Người nặng tánh chấp nhị biên (hai bên) tu Tịnh độ rất hợp. Thấy cõi này khổ, cõi kia sướng, người ở đây xấu ác, người ở kia tốt lành, ở đây ô uế, đàng kia thanh tịnh.
Người tu thiền hay theo Bát nhã thì vượt qua nhị biên, còn gọi là bất nhị (không hai), thấy các pháp bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh. Thấy Ta Bà không nhơ cũng không sạch, thấy người không thiện không ác, không xấu cũng không đẹp.
Người tu Mật tông thì thấy toàn một bên. Thấy tất cả đều đẹp, đều thiện, đều thanh tịnh. Thấy Ta Bà là Tịnh độ, phiền não tức bồ đề.
Người tu Tịnh độ thấy có bên này, có bên kia, bên kia hơn bên này.
Người tu thiền không thấy có bên này, bên kia. Không bên nào hơn bên nào.
Người tu Mật tông chỉ thấy một bên, thấy tất cả đều tốt. Thấy thế giới là pháp giới, thân người là hóa thân phật, tiếng nói là pháp âm (thần chú).
Chữ 'thấy' mà tôi nói ở đây mang hai nghĩa: có người thấy thật và có người đang tập thấy.
Những gì tôi vừa nói có thể làm người tu Tịnh độ không bằng lòng, nên tôi lấy thí dụ khác.Ở Cực lạc tất cả mọi người đều thấy cảnh vật thanh tịnh vì họ cùng chung một cộng nghiệp, cùng có sự nhận thức giống nhau.
Người còn chấp nhị biên thì nói thầy tu phải ăn mặc rách rưới, nghèo khổ, không được mặc quần áo đẹp. Người không còn nhị biên thì nói ăn mặc làm sao cũng được. Khi cần mặc áo rách thì mặc áo rách, khi cần mặc áo đẹp thì mặc áo đẹp. Vô ngại!
Người chấp một bên của Mật tông thì thấy áo rách cũng đẹp, áo lụa cũng đẹp, mặc áo nào cũng đẹp hết. Họ tập nhìn thấy ngay ở đây tất cả sự vật gì có ở Tịnh độ. Ðây là lý chính yếu của Mật tông khi làm những buổi lễ (puja) hay saddhana (nghi thức quán tưởng trì chú).
Ở cõi Ta Bà này, vì cùng tạo nghiệp tương ưng nên chúng ta có những nhận thức giống nhau, ngó thấy đất đá, bùn lầy nhơ bẩn. Nhưng thật ra cảnh vật tự nó không nhơ không sạch. Ở cảnh địa ngục cũng vậy, người ở đó chỉ thấy chung quanh toàn là lửa. Thật ra đâu có lửa, vì nghiệp sân hận của họ quá nặng khiến họ nhìn thấy lửa. Ngay ở đây, khi ta giận dữ, mặt mày cũng đỏ bừng lên, đó là lửa trong tâm đang thiêu đốt ta.
Ta có thể lo cho Ðịa Tạng Bồ Tát, không biết ngài ở địa ngục có chịu nổi lửa nóng không, nhưng ngài đâu có thấy lửa, trong tâm ngài đâu còn sân hận, chỉ toàn là từ bi. Nhờ từ bi nên nhìn đâu cũng thấy thanh lương (trong mát), thấy hỏa diệm là hồng liên.
Tu thiền là tập làm hiển lộ Phật tánh của mình. Một khi nhận ra ông chủ rồi thì phải làm sao? Phật tánh là tánh không, là trống rỗng sao? Nhận ra ông chủ rồi thì phải ngồi yên một chỗ, không dám nhúc nhíc, cục cựa, nói năng, hành động gì hết sao?
Tánh không chỉ là một khía cạnh của Pháp thân, của Phật tánh. Tánh không là thể của các pháp. Các pháp đều có ba phần: thể, tướng, dụng. Thí dụ về nước, thể của nước là tánh ướt, tướng của nước là chất lỏng, dụng của nước là làm lưu nhuận, trôi chảy, tươi mát, v.v...
Lục tổ Huệ Năng có nói trong kinh Pháp Bảo Ðàn: tự tánh hay bổn tánh vốn bất sinh bất diệt, tự thanh tịnh, vô diêu động, tự cụ túc và năng sinh vạn pháp.
Ðiều cần chú ý và nhấn mạnh là vô diêu động mà năng sinh vạn pháp. Nó tương đương với câu 'chân không diệu hữu' của kinh Lăng Nghiêm.
Nếu tu thiền mà dẹp hết vọng tưởng, ngồi im ru, giữ tâm yên lặng, không dám suy nghĩ gì hết, chờ đó để thành Phật thì quan niệm này cần phải xét lại.
Nếu không nghĩ gì hết thì rơi vào cái gọi là 'trầm không thú tịch' hoặc khá hơn thì vào Không Ðịnh rồi tái sinh vào cõi trời Vô Tưởng Thiên hoặc Không Vô Biên Xứ.
Trời trong đâu ngại gì mây gió. Chính vì tánh của hư không là trống rỗng nên mây mưa, gió bão mới hiện ra được. Tuy hiện ra đó nhưng chúng không làm giảm hay mất đi tánh không của bầu trời. Chính vì bầu trời trống rỗng nên mây đen cũng có, mây trắng cũng có. Chính vì tự tánh của tâm trống rỗng nên thiện cũng có mà ác cũng có. Khi cả mây đen và mây trắng đều tan hết thì bầu trời tự nó hiển lộ. Hiển lộ ra sao? Tối thui hay trắng xóa? Ban ngày mặt trời chiếu sáng bầu trời xanh trong, ban đêm muôn vàn ánh sao lấp lánh. Không phải mầu nhiệm hay sao?
Khi tánh không hoàn toàn hiển lộ thì các đức tính khác của Phật tánh cũng hiển lộ. Từ xưa đến nay ta quen sống dưới một bầu trời u ám, phủ đầy mây đen rồi cứ ngỡ bầu trời là như thế. Rồi một ngày nào đó, ánh sáng mặt trời soi thủng làn mây, một chút trời xanh hiển lộ trước mắt, ta bừng tỉnh hiểu được tự tánh xưa nay của bầu trời. Tự tánh xưa nay tức là bổn tánh. Khi nói đến chữ tánh thì phải nói rõ tánh gì, hay tánh của cái gì! Tánh của nước là tánh ướt, tánh của lửa là tánh nóng, tánh của tôi là tánh hay giận hay ghen, v.v...
0 comments:
Post a Comment