Monday, April 15, 2013

Phật dạy bình đẳng, không phân biệt


Phật dạy bình đẳng, không phân biệt
Phật dạy bình đẳng, không phân biệt
Vì sẵn có từ tâm, hay thương người nghèo khổ, từ hồi còn nhỏ ở với cha mẹ, Tu Bồ Ðề thường đem của cải ban bố cho người. Nhiều lần bị cha mẹ rầy la, Tu Bồ Ðề vẫn không từ bỏ hạnh bố thí. Bởi thế, sau khi theo Phật, mỗi sáng đi khất thực, Tu Bồ Ðề không nỡ dừng bước trước cửa những ngôi nhà lụp xụp, xơ xác, có vẻ nghèonàn. Dù xa đến đâu, Tu Bồ Ðề cũng đến khất thực những gia đình giàu có. Với phong cách khất thực của Tu Bồ Ðề, các đệ tử của Phật cho là khác thường và chẳng rõ vì sao? Bởi theo pháp hành hóa của Phật, Tỳ Kheo phải tuần tự khất thực, trước mỗi nhà dù nghèo hay là giàu đều phải dừng bước để cho người gieo giống phước điền. Ðằng này, mỗi sáng ra khỏi Tịnh Xá, Tu Bồ Ðề tách đoàn đi riêng và tránh xa nhà nghèo, dù đôi lúc phải mang bát không về, chịu đói. Có người hỏi lý do, Tu Bồ Ðề giải thích:

- Khất phú hay khất bần cũng đều vì lợi ích chúng sinh cả. Nhưng khất người nghèo là tước đoạt phần ăn của họ. Vả lại, nếu không có vật thực để cúng dường người nghèo có thể sinh buồn tủi. Thế là vô tình Tỳ Kheo đã gieo ưu sầu cho người?

Trong chúng đệ tử Phật, ngược với Tu Bồ Ðề, có ngài Ma Ha Ca Diếp chỉ khất thực nhà nghèo, tránh xa nhà giàu. Vì theo Ca Diếp, người giàu đã có thừa phước báu, khỏi cần đem phước báu lại cho họ, người nghèo mới cần đem gieo trồng phước báu, để mai sau khỏi bị nghèo túng. Bởi thế, người xuất gia cần đem ruộng phước đến cho người nghèo gieo trồng phước đức.

Thái độ của khỏi và Ma Ha Ca Diếp đã trở thành hai thái cực, nên đã bị Ðức Phật quở trách.

- Theo Phật, con người cần giữ tâm quân bình, không được phân biệt, thiên kiến. Người đứng làn ranh này tất phải đối đầu với làn ranh kia, cuộc đời vì có đối kháng mà tương tranh, mất bình đẳng, gây nên nhiều thảm họa. Phật đi xuất gia vì muốn san bằng cuộc sống bất bình đẳng, từ đó giáo pháp của Phật hàm chứa tinh thần hòa đồng, không phân chia ranh giới, kể cả giàu và nghèo. Phép khất thực chân chính là không có lựa chọn phân chia giàu nghèo, sang hèn. Tỳ kheo cần giữ oai nghi nghiêm túc, thứ lớp khất thực.

Với đức tính trống rỗng sẵn có, Tu Bồ Ðề dễ dàng thuận theo lời Phật dạy, sau khi đi khất thực không còn phân chia giàu nghèo, đem phước điền đến cho tất cả mọi người.

 
Tác giả bài viết: Thích Minh Tuệ

Làm sao để cầu được bình an, hạnh phúc?


Làm sao để cầu được bình an, hạnh phúc?
Làm sao để cầu được bình an, hạnh phúc?
Mahamangala Sutta thuộc Sutta Nipata II, Tiểu Bộ Kinh I, Thiền sư Thích Nhất Hạnh dịch là kinh Phước Đức, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch là kinh Ðiềm Lành Lớn (kinh Ðại Hạnh Phúc), một bản kinh cầu phước đức rất nhiệm mầu, hiệu ứng an lành đích thực cho những ai tụng đọc, thực hành và ứng dụng trong đời sống hàng ngày. Vào các ngày đầu Xuân, những người con Phật lên chùa dâng hương cầu nguyện, mong ước một năm mới bình an, thịnh vượng. Bên cạnh việc lễ bái, cầu nguyện, cúng dường v.v…nếu người nào hữu duyên được đọc tụng và hành trì theo kinh Phước Đức thì chắc chắn sẽ gặt hái được phước báo vạn sự cát tường như ý.

Bản kinh Phước Đức ngắn gọn, súc tích, nghĩa lý rõ ràng có thể đưa vào kinh nhật tụng để mọi người đọc tụng mỗi ngày. Duyên khởi để Thế Tôn ban pháp thoại này phát xuất từ lời thỉnh cầu của một vị Trời mong muốn biết và thực hành gieo trồng phước đức nhằm xây dựng đời sống an lành. Chư thiên là loài được xem là có phước đức hơn hết so với các loài trong lục đạo mà còn thỉnh ý Thế Tôn nói về phước đức để kiện toàn phước báo cho tự thân, huống gì loài người, và nhất là Phật tử chúng ta.

***
Lánh xa kẻ xấu ác
Được thân cận người hiền
Tôn kính bậc đáng kính
Là phước đức lớn nhất.


Theo Thế Tôn, phước đức lớn nhất, trước tiên là phát huy tuệ giác, thành tựu chánh kiến. Một trong những biểu hiện của chánh tri kiến là thấy rõ thiện và ác cùng với gốc rễ của nó (kinh Chánh tri kiến, Trung Bộ I). Thấy rõ điều ác và người ác để tránh xa đồng thời thấy rõ điều thiện và người hiền để thân gần đồng thời tôn kính các cá nhân đức hạnh, bậc mô phạm về đạo đức trong xã hội… chính là những nhân tố cực kỳ quan trọng để thành tựu phước đức. Đặc biệt, sự “tôn kính bậc đáng kính” vô cùng cần thiết cho việc thành tựu phước đức của cá nhân và cả quốc gia, xã hội. Bậc đáng kính là người có tài đức, bậc hiền tài, là nguyên khí của quốc gia. Thiếu trân quý, không trọng dụng hiền tài hoặc đặt để không đúng người, đúng việc làm lãng phí tài và đức là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho phước đức của quốc gia suy giảm.

