Sunday, March 27, 2011

Angel hair pasta ngon ,nhanh ,gọn

                                                                           Hình minh họa
Nhiều lần đi tiệc nhà Chị dâu  bên chồng chị ấy làm món này ăn rất ngon, chị ấy làm mặn nhưng làm riêng cho CN món chay này ,vì gia vị  của chị ấy ngon lắm ,nêm nếm rất đậm đà, làm CN cứ ngồi ăn miết rồi còn dư chị ấy lại gói cho đem vế ăn tiếp .....chua chua,ngọt ngọt và rất thơm mè ,gìon giòn của dưa leo và đậu que  nên ăn hoài khg ngán.....

 Vật liệu:

- 1 bịt   angel hair pasta ,luộc chín ,để ráo nước,trộn vào dầu mè và olive oil cho đừng bị dính cục.
-Đậu que   hoặc đậu dẹp ,trụng sơ cho giòn và cắt sợi mỏng mỏng.
-Dưa leo xắt sợi mỏng mỏng,dài dài.
-Cà rốt xắt sợi mỏng ,dài luôn
-Đậu hủ chiên xắt mỏng ,dài
-Nấm king oyster xắt mỏng đem xào nêm nếm vừa ăn.



Nước sauce :

-Nước tương
-Dầu mè
-Đường
-Dấm loại có rượu trong tiệm Mỹ bán  ( RED WINE  VINEGAR)
- Dầu hào chay  ( 1 TBSP )
-Italian salad dressing ( Loại chỉ có đường,dấm ,rượu )
-Mè rang
 Trộn tất cả lại và  để ngò rí lên mặt ....món này ăn lạnh lạnh cũng ngon lắm ,chúc các bạn chế biến ra nhiều món chay ngon....

Saturday, March 26, 2011

Quán Bất Tịnh

HT. Thích Thiện Hoa




--------------------------------------------------------------------------------



A. MỞ ĐỀ



Trong thế gian nỳ, không có ai là không tham sống. Sự tham sống này vô cùng mãnh liệt, vì nó được di truyền, tiếp nối từ muôn vạn thế kỷ cho đến nay. Vì tham sống nên chúng sinh tìm hết mọi cách để được sống, để trau dồi thân mạng, và để di truyền sự sống. Vì tham sống nên người bất chấp cả sự bất công, phi lý và tàn nhẫn, xấu xa mà mình có thể phạm đến đối với những người và vật khác ở chung quanh. Vì tham sống, người ta đã không từ chối hiếp đáp, giành giựt, cướp bóc, chém giết đồng loại, và có khi cả đến đồng bào thân thích nữa. Tóm lại, sự tham sống là một nguyên nhân chính của khổ đau, tán phá vbà chết chóc.



Vả lại, càng tham sống bao nhiêu lại càng sợ chết bấy nhiêu. Mà đã sợ thì không bao giờ có thể vui được.



Hơn nữa, có ai sợ chết mà thoát được chết đâu? Đã có sống thì tất phải có cái trái lại là chết. Chúng ta thấy đó, lòng tham sống đem lại cho ta biết bao hậu quả tai hại, buồn thảm, xấu xa.



Nhưng cuộc đời, thân mạng, thật có quý báu, thật có xứng đáng cho chúng ta tham lam, mến chuộng đến thế không.



Để xét đoán đúng đắn giá trị của thân mạng, đức Phật dạy chúng ta thực hành một pháp quán. Pháp quán đó mệnh danh là "quán Bất tịnh".



B. CHÁNH ĐỀ



I. Định nghĩa



"Bất tịnh" nghĩa là không sạch sẽ, trong lành. Quán Bất tịnh tức là quán sát một cách tỷ mỉ, cùng tột thân con người để nhận thấy rõ rằng nó là không trong sạch, như hầu hết con người đời đều lầm tưởng.



II. QUÁN BẤT TỊNH NHƯ THẾ NÀO?



Trong bài thứ bảy của tập Phật học Phổ thông khóa III, chúng ta đã được biết sơ qua về pháp quán Bất tịnh như thế nào rồi. Nhưng trong bài đó, chúng ta chỉ mới biết một phần của pháp quán Bất tịnh mà thôi, nghĩa là hành giả, muốn thấy thân xác là Bất tịnh như thế nào, thì vào "thi lâm" (rừng bỏ xác người chết) để quán sát. Nhưng cái quán sát như thế, cũng chỉ mới biết một phần của cái thân Bất tịnh này mà thôi. Hơn nữa, cái phần ấy cũng không phải là phần quan trọng, vì nó thuộc về giai đoạn sau khi chết. Nhất là đối với hạng người có quan niệm: "chết là hết", thì "quán thây ma" như thế chưa phải là phương thuốc mầu nhiệm để họ nhàm chán cái thể xác của mình và của người khác. Muốn cho họ nhàm chán, ghê tởm cái thể xác thì phải chỉ cho họ thấy tận mắt cái "Bất tịnh" của nó, từ khi nó bắt đầu thành hình cho đến khi nó bị hủy hoại, từ trong cho đến ngoài, từ thể cho đến tướng. Để sự quán sát được rốt ráo, hành giả phải ra làm năm phần, tuận tự như sau:



Quán chủng tử bất tịnh

Quán trụ xứ bất tịnh

Quán tự tướng bất tịnh

Quán tự thể bất tịnh

Quán chung cánh bất tịnh

Dưới đây chúng tôi sẽ lần lượt giải rõ năm phần quán trên



1. Quán chủng tử bất tịnh. Chủng tử là một hột giống, là yếu tố hay nguyên nhân để phát sinh. Sự vật nào cũng có nguyên nhân của nó. Thân ta vật hữu vi dĩ nhiên cũng phải có chủng tử của nó.



