Đức ĐẠT-LAI LẠT-MA
Frédérique Hatier biên soạn
Hoang Phong chuyển ngữ
Năm
1996, nhà xuất bản Le Pré aux Clercs có phát hành một quyển sách gồm những lời
phát biểu của Đức Đạt-lai Lạt-ma được tuyển chọn từ các bài diễn văn, phỏng vấn,
các buổi thuyết giảng và các sách của Ngài. Sách gồm sáu chương, dày 192 trang
và sau đây là chương cuối của quyển sách mang tựa đề "Cõi Ta-bà : sống, chết và tái sinh".
Chương VI
Cõi Ta-bà : Sống, Chết và Tái sinh
Cõi ta-bà
Ta-bà là chu kỳ sự hiện hữu (sự
sinh, sự sống và cái chết) chi phối bởi nghiệp
(karma). Đấy là chiếc bánh xe của khổ
đau hình thành từ các hiện tượng của sự hiện hữu.
Bám víu vào sự sống
là một sự hão huyền
Thật hoài công khi muốn bám víu vào
sự hiện hữu này, dù sống đến trăm tuổi ta cũng phải chết một ngày nào đó. Hơn nữa
giây phút ra đi không thể biết trước được, nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Dù là
người giàu có, dù được những người chung quanh chăm sóc, sự sống này sớm muộn cũng
chấm dứt, không cứu vãn được. Của cải chẳng giúp được gì, cái chết của một người
tỉ phú không khác cái chết của một con thú hoang.
Vô thường
Trong chu kỳ hiện hữu,
trên dòng nối tiếp bất tận của vô số kiếp tái sinh và trong khoảng thời gian của
mỗi kiếp, bất thần tất cả vụt biến đổi. Tuy không có gì báo trước, thế nhưng hình
như tất cả bỗng nhiên được tháo gỡ, địa vị xã hội sụp đổ, đoàn tụ trở thành
chia ly, sự sống trở thành cái chết. Hạnh phúc trôi nhanh. Tất cả những gì thuộc
sở hữu của ta trở nên vô thường. Tất
cả những gì trước đây ta xem là thật cũng chỉ là vô thường.
Sân khấu của vô thường
Tái sinh không phải là một
cách tránh né cái chết. Trái lại, mỗi chúng ta trong từng ngày nhích lại gần hơn
với cái chết, tương tợ như những con vật bị đưa đến lò sát sinh. Trong vũ trụ này,
bất cứ gì đều bị chi phối bởi quy luật vô thường và sẽ tan rã. Ngài Đạt-lai Lạt-ma
thứ VII có nói như sau : "Những người còn trẻ, cường tráng và khoẻ mạnh nhưng
chết sớm chính là những vị thầy thuyết giảng cho chúng ta về vô thường. Vô thường
tương tợ như một sân khấu, sau một màn trình diễn các diễn viên trở vào hậu trường
thay y phục và sau đó lại trở ra ".
Nguồn gốc của sự sống hiện tại và tương lai
Kinh sách Phật giáo giảng
rằng tâm thức (esprit - spirit) không có khởi thủy, do dó sự tái sinh cũng
không có khởi thủy. Phân tích cẩn thận và nghiêm túc sẽ thấy rằng tri thức
(conscience - consciousness) không hề là nguyên nhân thực thể của vật chất, ngược
lại vật chất cũng không phải là nguyên nhân thực thể của tri thức. Giả thuyết
duy nhất có thể chấp nhận được là nguyên nhân của tri thức là một tri thức khác
đã có từ truớc. Đấy là một cách chứng minh và giải thích nguồn gốc của sự sống trong
quá khứ và tương lai [sự tiếp nối của sự sống].
Tái sinh làm người là một sự quý hiếm
Hãy tưởng tượng một cái
ách [dùng cho bò kéo cày] bằng gỗ nạm vàng trôi
dạt trong một đại dương mênh mông. Có một con rùa già mù lòa sống trong đáy đại
dương, cứ cách một trăm năm lại nổi lên mặt nước để thở một lần. Vậy thì cơ may
khiến con rùa chui đầu vào cái ách bằng vàng ấy là bao nhiêu? Đức Phật giảng rằng
được tái sinh dưới thể dạng con người cũng hiếm hoi như thế. [cái ách nạm vàng thật quý giá tượng trưng cho sự tái sinh làm
người, thế nhưng đồng thời nó cũng tượng trưng cho sự trói buộc và nhọc nhằn].
Tái sinh và đầu thai
Chư Phật bảo rằng tái
sinh là một sự thật. Chính thế, đây là một sự thật hiển nhiên. Chúng ta tin rằng
có một thứ tri thức (consciuosness) thật tinh tế làm nguồn gốc phát sinh ra đủ
mọi thứ mà chúng ta gọi là sự sáng tạo. Tri thức tinh tế ấy hiện hữu trong mỗi
cá thể từ lúc khởi thủy tiếp tục cho đến khi đạt được Phật tính. Đấy là gì mà người
ta gọi là sự "hiện hữu" (être - being). Nó có thể mang nhiều hình tướng
khác nhau, chẳng hạn như một con thú, một con người hoặc cũng có thể là một vị
Phật. Đấy là nguyên
tắc căn bản của giả thuyết tái sinh.
Theo dòng thời gian từ thế kỷ này
sang thế kỷ khác, tâm thức tinh tế chuyển đổi từ hình tướng này sang hình tướng
khác và tìm cách đạt được Phật tính. Nếu
tái sinh là một sự bắt buộc đầu thai là một sự chọn lựa. Quyền được chọn lựa dành
riêng cho một số cá thể xứng đáng, chủ động được sự tái sinh của mình trong tương
lai, đấy là trường hợp của chư Phật và một số người khác nữa.
Khi tâm thức đạt được một cấp bậc phẩm
tính nào đó mà chúng ta gọi là tri thức tinh tế, tâm thức không còn chết nữa, ít
nhất là theo ý nghĩa thông thường của chữ này. Tâm thức đó hàm chứa khả năng giúp
nó có thể chọn lựa một thân xác khác để đầu thai. Đấy là trường hợp đặc biệt của
các vị bồ-tát (boddhisattva). Dù đang
đứng ở ngưỡng cửa của niết-bàn (nirvana), người bồ-tát cũng không bước
vào, vì họ nhất quyết lưu lại trong cõi ta-bà tức là chu kỳ hiện hữu để giúp đỡ
chúng ta.
Dưới cái nhìn của chúng tôi [những người Phật giáo], tái sinh và đầu thai là một điều
hiển nhiên, một hiện tượng vật lý, có thật như những hạt nguyên tử.
Sự chối bỏ
Tất cả mọi cảm nhận - thích thú hay
hạnh phúc trong chu kỳ hiện hữu - dù mãnh liệt hay tuyệt vời đến đâu đều chấm dứt
một cách thảm thương. Hãy nghĩ đến bản chất hư ảo của chúng để hiểu rằng nên chấm
dứt ngay cái vòng lẩn quẩn đó, dù cố gắng tiếp tục thêm cũng chẳng lợi ích gì.
