Saturday, April 9, 2011
Chú Tiểu Ngộ Tánh
Ở ngôi làng nọ có một gia đình giàu có, đôi vợ chồng trẻ này đã kết hôn trên mười năm nhưng họ không thể sinh được một đứa con để nối dõi tông đường. Thấy thế, hai vợ chồng trẻ đi đến bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân nhưng bác sĩ bảo rằng họ không có vấn đề gì trong quá trình sinh con cả. Người vợ đem kết quả khám về thưa với bố mẹ và bị bố mẹ chồng phản đối:
- Nếu con Hiền không sinh con được thì phải ta cưới vợ bé cho thằng Lương, vì bố mẹ cũng đã chờ đợi mười năm rồi mà chẳng có được một mụn cháu nội để ẵm bồng.
Tuy nhiên người con dâu không buồn cha mẹ chồng vì cô thấy đó cũng là lỗi của mình, không thể trách ai được. Hằng ngày, cô vẫn sống một cách vui vẻ, hiếu thảo với bố mẹ chồng. Hiền là một người vợ hiền lành, nết na, chăm sóc gia đình chu đáo và luôn chung thủy đối với chồng.
Vào một ngày đẹp trời, Hiền đi chùa lễ Phật. Trên đường đi, Hiền gặp một cậu bé thật tướng hảo dễ thương. Cậu bé gặp cô liền chào hỏi:
- Chào cô! Cô có thể cho cháu biết tên được không ạ? Nhà cô ở đâu? Sao cháu thấy tâm hồn của cô chứa đựng nhiều nỗi buồn lo lắng?
Cô rất ngạc nhiên trước những câu hỏi dồn dập của cậu bé. Cô cảm thấy cậu bé rất thân thiện, dễ mến giống như đã có tình mẫu tử nhiều đời, nhiều kiếp giờ gặp nhau. Hiền rất vui mừng và trả lời:
- Cháu à! Cô tên là Hiền, chồng của cô tên là Lương, gia đình cô sống trong ngôi làng này.
Sau đó cô Hiền đem sự việc kể cậu bé nghe trước hoàn cảnh khó khăn, nghe qua câu chuyện, cậu bé vô cùng cảm động. Cậu bé liền hỏi cô Hiền rằng:
- Nếu có một ước mơ, thì Cô ước điều gì?
- Nếu có ước mơ, thì cô ao ước có một người con trai dễ thương, hiền hậu, tướng hảo y như cháu – Hiền xoa đầu và trả lời cậu bé
Cậu bé mỉm cười không nói một lời nào, cậu tạm biệt cô Hiền. Sau khi chia tay cậu bé, Hiền lên chùa lễ Phật. Cô gặp sư ông phương trượng Quảng Phước, cô được Sư ông giảng giải Phật pháp, cô được tắm mình trong dòng pháp nhũ của Phật Đà. Hiền giống như một lữ hành đi trên sa mạc đang khát nước và được một người cho nước uống. Nhờ dòng pháp nhũ mà cô thấu rõ được nguồn gốc khổ đau, tâm hồn cô đã cởi bỏ được những ràng buộc phiền muộn và cảm thấy nội tâm rất an lạc. Sau đó Hiền bái chào Phương trượng ra về.
Sau khi về nhà cô phát tâm ăn chay trường niệm Phật, tụng kinh, hành thiền mỗi ngày. Với niềm tin mãnh liệt, xem đạo Phật như là một chìa khóa vạn năng để mở cửa giải thoát tâm hồn đang trói buộc, như là một nơi nương tựa vững chắc cho một tinh thần đang suy sụp, cô không còn nghĩ đến vấn đề sinh con hay là cưới vợ bé cho chồng. Cô thản nhiên sống an lạc trong cuộc sống hiện tại, cô đã hiểu được nhân duyên, nhân quả, cái gì đến sẽ đến, cái gì không có duyên thì có đợi nó cũng không bao giờ đến.
Thời gian cứ thế qua đi, ba tháng sau, cô cảm thấy trong người khác lạ, một dấu vui mừng đã đến. Cô rất phấn khởi và cảm ơn trời Phật đã cho cô thỏa ước mơ được làm mẹ của mình. Thời gian chín tháng mười ngày cô lâm bồn và hạ sinh được một bé trai thật kháu khỉnh dễ thương. Điều đặc biệt và đáng ngạc nhiên là cậu bé sinh ra không có khóc như những đứa trẻ khác. Cậu bé mở mắt chào đời và nhìn người mẹ với một ánh mắt trìu mến. Cậu bé được sinh ra và sống trong một gia đình giàu có, được hấp thụ tình thương ngọt ngào từ ông bà, bố mẹ. Được xem như là viên ngọc quý báu nên cậu được đặt tên là…
“Bảo Châu”.
Từ ngày sinh bé Châu ra, gia đình vợ chồng trẻ được sống hạnh phúc bình an. Thời gian thắm thoát trôi đi thật nhanh, mới đó bé Châu đã được mười tuổi. Một hôm người mẹ dẫn bé Châu đi chùa lễ Phật, khi vào đến chùa bé Châu nhìn thấy chùa thật trang nghiêm, thanh tịnh. Bé chắp tay đảnh lễ Phương Trượng, bé nhìn thấy khuôn mặt Sư ông đầy lòng từ bi, là bậc chân tu đắc đạo. Lúc bấy giờ Sư ông cho bé Châu một trái chuối, sau khi bé Châu ăn xong trái chuối Sư ông hỏi:
- Con ăn cảm thấy thế nào? Có ngon không?
Bé Châu trả lời:
- Bạch Sư ông! Ngon ạ.
Mặc dù bé Châu tuy mới mười tuổi, nhưng rất thông minh, khôn khéo và lễ phép. Bấy giờ bé Châu đặt câu hỏi với Sư ông:
- Bạch Sư ông! Thế nào gọi là đạo giải thoát?