Chủng tử của thân mạng gồm có hai phần: Phần tinh thần và phần vật chất. Phần tinh thần này cũng gọi là phần thức. Thức này là nơi dung chứa tất cả nghiệp nhân lành, dữ của thân, khẩu, ý trong quá khứ; vì thế nên cũng gọi là tạng thức (tạng hay tàng nghĩa là nơi chứa nhóm). Khi con người chết cái tạng thức ấy vẫn còn, và theo nghiệp lực thiện, ác của nó mà dẫn sanh ở các loài, hoặc trầm luân, hoặc giải thoát. Nó là chủ nhân ông của kiếp sống, là sanh lực của loài hữu tình



Cái tạng thức hay thần thức này lẽ dĩ nhiên là không bào giờ trong sạch cả, vì nó là kết tinh của những nghiệp nhân phiền não: tham, sân, si. Hễ tham, sân, si..là nhiễm ô, là Bất tịnh.



Đã Bất tịnh thì tất phải tìm bạn Bất tịnh mà kết giao (đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu). Thần thức nầy, để thể hiện một đời sống khác, đã gá vào, hòa mình vào một chất Bất tịnh. Chất ấy tức là cái điểm hòa hiệp của tinh cha, huyết mẹ. Nói cách khác rõ ràng hơn, tức là cái thai mới kết tụ vậy. Mà tinh huyết là gì? Chính là hai chất hôi tanh ở trong con người. Sự Bất tịnh của nó, tưởng không cần nói, ai ai cũng đã rõ.



Xem thế thì đủ biết cái chủng tử, cái điểm khởi đầu của một thân mạng con người, từ tinh thần cho đến vật chất, đều là nhiễm ô Bất tịnh cả, không có gì đáng để tự hào và quí chuộng.



Trong khi quán , hành giả phải vận dụng, tập trung ý lực để tưởng tượng một cách rỏ ràng, như thấy trước tất cả sự Bất tịnh của chủng tử, để mà nhàm chán thân người, dẹp lòng tham luyến.



2. Quán trụ xứ bất tịnh. Trụ xứ là chỗ ở. Như chúng ta đã thấy ở đoạn trên, chủnh tử, cái thai hay con người mới cấu thành là một khối hôi tanh, thì nơi ở của nó cũng không sạch. Kẻ xấu xa, dơ bẩn thì tìm hoàn cảnh xấu xa, dơ bẩn mà sống, đó là một lẽ thường, không có gì là khó hiểu. Nói một cách rõ ràng hơn, chỗ ở của cái thai mà chúng tôi muốn nói đây, tức là cái bào thai. Cái bào thai, không nói, ai cũng biết là một cái bọc chứa đầy máu nhớt hôi tanh, dơ bẩn. Cái bào thai nằm lẫn lộn và lớn dần trong cái bọc bé nhỏ dơ bẩn ấy, như trong một cái ngục tối. Nhưng trong ngục, dù sao cũng còn có khoảng trống để xê dịch, còn có cửa thông hơi để ánh sáng và không khí lọt vào. Chứ trong bào thai thì cái thai phải nằm co rút lại, đẫm mình trong những chất nước, máu và nhớt vô cùng tanh hôi, và không có được một chút không khí hay ánh sáng mặt trời lọt vào. Cái thai phải sống trong hoàn cảnh ấy không phải chỉ một ngày, một tùan hay một tháng mà phải đến chín tháng mười ngày mới thoát ra được. Không trách gì, khi mới ra chào đời, nó đã khóc thét lên...Cụ Ôn Như Hầu Nguyễn gia Thiều thì bảo nó...



"Khóc vì nỗi thiết tha sự thế",

"Ai bày trò bãi bể nương dâu".

Nhưng theo chỗ chúng tôi nghĩ, nó khóc vì thiết tha cho sự thế vô thường thì chỉ một phần, mà khóc vì tủi cực, khóc để phản đối sự giam cầm quá lâu lắc quá tàn nhẫn, quá thiếu vệ sinh, quá mất "nhân phẩm" thì đến mười !



Vậy quán trụ xứ Bất tịnh có nghĩa là vận dụng toàn lực ý niệm để nhận chân một cách rõ ràng như thấy trước mắt cái dơ bẩn, cái bất tịnh của bào thai là chỗ ở chủng tử, hầu dẹp lòng rạo rực ham muốn tham đắm sắ꣠thân người.



3. Quán tự tướng bất tịnh. Sau khi đã thoát bào thai mà ra chào đời bằng những tiếng khóc, đứa bé bắt đầu sống một đời sống riêng biệt, có đầy đủ giác quan để tiếp xúc với ngoại cảnh, có đỉ bộ phận cần thiết để điều hòa cuộc sống thể xác của mình. Những giác quan bên ngoài và bộ phận bên trong ấy, thường bài tiết những chất dơ bẩn, hôi hám; do đó, ta biết rằng cái thân này không trong sạch. Vậy quán tự tướng không sạch sẽ, mà mỗi người đều có thể nhận thấy được , khi nhìn qua cái hình tướng bên ngoài của xác thân...



