Wednesday, October 2, 2013

Năm Chướng Ngại Tâm

Tâm con người luôn luôn bị ảnh hưởng bởi ba loại phiền não: (1) phiền não tác động (2) phiền não tư tưởng và (3) phiền não ngủ ngầm.
(1) phiền não tác động xuất hiện qua hành động và lời nói, được diệt tận bằng Giới Học,
(2) phiền não tư tưởng xuất hiện dưới ý nghĩ muốn chiếm đoạt, mưu hại .. được diệt tận bằng Định Học.
(3) phiền não ngủ ngầm ẩn tàng trong tâm con người từ nhiều kiếp là gốc rễ của phiền não tư tưởng và phiền não tác động. Loại phiền não này chỉ được diệt tận bằng Tuệ Học.
Ba loại phiền não này được diệt tận bằng Tam Học: Giới-Định-Tuệ.
Giới học loại bỏ được phiền não tác động nhờ sự giữ giới. Định học chế ngự được phiền não tư tưởng nhờ thực hành thiền định. Tuệ học diệt tận được phiền não ngủ ngầm nhờ Minh Sát tuệ và Thánh Tuệ.
Do sự giữ gìn thân khẩu và nhờ tạo thành thói quen không làm điều bất thiện, hành động và lời nói trở nên hòa nhã và dễ mến. Thiện nghiệp tạo nên bởi giới hạnh trong sạch có năng lực rất lớn và có hiệu quả hơn so với thiện nghiệp tạo nên từ sự bố thí. Nhờ giới hạnh, bạn không bị khổ vì nuông chịu lòng ham muốn làm ảnh hưởng đến thân khẩu.
Tuy nhiên, đối với phiền não tư tưởng xuất hiện qua ý nghĩ không thể chế ngự bằng giới vì bạn không thể bằng cách đơn giản nói là “Tôi không ham muốn”. Loại phiền não xuất hiện trong tâm này chỉ được chế ngự bằng sự thực hành chánh niệm. Phiền não tư tưởng xuất hiện dưới ý nghĩ chiếm đoạt, tà hạnh khi có sự tham lam thái quá, hay ý nghĩ mưu hại, muốn giết, khi có sự sân hận quá mức, hoặc có sự cố ý dối trá để hãm hại hay lường gạt. Tất cả các tư tưởng bất thiện nảy phát xuất từ tham lam, sân hận và si mê. Do đó, phiền não tư tưởng không thể chế ngự bằng phương cách thông thường. Chỉ với chánh niệm mới có khả năng bảo vệ được tâm. Chánh niệm chỉ có được qua sự tu tập bằng sự tham thiền.
Khi tâm chưa phát triển, tâm mang đầy ô nhiễm. Tâm không bị kiểm soát, buông lung chạy theo những gì ưa ghét, như khi tâm ước muốn thấy vật đẹp hay nghe âm thanh hay, sự ham thích thái quá khiến phát sinh ý muốn chiếm đoạt, hay trở nên ích kỷ. Một tâm như vậy được xem là chưa phát triển. Tâm còn mang những loại tâm sở thấp kém khác như dã dượi buồn ngủ, không năng lực, hối tiếc, giao động, hay hoài nghi. Chúng ta không muốn có một cái tâm không trong sạch chất chứa các loại tâm thấp kém, bất thiện như vậy. Các loại tâm này tự phát sinh khi tâm ta buông lung, thiếu kiểm soát. Với chánh niệm bảo vệ cho tâm không bị các loại tâm bất thiện chi phối, nếu chúng xuất hiện, bạn ghi nhận và khắc phục được chúng bằng chánh niệm. Tâm của người thường không biết thiền tập thường bị chế ngự bằng các tâm bất thiện. Các tâm bất thiện này cỏn được xem là chướng ngại cho sự phát triển trí tuệ. Chúng ngăn trở không cho trí tuệ phát triển, hoặc làm suy yếu trí tuệ khi mới vừa sinh trưởng.
Các chướng ngại như ái dục, sân hận, dã dượi buồn ngủ, trạo hối, và hoài nghi làm cản trở không cho trí tuệ phát sinh. Một khi chúng xâm nhập vào tâm, chúng làm cho tâm suy yếu như cơ thể suy yếu khi bị vi trùng xâm nhập. Muốn không bị vi trùng xâm nhập, cần phải phòng ngừa. Nếu bị nhiễm bệnh, cần phải dùng phương pháp điều trị hiệu quả. Cũng giống như vậy, tâm bị suy yếu khi bị các chướng ngại xâm nhập. Cần phải dùng chánh niệm để đề kháng lại các chướng ngại này. Muốn cho tâm khỏe mạnh cần phải có phương pháp phòng ngừa. Đó là sự thực hành chánh niệm. Nếu không tu tập bằng thiền minh sát, tâm không bao giờ được khỏe mạnh để có khả năng chống lại các chướng ngại. Khi tâm tiếp xúc vật gì đó, tâm sẽ bị các chướng ngại khống chế ngay lập tức giống như một người yếu đánh vật với một người mạnh sẽ luôn luôn thua người mạnh. Tâm cần phải tu tập phát triển sức mạnh để có khả năng chống trả lại các chướng ngại. Nếu không hành thiền sẽ không thể làm tâm phát triển. Nếu không thực hành thiền định hay thiền Minh Sát, hay thiền Tứ Niệm Xứ, tâm sẽ vĩnh viễn suy yếu.
Do đó cần phải phát triển tâm để làm cho tâm có khả năng đề kháng các ô nhiễm. Danh từ bhāvanā, trong aquiditi bhāvanā, là sự phát triển tâm thiện phi thường, atikusala, một tâm thiện vượt trội tâm thiện thông thường. Bố thí vật chất bằng tâm từ bi là loại thiện nghiệp thông thường, một công việc xã hội mà ai cũng có thể làm được, nên bố thí không thể được coi là loại thiện nghiệp phi thường. Giữ gìn giới hạnh, với tâm từ bi không muốn làm hại người khác, không muốn gây đau khổ cho người khác, đồng thời bảo vệ được mình và bảo vệ cho người khác 1à một loại thiện nghiệp có năng lực mạnh mẽ hơn thiện nghiệp do bố thí. Giữ giới chưa phải là loại thiện nghiệp phi thường vì không có liên quan với sự phát triển tâm. Phát triển tâm khó khăn hơn đòi hỏi can đảm, nỗ lực mới tu sửa làm cho tâm được trong sạch. Do đó sự phát triển tâm được xem là thiện nghiệp phi thường. 