- Sư ông rất ngạc nhiên trước câu hỏi của bé Châu. Sư ông cầm trái chuối đưa bé Châu và nói:
- Con hãy lột bỏ hết vỏ chuối, còn lại bên trong và hương vị ngọt ngào đó chính là đạo giải thoát. Nếu con không lột vỏ thì không thể nào con cảm nhận được hương vị bên trong của nó.
Bé Châu đã giác ngộ được điều Sư ông giải thích và đặt câu hỏi thứ hai:
- Bạch Sư ông! Thế nào là mục đích của người xuất gia? Tại sao Sư ông phải xuất gia?
Sư ông tự tay mình cầm trái chuối lột vỏ ra ăn một nửa, còn nửa kia đưa cho mẹ bé Châu, đó chính là mục đích của người xuất gia. Sư ông lấy hai trái chuối đưa bé Châu, bảo rằng:
- Con hỏi tại sao phải xuất gia ư? Con hãy lột vỏ ra ăn một trái, rồi trái kia mời mẹ của con.
- Vậy thưa Sư ông, thế nào gọi là Phật? Thế nào gọi là chúng sinh? – Câu hỏi thứ ba của Châu
Sư ông đưa tay ra, rồi ngửa bàn tay lên, bảo thế này gọi là Phật. Sư ông úp bàn tay lại, bảo rằng đây gọi là chúng sinh. Sau đó Bé châu hỏi đến câu thứ tư:
- Thế nào gọi là chánh đạo? Thế nào gọi là tà đạo ạ?
Sư ông bấy giờ đưa tay phải ra, bảo đây gọi là chánh đạo. Sư ông đưa tay trái ra, bảo rằng đây gọi là tà đạo.
Sư ông nhìn khuôn mặt của bé Châu và biết bé Châu đã ngộ được với những gì ông đã khai thị. Bé Châu đặt câu hỏi cuối cùng:
- Bạch Sư ông! Thế nào gọi là “Tâm Chơn Như”?
Bấy giờ sư Ông không trả lời, chỉ mỉm cười, bé Châu cũng ngộ được chân lý cũng cười theo.
Sau cuộc đàm thoại giữa Sư ông và bé Châu, người mẹ đứng ngơ ngác không hiểu được nội dung ý nghĩa sự màu nhiệm này. Sau đó, mẹ dẫn bé Châu vào chánh điện lạy Phật. Lạy Phật xong rồi hai mẹ con đảnh lễ Sư ông ra về. Khi chào Sư ông, Sư ông hỏi bé Châu rằng: “Con còn trở lại thăm sư ông nữa không?” Bé Châu trả lời: “Dạ bạch Sư ông! Con sẽ nhớ mãi hương vị của trái chuối, con sẽ trở lại.”
Sau khi về đến nhà, những lời dạy của Sư ông về đạo lý đạo giải thoát đã đánh thức hạt giống Bồ Đề Tâm của bé Châu.Thế là trong bữa cơm gia đình có đầy đủ ông bà và bố mẹ. Bé Châu quỳ gối thưa rằng:
- Thưa ông bà và bố mẹ! Con muốn đi xuất gia. Con cúi xin ông bà, bố mẹ chấp thuận cho con được toại nguyện.
Ông bà hết sức phản đối ý nguyện của bé Châu:
- Cháu không được đi xuất gia! Gia đình chỉ có một mình cháu là con trai duy nhất, cháu là cháu đích tôn, sau này con phải phụng dưỡng cha mẹ, nối dõi tông đường, lo hương khói cho ông bà tổ tiên. Nếu cháu đi xuất gia, có ba tội bất hiếu rất lớn.
Một là không phụng dưỡng cha mẹ tội bất hiếu thứ nhất
Hai là không có người nối dỗi tông đường, tội bất hiếu thứ hai
Ba là không đi quân đội làm nhiệm vụ bảo vệ quốc gia, thiếu trách nhiệm của một người công dân đối với xã hội, đó chính là tội bất hiếu thứ ba.
- Nếu cháu giải thích sao cho hợp tình hợp lý thì ông bà sẽ cho cháu đi xuất gia theo ước nguyện của cháu.
Sau khi nghe ông bà nội chất vấn ba câu hỏi xong, trong lòng bé Châu rất mừng, Bé Châu quỳ gối vòng tay thưa rằng:
- Kính thưa ông bà, nếu thế gian này cho rằng đi tu không phụng dưỡng cha mẹ là bất hiếu thì trải qua hơn hai nghìn năm trăm năm lịch sử, tinh thần báo hiếu của Đạo Phật không đi vào lòng người và không bao giờ có lễ Vu Lan Báo Hiếu. Ngài Mục Liên Tôn Gỉa được xem như là một tấm gương hiếu hạnh để cho đời noi theo và biết bao nhiêu người đều tôn kính Ngài. Ngài đi xuất gia đâu có phụng dưỡng mẹ già nhưng Ngài được người đời tôn xưng là hiếu hạnh đệ nhất. Ngài đã cứu mẹ của Ngài thoát khỏi cảnh địa ngục khổ đau. Đức Phật Thích Ca xuất gia tìm con đường giải thoát cho bản thân, sau đó Ngài trở về lại thành Kapilavasthu thuyết pháp cho thân phụ của Ngài là Suddhodana chứng quả Arhat không còn bị sinh tử luân hồi. Ngài lên cung trời Đao-lợi thuyết pháp cho thân mẫu của Ngài là Maya cũng chứng quả Arhat. Ngài đã cứu vớt cha mẹ khỏi bị trầm luân sinh tử khổ đau. Nếu ông bà cha mẹ cho rằng đi xuất gia không phụng dưỡng cha mẹ là bất hiếu thì con nghĩ ngày nay tinh thần báo hiếu của Đạo Phật không tồn tại trên thế gian này. Nhưng ngược lại, Ngài được người đời kính lạy và tôn thờ khắp năm châu. Nơi nào có chúng sinh, nơi đó có Đạo Phật, cho nên cháu muốn noi gương hiếu hạnh của quý Ngài, muốn báo hiếu với ông bà, bố mẹ đã có công ơn sinh thành dưỡng dục cháu.