Vì thế hãy phát động trong lòng sự ghê tởm sâu xa về chuỗi dài thử thách đó [tức chu kỳ hiện hữu] và quyết tâm từ bỏ nó. Vậy chúng
ta thử tìm hiểu thật chính xác xem đâu là nguyên nhân mang lại các nỗi khốn khổ
và đớn đau ấy.
Sự tin tưởng do bản
năng về một cái tôi độc lập
Khổ đau không phải vô cớ xảy ra, thế
nhưng nó cũng không phải là tác phẩm của một vị Trời toàn năng nào cả. Đấy là sản
phẩm phát sinh từ những lầm lẫn và những hành động thúc đẩy bởi các thể dạng
tâm thức không chủ động được của chính mình. Nguyên nhân trước hết của khổ đau
là vô minh, đấy là sự hiểu biết sai lạc về bản chất của mọi hiện tượng, tự xem
mình hiện hữu một cách tự tại. Vô minh phóng đại cương vị của các hiện tượng và
tạo ra các ranh giới phân biệt ta với người khác. Tự xem mình quý giá nhất
trong vũ trụ khiến ta đối xử với người khác như chính ta là một vị Phật. Trên
thực tế thái độ đó chưa bao giờ mang lại hạnh phúc lâu bền.
Tính cách lừa phỉnh
của các thể dạng bên ngoài
Khi nào ý thức được các hiện tượng
chỉ là sự lừa phỉnh khi đó ta mới đủ khả năng để hiểu là chúng không hàm chứa một
sự hiện hữu tự tại nào. Sự phủ nhận đó không có nghĩa là loại bỏ một thứ gì đã từng
hiện hữu trước đây, đấy chỉ là cách đơn giản thừa nhận những gì chưa bao giờ hiện
hữu sẽ đương nhiên không hiện hữu. Vì lầm lẫn chúng ta xem các thể dạng bên ngoài
là thật. Thế nhưng các thể dạng bên ngoài không tương quan với bất cứ một thực
thể nào.
Ảo giác khiến ta tưởng
lầm sợi giây thừng là con rắn
Hãy lấy thí dụ một cuộn giây thừng
vào lúc nhá nhem tối, ta tưởng lầm đấy là một con rắn. Sự nhận biết sai lầm cho
rằng sợi giây thừng là con rắn gây ra trong tâm thức một số phản ứng chẳng hạn
như sự sợ hãi, sợ hãi làm phát sinh ra hành động thí dụ như tông cửa phóng chạy
hoặc tìm cách giết con rắn. Tất cả các hành động ấy xảy ra chỉ vì một sự lầm lẫn
nhỏ nhặt. Cũng thế chúng ta tưởng lầm thân xác và tâm thức của mình hàm chứa một
cái tôi nào đó, từ đấy sinh ra mọi thứ sai lầm khác chẳng hạn như dục vọng, giận
dữ. Từ thái độ ích kỷ tức bám víu vào một cái tôi ta phân biệt mình với người
khác.
Tất cả đều thuộc vào
một tổng thể
Nếu một vật thể nào đó không thể phân
tách ra nhỏ hơn nhất định vật thể ấy mang tính cách độc lập, thế nhưng chẳng có
bất cứ gì không thể phân chia được. Bất cứ gì lệ thuộc vào các thành phần tạo
ra nó đều được chỉ định dựa vào thể dạng tương kết giữa các thành phần ấy, và sự
xác định ấy chỉ hiện hữu xuyên qua ý niệm của ta. Nếu như tất cả các thành phần
hiện hữu một cách cụ thể [đúng như chúng đã hiển hiện
ra], hiện thực phải được xác nhận một cách minh bạch bằng các phương pháp
phân giải. Thí dụ, theo quy ước người ta chấp nhận sự hiện hữu của "cái tôi"
biết biểu lộ vui thích và cảm nhận được đớn đau, thế nhưng khi sử dụng phép phân
giải để khảo sát và tìm kiếm "cái tôi" ấy thì không thấy nó đâu cả. Dù
có xoay chiều đổi hướng phép phân giải ta cũng không thể tìm thấy "cái tôi"
ở bất cứ nơi nào. Không có một tổng thể nào khác hơn các thành phần tạo ra nó,
[câu này có nghĩa là không tìm thấy một thành phần nào
tượng trưng cho "cái tôi" trong một tổng thể, trong số tất cả các thành
phần tạo ra một cá thể (tổng thể) con ngưởi gồm thân xác và tâm thức không tìm
được một thành phần nào gọi là "cái tôi"].
Sự tiếp nối liên tục
của tri thức
Dù thân xác chỉ là tổng hợp của
nhiêu thành phần hóa học và vật lý, thế nhưng vẫn có một tác nhân tinh tế rạng
ngời và tinh khiết tạo ra sự sống của các sinh linh. Tác nhân ấy không mang tính
cách vật chất nên không cân đo được, thế nhưng không phải vì thế mà nó không hiện
hữu. Theo quan điểm Phật giáo, tri thức (consciousness) được hiểu là phi-vật-chất.
Nhất định phải có một nguyên nhân sinh ra tri thức, nguyên nhân ấy thuộc bản thể
tinh anh tạo ra sự sống, do đó tri thức cũng có cùng một bản thể với sự sống. Nếu
không có một khoảnh khắc tri thức xảy ra trước đó sẽ không có một tri thức nào xảy
ra tiếp theo sau, dù bất cứ dưới hình thức nào, [khi
nào có một khoảnh khắc tri thức xảy ra trước, sau đó mới có một khoảnh khắc tri
thức khác tiếp nối theo sau]. Tri thức không phát sinh từ hư vô, nó cũng
không tan biến để trở thành hư vô. Vật chất cũng không thể trở thành tri thức. Khi
nào hiểu được không có một sự dừng lại [chấm dứt]
nào của sự tiếp nối tri thức trong một kiếp sống, khi đó ta mới nhận thấy tính
cách hợp lý (lôgic) của luận cứ cho rằng sau cái chết còn có một sự sống khác.
[tri thức tiếp nối liên tục hết kiếp nay sang kiếp
khác không ngưng nghỉ, khái niệm đó cho thấy các kiếp sống (chết - tái sinh)
thay nhau hiển hiện trên dòng tiếp nối đó, vì thế sự tiếp nối liên tục của tri
thức không thể đứt đoạn (ngưng nghỉ) trong một kiếp sống]
Tâm thức là gì
Khảo sát cẩn thận sẽ thấy tâm thức (esprit
- spirit) là một thứ gì đó tương tợ như một không gian trong suốt, hoàn toàn trống
không, trong đó tất cả mọi sự hiển hiện (appartions -appearances) đều đình chỉ
[có nghĩa là tất cả mọi tư duy và xúc cảm đều là những
sự hiển hiện, do đó chúng không phải là các thành phần tự tại của tâm thức, người
ta thường lầm tưởng những sự hiển hiện ấy là "cái tôi"].