 Giới học chỉ có khả năng chế ngự tham sân si biểu hiện một cách thái quá, như khi quá tham làm phát sinh sự ích kỷ, khiến cho bạn mất sự nhẫn nhục, tha thứ, bỏ qua, hoặc khi quá sân cũng làm cho mê muội gây nên những hành động sai trái. Nhưng đối với loại tham sân si thông thường không thể chế ngự bằng giới 
Tham thiền là phương pháp hiệu quả nhất để chống lại loại tham sân si thông thường, loại ô nhiễm thường chiếm ngự tâm. Có hai phương pháp phát triển tâm: thiên vắng lặng, samatha, và thiền minh sát.
Thiền vắng lặng làm cho tâm an tịnh thoát khỏi ảnh hưởng của tham sân si. Thiền Minh Sát phát triển được sự hiểu biết về tâm và vật chất cùng ba đặc tướng vô thường, bất toại nguyện và vô ngã. Sự hiểu biết này làm tâm thoát khỏi tham sân si.
Khi tâm chưa được tu tập, tâm thường bị giao động bởi ái dục như thích thấy vật đẹp, nghe âm thanh hay, là điều tự nhiên của con người sống trong cõi dục giới. Sân hận phát sinh khi kinh nghiệm điều không ưa thích. Dã dượi buồn ngủ làm cho tâm buông xuôi chiều tinh tấn, hoặc nếu ráng cố gắng chú tâm thì mau cảm thấy mệt mõi, đặc biệt thường phát sinh trong khi hành thiền. Phóng dật làm cho tâm không ở yên trên đối tượng đang quan sát, tâm trượt khỏi đối tượng, phóng chạy đây đó. Hối tiếc điều tội lỗi đã làm trong quá khứ, hay điều tốt chưa thực hiện được, làm cho tâm bất an giao động không ở yên trên đề mục. Hoài nghi không tin nơi pháp hành, nghi ngờ nhân quả, phân vân không biết đúng sai. Các loại tâm bất thiện này là những chướng ngại cho tâm, đối nghịch lại các loại tâm thiện phát sinh do sự tu tập cao thượng hơn. Chúng là kẻ thù bên trong chúng ta. Sự định tâm phát triển qua sự tham thiền có khả năng chế ngự được các chướng ngại và làm cho tâm an tịnh. Thiền vắng lặng và thiền định giúp chúng ta đạt được mục đích này. Đây là loại thiền thuộc thế tục, theo đó hành giả gom tâm tập trung vào đề mục thuộc tục đế. Thiền tâm từ thuộc về loại thiền thế tục. Hành giả nghĩ về người thân của mình, hướng tâm về người này, đặt sự chú tâm vào ý muốn mong cho người này được an vui hạnh phúc. Sự hướng tâm về người được rãi tâm từ làm phát triển chi thiền Tầm, vitakka, một loại tâm thiện có hiệu quả làm cho tâm an tịnh do sự hướng tâm trên đề mục được duy trì lâu dài. Nhờ giữ tâm an trụ được lâu dài, tâm thoát khỏi các chướng ngại như ái dục, sân hận, v.v... Một tâm thiện khác là chi thiền Tứ, viccāra, cũng được phát triển, khi tâm chà sát trên đề mục. Hai chi thiền này làm cho tâm tạm thời được an tịnh, đây là sự thực hành thiền vắng lặng, samatha bhāvanā. Khi tâm an tịnh, tham sân vắng mặt, chỉ có tâm vô tham và vô sân là hai loại tâm thiện phi thường. Sự an tịnh làm cho hành giả cảm thấy phấn khởi, vui thích, phát sinh hỉ, piti, qua nhiều giai đoạn. Hành giả cảm thấy hạnh phúc, an lạc. Thiền vắng lặng, samatha bhāvanā, làm cho tâm an tịnh khi tâm vắng bóng phiền não. Thiền định, samādhi bhāvanā, làm cho tâm an trụ chìm sâu trong đề mục.
Hành thiền vắng lặng hay thiền định đưa tâm phát triển qua bốn tầng thiền. Khi đến tứ thiền, tâm ở trạng thái rất an tịnh. 
Tâm không bị ảnh hưởng bởi tham sân cũng như các tâm chướng ngại khác. Thực hành thiền vắng lặng làm cho tâm an tịnh. Nếu biết hành thiền vắng lặng, bạn cũng biết hành thiền định. Hai loại thiền này thuộc về loại thiền tục thế. 
 
  

 

Phiền Não và Hạnh Phúc

Khi trạng thái tâm (tâm sở) thiện bị đem ra khỏi tâm, phiền não tuôn vào quấy phá. Phiền não trong tâm là nguyên nhân hình thành ý tưởng bất thiện, loại phiền não tư tưởng, như ý muốn chiếm đoạt, hay ý muốn hãm hại, và cuối cùng trở thành loại phiền não tác động, biểu hiện ra bên ngoài thành hành động và lời nói bất thiện. Trong lúc hành thiền, các chướng ngại tâm như ái dục, sân hận, dã dượi buồn ngủ v.v...cũng xâm nhập vào tâm xua đuổi các tâm thiện lành ra khỏi tâm. Giống như khi cướp xâm nhập vào nhà, nắm quyền làm chủ căn nhà. Khi ái dục chiếm tâm, kāmacchanda nīvaraṇa, xua đuổi tâm sở thiện ra khỏi tâm. Tâm bị quấy phá không chỉ một loại phiền não, mà trong giây phút đó, còn bị ảnh hưởng bởi những loại phiền não khác như phiền não ngủ ngầm, anusaya kilesa, phiền não tư tưởng, hay phiền não tác động.