Sống trong môi trường tốt
Được tạo tác nhân lành
Được đi trên đường chánh
Là phước đức lớn nhất.


Mỗi người đều có quyền lựa chọn môi trường sống và làm việc cho chính mình. Tất nhiên, thực tế thì ít khi toàn diện, được cái này thì mất cái kia song điều cần tỉnh giác ở đây là những thuận lợi về phương diện vật chất không phải lúc nào cũng cần thiết để cho chúng ta nhắm mắt và sẵn sàng đánh đổi. Cần bình tâm để nhận diện rằng được sống, làm việc, học tập và phụng sự trong môi trường lành mạnh sẽ tác động rất lớn đến việc hình thành nhân cách cao thượng. Nhờ sống trong môi trường đạo đức và trí tuệ, xung quanh hầu hết là người tốt nên ta dần trở nên chín chắn, hiền thiện và an lành hơn.

Có học, có nghề hay
Biết hành trì giới luật
Biết nói lời ái ngữ
Là phước đức lớn nhất.


Kinh nghiệm của tiền nhân cho thấy “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Có chuyên môn cao ở bất cứ lĩnh vực nào cũng đều hữu dụng, mang lại lợi ích thiết thực cho tự thân, gia đình và xã hội. Có tài năng nhưng phải được đạo đức định hướng và dẫn dắt thì mới xứng hiền tài. Tài mà không hiền thì vẫn vô phước vô phần, đôi khi trở nên cực kỳ nguy hiểm nếu họ cậy tài để làm ác. Mặt khác, người có tài thì không nên tự cao, quát nạt, giấu nghề mà ngược lại, luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, dìu dắt và đào tạo thế hệ kế thừa với tất cả lòng thành, khiêm tốn và yêu thương. Được như vậy, xã hội ngày càng trở nên hoàn thiện, đất nước ngày càng phát triển ổn định hơn. Do đó mỗi chúng ta, nhất là các bạn trẻ phải lập chí học hành để có một nghề nghiệp chân chính, có trình độ chuyên môn và thu nhập cao, phục vụ nhiều hơn cho cộng đồng. Đó chính là một trong những phương diện của phước đức.

Được cung phụng mẹ cha
Yêu thương gia đình mình
Được hành nghề thích hợp
Là phước đức lớn nhất.


Những ai từng vì cuộc mưu sinh mà phải xa cha mẹ và người thân, sống nhờ nương nơi đất khách quê người, nhất là phải làm công việc nghịch tay trái nghề, mới thấm thía về sự thiếu phước. Ấy vậy mà có khá nhiều người đang nắm giữ phước đức trong tay nhưng lại không tự biết, thậm chí còn rúng rẩy xem thường khi đang có một công việc yêu thích ở gần nhà cùng với cha mẹ và những người thân. Cho nên, khi còn duyên lành sống với cha mẹ, anh em trong gia đình thì phải hiếu thuận hết lòng, có việc làm thích hợp (dù thu nhập không cao) cũng nên tận tâm vì đó là những chất liệu hình thành nên nguồn vui sống. Chính niềm hòa hiếu an vui của chúng ta, điều mà không thể đem các giá trị khác như danh tiếng, giàu sang để có thể hoán đổi, nên mới gọi là phước đức lớn nhất.

Sống ngay thẳng, bố thí,
Giúp quyến thuộc, thân bằng
Hành xử không tỳ vết
Là phước đức lớn nhất.


Một người làm ăn lương thiện, tạo dựng cơ nghiệp từ bàn tay và khối óc của chính mình chính là phước đức lớn nhất. Càng phước đức hơn khi cuộc sống của bản thân đã tạm ổn, người ấy biết phụng dưỡng cha mẹ, giúp đỡ người thân và sẻ chia với mọi người xung quanh, nhất là những người đang thực sự thiếu thốn. Sống trung thực, ngay thẳng, nhìn về quá khứ không có bất cứ điều gì phải dằn vặt, bận lòng. Tâm hồn trong sáng, hành xử đúng với ta mà cũng phải với người cùng với niềm kính trọng, yêu thương là nền tảng của bình an. Thiết lập được bình an là thành tựu phước đức.

Tránh không làm điều ác
Không say sưa nghiện ngập
Tinh cần làm việc lành
Là phước đức lớn nhất.


Phước đức hình thành và tăng trưởng nhanh nhất khi chúng ta biết siêng năng làm các điều lành. Một người khi phát nguyện làm các điều lành thì đồng nghĩa với không làm các điều ác. Điều lành luôn mang các thuộc tính có lợi ích cho mình và người, tạo ra hiệu ứng an lành trong hiện tại và tương lai. Một điều rất thú vị ở đây là để tạo phước đức cho bản thân bằng cách làm các hạnh lành thì tuyệt nhiên không dính vào say và nghiện. Vì không nhiều người chú ý đến khía cạnh này nên chủ quan không cảnh giác rồi đánh mất mình khi lỡ sa vào say và nghiện. Nói cách khác, say sưa và nghiện ngập là hai yếu tố quan trọng khiến tổn giảm phước đức nhanh chóng. Do vậy, muốn tạo dựng và giữ gìn phước đức của bản thân thì hãy luôn tỉnh táo, làm chủ được mình.