Tư duy là gì
Đối với cá nhân tôi, tôi tin chắc tất
cả mọi hiện tượng trước hết đều phát sinh từ tư duy (pensée - thought) [chủ trương của học phái Duy thức]. Tư duy tạo ra nhiều
tác động hơn hẳn so với vật chất. Theo triết học Phật giáo, tư duy dù kỷ cương
hay không đều làm phát sinh ra nghiệp (karma), nghiệp nhất thiết ảnh hưởng đến
các yếu tố bên trong, các yếu tố này sau đó mới tác động vào các yếu tố bên
ngoài.
Nghiệp là gì
Nghiệp (karma) có nghĩa là một
"hành động". Nghiệp tác động
bằng ba cách : thân xác, ngôn từ và tâm ý [khái niệm về
ba cửa ngõ trong giáo lý Phật giáo : thân, khẩu, ý]. Nghiệp tạo ra ba thứ
hậu quả : đạo hạnh, không đạo hạnh và trung hòa. Quá trình vận hành của nó gồm
hai giai đoạn : thí dụ ta suy tính trong đầu sẽ làm một việc gì đó, đấy là một hành
động duy ý ; sau đó sự suy tính chuyển thành hành động trên thân xác hoặc ngôn
từ, đấy là hành động thực thi đã được suy tính trước [cố
tình]. Những hành động tiêu cực nhất định mang lại khổ đau, các hành động
tích cực đương nhiên mang lại tốt đẹp. Các hành động tạo nghiệp theo đuổi chúng
ta từ kiếp này sang kiếp khác. Tích lũy được các hành động tích cực sẽ mang lại
lợi ích trong tương lai và các kiếp sống về sau, ngược lại nếu liên tiếp phạm vào
những hành động tai hại nhất định ta sẽ phải nhận lãnh các hậu quả phát sinh từ
những hành động đó.
Quy luật nguyên
nhân và hậu quả
Nếu muốn biết ta đã làm những gì trước
đây chỉ cần nhìn vào thân xác ta hôm nay sẽ rõ [thân
xác đó xinh đẹp, khoẻ mạnh, thông minh..., hay xấu xí, bệnh tật, đần độn...?]
Nếu muốn biết sau này ta sẽ ra sao, hãy quan sát xem tâm thức ta đang vận hành
như thế nào.
Thích thú và đớn
đau
Thích thú và đớn đau là hậu quả. Bản
chất khác biệt và đa dạng của chúng cho thấy chúng lệ thuộc vào nhiều nguyên nhân
khác nhau. Vì thế muốn tìm thấy sự thích thú, ta phải tạo ra các nguyên nhân làm
phát sinh ra nó, muốn lẫn tránh khổ đau ta cũng phải tìm cách loại bỏ nguyên nhân
làm phát sinh ra khổ đau. Khi một nguyên nhân mang lại khổ đau được ghi khắc trên
dòng tiếp nối liên tục của tri thức, dù muốn tránh xa khổ đau cách mấy ta cũng
sẽ phải đối đầu với nó.
Lầm lỗi kéo theo sự
trừng phạt
Hậu quả của các hành động tai hại tùy
thuộc vào cường độ của ảo tưởng (illusion) làm phát sinh ra chúng. Hậu quả tương
xứng với nguyên nhân của nó. Thí dụ, tái sinh trong một cõi thấp hơn vì vi phạm
vào hành động sát nhân chẳng hạn, kể cả trường hợp vẫn còn giữ được thể dạng
con người đi nữa thì sự hiện hữu đó sẽ rất ngắn. Phạm vào hành động trộm cắp sẽ
tái sinh trong cảnh thiếu thốn, phạm vào hành vi dục tính thiếu đạo hạnh sẽ gặp
người phối ngẫu ngoại tình ; lầm lỗi kéo theo sự trừng phạt, bất hòa đưa đến
chia rẽ giữa bạn bè, cứ như thế mà tiếp tục. Quán nhận sai lầm sẽ tạo ra tình trạng
hoang mang bất định hướng.
Hanh phúc hay khốn cùng trong hiện tại
là hậu quả của những hành động mà ta thực thi trong quá khứ, không hơn không kém.
Quy luật chi phối sự
tái sinh
Vô số kiếp tái sinh đang chờ đợi ta,
các kiếp ấy có thể tốt hay xấu. Không thể tránh được hậu quả của nghiệp. Không
thể đảo ngược các hành động. Ta sẽ gặt hái hậu quả một ngày nào đó. Khi một hành
động được thực thi, nguyên nhân sẽ sinh ra, nó hiện hữu và tăng trưởng cho đến
khi nào tạo ra hậu quả. Hành động dù được thực thi từ nhiều kiếp trước, tác động
của nó vẫn luôn tiềm tàng, dù trải qua những khoảng thời gian thật lâu dài.
Chìa khoá mang lại
sự may mắn và kém may mắn
Các thành phần cá nhân rất khác biệt
nhau trong tập thể con người. Nhiều người luôn gặt hái được thành công, một số
khác chỉ gặp toàn thất bại. Một số người dù không mong muốn nhưng cứ gặp đủ mọi
thứ bất hạnh, trái lại một số khác tưởng chừng khó tránh khỏi những chuyện tệ hại,
thế nhưng chẳng có gì xảy ra. Nêu lên các sự kiện trên đây để thấy rằng không bắt
buộc mọi chuyện phải xảy ra theo như ý mình muốn. Đôi khi ta cố gắng tìm đủ mọi
cách để mang lại thành công thế nhưng chỉ thấy toàn thất bại. Người ta nghĩ rằng
có người may mắn có người không, thế nhưng may mắn phải có một lý do tức phải có
một nguyên nhân nào đó tạo ra nó. Theo Phật giáo đấy là hậu quả mang lại từ các
việc đã làm trong kiếp trước hay trong kiếp sống hiện tại. Kể cả trường hợp phải
đối đầu với nghịch cảnh, thế nhưng nếu tiềm năng [của
nghiệp tích cực mang lại sự "may mắn"] đã chín, sức cố gắng sẽ
mang lại thành công.
Trách nhiệm
Hậu quả phát sinh từ nghiệp thật sự chỉ
có ý nghĩa tốt đẹp khi nào chúng mang lại lợi ích góp phần vào sự cải thiện đời
sống xã hội và giúp chống lại các kẻ thù nguy hiểm nhất tức vô minh, bám víu và
hận thù. Dù tin hay không tin, trên thực tế quy luật nhân quả luôn tác động vào
cuộc sống thường nhật của ta. Khi tất cả mọi người đều ý thức được tính cách chặt
chẽ của quy luật nhân quả, có lẽ khi đó cũng không cần đến cảnh sát vì tâm thức
sẽ đóng vai trò đó. Vì thế, phương pháp hiệu quả nhất ngăn ngừa sát nhân là tự
mình phải cảnh giác lấy mình. Khi nào ý thức được tương lai hoàn toàn nằm trong
tay mình, khi đó ta sẽ không phạm vào tội sát nhân [có
thể áp dụng cho những người gây ra chiến tranh và điều khiển các cuộc tàn sát].