Trong mỗi thân xác, ngoài những lỗ chân lông thường bài tiết những mồ hôi là những thứ nước gần giống như nước tiểu, còn có chín lỗ nữa, mỗi ngày cũng tiết ra nhiều chất nhơ nhớp, hôi hám, gớm ghiếc. Chín lỗ ấy là: đường đại, đường tiêu, miệng, hai lỗ tai, hai lỗ mũi và hai con mắt. Chín lỗ này chẳng khác gì chín "cái cống", lớn có, nhỏ có để tải những thứ nhơ nhớp trong ngoài ra. Nói một cách không quá đáng, thì chín lỗ cống này còn dơ hơn cả những lỗ cống ta thường thấy ở các đô thị nữa. Thật thế, một lỗ cống dơ nhất cũng chỉ chứa đựng những thứ như nước tiểu, phần đờm, mũi, dãi, ghèn, những ít ra những thứ ấy cũng còn pha trộn và chảy theo với nước lã; chứ chín lỗ trong người chúng ta, chỉ bài tiết rặt những thứ nguyên chất nói trên, mà không pha trộn với nước lã như ở các lỗ cống.



Đấy là mới nói khi thân xác đang còn mạnh khỏe, cường tráng; chứ khi đau ốm, già nua thân xác không tự làm chủ được nữa, thì những lỗ ấy tự động xuất phát, hay tự do để cho các thứ dơ bẩn trong người chảy ra, thì lại càng ghê ghớm hơn nữa. Những lúc ấy thì những "nguyên chất" nói trên lại càng hôi hám, ung độc không khí một cách gay gắt, khó thở hơn nữa.



Những điều chúng tôi nói trên đây không phải là quá đáng. Nếu bình tâm mà xét, chúng ta sẽ thấy thân của mỗi chúng ta thật đáng ghê tởm. Nhưng ít khi chúng ta thừa nhận như thế, vì từ lâu đời lâu kiếp, với tánh mê chấp, với tâm tham đắm, nhãn quang của chúng ta như có một bức màn nhung lụa phủ ngang, nên chúng ta trông cái gì cũng thấy đẹp. Và cho đến khi bức màn ấy đã bị xé toang rồi, sự thật xấu xa, dù có bày ra lộ liễu trước mắt, chúng ta cũng bàng hoàng, không cho là thật. Vì thế cho nên hành giả muốn thành công và nhàm chán cái thân này, phải quán tưởng nhiều lần, từ ngày này sang ngày khác, cho đến khi nào nhận thấy một cách rõ ràng thân này quả thật là bất tịnh mới thôi.



4. Quán tự thể bất tịnh. Như chúng ta đã thấy chín lỗ cống trong người, mỗi ngày bài tiết không biết bao là thứ nhơ nhớp. Vậy chắc chắn bên trong thân xác, những chất liệu cấu kết nên thể xác chúng ta, cũng không trong sạch được. Vậy quán tự thể bất tịnh là quán sát cái thể chất của thân người, để nhận thấy nó bất tịnh như thế nào.



Thể chất của con người đại khái gồm có ba chất:

Chất cứng: như xương, tóc, lông, móng tay v.v...

Chất lỏng: như máu, nước miếng, nước mắt v.v...

Chất sệt: (không cứng mà cũng không lỏng) như mỡ, óc, tủy v.v...

Trong các chất ấy, dù cứng, hay lỏng cũng chẳng có thứ nào là trong sạch.

Về chất cứng, như tóc chẳng hạn, là một vật mỹ quan để chưng diện trên đầu. Thế thường ai cũng quý nó. Nhưng nếu không săn sóc nó một cách chu đáo, không sửa soạn nó một cách công phu, nghĩa là không trâm cài, lượt giắt, không chải chuốt, gội rửa, xức ướp nước hoa, mà để bê tha cho nó tự do quét bụi, tự do dầm sương dãi nắng, tự do rối nùi lại để làm ổ chứng cho trứng chí simh nở, thì dù cho không xua đuổi, người ta cũng chạy dài, không dám lại gần. Đó là chưa nói khi nó bị đốt cháy hay rời da đầu, rơi vào thức ăn hay vào trong miệng, thì thật là nguy hiểm vô cùng. Tóc là thứ ở nơi cao quý của người mà còn bất tịnh như vậy, thì những thứ khác như ruột, gan v.v...lại còn bất tịnh biết chừng nào?



Về chất lỏng, thì nước miếng là sạch nhất, vì nó được ở trong miệng là nơi hằng ngày được lau chùi súc rửa nhiều nhất. Thế mà lúc ra khỏi miệng, dù là của kẻ khác hay của chính mình, rủi bị dính vào mặt, vào áo, thì ta liền có những cử chỉ tỏ rõ sự nhờm gớm ngay.



Về chất sệt, thì não là phần quan trọng và được ở trong đầu óc là nơi cao quý nhất. Nhưng thử tưởng tượng, khi chúng ta đi xe hơi chẳng hạn, rủi bị tai nạn, người ngồi bên cạnh ta bị bể đầu, não trắng như đậu hủ tung tóe vào mặt mày chúng ta, thì chắc chắn những người thiếu bình tĩnh sẽ chết giấc vì ghê tởm.



Chỉ đơn cử một vài ví dụ trên, cũng đủ thấy rõ được cái bất tịnh nhiều nữa, và chắc chắn một số quý vị độc giả sẽ nhờm gớm mà không đọc tiếp nữa.



5. Quán chung cánh bất tịnh. Chung cánh ở đây là muốn nói cái giai đoạn hư hoại của thân người sau khi trút hơi thở cuối cùng. Vậy quán chung cánh bất tịnh nghĩa là cái bất tịnh của thân người sau khi chết.



