Trong giáo lý của thầy Tăng Hội, ta tìm thấy tư tưởng tâm tính bản tịnh, the nature of the mind is originally pure. Bản tính của tâm vốn là thanh tịnh. Vì những ô nhiễm của phiền não che lấp thành ra tâm ấy không chiếu sáng được. Vì vậy cho nên tu tập là lau chùi phiền não. Sau này thầy Thần Tú lúc trình kệ kiến giải: "Tâm như minh kính đài" cũng chỉ nói như vậy thôi. Tâm như minh kính đài có nghĩa là tâm mình như là một đài gương sáng, và mỗi ngày cần phải lau bụi. Chúng ta biết rằng tư tưởng này làm nền tảng cho các tư tưởng Pháp thân và Phật tánh.
Trong giáo lý của thầy Tăng Hội có tư tưởng một là tất cả, tất cả là một. Đó là giáo lý tương nhập, tương tức. 'Một là tất cả' là tư tưởng Hoa Nghiêm. Trong giáo lý của thầy Tăng Hội có tư tưởng đại viên cảnh trí. Tâm của mình như một tấm gương sáng, lớn và tròn. Cố nhiên trong giáo lý của thầy có tư tưởng của A lại gia thức nhưng lúc đó chưa gọi là A lại gia thức. Và cũng có tư tưởng tàng và chủng tử. Những tư tưởng này rất rõ ràng trong các văn kiện mà chúng ta đang học. Hai hình ảnh mà thầy dùng là hai hình ảnh rất đặc thù. Thứ nhất là hình ảnh của biển cả. Nước muôn sông đổ về biển cả. Biển cả tức là tàng thức và nước mưa từ các sông chảy vào là những ấn tượng đi vào trong tâm thức bằng đường mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Hình ảnh thứ hai là hình ảnh người gieo mạ, người gieo hạt trong lúc chạng vạng. Thầy đã dạy chúng ta rằng bồ đề tâm hoặc đạo chí là nguồn năng lượng rất quan trọng đưa đến sự thành đạt sự tu học. Chúng ta phải sống đời sống hằng ngày như thế nào để cho đạo chí ấy mỗi ngày được vun trồng. Bồ đề tâm ấy có khi gọi là sơ tâm, mỗi ngày một vững chãi hơn. Sống làm sao để mỗi ngày cái đạo chí, cái sơ tâm đó cứ mòn mỏi bớt đi một chút thì hỏng hết, lỗ vốn hết, lỗ vốn cho thầy Tăng Hội, lỗ vốn cho các Tổ. Thầy Tăng Hội cũng có dạy về năm phép quán chiếu. Năm phép này chắc là của thầy làm ra.
Thứ nhất là quán chiếu về sự biến đổi của nét mặt. Thầy dạy ta phải quán chiếu về nét mặt của người khác và nếu có một tấm kính ở trong phòng khách, thì mình cũng nên quán chiếu về nét mặt của chính mình. Nét mặt là một tiếng chuông chánh niệm. Kinh cứ hay nói tới hình ảnh một người vừa tắm gội sạch sẽ, mặc áo đẹp, nhìn vào trong một tấm gương hay là trong một bát nước. Thấy mặt mình sạch sẽ, không có một vết nhơ nào người ấy lấy làm hân hoan và nói: "Cái mặt của mình khá sạch." Người có tật xấu và nội kết thì biết rằng mặt mình không được sạch lắm, nó có vết nhơ. Biết rằng có vết nhơ như vậy thì phải làm thế nào để lau cho sạch. Cái đó gọi là soi gương. Còn người nào thấy khuôn mặt mình sạch sẽ không có vết nhơ thì người đó sẽ lấy làm hân hoan, như là trong kinh Tỳ Kheo Thỉnh. Ở đây thầy Tăng Hội nói rằng mình nên thường xuyên quán chiếu nét mặt, nét mặt của người kia và nét mặt của mình. Biết rằng nét mặt đó không phải là cứ như vậy hoài, nó có thể thay đổi. Nếu nét mặt của người sư chị mình không được tươi thì mình nhớ và biết rằng không phải nét mặt đó sẽ buồn như vậy hoài. Chính sư chị hoặc chính mình có thể làm cho nét mặt đó thay đổi bằng nụ cười, bằng ánh mắt, bằng hành động. Nét mặt của mình cũng vậy. Nhìn vào gương, thấy nét mặt mình không được tươi lắm, mình nên nói rằng nét mặt mình tuy không tươi, nhưng không hẳn là nó sẽ phải như vậy hoài. Nếu mình biết thở, biết đi thiền hành, biết tự nuôi dưỡng mình bằng những niềm vui thì nét mặt mình sẽ thay đổi.
Thứ hai là quán chiếu về sự biến đổi của khổ vui. Bây giờ thì là khổ nhưng có thể lát nữa sẽ có vui. Thành ra ta đừng có nghĩ rằng người đó khổ một hôm thì hôm sau nhất định là sẽ khổ tiếp. Không có thể có sự thay đổi. Ngày hôm nay mình cảm thấy khổ đau nhưng đừng nghĩ rằng tất cả cuộc đời của mình sẽ khổ dài dài như vậy. Người kia cũng vậy. Mình thấy người ấy như chỉ biết khổ chứ không biết vui. Mình đừng nói rằng cái khổ đó sẽ trường tồn. Nếu biết tu học, nếu có tăng thân, có sự giúp đỡ của mình thì người ấy có thể chuyển khổ thành vui. Sống không chánh niệm, không công phu, không thực tập thì cái vui ngày hôm nay dù có ngày mai cũng sẽ mất. Vì vậy cho nên nhìn vào sự biến dị của khổ và vui để biết và để thực tập.
