Chương Hai
VẤN ĐỀ:
KHỔ
Sau khi khảo sát sơ qua các nguyên lý cơ bản, tạm thời ta
nắm được ít nhiều khái niệm về tình huống của ta cũng như môi trường,
nơi chốn ta đang cư trú: ta hiện đang có mặt ở cõi Ta-bà, nơi hoàn toàn
không có sự bình đẳng, đầy rẩy những bất công, thiện lẫn ác [đối-đãi];
nó là cõi Tham-Sân-Si mà tính chất tâm ta lại tương đồng với nó nên ta
mới sinh ra ở đây [đồng-thanh-đồng-khí]; tất cả những gì ta tạo
tác qua thân-khẩu-ý, dù nhỏ đến mấy cũng sẽ không mất mát đi đâu[
bảo-tồn-năng-lượng ], và chắc chắn ở một thời điểm nào đó trong
tương lai chúng sẽ tác động ngược trở lại ta [lực và phản lực ],
mang lại phước lành nếu ta đã từng làm việc thiện, và khổ đau nếu ta đã
từng làm việc ác [đồng-thanh-đồng-khí]; vì tâm Tham-Sân-Si nên ta
cứ tiếp tục gây tạo những việc thiện-ác để rồi phải nhận lãnh hậu quả,
và cứ thế ta lẩn quẩn trong vòng sinh tử, trôi lăn bất định và bất tận
trong cõi Ta-bà[tuần hoàn].
Vấn đề của ta là KHỔ.
A.
KHỔ [Suffering,
Unsatisfactoriness]
Đời sống con người lẫn thú vật, hai cõi giới mà chúng
ta nhận biết được, đều tràn ngập bất hạnh, bất mãn, và bất trắc. Những
rắt rối đều tùy thời tùy nơi mà sinh khởi, nhiều khi tưởng đã giải quyết
xong nhưng nó lại trồi lên ở một dạng khác, hoặc sau khi trừ được một
vấn đề thì bao nhiêu vấn đề khác sẽ kéo đến, và cứ thế suốt đời ta phải
đối phó hết vấn đề này đến vấn đề khác, lịch sử và kinh nghiệm cho thấy
không có cách gì diệt trừ cho hết được. Sống ở đời không ai tránh được
khổ đau, nếu không khổ lúc này thì cũng khổ lúc khác dưới một hình thức
nào đó, nếu may mắn thì tình trạng bất ổn của cá nhân nói riêng và xã
hội nói chung sẽ chỉ tạm thời vắng mặt trong một lúc nào đó mà thôi.
Chỉ vì mong cầu hạnh phúc, chúng ta lao tâm lao lực để cho
được của cải, danh vọng, tình yêu v.v…Tuy nhiên lúc thành đạt rồi chưa
phải là lúc hết chuyện, ta lại phải khổ tâm lo bảo vệ hạnh phúc qua
những gì đã đạt được; lo sợ mất mát và nỗi đau khổ khi bị mất sẽ chuyển
biến những gì gọi là hạnh phúc thành những nguồn gây ra lo lắng và sợ
hãi.
Hạnh phúc bắt buộc phải dựa vào nhân duyên hoặc tùy thuộc
vào điều kiện mới phát sinh được. Tất cả điều kiện dẫn đến hạnh phúc,
điều kiện nội tâm hoặc ngoại cảnh, đều không cố định và chúng sẽ thay
đổi vào một lúc nào đó trong tương lai. Sự bấp bênh và không bảo đảm của
điều kiện tùy thuộc cho thấy sự đến và đi của hạnh phúc nằm ngoài tầm
kiểm soát của ta, và kết quả là khổ đau khi ta bám víu vào những gì mang
tính chất vô-thường.
Có những người may mắn sinh ra và sống trong hoàn cảnh thuận
lợi với mọi việc diễn tiến tốt đẹp theo ý muốn, nên thường không thấy
hoặc cảm nhận được sự có mặt của khổ đau. Thật ra, cái khổ nó chưa đến
chứ không phải không đến. Nhưng nếu chỉ suy xét cải khổ của riêng ta
hoặc không nhìn thấy khổ đau đầy rẫy xung quanh thì đó là lòng ích kỷ;
ta không ý thức sự kiện là đa số mọi người khác đều đang ở trong cảnh
ngộ chật vật, khốn khổ không lối thoát. Bởi vậy, an hưởng hạnh phúc
trong khi mọi người xung quanh đang rên siết trong thống khổ thì đó
không phải là chân hạnh phúc. Mà sự khổ đau và hạnh phúc của kẻ khác, do
luật duyên-khởi [xem chương Duyên Khởi], sớm muộn gì rồi cũng sẽ ảnh
hưởng đến ta và mọi người khác.
