tại ÐỀN THÁNH đêm 7/4/Ất Tỵ (1965) VÍA ÐỨC THÍCH CA
Phật gọi đời là bể khổ, nước mắt của chúng sanh trong ba nghìn thế giới đem chứa tích lại còn nhiều hơn nước trong bốn biển.
Cái khổ là một sự thực hiển nhiên, mỗi người không ai
tránh khỏi. Dầu giàu nghèo sang hèn ai cũng có cái khổ riêng của mình
nhưng người đời ít ai dám nhìn thẳng vào đó. Tựu trung cái tâm lý chung
của người đời là sợ đau khổ và sợ cả sự nghĩ đến đau khổ, luôn luôn có
thái độ lẫn tránh, che đậy hay muốn quên đi bằng cách ẩn mình trong
những vui thú nhất thời. Do đó, người đời ít khi muốn bàn đến đau khổ,
vì ai cũng muốn sống trong sự vui tươi và ai cũng mong cầu hạnh phúc.
Nhưng dầu người ta không dám nghĩ đến đau khổ và muốn
tránh xa đau khổ, nó cũng cứ thung dung bước tới chụp bắt con người,
chẳng khác chi thú dữ vồ lấy con mồi, không phương nào thoát khỏi được.
Không thoát khỏi được là chí lý, vì tự người ta vời nó đến thì cái nguyên nhân đau khổ chỉ nói ta tạo ra mà thôi.
Cái nguyên nhân ấy là dục tức là ham muốn. Con người
khổ vì ham muốn cuộc đời, ham muốn hưởng thụ, ham muốn chiếm đoạt, ham
muốn chế ngự, ham muốn phô trương, ham muốn khoái lạc về vật chất lẫn
tinh thần, ham muốn tình cảm, nói tắt là ham muốn sống một cách huy
hoàng dù là phải dấn thân vào vòng tội lỗi.
Dục vọng vô bờ bến của con người bao hàm sự quyến luyến
ràng buộc với điều mình ham muốn. Nhưng một khi đã dính líu, người ta
không còn tự do nữa, như cá phải mắc câu, chim sa lưới.
Khi muốn, muốn được rồi lại muốn nữa, muốn cái khác.
Dục như ngọn lửa hồng càng cho thêm củi vào thì lửa càng to, cũng như
dục càng lớn.
Con người khi thiếu thốn quá nên cho là khổ, bởi thiếu
thốn nên muốn, muốn tất cả cái gì mình không có. Muốn mà không được là
khổ, được rồi lại mất cũng khổ, mọi đau khổ ở đời dưới hình thức cá nhân
cũng như dưới hình thức tập thể đều do nguyên nhân sâu xa là dục.
Vậy người đời dệt bằng nhiều đau khổ hơn là bằng vui
sướng và chính những vui sướng đó lại làm cho đau khổ hơn khi không còn
vui sướng nữa. Phật phân chia bể khổ làm 5 loại:
1/ Sinh lão bịnh tử khổ.
2/ Ái biệt ly khổ, nghĩa là sự phải ly biệt những người thân yêu là khổ.
3/ Oán tăng hội khổ, tức là ghét nhau mà phải chung sống là khổ.
4/ Cầu bất đắc khổ, tức là muốn mà không được là khổ.
5/ Ngủ uẩn thạnh khổ, tức là 5 yếu tố (sắc, thụ, tưởng,
hành, thức) làm cho người không thấy chân thực, đâm ra triền miên trong
ngũ trược và tạo nên khổ.
Những đau khổ trên đều có tính cách công khai rõ ràng,
ta cảm thấy hoặc nhận thấy nơi người khác, còn những đau khổ gián tiếp
không xuất hiện một cách rõ ràng, ta phải suy nghĩ và chú ý lắm mới nhận
định ra được.
Thân xác ta luôn luôn có những nhu cầu cần được thoả
mãn như: ăn no, mặc ấm, nhà cao, cửa rộng là những điều kiện mà ta cho
là hạnh phúc, rồi đến nhu cầu giải trí, ái tình danh vọng, chức tước.
Khi ta đi tìm hạnh phúc cá nhân, tất nhiên ta phải đụng
chạm đến người khác cũng đi tìm như ta vậy. Thành thử có việc tranh
giành, có đụng chạm, tranh chấp, mâu thuẫn giữa người và người để rồi đi
đến chỗ thù oán, có khi giết hại lẫn nhau cũng chỉ vì ta làm nô lệ cho
dục vọng.
