Sunday, April 3, 2011

Nhận diện các tâm hành

Cảm thọ chỉ là một trong số 51 loại tâm hành, tức là những hiện tượng tâm lý (mental formations). Tâm hành (citta samskara) có khi được gọi là tâm sở. Giận là một tâm hành, lo là một tâm hành, buồn là một tâm hành, thương, ghét và chán nản là những tâm hành. Tất cả những tâm hành ấy đều có hạt giống và có gốc rễ trong chiều sâu tâm thức ta. Những tâm hành nhẹ nhàng có tác dụng giải phóng, chuyển hóa và đưa chúng ta lên cao là những tâm sở thiện. Có những tâm hành có tác dụng gây đổ vỡ, gọi là tâm sở bất thiện. Có những tâm hành có tính cách phổ biến, gọi là tâm sở biến hành và những tâm hành phát hiện trong những trường hợp riêng lẻ, gọi là tâm sở biệt cảnh. Lại có những tâm hành bất định, có khi thiện, có khi bất thiện, gọi là tâm sở bất định. Ví dụ như tâm hành miên (buồn ngủ) có khi là tốt, có khi không tốt. Tâm hành hối cũng có khi tốt và có khi không tốt. Nếu chúng ta đã làm một hành động gây đổ vỡ, buồn đau cho người khác mà chúng ta biết hối hận thì tâm hành hối là một tâm hành thiện. Ta tự dặn lòng từ rày về sau sẽ không nói và không làm như vậy nữa. Nhưng nếu niềm hối hận đó biến thành một Đm ảnh, gây ra mặc cảm tội lỗi, khiến cho ta tê liệt không tiến thêm được nữa trên đường đạo nghiệp, thì tâm hành đó trở nên bất thiện. Hối trong trường hợp này được coi là một tâm hành bất định.






Một tâm hành bất định khác tên là tầm. Tầm có nghĩa là tư duy. Khi tư duy có thể giúp mình thấy được rõ ràng hơn thì tâm hành tầm là một tâm hành thiện. Nhưng nếu đầu ta cứ miên man nghĩ hết chuyện này sang chuyện khác, ta cứ tự để phiêu lưu trong thế giới tư tưởng suông, không thiền tập, không thiền hành được thì tầm trở thành một tâm hành bất thiện. Từ cũng vậy. Từ là so sánh, quyết trạch, tư lượng. Từ có khi có ích lợi, có khi lại là chướng ngại. Từ nhị thiền trở đi các tâm hành ‘‘tầm’’ và ‘‘từ’’ có thể làm cho ta không đi sâu được vào thiền quán. Vì thiền quán là tiếp xúc sâu sắc để chuyển hóa, để nhìn rõ, mà tư duy có thể kéo những sợi tơ dài làm cho đầu ta trở thành một cuộn chỉ rối. Lúc đó tầm và từ là một tâm sở bất thiện.





Có nhiều tâm sở thiện nằm trong chiều sâu tâm thức ta và có thể đã do các thế hệ cha ông và thầy tổ trao truyền lại. Ví dụ như tâm hành bất hại (ahimsa, non-harming). Không muốn gây ra một đổ vỡ và hư hại nào trong sự sống, dù một cành cây nhỏ cũng không muốn làm gẫy, đó là bất hại. Bất hại là từ bi. Một tâm hành khác là tàm. Tàm tức là hổ thẹn, mắc cở, biết hổ, biết thẹn nhờ có chánh kiến. Thấy mình không đáp ứng được sự trông đợi của thầy, của tổ, của cha mẹ, anh em và bằng hữu thì trong lòng hổ thẹn, đó là tàm. Ví dụ khác là tâm hành vô sân. Vô sân tức là sự vắng mặt của giận hờn. Ai nói gì cũng cười hề hề không giận, đó là tâm hành vô sân, đó là sự hoan hỉ nguyên chất. Người học tâm lý học Phật giáo thuộc lòng những tâm hành thiện: tín, tàm, quý, vô tham, vô sân, vô si, cần, khinh an, bất phóng dật, hành xả, bất hại.