Biết khiêm cung lễ độ
Tri túc và biết ơn
Không bỏ dịp học đạo
Là phước đức lớn nhất.


Thành tựu phước đức rất khó, nhưng khi có chút phước rồi mà người hưởng phước biết khiêm cung, lễ độ với mọi người đồng thời luôn biết vừa đủ và tri ân lại càng khó hơn. Cái sự đời “giàu đổi bạn, sang đổi vợ” xưa nay không phải là chuyện hiếm. Có phước mà không biết gìn giữ và vun bồi nên chắc chắn sau một thời gian phước đức sẽ suy giảm. Với những người khi đã có cái ăn, cái mặc và chỗ ở rồi thì điều quan trọng không phải là cố gắng làm cho vinh thân phì gia thêm để thụ hưởng mà chính là vấn đề tu dưỡng phát huy đạo đức, an tịnh và thăng hoa tâm hồn. Những ai làm được như vậy thì phước đức ngày càng tăng thêm.

Biết kiên trì, phục thiện
Thân cận giới xuất gia
Dự pháp đàm học hỏi
Là phước đức lớn nhất.


Đi chùa, làm việc thiện, đi nghe pháp thoại, học đạo, tham thiền v.v… chính là những việc làm cao thượng, mang lại phước đức to lớn. Có nhiều vấn đề mà tiền bạc không mua được, danh vọng không đánh đổi được và uy quyền không lung lạc được… và chỉ có học đạo, tham thiền mới có thể giải quyết rốt ráo, mang lại niềm an ổn cho con người. Xưa kia thái tử Siddhartha và sau là vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng lên rừng tu đạo chính là đi tìm sự an tâm. Khi tâm đã an thì muôn sự đều bình an. Và chỉ có chuyên tâm học đạo mới có thể thành tựu phước đức to lớn này.

Sống tinh cần, tỉnh thức
Học chân lý nhiệm mầu
Thực chứng được Niết-bàn
Là phước đức lớn nhất.


Trong quá trình hướng nội, thanh lọc thân tâm thì chứng đạt Niết-bàn là phước đức lớn nhất. Sự siêng năng chuyên cần tu tập, duy trì sự tỉnh thức thường trực là những nhân tố quan trọng để thành tựu đạo quả. Niết-bàn là sự giải thoát khỏi tất cả những ràng buộc phiền não, là ánh sáng phá tan u ám của bóng tối si mê, là sự chấm dứt khổ đau luân hồi sanh tử. “Việc nên làm đã làm, gánh nặng đã đặt xuống” rồi, hành giả thong dong tự tại làm đẹp cho đời.

Chung đụng trong nhân gian
Tâm không hề lay chuyển
Phiền não hết, an nhiên,
Là phước đức lớn nhất.


Với tâm giải thoát tự tại, hành giả an nhiên bất động trước vô vàn biến động, tự tại vào ra trong sanh tử để cứu độ chúng sanh, làm đẹp cuộc đời như sở hành của vị Bồ-tát, đây không chỉ là phước đức cho một người mà tất cả cộng đồng, nhân loại.
 
***

Thật rõ ràng, xuyên suốt nội dung bản kinh Thế Tôn dạy về “làm” phước mà không hề có chuyện “xin” phước. Nên trong đạo Phật có chủ trương cầu nguyện mà tuyệt không có cầu xin. Vì Phật không trực tiếp ban phước cho ta an lành mà chỉ dạy phương cách rồi chúng ta phải tự thực tập, hành trì để tạo ra phước đức và được bình an.

Mong ước được an lành chính là một sự phát nguyện vun bồi phước đức tự thân, được thể hiện qua sự chuyển hóa ba nghiệp thân miệng ý theo hướng thiện lành. Do đó, bình an và phước đức có thể tạo dựng ngay bây giờ và ở đây./.

 
Tác giả bài viết: Quảng Tánh

Nhắc nhở tu hành _ HT Trí Tịnh


Tôi năm nay đã 95 tuổi, ngày giờ đã đến lúc phải mãn. Tôi cũng cố gắng lắm, kỳ thật những người bạn đồng tu cùng thời với tôi đều đã theo Phật từ lâu. Tôi còn ở trên đời để gặp mặt tất cả các huynh đệ là điều hy hữu lắm. Tôi tuổi đã cao, sức khỏe cũng yếu không thể nói nhiều nên chỉ nói những điều cốt yếu để nhắc nhở tất cả các huynh đệ.
Nhắc nhở tu hành
Nhắc nhở tu hành
Đời sống con người ngắn ngủi không bền lâu. Chỉ vì chúng ta là phàm phu mê tối được một ngày thì cho là dài lâu, được một tháng hay một năm lại lầm tưởng là lâu hơn. Kỳ thật thời gian qua rất mau do đó mình phải tranh thủ thời gian ngắn ngủi này đừng để lãng phí. Ngày tháng qua mau, các huynh đệ lấy ĂN CHAY làm nền tảng, luôn lấy việc NIỆM PHẬT, TỤNG KINH làm Công Đức Xuất Thế. Từ những điểm này gắng sức giữ gìn, rồi tu thêm các việc lành khác. Mong các huynh đệ ai nấy đều nhất tâm tinh tấn, vững bền ở trong Giáo Pháp của Phật. Phải khắc ghi hai chữ VỮNG BỀN này".

Tôi năm nay đã 95 tuổi, ngày giờ đã đến lúc phải mãn. Tôi cũng cố gắng lắm, kỳ thật những người bạn đồng tu cùng thời với tôi đều đã theo Phật từ lâu. Tôi còn ở trên đời để gặp mặt tất cả các huynh đệ là điều hy hữu lắm. Tôi tuổi đã cao, sức khỏe cũng yếu không thể nói nhiều nên chỉ nói những điều cốt yếu để nhắc nhở tất cả các huynh đệ.