Lại có những người không tham vọng, không mong cầu, biết
“yên phận thủ thường’ và chỉ muốn được yên thân. Song đây vẫn là hình
thức vi tế của khổ. Ý muốn được yên thân và lo thủ thường là tâm Tham và
Sân, chỉ vì lo duy trì cái hạnh phúc đơn sơ nào đó nên sợ sự thay đổi,
khác thường. Thế nhưng thế gian này vô-thường, sớm muộn gì rồi cũng sẽ
phải đối diện với khổ đau.
Dĩ nhiên ta không chối bỏ hạnh phúc thế gian như hạnh phúc
gia đình, những thú vui của thể xác lẫn tinh thần, ngay cả hạnh phúc của
người xuất gia, v.v…Thế nhưng được bao lâu? Như ta đã biết ở cõi Ta-bà
không có gì bảo đảm cho hạnh phúc, chúng thật mỏng manh, do đó chúng
không phải là chân hạnh phúc hoặc hạnh phúc trường tồn, vĩnh cữu. Vả lại
hạnh phúc luôn luôn đi đôi với khổ đau [đối-đãi], thế nên tìm cầu
hạnh phúc ở thế gian chắc chắn chỉ mang lại khổ đau. Có thể nói, hạnh
phúc là những gì xây dựng trên khổ đau, và ngay trong lòng hạnh phúc đã
chứa sẵn những nhân khổ đau mà có thể phát tác bất cứ lúc nào.
Vậy ta nên lưu ý là ngoài ý nghĩa đau đớn thân tâm, sự trái
ý, không hài lòng bất mãn, KHỔ còn mang những ý nghĩa vô-thường,
không toàn hảo, không thực chất.
Tóm lại, KHỔ đau là bản chất của Ta-bà, nó được lồng trong
tất cả mọi tầng lớp và mọi sinh hoạt của đời sống.
B.
CÁC LOẠI KHỔ
Khổ có hai loại, khổ thân và khổ tâm:
1.
Khổ thân
a)
Sinh
b)
Lão
c)
Bệnh
d)
Tử
2.
Khổ tâm
a)
Ái biệt ly khổ - phải xa lìa những người, vật, hoàn cảnh mà ta
yêu thích.
b)
Oán Tắng hội khổ - phải ở lại với những người, vật, nơi chốn mà
ta thù ghét.
c)
Cầu bất đắc khổ - mong cầu mà không được.
Khổ còn được chia ra làm ba loại:
a.
Khổ Khổ [misery of suffering] – bao gồm hai loại khổ thân và khổ
tâm kể trên.
b.
Hoại khổ [misery of change] – tất cả các loại hạnh phúc sớm muộn
gì cũng sẽ thay đổi, bởi vậy khổ.
c.
Hành khổ [pervasive misery] – khổ vì sự việc diễn tiến theo điều
kiện [condition] nên nằm ngoài sự kiểm soát của ta. Khối thân tâm nay
được sinh tạo bởi Nghiệp và Tham-Sân-Si (phiền não) và chính nó lại là
điều kiện để gây tạo thêm Nghiệp và Tham-Sân-Si. Cũng gọi là Ngũ Uẩn Thủ
Khổ, tức là bám víu vào ngũ uẩn, chấp chúng là ta, của ta; còn được hiểu
là toàn bộ mọi khổ não.
C.
KHỔ Ở CÁC CÕI
TRONG TA-BÀ
Như đã bàn, cõi Ta-bà nói chung la cõi khổ vì các lý
do sau: bất trắc (vô - thường, không định trước được), bất mãn (không
bao giờ cảm thấy đủ, không thể thỏa mãn), sinh tử bất tận (loanh quanh
trong sáu cõi mà không thoát ra đươc. Ta-bà đươc phân ra làm sáu cảnh
giới [xem chương Tái Sinh], tính chất của mỗi cãnh giới một khác nên
chúng đều có cái khổ riêng biệt. Sáu cõi được xếp theo thứ tự từ khổ
nhất (địa ngục) đến sướng nhất (cõi thiên),
// Ta biết hai cõi, ngưỡi và súc sinh (thú vật),
nhưng có một số người có khả năng thấy được các cõi khác, phẩn lớn là
cõi ngạ quỷ (ma). Mấy trăm năm trước chắc chắn chẳng ai sẽ tin là có thể
giới vi trùng. Nếu đã cò cõi này thì sự có mặt của những cõi (băng tần)
khác không phải là điều phi lý.//
1)
Địa Ngục: [Hell]: Cõi chỉ có sự đau khổ cùng cực, không thể tả
xiết được, chúng sinh phải chịu sự thiêu đốt, lữa cháy, hoặc sự lạnh
buốt thấu xương, nứt da nứt thịt. Mức độ lạnh nóng ở đây lớn hơn gấp
ngàn lần cái lạnh nóng của thế gian.