Có những tâm hành được gọi là bất thiện, chúng làm cho tâm ta rối lên, mê mờ, đen tối đi, và trói buộc ta lại. Tâm hành bất thiện cũng gọi là phiền não, có khi gọi là hoặc, chữ Phạn là klesa. Hoặc là những phiền não, những mê mờ. Mê hoặc là đưa ta đi lầm đường lạc lối. Thơ Vũ Hoàng Chương có câu trông ra bến hoặc bờ mê.





Hoặc có khi gọi là lậu (astrava). Lđau là ngược đầu trở lại, là đi vòng trở lại, là quanh quẩn. Lđau có nghĩa là nứt rạn, như nước ở trong bình nứt rỉ ra gọi là lậu. Những tâm hành có tác dụng đi xuống, làm cho mình sa xuống thấp, và quanh quẩn trong buồn giận, sầu đau, v.v.. đều gọi là lậu. Khi được chuyển hóa rồi tình trạng được gọi là vô lậu. Vô lậu là không còn nứt rạn nữa.





Có những phiền não căn bản, và có những phiền não thứ yếu. Những phiền não căn bản là tham, sân, si, mạn, nghi, kiến. Những phiền não nhẹ hơn như vô tàm, vô quý, trạo cử, hôn trầm, thất niệm, phóng dật, bất chánh tri. Ngoài các tâm hành thiện và bất thiện, chúng ta phải biết tên năm tâm hành phổ quát gồm có tác ý, xúc, thọ, tưởng và tư. Những tâm hành đặc biệt là dục, thắng giải, niệm, định và tuệ. Các vị đã học Duy Biểu Học, xưa gọi là Duy Thức, thì đã biết được tên gọi cũng như là bản chất của từng tâm hành đó.





Vậy thì trong lĩnh vực tâm thức, có 51 loại hiện tượng tâm lý có thể phát hiện trong ta. Mỗi khi một tâm hành phát hiện, ta phải dùng ánh sáng chánh niệm để nhận diện nó. Trước hết là sự nhận diện đơn thuần. Buồn thì biết mình đang buồn. Chỉ cần tự biết là mình đang buồn, dùng ánh sáng ý thức để soi rõ và nhận diện nỗi buồn.





Hôm nay trời nhẹ lên cao,

Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn.



Ban đầu thì tôi không hiểu vì sao tôi buồn. Nhưng nếu là thực tập chánh niệm và phát khởi được niệm, định và tuệ, thì ta sẽ biết tại sao ta buồn. Rồi chỉ cần mỉm một nụ cười thì nỗi buồn đó sẽ tan. Quán chiếu tâm hành bắt đầu bằng việc nhận diện đơn thuần, nhận biết sự có mặt của tâm hành. Nhận diện tâm hành trên ý thức không phải dễ. Nỗi buồn có thể lôi kéo ta từ bên này sang bên kia, từ suy tư này tới hoài niệm khác. Tâm hành buồn lại kéo những tâm hành khác tới, như các diễn viên qua lại trên một sân khấu vắng người. Người tu tập phải có mặt để nhận diện những tâm hành nào đang xuất hiện, đừng bao giờ để sân khấu tâm ý bị bỏ trống vô chủ. Cho nên học đi, đứng, nằm, ngồi trong chánh niệm để biết cái gì đang xảy ra là một thực tập cần thiết. Phương pháp đơn giản là mỗi khi buồn, ta dùng hơi thở, dùng bước chân, v.v.. để phát khởi chánh niệm và nhận diện sự có mặt của tâm trạng buồn. ‘‘Tôi đang buồn và tôi biết rằng tôi đang buồn’’. Tình trạng có thể đổi khác lập tức. Thay vì để cho tâm hành buồn độc diễn, ta đưa vào thêm một tâm hành khác, gọi là niệm. Tâm hành niệm là một trong năm loại tâm hành biệt cảnh. (biệt cảnh là particular, còn biến hành là universal. ) Đối tượng của chánh niệm bây giờ là nỗi buồn: ‘‘Tôi đang thở vào và tôi biết rằng tôi đang buồn, tôi đang thở ra và tôi mỉm cười với nỗi buồn của tôi’’. Buồn ơi chào mi !