- Điều thứ hai, nếu cho rằng cháu đi xuất gia không có người nối dõi tông đường sẽ mang tội bất hiếu. Nếu ông bà, bố mẹ đã quy y theo Đạo Phật phải có niềm tin những lời Phật dạy. Quan niệm Phật Giáo cho rằng tất cả chúng sinh trong lục đạo luân hồi thay phiên nhau làm cha, làm mẹ, làm vợ làm chồng, làm con, làm cháu làm thân bằng quyến thuộc với nhau thì tại sao chỉ có cháu mới là người để nối dõi tông đường?
- Điều thứ ba ông bà cho rằng cháu đi xuất gia, không làm tròn bổn phận của một người công dân đối với xã hội, thiếu trách nhiệm đối với quốc gia. Cháu không nghĩ như vậy! Thưa ông bà, Phật Giáo là một tôn giáo hòa bình, dốc sức cho hòa bình. Đức Thích-Ca Mâu-Ni là một sứ giả hòa bình, Ngài thông qua việc khắc phục sự bất an và dao động của nội tâm giải thoát tự do, trở thành người hạnh phúc và giác ngộ. Vì thế, hòa bình là giá trị cần thiết của nhân loại. Đức Phật đã thể hội sâu sắc điều đó và Ngài dạy lại cho đệ tử, cho chúng sinh biết làm thế nào để cho thế giới hòa bình và xã hội trở về chân thiện mỹ. Đức Phật dạy chúng ta: “Vạn vật do nhân duyên hòa hợp mà sinh ra, thế giới như là một chỉnh thể các dạng quan hệ nằm trên sự tương tục nhân quả của thế gian, nương tựa lẫn nhau. Con người, sự vật đều tuân theo một quy luật nhân quả có tầng thứ nhất định. Vận mạng của cá thể và vận mạng của toàn thể tương liên chặt chẽ với nhau.”
- Đức Phật dạy: “Sở hữu chúng sanh, giai hữu Phật tánh, nguyên bổn thanh khiết, nhất luật bình đẳng.” (Tất cả chúng sanh, đều có Phật tánh, nguồn gốc thanh khiết, hết thảy đều bình đẳng) Bình đẳng ở đây không chỉ là không đồng quan điểm, không đồng quần thể, không đồng nhân chủng mà còn là siêu việt nhân loại, phổ quát tất cả chúng sanh trong vũ trụ. Vì thế, Phật giáo yêu cầu chúng ta trong quan hệ giữa chúng sanh, xã hội, tự nhiên, chúng ta nên giúp đỡ lẫn nhau, hòa bình cộng xứ, nên tùy duyên đại từ, đồng thể đại bi; nên thương người như thương mình, không tàn sát lẫn nhau; tôn trọng lẫn nhau, không nên coi thường nhau; bắt tay hòa khí, phá trừ tự ngã, vứt bỏ tự hiềm, mang tâm bình đẳng; cùng nhau liễu giải, không tự phong bế; nên “Không làm các điều ác, gắng làm các việc lành”; không vì sự an lạc chỉ cho chính mình, mà luôn nguyện chúng sanh thoát ly khổ não; nên trang nghiêm quốc độ, lợi lạc hữu tình. Phật giáo phản đối chiến tranh, đề xướng hòa bình. Bởi lẽ, có chiến tranh là có sát hại. Phật giáo kịch liệt phản đối sát hại sinh mạng bao gồm con người và cả động vật cấp thấp. Chúng sanh đều giống chúng ta vậy, đều ham sống sợ chết. Vì lẽ đó, lấy lòng ta mà suy ra lòng người để rồi đem đến cho họ lòng từ bi rộng lớn, lòng thông cảm vô biên. Ngày hôm nay, cháu đi theo con đường lý tưởng từ bi và hòa bình mà đức Phật đã để lại, cháu đi xuất gia là mang bức thông điệp hòa bình truyền bá chúng sinh, làm cho thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc, chiến tranh không còn, thế thì cháu đi nghĩa vụ quân sự để làm gì? Đó là cháu làm tròn bổn phận quốc gia của một người công dân, có công với mọi người, không phải là tội bất hiếu!
Sau khi nghe bé Châu trả lời ba câu hỏi một cách thuyết phục, ông bà không thể nào ngăn cản và nuốt lời nên đã chấp nhận cho bé Châu xuất gia theo như ý nguyện, bố mẹ nghe con mình trả lời như thế trong lòng rất vui mừng và chấp nhận cho bé Châu xuất gia.
Ngày hôm sau, người mẹ dẫn bé châu lên chùa để xuất gia, khi mới đến trước cổng chùa đã gặp Phương trượng đang quét rác. Hai mẹ con đảnh lễ thưa chuyện xuất gia của bé Châu. Sau đó mấy ngày, bé Châu xuống tóc trở thành một chú tiểu thật dễ thương. Phương Trượng đặt pháp danh cho bé Châu là “Ngộ Tánh”. Kể từ đó, tên bé “Bảo Châu” không còn gọi nữa. Hằng ngày hai thầy trò sống trong am cốc tu viện rất thanh tịnh. Mỗi buổi sáng, Ngộ Tánh thức dậy thật sớm đánh chuông, Phương trượng tụng kinh, sau khi đánh chuông xong chú Ngộ Tánh lo nấu nước pha trà cho Sư Phụ. Chú Ngộ Tánh đi quét rác, tưới hoa, những công việc hằng ngày trong bổn tự. Trong thời gian chỉ có một tháng, chú Ngộ Tánh đã thuộc hai thời công phu, và luật tỳ ni nhật dụng, biết tụng kinh, tinh thông Kinh, Luật Luận. Chú Ngộ tánh được Sư Phụ thương yêu.