Biến cải nội tâm sẽ giúp tránh được các hành động phạm pháp mang lại sự an bình
trong xã hội, thế nhưng muốn biến cải nội tâm phải hiểu được bản chất của chính
mình là gì.
Tất cả đều bắt nguồn
từ tâm thức
Các sự kiện, các biến cố nhất thiết
tùy thuộc vào động cơ thúc đẩy làm phát sinh ra chúng. Hãy lấy bối cảnh gia đình
để làm thí dụ : nếu mọi người đều cư xử tốt đẹp với nhau không khí gia đình sẽ
êm ấm, nếu một người bực dọc tức thời căng thẳng sẽ phát sinh. Dù bữa cơm có thịnh
soạn, chương trình truyền hình buổi tối thật lý thú cũng không đủ sức mang lại
sự an bình trong gia đình. Bối cảnh tùy thuộc vào thể dạng tâm thức bên trong nhiều
hơn các điều kiện môi trường bên ngoài.
Cộng nghiệp
Nhiều chúng sinh lệ thuộc vào các bối
cảnh thời gian và không gian khác nhau, thế nhưng họ có thể tích lũy một thứ
nghiệp tương tợ nhau. Họ tái sinh chung trong một thời đại và trong cùng một nơi
chốn. Khổ đau mà họ gánh chịu là kết quả mang lại từ cộng nghiệp của họ [thí dụ nhiều cá thể cùng
tái sinh trong một xứ sở nào đó, họ chịu chung những đại nạn xảy ra cho xứ sở ấy,
đấy gọi là cộng nghiêp. Ở một mức độ nhỏ hơn chẳng hạn như tai nạn máy bay, hành
khách thật đa dạng thế nhưng tất cả gánh chịu một hậu quả giống nhau]
Tác động do mỗi người
tạo ra đối với môi trường chung
Nói một cách tổng quát người ta có
thể bảo rằng sự tiến hóa của vũ trụ nhất thiết liên hệ với nghiệp của chúng sinh. Sự kiện này thật vô cùng phức tạp, thế nhưng
ta thử lấy thí dụ về sự thay đổi khí hậu chẳng hạn. Hãy tưởng tượng ra một tập
thể con người bị chi phối bởi hận thù và giận dữ, tôi nghĩ rằng thể dạng xúc cảm
tiêu cực đó tác động vào môi trường chung quanh tạo ra nóng bức và khô cằn [Trung đông ?]. Nếu sự bám víu và ham muốn của tập thể
quá mạnh và lan rộng sẽ tạo ra ẩm thấp hoặc ngập lụt [Trung
quốc, Nam Mỹ, Á châu...?]. Tôi chỉ muốn nêu lên các suy diễn trên đây thế
thôi và không khẳng định gì cả. Dù là một cá thể hay một tập thể, sự sinh hoạt,
thái độ và tâm thức của từng người, ngày này sang ngày khác, tháng này sang tháng
khác, năm này sang năm khác đều góp phần tác động vào môi trường chung.
Ai tạo ra vũ trụ
Hiện tượng tiến hóa nhất định phải có
một nguyên nhân, thế nhưng sự giải thích nguyên nhân đó lại có hai cách khác
nhau. Hoặc ta chấp nhận vũ trụ do Trời sáng tạo, điều đó mang lại nhiều mâu thuẫn
vì nhất thiết khổ đau và những gì xấu xa cũng phải do Trời sáng tạo. Hoặc có thể
giải thích là tiềm năng cộng nghiệp của vô tận chúng sinh có giác cảm làm phát
sinh ra vũ trụ, tượng trưng cho một môi trường chung thích nghi với sự hiện hữu
của các sinh linh ấy. Vũ trụ mà chúng ta đang sống được tạo dựng từ các hành động
và tham vọng của chính chúng ta. Và cũng chính vì thế mà chúng ta đang hiện diện
tại nơi này. Ít ra điều đó cũng tỏ ra hợp lý (lôgic). [một
cách giải thích vô cùng cao siêu, cần mở thật rộng tâm thức vượt lên trên định
kiến và các khái niệm quy ước mới nắm vững được chiều sâu của cách lý luận trên
đây, nên liên tưởng đến học thuyết Duy thức].
Bản chất không tì vết
của tâm thức
Nếu các thứ nọc độc của tâm thức -
như bám víu, hận thù và vô minh - là những thành phần tự tại của tâm thức, sẽ không
có cách nào loại bỏ chúng khỏi tâm thức, và nếu đúng như thế hận thù chẳng hạn sẽ
thường xuyên ngự trị trong ta, nó chỉ chấm dứt khi nào tri thức chấm dứt ; đối
với các trường hợp bám víu và dục vọng cũng thế. Thật ra thì không đúng, ta có
thể loại trừ tận gốc bám víu, hận thù và vô minh bởi vì chúng không thuộc vào
thành phần tự tại của tri thức, điều đó cho thấy bản thể của tâm thức không hề bị
các khiếm khuyết [bám víu, hận thù và vô minh] làm
cho sứt mẻ.
Bản chất rạng người
của tâm thức
Tâm thức mang bản chất hoàn toàn rạng
ngời và "sáng suốt", vì thế sự giải thoát có thể thực hiện được. Tìm
thấy bản thể đích thật của tâm thức có nghĩa là đạt được sự giải thoát.
Tánh không
Con người sinh ra và chết đi. Khổ đau,
hạnh phúc đến với họ rồi cũng ra đi. Các biến đổi ấy hiện ra và biến mất. Nếu
khổ đau và phúc hạnh đúng là những sự kiện độc lập chúng sẽ bất biến, tức không
đổi thay. Nếu phúc hạnh, khổ đau và ba thứ nọc độc là bám víu, hận thù và vô
minh không lệ thuộc vào những nguyên nhân bên ngoài, chúng sẽ giữ nguyên như thế
không hề biến đổi. Thế nhưng [không đúng như thế]
tất cả các hiện tượng ấy chỉ có thể quan niệm được bằng thể dạng tánh không và
vô ngã của chúng. Do đó tất cả mọi hiện tượng đều được tạo dựng bởi thực thể trống
không, [nói cách khác] sự tạo dựng đó chỉ là các
biểu tượng hay cách hiển hiện của thực thể trống không.
Tánh không và con số
0
Tánh không tương quan với
sự trống không, sự vắng bóng hoàn toàn của bất cứ một sự hiện hữu nội tại nào.
Tôi thường giải thích tánh không tương tợ như con số không (0). Con số 0 có
nghĩa là không có gì cả, thế nhưng nếu không có nó ta không thể tính toán gì được.