Tu tập là như vậy. Thay vì tìm cách đàn áp và triệt tiêu cái buồn, ta phát khởi nhận thức về sự có mặt của cái buồn. Chánh niệm là một vùng năng lượng bao bọc lấy nỗi buồn và rọi ánh sáng vào đó. Nhà có chủ, chùa không phải là chùa Bà Đanh. Biết chăm sóc các tâm hành ta sẽ chuyển hóa được những tâm hành bất thiện và nuôi dưỡng được những tâm hành thiện.





Ý thức là sân khấu, trên đó những tâm hành được phát khởi. Phần dưới của tâm, cái phần vô thức, tiềm thức, chúng ta gọi là tâm địa, đạo Bụt gọi là tàng thức. Tàng có nghĩa là cất giữ. Mọi tâm hành đều ở sẵn trong tàng thức với tính cách những hạt giống, gọi là chủng tử (bija). Cái buồn, trước khi phát hiện, đã nằm sẵn trong tàng thức rồi. Nghe đọc một câu thơ: ‘‘trời nổi gió heo may’’ chẳng hạn, thì tự nhiên cái hạt giống buồn được tưới tẩm, và tâm hành buồn phát hiện.





Tâm địa tức là đất tâm có chức năng gìn giữ tất cả những hạt giống. Có những hạt giống hạnh phúc bị chôn vùi từ lâu trong đất. Một buổi sáng hạt giống của niềm vui nẩy mầm. Sự phát hiện của niềm vui này do công trình thực tập, tưới tẩm của chính ta, của tăng thân, bây giờ mới gặp hoàn cảnh thuận lợi. Mưa xuân nhẹ hạt đất tâm ướt, hạt đậu năm xưa hé miệng cười.





Quán niệm tâm hành trước hết là ý thức, nhận diện, và săn sóc tâm hành đó. Chánh niệm cho chúng ta thấy được sự có mặt của tâm hành không những trên sân khấu của ý thức, mà cả sau hậu trường của tàng thức nữa. Tàng thức là phần thâm sâu của ý thức, nói nó là một cũng được, là hai cũng được. Khi nhìn một em bé nói, cười, đi, đứng hoặc nhảy nhót, ta nhìn vào phần hiện tượng. Quán sát kỹ cách em nói, cười, đi và nhảy, ta đi sâu được vào những cội nguồn và gốc rễ, và thấy được những hạt giống mà ban đầu ta chưa thấy. Ta thấy được xã hội em bé đó sống, thấy được cha mẹ, ông bà, chủng tộc của em bé. Nhìn vào hoa trái ta thấy được gốc rễ.





Nghe một bà mẹ hát câu ru con, ban đầu ta chỉ cảm thấy man mác buồn thôi, nhưng khi tiếp xúc được với chiều sâu của tiếng ru rầu rầu đó, ta có thể thấy, trong âm hưởng của nó, những thế kỷ giặc giã, hàng ngàn năm sống trong áp bức, nô lệ và đói khổ. Ta thử nghe hai câu của Hoàng Cầm:





Tiếng bà ru cháu buổi trưa,

chan chan nắng hạ võng đưa rầu rầu.



Chánh niệm, thiền quán cho chúng ta thấy và tiếp xúc được với chiều sâu của các tâm hành. Một nỗi buồn vô cớ, nhẹ nhàng, có thể là dấu hiệu của một nỗi sầu vạn cổ đã được nhiều thế hệ tổ tiên trao truyền lại.