2)
Ngạ Quỷ: [Hungry ghosts]: Cõi các loại ma quỷ vất vưởng, lang
thang tìm cách thỏa mãn ham muốn, có những loại lúc nào cũng đói khát và
luôn luôn tìm kiếm thức ăn uống.
3)
Súc Sinh: [Animals]: Cõi phi nhân (không phải người, như thú vật,
côn trùng v.v…) bị săn bắn, giết thịt, hành hạ, đánh đập, không có tự
do, bị loài người bắt lao động, đói khát, luôn luôn rình rập ăn thịt lẫn
nhau.
4)
Người [Humans]: Cõi người, sướng khổ vừa phải. Có các loại khổ
sau đây: sinh, lão, bệnh, tử, ái biệt ly, oán tắng hội, cầu bất đắc.
5)
Atula [demi-gods] Cõi quỹ thần, có đủ các loại tốt xấu. Nói
chung, cái khổ ở cõi này là thường xuyên tranh giành xung đột với nhau,
và luôn luôn bị đại bại thê thảm trong các trận chiến với chư thiên (các
vị trời)
6)
Thiên [gods]: Có nhiều tầng trời, các vị trời, nhờ có phước nên
được hưởng hạnh phúc, trẽ trung đẹp đẽ, tuổi thọ dài lâu. Tuy nhiên, họ
vẫn phải chịu các thứ khổ sau đây: Khổ tâm cùng cực khi đến lúc sắp chết
vì biết trước sẽ phải rơi xuống cõi nào; nhục nhã đau khổ vì thua kém
các vị trời khác; có thể bị thương tích, què quặt hoặc tử vong khi đánh
nhau với Atula.
D.
HIỂU KHỔ
Thoáng nghe qua, phần nhiều chúng ta có thể hiểu ngay
được thế nào là Khổ, Vô-thường, Nhân-quả v.v…thế nhưng tại sao phiền não
vẫn không suy giảm, Tham-Sân-Si vẫn sai khiến, dẫn dắt ta theo nó? Tại
sao vẫn còn tìm kiếm thú vui, toan tính những chuyện ăn chơi, mất thì
giờ vào những chuyện thế gian? Điều này cho thấy ta chưa thấm nhuần,
chưa thông hiểu Khổ và định luật Ta-bà, ta chỉ mới hiểu chúng trên mặt
ngôn từ.
Chỉ cần một lần chạm mặt với Khổ-Sinh-Lão-Bệnh-Tử, thái tử
Tất Đạt Đa đã từ bỏ ngai vàng, vợ con để đi tìm con đường giải thoát cho
chính mình và chúng sinh. Còn chúng ta tuy cũng từng trải qua và chứng
kiến biết bao cảnh khổ, nhưng vẫn không thấy được sự nghiêm trọng của
cái Khổ. Có thể vì hoàn cảnh không cho phép chúng ta rũ bỏ mọi thứ được
ngay lập tức như Ngài, nhưng nếu thấu hiểu về Khổ thì ít ra sức hấp dẫn
của lạc thú thế gian phải suy giảm, đồng thời ta phải cảm thấy sự khẩn
trương thúc đẩy ta mau tìm đường giải thoát, cũng như trường hợp khẩn
cấp trong việc thoát thân ra khỏi căn nhà đang cháy.
Sinh-Lão-Bệnh-Tử là bốn cái khổ căn bản mà chính đức Phật
nhờ quán sát chúng mà đã bỏ đi tu.