Tất cả đau khổ đều gây ra bởi phiền não. Con người bị đau khổ bởi tham sân si, hay ngã mạn, bủn xỉn v.v… Nó làm cho cá nhân đau khổ và người xung quanh cũng đau khổ theo. Do đó ngay khi phiền não chiếm ngự tâm, chúng hành hạ, thiêu đốt tâm, làm cho người này đau khổ. Đây là hiệu quả của phiền não Đối với lửa thường còn cho thấy lửa và khói, nhưng lửa phiền não tham sân si không phát ra ngoài, nên khó thấy và khó dập tắt hơn lửa thương. Phiền não ngủ ngầm, anusaya kilesa, là loại phiền não tiềm ẩn trong tâm luôn luôn chờ đủ cơ hội để phát tác. Loại phiền não này chỉ có thể xóa sạch bằng minh sát đạo và thánh đạo. Khi có điều kiện, phiền não ngủ ngầm sẽ chỗi dậy và biến thành phiền não tác động, biểu hiện thành hành động và lời nói. Phiền não ngủ ngầm rất khó thấy, khó như khi thấy một người đang ngủ, chúng ta không biết người này sẽ chỗi dậy lúc nào. Hoặc so sánh với khả năng gây hỏa hoạn tiềm ẩn trong diêm quẹt.
Khi không chánh niệm hay chánh niệm yếu, phiền não tư tưởng sẽ sinh khởi lúc tiếp xúc với vật hấp dẫn, đáng ưa thích làm phát sinh dính mắc, đưa đến dục vọng. Tâm bây giờ chỉ có sự ham muốn, không còn chứa điều gì thiện lành. Ngược lại, khi tiếp xúc vật không ưa thích, sẽ phát sinh sân hận. Khi đến mức độ thái quá, từ dạng phiền não tư tưởng sẽ trở thành phiền não tác động, biến thành hành động và lời nói bất thiện. Khởi đầu bằng phiền não ngủ ngầm, biến thành phiền não tư tưởng, tiếp theo là chuyển thành phiền não tác động, rồi cuối cùng thành hành động và lời nói. Cũng giống như hỏa hoạn bắt đầu từ tiềm năng tạo ra lửa từ diêm quẹt, khi được quẹt, sẽ bùng cháy gây nên hỏa hoạn. Do đó nếu không muốn tâm bị ô nhiễm, điều cần thiết và phải tận diệt phiền não ngủ ngầm, nhằm vô hiệu hóa tiềm năng gây nên ô nhiễm. Muốn vậy phải luôn luôn giữ chánh niệm. Dù tư tưởng bất thiện có kịp phát sinh, khả năng chánh niệm sẽ tận diệt ngay lập tức tư tưởng bất thiện này.
Nếu không có chánh niệm sẽ không thể chế ngự được phiền não, không phát triển được sự định tâm, đo đó không phát triển được trí tuệ. Vì không có trí tuệ, nên không hiểu được bản chất thực sự của đối tượng đang quán sát, và do đó dính mắc vào dáng vẻ tổng quát sinh khởi nơi tâm, nimitta-gaha, rồi trở thành hình ảnh chi tiết, anubyñjanaggaha.
Khi người cùng phái ở chung với nhau sẽ không có gì xảy ra. Nhưng khi có người khác phái sống chung, sẽ phát sinh những sự ưa thích nơi hình dáng, dính mắc nơi sắc diện, hình ảnh dàn bà, đàn ông. Nếu không chánh niệm, sẽ làm phiền não phát sinh. Bắt đầu bằng sự phân biệt nam nữ, trở thành ý tưởng ưa thích, trở nên hình ảnh ưa thích, cuối cùng sinh khởi ái dục. Ngược lại nếu không thích, sẽ phát sinh sân hận, ghen ghét. Từ lúc thấy hình dáng tổng quát, tiếp tục nhìn mãi, sẽ thấy đối tượng mang nhiều chi tiết hơn, từ vóc dáng sang mắt mũi, tóc tai, v.v...và trở nên dính mắc vào các hình ảnh chi tiết trong tâm, phát sinh ái dục. Ý nghĩ về các chi tiết càng nhiều làm cho phiền não sinh khởi trong tâm càng 1úc càng nhiều hơn. Nếu không có chánh niệm, tiếp tục suy nghĩ trong một giây, một giờ, tâm sẽ liên tục chứa đầy các ý tưởng ái dục hình thành từ các đối tượng sinh khởi qua lục căn.
Sự thỏa thích hưởng thụ cảm giác mang lại từ sự ưa thích này gọi là dục lạc, một loại hạnh phúc pha trộn, vyāseka sukha. Khi nghe bản nhạc du dương, tâm sinh khởi ưa thích và phát sinh sự ham muốn được nghe thêm nữa. Sự ham muốn diễn ra liên tục trong khi hưởng thụ là loại hạnh phúc ái dục, thuộc loại hạnh phúc tạp nhạp. Tự nơi đối tượng không mang ưa ghét, nhưng vì dính mắc nên phát sinh ý tưởng ham muốn. Hạnh phúc dục lạc hình thành bằng đường lối này. Giống như bản chất tự nhiên của thịt là lạt lẽo, nhưng trở nên thơm ngon khi được ướp gia vị. Hạnh phúc dục lạc hình thành bởi lòng ham muốn được bỏ thêm vào đối tượng. Do vậy, dục lạc, hay hạnh phúc ngũ dục thuộc loại hạnh phúc tạp nhạp, missaka sukha. Cho đù đối tượng có đáng ưa thích, nhưng nếu không phát sinh ham muốn, hạnh phúc ngũ dục sẽ không hình thành. Ham muốn, hay tham ái là phiền não. Vì chứa đựng phiền não nên hạnh phúc ngũ dục còn được gọi là hạnh phúc bất tịnh, aparisuddha sukha.
