Thursday, November 8, 2012

Nguyên Lý Cơ Bản trong Phật Học

Nguyên Lý Cơ Bản là những nguyên lý sơ đẳng nhất, đơn giản nhất mà từ đó tất cả sự việc và hiện tượng khác dựa vào, và được xây dựng lên. Ở đây ta muốn nói đến Nguyên Lý Cơ Bản của Ta-bà, chúng sẽ góp phần vào việc giải thích các định luật Ta-bà, nhờ đó ta tránh được vấn đề dài dòng. Ngoài ra, chỉ cần đôi chút kiến thức này cũng đủ gạt bỏ được một số thắc mắc vô bổ và mang lại phần nào an lạc cho Tâm.

A.   ĐỐI ĐÃI [Duality]
            Bất cứ một hiện tượng nào trên thế gian, vật lý hoặc tâm lý, cũng đều có một hiện tượng đối lập với nó. Hai đối cực này luôn luông đi đôi với nhau, không thể nào có một cái đứng đơn độc, hoặc có thể tách riêng biệt một cái ra ngoài được. Khi nói đến sống  ta biết là có cái chết đi kèm theo bên cạnh. Tương tự, nếu có cao  thì phải có thấp,ngày là vì có đêm, phải-trái, sạch- dơ, sáng – tối, nóng – lạnh v.v…thêm vài ví dụ điển hình:
Lành                Dữ
Thịnh             Suy
Động               Tĩnh
Thông              Bế
Nam                Nữ
Hòa bình         Chiến tranh
Hạnh phúc       Đau khổ
Vật lý              Tâm lý
Khí                  Huyết
Hạt cơ bản      Phản hạt
Không gian     Thời gian
Chủ                 Khách
Thiện               Ác
v.v…
            Ngay cả việc đang suy tưởng về vấn đề này ta cũng có cặp Chủ thể (người nghi và Đối tượng (sự vật nghĩ đến). Có thể ví chúng như hai mặt của đồng tiền, từ ngữ nhà Phật dùng để chỉ hiện tượng cặp đôi này là đối đãi, như vậy cõi Ta-bà này là cõi đối-đãi. Thông thường còn được hiểu là cõi Nhị Nguyên hoặc cõi Âm Dương.
            Những khác biệt tiêu biểu giữa Đông và Tây trên tư tưởng và lối nhìn
                        Tây                                         Đông
                        Bề ngoài                                  Bên trong
                        Vật chất                                  Tinh thần
                        Lý luận [logic]                         Trực giác [intuition]
                              Suy diễn [deduction]                    Quy nạp [induction]
                              Cụ thể [concrete]                           Trừu tượng [abstract]
                              Thành phần [part]                         Tổng thể [whole]
                              Sáng tạo [creative]                        Bảo thủ [conservative]
                              v.v…

            Sau đây là hai đặc điểm của nguyên lý đối đãi:
            Tương đối:  Giá trị của một vật sẽ thay đổi khi đem so sánh với những vật khác. Một tảng đá có thể lớn hơn đối với hạt cát nhưng nó lại nhỏ khi so với hòn núi, hoặc nó có thể cứng đối với tảng đá này nhưng lại không cứng bằng tảng đá khác. Tâm lý con người cũng khác biệt vì sự định giá của mỗi người một khác, một người có thể yêu thích cảnh rừng núi tĩnh mịch nhưng kẽ khác lại sợ vẻ thâm u của rừng núi. Bởi vậy không có gì có giá trị nhất định, tất cả mọi thứ chỉ có giá trị tương đối. Ngoài ra, không có to thì không có nhỏ, hoặc ngược lại; hai đối cực dựa vào nhau mà hiện hựu.
            Vận chuyển: Vì đối-đãi nên có sự mất quân bình, cao thấp, nóng lạnh, v.v…Nhưng vạn vật có khuynh hướng tự đi tìm sự quân bình cho chính nó, thí dụ như những gì nóng thì sẽ dần nguội bớt, trong khi những gì lạnh sẽ phải ấm lên. Việc tự quân bình này gây nên sự trồi sụt chuyển hóa, và vì thế mới có sự vận chuyển. Nhờ có ngày đêm, mưa nắng nên động vật cũng như thực vật mới sinh trưởng, mới có sự sống. Hai luồng điện Âm Dương làm bóng đèn cháy sáng, chuyển máy móc chạy v.v…Hoặc do tâm Sân (không hài lòng với hoàn cảnh hiện tại) và tâm Tham (muốn được tốt đẹp hơn) thúc đẩy con người thay đổi hoàn cảnh của họ, bởi thế xã hội mới tiến hóa, văn minh phát triển. Tóm lại, đối đãi (Âm Dương) là động lực thúc đẩy, vận chuyển mọi vật.