Thời gian trôi đi thật nhanh một năm sau, vào một ngày nọ có một gia đình thí chủ dẫn theo con gái đi chùa lễ Phật. Khi vào chùa đảnh lễ Phương trượng, vợ chồng thí chủ trò chuyện với Phương trượng, cô con gái đi dạo chơi xung quanh chùa. Vô tình bé Tâm gặp chú tiểu Ngộ Tánh đang quét sân, cô bé chào chú Ngộ Tánh, chú chào lại bé Tâm. Bé Tâm nhìn khuôn mặt của chú Ngộ Tánh sao thật hiền hòa và dễ thương, cô bé bắt đầu trò chuyện với chú:
- Thưa chú! Chú pháp danh gì vậy?
- Mô phật! Phương trượng cho pháp danh là Ngộ Tánh.
- Thưa chú! Ngộ Tánh nghĩa là gì?
Chú Ngộ Tánh không trả lời chỉ dùng ngón tay chỉ lên mặt trời, bảo đó là ngộ tánh. (Tức là nhìn thấy được chân lý của các pháp)
- Thưa chú! Chú xuất gia bao lâu rồi?
- Mô phật! không lâu cũng không mau. Từ ngày Ngộ tánh biết quét chùa”. (Biết tu tập, diệt trừ phiền não) - Chú Ngộ Tánh cầm cây chổi đưa bé Tâm và trả lời
- Thưa chú! Sao chú phải quét rác? Con thấy sân chùa trước giờ rất sạch sẽ không có rác sao chú vẫn cứ quét? (Ý bé Tâm nói: Người xuất gia rồi làm gì còn có phiền não để tiêu diệt)
- Mặc dù sân không thấy có rác, nhưng vẫn có bụi để quét, (ý nói mặc dù tâm phiền não thô đã diệt, nhưng vi tế phiền não vẫn còn)
- Thưa chú! sao Phương trượng không quét rác, mà chỉ một mình chú quét rác thôi?
- Mô Phật! Phương trượng quét rác mấy chục năm rồi không cần quét nữa, giờ đến Ngộ Tánh quét rác.
- Thưa chú! Sao chú phải đi xuất gia? Xuất gia mục đích gì?
- Mô Phật! Ngộ tánh xuất gia vì muốn học quét rác cho sạch sân chùa. Mục đích quét chùa để mọi người thấy sạch sẽ trang nghiêm rồi bắt chước theo đó mà quét và quét để mọi người đi sạch sẽ. (Ý nói người xuất gia tu học giáo lý Phật để diệt trừ phiền não làm cho tâm thanh tịnh và làm gương cho Phật tử nương theo đó mà tu tập)
- Mô phật thưa chú! Hằng ngày con nghe mẹ nói mẹ hay sinh phiền não, thế nào là tâm phiền não? Phiền não từ đâu mà có? Nhờ chú khai ngộ.
Chú Ngộ Tánh không trả lời, chú dẫn bé Tâm ra hồ nước, nhìn mặt nước đang yên lặng trong sạch, nhìn thấy khuôn mặt của chú Ngộ Tánh và bé Tâm in dưới nước, bỗng dưng chú Ngộ Tánh dùng tay khuấy mặt nước, làm mặt nước chao động, những bùn dơ nổi lên không còn nhìn thấy hình ảnh của chú và bé Tâm nữa. Chú bảo đó là tâm phiền não, phiền não do đó mà sinh. Lúc đó bé Tâm được khai ngộ.
(Ý nói tâm xưa nay vốn thanh tịnh, yên như mặt nước. Nhưng do vọng tưởng nên sinh ra phiền não cấu uế) làm cho tâm bị nhiễm ô.
- Thưa chú: thế nào gọi là ái dục, và tác hại của nó ra sao?
Chú Ngộ Tánh không trả lời liền xô bé Tâm xuống hồ nước, bé Tâm hụp lặn dưới nước, sau đó chú Ngộ Tánh nhảy xuống nắm tay đưa bé Tâm lên bờ. Bé tâm giác ngộ và nở nụ cười thật tươi và cảm ơn những lời khai thị của chú. (Ý nói ái dụng như dòng nước sông, chính ái dục là cội gốc sinh tử luân hồi, nhấn chìm chúng sinh trong sáu nẻo luân hồi.)
Sau khi kéo bé Tâm lên bị ướt hết quần áo, chú Ngộ Tánh dẫn bé Tâm vào nhúm lửa sưởi ấm. Thì lúc đó có những con phù dung bay vào lửa chết, chú nói:
- Đó là tác hại của ái dục! Mặc dù loài phù dung nó biết đó là lửa nhưng vẫn bay vào, để rồi phải bị cảnh thiêu thân. (Ý nói, tất cả chúng sinh đều biết ái dục là nguồn gốc khổ đau sinh tử, thế nhưng con người vẫn chìm đắm mình trong ái dục)
Rồi hoàng hôn đã ngã bóng chiều tà, chú Ngộ Tánh dẫn bé Tâm về để chuẩn bị cơm chiều và công phu tối. Đến giờ cơm tối, Phương trượng và bố mẹ của bé Tâm ăn xong, để phần cơm cho chú Ngộ Tánh và bé Tâm. Nhìn trên bàn chỉ thấy một bát cơm, một đĩa rau luộc, với một chén nước tương, bé Tâm ăn không quen chỉ dùng một chút ít cho vui, rồi ngồi nhìn chú Ngộ Tánh ăn một cách ngon lành, bé Tâm hỏi:
- Thưa chú! Gia đình của chú chắc nghèo lắm đúng không? Hằng ngày bố mẹ cho ăn cơm rau luộc với nước tương, nên con nhìn chú ăn một cách ngon lành.
