi hoặc, tạo nghiệp, thọ báo.” Vì vậy chúng ta nên biết, làm lành thì phước đi theo, làm ác thì họa theo đuổi, giống như tiếng vang của âm thanh. Thọ khổ hay cảm lạc là do tự mình tạo duyên, chớ có do ai khác đâu! Quý vị không muốn làm quỷ thì đừng tạo nghiệp làm quỷ. Hôm nay tôi chỉ nói một đoạn nhỏ về kiếp xa xưa tôi đã làm quỷ. Giả như quý vị không chán nghe, tương lai tôi sẽ kể cho mọi người biết lúc xưa tôi đã làm kiến, làm muỗi như thế nào, ở địa ngục như thế nào, làm súc sanh ra sao... Tôi sẽ nói hết ra, chứ chẳng giấu giếm làm gì.
Tất cả vua của quỷ thần đều có oai đức lớn. Họ có thể chém yêu quái, trừ tai họa và chế phục bọn ngoại đạo. Họ dùng pháp Chiết Phục để hàng phục tất cả bàng môn tả đạo, ma mị yêu tinh, ngưu quỷ, xà thần. Phàm là những phần tử xấu, tà tri tà kiến, tà thuật tà pháp, họ đều có khả năng hàng phục hết. Họ có thể sanh thiện, diệt ác, trừ tà, phá ma. Ác ma là ví cho những kẻ không màng chi đến đạo lý. Phàm những kẻ ngang ngược không màng đến lý lẽ thì rất quái gở và hống hách, họ đều là từ bọn ác ma chuyển thế mà thành. Quý vị có đối xử tốt với chúng bao nhiêu, chúng cũng không biết là quý vị tốt. Cho đến quý vị đem cả máu thịt mình mà hy sinh cho chúng, chúng vẫn không biết đủ, mà cũng chẳng cám ơn vì chúng có lòng tham không đáy. Tại sao vậy? Bởi chúng đã trải qua nhiều kiếp huân tập thói ác, cho nên các ác tập đó đã trở nên thâm căn cố đế, và tánh xấu được hình thành từ sự u tối gàn dở mà chúng lại không chịu sửa đổi.
Những vị quỷ thần vương trong Chú Lăng Nghiêm thống lãnh các quyến thuộc của họ như: thiên binh, thiên tướng, thiên tào, kim cang lực sĩ... Tất cả các vị đó đều lo chấn giữ khắp cả mười phương, bảo vệ người tu hành và ủng hộ làm cho đạo tràng ngày thêm hưng thịnh. Phần trên chúng ta đã nói quá nhiều về các chủng loại quỷ thần và quyến thuộc của chúng. Quý vị nên biết tất cả chúng sanh, mỗi loại cũng đều có “quỷ hồn” riêng của nó. Chó có quỷ hồn chó, mèo có quỷ hồn mèo, đại chúng sanh, tiểu chúng sanh cũng đều có quỷ hồn riêng. Tuy con người thường nói sợ quỷ, nhưng thật ra người và quỷ vốn chẳng có sự phân chia. Quỷ ở âm gian, người ở dương thế, nhưng âm dương vốn là một thể, không phân cao thấp, chẳng có giới hạn. Quỷ thì tham sân si nặng nề, nếu so với người thì con người có giới định huệ nhiều hơn một chút. Do đó quỷ trở thành đám âm khí, trong khi khí bẩm sinh của người và súc sanh thì tạo thành hình tướng.
Vì sao người và súc sanh có hình tướng? Đều bởi vì biết bao thứ chấp trước mới bị nhốt trong cái lồng ngũ uẩn mà trốn không khỏi phạm vi sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Lưới ngũ uẩn nầy làm chướng ngại cho tự tánh của chúng ta, ví như có đám mây đen che lấp mặt trời. Thực ra âm dương vốn là một thể, nhưng nay chỉ bị từng mây ngũ uẩn phân chia mà thôi. Con người bị trận ngũ uẩn làm khốn đốn, quỷ cũng bị rừng cây ngũ uẩn làm vướng vít, cho nên ai nấy đều chìm nổi trong biển nghiệp, sanh sanh tử tử, tử tử sanh sanh. Sanh thời làm người, lúc chết biến thành quỷ. Nhưng nếu ai chịu tu hành thì khỏi phải làm quỷ. Khi tu hành thành công là họ có thể thành Phật, thành Bồ Tát, hoặc chứng quả A La Hán.