Trong việc tu hành, Quả Vị cao của các bậc Thánh chính yếu là nương nơi Lý Tánh (Tánh Không). Nhưng chúng ta đều là người sơ cơ, trong Sáu Nẻo Luân Hồi dù rằng may mắn được thân người nhưng vẫn còn lẩn quẩn trong vòng sanh tử, nói thẳng đều là phàm phu tục tử. Cho nên mình phải biết căn cơ và vị trí của mình trong hiện tại để bước đi cho vững chắc. Vì sao như vậy? Vì ngày, tháng, năm, tuổi không chờ đợi. Trong Kinh nói, những cõi nước khác thọ mạng người dân tính bằng số kiếp, tính theo thời gian ở cõi này không biết bao nhiêu triệu năm. Còn thọ mạng của loài người ở cõi này chỉ mấy mươi năm, rất ngắn ngủi. Một ngày ở cõi Trời Tứ Thiên Vương bằng 50 năm ở cõi người, còn ở cõi Trời Đao Lợi thì một ngày bằng trăm năm ở cõi người. Thế nên đời sống con người ngắn ngủi không bền lâu. Chỉ vì chúng ta là phàm phu mê tối được một ngày thì cho là dài lâu, được một tháng hay một năm lại lầm tưởng là lâu hơn. Kỳ thật, thời gian qua rất mau do đó mình phải tranh thủ thời gian ngắn ngủi này đừng để lãng phí.

Tôi từ lúc vào chùa, biết được Phật Pháp, trước tiên là tụng thuộc lòng KINH PHỔ MÔN. Các huynh đệ nên nhớ tụng nghĩa là phải thuộc lòng. Tôi biết được công hạnh của Bồ Tát QUÁN THẾ ÂM liền nghĩ rằng: Bồ Tát QUÁN THẾ ÂM làm lợi ích rộng lớn cho chúng sanh như thế, mình cũng phải làm gì để đem lại lợi ích cho mọi loài? Mình bây giờ lẩn quẩn chỉ lo ăn, lo uống, hoàn cảnh xung quanh toàn là những chuyện phàm phu tục tử, phiền não nghiệp chướng. Từ đó tôi mới lập chí. Tôi thường ra nơi thờ Ngũ Hành trong Chùa Vạn Linh (Núi Cấm) ở đó thanh vắng, một mình để học thuộc Kinh. Chỉ trong hai tháng, thời công phu sáng chiều, tôi thuộc làu hết. Lúc tôi xuất gia vô chùa không có Áo Tràng để mặc. Mỗi khi tụng Kinh ở Chánh Điện thì tôi phải mượn. Lúc đó có cô Phật tử cúng bốn thước vải nâu, yêu cầu tụng 60 biến Phẩm Phổ Môn. Các thầy bảo tôi nên nhận lãnh phần này để được vải Nâu may Áo Tràng mặc đi tụng Kinh. Tôi hứa nhận, chỉ một ngày tôi thuộc Phẩm PHỔ MÔN. Nhờ đó tôi biết rõ bổn phận của mình phải làm gì để lợi ích chúng sanh, trong khi thời gian lại quá ngắn. Tôi sức khỏe lại yếu kém, trong đại chúng là người ốm yếu nhất.

Tôi biết chữ Hán, nên chùa giao việc viết sớ cầu an cầu siêu. Lúc đó lá sớ phải viết sẵn bằng tay, khi có việc thì điền tên thí chủ vào. Do đó chùa cất cho tôi cái cốc, chiều ngang 1,5m , chiều dài 2,5m làm bằng tranh, tre. Tôi lấy tấm ván làm cái bàn để trên đầu giường, ngồi trên đầu giường để viết sớ. Nhưng tôi mượn việc viết sớ để có chỗ tịnh tu, giành thời gian tụng Kinh niệm Phật thêm bốn thời nữa, chưa tính thời khóa nơi Chánh Điện của chùa. Tôi lại nghe nói tu hành phải khổ hạnh nên không ngủ, đến nỗi ngồi thọ trai mà chén cơm rơi xuống đất lúc nào cũng không hay. Tôi không ăn cơm, chỉ ăn rau rừng, đến khi đi lên những dốc cao trên núi bước lên không nổi. Cuối cùng tôi từ bỏ lối tu này. Về sau, tôi đọc Tạp Chí Từ Bi Âm (tờ báo này mỗi tháng đều được gởi lên tận chùa) của Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học, trụ sở đặt tại Chùa Linh Sơn (Sài Gòn). Trong tạp chí ấy, tôi đọc được một đoạn KINH PHÁP, trong tâm rất vui thích (lúc đó là năm 1938). Qua năm sau, tôi nghĩ phải đến trường để học Phật Pháp, vì có học có hiểu biết đúng thì tu hành mới đúng Chánh Pháp.

Năm 1940, tôi ra Huế được học ở Trường Phật Học Báo Quốc. Tôi đọc Kinh Quán Vô Lượng Thọ, y theo đó lập hạnh cho mình. Trong Kinh nói:

"Người muốn sanh về Cực Lạc phải có Ba Hạnh: 1. Tin sâu nhân quả. Tôi từ trước đến giờ biết điều nào lành thì làm, điều nào ác thì tránh. Nên đối với đạo lý nhân quả cũng rất tin tưởng; 2. Đọc tụng kinh điển Đại Thừa; 3. Khuyến tấn hành giả".

Cuộc đời tu hành của tôi nhất định phải làm được Ba Điều này để sanh về Thế Giới Cực Lạc. Hiện tại, tôi nhận thấy những điều này đã đem lại kết quả tốt, tương lai cũng tốt. Tôi y theo Điều Thứ 2 (đọc tụng kinh điển Đại thừa) nên hễ thích Kinh nào thì tụng thuộc lòng Kinh đó. Nhờ tụng thuộc lòng, dù ở hoàn cảnh nào, đi đứng nằm ngồi đều có thể tụng Kinh được. Còn ở Chánh Điện trước bàn Phật mở Kinh ra thì gọi là đọc. Cho nên ý nghĩa giữa đọc và tụng rõ ràng không nên hiểu sai lệch.