Sinh: Ta sinh ra torng một thân thể, gia đình, nơi chốn mà
ta không có khả năng lựa chọn theo ý muốn. Thân và tâm được sinh ra sẽ
là môi trường hứa hẹn cho phiền não, đau khổ sinh khởi. Nếu thân tâm
khỏe mạnh đẹp đẽ thông minh thì sinh ra kiêu mạn tham ái; nếu chúng bệnh
hoạn xấu xí thì lại thành sân hận. Ngoài ra, qua thân-khẩu-ý ta sẽ tạo
đủ thứ nghiệp bất chánh mà ta không thể kiểm xoát được. Đó là chưa kể
đến nỗi khổ mang nặng đẻ đau của người mẹ và sự lao tâm lao lực của cả
cha lẫn mẹ trong việc nuôi nấng con cái. Nhiều khi sự có mặt của ta lại
còn mang sự phiền toái đến cho cả họ hàng và nhất là thời buổi bây giờ,
vì nạn nhân mãn nên thêm một người là thêm một gánh nặng cho xả hội, và
đe dọa cho thế giới môi sinh.
Lại nữa, “sinh” ở đây còn nói lên điểm khởi đầu của một chu
kỳ ‘sinh-lão-bệnh-tử’ mới, nghĩa là ta đang bị cuốn trôi trong vòng sinh
tử tương tục bất tận mà không thể cưỡng chống lại được.
Lão: Ngay khi sinhr a ta đã bắt đầu ngay vào tiến trình lão
hóa. Về già, các giác quan và cơ quan trong cơ thể suy yếu dần và có thể
đi đến chỗ ngưng hoạt động, trong khi đầu óc, tinh thần cũng không còn
minh mẫn như trước. Động tác đơn giản của việc đứng lên, ngồi xuống bây
giờ trở thành cả một vấn đề to tát. Bởi vậy người già thường phải nhờ
đến con cháu; không phải chỉ riêng mình khổ mà nhiều khi lại còn làm khổ
cho cả gia đình. Chẳng những vậy, thân xác già nua xấu xí của ta còn làm
cho người chung quanh mất thiện cảm và muốn lánh xa. Nhiều người già lại
còn là gánh nặng cho xã hội.
Bệnh: Không nặng thì nhẹ, không lúc này thì lúc khác, chẳng
ai trong đời tránh khỏi bệnh tật. Nếu không bị bệnh thể xác thì cũng bị
bệnh tâm thần, hoặc cả hai. Chỉ cần bị cảm cúm sơ sơ nhiều khi đã không
muốn sống huống chi là bị những bệnh nan trị. Không phải bệnh chỉ làm
riêng ta khổ mà nhiều khi lại làm khổ người thân phải lo lắng chăm sóc
cho ta. Ngoài ra lại còn có những bệnh di truyền, truyền nhiễm đe dọa
những người xung quanh.
Tử: Đa số chúng ta đều thật đau khổ khi tử thần đến lấy đi
mạng sống quý giá của ta hoặc của người thân. Sự ra đi của ta cũng là
điều đau khổ, mất mát cho người thân, con cháu. Ta khổ vì sự tan rã của
cơ thân và sự chấm dứt của đời sống mà ta chưa muốn buông bỏ. Thật hãi
sợ khi chẳng biết cái chết nó như thế nào là lúc nào nó đến,
già-trẻ-lớn-bé nó chẳng tha một ai. Nằm trên tử sàng ta đau buồn khi
phải ra đi bỏ hết lại những gì thân yêu, ta hối tiếc không có cơ hội
hoàn tất những việc còn đang dang dở, và ta lo sợ không biết sẽ đi về
đâu. Sau khi ta chết rồi có thể vẩn chưa hết chuyện, như con cháu thù
oán nhau chỉ vì bất đồng ý kiến trong việc phân chia tài sản, và còn
nhiều chuyện khác nữa (t.d.: mồ mả) liên hệ đến hậu duệ sau này.
Vậy nếu nghiền ngẫm sâu xa về Khổ đau nói chung:
-
Tâm Tham sẽ phải giảm trừ, chẳng hạn
như đang bệnh hoạn hoặc nằm trên tử sàng, hầu như chẳng ai còn tâm trí
nào nghĩ đến thú vui, hưởng thụ.
-
Tâm Sân cũng phải suy giảm, nếu nhận
biết rằng cái Khổ thúc đẩy con người tranh giành, hãm hại nhau.
-
Tham và Sân suy giảm thì Si cũng phải
suy giảm vì hiểu biết về Khổ đau chính là Trí Tuệ phá trừ tâm Si.
-
Tất cả chúng sinh, kể cả ta, đều nằm
trong sự kiềm tỏa của các thứ Khổ và bị cuốn xoay trong vòng
Sinh-Lão-Bệnh-Tử mà không tự chủ được. Suy ngẫm điều này sẽ suy giảm
được tâm Kiêu Mạn
-
Quán sát Khổ sẽ phát sinh tâm tử bỏ Xã
[renunciation, non-attachment], tâm muốn thoát ly sinh tử.