Vì thế con số 0 là một thứ gì đó, đồng thời cũng không có gì cả. Sự trống không
cũng tương tợ như thế. Trống không là trống không, thế nhưng đồng thời nó cũng
là nền móng của tất cả.
Không gian và vụ nổ lớn Big Bang
Rất nhiều triết gia Đông
phương, đặc biệt là các triết gia Phật giáo, nêu lên bốn yếu tố : đất, nước, lửa
và khí, kèm theo với chúng là không gian. Bốn yếu tố đầu tiên sở dĩ tồn tại là
nhờ vào yếu tố thứ năm tức không gian làm cơ sở chuyển tải cho chúng.
Theo một số kinh sách
Phật giáo chẳng hạn như kinh Kalachakra
Tantra [kinh
Thời luân], không gian hay không trung (ether) không phải là một sự trống
không hoàn toàn hay một sự trống rỗng không có bất cứ gì trong đó. Không gian
được cấu hợp bởi những "hạt vi tế trống không". Các hạt vi tế trống
không làm phát sinh ra bốn yếu tố dưới các thể dạng vật chất tiên khởi thật
tinh tế và sau đó mới trở nên thổ thiển hơn (tức là khí, lửa, nước và đất), người
ta gọi đấy là quá trình của sự hình thành. Sau đó chúng tan biến dần, bắt đầu từ
thể dạng vật chất thô thiển nhất (đất, nước, lửa và khí) chuyển sang các thể dạng
vật chất thật tinh tế để hội nhập trở lại với các hạt vi tế trống không, đấy là
quá trình của sự tan biến. Không gian hay tánh không toàn cầu làm cơ sở vận hành
cho cả hai quá trình.
Vụ nổ lớn Big Bang tượng
trưng cho sự hình thành của vũ trụ cho thấy có những điểm tương đồng với tánh
không toàn cầu [trong Phật giáo]. Các hạt vi thể
tinh tế nhất do các ngành khoa học vật lý tân tiến khám phá cho thấy khá tương đồng
với những gì mà chúng ta [những người Phật giáo]
gọi là các "hạt vi tế trống không". Vì thế tôi thấy hết sức quan trọng
phải nghiên cứu về các sự tương đồng trên đây.
Nguồn gốc của vũ trụ
Phật giáo cho rằng thế
kỷ chúng ta đang sống là hậu quả để lại từ các thế kỷ trước, có thể tiếp tục sự
suy luận trên đây ngược về khởi thủy của thời gian, tức cách nay khoảng hai mươi
hay hai mươi lăm tỉ năm. Thế nhưng tại sao và bằng cách nào vụ nổ Big Bang đã xảy
ra ? Điều đó không ai trả lời được. Đối với tôi có hai cách giải thích tuy cả
hai không thể chấp nhận được. Cách thứ nhất cho rằng không có nguyên nhân nào cả,
mọi sự vật tự nó xảy ra như thế. Theo tôi thì cách giải thích này không hiểu nổi.
Đối với Phật giáo bất cứ một hiện tượng nào cũng phải có một nguyên nhân làm phát
sinh ra nó. Cách giải thích thứ hai mang tính cách thần thánh : vào một ngày đẹp
trời nào đó Trời quyết định sáng tạo ra thế giới. Chúng ta cũng không thể chấp
nhận sự giải thích này. Theo kinh sách Phật giáo những hạt vi thể tinh tế hiện
hữu từ trước trong không gian, trước khi vũ trụ được hình thành, và hiện thời
chúng vẫn đang hiện hữu. Các hạt vi thể tinh tế mang đặc tính tinh thần cấu tạo
ra các sinh linh và làm phát sinh ra Big Bang. Tại sao ? Bằng cách nào ? Bất cứ
một vũ trụ nào sau khi được phát sinh sẽ biến mất sau đó. Vô số chu kỳ [sinh diệt] tiếp nối nhau bất tận. Thế nhưng vũ trụ
trong tổng thể của nó tức là "vũ-trụ-tâm-thức" vẫn luôn hiện hữu. Người
ta cũng có thể cho rằng "tâm-thức-tinh-tế" trên đây ["vũ-trụ-tâm-thức"] hàm chứa một sức mạnh [tiềm năng] vô song, đấy chính là nguyên tắc sáng tạo
nguyên thủy. Một số chúng sinh vào một lúc nào đó có thể tận hưởng sự hiện hữu
của vũ trụ ấy [khi đã đạt được giác ngộ]. Vì thế
mà vũ trụ ấy đang hiện hữu. [giác ngộ là khả năng hội
nhập với sức mạnh vô song của "vũ-trụ-tâm-thức"].
"Hình tướng là trống không, trống không là hình tướng"
Chúng ta là trống
không, hay ít ra các chất liệu cấu tạo ra chúng ta là trống không. Cũng cần nhắc
lại là chữ trống không không có nghĩa là "hư vô". Một số người hiểu
sai cho rằng Phật giáo chủ trương chủ nghĩa "hư vô"
("nihilism"). Theo Phật giáo, thế giới trong đó gồm có chúng ta là một
thể chất lưu chuyển, một dòng chảy của các thể dạng. Điều đó không có nghĩa là
không có gì cả. Tất cả mọi sự vật đều lệ thuộc vào nhau. Không có gì hiện hữu
riêng biệt được. Các vật thể này gánh chịu tác động của các vật thể khác, khiến chúng xuất hiện, hiện hữu, biến
mất và lại hiện ra. Thế nhưng tự chúng chúng không thể tự hiện hữu. Vì thế hình
tướng là "trống không", có nghĩa là hình tướng không thể tách rời một
cách riêng rẽ ra được, nó không thể độc lập. Hình tướng này lệ thuộc vào vô số
hình tướng khác [để hiện hữu].
Trống không là hình tướng
bởi vì bất cứ hình tướng nào cũng bắt buộc hình thành trong cái trống không đó,
tức trong thể dạng vắng mặt của sự hiện hữu nội tại. Trống không tham gia vào
việc hướng dẫn hình tướng, ["Hình tướng là trống không, trống không là
hình tướng" là một trong những câu nổi tiếng nhất trong Bát nhã Tâm kinh].
