Bậc chân tu uyên bácĐại đức Thích Nhật Từ sinh năm 1969 tại Sài Gòn, xuất gia năm 1984 và thọ giới tỳ kheo năm 1988. Năm 1992, thầy trở thành trụ trì Chùa Giác Ngộ và gắn bó với ngôi chùa này cho đến nay. Năm 1994, thầy tốt nghiệp Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh với bằng cử nhân Anh văn. Năm 1997, thầy được hoàn thành khóa cao học triết học tại Đại học Dehli, Ấn Độ. Năm 2002, ở tuổi 33, thầy được trường Đại học Allabad trao bằng tiến sỹ triết học.
Khó có thể kể hết những cương vị thầy Nhật Từ đã và đáng. Nhưng nhắc đến thầy, ai cũng nhớ đến thành công của Đại lễ Phật Đản Vesak 2008, khi thầy là Trưởng Ban thư ký quốc tế. Ngoài ra, thầy còn giữ cương vị quan trọng tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM và Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam.
Đại đức Thích Nhật Từ , Ảnh: Hoa Sen |
Đóng góp quan trọng nhất của thầy là những cố gắng không mệt mỏi nghiên cứu và truyền bá Phật giáo ở trong nước và hải ngoại. Thầy là tác giả và dịch giả của trên 20 sách về Phật giáo. Suốt mấy chục năm qua, thầy đã giảng kinh tại hàng trăm chùa chiền trong nước và nước ngoài, số bài giảng được ghi âm của thầy đã lên đến hàng ngàn.
Thầy Thích Nhật Từ cũng là nhà hoạt động xã hội ưu tú, không chỉ làm từ thiện, thầy còn mớ các khóa tu cho các bệnh nhân ung bướu, thuyết giảng cho hàng ngàn trại viên tại các Trung tâm bảo trợ xã hội... Những công việc thiện nguyện đã trở thành một phần cuộc đời tu hành của thầy.
Người "gỡ rối tơ lòng"Dù việc trở thành tư vấn viên của Phật tử chỉ là "bất đắc dĩ", thầy Nhật Từ đã chứng tỏ khả năng dùng Phật pháp để "trị liệu" những vấn đề của cuộc sống. Bằng nhãn quan từ bi của đạo Phật, trong các buổi trả lời thắc mắc tại Chùa Giác Ngộ và nhiều Chùa khác, thầy giúp "gỡ rối" những tình huống tưởng chừng xa lạ với nơi cửa Phật: chồng ngoại tình nên khi ốm đau bị vợ bỏ mặc, trót sa ngã với tình nhân cũ, mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu, sự tan vỡ của đôi tình nhân trẻ để lại đứa con không biết nên bỏ hay nên giữ...
Dù không viện dẫn nhiều kinh điển nhưng trước bất kỳ khúc mắc nào của đời sống trần thế, thầy đều dùng tấm lòng bao dung của người nhà Phật để soi đường. Thầy khuyên người vợ có chồng ngoại tình nay mắc bạo bệnh đau ốm hãy nghĩ đến nghĩa tình vợ chồng hai ba mươi năm để chiến thắng nỗi khổ đau vài ba năm người chồng không chung thủy, lấy lòng từ bi để tha thứ cho chồng và để gây dựng lại gia đình cho con cái bớt khổ. Thầy cũng hết sức "thực tế" khi khuyên những cô gái gặp phải người tình phụ bạc đừng nên lưu luyến nỗi sầu bi vì hai người đã không có duyên với nhau, hãy nên mạnh dạn trút bỏ quá khứ để đi tìm hạnh phúc mới.
Thầy đem Phật pháp vào cuộc sống bằng những triết lý đơn giản và gợi mở những hành xử có tình, có lý đến mức người nghe phải thán phục. Thầy tâm niệm "Đạo Phật là đạo nhập thế" nên nó gắn liền với cuộc sống thường nhật của con người là lẽ đương nhiên.
Đại đức Thích Nhật Từ , Ảnh: Hoa Sen |
Góp phần hòa giải dân tộcKhông chỉ thuyết giảng tại hàng trăm chùa chiền, trường học trong nước, thầy Nhật Từ còn góp phấn không nhỏ trong việc truyền bá Phật pháp ra hải ngoại. Trên con đường hành đạo, thầy chứng kiến và trải nghiệm mối bất hòa dân tộc vẫn còn tồn tại trong người Việt nói chung và Phật tử người Việt nói riêng.