Nếu ai chịu giữ ngũ giới và tu thập thiện thì sẽ được sanh lên cõi trời làm thần. Ngũ giới là: Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ và không uống rượu. Không sát sanh là từ bi. Không trộm cắp là đạo nghĩa. Không tà dâm là chánh nhân quân tử. Không vọng ngữ là trung tín. Không uống rượu là sẽ không bị cuồng loạn. Kẻ sát sanh, đời sau lại bị quả báo oan ương đoản mạng. Kẻ trộm cắp bị quả báo bần cùng khổ sở. Kẻ tà dâm bị quả báo làm chim sẻ, chim bồ câu, uyên ương. Loài chim sẻ đều ham thích những chuyện cao xa hão huyền, bởi kiếp trước chúng chuyên có hành vi gian dâm và phá hoại đạo đức, cho nên mới có nghiệp báo hiển hiện như vậy. Tôi đã thường nói với quý vị về điều nầy, nhưng vẫn có người không chịu chú ý, cho nên tôi không ngần ngại gì nhấn mạnh thêm lần nữa:
Chúng ta không nên sát sanh! Tất cả chúng sanh từ vô thủy kiếp đến nay đều là cha mẹ, bạn bè, quyến thuộc của ta. Cha mẹ ta vì đời trước đã tạo nghiệt tội, kiếp nầy có thể bị đọa làm heo, ngựa, trâu, dê. Giả như quý vị sát hại súc vật một cách bừa bãi, tức là quý vị gián tiếp giết cha mẹ của mình vậy.
Về trộm cắp, có câu nói: “Chuyện gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác.” Quý vị không muốn ai trộm cắp hay cướp đoạt tài sản của quý vị, thế thì trước hết quý vị không nên trộm cắp tài sản của kẻ khác.
Về việc tà dâm, đối với luật nhân quả, phạm tà dâm là tội nặng nhất và bị trừng phạt tệ hại nhất. Đặc biệt là giữa vợ chồng, nếu hai bên đã ly hôn rồi mà lại kết hôn nữa, căn cứ vào luật nhân quả, đến lúc lâm chung, thân thể họ sẽ bị cắt ra làm hai phần. Bởi lúc sống họ đã có hai mối quan hệ, cho nên khi chết nghiệp báo mới hiện ra. Là có một cái cưa lớn cưa cắt thân người từ trên đỉnh đầu xuống chân ra làm hai. Lúc sanh tiền đã tà dâm bao nhiêu lần, sau khi chết cũng bị cắt chia bấy nhiêu lần. Lúc sanh tiền kết hôn trăm lần, khi chết xuống liền bị phân thành trăm mảnh, để chia từng chút một cho những ai mà họ đã có quan hệ từ trước. Thế bị phân chia như vậy thì có gì không tốt? Vì khi linh tánh đã bị phân ra từng mảnh tan vụn rồi, nếu muốn đem nó tập họp lại tức chẳng dễ gì đâu. E rằng đến cả trăm ngàn ức kiếp cũng không trở lại được thân người. Lúc bấy giờ tánh hóa linh tàn, cùng mục rã với cỏ cây, rồi biến thành thứ thực vật thảo mộc vô tình. Một khi bổn tánh đã bị phân tán thì không dễ gì làm chúng sanh được. Dù cho họ có làm được chúng sanh đi nữa, thì họ chỉ có nước làm loài muỗi mòng mà thôi. Ví như một thân người có thể hóa thành tám vạn bốn ngàn con muỗi, song nếu muốn tập họp tám vạn bốn ngàn con muỗi đó trở lại thành một người, thời không dễ đâu. Đa số là muỗi sẽ sanh trở lại làm muỗi mới. Rồi chúng cứ trôi nổi lên xuống trong sanh tử luân hồi, mà vẫn không biết bội trần hợp giác, xả bỏ mê lầm để quay về chân chánh, nên gọi là: “Nhất thất nhân thân, vạn kiếp bất phục,” một khi mất thân người, muôn kiếp khó được lại. Nếu quý vị có thể thấm thía được ý nghĩa nầy, vậy làm sao mà không lo sợ cho được!
Giảng ngày 5 tháng 2 năm 1981
http://www.chuavanphat.org/
Subscribe to:
Posts (Atom)