Đây là thời kỳ chung kết của mấy mươi năm sinh trưởng của thân thể. Trong kinh đức Phật đã bảo: Thân người do tứ đại giả hiệp mà thành, như thế dĩ nhiên khi chết, xác con người phải trả về cho tứ đại. Trước hết, là hơi thở về với phong đại. Kế là hơi ấm trở về với hỏa đại. Tiếp theo là chất lỏng trong người trở về với thủy đại, và cuối cùng chất cứng và sệt như thịt xương...hóa dẫn theo địa đại. Nhất là hai thứ sau này, trong thời kỳ mềm hư, tan rã thì thế gian này không còn thứ gì nhơ nhớp, hôi hám, ghe tởm hơn nữa. Dù cho xác chết trước kia là người thân mến nhất đời, nhưng để năm bảy ngày chưa kịp tẩn liệm, chôn cất thì ta vẫn ghê tởm, không thể đến gần bên cạnh mà không bịt mũi. Sự thật tàn nhẫn này được phơi bày nhan nhản khắp nơi trong những giai đoạn chiến tranh. Nói một cách tổng quát từ kẻ sang đến người hèn, từ kẻ giàu đến người nghèo, từ kẻ già đến người trẻ, từ kẻ đẹp đến người xấu, ai ai đến giai đoạn chung cánh này, cũng chỉ có một mùi giống nhau: mùi hôi; một chất như nhau: chất thúi. Cái bất tịnh của con người trong giai đoạn két thúc này đã rõ rành rành, tưởng không cần giải bày thêm nữa. Vả lại, trong bài thứ bảy của tập Phật học Phổ thông khóa thứ ba, cũng đã nói một cách tường tận đến cái bất tịnh của thân người trong giai đoạn này rồi. Nếu quý độc giả nào không nhớ, xin hãy đọc lại đoạn ấy.



Tóm lại, qua năm giai đoạn quán bất tịnh này: chủng tử, trụ xứ, tự thể và chung cánh, chúng ta đã có một quan niệm rõ ràng, chân xác về cái bất tịnh của thân người. Cả một thời gian đằng đẵng, từ lúc đầu thai đến khi bị vùi xuống đất, quả thật thân người không tìm thấy một tí gì thơm sạch. Dầu có tài hùng biện đến đâu, cũng không ai có thể ngụy biện cho cái thân bất tịnh trở thành thanh tịnh được.



III. Mục đích và lợi ích của qían bất tịnh



Có người hỏi: Tại sao trong khi cuộc đời đã xấu xa, đau khổ, đức Phật lại còn vạch thêm cho người ta thấy cái dơ bẩn nhớp nhúa của thân người làm gì? Tại sao không cho người đời có cái ảo ảnh rằng thân người là đẹp đẽ, trong sạch để hị có thể được an ủi và quên lãng một phần nào cái xấu xa của kiếp người, mà lại làm cho đời thêm chán chường, tuyệt vọng khi nhận rõ cái thân bất tịnh của mình?



Trước tiên, chúng ta phải nhận định dứt khoát rằng: Đạo Phật là "Đạo như thật", đạo của chân lý. Đức Phật không muốn lừa phĩnh chúng sinh, lấy xấu xa làm tốt, lấy dở làm hay, hoặc trái lại.



Thứ đến, chúng ta đừng bao giờ quên rằng: chính cái vọng tưởng rằng thân người là thơm sạch, đẹp đẽ đã gây tai họa lớn cho người đời. Vì lầm tưởng thân người có giá trị quý báu, nên đối với chính thân mình thì người ta nâng niu, cưng dưỡng, tìm hiểu mọi cách, không từ một hành vi xấu xa nào để nuôi dưỡng phụng sự nó; đối với thân người khác giống thì say mê, đắm đuối, tìm mọi cách để chinh phục, làm của riêng của mình. Vì sự đánh lầm giá trị, tham đắm sắc thân giả dối ấy mà cuộc đời chung cũng như cuộc đời riêng, đã xấu xa lại càng thêm xấu xa, đã đen tối lại càng thêm đen tối.



Lại nữa, khi đã đánh lầm giá trị lấy xấu làm đẹp, lấy dở làm hay, lấy thúi làm thơm, thì tất nhiên cái đẹp cái hay, cái thơm chân thật sẽ bị bỏ rơi, không còn được biết và dùng đến. Loài người đã vì tham đắm caió xác thân nhỏ hẹp, xấu xa, ngắn ngủi, mà bỏ mất cái tâm rộng lớn đẹp đẽ trường tồn.



Vậy đức Phật khi đã xé tan cái màn ảo ảnh bao bọc xác thân và làm lộ nguyên hình cái xác thân bất tịnh là nhắm mục đích hướng tầm mắt và sự hoạt động của kẻ tu hành vào cái giá trị chân thật đẹp đẽ, rộng lớn và trường tồn hơn.



Nhưng chúng ta cũng đừng nên kết luận một cách sai lầm rằng: cái thân này đã là bất tịnh, thối tha, thì hãy diệt ngay nó đi, như năm chục vị Tỳ kheo đã làm, sau khi nghe Phật thuyết pháp về cái thân bất tịnh. Làm như vậy là đã xét đoán một cách nông nổi, máy móc ! Đừng khinh trong túi đất dơ không có ngọc, chớ cho trong bể nước mặn không có vàng. Chớ nên tưởng rằng trong thân bất tịnh này không có Phật tánh ở đâu xa. Đức Phật thường dạy: Mỗi chúng sinh đều có Phật tánh. Trong kinh Lăng nghiêm, Ngài lại phát minh Phật tánh "bất sinh diệt" trong cái sinh diệt. Phật tánh hay tánh bất sinh diệt là căn bản tinh thần của ta đó. Nó thì vô hình những không mất, lẫn lộn trong "bất tịnh" mà thường vẫn thanh tịnh.



Biết lợi dụng cái thân bất tịnh, vô thường này, mà tìm ra cái "tịnh" cái "thường", ấy chính là bổn ý của đức Phật khi dạy pháp quán tưởng này.