Bằng sự am hiểu lịch sử sâu sắc, thầy lý giải sự chia rẽ của Phật giáo Việt Nam, sự chia rẽ của dân tộc Việt Nam: những nỗi hận thù của quá khứ lẽ ra phải được quên đi như Phật dạy thì vẫn được lưu giữ và khơi dậy, khiến cho người Việt Nam trong nước và hải ngoại vẫn chưa thể hòa hơp.
Thầy mong người Việt Nam, dù là Phật tử hay không, hãy ngừng tranh cãi ai đúng ai sai, dùng lòng từ bi để hàn gắn nỗi đau quá khứ. Thầy mong có những chay đàn cầu nguyện cho vong hồn tử sỹ của cả hai bên. Thầy quan niệm sự hòa thuận của người Việt Nam với nhau không chỉ xuất phát từ nhu cầu kinh tế mà phải xuất phát từ lòng bao dung độ lượng giữa người với người.
Nỗi đau lớn của thầy là chia rẽ. Có một vài Phật tử sống ở nước ngoài vẫn nhìn về trong nước bằng con mắt hận thù. Ngay tại hải ngoại, nhiều môn phái cũng chưa có thống nhất cao. Thầy Nhật Từ cho rằng ý đây là hậu quả của việc đặt nặng ý thức hệ Giáo hội và việc dùng Phật giáo để đấu tranh chính trị. Sứ mệnh của người tu hành chân chính là phải dùng lòng từ bi để hóa giải hận thù, giúp cộng đồng Phật giáo trong và ngoài nước đoàn kết, thống nhất với nhau làm Phật sự.
Những ước mơ cao cảThầy Nhật Từ luôn mong ước có thể để đem điều hay lẽ phải của Nhà Phật đến với con quần chúng nhiều hơn nữa. Không chỉ giảng kinh theo cách truyền thống, thầy còn lập ra hai trang web Đạo Phật ngày nay vàTủ sách Phật học.
Trên các Tủ sách Phật học, có hàng ngàn bài Pháp thoại của thầy về nhiều vấn đề Phật học và cả các kinh điển Phật giáo được âm thanh hóa, giúp Phật tử và những người yêu triết lý Nhà Phật dễ dàng tiếp cận và lĩnh hội. Thầy còn cho biên tập và xuất bản Tủ sách Đạo Phật ngày nay với trên 50 tác phẩm về nhiều chủ đề khác nhau, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu và hành trì.
Một nguyện ước lớn của thầy là dịch Kinh Phật ra tiếng Anh và các thứ tiếng khác để truyền giảng cho người nước ngoài. Theo thầy, Đức Phật khuyên người tu hành truyền kinh bằng tiếng bản ngữ, nên nếu chỉ dùng tiếng Việt thì những điều hay lẽ phải sẽ chỉ đến được với người Việt Nam. Đó là chưa kể những người Việt hải ngoại sau hàng chục năm xa quê giờ tiếng mẹ đẻ không còn thông thạo vì hàng ngày chỉ nói tiếng bản ngữ. Sở nguyện của thầy đã được nhiều người hưởng ứng và thầy vẫn mong mỏi sự đóng góp nhiều hơn nữa của các bậc trí thức có lòng với Nhà Phật.
Song, có lẽ mơ ước lớn nhất của thầy là xây dựng một nền Phật giáo Việt Nam lành mạnh và song hành cùng dân tộc. Sự phát triển của Phật giáo không nằm ở tổ chức Giáo hội và càng không phải bằng con đường hành chính hóa Giáo hội, mà phải bằng con đường vận dụng sáng tạo Phật pháp và phát triển các pháp môn Phật giáo Việt Nam có sở trường dựa trên nền văn hóa Việt Nam.
Đó là những ước mơ của một bậc chân tu có tâm, có tài và có bản lĩnh nhập thế trong thời hội nhập.
Khương Duy (Tuần Việt Nam)
http://thuvienphatphap.com/diendan/showthread.php?4970-Th%C3%ADch-Nh%E1%BA%ADt-T%E1%BB%AB-Ch%C3%A2n-dung-nh%C3%A0-tu-h%C3%A0nh-th%E1%BB%9Di-h%E1%BB%99i-nh%E1%BA%ADp
0 comments:
Post a Comment