Hạnh phúc phi dục lạc là loại hạnh phúc đối nghịch với hạnh phúc dục lạc. Bản chất của loại hạnh phúc này là trong sạch thanh tịnh. Đây là loại hạnh phúc mà các bạn đang theo đuổi. Nền tảng của loại hạnh phúc này là giới hạnh, chánh niệm và thu thúc lục căn. Giữ giới hạnh tròn đầy. Duy trì chánh niệm nơi tất cả các đối tượng sinh khởi nơi lục căn. Bảo vệ tâm thường xuyên bằng chánh niệm. Thu thúc lục căn luôn luôn. Kết quả của sự giữ giới, giữ chánh niệm, và thu thúc lục căn làm cho tâm được an định, adhicitta. Hạnh phúc tạo nên do sự định tâm được gọi là hạnh phúc an định.
Khi chánh niệm được giữ liên tục, chế ngự được các phiền não, đẩy xa các chướng ngại, hình thành sát na định, tâm được an tịnh từ thời điểm này sang thời điểm khác. Hỉ, lạc phát sinh mạnh mẽ. Một loại hạnh phúc tuyệt diệu sinh khởi từ các tâm sở thiện lành. Đây là loại hạnh phúc phi dục lạc, loại hạnh phúc trong sạch thanh cao, avyāseka sukha.
Tóm lại , khi phiền não có mặt nơi tâm, tâm bất an giao động. Khi có dính mắc vào sự vật ưa thích, phát sinh tham ái, hình thành loại hạnh phúc pha trộn, tạp nhạp, không thanh cao vì chứa đựng phiền não. Hạnh phúc dục lạc hình thành từ tham ái. Hạnh phúc phi dục lạc là loại hạnh phúc khi tâm vắng bóng phiền não, không mang tham ái. Đây là loại hạnh phúc thanh cao hiền lành chỉ kinh nghiệm được trong thiền tập.
 
  

10 loại phiền não và cách diệt trừ

Phiền não dịch từ tiếng Pāḷi: Kilesa.
Kilesa: phiền não là những bất thiện tâm sơû đồng sanh với những bất thiện tâm làm cho thân tâm nóng nảy, khó chịu, khổ thân, khổ tâm; phiền não còn làm cho tâm, tâm sở bị ô nhiễm, khiến tạo nghiệp do thân, khẩu, ý.
Phiền não có 10 loại:
1- Tham: Ðó là tham tâm sở đồng sanh với 8 tham tâm có trạng thái tham muốn, hài lòng say mê trong đối tượng.
2- Sân: Ðó là sân tâm sở đồng sanh với 2 sân tâm, có trạng thái hung dữ, tàn bạo, không hài lòng nơi đối tượng.
3- Si: Ðó là si tâm sở đồng sanh với 12 bất thiện tâm, có trạng thái si mê không biết thực tánh của các pháp.
4- Tà kiến: Ðó là tà kiến tâm sở đồng sanh với 4 tham tâm hợp tà kiến, có trạng thái thấy sai, chấp lầm trong đối tượng.
5- Ngã mạn: Ðó là ngã mạn tâm sở đồng sanh với 4 tham tâm không hợp tà kiến, có trạng thái so sánh "Ta" hơn người, bằng người, kém thua người.
6- Hoài nghi: Ðó là hoài nghi tâm sở đồng sanh với si tâm hợp hoài nghi, có trạng thái hoài nghi nơi đối tượng.
7- Buồn chán: Ðó là buồn chán tâm sở đồng sanh với 4 tham tâm và 1 sân tâm (loại tâm cần động viên), có trạng thái không hăng hái, buông bỏ đối tượng.
8- Phóng tâm: Ðó là phóng tâm tâm sở đồng sanh với 12 bất thiện tâm, có trạng thái không an trụ ở đối tượng.
9- Không hổ thẹn: Ðó là không hổ thẹn tâm sở đồng sanh với 12 bất thiện tâm, có trạng thái không biết hổ thẹn với mình, khi hành ác.
10- Không ghê sợ: Ðó là không ghê sợ tâm sở đồng sanh với 12 bất thiện tâm, có trạng thái không biết ghê sợ tội lỗi, khi hành ác.
Ðó là 10 loại phiền não, mỗi khi có phiền não nào phát sanh trong bất thiện tâm không những làm cho tâm bị ô nhiễm, nóng nảy, mà còn làm cho thân cũng nóng nảy, khó chịu, mặt mày mất vẻ tự nhiên, không còn tươi tỉnh....
Tính chất phiền não – pháp diệt phiền não
Tính chất của phiền não có 3 loại và diệt chúng bằng 3 pháp:
1- Vitikkamakilesa: phiền não loại thô được biểu hiện ra ở thân hành ác như: sát sanh, trộm cắp, tà dâm; và khẩu nói ác như: nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục, nói lời vô ích.
Phiền não loại thô này có thể diệt bằng pháp hành giới, nghĩa là có tác ý thiện tâm (kusalacetanā) giữ gìn thân, khẩu tránh xa mọi hành ác, để làm cho thân và khẩu được trong sạch khỏi bị phiền não làm ô nhiễm.
Pháp hành giới có thể diệt từng thời (tadaṅgapahāna) được phiền não loại thô này, không hiện ra ở thân và khẩu.
2- Pariyuṭṭhākilesa: phiền não loại trung phát sanh ở trong tâm, đó là 5 pháp chướng ngại (nivāraṇa): tham dục, thù hận, buồn chán-buồn ngủ, phóng tâm-hối hận và hoài nghi.
Phiền não loại trung này có thể diệt bằng pháp hành thiền định.
Khi hành giả chứng đắc đệ nhất thiền sắc giới, do nhờ 5 chi thiền (hướng tâm, quan sát, hỉ, lạc, nhất tâm) có thể diệt bằng cách đè nén, chế ngự phiền não loại trung này.
