Saturday, June 18, 2011

Bận bịu và nhàn rỗi




Cuộc sống của bạn là bận bịu hay nhàn rỗi?
Nhàn và rỗi là hai phương thức sống khác nhau có người thích bận bịu, càng bận càng thấy phấn chấn, càng có tinh thần, xem bận bịu biến thành động lực, thành nguồn dinh dưỡng. Cho rằng nhàn rỗi là lười nhác, là giải đãi không có việc gì để làm. Xem việc nhàn rỗi đồng nghĩa như là Chết vậy. Nhưng có lại người lại cho rằng nhàn rỗi là nghỉ ngơi, là tự tại và tu dưỡng và nhận thấy bận bịu là sự chấp trước đối với thế gian này, là bị làm nô lệ cho công việc.

Cũng có người muốn có lúc bận, lúc rỗi. Như người lao động một tuần yêu cầu được nghỉ 1,2 ngày hoặc 1 ngày làm việc 8 tiếng, thậm chí có người trong khi công việc bận, họ lại thích uống trà, đọc báo, tìm cách để đi công tác. Tóm lại là mong rằng khi bận có lúc rỗi rãi nghỉ ngơi. Có người lại nhàn rỗi đến phát sợ, đến khó chịu, bởi vậy mà họ bỏ tiền, bỏ sức lực ra để xin người khác cho mình một công việc để làm, chẳng qua hy vọng được làm việc để giết thời gian.

Bận là hoan hỷ, là phát tâm, bận là tiến bộ, là an trụ. Chính trong cái bận bịu mà chúng ta có thể lĩnh hội được giá trị của cuộc sống và ý nghĩa của công việc, bận khiến cho chúng ta gặt hái được càng nhiều trí thức, quen biết nhiều bạn bè và kết được nhiều thiện duyên hơn.

Nhưng bận cũng có nhiều kiểu khác nhau, có người bận về công việc gia đình, có người vì vui chơi mà bận, nhưng cũng có người vì giúp đỡ người khác mà bận…Chúng ta cứ nhìn ga tầu, bến xe hàng ngày mọi người đều hối hả qua lại, nhìn là biết họ là những người bận rộn. Nhưng chỉ có điều người thì vì danh lợi, người thì vì nghĩa, người thì vì tình, vì nghĩa… và tất nhiên cũng có người như Khổng tử ngao du các nước, như Đức Phật khất thực và hành hóa khắp mọi nơi. Các Ngài là những người đi truyền bá tiếng nói của hòa bình, đi vào giữa dòng đời mà tuyên giảng chân lý, vân du khắp nơi vì bản thân, vì người khác và hơn thế nữa vì cả thế nhân này mà bận.

Có người lấy bận bịu làm niềm vui, làm hoan hỉ, trách tại sao một ngày không thể tăng thêm 24 giờ nữa để được bù đắp công việc.Có người nhàn rỗi đến nỗi không thể không thể duy trì được cuộc sống, chỉ muốn người khác đến giúp mình, người khác đến bù đắp, thà rằng ngửa tay cầu xin nghèo khó chứ không chịu tự thân đi lao động, mưu sinh.

Bận bịu tất nhiên là khổ, vậy nhàn rỗi có phải là sướng không? Nhàn rỗi khổ vì không có việc làm mà làm, thì thà rằng bận rộn mà có ý nghĩa còn hơn. Bận là liều thuốc bổ tốt cho tâm và thân, còn hơn nữa bận để gieo trồng lại những chủng tử tốt đẹp cho đời này và đời sau. Cuộc sống của con người bởi vậy chúng ta hãy tận hết khả năng để bản thân trở thành những người bận rộn có ý nghĩa, vì bận mới có tiến bộ, mới có thành tựu.

Kỳ thực, nói “bận” và “rỗi” chỉ là 2 mặt đối đãi của sự và tướng, nếu có khả năng viên dung hoàn hảo được cả sự và lý thì tuy bận mà rỗi. Tốt nhất là có thể trong khi bận rộn mà có được tâm nhàn rỗi, khi nhàn rỗi phải nên có cảm thụ của bận rộn. Chúng ta phải nên người bận mà tâm không bận, tâm rỗi mà người không rỗi mới là thái độ tốt nhất của cuộc sống.


Tác Giả: Tinh Vân Đại Sư
Việt dịch : Thích Quảng Lâm

0 comments:

Post a Comment