Con đường trực tiếp : thuyết thần bí, du-già, thiền định và thể dạng xuất
thần
Tư duy thuộc lãnh vực khái
niệm mang tính các hạn hẹp, như chúng ta đều biết. Chính vì thế hầu hết các tín
ngưỡng trên đường dò tìm sự hiểu biết [bằng khái niệm]
đều vấp phải thật nhiều khó khăn nan giải, vì thế tất cả đều tìm cách dựa vào một
"con đường trực tiếp" hơn. Trên con đường đó người ta thấy xuất hiện
đủ các phương pháp như : thần bí, du-già, một số hình thức thiền định, sự xuất
thần với mục đích mang lại sự giác ngộ. Phương pháp tiếp cận trực tiếp của Phật
giáo Tây tạng dựa vào "kinh nghiệm" có thể đưa chúng ta trở về cội
nguồn của thế giới, thế nhưng phương pháp này thật vô cùng gay go, đòi hỏi phải
có một tâm thức thật tinh luyện đạt đến cấp bậc cao nhất của sự tinh tế, giúp
nó tách rời ra khỏi các chu kỳ thời gian [thời gian
theo Phật giáo mang tính cách chu kỳ, chu
kỳ thời gian nêu lên trong câu trên đây ám chỉ các chu kỳ sinh diệt của các
vũ trụ nối tiếp nhau, xin xem lại mục Nguồn
gốc của vũ trụ trình bày trên đây]. Một số bạn hữu của tôi hiện còn
sống đã đạt được thể dạng ấy [Đức Đạt-lai Lạt-ma
không bao giờ tuyên bố là Ngài thực hiện được bất cứ một điều gì "siêu
nhiên", Ngài chỉ là một nhà tu hành rất bình dị và Ngài chỉ kể ra các phép
mầu nhiệm mà người khác làm được].
Sự xuất thần và phúc hạnh
Khi xuất thần ta đạt được
một trạng thái tâm linh thật tinh tế ; khi cường độ của nó đạt đến điểm tột đỉnh
ta có thể cảm nhận với tất cả niềm hân hoan thể dạng vắng bóng của sự hiện hữu
nội tại, tức là tánh không, sự trống không.
Thân xác và chiêm bao
Thừa hưởng hậu quả từ nghiệp của mình trong quá khứ, một số
người thực hiện được những việc khác thường trong kiếp sống hiện tại. Chẳng hạn
như các trường hợp tâm thức xuất khỏi thân xác, sở dĩ đạt được khả năng đó là
nhờ vào các thành quả tu tập từ các kiếp trước. Các khả năng trên đây phát lộ như
là năng khiếu sẵn có. Tuy nhiên trong một số trường hợp đấy là kết quả do sự tu
tập ngay trong kiếp sống này mang lại. Thiết nghĩ cũng nên xác nhận rõ ràng
"thân ảo mộng" [hiện tượng "xuất hồn"]
không phải là một sự quán thấy tâm thần nhưng đấy là một thân xác tinh tế thật
sự, có khả năng tách rời khỏi thân xác thông thường và cảm nhận được thế giới bên
ngoài đúng như chúng ta cảm nhận trong trạng thái bình thường. Đây là một đường
hướng khảo cứu quan trọng nên quan tâm.
Khoa học và tri thức
Các khảo cứu khoa học sở
dĩ tiến hành được là nhờ vào các dụng cụ và máy móc. Các khảo cứu mang tính cách
tâm linh trái lại tiến hành nhờ vào các kinh nghiệm nội tâm và thiền định. Thiết
nghĩ cần phải phân biệt thật minh bạch giữa những gì khoa học bó tay và những gì
khoa học chứng minh là không hiện hữu. Phải hiểu rõ có vô số hiện tượng rất thần
bí. Giác quan của con người có khả năng cảm nhận thật giới hạn, vì thế ta không
thể bảo rằng bên ngoài khả năng nhận biết của ngũ giác không có gì cả.
Đối với việc tìm hiểu
tri thức (consciousness), rất nhiều sinh linh [ám chỉ
các sinh linh ngoại lệ, các thánh nhân] kể cả một số người, từ thật nhiều
thế kỷ trước đã từng cảm nhận trực tiếp được tri thức, thế nhưng ngày nay chúng
ta vẫn còn mù tịt không hiểu tri thức là gì [tức không
hiểu phương thức vận hành và bản chất của tri thức là gì]. Các sự nhận
biết của tri thức không mang hình tướng, không màu sắc, đấy là các hiện tượng
không thể nhận biết bằng các phương pháp
thông thường dùng để khảo sát các hiện tượng bên ngoài.
Phật giáo có phải là một khoa học tâm linh hay không ?
Các tiến bộ khoa học và
kỹ thuật mở rộng thêm không gian cho chúng ta. Thật tuyệt vời ! Từ thuở nhỏ tôi
đã say mê lãnh vực khảo cứu khoa học này ; các khám phá về không gian thật vô cùng
lợi ích cho nhân loại. Thế nhưng các khảo cứu nội tâm cũng đáng cho chúng ta chú
ý. Trong lãnh vực tâm thức còn nhiều khoảng không gian rộng lớn chờ được khám
phá.
Nhiều khoa học gia không
xem Phật giáo như một tôn giáo cứng nhắc mà họ đánh giá Phật giáo như một ngành
khoa học, và cũng nên hiểu đấy là một ngành khoa học vô cùng phức tạp. Phương
pháp tiếp cận của Phật giáo căn cứ vào thực nghiệm giống như tất cả các ngành
khoa học khác.
Niết-bàn là gì ?
Niết-bàn là một thứ " phẩm tính
nào đó của tâm thức". Bản chất con người chỉ bị ô nhiễm tạm thời. Sự giao tiếp
bình thường giữa chúng ta với cái mà chúng ta gọi là hiện thực hoàn toàn bị lệch
lạc. Luôn nên nhớ đến sự kiện này. Vì căn cứ trên ảo giác nên sự tương giao đó [giữa ta và hiện thực] sai lầm từ căn bản. Chỉ khi
nào chúng ta ra thoát được mọi ảo giác khi
ấy chúng ta mới thấy sự kiện trên đây là một sự thật. Phải loại bỏ sự ô nhiễm
đó [tức là sự cảm nhận sai lầm về hiện thực] ra
khỏi tâm thức, và điều đó có thể thực hiện được như chúng ta đều biết [tức là đạt được giác ngộ, mục đích tối thượng của Phật
giáo].
Sau khi thực hiện được sự tinh khiết
hóa gọi là giác ngộ trên đây, tâm thức sẽ đạt được thể dạng phẩm hạnh cao nhất gọi
là niết-bàn. Trong thể dạng đó tâm thức
biến thành trí tuệ và thoát ra khỏi các chu kỳ hiện hữu. Đã từng có rất nhiều vị
hiền triết đạt được niết-bàn và họ chỉ
cần tu tập trong một kiếp sống duy nhất.
Cái chết và ánh
sáng trong suốt
Cái chết nhất định sẽ đến với ta một
ngày nào đó không sai chạy. Nếu phí phạm những giây phút tốt đẹp nhất đời mình vào
những việc phù phiếm, không chuẩn bị cho cái chết, khi giây phút cuối cùng đã đến
ta sẽ mất hết khả năng suy nghĩ vì chỉ biết lo âu. Quá sợ hãi ta không còn đủ
trầm tĩnh để tu tập nữa.
Khi giây phút cuối cùng gần kề ta phải
tập trung tư duy vào những gì thiết thực. Thể dạng tâm thức đúng vào lúc đó sẽ
quyết định cho những gì xảy ra sau này. Những giây phút cuối cùng hàm chứa một
sức mạnh quan trọng hơn cả những gì xứng đáng mà ta thu góp trong suốt cuộc sống.