C. KẾT LUẬN



Chơn tâm con người vẫn là tâm thanh tịnh; nó nằm sẵn trong xác thân bất tịnh của mỗi chúng sinh. Nhưng vì con người đời bị phiền não tham, sân, si lôi cuốn, phỉnh gạt nên say mê quay cuồng đeo đuổi theo ngũ trần, lục dục, mà không thấy được bản tâm thanh tịnh.



Muốn chận đứng sự tham đắm quay cuồng ấy, đức Phật dạy phải quán bất tịnh. Vậy quán bất tịnh có mục đích:



Đối trị lòng tham sắc dục, chứ không phải để chán đời, tự hủy diệt mình.



Dứt trừ vọng niệm và giác ngộ Phật tánh, để tiến mạnh trên đường giải thoát cho mình và cho người.



Nhưng, vàng không tự nhiên nằm sẵn trong tủ, ngọc chẳng phải nằm khơi trên đất. Phật tánh cũng vậy: Nó không tự hiến cho ta khi ta an nhiên ngồi đợi. Vậy kẻ tu hành muốn thành tựu phép qúan này để giác ngộ Phật tánh, cần phải gia công tu luyện, và nhất là phải trau giồi ba đức tánh sau đây:



Sáng suốt (trí huệ): Đừng để cho dục vọng làm mờ mắt, lấy giả làn chơn, lấy xấu là đẹp. Đừng hờihợt nhìn bên ngoài, mà phải sâu sắc nhìn hẳn vào bên trong.



Thành thật: Thấy thơm thì nói thơm, thấy thối thì nói thối, đừng tự ái, đừng thiên vị, chỉ một mực tôn thờ sự thật, dù sự ấy làm cho ta đau lòng, buồn tủi.



Kiên nhẫn: Phải bền tâm, trì chí, đừng thấy khó mà ngả lòng; đừng thấy đường dài mà lùi bước. Ở đời không có công việc gì tốt đẹp mà chẳng gặp khó khăn. Một nửa sự thành công là do ở kiên nhẫn. Nếu chúng ta có đủ ba đức tánh nói trên, nhất định ta sẽ thành tựu tốt đẹp, trong pháp quán bất tịnh này.



http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/065-tth-battinh.htm

Tại sao phải Tụng Kinh, Trì Chú, Niệm Phật ???

HT. Thích Thiện Hoa


(Trích từ Phật Học Phổ Thông)



--------------------------------------------------------------------------------



A. MỞ ĐỀ



Người Phật tử, nếu chỉ thờ, lạy và cúng Phật cũng chưa gọi là thuần thành. Người Phật tử thuần thành còn phải tụng kinh, trì chú và niệm Phật. Vả lại nếu bỏ qua ba phần sau này, thì ba phần trước thờ, lạy và cúng khó có thể viên dung cả Sự và Lý được. Vì phần Lý là phần cao siêu khó thực hành, mà nếu chúng ta không tụng kinh niệm Phật để cho tâm hồn sáng suốt, tỏ ngộ các lý lẽ sâu xa huyền diệu trong kinh điển, thì chúng ta không thể nào *dể đạt được 4 lạy thuộc về Lý là: Pháp Trí Thanh Tịnh Lễ, Biến Nhập Pháp Giới Lễ, Chánh Quán Lễ, Thật Tướng Bình Đẳng Lễ, và năm món diệu hương để cúng Phật là: giới hương, định hương, huệ hượng, giải thoát hương, giải thoát tri kiến hương. Nếu không thực hành được 4 phép lạy về lý và cúng dường được 5 món diệu hương, thì sự lạy và cúng chỉ còn có phần hình thức; và vì thế kẻ tín đồ khó có thể tiến được trên đường đạo. Bởi vậy, cùng một *lần với thờ, lạy và cúng Phật chúng ta phải tụng kinh, trì chú và niệm Phật. Đó những điểm căn bản tối thiểu mà một Phật tử thuần thành không thể bỏ qua được.



B. CHÁNH ĐỀ

I. ĐỊNH NGHĨA

1. Tụng Kinh: Tụng là đọc thành tiếng một cách có diệu âm và thành kính những lời đức Phật dạy trong kinh điển, hợp với chân lý và căn cơ của chúng sanh.



2. Trì chú: Trì là nắm giữ một cách chắn chắc. Chú là lời bí mật của chư Phật mà chỉ có chư Phật mới hiểu được, chứ các hàng Bồ Tát *cúng hiểu thấu. Các bài chú đều có oai thần và công đức không thể nghỉ bàn và dứt trừ nghiệp chướng, tiêu tai giải nạn và tăng trưởng phước huệ, nên cũng gọi là thần chú.



3. Niệm Phật: Niệm là tưởng nhớ. Niệm Phật là tưởng nhớ danh hiệu Phật, hình dung Phật và đức hạnh của Phật, để luôn luôn cố gắng noi theo bước chân của Ngài.



II. LÝ DO PHẢI TỤNG KINH, TRÌ CHÚ VÀ NIỆM PHẬT

1. Vì sao phải tụnh kinh?

Chung ta sống trong cõi dục, cho nên lòng dục vọng của chúng ta không bao giờ được nghỉ, cho đến trong giấc ngủ, cũng còn chiêm bao cãi lẫy, cười khóc, vui buồn như lúc thức. Trong cảnh mê mờ đầy dục vọng ấy, may thay đức Phật còn thương sót chúng sanh mà truyền dạy những lời vàng ngọc để xóa tan màn mây u ám của vô minh và tội lỗi. Nhưng những lời lẽ cao siêu ấy, chúng ta nghe qua một lần, hai lần cũng không thể nghe thấu và nhớ hết được. Cho nên chúng ta cần phải đọc đi đọc lại mãi mãi, để cho lý lẽ thâm huyền tỏa ra, và ghi *khắc trong thâm tâm chúng ta, không bao giờ quên được. Đó là lý do khiến chúng ta phải tụng kinh.