3- Anusayakilesa: phiền não cực kỳ vi tế ẩn tàng ngấm ngầm ở trong tâm thức, đó là 7 pháp ngủ ngầm trong tâm: ái dục ngủ ngầm, ái kiếp ngủ ngầm, ngã mạn ngủ ngầm, tà kiến ngủ ngầm, hoài nghi ngủ ngầm và vô minh ngủ ngầm.
Phiền não loại vi tế này chỉ có thể diệt bằng pháp hành thiền tuệ.
Hành giả tiến hành thiền tuệ đến khi trí tuệ thiền tuệ siêu tam giới đó là chứng đắc 4 Thánh Ðạo Tuệ, mới có thể diệt đoạn tuyệt được loại phiền não vi tế này.
Phiền não tính rộng có 1.500 loại:
Phiền não có 10 loại này, khi chúng liên quan đến đối tượng làm nhân duyên để phát sanh phiền não, tính rộng có 1.500 loại phiền não.
Cách tính như sau:
75 pháp có thể làm đối tượng của phiền não: Tâm tính là 1 pháp (vì cùng có một trạng thái biết đối tượng). Tâm sở tính 52 pháp (vì mỗi tâm sở có mỗi trạng thái riêng biệt)Sắc pháp chỉ có 18 sắc pháp hiện hữu thật rõ ràng; và trạng thái của sắc pháp có 4 pháp.
Như vậy, gồm có (1+52+18+4) = 75 pháp có thể làm đối tượng của phiền não.
75 pháp này làm đối tượng của phiền não bên trong mình, là kẻ thù bên trong.
75 pháp này làm đối tượng của phiền não bên ngoài mình, là kẻ thù bên ngoài.
Ðối tượng của phiền não bên trong mình có 75 pháp và bên ngoài mình có 75 pháp gồm cả thảy 150 pháp, nhân với 10 loại phiền não (tham, sân, si, tà kiến, ngã mạn, hoài nghi, buồn chán, phóng tâm, không hổ thẹn, không ghê sợ) (150 x 10) thành 1.500 loại phiền não.
Thật ra, 10 loại phiền não trong bất thiện tâm mới làm cho tâm bị ô nhiễm, làm cho tâm nóng nảy, khó chịu, khổ tâm, khổ thân.
Phiền não làm nhân tạo nghiệp
- Phiền não làm nguyên nhân trực tiếp tạo mọi bất thiện nghiệp (ác nghiệp).
- Phiền não làm nguyên nhân gián tiếp tạo mọi thiện nghiệp trong tam giới (do vô minh làm duyên nên tạo mọi thiện nghiệp).
Hễ còn phiền não, còn nghiệp thì còn phải tái sanh kiếp sau, tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài vô thủy vô chung.
Hễ còn phiền não thì còn phải chịu khổ tâm.
- Ðối với hạng phàm nhân còn đầy đủ 10 loại phiền não; phiền não có nhiều năng lực, sự khổ tâm càng nhiều, thì sự an lạc rất ít.
- Ðối với bậc Thánh Hữu Học (bậc Thánh Nhập Lưu, bậc Thánh Nhất Lai và bậc Thánh Bất Lai) còn lại ít phiền não chừng nào, sự khổ tâm có ít chừng ấy, thì sự an lạc càng nhiều.
- Ðối với bậc Thánh Arahán đã diệt đoạn tuyệt tất cả mọi phiền não, tham ái, ác pháp không còn dư sót, hoàn toàn không có khổ tâm, thì tâm luôn luôn được an lạc hoàn toàn. Song chỉ còn có khổ thân mà thôi, đến khi hết tuổi thọ, tịch diệt Niết Bàn chấm dứt sự tử sanh luân hồi, mới hoàn toàn giải thoát khỏi mọi cảnh khổ, chư bậc Thánh nhân ca tụng Niết Bàn an lạc tuyệt đối.
Năm Cách Diệt Phiền Não
Diệt phiền não có 5 cách, bằng 5 pháp :
1- Vikkhambhanapahāna: Diệt phiền não bằng cách chế ngự, do năng lực thiền định. tâm thiền định này có khả năng chế ngự (đè nén) được phiền não loại trung.
2- Tadaṅgapahāna: Diệt phiền não bằng cách từng thời, do có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác trực nhận trực giác nơi danh pháp, sắc pháp và do trí tuệ thiền tuệ từ trí tuệ thứ nhất (nāmarūpaparicchedañāṇa), cho đến trí tuệ thiền tuệ thứ 12 (anulomañāṇa). Những trí tuệ thiền tuệ này có khả năng diệt từng thời tâm tham, tâm sân, tâm si.
3- Samucchedapahāna: Diệt phiền não bằng cách diệt đoạn tuyệt, do năng lực của 4 Thánh Ðạo Tuệ, nhờ có Niết Bàn làm đối tượng. Mỗi Thánh Ðạo Tuệ có khả năng đặc biệt diệt đoạn tuyệt loại phiền não nào xong rồi, loại phiền não ấy vĩnh viễn không bao giờ có thể phát sanh lên được nữa.
4- Paṭipassaddhipahāna: Diệt phiền não bằng cách vắng lặng, do năng lực 4 Thánh Quả Tuệ, nhờ có Niết Bàn làm đối tượng. Mỗi Thánh Quả Tuệ có khả năng đặc biệt làm vắng lặng phiền não theo năng lực Thánh Quả Tuệ ấy, để hưởng sự an lạc tuyệt đối.
5- Nissaraṇapahāna: Diệt phiền não bằng cách giải thoát khỏi Khổ Thánh Ðế, do nhờ chứng ngộ Niết Bàn, pháp diệt Khổ Thánh Ðế.
Chú ý: Xem lại mỗi Thánh Ðạo Tuệ diệt đoạn tuyệt được tham ái, phiền não, ác pháp đã trình bày ở mục"Diệt Ðoạn Tuyệt Phiền Não" trong phần Pháp Hành Thiền Tuệ (trang 203 đến 211).