Năm 1945, lúc nhập thất 49 ngày tại Chùa Kim Huê (Sa Đéc), ban ngày tôi xem Tạng Luật, ban đêm thì đọc KINH HOA NGHIÊM. Lúc đến Phẩm PHỔ HIỀN HẠNH NGUYỆN lòng tôi vui mừng như người đi xa được trở về cố hương, cảm thấy rất quen thuộc, chỉ mấy ngày thôi tôi đã thuộc lòng Phẩm Kinh này. Từ đó,tôi lập thời khóa riêng của mình: tụng Phẩm PHỔ HIỀN HẠNH NGUYỆN, bài kệ Phẩm Phương Tiện trong KINH PHÁP HOA, Phẩm PHỔ MÔN, KINH A DI ĐÀ, rồi niệm Phật hồi hướng Tây Phương Cực Lạc.

Năm 1947, tại Trường Liên Hải Phật Học, vào đêm 30 tháng 3 âm lịch, tôi chợt nghĩ: mùng 8 tháng 4 âm lịch này là lễ Phật Đản, mình lấy gì để cúng dường lên Đức Phật? Mình nhất định phải học thuộc KINH KIM CANG để đến ngày đó cúng dường Phật. Đến ngày mùng 7 tháng 4 âm lịch, tôi nhờ Thầy Tắc Phước (bây giờ là Hòa thượng trụ trì Chùa Phước Huệ ở Úc), cầm bút dò theo. Nếu tôi đọc sai thì biết để sửa. Tôi tụng Kinh xong thì Thầy Tắc Phước nói không sai chỗ nào hết. Từ đó trở về sau, tôi đưa thêm KINH KIM CANG vào thời khóa của riêng mình thành Năm Bộ Kinh: KINH PHỔ HIỀN HẠNH NGUYỆN, KINH KIM CANG, bài kệ Phẩm Phương Tiện trong KINH PHÁP HOA, Kinh PHỔ MÔN, Kinh A DI ĐÀ, rồi niệm Phật hồi hướng về Cực Lạc. Tôi giữ kỹ thời khóa tu tập, mỗi ngày đều phải thực hành đều đặn chưa từng bỏ sót.

Tôi nói chân thành với các huynh đệ rằng, sự tướng không thể bỏ được. Lấy sự tướng của việc tụng Kinh, niệm Phật để chống lại sự tướng của Ba Độc: tham, sân, si, phiền não, già, bệnh, chết. Ngày tháng không thể bỏ qua, nó thúc đẩy mình tiến đến chỗ chết mà thôi. Như tôi năm nay 95 tuổi, qua sang năm là 96 tuổi, không thể trở lại 94 tuổi được. Thân này mầm bệnh tật bao vây từ trong đến ngoài, nó luôn chờ dịp để sanh khởi lên. Còn trước mặt là tấm bảng già yếu, bệnh tật, chết chóc, chui đầu vào đó mà thôi. Ai cũng phải đến chỗ đó hết, chỉ sớm hay muộn. Thân này là như vậy, kết cuộc của thân là như vậy. Mọi người phải nhận hiểu rõ ràng, chớ nên mê lầm. Tôi cũng có Ba Điều để dìu dắt mọi người, xuất gia cũng như tại gia. Vì người tin được thì sẽ thực hành theo:

1. ĂN CHAY phải thiết thực. Vì mỗi ngày ăn thịt chúng sanh thì điều ác nào chẳng dám làm, việc thiện nào có thể sanh khởi được? Bởi vì loài vật bị giết bị nấu bị nướng thì con người mới có thịt ăn. Vả lại, đạo Phật lấy Từ Bi làm chánh, nhưng ăn thịt chúng sanh thì đâu còn Từ Bi nữa. Ăn chay có những lợi ích gì:

Không vướng mắc vào nhân quả của Nghiệp Giết Hại. Nghiệp Sát Sanh ở thế gian rất nặng, vì chúng sanh bị bắt giết thì chúng ta mới có thịt ăn.

Ăn chay vì tình thương không nỡ ăn thịt loài vật. Tình thương phát sanh thì mong muốn mọi loài đều được an vui, do đó làm các việc lành. Như thế Tâm Từ đã sanh ra. Ví như mình thương người em, người cháu thì đâu muốn nó khổ, đã không muốn nó khổ thì không làm những việc bất thiện. Do vậy, Tâm Bi cũng sanh khởi mà làm các việc lành. Tâm Từ Bi có được cội gốc do ăn chay mà thành. Thuở nhỏ những người bạn trong xóm sắm giàn thun để bắn chim, tôi cũng làm theo. Bạn bè sắm cần câu để câu cá, tôi cũng sắm cần câu đi câu theo. Từ lúc biết ăn chay, tôi thấy con gà, con chim,các con vật khác thì thương nó lắm. Nếu người ăn thịt thì tình thương không thể phát sanh. Ví như chúng ta có con em, mỗi ngày mình ăn thịt nó mà cho rằng thương nó thì không được. Tình thương phát sanh ảnh hưởng nơi “Từ” thì làm lành, nơi “Bi” thì không làm ác. Điều Thiện Lành thì tăng thêm, việc Xấu Ác ắt giảm dần và dứt sạch. Như vậy chúng ta ăn chay tự nhiên làm được hai việc mà Đức Phật từng dạy: “Từ bỏ các việc ác, luôn làm các việc lành”. Do đó Tâm Từ Bi là cội gốc để đi lên con đường Hiền Thánh.

