Nước muối để ngậm cần có độ mặn tương đương với nước canh và ấm hơn thân nhiệt vài độ (nhất là về mùa lạnh) để gây giãn mạch, tăng tuần hoàn tại chỗ, khiến bạch cầu đến đây nhiều hơn. Nên pha sẵn nước muối mặn đựng vào chai, khi súc họng thì pha thêm nước nóng để có độ mặn và độ nóng cần thiết.
Biểu hiện của bệnh viêm họng hạt (viêm họng mạn tính) là cảm giác vướng víu, ngứa rát thường xuyên trong họng; ho và khạc đờm (quánh dính hoặc trắng nhầy) thường xuyên (nhất là sáng sớm, khi ngủ dậy). Nhiều người bệnh do ngứa họng nên hay khậm khạc, dặng hắng. Khám tại chỗ thấy thành bên họng hơi đỏ, thành sau họng có những hạt trắng. Khi sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút (do nhiễm virus, làm việc căng thẳng, thay đổi thời tiết), bệnh có thể nặng lên thành một đợt viêm họng cấp (đau họng, sốt, ho khạc đờm đặc...)
Cách súc họng
Trước tiên, cần súc sạch khoang miệng bằng nước muối đã pha trong khoảng 30 giây. Nếu cảm thấy miệng chưa thật sạch thì làm thêm một lần nữa rồi mới súc họng.
Ngồi dựa lưng vào thành ghế, cổ ngửa ra sau đến mức tối đa. Khi nước muối chạm thành sau họng thì dùng hơi đẩy nước muối ra, tạo tiếng kêu "khò khò" đều đặn (có thể hình dung lúc súc họng là khi ta đang phát âm o, a hoặc ê). Sau khi đẩy hơi hết, ngồi lại tư thế bình thường, nhổ nước cũ đi rồi lặp lại động tác trên 3-4 lần nữa với nước muối mới, cho đến khi họng không còn cảm giác vướng víu nữa.
Cứ 3 giờ súc họng một lần. Nếu họng đang viêm cấp, khoảng cách giữa hai lần súc họng có thể gần hơn. Điều quan trọng nhất là phải nhớ súc họng trước và sau khi ngủ. Với người hay đi tiểu đêm, cần phải súc họng cả trong những lần thức giấc này.
Kết quả của việc súc họng nước muối sẽ được thấy rõ sau khoảng vài ngày, đặc biệt đối với những bệnh nhân đang ở đợt cấp. Việc điều trị kháng sinh phối hợp là điều không cần thiết đối với viêm họng mạn. Nhưng nếu đang có đợt cấp, kháng sinh sẽ làm bệnh lui nhanh hơn.
Thanh Vy
0 comments:
Post a Comment