2. Vì sao phải trì chú?



Chú có công năng phi thường, nếu người có thành tâm trì chú, thì được nhiều hiệu lực không thể tưởng tượng. Chẳng hạn, thần chú "Bạt Nhứt Thế Nghiệp Chướng Căn Bổn Đắc Sanh Tịnh Độ". Thần chú "Tiêu Tai Kiết Tường" có hiệu lực làm cho tiêu trừ các hoạn nạn, tai chướng, được gặp những điều lành. Thần chú "Lăng Nghiêm" thì phá trừ được ma chướng và nghiệp báo nặng nề v.v...Thần chú "Chuẩn Đề" trừ tà, diệt quỷ. Thần chú "Thất Phật Diệt Tội"có công năng tiêu trừ tội chướng của chúng ta từ nhiều đời nhiều kiếp v.v...Vì thế nên chúng ta phải trì chú



3. Vì sao phải niệm Phật?



Tâm chúng bị vô minh làm mờ đục. Muốn cho nước đục kia hoá ra trong, không có phương pháp *nào hay hơn là pha một chút phèn vào, thì các chất mờ đục kia dần dần lóng xuống, bây giờ nước đục trở nên trong sạch.



Phương pháp niệm Phật cũng vậy có công năng phá trừ các vọng niệm đen tối ở nơi tâm chúng ta, làm cho tâm mê muội mờ ám trở nên sáng suốt, chẳng khác gì phèn làm cho nước đục trở lên trong vậy.



Vì sao niệm Phật làm cho tâm mê muội trở lên trong sáng?



Vì lý do rất dễ hiểu sau đây: Tâm của chúng ta rất điên đảo, không bao giờ ngừng nghỉ. Kinh thường nói: "Tâm Viên, Ý Mã", *cành này sang cành khác, và "ý" như con ngựa chạy lung tung luôn ngày suốt buổi. Làm sao cho tâm chúng ta không *ngừng nghỉ sàm bậy? Chỉ có cách là bắt nó nghỉ những điều tốt lành, hay đẹp. Niệm Phật là nhớ nghỉ đến những vị hoàn toàn tốt đẹp, những hành động trong sáng, những đức tánh thuần lương. Càng niệm Phật nhiều chừng nào, thì ít niệm ma chừng ấy. Ma ở đây là những điều xấu xa đen tối, làm hại mình hại người. Vì thế chúng ta luôn luôn niệm Phật.



III. PHẢI THƯỜNG TỤNG NHỮNG BỘ KINH NÀO, TRÌ CHÚ GÌ VÀ NIỆM PHẬT NÀO?

1. Các kinh thường tụng

Phàm là kinh Phật *thì bộ nào tụng cũng được cả, vì kinh nào cũng có công năng thù thắng là phá trừ mê mờ, khai mở tâm trí sáng suốt cho chúng sanh, nếu chúng ta chí thành đọc tụng.



Nhưng vì căn cơ của chúng sanh không *đều, nên chúng ta phải lựa những bộ kinh nào thích hợp với căn cơ và sở nguyện của chúng ta mà tụng đọc.



Thông thường, các Phật tử Việt Nam, từ xuất gia cho đến tại gia đều trì tụng những kinh như: Di Đà, Hồng Danh, Vu Lan, Phổ Môn, Dược Sư, Đại Tạng, Địa Tạng, Kim Cang, Lăng Nghiêm, Pháp Hoa v.v...



Nhiều người có quan niệm chọn bộ kinh nào cho thích hợp với mỗi hoàn cảnh, mỗi trường hợp như lúc:



a) Cầu siêu thì tụng kinh Di Đà, Địa Tạng, Vu Lan v.v...



b) Cầu an thì tụng kinh Phổ Môn, Dược Sư v.v...



c) Cầu tiêu tai và giải bịnh thì tụng kinh Kim Cang, Lăng Nghiêm v.v..



d) Cầu sám hối thì tụng Hồng Danh.



Cái quan niệm chọn lựa như thế cũng có phần làm cho tâm chuyên nhất sẽ hiệu nghiệm hơn. Nhưng chúng ta không quên rằng về mặt giáo lý cũng như về mặt công đức, bất luận một bộ kinh nào, nếu *trí tâm trì tụng cũng đều được mỹ mãn như nhau cả.



2. Các chú thường trì



Ở chùa chư Tăng hằng ngày, trong thời khóa tụng khuya, trì chú Lăng Nghiêm, Đại Bi, Thập Chú hoặc Ngũ Hổ chú v.v...Còn ở nhà phần nhiều cư sĩ chỉ trì chú Đại bi và Thập chú, bởi hai lẽ: một là thời giờ ít ỏi, vì còn phải lo sinh sống cho gia đình; hai là chú Lăng Nghiêm đã dài, lại thêm chữ âm vần trắc trở khó đọc, khó thuộc. Nhưng nếu cư sĩ nào có thể đọc hết các thần chú, trì tụng được như chư Tăng thì càng tốt.



3. Các hiệu Phật thường niệm



Đức Phật nào cũng có đủ cả 10 hiệu, đồng một tâm toàn giác, từ bi vô lượng, phước trí vô biên, thương chúng sanh vô cùng vô tận, nên chỉ niệm danh hiệu của đức Phật nào cũng đều được cảm ứng đến tất cả chư Phật, công đức cũng đều vô lượng vô biên.