Thánh Ðạo Tuệ diệt đoạn tuyệt phiền não
Vấn: Thánh Ðạo Tuệ diệt đoạn tuyệt phiền não trong quá khứ, hay diệt đoạn tuyệt phiền não trong vị lai, hay diệt đoạn tuyệt phiền não đang trong hiện tại?
Ðáp: Thánh Ðạo Tuệ không phải diệt đoạn tuyệt phiền não trong quá khứ, cũng không phải diệt đoạn tuyệt phiền não trong vị lai, và cũng không phải diệt đoạn tuyệt phiền não đang trong hiện tại. Vì những lý do như sau:
- Phiền não nào đã sanh trong quá khứ, phiền não ấy đã diệt trong quá khứ rồi, không dư sót lại trong hiện tại. Phiền não nào đã diệt rồi, chẳng lẽ Thánh Ðạo Tuệ diệt đoạn tuyệt phiền não ấy được hay sao!
Do đó, Thánh Ðạo Tuệ không phải diệt đoạn tuyệt phiền não trong quá khứ.
- Phiền não nào sẽ sanh trong vị lai, phiền não ấy chưa phát sanh. Phiền não nào chưa sanh, chẳng lẽ Thánh Ðạo Tuệ diệt đoạn tuyệt phiền não ấy được hay sao!
Do đó, Thánh Ðạo Tuệ không phải diệt đoạn tuyệt phiền não trong vị lai.
- Phiền não nào đang sanh trong hiện tại. Nghĩa là phiền não ấy đang đồng sanh với bất thiện tâm, thì khi ấy, Thánh Ðạo Tuệ không thể phát sanh lên, thì làm sao diệt đoạn tuyệt phiền não ấy đang sanh trong hiện tại được!
Do đó, Thánh Ðạo Tuệ không phải diệt đoạn tuyệt phiền não trong hiện tại.
Sự thật, thì có Thánh Ðạo Tuệ diệt đoạn tuyệt phiền não, có Thánh Quả Tuệ, có sự chứng ngộ Niết Bàn.
Ví dụ:
Có một cây ăn quả, đã từng cho quả trong quá khứ, đang cho quả trong hiện tại và cũng sẽ cho quả trong vị lai.
Người ta đốn cây ăn quả ấy, đào gốc, chặt hết rễ, đem phơi khô, đốt thành tro. Như vậy, những quả nào đã từng có trong quá khứ, thì những quả ấy đã ăn hết rồi; những quả nào sẽ sanh trong vị lai, thì những quả ấy sẽ không bao giờ có được ở vị lai nữa; những quả nào đang cho quả trong hiện tại, thì những quả ấy không còn nơi nương nhờ để cho quả nữa.
Cũng như vậy, sự sanh của danh pháp, sắc pháp, là nhân, là duyên để cho tất cả mọi phiền não nương nhờ nơi danh pháp, sắc pháp mà sanh lên.
Hành giả tiến hành thiền tuệ, đến khi nào Thánh Ðạo Tuệ phát sanh, có Niết Bàn làm đối tượng (không có danh pháp nào, cũng không có sắc pháp nào làm đối tượng). Do đó, phiền não nào đã từng sanh trong quá khứ, thì đã diệt trong quá khứ rồi, không còn dư sót lại trong hiện tại. Ngay hiện tại, Thánh Ðạo Tuệ có Niết Bàn làm đối tượng, nên phiền não không những không thể nương nhờ vào nơi nào để phát sanh được, mà còn bị diệt đoạn tuyệt bằng Thánh Ðạo Tuệ, nhờ có Niết Bàn làm đối tượng. Phiền não nào đã bị diệt đoạn tuyệt được bằng Thánh Ðạo Tuệ nào rồi, loại phiền não ấy, vĩnh viễn không bao giờ phát sanh trong kiếp hiện tại và kiếp vị lai.
Do đó, có Thánh Ðạo Tuệ diệt đoạn tuyệt phiền não, có Thánh Quả Tuệ, có sự chứng ngộ Niết Bàn.
Trí tuệ thiền tuệ với Pháp Thanh Tịnh
Hành giả tiến hành thiền tuệ, mục đích để mong chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt được mọi tham ái, phiền não, ác pháp, ngõ hầu mong giải thoát mọi cảnh khổ trong vòng tử sanh luân hồi trong tam giới.
Như vậy, hành giả cần phải thực hành theo pháp hành Giới - Ðịnh - Tuệ; với điều kiện Pháp hành giới, Pháp hành thiền định, Pháp hành thiền tuệ phải hoàn toàn trong sạch thanh tịnh, không bị ô nhiễm bởi phiền não. Do đó, Pháp hành Giới - Ðịnh - Tuệ, ở trong "Bảy Pháp Thanh Tịnh" (Visuddhi).
7 pháp thanh tịnh (visuddhi)
1- Giới thanh tịnh.
2- Ðịnh thanh tịnh.
3- Chánh kiến thanh tịnh.
4- Thoát ly hoài nghi thanh tịnh.
5- Ðạo phi đạo tri kiến thánh tịnh.
6- Pháp hành tri kiến thanh tịnh.
7- Tri kiến thanh tịnh.
7. Bảy Pháp Thanh TỊnh
1- Sīlavisuddhi: Giới thanh tịnh
Tác ý thiện tâm (kusalacetanā) giữ gìn thân và khẩu tránh xa mọi điều ác, làm cho thân và khẩu hoàn toàn trong sạch, không bị ô nhiễm bởi phiền não,... gọi là giới thanh tịnh.
Nếu có giới không thanh tịnh, nghĩa là hành giả giữ gìn giới để mong được giàu sang phú quý, làm vua, chư thiên, phạm thiên,... thì giới ấy, làm nơi nương nhờ của tham ái, ngã mạn, tà kiến phát sanh, làm cho giới bị ô nhiễm bởi phiền não, không gọi là giới thanh tịnh.
Bởi vì, nếu không có giới làm nền tảng, thì định và tuệ không có nơi nương nhờ để phát sanh, cũng ví như không có đất tốt để làm nền tảng, thì cây và hoa quả không có nơi phát triển được.