B.   TUẦN HOÀN [Cyclicity]
            Quan sát các hiện tượng trên thế gian ta sẽ thấy cấu trúc và sự vận hành của mọi thứ đều đi theo chiều vòng tròn. Hết ngày rồi đến đêm, hết đêm lại đến ngày. Trứng nở ra gà rồi gà lại sinh trứng. Quả đất xoay quanh mặt trời trong khi mặt trăng xoay quanh quả đất, chúng không chay ra ngoài quỹ đạo cố định của chúng. Xuân Hạ Thu Đông rồi lại tiếp tục Xuân Hạ Thu Đông, trời mưa xuống  nước chảy ra biển rồi bốc hơi lên thành mây bay vào đất liền rồi lại mưa. Khí lực trong cơ thể chạy từ đường kinh này qua đường kinh nọ, và khi đi qua hết mười hai đường kinh nó lại tiếp tục chu trình đã được định sẵn. Tính cách tuần hoàn hoặc sự vận chuyển theo chu trình kín nay, ở đây sẽ được tạm gọi là vòng tròn . Và khuynh hướng lập đi lập lại cũng được người Tây phương ghi nhận : “lịch sử chỉ là sự tái diễn [history repeats itself].”
            Ta đã biết Âm Dương là động lực vận chuyển vạn vật, và qua nhận xét về các hiện tượng điễn hình trên, tất cả mọi thứ - kể cả sự vận hành của tâm [sẽ được bàn trong chương bốn] – đều chuyển động theo quỹ đạo đã được định sẵn của chúng, đường vòng tròn. Nghiệm xét nguyên lý Vòng tròn ta thấy nó có hai đặc điểm là Chu Kỳ và Vô thủy Vô chung.
            Chu Kỳ: Một sự vật sinh khởi, trải qua tiến trình tăng trưởng, rồi tàn hoại và chấm dứt – được gọi là một chu kỳ, trước khi nó lại sinh khởi trở lại. Thí dụ; trăng tròn, khuyết, không trăng, rồi tròn lại. Bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông trải qua rồi lại nối tiếp chu kỳ Xuân Hạ Thu Đông mới. Một triều đại / chính thể nảy sinh, hưng thịnh, suy mạt, rồi chấm dứt. Hoặc nói một cách khác tổng quát hơn, mô thức Thành – Trụ - Hoại – Không có thể áp dụng cho tất cả sự vật.
            Vô chung Vô thủy: Nghĩa là không có điểm khởi đầu và điểm chấm dứt. Trên một vòng tròn ta không thể xác định được những chỗ nào là điểm khởi đầu và điểm cuối cùng. Có thể suy diễn được điều này qua các hiện tượng như ta không thể biết được lúc khai thiên lập địa là lúc nào, ngày bắt đầu trước hay đêm bắt đầu trước, trứng có trước hay gà có trước, mùa nào bắt đầu trước trong bốn mùa, v.v…cõi Ta-bà là cõi vòng tròn nên nó vô thủy và vô chung.
C.   BẢO TỒN NĂNG LƯỢNG (và VẬT CHẤT) [Conservation of Energy (and Matter)]
            Theo như thí dụ nêu ở trên – mưa xuống, nước chảy ra biển, bốc hơi lên thành mây, rồi lại mưa – khi xét lại số lượng nước thì không  một giọt nào thất thoát, nó chỉ biến dạng chứ số lượng không tăng mà cũng không giảm. Đó là do nguyên lý Bảo Tồn Năng Lượng.
            Nguyên lý Bảo Tồn Năng Lượng được đinh nghĩa là một vật thể hoặc một năng lực chỉ có thể chuyển hóa sang thể dạng khác chứ không thể tự tan biến không còn một dấu vết gì. Thí dụ như một khúc gỗ sau khi đem đốt, tuy khúc gỗ không còn nữa nhưng không phải là nó biến mất mà nó đã chuyển sang dạng tro và nhiệt. Ta có thể thấy trong phòng thí nghiệm, các hóa chất được cho phản ứng với nhau tạo ra một hóa chất khác, và tổng số các nguyên tử và điện tử của hóa chất mới này sẽ không dư không thiếu so với các hóa chất tạo ra nó.
            Liên hệ với Bảo Tồn Năng Lượng là nguyên lý Lực và Phản Lực : mỗi động lực đều có một phản lực tương đương và đối nghịch.  Nghĩa là một vật sẽ phải nhận lãnh ngược trở lại một lực với cường độ tương đương với lực mà nó phát ra. Thí dụ như khi ném trái banh vào tường, ném nhẹ thì nó dội lại nhẹ, ném mạnh thì nó dội lại mạnh.