2. Trong KINH LĂNG NGHIÊM, đoạn Đức Phật nói BA MÓN TIỆM THỨ. Trước tiên không được ăn Ngũ Tân (Hành, Hẹ, Tỏi, Nén, Hung Cừ). Vì tính chất của Ngũ Tân làm tăng tham dục và sân hận, ảnh hưởng của nó là quyến rũ Ngạ Quỷ, Chư Thiên cùng Thiện Thần đều tránh xa. Nó hay trợ giúp phát sanh Nghiệp Phiền Não. Cách đây ít hôm, có người xưng là Quỷ Vương nói: “Tôi lên đây để đấu với Hòa Thượng, nếu Hòa Thượng thua thì tất cả binh tướng của tôi sẽ chiếm chỗ này”. Sáng hôm đó, tôi đang ngồi uống thuốc Tam Tài thấy có một người đàn ông và một người đàn bà. Người đàn ông thì đứng chắp tay, còn người đàn bà thì uốn mình như con rắn (có thể thuộc loài Ma Hầu La Già) rồi quỳ xuống lạy, lạy xong rồi đi xuống. Tâm tôi cũng không để ý chỉ nhìn thấy vậy thôi. Sau đó tôi nghe mấy Thầy nói họ lên Chánh Điện ngồi niệm Phật một ngày một đêm. Các Thầy kể lại đã hỏi họ rằng: “Sao không thấy đấu với Hòa Thượng mà quỳ lạy rồi đi xuống?”. Người kia nói: “Tôi nhìn thấy Hòa Thượng sợ quá nên quỳ xuống lạy chứ không dám làm gì hết”.

Các Thầy hỏi, lúc đó Sư Ông có bắt ấn hay niệm Chú gì không? Thật ra, tâm tôi không để ý tới. Tôi nói việc này để các huynh đệ biết, mình sống ở đây các loài Ngạ Quỷ hạng cao đầy dẫy. Cho nên Phật nói, nếu ăn Ngũ Tân sẽ ảnh hưởng đến các loài đó. Bây giờ nhiều chùa ngập tràn mùi vị Ngũ Tân. Cho đến các chùa xung quanh Tỏi, Hành (Ba Rô) treo đầy trong nhà bếp. Các huynh đệ muốn giữ điều này cũng khó lắm, vì mỗi ngày phải đi đám, người ta nấu thức ăn bỏ hành bỏ tỏi, nếu không dùng thì nhịn đói. Do vậy tôi không đi dự các đám cúng. Từ trước đến giờ tôi chưa bao giờ dùng Năm Thứ Rau Cay này. Có khi xuống Chùa Huệ Nghiêm (Bình Chánh) tôi phải dặn không được bỏ Ngũ Tân vào thức ăn. Lúc đến các chùa dùng cơm chay mà có mùi vị này thì tôi chỉ ăn chút cơm và bánh ngọt rồi về.

3. Từ trên nền tảng đó tu hành CHÁNH NIỆM: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Niệm Phật là trì niệm danh hiệu Nam Mô A DI ĐÀ Phật. Niệm Pháp là tụng Kinh. Niệm Tăng là niệm danh hiệu Bồ Tát QUÁN THẾ ÂM, Bồ Tát ĐẠI THẾ CHÍ, Bồ Tát ĐỊA TẠNG VƯƠNG. Trong đó lấy niệm Phật làm chánh, mỗi ngày đều thực hành như thế thì Chánh Niệm dần dần tăng lên, Thiện Căn cũng từ đó thêm lớn, Công Đức và Phước Đức cũng từ đó tăng trưởng. Trong sinh hoạt hàng ngày, có những điều giúp mình tăng Phước và giảm Phước mà chúng ta không để tâm lưu ý. Trong Mười Đại Nguyện Vương của Bồ Tát PHỔ HIỀN, Điều Nguyện Thứ Năm là “Tùy hỷ công đức” dễ thực hành lắm, lấy công đức của người làm công đức của mình. Đây là Pháp tu thong thả nhẹ nhàng. Đối với các việc lành của người, chúng ta không vui mừng lại còn ngăn cản chê trách thì tổn phước. Còn tùy hỷ (vui mừng theo) thì Phước Đức tăng thêm. Chẳng hạn có người xây một ngôi nhà lớn, khách bước vào khen ngợi khang trang mát mẻ thì người chủ liền vui. Một người khác lại cho rằng, nhà rộng quá dọn dẹp mệt thêm. Người chủ nghe được cũng hơi buồn. Như lúc xây Chánh Điện Chùa Vạn Đức, có người khen ngợi Cây Bồ đề cao đẹp quá. Nhưng có người lại nói nhìn lên Cây Bồ Đề quá cao thật mỏi cổ. Chỉ một việc nhỏ này, một bên tăng Phước, một bên tổn Phước. Các huynh đệ lưu ý để ứng dụng trong đời sống thường ngày, những điều tăng Phước thì nên làm. Những điều tổn Phước thì nên tránh. Mỗi ngày tích lũy một ít thì Phước Đức từ ít thành nhiều, từ nhỏ thành lớn. Ngày tháng qua mau, các huynh đệ lấy ĂN CHAY làm nền tảng, luôn lấy việc NIỆM PHẬT TỤNG KINH làm Công Đức Xuất Thế. Từ những điểm này gắng sức giữ gìn, rồi tu thêm các việc lành khác. Mong các huynh đệ ai nấy đều nhất tâm tinh tấn, vững bền ở trong Giáo Pháp của Phật. Phải khắc ghi hai chữ VỮNG BỀN này.