-
Thông cảm cái Khổ của kẻ khác, ta thấy
có sự tương đồng giữa tất cả chúng sinh là ai cũng khổ, ai cũng muốn an
hưởng hạnh phúc và xa lánh khổ đau- thấy được sự bình đẳng trên phương
diện này tức là ta phát triển tâm Xả.
-
Thông cảm cái Khổ của kẻ khác, lòng
thương xót [tâm từ Bi] sinh khởi. Mang lại sự an vui cho kẻ khác, đó là
tâm Từ; không muốn thấy kẻ khác đau khổ cũng như tìm cách giải tỏa nỗi
thống khổ của họ, đó là tâm Bi.
-
Có được tâm Từ, Bi và Xả, tâm Hỷ của ta
cũng sẽ phát triển theo. Tâm Hỷ nghĩa là khi thấy kẻ khác an vui hạnh
phúc thì ta cũng vui mừng hoan hỷ như chính đó là niềm an vui hạnh phúc
của ta vậy.
Đến đây ta thấy, nhờ quán sát cái Khổ ta giảm trừ được các
tâm Tham Sân Si và Kiêu Mạn, và đồng thời các tâm Từ Bi Hỷ Xả được phát
triển.
Sự nhận biết tường tận về cái Khổ đòi hỏi quá trình tu tập,
quán chiếu lâu dài vì Khổ có nhiều mức độ, từ cực thô – đau đớn thân thể
- đến cực tế - sự chấm dứt của cảm thọ sung sướng ở các tầng trời cũng
như các tầng thiền định.
Thêm mấy sự kiện nữa cho ta thấy tầm mức quan trọng của Khổ.
Vô Minh thông thường được định nghĩa là không hiểu biết về Tứ Diệu Đế -
1)
Khổ
2)
Nguyên nhân gây ra Khổ
3)
Sự diệt nguyên nhân gây Khổ
4)
Con đường diệt nguyên nhân gây Khổ
Như vậy hiểu biết sâu xa về Khổ sẽ giảm trừ Vô Minh, nguyên
do chính giam giữ ta ở cõi Ta-bà. Ngoài ra, Khổ còn là mắt xích quan
trọng – hậu quả - trong vòn g Thập Nhị Nhân Duyên [xem chương Thập Nhị
Nhân Duyên] và nó còn là đầu mối cho mười một Nhân Duyên Siêu Thế [ xem
phần Phụ Lục].
Dưới nhãn quan nhà Phật, không riêng gì khổ đau mà cả hạnh
phúc thế gian cũng mang tính chất KHỔ. Song vì lối nhìn này mà nhà Phật
bị lên án là có chiều hướng yếm thế, bi quan. Để đánh tan sự hiểu lầm
này ta hãy suy xét về sự kiện nhà Phật chỉ trình bày thực tại như nó
là chứ không mang tính cách bi quan hoặc lạc quan. Và kèm theo đó là
phương cách thoát Khổ. Bi quan làm sao được khi mà cái Khổ của ta sẽ tự
lùi sụt đi vì ta sẽ thấy nó chẳng thấm vào đâu so với biết bao kẻ bất
hạnh khốn khổ khác, lại nữa, nhờ chiêm nghiệm sâu xa về khổ đau mà các
tâm bất thiện dần lui đi và thay vào đó là các tâm Từ-Bi-Hỷ-Xả như vừa
bàn ở trên. Và khi học hỏi thêm về các định luật, ta sẽ thấy rằng khổ
đau không thật có – thiết tưởng không có thuyết nào lạc quan hơn.
Nói tóm lại, KHỔ là vấn đề trọng đại mà đa số chúng ta không
ý thức hoặc chỉ hiểu biết hời hợt về nó. Ở bước đầu ta cần phải thấy Khổ
ở khắp mọi nơi, nhìn trước nhìn sau nhìn trong nhìn ngoài, ở đâu cũng
thấy Khổ, sự việc gì cũng thấy Khổ, không có gì thoát khỏi Khổ. Sau đó
ta có thể tự kiểm điểm: nếu tâm Tham-Sân-Si không giảm, tâm Từ-Bi-Hỷ-Xả
không tăng, tâm Kiêu Mạn vẫn vậy, nếu vẫn còn thấy hạnh phúc ở cõi Ta-bà,
vẫn còn an nhiên lo hưởng thụ mà chưa thấy sự cấp bách của việc thoát
Khổ - tức là ta vẫn chưa hiểu KHỔ.
0 comments:
Post a Comment