D.   ĐỐNG THANH ĐỒNG KHÍ [Attraction]
            Chỉ cần để ý ta sẽ thấy những vật cùng loại, cùng tính chất thường tìm đến nhau; những người cùng tâm tính, cùng chí hướng hay tụ họp với nhau. Khi dùng radio hay máy truyền hình ta phải vặn đúng làn sóng thì mới bắt được đài ta muốn xem, và ta cũng thường hay nghe nói những người giao du với nhau thì thường ở cùng một trình độ và cùng một tần số.
            Qua những nhận xét tương tự như những hiện tượng kể trên, người xưa đã nêu lên nguyên lý: “Đồng Thanh Tương Ứng, Đồng Khí Tương Cầu” – cùng thanh âm thì cùng ứng với nhau, cùng khí chất thì tìm cầu đến nhau. Ngoài ra còn có câu châm ngôn nói lên sự thu hút của những vật cùng loại, “Ngưu tầm ngưu, mã tầm  mã.” Người Tây phương cũng có những câu như, “Bird of the same feather flock together”, “Like attracts like” hoặc “Dislike attracts dislike”.
            Tại sao đàn ông và đàn bà khác nhau nhưng lại hấp dẫn nhau?
            Khi để hai thanh nam châm gần nhau thì ta cũng thấy vậy, đáng lẽ cùng cực (cộng và cộng hoặc trừ và trừ) thì chúng phải thu hút nhau, nhưng ngược lại, chúng lại đẩy nhau ra; trong khi khác cực (cộng và trừ) thì chúng lại thu hút nhau. Lý do là vì từ trường của nam châm luôn luôn chạy từ đầu trừ sang đầu cộng, khi ráp hai đầu cùng cực với nhau thì từ trường của hai thanh chạy ngược chiều, do đó chúng phải đẩy nhau ra. Trái lại, chúng hút nhau khi hai đầu khác cực ráp lại khiến từ trường của cả hai thanh nam châm chạy xuôi cùng một chiều, từ đuôi của thanh này (trừ) sang đầu của thanh kia (cộng) giống như là chỉ có một thanh vậy.
            Bởi thế ta không xét đến các cực khác nhau của thanh nam châm, cũng như sự khác biệt nam / nữ hay nam / nam hay nữ / nữ, mà chỉ cần dùng loại hoặc cùng tính chất, như hai thanh nam châm phải cùng chiều từ trường và nam / nữ hay nam / nam hay nữ / nữ phải cùng tâm ái dục, thì họ sẽ thu hút nhau. Hoặc thu hút nhau vì cùng ý thích, chí hướng như nam / nam hợp nhau trên phương diện thể thao, cờ tướng, ăn nhậu, v.v…hoặc nữ / nữ thích nói chuyện về chồng con, mua sắm đồ đạc, v.v… hoặc một hội thiện nguyện có thể có đủ cả già, trẻ, nam, nữ, giàu nghèo.

