Friday, November 9, 2012

TU LÀ CHUYỂN NGHIỆP

Nếu không muốn nhận lãnh hậu quả mà ta đã gieo nhân thì ta có thể hóa giải nghiệp bằng cách áp dụng luật nhân quả và nguyên lý Đồng-Thanh Đồng-Khí và Lực & Phản Lực.  Thí dụ ta lỡ đánh ai đó gãy chân thì muốn cái nhân ác này triệt tiêu đi ta phải tạo ra một nhân thiện, cái nhân cùng loại (cũng về chân cẳng) và đối nghịch (giúp đỡ thay vì làm hại) với nhân ác, chẳng hạn như đóng góp công sức tiền của vào những nghiên cứu chế tạo chân giả cho người què hay giúp người què có được tiện nghi tốt hơn trong đời sống.
            Nhưng có một trở ngại lớn là ta không biết được những nhân ta đã từng gây tạo từ vô lượng kiếp trong quá khứ thì làm sao áp dụng được luật nhân quả để hóa giải chúng? Một cách là ta cứ làm việc thiện, bất cứ việc thiện gì, vì theo luật duyên khởi mọi thứ lòng vòng liên quan đến nhau nên có thể chúng sẽ ảnh hưởng và sẽ làm suy giảm phần nào hậu quả của các nhân ác. Nhà Phật có giảng là nếu ném nắm muối (nghiệp ác) vào thau nước (phước ít) thì cả thau sẽ mặn chát; nhưng nắm muối sẽ không ăn thua gì nếu bỏ vào cái ao (phước nhiều).
            Lý lẽ trên nghe có vẻ đươn giản, nhưng thật ra không dễ dàng vì nhiều khi hoàn cảnh không cho phép, như trường hợp ta không thể có thì giờ, khả năng hoặc phương tiện tài chánh để thực hiện. Dĩ nhiên ta sẽ tạo được một ít phước lành, nhưng vì không tạo đúng các nhân thiện cùng loại và đối nghịch nên sự suy giảm của các nhân ác có lẽ không đáng kể, trong khi đó có thể nhân ác vô số đang chờ dịp để trổ quả. Bằng chứng là những vị thánh và ngay cả đức Phật cũng không thể giải sạch hết nghiệp của mình được. Như vậy có nghĩa là không có cách nào bảo đảm có thể hóa giải hết nghiệp xấu.
            Nếu không thể giải hết nghiệp được thì phải có cách chuyển nghiệp. Chuyển nghiệp ở đây sẽ được hiểu là tuy nghiệp xấu phát tác nhưng nó sẽ không ảnh hưởng gì đến ta – nói đúng hơn là ta chuyển tâm, tức là ta sửa đổi lại những giá trị tốt xấu đã được định sẵn trong tâm. Thí dụ ta làm cho kẻ nào đó phải tán gia bại sản, để hắn lâm vào tình trạng nghèo khốn cho bõ ghét. Đương nhiên là trường hợp ta bị mất mát tài vật và ở trong hoàn cảnh nghèo khó, ta sẽ đau khổ vì đối với ta mất mát và nghèo khó mang tính chất xấu xa, ta tin rằng chúng sẽ mang lại khổ đau cho ta và cũng như mọi người khác. Tìm cách góp nhặt tài vật và trốn tránh cái nghèo không phải là giải pháp vững chắc, mà giải pháp bảo đảm là chuyển tâm, tức là thay đổi lối nhìn, thay đổi giá trị. Nếu lối nhìn của ta thay đổi, vật chất không phải là nguồn hạnh phúc thật sự, cái nghèo không phải là điều xấu xa, thì chúng không thể gây khổ đau cho ta được.
            Ta trân quý viên kim cương, nhưng ngay khi biết được nó là thứ giả, ta liền liệng bỏ không thương tiếc. Trường hợp được biếu chiếc xe Mercedes, ta thật yêu quý và chăm sóc nó nhưng khi khám phá  ra là bên trong nó trống rỗng, không máy móc thì sự yếu quý cũng tiêu tan ngay lúc đó. Do đó muốn chuyển tâm hay sửa đổi giá trị, điều quan trọng là làm sao thấu rõ bản chất của sự vật là ‘trống rỗng’, không thực chất.
            Theo công ước thế tục thì sự vật có giá trị tương đối của chúng, tuy nhiên ở khía cạnh tuyệt đối (chân đế) thì chúng không mang giá trị tốt xấu gì cả, chúng không có thực chất, chúng không thực có. Chỉ vì cái nhìn sai lạc (vô-minh), không hiểu các định luật ta-bà (vô thường, nhân quả, tái-Sinh, duyên khởi, vô ngã, tánh-Không) nên ta bám chấp vào những giá trị đã được quy định mà ta cho là chân thật.

0 comments:

Post a Comment