Khai Thị 17/7 Tân Mão của Đại Lão HT. Thích Trí Tịnh

Saturday, April 6, 2013

Tây Tạng huyền bí - Tôi Mở Thần Nhãn


Chương 07: Tôi Mở Thần Nhãn

Ngày sinh nhật của tôi đã đến. Ngày đó tôi được tự do không phải đi đến lớp học hay đi dự lễ. Vào lúc sáng sớm, Minh Gia Đại Đức có nói với tôi:
- Lâm Bá, hôm nay con hãy vui chơi thỏa thích. Chúng ta sẽ đến tìm con chiều nay.
Kể từ chiều hôm đó tôi bế môn nhập thất trong một gian phòng nhỏ, và không được bước ra khỏi phòng trong suốt ba tuần lễ. Trong thời gian đó không ai được đến phòng kiếm tôi trừ ba vị Lạt Ma cao cấp trong đó có Minh Gia Đại Đức, sư phụ tôi. Ba vị Lạt Ma mỗi ngày đều đến vào đúng giờ để chỉ dẫn cho tôi một phép luyện bí truyền để mở thần nhãn. Trong khi đó, người ta cho tôi ăn uống không nhiều, chỉ vừa đủ duy trì sự sống. Sau ba tuần lễ khổ luyện dưới sự chỉ dẫn của sư phụ, tôi đã đạt tới sự thành công. Sư phụ tôi bèn nói:
- Lâm Bá, từ nay con đã thật sự trở thành một cao đồ trong môn phái của chúng ta. Kể từ nay cho đến suốt đời con, con sẽ nhìn thấy rõ chân tướng của mọi người chứ không phải là chỉ nhìn thấy cái bề ngoài của họ mà thôi.
Lần đầu tiên trong đời tôi, thật là một kinh nghiệm lạ lùng mà nhận thấy rằng ba vị Lạt Ma đều được bao phủ chung quanh mình bằng một ánh hào quang vàng chói như ánh lửa. Về sau, tôi mới hiểu rằng đó là nhờ ba vị đã có một đời sống tinh khiết và không phải ai cũng có được một hào quang tốt đẹp như thế, mà trái lại phần đông người đời có một cái hào quang với một hình dạng và màu sắc khác hẳn.
Khi tôi đã phát triển được cái nhãn quang thần thông đó, tôi phát hiện được những rung động khác nữa xuất phát từ trung tâm hào quang của con người. Kế đó, tôi có thể đoán biết tình trạng sức khỏe của một người bằng cách nhìn xem màu sắc và hình dáng cái hào quang của y. Cũng y như thế, bằng cách nhìn xem sự thay đổi màu sắc trong hào quang của một người, tôi có thể biết rằng người ấy nói thật hay nói dối. Thần nhãn của tôi, tuy vậy không phải chỉ dùng để quan sát thân thể của một người mà thôi. Người ta còn cho tôi một bầu thủy tinh mà tôi thường dùng để quan sát bằng thần nhãn và bây giờ tôi vẫn còn giữ. Những bầu thủy tinh này không phải là những vật nhiệm màu gì cả mà chỉ là những khí cụ mà thôi. Cũng như một ống kính hiển vi hay viễn vọng kính, do những định luật tự nhiên cho phép ta nhìn thất những sự vật mà lúc bình thường ta không nhìn thấy được, thì một bầu thủy tinh cũng vậy nó có tác dụng như một trung tâm để sử dụng con mắt thần, nó giúp cho người ta có thể đột nhật vào cõi giới tiềm thức của mọi vật và nhìn thấy những sự vật diễn biến trong quá khứ hay tương lai xuất hiện trong đó. Mọi loại thủy tinh không phải đều thích hợp với tất cả mọi người. Có người thu hoạch được kết quả tốt hơn với loại thủy tinh khoán thạch, có người lại thích hợp với một bầu pha lê. Những người khác nữa dùng một bồn nước lạnh bằng ve chai hoặc một đĩa tròn màu đen huyền. Nhưng dầu người ta sử dụng một kỹ thuật nào, thì các nguyên tắc vẫn là một.
Sau khi tôi đã hoàn tất việc luyện thần nhãn một cách an toàn, các vị Lạt Ma quyết định rằng tôi có thể rời khỏi gian phòng mà tôi đã nhập thất và trở về với cuộc sống bình thường, nhưng tôi sẽ dành phân nữa thời giờ của tôi bên cạnh Minh Gia Đại Đức để cho sư phụ tôi sẽ tăng cường sự học đạo của tôi bằng một vài phương pháp. Còn phân nữa thời gian kia sẽ dành cho những buổi học và buổi lễ cầu nguyện, không phải vì cái giá trị giáo dục của những buổi ấy mà là để cho tôi có một sự hiểu biết quân bình về mọi sự. Ít lâu sau đó, khoa thôi miên cũng sẽ được sử dụng để dạy đạo cho tôi. Nhưng còn bây giờ thì tôi chỉ nghĩ đến vấn đề... ăn! Tôi đã phải ăn uống rất khắc khổ trong gần ba tuần và nay tôi phải ăn trả đũa để bù lại. Tôi bèn hối hả từ biệt các vị Lạt Ma với ý nghĩ duy nhất trong đầu tôi đó là ăn, mhưng ra ngoài hành lang, tôi nhìn thấy một bóng người bao phủ trong một đám khói xanh, với những vết lớn màu đỏ chói như lửa cùng khắp thân mình. Tôi bèn kêu lên một tiếng thất thanh và hối hả thối lui về phòng. Các vị Lạt Ma nhìn tôi một cách ngạc nhiên; tôi có vẻ gần như ngất xỉu vì sợ hãi và nói:
- Một người đang cháy như bó đuốc ở ngoài hành lang.
Minh Gia Đại Đức chạy phóng ra ngoài. Khi sư phụ trở lại phòng. Người vừa mỉm cười vừa nói:
- Lâm Bá, đó chỉ là một người lao công đang nóng giận hào quang của y giống như một đám khói xanh, vì trình độ tiến hóa của y còn thấp. Những vết lửa màu đỏ là những tư tưởng nóng giận. Con có thể đi ra một cách an toàn để tới phòng ăn vì chắc con đã đói lắm!
Thật là một kinh nghiệm vô cùng lý thú khi tôi gặp lại những bạn học cũ mà trước kia tôi vẫn tưởng rằng tôi biết quá rõ, nhưng sự thật thì tôi chưa biết gì về họ cả. Nay tôi chỉ cần nhìn họ để đọc những tư tưởng thầm kín, tình thương chân thành, sự ganh tị hay sự thờ ơ lãnh đạm của họ đối với tôi.
Không phải chỉ nhìn những màu sắc trên hào quang của mỗi người mà biết tất cả, người ta còn phải tập giải đoán ý nghĩa của những màu sắc đó nữa. Để thực tập vấn đề này, sư phụ tôi và tôi cùng ngồi ở một chỗ vắng vẻ, từ nơi đó chúng tôi có thể quan sát những người đi đường bước vào cổng đền.
Minh Gia Đại Đức nói với tôi:
- Lâm Bá, con hãy nhìn người kia đang đi tới... con có nhìn thấy chăng một đường chỉ màu đang rung động ở phía trên quả tim của y? Màu ấy và sự rung động ấy là triệu chứng của bệnh đau phổi!
Sư phụ lại bình phẩm về một người lái buôn:
- Con hãy nhìn những lằn ngang đang cử động và những đốm, vết đang chớp lập lòe trên hào quang của y... người lái buôn này đang nghĩ rằng y có thể lừa bịp những sư sãi ngu ngốc kia mà y nhớ rằng y đã có lần thành công như vậy. Chỉ vì tiền bạc, người ta không lùi bước trước một hành vi ti tiện nào!
Hoặc về một người khác nữa:
- Lâm Bá, con hãy nhìn vị sư già kia. Đây là một vị sư sãi chân tu, nhưng y lại hiểu kinh điển một cách quá chật hẹp, gò bó sát nghĩa từng chữ từng câu. Con có nhận thấy chăng màu vàng trên hào quang của y đã phai lợt? Đó là vì y chưa đủ tiến hóa đúng mức để có thể suy luận lấy một mình.
Và như thế, chúng tôi tiếp tục quan sát để thực tập hằng ngày. Nhưng chính trong khi tiếp xúc với những người đau ốm, bịnh tật về thể xác cũng như tinh thần, thì tôi mới nhận thấy năng khiếu Thần Nhãn là vô cùng hữu ích.
Một buổi chiều, Sư phụ nói với tôi:
- Sau này, ta sẽ dạy con nhắm Con Mắt Thần tùy ý muốn, vì thật là một điều khổ sở mà phải luôn luôn nhìn thấy trước mắt những cảnh tượng buồn thảm, bất toàn của người đời. Nhưng bây giờ, con hãy sử dụng năng khiếu đó thường xuyên, cũng như con sử dụng đôi mắt phàm. Thầy sẽ chỉ cho con cách mở hay nhắm Con Mắt Thần một cách dễ dàng cũng như hai con mắt kia.
Những truyện thần thoại của xứ Tây Tạng quả quyết rằng trong quá khứ đã có một thời kỳ mà nhân loại, nam hay nữ, đều có thể sử dụng Con Mắt Thần. Đó là thời kỳ mà đấng Thần linh đến quả địa cầu và sống lẫn lộn với người trần gian, khi con người hãy còn chất phác, hồn nhiên và tâm hồn trong sạch.
Nhưng về sau, loài người đã mở mang trí khôn, bèn sinh ra kêu căng ngạo mạn và xúc phạm đến Thánh Thần. Để trừng phạt tội xúc phạm này, nhãn quang thần thông của họ bị thâu hồi. Kể từ đó, trải qua nhiều thế kỷ, một thiểu số người vừa lúc mới sinh ra đã có năng khiếu Thần Nhãn. Những người nào có năng khiếu ấy một cách tự nhiên, có thể tăng cường quyền năng của họ lên gấp ngàn lần nhờ bởi một phép luyện bí mật, cũng như trường hợp của tôi. Lẽ tất nhiên, một quyền năng đặc biệt như thế phải được sử dụng một cách cẩn mật và vô cùng thận trọng.
Một ngày nọ, vị Sư Trưởng cho gọi tôi vào gặp ngài và nói:
- Con hỡi, nay con đã sở hữu một quyền năng mà phần đông nhân loại không có. Con chỉ nên sử dụng nó để làm việc thiện, chớ hề dùng nó cho mục đích ích kỷ. Quyền năng ấy được ban cho con để giúp đỡ kẻ khác, chứ không phải để mưu lợi cho riêng mình. Nhờ Thần Nhãn, có nhiều điều sẽ được tiết lộ cho con, nhưng dầu cho con học hỏi được điều gì, con cũng không được tiết lộ cho người khác biết, nếu những lời nói của con có thể làm cho họ đau khổ hay làm thay đổi chiều hướng cuộc đời của họ. Vì, con hỡi, mỗi người phải tự ý chọn lựa con Đường của mình. Dầu cho con nói với họ điều gì, họ cũng vẫn đi theo con đường của họ. Con hãy giúp đỡ những kẻ bệnh tật và những người đau khổ, nhưng con đừng nói gì có thể làm đổi hướng cuộc đời của một người.
Vị Sư Trưởng, một người có văn hóa rất cao, cũng là vị y sĩ thân tín của đức Đat Lai Lạt Ma. Trước khi chia tay từ biệt, vị Sư Trưởng cho tôi biết rằng không bao lâu nữa tôi sẽ được gọi vào để yết kiến đức Đạt Lai Lạt Ma, vì ngày có ý muốn gặp tôi. Trong dịp đó, Minh Gia Đại Đức và tôi sẽ là khách của điện Potala.