E.   TA-BÀ
          Ta-bà [Phạn: Samsara] được định nghĩa là cõi sinh tử tái tục bất tận [the realm of endless rounds of births and deaths]. Và dựa theo các nguyên lý trên ta cỏ thể dễ dàng hiểu được lý do tại sao. Ta-bà là cõi đối-đãi  nên có sinh có tử; mọi thứ mang tính cách tuần hoàn, chúng đi theo chiều vòng tròn nên sinh tử lập đi lập lại và nối tiếp nhau không bao giờ tận. [‘Không  bao giờ tận’ vì bị thêm một luật nữa chi phối là bảo- tồn- năng- lượng (sẽ bàn rõ hơn trong chương nhân-quả).] Ta-bà còn được hiểu là lang thang bất định; và cõi Ta-bà là cõi luân hồi.
            Đặc tính của cõi Ta-bà là Tham (Âm) và Sân (Dương). Tất cả chúng sinh, từ cây cỏ, sâu kiến, thú vật dến con người, không ai là không ham sống, mong cầu hạnh phúc (Tham) và sợ chết, muốn lánh xa khổ đau (Sân). Bởi thế Ta-bà là cõi Khổ. Ngoài ra, nếu nói Tham và Sân là hai mặt của đồng tiền thì Si chính là đồng tiền, cả ba nối kết chặt với nhau thành một, không thể tách rời một cái nào khỏi hai cái kia được [sẽ bàn rõ thêm trong các chương sau.]. Nhìn theo khía cạnh này, danh gọi Ta-bà có thể được thay thế bằng Tham-Sân-Si-cõi Ta-bà là cõi Tham-Sân-Si, bản chất của Ta-bà là Tham-Sân-Si, Ta-bà rung động ở tần số Tham-Sân-Si.
            Các dẫn chứng kể trên có thể giải đáp sơ lược cho các vấn đề sau đây.

F.    VẤN ĐÁP
          Tại sao ta lại hiện diện ở cõi Ta-bà? Từ lúc nào?
            Ta-bà nằm ở băng tần Tham-Sân-Si  và theo nguyên lý đồng-thanh-đồng-khí,  nếu không rung cùng một làn sóng với nó thì ta không thể ở đây được. Vậy sự có mặt của ta ở đây là vì tâm Tham-Sân-Si.
            Ta-bà là cõi vòng tròn nên không thể biết được sự có mặt của ta bắt đầu từ lúc nào, chỉ có thể tạm nói là từ vô thủy. Tuy vậy chuỗi sinh tử có thể sẽ có lúc chấm dứt một khi ta chuyển tâm qua băng tần khác bằng cách tu hành.
            Đời sống đầy rẫy bất công, tràn ngập tội ác, loạn lạc nhiễu nhương: Làm cách nào mang lại an lạc, hạnh phúc vĩnh cữu cho thế gian?
            Đức Phật không hề đả động đến việc thiết lập cho thế gian một nền hòa bình hạnh phúc có tính cách vĩnh cữu. Ngài chỉ giảng dạy về Khổ và thoát Khổ. Lý do là vì thế gian là cõi đối đãi,  có hòa bình hạnh phúc tất phải có loạn lạc khổ đau; hai đối cực này sẽ mãi mãi thay phiên nhau hoán chuyển, bởi vậy tìm cách loại bỏ chiến tranh để đi tìm hạnh phúc hoặc tìm cách tạo dựng hạnh phúc vĩnh cữu ở thế gian là điều mộng tưởng không bao giờ có thể xảy ra được. Nếu có thì nó cũng chỉ là hạnh phúc nhất thời chứ không thể nào là chân hạnh phúc (vì luật vô-thường) [sẽ bàn sau]).
            “Tu” nghĩa là gì? Tu ra làm sao? Làm sao để thoát khỏi cõi Ta-bà?
            Một cách vắn tắt. Ta đã biết Ta-bà là cõi Tham-Sân-Si bởi vậy chính tâm Tham-Sân-Si của chúng sinh trói buộc giam giữ họ ở đó và do đó, họ bị trôi lăn triền miên trong vòng sinh tử. “Tu” là sửa. Tu tâm nghĩa là, bằng bất kể phương cách nào, sửa cái tâm lại không cho nó phản ứng và đi theo con đường Tham-Sân-Si. Khi tâm không còn ở “băng tần” Tham-Sân-Si nữa thì không có lý do gì ta phải tiếp tục sinh tử ở cõi Ta-bà.
            Làm sao biết được thế nào là đúng thế nào là sai? Dựa vào đâu?
            Khi có sự tranh chấp phải đem ra xét xử thì cứ xét theo luật pháp, kẻ nào trái luật sẽ là kẽ có lỗi. Nói về vấn đề tu hành thì ta xét phải / trái dựa theo định luật Ta-bà, những kẻ phản ứng và hành động theo Tham-Sân-Si là kẻ phạm luật, kẻ phàm và ngược lại, những người hành động không do Tham-Sân-Si sai khiến là bậc Hiền, bậc Thánh.
 Hết Chương 1

0 comments:

Post a Comment