- Mô phật: Gia đình của Ngộ Tánh giàu có nhất ở ngôi làng này, hằng ngày bố mẹ cho ăn toàn những thứ cao lương mỹ vị, giờ xuất gia ăn cơm tương rau vẫn thấy ngon và sống an lạc. Mục đích là ăn để sống nuôi thân hành đạo, không phải mục đích sống để ăn – chú Ngộ Tánh trả lời:
- Sao gia đình của chú giàu có nhất ngôi làng này mà chú lại từ bỏ đi xuất gia? Không ở nhà hưởng kế thưà gia tài của bố mẹ? – Bé Tâm hỏi tiếp
Chú Ngộ Tánh hỏi bé tâm rằng:
- Tâm có biết về lịch sử đức Phật Thích Ca không?
- Dạ biết, thưa chú!
- Ngài sinh ra trong hoàng cung, là một thái tử Đông cung. Ngài có thể kế thừa ngai vàng của phụ vương. Ngài có cả cung vàng điện ngọc vợ đẹp con xinh, vàng bạc châu báu, biết bao nhiêu cung phi mỹ nữ hầu hạ, Ngài từ bỏ tất cả đi xuất gia tìm con đường giải thoát cho chính Ngài và tha nhân. Nếu Ngài sinh ra trong một gia đình nghèo khổ, thì ngày nay, những ngoại đạo có thể bảo rằng: “Đạo Phật là đạo nghèo khổ, vì nghèo khổ không có cơm ăn mới đi xuất gia, chứ lý tưởng cao thượng giải thoát gì đâu”. Nếu Ngộ Tánh sinh ra trong một gia đình nghèo khổ đi xuất gia, có lẽ bây giờ bé Tâm cũng cho là Ngộ Tánh vì gia đình nghèo không nuôi con nổi nên cho đi ở chùa để kiếm cơm sống qua ngày.
Nói đến đây bé Tâm và Ngộ Tánh cười. Như là một sự thấu hiểu mục đích của người xuất gia.
Sau khi dược thực xong, đến giờ công phu chú Ngộ Tánh mặc áo vàng trông thật dễ thương đi đánh chuông, chú đọc câu kệ:
Nguyện thử chung thinh siêu Pháp giới
Thiết vi u ám tất giai văn.
Văn trần thanh tịnh chứng viên thông,
Nhứt thiết chúng sanh thành chánh giác”
Bài kệ thứ hai:
“Văn chung thanh phiền não khinh
Trí Huệ trưởng bồ đề sinh
Ly địa ngục xuất hỏa khinh
Nguỵên thành Phật độ chúng sinh”
Bé Tâm cùng bố mẹ quỳ lạy Phật với tâm thành kính, rồi ngồi nghe Phương trượng tụng kinh. Sau thời khóa tụng bé Tâm có nhiều thắc mắc hỏi chú Ngộ Tánh rằng:
- Thưa chú! Mục đích của tụng kinh là gì? Sao con thấy bố mẹ thường tụng kinh rồi cầu nguyện nhiều thứ? Cầu gia đình làm ăn giàu có, gia đình bình an, khỏi bệnh tật đau ốm…
Chú Ngộ tánh không trả lời, chú dùng ngón tay chi lên mặt trăng, bảo rằng:
- Bé Tâm muốn thấy mặt trăng hãy nhìn theo ngón tay của Ngộ Tánh. Đó là mục đích ý nghĩa tụng kinh (ý nói nương vào phương tiện để đạt mục đích cứu cánh, tụng kinh là minh Phật chi lý)
Bé tâm hỏi tiếp:
- Thưa chú, lúc nãy chú đánh chuông để làm gì? Mục đích của việc làm đó là gì?
Chú Ngộ tánh liền gõ lên trán bé tâm một cái. Hỏi: “Bé tâm ngộ chưa?”
(Ý nói đánh chuông để cảnh tỉnh tâm vô minh của con người, khỏi tạo nghiệp ác)
- Dạ thưa Tâm ngộ rồi ạ. Nhưng Thưa chú! Tối thượng của đạo Phật là gì?
Chú Ngộ tánh ban đầu đưa ra ba ngón tay. Nhưng cuối cùng chú chỉ đưa lên một ngón tay bảo rằng: “Đây là mục đích tối thượng của đạo Phật!”
(Ý nói vì căn cơ của chúng sinh có cao thấp, nên Phật mới Phân ra tam thừa: Thinh Văn Thừa, Duyên Giác Thừa, Bồ Tát Thừa. Nhưng cuối cùng mục đích rốt ráo của Đạo Phật chỉ còn lại Phật Thừa. Nên đức Phật dạy: “Tất cả chúng sinh cuối cùng rồi sẽ thành Phật”)
- Bé Tâm hỏi thêm chú một vài câu hỏi nữa được không ạ?
- Mô Phật! Xin cứ hỏi, điều gì biết Ngộ Tánh trả lời, điều gì không biết xin hỏi Phương Trượng.
Bé Tâm thưa:
- Thưa chú! Thế nào là Phật tính?
- Phật tính ư? – Chú Ngộ Tánh chỉ vào cái đèn đang thắp sáng trên bàn Phật bảo rằng ngọn đèn bên trong chính là Phật tính. (Ý nói trí tuệ sáng suốt vốn có trong tâm mỗi chúng sinh)
- Vậy thế nào gọi là vô minh?
Chú Ngộ tánh liền thổi tắt đèn bảo như thế gọi là vô minh.
- Thế nào gọi là giới, định, tuệ và mối liên hệ của tam vô lậu học thế nào?
Chú Ngộ tánh chỉ vào bòng đèn nói rằng đây là giới, ngọn đèn đứng yên đang cháy đó là định, ánh sáng ngọn đèn phát ra đó là tuệ. Nếu không có bóng đèn, thì ngọn đèn sẽ bị gió thổi tắt. Nó không thể cháy sáng gọi là: “Nhân giới sinh định, nhân định phát huệ”.
- Thế nào gọi là vọng tưởng?