Nhưng đứng về phương diện trình độ và hoàn cảnh mà luận, thì hiện nay, chúng ta là người ở thế giới Ta Bà, nhằm quốc độ của đức Phật Thích Ca Mâu Ni giáo hóa, lẽ cố nhiên chúng ta phải niệm danh hiệu của Ngài. Dụ như dân chúng ở trong nước nào, phải nhớ nghĩ đến ơn nhà cầm quyền chánh trị sáng suốt ở trong nước đó.



Nếu tín đồ nào tu theo pháp môn Tịnh Độ, thì thường ngày phải niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà. Pháp môn này thành lập do lời dạy sau đây của đức Phật Thích Ca: "Ở cõi thế giới Ta Bà này, đến thời kỳ mạt pháp, cách Phật lâu xa chỉ có pháp "Trì danh niệm Phật", cầu vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc là quốc độ của đức Phật A Di Đà, thì dễ tu dễ chứng hơn hết".



Ngoài ra, tín đồ cũng có người niệm danh hiệu đức Phật Di Lặc, để cầu sanh về cõi trời Đâu suất; hoặc niệm danh hiệu đức Phật Dược Sư để cầu cho khỏi tật bịnh.



Tóm lại, Tín đồ Phật Giáo phải niệm đủ Tam thế Phật:



a) Niệm đức Phật Thích Ca Mâu Ni, là niệm đức Phật hiện tại, mà cũng là đức Phật Giáo Chủ của chúng ta.



b) Niệm đức Phật A Di Đà, là niệm đức Phật đã thành từ quá khứ xa xưa, mà cũng là đức Phật tiếp dẫn chúng ta về Cực lạc.



c) Niệm đức Phật Di Lặc, Là niệm đức Phật vị lai.



IV. LỢI ÍCH CỦA SỰ TỤNG KINH, TRÌ TRÚ VÀ NIỆM PHẬT

1. Lợi ích của sự tụng kinh

Những lời giáo hóa trong ba tạng kinh điển của Phật, đều toàn là những lời hiền lành, sáng suốt do lòng từ bi và trí tuệ siêu phàm của Phật nói ra. Kinh Phật, vì thế có phần siêu việt hơn tất cả những lời lẽ của thế gian. Nếu chúng ta chí tâm trì tụng, chắc chắn sẽ được nhiều lợi ích cho mình, cho gia đình và những người chung quanh:



a) Cho mình: Lúc tụng niệm, hành giả đem hết tâm trí chí thành đặt vào văn kinh để khỏi sơ suất, nên sáu căn: tai, mắt, mũi, lưỡi, thân, ý đều thâu nhiếp lại một chỗ. Chăm lo tụng kinh, nên ba nghiệp của thân, khẩu, ý không còn móng khởi lên mười điều ác nữa, mà chỉ ghi nhớ những lời hay, lẽ phải.



b) Cho gia đình: Trước khi sắp sửa tụng kinh, những người trong nhà đều dứt các câu chuyện ngoài đời, và khách hàng xóm đến ngồi lê đôi mách cũng tự giải tán. Trong gia đình nhờ thế được thanh tịnh, trang nghiêm, hòa thuận.



c) Cho người xung quanh: Trong những lúc đêm thanh canh vắng, lời tụng kinh trầm bổng theo với tiếng mõ nhịp đều, tiếng chuông ngân nga, có thể đánh thức người đời ra khỏi giấc mê, đưa lọt vào tai kẻ lạc lối những ý nghĩa, thâm huyền, những lời khuyên dạy bổ ích, chứa đọng trong kinh điển mà hành giả đang tụng.



Như vậy rõ ràng tụng kinh chẳng những có ích lợi cho mình, cho gia đình, mà cho những người chung quanh nữa. Đó là mới nói những điều ích lợi thông thường có thể thấy được, ngoài ra tụng kinh còn có những điều lợi ích, linh nghiệm lạ thường, không thể giải thích được, ai tụng sẽ được chứng nghiệm mà thôi.



2. Lợi ích của sự trì chú



Các thần chú tuy không thể giải nghĩa ra được, nhưng người chí tâm thọ trì, sẽ được công hiệu thật là kỳ diệu, khó có thể nghĩ bàn, như người uống nước ấm, lạnh thì tự biết lấy.



Có thể nói: một câu thần chú, thâu gồm hết một bộ kinh, vì vậy, hiệu lực của các thần chú rất phi thường. Khi gặp tai nạn, nếu thực tâm trì chú thì mau được giải nguy. Như thuở xưa, Ngài A Nan mắc nạn, đức Phật liền nói thần chú Lăng Nghiêm, sai Ngài Văn Thù Sư Lợi đến cứu, thì Ngài A Nan liền được thoát nguy.



Ngày nay, cũng có nhiều trường hợp mà người thành tâm niệm chú thấy được hiệu nghiệm rõ ràng. Theo lời Bác sĩ Thiện Thành nói lại, thì vào năm 1946, giữa lúc loạn ly, bác sĩ ở trong một vùng rừng sâu, núi hiểm tại Trung Việt. Một lần bác sĩ bị chứng bịnh nan y, mặc dù lương dược Đông, Tây sẵn có trong tay, cũng không làm sao trị được. Bác sĩ tưởng sẽ bỏ mình trong xóm ngoài sơn cước, không ngờ nhớ lại lúc còn ở dưới mái nhà cha mẹ, thường đêm nghe thân phụ trì chú "Công Đức Bảo Sơn", Bác sĩ liền đem thần chú ấy ra áp dụng. Trong lúc ấy, các người nuôi bịnh cũng xúm lại hộ niệm cho bác sĩ suốt đêm. Sáng hôm sau, quả thật Bác sĩ lành mạnh một cách dễ dàng, làm cho tất cả các đồng nghiệp đều ngạc nhiên.