Vì thế phải sử dụng thiền định để tìm hiểu quá trình của cái chết và tập cho quen
dần với nó. Chính tôi thường xuyên tu tập theo cách ấy. Mỗi ngày tôi sử dụng thiền
định để vượt qua tám giai đoạn tan biến của cái chết.
Quá trình của cái chết khởi đầu bằng
sự tan biến của cấu hợp hình tướng ; các thành phần đất suy yếu, thành phần nước
thay thế và trở thành cơ sở chống đỡ cho sự hiểu biết bình thường. Người hấp hối
có cảm giác như thân xác bị lún sâu xuống đất [cảm thấy
thân xác cứng đơ và rất nặng]. Hai mắt hoa lên [khả
năng thị giác suy yếu]. Người hấp hối có cảm giác nhìn thấy một ảo ảnh nào
đó bên trong nội tâm. Sau đó cấu hợp xúc giác tan biến [không còn cảm thấy quần áo mặc trên người, lưng chạm xuống giường cũng không
biết, người khác hay vật gì va chạm vào thân xác cũng không hay biết]. Tiếp
theo đó sức mạnh của thành phần nước giảm xuống, thay vào đó thành phần lửa trở
nên lấn lướt hơn. Miệng khô, mắt đờ đẫn. Nội tâm quán thấy những hình ảnh giống
như khói.
Trong giai đoạn thứ ba, cấu hợp của khả
năng nhận biết tan biến. Thể dạng lửa không còn chuyển tải được tri thức, thể dạng
khí thay thế vai trò đó và trở nên quan trọng hơn. Đối với môi trường chung
quanh người hấp hối không còn nhận biết được người thân. Nội tâm quán thấy những
hình ảnh giống như đom đóm, tương tợ như các đốm lửa bắn ra từ một chiếc pháo bông.
Trong giai đoạn thứ tư, các cấu tạo
tâm thần tan biến. Thể dạng gió (khí) yếu dần không còn chuyển tải được tri thức.
Triệu chứng bên ngoài là ngưng thở. Triệu chứng bên trong là cảm giác nhìn thấy
một ngọn lửa màu đỏ nhạt.
Thông thường vào giai đoạn này các bác
sĩ y khoa xác định quá trình của cái chết đã kết thúc theo tiêu chuẩn y khoa.
Thế nhưng theo chúng tôi [những người Phật giáo Tây tạng]
quá trình của cái chết chưa chấm dứt, tuy rằng bắt đầu từ thời điểm này khả năng
cảm nhận của các giác quan đã mất, thế nhưng tri thức vẫn hoạt động, điều đó không
có nghĩa là người hấp hối có thể hồi tỉnh lại được. Bốn cấp bậc thô thiển và
tinh tế vẫn còn tiếp tục tồn tại trong giai đoạn này, chúng chỉ tan biến sau này
khi bốn giai đoạn cuối cùng bắt đầu diễn tiến [tất cả
là tám giai đoạn].
Cấp bậc thô thiển nhất [thứ năm, tức giai đoạn đầu của bốn giai đoạn cuối cùng]
tan biến trước nhất, dấu hiệu bên trong là sự quán thấy một màu trắng tương tợ
như bầu trời mùa thu thật tinh khiết chan hòa ánh trăng rạng rỡ. Bên ngoài không
còn một dấu hiệu nào phát hiện.
Sự quán thấy màu trắng và khí lực
hay "gió" chuyển tải nó tan biến [giai đoạn
thứ sáu]. Một sự quán thấy khác tinh tế
hơn xuất hiện : đó là một màu đỏ rực rỡ tỏa rộng, tương tợ như bầu trời mùa thu
trong suốt chan hòa ánh sáng màu đỏ của mặt trời.
Trong giai đoạn thứ bảy, phát sinh một
sự quán thấy khác, tinh tế hơn các cấp bậc trước : đó là sự quán thấy một màu đen
bóng loáng gần như dầy đặc. Hình ảnh này tương tợ như bầu trời mùa thu thật
tinh khiết vào lúc gần nửa đêm. Trong phần đầu của giai đoạn này, người chết vẫn
còn ý thức, thế nhưng khả năng yếu dần và cuối cùng lắng vào một trạng thái vô
tri.
Khi sự cảm nhận màu đen bóng loáng
và dầy đặc cùng với năng lực chuyển tải nó tan biến, một sự cảm nhận tinh tế hơn
hết so với tất cả các cảm nhận trước đây hiển hiện : đấy là "ánh sáng
trong suốt của cái chết". Thể dạng cảm nhận đó tương tợ như bầu trời bình
minh vào mùa thu, trong vắt không một gợn mây. Người ta gọi đấy là tri thức
nguyên thủy, bởi vì nó là nguồn gốc làm phát sinh ra tất cả các thể dạng tri thức
khác. Đấy chính là lúc sự sống chấm dứt
thật sự.
Đối với những người bình thường,
giai đoạn trên đây hoàn toàn vô thức, tương tợ như bất tỉnh. Riêng đối với những
người luyện tập du-già thì đấy lại là giây phút phải đem ra ứng dụng các kết quả
tu tập của mình trước khi các tế bào trong cơ thể thoái hóa [trong giai đoạn này các cơ quan trong cơ thể không còn
dùng được để ghép cho các bệnh nhân khác]. Người du-già có khả năng nhận
biết được thể dạng tinh tế cao nhất trên đây : đấy là "tri thức ánh sáng
trong suốt", [người luyện tập ý thức được thể dạng
ánh sáng trong suốt và hội nhập với ánh sáng đó, không chuyển sang quá trình thô
thiển của sự tái sinh]
Ba cấp bậc tri thức
Tri thức được phân chia thành ba cấp
bậc tinh tế khác nhau : thể dạng đang trong lúc thức (hay thể dạng thô thiển của
tri thức), thể dạng chiêm bao (tinh tế hơn) và thể dạng ngủ thật say (tinh tế hơn
hết, hoàn toàn không còn chiêm bao).
Người ta có thể so sánh ba thể dạng ấy
với ba giai đoạn sinh, chết trên phương diện vật chất và thể dạng trung gian gọi
là bardo [trung
ấm hay trung hữu] trước khi xảy ra sự tái sinh [thụ
thai]. Ba giai đoạn vừa kể [sinh, chết và trung
gian] được phân biệt thành ba cấp bậc khác nhau, căn cứ vào ba cấp bậc tri
thức tinh tế của chúng. Trong khi xảy ra quá trình của cái chết, người đang chết
lắng thật sâu vào tri thức tinh tế. Thế nhưng sau khi đã chết, và sau giai đoạn
trung gian hay bardo, cá thể ấy lại bị
chi phối trở lại bởi sự tái sinh, theo đó tri thức cũng dần dần trở nên thô thiển
hơn. Tri thức càng lúc càng trở nên dầy đặc trong quá trình diễn tiến của sự tái
sinh và đầu thai.