Hành giả hành giới thanh tịnh chỉ cốt làm nền tảng cho định  tuệ phát sanh, làm nhân duyên để chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt tham ái, phiền não, ngõ hầu giải thoát mọi cảnh khổ trong vòng tử sanh luân hồi trong tam giới.
Do đó, Giới thanh tịnh là giữ gìn giới hoàn toàn trong sạch, không bị ô nhiễm bởi phiền não, nhất là tham ái, ngã mạn, tà kiến. Giới thanh tịnh là quả của Pháp hành Giới.
2- Cittavisuddhi: Ðịnh thanh tịnh
Tâm có thiền định trong sạch thanh tịnh, không bị ô nhiễm bởi phiền não,... gọi là Ðịnh thanh tịnh.
Nếu có định không thanh tịnh, nghĩa là hành giả tiến hành thiền định, mong chứng đắc các bậc thiền định, để được thọ hưởng sự an lạc của thiền định trong kiếp hiện tại, và mong tái sanh làm phạm thiên ở cõi trời sắc giới, cõi trời vô sắc giới, hưởng sự an lạc và tuổi thọ lâu dài tại cõi trời ấy. Như vậy, tâm thiền định ấy, làm nơi nương nhờ cho tham ái, ngã mạn, tà kiến phát sanh, làm cho tâm thiền định bị ô nhiễm bởi phiền não, không gọi là Ðịnh thanh tịnh.
Hành giả tiến hành thiền định với tâm hoàn toàn trong sạch, không bị ô nhiễm bởi phiền não, đến khi các bậc thiền tâm phát sanh. Bậc thiền tâm ấy, không làm nơi nương nhờ cho tham ái, ngã mạn, tà kiến phát sanh. Như vậy, các bậc thiền tâm ấy, mới gọi là "Ðịnh thanh tịnh".
Hành giả hành Ðịnh thanh tịnh cốt chỉ làm nền tảng, làm nguyên nhân gần để cho trí tuệ thiền tuệ phát sanh, để mong chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt tham ái, phiền não, ngõ hầu giải thoát mọi cảnh khổ trong vòng tử sanh luân hồi trong tam giới.
Do đó, Ðịnh thanh tịnh là định tâm hoàn toàn trong sạch, không bị ô nhiễm bởi phiền não, tham ái, ngã mạn, tà kiến. Ðịnh thanh tịnh là quả của Pháp hành thiền Ðịnh.
5 pháp thanh tịnh của Pháp hành thiền Tuệ
3- Diṭṭhivisuddhi: Chánh kiến thanh tịnh
Chánh kiến thanh tịnh là quả của trí tuệ thứ nhất gọi là Nāmarūpaparicchedañāṇa: Trí tuệ thấy rõ, biết rõ phân biệt rõ mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp thuộc về chân nghĩa pháp, có trạng thái riêng, đúng theo thực tánh của danh pháp, sắc pháp là pháp vô ngã, không phải ta, không phải người, không phải đàn ông, không phải đàn bà, không phải một chúng sinh nào, không phải vật này, vật kia,... mà chỉ là:
- Danh pháp chỉ là danh pháp.
- Sắc pháp chỉ là sắc pháp.
- Danh pháp là một, sắc pháp là một.
- Danh pháp, sắc pháp đều là pháp vô ngã.
Trí tuệ thứ nhất này đạt đến quả thanh tịnh thứ nhất của Pháp hành thiền tuệ gọi là: Diṭṭhivisuddhi: Chánh kiến thanh tịnh là thanh tịnh thứ 3 trong 7 pháp thanh tịnh.
4- Kaṅkhāvitaraṇavisuddhi: Thoát ly hoài nghi thanh tịnh
Thoát ly hoài nghi thanh tịnh là quả của trí tuệ thứ nhì gọi là, Nāmarūpapaccayapariggahañāṇa: Trí tuệ thấy rõ, biết rõ nhân duyên phát sanh của mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp. Do đó, thoát ly được sự hoài nghi trong danh pháp, sắc pháp; không còn hoài nghi rằng: "Có Ðấng Tạo Hóa nào sáng tạo ra danh pháp, sắc pháp".
Trí tuệ thứ nhì này đạt đến thanh tịnh thứ nhì của Pháp hành thiền tuệ gọi là: Kaṅkhāvitaraṇavisuddhi: Thoát ly hoài nghi thanh tịnh là thanh tịnh thứ 4 trong 7 pháp thanh tịnh.
Hành giả tiến hành thiền tuệ đã phát sanh trí tuệ thứ nhất, đạt đến Chánh kiến thanh tịnh (Diṭṭhivisuddhi), chánh kiến thiền tuệ (vipassanāsammādiṭṭhi), diệt từng thời được ngũ uẩn tà kiến hoặc tà kiến theo chấp ngã; và trí tuệ thứ nhì đạt đến Thoát ly hoài nghi thanh tịnh, diệt từng thời được hoài nghi. Xem như hành giả đã diệt từng thời được tà kiến và hoài nghi, nên hành giả có tên gọi là: "Cūḷasotāpanna": bậc Tiểu Nhập Lưu, vẫn còn là phàm nhân chưa phải là bậc Thánh Nhập Lưu (Sotāpanna); vì chưa trải qua 16 loại trí tuệ thiền tuệ, chưa chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chưa chứng đắc Nhập Lưu Thánh Ðạo, Nhập Lưu Thánh Quả.
Tuy nhiên, bậc Tiểu Nhập Lưu đã làm nhẹ bớt phần nào phiền não tà kiến và hoài nghi, có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, có pháp hành giới - định - tuệ đúng, đang tiến hành thiền tuệ nhập theo dòng, để dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Ðạo, Nhập Lưu Thánh Quả ở phía trước.
5- Maggāmaggañāṇadassanavisuddhi: Ðạo phi đạo tri kiến thanh tịnh
Ðạo phi đạo tri kiến thanh tịnh là quả của 2 trí tuệ thiền tuệ là:
Trí tuệ thiền tuệ thứ ba Sammasanañāṇa: Trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của danh pháp, sắc pháp, nên hiện thấy rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp.