3. Lợi ích của sự niệm Phật



Niệm Phật công đức lại còn to lớn hơn nữa, vì một câu niệm Phật có thể gồm thâu cả ba tạng giáo điển, hết thảy thần chú,* cũng là các pháp viên đốn, như tham thiền, quán tưởng v.v...



Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có dạy rằng: "Sau khi Phật nhập diệt đã lâu, về thời kỳ mạt pháp, đến kiếp hoại, các kinh sẽ bị tiêu diệt hết, chỉ còn kinh Di Đà lưu truyền lại được một thời gian rồi cũng diệt luôn. Lúc bấy giờ chỉ còn câu niệm Phật gồm 6 chữ "Nam mô A Di Đà Phật", mà đủ năng lực đưa chúng sanh về cõi "Cực lạc".



Lời Phật nói không sai, bằng chứng là có nhiều nhân vật chuyên trì một câu niệm Phật này mà biết được ngày giờ và thấy được điềm lành trước khi vãng sanh. Như Ngài Tổ Huệ Viễn, trong mười năm niệm Phật, ba lần thấy đức A Di Đà rờ đầu; trong hội Liên Xã, có 123 người chuyên tu phép "Trì danh niệm Phật", đều lần lượt được Phật rước về cõi Tịnh Độ. Gần đây, ở Nam phần Việt Nam, vào năm 1940 có vị sĩ quan Pháp *và Đại úy Touffan, Trung úy Retourna, Thiếu úy Brillant đồng lái một chiếc thủy phi cơ bay từ đảo Cô Lôn về Sài gòn. Giữa đường, chiếc phi cơ hư, rơi xuống biển. Thiếu úy Brillant (người Pháp lai Việt) niệm Phật cầu cứu. Chiếc thủy phi cơ lững đững trên mặt biển suốt ba giờ đồng hồ, mới gặp được chiếc tàu đánh cá của người Nhật đến cứu. Khi ba vị sĩ quan vừa bước sang tàu, thì chiếc thủy phi cơ chìm ngay xuống biển. Ai nấy đều lấy làm lạ, hỏi nhau: Tai sao khi nảy có ba người ngồi nặng, phi cơ lại nổi, mà bây giờ không người nó lại chìm?



Chỉ có Thiếu úy Brillant mới giải thích được sự lạ lùng ấy. Ông kể lại cho mọi người nghe sự linh ứng của phép niệm Phật mà ông thường áp dụng, và lần này là lần thứ hai ông được thoát nạn nhờ phép niệm Phật ấy. Đại úy Touffan và Trung úy Retourna hết lòng tin tưởng, nên khi về đến Sài gòn, hai vị sĩ quan ấy chung nhau một số tiền, cất một cái am đẹp đẽ ở Cát Lái, làng Thành Mỹ Lợi, tỉnh Gia Định để thờ Phật, gọi là tỏ lòng tri ân.



Đây chỉ là một câu chuyện trong muôn ngàn câu chuyện về sự lợi ích của phép niệm Phật.



C. KẾT LUẬN



Khuyên Phật tử tụng kinh, niệm phật và trì chú cả sự lẫn lý cho được viên dung



Tụng kinh, trì chú, niệm Phật là ba phương pháp tu hành gồm đủ cả Sự và Lý. Dù tại gia hay xuất gia, dù Tiểu Thừa hay Đại Thừa, tiêu cực hay tích cực, không ai có thể rời ba phương pháp này được. Bởi thế, Phật tử cần phải học tụng kinh, niệm Phật và trì chú cho Sự, Lý đi đôi, lời nói và việc làm phù hợp, mới có được kết quả tốt đẹp.



Ba pháp môn tụng kinh, trì chú và niệm Phật, tuy không đồng mà kết quả đều thù thắng. Phật tử có thể tùy theo trình độ, hoàn cảnh của mình mà tu một, hai hay cả ba pháp ấy. Thí dụ như người biết chữ và mạnh khỏe., công ăn việc làm hằng ngày không bận rộn lắm, thì nên tụng kinh, trì chú, niệm Phật đủ cả 3 pháp môn. Còn người tuổi già sức yếu, mắt lờ, răng rụng, miệng lưỡi phều phào, thân thể mỏi mệt, nếu tụng kinh, trì chú không nổi thì phải chuyên tâm niệm Phật, đi đứng nằm ngồi, lúc nào cũng đều niệm Phật.



Nhưng các Phật tử nên nhớ, khi miệng tụng kinh, trì chú, niệm Phật, tay gõ mõ, đánh chuông, lần chuỗi, thì tâm trí phải gội rửa hết bao nhiêu ý nghĩ bất chính, những ham muốn đê hèn, và đặt vào hình ảnh đấng Từ Bi. Rồi phải noi gương Ngài, mở rộng lòng thương rộng lớn, nghĩ đến nỗi thống khổ của muôn loài và phát nguyện đem sức mình ra, ban vui cứu khổ cho tất cả. Đến khi thôi tụng niệm, trở lại tiếp xúc việc đời, thì phải làm thế nào cho những hành động của mình cũng được từ bi như tư tưởng và lời nói của mình vậy.



Người tụng kinh, trì chú và niệm Phật, làm đúng như thế, thì chắc chắn sẽ được chứng quả Thánh không sai.





--------------------------------------------------------------------------------



Chân thành cảm ơn cư sĩ Tâm Diệu đã gởi tặng phiên bản điện tử. ĐPNN, 24-8-2000