Chú Ngộ Tánh chỉ bóng của bé Tâm in trên bức tường bảo đó là vọng tưởng.
- Thưa chú! Phật và chúng sinh là hai hay một, giống nhau và khác nhau như thế nào?
Chú Ngộ tánh chỉ vào hai cây đèn bảo rằng:
- Phật là ngọn đèn đã thắp sáng, chúng sinh là ngọn đèn chưa thắp sáng. Tướng thì có hai nhưng chức năng của đèn là giống nhau, mục đích là thắp sáng.
- Thế là chú Ngộ Tánh đốt cháy cây đèn đã tắt lên bảo bé Tâm: “Xem kìa! Hai cây đèn cháy sáng như nhau!”
- Thưa chú! Nếu chú nói Phật và chúng sinh tuy hai mà một? Hình tướng có hai nhưng thể tánh lại là một. Như vậy Phật có trước hay chúng sinh có trước?
Chú Ngộ tánh đưa cho bé tâm một quả xoài bảo rằng:
- Quả xoài có trước hay hột xoài có trước?
Thấy bé Tâm không biết trả lời, chú Ngộ Tánh giải thích:
- Trong quả xoài có hột xoài, trong hột xoài có quả xoài, cũng như trong con gà có trứng gà, trong trứng gà đã có con gà. Đạo Phật gọi là nhân quả đồng thời, trùng trùng duyên khởi, không có cái nào có trước, không cái nào có sau, khi mê chúng sinh, khi ngộ là Phật. Phật Thích Ca từ thái tử Siddhatta mà thành, Thái tử Siddhatta chính là Phật Thích Ca
Đã đến giờ chỉ tịnh nên gia đình bé Tâm đảnh lễ Phương trượng và chú Ngộ tánh ra về, bé Tâm cảm ơn chú Ngộ Tánh vì ngày hôm nay đã khai ngộ cho bé Tâm hiểu được nhiều Phật pháp.
Thời gian trôi đi thật nhanh, năm năm sau, chú Ngộ tánh vừa tròn 15 tuổi, ngày càng tướng hảo và thông minh. Một hôm chú bạch Sư phụ cho về thăm ông bà và cha mẹ. Chú được Sư ông chấp thuận.
Trên đường về nhà, chú Ngộ Tánh tình cờ gặp vợ chồng ông bà lão độ tuổi bảy mươi đang trên đường đi lễ Phật. Ông lão hỏi chú:
- Chú pháp danh gì? Chú tu chùa nào?
- Mô Phật Phương trượng đặt cho pháp danh là Ngộ Tánh. Ngộ Tánh tu ở chùa Bửu thắng. – Chú đáp
- Chú tu lâu chưa?
- Từ khi, Ngộ tánh biết cầm chuỗi niệm Phật
- Chú niệm Phật để làm gì?
Chú Ngộ Tánh không trả lời, đưa tay lên đầu, xoa đầu bảo rằng đó là mục đích niệm Phật (Ý nói niệm Phật là để tiêu trừ phiền não)
- Chú biết phương pháp nào để tu hành giải thoái không?
Chú liền lấy dây chuỗi ra, mở dây chuỗi đưa cho ông lão từng hạt, từng hạt bảo rằng:
- Đó là phương pháp tu tập để giải thoát. (Ý nói muốn giải thoát phải cởi trói phiền não trong tâm)
Ông lão khen Chú quả thật là thông minh và rất am hiểu Phật pháp. Bà lão chen vào hỏi chú Ngộ tánh:
- Chú đi tu rồi về nhà thấy thịt cá có thèm không?
Chú Ngộ Tánh đáp:
- Thưa Bà! Bà cụ có biết ăn trầu không?
- Không ạ
- Bà cụ không biết ăn trầu, vậy khi Bà cụ nhìn thấy trầu có thèm không?
- Không ạ
- Ngộ tánh cũng thế.
Bà lão hỏi tiếp:
- Mục đích của Phật ra đời để làm gì?
Chú Ngộ Tánh lấy trong túi cái đèn pin ra, mở đèn pin sáng lên rồi tặng cho bà cụ bảo rằng:
- Khi về trời tối bà cụ nhớ mở đèn Pin lên đi. Mục đích của Phật ra đời cũng thế
- Chú nói cao siêu quá, bà không hiểu.
Ông lão chen vào nói:
- Ý Chú Ngộ Tánh bảo mục đích đức Phật ra đời là: “Khai thị chúng sinh, ngộ nhập Phật tri kiến”.
Ông lão hỏi chú đúng hay không, Chú Ngộ Tánh chỉ cười.
Bà lão hỏi tiếp:
- Chú có biết bà cụ từ đâu đến không? Chết đi về đâu? Chú hãy giải thích rõ ràng, không được nói thiền khó hiểu quá.
Chú hỏi bà lão:
- bác sĩ thì đi đâu?
Bà lão trả lời:
- Thì đi tới bệnh viện chẳng lẽ tới chợ?
Chú Ngộ Tánh cười:
- Dạ đúng vậy! Sau khi bác sĩ làm việc xong về đâu?
- Về nhà
- Học sinh thì đi đâu?
- Đến trường
- Học xong về đâu?
- Về nhà
- Bà bán cá đi đâu để bán?
- Đến chợ
- Bán xong về đâu?
- Về nhà
- Thầy tu đi đâu?
- Đi thuyết pháp,
- Thuyết Pháp xong về đâu?
- Thì về chùa
- Cũng vậy thưa bà sau khi chết tùy theo nghiệp lực mỗi người khác nhau, nên tái sinh vào những cảnh giới khác nhau. Do nghiệp lực dẫn dắt, làm thiện sinh về cảnh giới thiện, làm ác sinh về cảnh giới ác, cũng như Ngộ Tánh đã hỏi. Từ đó bà cụ suy ra. Bà cụ biết từ đâu đến, chết đi về đâu.