Rất nhiều tập sách thuật lại trường
hợp nhiều người nhớ lại kiếp trước của mình. Nghiên cứu thêm về các hiện tượng
trên đây sẽ mang lại nhiều lợi ích và mở rộng thêm kiến thức cho nhân loại.
Phép luyện tập
du-già
Đối với một số người phép luyện tập
du già quá khó, tạo ra đau đớn và chẳng giúp ích được gì cho tâm thức. Đối với một
số người khác đó là một phương pháp đơn giản và tự nhiên, giúp mang lại sự thoải
mái trên phương diện tổng quát. Tuy nhiên phương tiện dùng để tinh khiết hóa tâm
thức vẫn chính là tâm thức. Nếu cảnh giác cẩn thận, theo dõi các quá trình vận
hành của tâm thức, ta sẽ vô cùng ngạc nhiên nhận thấy tầm quan trọng vô song của
nó. Tâm thức chính là trung tâm của tất cả [từ các
biến cố và hiện tượng cho đến sự giải thoát và giác ngộ].
Con đường trí tuệ
Trí tuệ cần thiết cho việc tìm hiểu sự
thật sâu xa hay tối thượng, tức là tánh không - trí tuệ dùng để cảm nhận sự vắng
mặt của cái ngã - nó có thể mang tính cách trực tiếp hay gián tiếp. Trí tuệ dựa
vào sức mạnh duy nhất của nó và được bổ khuyết thêm một số khả năng khác - sự
tin tưởng, sự tập trung và cố gắng - có thể phá tan được sức mạnh của ảo giác.
Sự tiếp cận hợp lý
(lôgic) đối với hiện thực
Những người tu tập Phật giáo luôn chú
tâm vào chủ đích tìm kiếm sự thật hay hiện thực. Thế nhưng đồng thời họ cũng khẳng
định không nên hoàn toàn tin tưởng vào sự cảm nhận của mình đối với hiện thực,
bởi vì có một sự cách biệt giữa các thể dạng hiển hiện của các sự vật và phương
cách hiện hữu của chúng. Tuy nhiên sau đây là các phương pháp tốt nhất có thể sử
dụng để tiếp cận và tìm hiểu hiện thực : phương pháp suy luận căn cứ trên sự hợp
lý (lôgic), phương pháp suy diễn (phân tích), tam đoạn luận mang lại sự hiển
nhiên, đấy là ba thứ khí cụ chính yếu được sử dụng để chứng minh sự hợp lý
(lôgic). Đấy là các modus operandi [tiếng La-tinh, tạm dịch là các "phương thức hành động"] giúp chuyển một sự quán nhận
sai lầm trở thành một sự cảm nhận vững chắc, [Phật
giáo xem các hiện tượng chỉ là ảo giác không phải hiện thực, bản chất của hiện
thực là tánh không, muốn quán nhận được tánh không rất khó, phải dựa vào nhiều
phương pháp khác nhau].
Sự hợp lý (lôgic)
và trí tuệ tự tại
Trí tuệ dùng để quán nhận sự vắng mặt
của cái ngã. Sự quán nhận đó được căn cứ vào sự hợp lý (lôgic) thật vững chắc và
khi ta đã quen với quá trình phân tích sự vững chắc của nó [tức sự vắng mặt của cái ngã] trí tuệ tự tại sẽ phát
hiện để loại bỏ vô minh. Không những trí tuệ có thể tự hiển hiện mà còn có thể tỏa
rộng đến vô biên nếu ta biết phát huy nó. Khi trí tuệ nẩy nở sẽ khiến các ý nghĩ
về sự hiện hữu tự tại suy yếu dần và sau cùng sẽ hoàn toàn biến mất. Mọi sự khổ
nhọc và lầm lẫn sẽ tan biến khi tiếp xúc với hiện thực. Chúng không còn lưu lại
một dấu vết nào trong bầu không gian của hiện thực tinh khiết, kết quả thực tiễn
là trong trường hợp đó ta không còn tạo nghiệp
[phát huy được trí tuệ, quán nhận được tánh không, loại
bỏ được vô minh, nhìn thấy được bản chất vô ngã của mọi hiện tượng, ta không
còn tạo nghiệp nữa và đấy cũng là thể dạng giải thoát].
Tu tập Đạo Pháp
mang lại sự an bình
Đạo Pháp giải thích tại sao lại có nhiều
cấp bậc khổ đau khác nhau. Theo thuyết nhân quả nghiệp chi phối hành động và hậu quả của nó, dựa vào đó chúng ta
tin có kiếp sau [nếu không có kiếp sau không thể giải
thích sự bất hạnh quá ư khác biệt giữa các cá thể con người]. Sự tin tưởng
đó góp phần mang lại cho chúng ta một sự an bình trong cuộc sống và giúp chúng
ta chấp nhận các biến cố tiếp nối nhau xảy ra trong cuộc đời mình. Chúng ta hiểu
rằng mọi sự lo âu và toan tính đều hoàn toàn vô ích, không nên quá âu sầu về những
nỗi khổ đau của mình, [vì đó là hậu quả do chính mình
tạo ra].
Dù quán nhận được bản chất khổ đau có
tính cách tạm thời thế nhưng không nên khinh thường hoặc nghĩ rằng : "chẳng
có gì quan trọng". Khả năng ý thức được sự khổ đau đúng với bản chất của nó
[vì đôi khi ta hiểu lầm khổ đau là hạnh phúc, chẳng hạn
như sự thích thú do giác cảm mang lại] là một phẩm tính giúp khơi động
niềm khát vọng loại bỏ nó, [vì khổ đau mang tính cách
tạm thời không phải tự tại và vĩnh viễn, vì thế phải ý thức được điều đó để loại
bỏ nó].
Bốn sự thực cao quý
Đức Phật dạy rằng : "Đây là khổ
đau đích thực, đây là nguyên nhân đích thực, đây là con đường đích thực". Ngài
nói thêm : "Hãy ý thức khổ đau, loại bỏ những nguyên nhân của nó, đạt được
sự chấm dứt khổ đau, bước theo con đường đúng đắn" [tức là bát chánh đạo]. Đức Phật lại giảng thêm :
"Hãy ý thức được khổ đau, mặc dù chẳng có gì để ý thức, hãy từ bỏ các nguyên
nhân mang lại khổ đau, mặc dù chẳng có gì để từ bỏ, hãy xa lánh thế tục một cách
nghiêm túc, mặc dù chẳng có gì để xa lánh" [có
nghĩa tất cả đều là tánh không, nắm vững tánh không của mọi hiện tượng mới có
thể đạt được giác ngộ tối thượng, loại bỏ khổ đau chỉ là sự giải thoát].
Đấy là ba thể dạng của bản thể tự tại, của hành động và kết quả tối thượng của Tứ Diệu Đế.
Bures-Sur-Yvette,
18.12.10
Hoang
Phong chuyển ngữ
0 comments:
Post a Comment