Trí tuệ thiền tuệ thứ tư Udayabbayānupassanāñāṇa: Trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ sự sanh, sự diệtcủa danh pháp, sắc pháp ngay hiện tại, nên hiện thấy rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp ngay hiện tại. Song trí tuệ thiền tuệ thứ tư chưa có thể thoát khỏi phiền não của thiền tuệ (vipassanūpakilesa), nên có thể làm ngừng trệ sự phát triển trí tuệ thiền tuệ bậc cao.
Hai trí tuệ thiền tuệ này đạt đến quả thanh tịnh thứ ba của Pháp hành thiền tuệ gọi là:Maggāmaggañāṇadassanavisuddhi: Ðạo phi đạo tri kiến thanh tịnh là thanh tịnh thứ 5 trong 7 pháp thanh tịnh.
6- Paṭipadāñāṇadassanavisuddhi: Pháp hành tri kiến thanh tịnh
Pháp hành tri kiến thanh tịnh là quả của cả 9 loại trí tuệ thiền tuệ:
1- Trí tuệ thiền tuệ thứ 4 Udayabbayānupassanāñāṇa: Trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ sự sanh, sự diệtcủa danh pháp, sắc pháp ngay hiện tại, nên hiện thấy rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp ngay hiện tại, đặc biệt đã thoát khỏi phiền não của thiền tuệ (vipassanūpakilesa), có thể tiếp tục phát triển trí tuệ thiền tuệ bậc cao.
2- Trí tuệ thiền tuệ thứ 5 Bhaṅgānupassanāñāṇa: Trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ đặc biệt sự diệt của danh pháp, sắc pháp hiện rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã.
3- Trí tuệ thiền tuệ thứ 6 Bhayatupaṭṭhānañāṇa: Trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của danh pháp, sắc pháp đáng kinh sợ.
4- Trí tuệ thiền tuệ thứ 7 Ādīnavānupassanāñāṇa: Trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ danh pháp, sắc pháp đầy tội chướng.
5- Trí tuệ thiền tuệ thứ 8 Nibbidānupassanāñāṇa: Trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ danh pháp, sắc pháp thật đáng nhàm chán.
6- Trí tuệ thiền tuệ thứ 9 Muñcitukamyatāñāṇa: Trí tuệ thiền tuệ muốn giải thoát khỏi danh pháp, sắc pháp.
7- Trí tuệ thiền tuệ thứ 10 Paṭisaṅkhānupassanāñāṇa: Trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ trở lại danh pháp, sắc pháp có trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã một cách rõ ràng, để chọn con đường giải thoát khổ của danh pháp, sắc pháp.
8- Trí tuệ thiền tuệ thứ 11 Saṅkhārupekkhāñāṇa: Trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ danh pháp, sắc pháp làpháp vô ngã, nên trí tuệ thiền tuệ đặt trung dung giữa danh pháp, sắc pháp có trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã làm đối tượng, không có tâm tham muốn nơi danh pháp, sắc pháp, cũng không có tâm sân chán ghét nơi danh pháp, sắc pháp, nên chọn 1 trong 3 trạng thái chung: trạng thái vô thường,hoặc trạng thái khổ, hoặc trạng thái vô ngã để dẫn đến sự giải thoát khổ của danh pháp, sắc pháp.
9- Trí tuệ thiền tuệ thứ 12 Anulomañāṇa: Trí tuệ thiền tuệ thuận dòng theo 8 trí tuệ thiền tuệ phần trước, và thuận dòng theo 37 pháp chứng đắc Thánh Ðạo phần sau, để dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn.
Chín loại trí tuệ thiền tuệ này đạt đến thanh tịnh thứ 4 của Pháp hành thiền tuệ gọi là:Paṭipadāñāṇadassanavisuddhi: Pháp hành tri kiến thanh tịnh là thanh tịnh thứ 6 trong 7 pháp thanh tịnh.
7- Ñāṇadassanavisuddhi: Tri kiến thanh tịnh
Tri kiến thanh tịnh là quả của 4 trí tuệ thiền tuệ siêu tam giới thứ 14 đó là:
Nhập Lưu Thánh Ðạo Tuệ.
Nhất Lai Thánh Ðạo Tuệ.
Bất Lai Thánh Ðạo Tuệ.
Arahán Thánh Ðạo Tuệ.
Thánh Ðạo Tuệ này đạt đến thanh tịnh thứ 5 của Pháp hành thiền tuệ gọi là: Nāṇadassanavisuddhi: Tri kiến thanh tịnh là thanh tịnh thứ 7, thanh tịnh cuối cùng, trong 7 pháp thanh tịnh.
Trí tuệ thiền tuệ không thuộc về thanh tịnh

Trí tuệ thiền tuệ thứ 13 Gotrabhuñāṇa, trí tuệ thiền tuệ siêu tam giới thứ 15 Phalañāṇa và trí tuệ thiền tuệ thứ 16Paccavekkhaṇañāṇa không thuộc về thanh tịnh nào trong 7 pháp thanh tịnh.

Rau cải cuối mùa


 Giờ này mà ở ngoài trời còn ấm qúa , nhờ vậy mà mấy trái dưa leo này lớn thêm được tí nữa . Năm nay thu hoạch dưa leo chắc hơn 40 trái , mình trồng tới 6 cây dưa leo lun đó , nhưng cũng khg đủ ăn , mỗi ngày cứ ra canh me cắt hoài , nhiều lúc khg đủ ăn phải chạy ra chợ mua thêm :)  định mùa thu hoạch cuối cùng này mình sẽ làm 1 mẻ dưa leo kim chi ăn cho mát cái miệng xem :)




  Rau má và lá lốt được cô bạn P cho về trồng , giờ tốt qúa chừng luôn , ráng dưỡng qua mùa Đông xem nó còn sống khg ?  :)