Tuesday, December 6, 2011
Thư trả lời Hộ Niệm -Nghịch duyên hay thuận duyên, đều do mình
Hỏi:
Mọi người ai cũng cần có người Hộ Niệm khi lâm chung. Đó là điều cần thiết và rất quý, nhưng trường hợp như tụi em ở một nơi không gần với cộng đồng thì lúc chết ai Hộ Niệm cho mình? Con cháu của mình sau này nó là người Mỹ hết, hay nó theo đạo khác thi nó đâu biết tiếng Việt hay những nghi thức để Hộ Niệm thì mình làm cách nào để được Vãng Sanh?
Trả lời:
Điểm thứ nhất: Sống xa với cộng đồng người Việt:
Người biết cách Hộ Niệm thì ở đâu cũng dễ có người đến Hộ Niệm. Người không biết cách Hộ Niệm thì dù sống chung với một cộng đồng đông như kiến, nhưng khi chết cũng chưa chắc sẽ có ai Hộ Niệm cho mình đâu!
Ví dụ, trong pháp tu Niệm Phật, rất chú trọng việc Hộ Niệm Vãng Sanh, nhưng người tu phải biết Hộ Niệm thì người lâm chung mới có được Hộ Niệm. Có nhiều người, dù có tu học Phật nhưng không biết đường Vãng Sanh, chưa có ý niệm cầu giải thoát, cứ tu lòng vòng để tìm kiếm chút phước gì đó rồi chờ chết, thì tất cả đều phải chết, tương lai còn quá mờ mịt!...
Vậy thì, vấn đề sống chung với nhiều người Việt chưa chắc là sẽ được Hộ Niệm lúc lâm chung để Vãng Sanh đâu!
Để giải quyết vấn nạn trên, xin chú ý đến những điều sau đây:
1/ Tự mình phải nổ lực Niệm Phật, tu hành:
Đây mới là chính. Mình không chịu tu hành thì làm sao có ngày thành đạo. Mình không Niệm Phật thì dễ gì có duyên được người khác tới Niệm Phật cho mình. Mình không nguyện Vãng Sanh thì làm sao có cơ hội Vãng Sanh.
Công phu tu tập vẫn là điểm chính, mỗi người phải lo tự thực hành trước. Cái quả Vãng Sanh ở cuối đời chính là nhờ cái nhân Niệm Phật từ ngày hôm nay. Cái quả tương lai được người Hộ Niệm là nhờ cái nhân hôm nay mình đi Hộ Niệm cho người.
2/ Biết Hộ Niệm:
Muốn Hộ Niệm cho người khác được Vãng Sanh, thì chính chúng ta phải tìm hiểu cho thấu đáo phương pháp Hộ Niệm. Lý luận, phương thức, cách khai thị Hộ Niệm phải nắm vững. Nếu chính mình không hiểu gì về Hộ Niệm, thì lo lắng đến chuyện Hộ Niệm ngày mình lâm chung có ích lợi gì? Không biết về Hộ Niệm thì ứ nghĩ rằng, trước khi chết phải có đầy đủ con cháu tới để nhìn mặt, thiếu một đứa thì chết không chịu nhắm mắt. Chúng tới bao vây mình rồi, lại xúi cho khóc lóc, kể lể, than vãn, ôm nắm, lôi kéo... Đây là cái duyên đại đọa lạc, đâu phải là điều tốt!
(Vấn đề Hộ Niệm Diệu Âm đã khai thác rất nhiều, vừa tọa đàm, vừa vấn đáp, vừa video Vãng Sanh. Xin bỏ chút ít thời gian xem qua).
Vì sao vậy?
- Một là, thường lầm lẫn giữa Hộ Niệm với cầu siêu, cầu an, hậu sự, hộ táng... Mình lầm lẫn như vậy thì tạo cái duyên lầm lẫn đến nhiều người. Sau cùng người khác cũng sẽ đem cái lầm lẫn ấy mà áp dụng cho mình.
Cầu siêu là đợi chết, liệm trong quan tài rồi tới tụng kinh siêu độ. Cầu an là cầu cho tiêu tai giải nạn, khỏi chết. Hậu sự, hộ táng là đưa đám ma đi chôn. Còn Hộ Niệm là khuyên người Niệm Phật cầu Vãng Sanh. Niệm Phật thì mỗi người cần phải tự làm trước, ai cũng phải có đầy đủ TÍN-NGUYỆN-HẠNH để Vãng Sanh.
Nghĩa là, phải tự Tín-Nguyện-Hạnh thì khi hữu sự mới dễ có nhiều cơ duyên được người tới Hộ Niệm mà thêm vững phần Vãng Sanh. Chứ đâu phải cứ chờ lúc sắp chết, rồi kêu một vài người tới Niệm Phật vài giờ thì được Vãng Sanh đâu!
- Hai là, người không hiểu Hộ Niệm thường tạo những hành động sai lầm, phạm đến điều cấm kỵ khi Hộ Niệm. Bị phạm vào điều cấm kỵ gây trở ngại rất nhiều cho việc Vãng Sanh.
Ví dụ như:
-Tắm rửa, đụng chạm vào thân thể quá sớm;
- Khóc lóc than thở bên xác chết;
- Dùng bùa chú yếm trừ;
- Không an lòng Niệm Phật ít ra là tám tiếng đồng hồ;
- Không lo Niệm Phật mà lao chao coi ngày coi giờ trong lúc Hộ Niệm;
- Tẩn liệm quá sớm trong khi thân xác còn nhiều chỗ chưa được lạnh (nghĩa là, có thể thần thức còn vướng trong thân, chưa chết hẳn);
- Giết hại sanh vật cúng tế, thết đãi;
- Lo chích thuốc chống rã thân quá sớm,
- Ồn náo, kiện tụng bên cạnh xác chết, v.v... Nhiều điều sai lầm lắm.