Bà cụ nói:
- Ôi trời Phật Pháp cao siêu khó hiểu quá
Chú Ngộ tánh nói với Bà cụ:
- Thưa bà! Phật Pháp không có cao, cũng không có thấp, do căn cơ mỗi chúng sinh, nên thấy có cao có thấp. Chú ví dụ cho bà hiểu:
Mô Phật! khi Ngộ Tánh học lớp một xem bài toán lớp 5 khó ơi là khó, xem vào không hiểu gì cả. Nhưng khi Ngộ Tánh lên lớp 6 rồi nhìn lại bài toán lớp năm quá dễ dàng. Khi còn ở địa vị phàm phu thấy giáo lý của Phật sao quá cao siêu, khi chứng thánh quả rồi không còn thấy cao thấp.
Ông lão chen vào hỏi:
- Theo quan điểm của Chú đời là khổ, hay hạnh phúc?
Chú Ngộ Tánh liền đưa cho ông cụ một đôi kiếng màu đen, bảo ông cụ đeo vào. Chú Ngộ Tánh hỏi:
- Ông nhìn thấy bầu trời thế nào?
- Toàn là màu đen
Chú Ngộ Tánh đưa tiếp ông cụ một đôi kiếng màu trắng, bảo ông cụ đeo vào. Chú Ngộ Tánh hỏi tiếp:
- Ông nhìn thấy bầu trời thế nào?
- Toàn màu trắng.
- Thưa ông! Vậy bầu trời đen hay trắng?
- Không đen, cũng không trắng
- Ngộ Tánh nhìn đời cũng thế.
Bà lão đứng bên khen rằng:
- Chú tuy còn nhỏ tuổi sao thông minh và am hiểu Phật pháp thế nhỉ.
- Vậy thế nào là gọi là vô thường?
Chú Ngộ Tánh chỉ lên đầu tóc bạc của bà lão bảo:
- Đó gọi là vô thường!
- Thế nào gọi là Pháp?
Chú ngộ tánh chỉ chiếc thuyền đang đậu trên sông. (Ý nói Pháp là phương tiện đưa chúng sinh từ bờ mê, đến bờ giác ngộ giải thoát)
Bà lão hỏi chú Ngộ Tánh tiếp:
- Nếu chú lớn lên, Chú có thích nữ sắc không?
Chú Ngộ tánh trả lời:
- Quá khứ thì qua rồi, tương lai thì chưa đến, Ngộ Tánh chỉ biết hiện tại.
- Thế nào gọi là hiện tại?
- Mô Phật, hiện tại là giữa một hơi thở ra và chuẩn bị nhận một hơi thở vào.
Ông lão bảo:
- Nếu chú tu thành Phật rồi chú sẽ làm gi?
- Mô Phật! Trước kia Ngộ tánh ở nhà muốn đến chùa. Khi đền chùa tu hành được rồi Ngộ tánh muốn về nhà.
- Ũa sao chú muốn về nhà? Bị Phương trượng đuổi à? Hay vì chán ở chùa rồi muốn về nhà?
- Mô Phật không phải. Đó là vì ước muốn của Ngộ Tánh muốn về nhà à.
- Chú nói sao lòng vòng Ông khó hiểu quá!
Bà lão chen vào:
- Ông này sao chậm hiểu quá vậy? Ý chú Ngộ Tánh bảo rằng: Khi còn chúng sinh ao ước tu hành thành Bồ Tát, thành Phật. Khi thành rồi phải có bản nguyện trở lại độ sinh. Cũng giống như học sinh còn đi học ao ước trở thành thầy cô giáo, khi thành thầy cô giáo rồi muốn trở lại trường dạy học sinh. Đơn giản vậy mà Ông không hiểu. Bà nói vậy đúng không Chú?
- Mô Phật, thiện tai!
- Mô Phật! Trời cũng tối rồi, ông bà cũng cáo biệt Chú để trở về nhà, cảm ơn chú đã cho vợ chồng già những bài pháp thật hay.
Sau khi chia tay ông bà lão, Chú Ngộ Tánh đi thêm một đoạn đường nữa thì gặp hai vợ chồng độ chừng 45 tuổi đang đi làm về. Chú Ngộ Tánh chắp tay chào:
- Mô Phật chào nhị vị thí chủ! Hai thí chủ vẫn khỏe chứ?
- Mô Phật vẫn khỏe ạ! Còn Chú thì sao? Cuộc sống ở chùa ra sao? Phương trượng vẫn khỏe chứ?
- Mô Phật! Phương trượng vẫn khỏe. Phương trượng gởi lời thăm hai vị thí chủ
- Kính gởi lời cảm ơn đến Phương trượng.
- Mô Phật!
Sau đó hai vợ chồng mời Chú Ngộ Tánh vào quán nước bên đường, ngồi uống nước và đàm đạo
Sau khi vào quán dùng nước. Người nữ thí chủ mới hỏi đạo:
- Mục đích chính đức Phật nói pháp để làm gì?
- Mô Phật!
“Không làm các việc ácThường làm các việc lànhGiữ tâm ý trong sạchĐó là lời chư Phật dạy”- Thế nào gọi niệm Phật nhất tâm bất loạn
- Niệm vô niệm niệm.
- Thế nào gọi là niệm vô niệm niệm?
- Niệm khi nào không còn thấy mình niệm mới gọi là niệm.
- Vì sao thế? Chú hãy giải thích them!
- Vì niệm còn thấy mình niệm, đối tượng để niệm tức là còn chấp, còn ngã chấp, còn ngã chấp tức là còn vọng tưởng thì làm sao nhất tâm bất loạn.
- Chú có thể nào cho một ví dụ dễ hiểu không?