Sự ham muốn làm cho ta mù quáng, chúng ta chỉ muốn
hưởng thụ trên cái đau khổ của kẻ khác. Giành giựt được một cái gì của
kẻ khác đang hưởng, ta hiu hiu tự đắc, lòng dục được thỏa mãn chớ không
dè là sự thỏa mãn ấy chỉ được trong chốc lát, rồi nó phải nhường cho chỗ
thất vọng. Sự công bình thiêng liêng đâu có cho ta hưởng như vậy được.
Cái vui chưa được thỏa, cái buồn, cái khổ đã kề bên, không có cái gì
chân thực vĩnh viễn.
Phật ví cái vui, khổ ở đời cũng như những cảm giác của
người gánh nặng. Khi đổi vai thì vai không có gánh dễ chịu và vai có
gánh thấy khổ cực; một lúc sau đổi vai nữa thì vai vừa mới dễ chịu lại
thấy trở lại nặng nề khổ cực.
Thế thì cái vui vẫn đi liền với cái khổ chỉ khi nào bỏ
gánh xuống thì mới chấm dứt hẳn được vui sướng và khổ đau. Bỏ gánh xuống
nghĩa là diệt dục, tức là giải thoát vậy.
Nhận định được nguồn gốc đau khổ, con người cần tìm ra phương pháp để diệt khổ, mà diệt khổ tức là phải diệt dục, diệt nghiệp.
Phật giáo cho rằng điều kiện cần thiết của sự giải
thoát là Tự lực nghĩa là phải có sự nổ lực cố gắng của chính con người
muốn giải thoát, bằng không thì dụng phương pháp nào cũng chỉ là vô ích.
Như thế sự cứu rỗi của mỗi người hoàn toàn tùy thuộc
nơi người đó.Ðức Phật không tham dự vào công cuộc cứu rỗi của ai khác
hết. Ngài đã có công tìm ra con đường giải thoát và chỉ con đường đó lại
cho ta cố gắng noi theo để tự giải thoát cũng như Ngài đã tự giải
thoát.
Mỗi người đều phải tự liệu đảm nhiệm sự cứu rỗi chính
mình đã tự trói buộc gây ra nghiệp nên chỉ chính mình mới cởi trói giải
thoát cho mình mà thôi. Ngoài ra có cầu khẩn, cúng bái, dâng lễ cũng
không được ơn phúc gì cả. Chính ta tự giúp cho ta không có một quyền lực
thiêng liêng nào giúp cho ta được.
Về sự diệt dục, Ðức Phật có nói: "Chiến thắng mười vạn quân còn dễ hơn chiến thắng lòng mình, mình tự thắng được mình là chiến công oanh liệt nhứt."
Chúng ta, ai có trải qua những ngày đau khổ vì bị dục vọng lôi cuốn vì mình không tự quyết thắng mình.
Khá tua tỉnh giấc mộng trần, quay về với đạo đức chơn thật, để sống lại những ngày giác ngộ sống với ý nghĩa cao đẹp vị tha
Cây "giác ngộ" chỉ mọc giữa đám đất đau khổ (vì bị
dục vọng lôi cuốn) lấy chúng sanh làm gốc, lấy lòng thương bao la làm
nước tưới mới có hoa giữa trí tuệ.
Thánh giáo của Ðức CHí TÔN ngày 15/4/1927 có dạy rằng: "Thầy
đã nói cho các con hay trước nếu các con không tự lập ở cõi thế nầy là
cái đời tạm của các con thì Thầy cũng không bồng ẵm các con mà đỡ lên
cho đặng. Ấy vậy, vấn đề tự lập là vấn đề các con phải lo đó. Thầy vì
công lý mà khai Ðạo cho các con cũng là một hạnh phúc lớn cho các con.
Nếu Thầy còn đưa tay bồng ẵm thì các con chẳng còn để ý chịu nhọc vì
Ðạo."
Ấy vậy, theo lời Ðức CHÍ TÔN, nếu chúng ta không tự lo cứu lấy mình thì Ðức CHÍ TÔN cũng không làm sao trợ giúp chúng ta được.
Trong cuộc tiến hóa, mình làm mình hưởng, có nhân tất
có quả, chúng ta đừng bao giờ bỏ dở cơ hội tốt nào. Hãy phấn đấu không
ngừng, phấn đấu để thắng dục vọng, thực chứng sự lý giải thoát, để khỏi
phải phụ lời dạy dỗ của Ðức CHÍ TÔN và thực hành lý tưởng của người tu
chơn là giữ trọn cuộc đời cao thượng trong sạch sáng suốt, an vui, tự
tại và giải thoát./.
THƯỢNG SANH
0 comments:
Post a Comment