Nói chung, có biết cách Hộ Niệm rõ ràng, chính xác, mới chuẩn bị được Hộ Niệm, mới biết những gì cần làm, những gì cần kiêng cữ, cho người, cho cả chính ta.
Xin tự hỏi, chính mình đã nắm vững phương pháp Hộ Niệm chưa?
3/ Phát triển sự Hộ Niệm:
Cần vận động, tuyên truyền, khuyên nhủ, nhắc nhở con cháu, người thân, khuyến khích cùng nhau Niệm Phật, thành lập nhóm cộng tu Niệm Phật. Đây là cái nhân để thành hình một nhóm Hộ Niệm.
Cứ phát tâm làm đi, còn thành tựu được hay không cứ để Phật Bồ-tát lo liệu.
4/ Chuẩn bị tự Hộ Niệm:
Hễ có người Hộ Niệm thì tốt, nếu không có ai Hộ Niệm, thì phải biết tự Hộ Niệm cho mình. Phải có tinh thần tự lực vững mạnh trước.
- Tinh tấn Niệm Phật để nghiệp chướng tiêu trừ, phước duyên tăng trưởng, nhờ đó dễ được an nhiên ra đi (tuyệt vời!). Niệm Phật chắc chắn có lợi, (nếu nhất tâm đuợc thì hay quá...).
Nên nhớ, thành tâm niệm một câu Phật hiệu phá tan 80 ức kiếp nghiệp chướng sanh tử trọng tội. Nghiệp tiêu thì phước tăng, có phước mà biết đường Vãng Sanh thì Vãng Sanh không khó lắm vậy.
- Làm tờ di chúc, nhắn nhủ, dặn dò con cháu những gì cần làm, những gì cần tránh.
- Lập chí Vãng Sanh vững vàng, đừng thối chí. Ví dụ: khi bệnh đừng sợ chết, không cầu hết bệnh, coi cái chết nhẹ nhàng. Không lo, không sợ, không buồn, không than, v.v... Người ta khi nghe bác sĩ nói sắp chết thì sợ hãi (đến hết hồn hết vía!), còn ta thì cười hè hè, sung sướng vì thấy rằng ta sắp được dịp theo A-Di-Đà Phật về Tây Phương.
- Sẵn sàng ứng trị với những trường hợp người thân làm điều sai lầm. Trong tâm nên chuẩn bị trước để phá trừ những chướng ngại. Ví dụ, con cái khóc lóc: kệ nó, đừng luyến lưu; Bị đau đớn quá: đã dự định rồi, quyết Niệm Phật cầu gia bị; Gặp oan gia trá hình: đã biết rồi, yên tâm Niệm Phật, thành tâm sám hối, hồi hướng công đức cho họ để hóa giải, (nên làm việc này liền đi), v.v...
- Nguời thường bận tâm lo lắng không an nhiên bằng người ít lo.
Càng lo lắng càng bất an. Tại sao không cố gắng Niệm Phật, cố gắng tu hành, biết mình bị nhiều chướng duyên thì cố gắng công phu nhiều hơn, há không hay hơn sao? Biến nghịch duyên thành thuận duyên. Nhìn thấy sự khó khăn mà lo tu hành tốt hơn vậy.
Tự mình phải lo liệu cho mình, chứ có cách nào khác hơn! Tập buông xả cho nhiều... mới tránh được những vướng mắc.
Điểm thứ hai: Con cái theo đạo khác:
Đầu tiên xin khuyên rằng, đừng bao giờ có tâm xem thường những tôn giáo khác. Người có tu hành, thì dù theo đạo nào cũng tốt hơn người vô đạo. Đôi khi chúng ta thấy người tu hành làm sai, nhưng xét kỹ thì do cá nhân người đó sai chứ không phải tôn giáo sai đâu.
Cho nên, phải có tâm hoan hỉ khi con cái có đường tu hành. Mỗi người đều có cái duyên riêng, chớ nên kỳ thị.
Theo giảng ký của HT Tịnh Không kể lại, ở Hồng-Kông, cách đây không lâu, một bà Cụ có tất cả sáu người con đều theo đạo Thiên Chúa, riêng Cụ thì Niệm Phật. Bà luôn luôn tôn trọng con cháu, và nhắc nhở con cháu đi nhà thờ đều đều. Nhờ vậy mà tất cả con cháu đều tôn trọng bà và hết lòng yểm trợ cho bà. Khi bà Vãng Sanh, biết trước ngày giờ, bà nhờ chính những đứa con khác đạo này tụ tập về ngồi chung quanh Niệm Phật Hộ Niệm cho bà, và bà ngồi mà Vãng Sanh. Tất cả con cháu của Bà thấy vậy, đã tự ý chuyển sang Niệm Phật.
Lấy nghịch duyên làm thuận duyên để tu hành. Người chung quanh tự họ sẽ chuyển.
Phật lực gia trì ở sát bên cạnh. Miễn sao mình phải có thành tâm. Có cầu tất có ứng. Xin chớ quá lo lắng.
Chúc an tâm, thành công,
A-Di-Đà Phật
Diệu Âm
(10/05/2009)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 comments:
Post a Comment