- Mô Phật! Hằng ngày thí chủ muốn thức dậy 5 giờ sáng để đi làm, có bữa thí chủ thức dậy 4 giờ, có bữa thức dậy trễ 6 giờ - tức là chưa nhất tâm. Thí chủ dùng đồng hồ báo thức canh đúng 5 giờ thì mỗi ngày đúng 5 giờ. Đồng hồ báo thức sẽ đánh thức thí chủ dậy - đây vẫn còn chấp, vì còn sử dụng phương tiện đồng hồ báo thức. Nhưng trải qua một thời gian dài trở thành thói quen. Cứ mỗi ngày đến 5 giờ sáng là thí chủ sẽ thức dậy, không cần đến đồng hồ báo thức nữa. Dù thí chủ không muốn thức dậy, đến giờ đó thí chủ cũng sẽ thức dậy. Niệm Phật cũng thế! Hằng ngày dùng chuỗi niệm Phật để trở thành thói quen, đến một giai đoạn nào đó mình không cần niệm, tâm mình vẫn cứ niệm thế gọi là nhất tâm bất loạn.
- Lúc trước đưa chú lên chùa lạy Phật, Chú cóhỏi Phương Trượng thế nào gọi là đạo giải thoát? Phương trượng đưa cho chú một trái chuối, bảo chú lột hết vỏ rồi ăn mới cảm thấy hương vị ngon của nó. Phương trượng bảo đó là đạo giải thoát. Là ý nghĩa gì?
- Mô Phật ý Phương trượng bảo: Hãy cởi bỏ hết phiền não, thì mới cảm nhận được chân lý giải thoát an lạc
- Ồ thì ra là vậy.
- Ngày hôm đó chú còn hỏi Phương Trượng: Thế nào là mục đích của người xuất gia? Tại sao Sư ông phải xuất gia? Thế rồi Sư ông tự tay cầm trái chuối lột vỏ ra, ăn một nửa, còn nửa kia đưa cho mẹ. Sư ông nói đó là mục đích của người xuất gia, là ý gì vậy?
- Mô Phật ý Sư ông bảo: Mục đích người xuất gia trước tiên tự giải thoát cho mình, sau đó giải thoát cho chúng sinh: tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn
- Những câu khác thì hiểu. Còn câu chú hỏi Sư Ông thế nào gọi là “Tâm Chơn Như”. Sư Ông chỉ mỉm cười không trả lời. Có phải Sư ông không biết nên không trả lời? Có phải như vậy không?
- Mô Phật không phải! Ý Sư ông bảo: “Tâm Chơn Như là cái tâm tánh bất sanh bất diệt. Thể và Tướng nó to lớn bao trùm tất cả các pháp ( nhứt pháp giới đại tổng tướng pháp môn thể). Sở dĩ các pháp sai khác là do vọng niệm; nếu rời vọng niệm thì không còn các cảnh tướng sai khác. Bởi thế nên tất cả pháp từ hồi nào đến giờ, không thể dùng danh tự để kêu gọi, không thể dùng lời nói luận bàn, không thể dùng tâm suy nghĩ được, không có biến đổi và cũng không phá hoại vì nó rốt ráo bình đẳng, chỉ có một "Tâm Chơn như" mà thôi” (Luận Đại Thừa Khởi Tín)
- Mô Phật! Bây giờ thì hiểu hết rồi.
Đến lượt người đàn ông hỏi đạo:
- Thế nào gọi là vô minh?
Chú Ngộ Tánh nhắm đôi mắt lại, bảo:
- Đó là vô minh!
- Sự tác hại của vô minh?
Chú ngộ tánh nhắm mắt, rồi đứng dậy đi đụng phải cái ghế té ngã xuốg đất. Chú đứng dậy bảo:
- Đó là tác hại của vô minh!
- Thế nào là sự tham đắm của ái dục?
Chú Ngộ tánh, lấy 1 ly nước bỏ muối vào, sau đó uống. Bảo rằng:
- Sự tham đắm ái dục cũng như thế.
- Trách nhiệm chính của chú là gì?
Chú Ngộ Tánh dùng chiếc quẹt diêm dốt cây đèn này, mồi tiếp qua cây đèn khác:
- Đó là trách nhiệm của cháu!
- Sao Chú nói khó hiểu quá!
Người nữ thí chủ chen vào câu chuyện bảo:
- Trách nhiệm chính của người xuất gia là: “Truyền đăng tục diệm”. Nghĩa là luôn tiếp nối ngọn đèn chánh pháp của Như Lai đừng để ngọn đèn chánh Pháp của Như Lai tắt đi. Có đúng vậy không Chú?
- Mô Phật! Lành thay nữ thí chủ đã hiểu đạo. Mô Phật, bây giờ trời đã gần tối rồi, Ngộ Tánh phải về chùa lo công phu, lo việc chùa.
Sau khi chia tay hai vị đại thí chủ. Chú Ngộ tánh về lại chùa. Chú Ngộ tánh vào đảnh lễ Phương trượng. Phương trượng hỏi:
- Con về nhà có gặp ông bà, bố mẹ không?
- Bạch Thầy! Con có gặp ạ. Con gặp ông bà, bố mẹ ở giữa đường và quán nước.
Phương trượng bảo:
- Ừ cũng thế! Tất cả ông bà, cha mẹ, thân bằng quyến thuộc, giống như là những người bạn cùng đi trên một lộ trình, dừng chân nghỉ ngơi trên một quán trọ của của cuộc đời, gặp nhau rồi ai cũng phải chia tay nhau. Chú gặp họ tức có duyên, đã thuyết pháp cho họ hiểu. Họ không làm các điều ác, thường làm các điều lành, giữ tâm ý trong sạch, không bị trôi lăn sinh tử luân hồi, chấm dứt khổ đau. Đó cũng là cách báo hiếu của người xuất gia đối với ông bà, cha mẹ. Chú đi đường mệt rồi, tắm rửa dùng cơm còn công phu nữa.
- Dạ, mô Phật!
Viết bởi: Thích Trí Giải
http://trigiai.blogspot.com/2010/09/chu-tieu-ngo-tanh_28.html
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 comments:
Post a Comment