Thứ ba là quán chiếu về sự biến đổi của ý muốn (intention). Hôm nay ta muốn cái này nhưng ngày mai ta lại muốn cái khác. Hôm nay ta nghĩ rằng cái kia là điều kiện tất yếu của hạnh phúc. Vì nghĩ như vậy cho nên ta đi về hướng kia. Vì đi về hướng kia cho nên thế nào ta cũng vấp ngã. Nhưng ta có thể thay đổi hoặc giúp người kia thay đổi. Nếu liên hệ giữa ta với người ấy tốt đẹp thì ta có thể ảnh hưởng tới người ấy và ta thay đổi được ý muốn của người ấy.
Thứ tư là quán chiếu về sự biến đổi của hình thể. Một người gầy ốm có thể trở thành bớt gầy ốm. Một người mạnh khỏe có thể trở thành đau yếu. Một người trẻ có thể trở thành già. Đó là quán chiếu về hình thể của người kia hoặc của chính mình. Thường thường trong đời sống hằng ngày ta hay nghĩ người kia mãi mãi sẽ là người kia, nhưng sự thật thì người kia thay đổi mỗi ngày, trong tâm ý cũng như ngoài hình thể. Nhờ sự thay đổi đó cho nên ta và người kia mới có cơ hội chuyển hóa. Đứng về phương diện vô thường mà xét thì tuy hôm nay mình còn có tuổi trẻ nhưng ngày mai tuổi trẻ đó sẽ không còn. Hôm nay chân mình đang mạnh, mình có thể chạy được, nhưng ngày mai mình có thể đi rất chậm và phải chống gậy. Vì vậy cho nên quán chiếu về sự thay đổi của hình thể giúp cho ta thấy được sâu sắc hơn về bản chất của sự sống. Và sau chót là quán chiếu về sự biến đổi của thiện ác. Cái thiện có thể chuyển thành cái ác. Cái ác có thể chuyển thành cái thiện. Cái đẹp có thể chuyển thành cái xấu. Cái xấu có thể chuyển thành cái đẹp. Thiện ác cũng vô thường. Vì vậy cho nên khi thấy cái thiện ở trong lòng mình hay cái thiện ở trong lòng người kia, mình biết rằng nếu không nuôi dưỡng cái thiện đó thì sau này nó cũng có thể trở thành ác. Quán chiếu để thấy được những phiền não ở trong lòng: đó là những cái ác. Nếu ta biết cách quán chiếu và chuyển hóa thì những phiền não kia có thể trở thành an lạc và hạnh phúc. Chúng ta có tư tưởng phiền não tức bồ đề, tức là hoa có thể được vun bón bằng rác. Nếu không có rác thì không có hoa. Trong bài Phương Pháp Đạt Thiền, thầy Tăng Hội có đặt câu hỏi là thực tập bốn thiền có đủ để đắc quả A La Hán hay không. Câu trả lời là có thể được mà cũng có thể không. Nếu nội dung của tứ thiền mà không giàu có thì tứ thiền chỉ nặng về phương diện hình thức và kết quả của sự thực tập tứ thiền có thể là rất khiêm nhượng. Nghĩa là những người tu về tứ thiền chỉ có thể sau này được sinh lại trên những cõi trời thôi, chứ không đạt được quả vị giải thoát A La Hán. Thầy viết rằng nếu tâm ý ta vẫn còn là tâm ý của nhất thiền thì ta chưa đắc được quả vị A La Hán và khi lâm chung ta sẽ sinh lên cõi trời thứ bảy, sống được một kiếp ở trên cõi trời đó mà thôi. Nếu tâm ý vẫn còn là tâm ý của nhị thiền thì khi lâm chung ta sẽ sinh lên cõi trời thứ mười một, thọ được hai kiếp. Nếu tâm ý chỉ là tâm ý của tam thiền thì khi lâm chung ta sẽ sinh lên cõi trời thứ mười lăm, thọ được tám kiếp. Nếu tâm ý chỉ là tâm ý của tứ thiền thì khi lâm chung ta sẽ sinh lên cõi trời thứ mười chín, thọ được mười sáu kiếp. Đó không phải là giải thoát. Sanh lên cõi trời không phải là mục đích của sự tu học. Bụt thực tập không phải là để sinh lên cõi trời. Bụt thực tập là để giải thoát. Cho nên những dòng này của thầy Tăng Hội chứng tỏ rằng tứ thiền không phải là cái gì tuyệt đối cần thiết trong sự thực tập đạo Bụt. Tứ thiền chỉ là khung cảnh của sự thực tập thôi. Bản chất của sự thực tập là An Ban Thủ Ý, là Niệm Xứ, là Bát Định, là Thập Tưởng.
Monday, April 18, 2011
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 comments:
Post a Comment