Quán chiếu về tưởng để vượt thoát mê lầm





Tưởng là một tâm hành rất quan trọng, đã được tách riêng ra một yếu tố của năm uẩn. Chúng ta hãy nhớ lại năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Sắc là hình hài ta. Thọ gồm những cảm thọ dễ chịu, khó chịu và trung tính. Tưởng là tri giác. Thọ là một tâm hành, tưởng là một tâm hành khác. Hành ở đây là tất cả 49 tâm hành còn lại, còn thức là phần tàng thức, là tâm địa, chỗ chôn giữ hạt giống của tất cả 51 loại tâm hành.





Tưởng là một tâm hành, cũng có hạt giống ở sâu trong tàng thức. Nghe tiếng bà ru cháu, mười người nghe có mười cái tưởng khác nhau. Người nghe có thể từ thành phố lại, từ thôn quê tới, hoặc từ ngoại quốc về thăm. Nếu dùng máy thâu âm, ta có thể xác định được tính cách khách quan của âm điệu những câu hát ru. Nhưng những người cùng nghe câu hát ru đó có thể có những nhận thức khác nhau. Có người từng nghiên cứu về nhạc dân tộc ở Phi châu, từng nghe những tiếng ru của các bà mẹ Phi châu, bây giờ trong cái tưởng của họ có sự so sánh những điệu hát ru. Chúng ta chỉ nghe với kinh nghiệm của một người đã từng được mẹ ru. Hoặc ta đã từng nghe tiếng ru em của một bà mẹ miền Nam, và bây giờ đây ta đang nghe tiếng ru miền Bắc hay miền Trung. Vậy cái tưởng, cái tri giác của ta về tiếng ru đó, có tính cách chủ quan. Còn nếu đang nghe lời hát ru mà lòng còn mải lo lắng thì nghe tiếng ru đó, ta không để ý tới, ta không thấy thấm thía, ta chỉ thấy những âm thanh thoảng qua.





Tri giác của ta có thể chứa đựng nhiều sai lầm. Hành động, lời nói và tâm trạng, tất cả đều căn cứ trên tưởng. Tri giác mang nhiều tính chủ quan, trong đó có những chất liệu phiền não như thèm muốn, giận dữ, si mê và tà kiến. Căn cứ trên tri giác ấy, ta buồn, vui, khổ đau hoặc hạnh phúc. Cho nên quán chiếu về tưởng rất quan trọng.





Nếu chúng ta có một ý niệm về hạnh phúc, thì ý niệm hạnh phúc cũng là một cái tưởng. Trong đầu ta và cả trong tiềm thức của ta, có một ý niệm là hạnh phúc chỉ có thể có khi ta đạt được cái này hay cái kia. Trong hầu hết các trường hợp, quan niệm có sẵn của ta về hạnh phúc chướng ngại đầu cho chính hạnh phúc. Có một anh chàng tin chắc nếu không cưới được cô gái ấy thì đời anh không còn đáng sống nữa. Anh tin chắc đến nỗi không ai có quyền nói khác. Mấy năm sau anh có thể sẽ tìm ra sự thật là người đàn bà kia chỉ có thể làm cho anh đau khổ không ngừng trong quá trình yêu thương.





Khi vướng vào một quan niệm về hạnh phúc rồi, ta có thể khổ đau vì quan niệm đó. Nếu không chiếm được cái này, không thực hiện được cái kia, thì đời ta không có nghĩa gì nữa! Trong khi có cả hàng ngàn hoặc hàng vạn điều kiện của hạnh phúc ở ngay đây mà ta không tiếp xúc được, mà ta tiếp tục dẫm đạp lên. Thành ra cái ý niệm về hạnh phúc, cái tưởng về hạnh phúc của ta, là chướng ngại chặn đường hạnh phúc của ta.





Tri giác trước hết là tri giác sai lầm, là vọng tưởng. Trong Phật học, kiến hoặc tà kiến là tiếng dùng để chỉ cho tri giác sai lầm. Vì vậy tưởng thường được đồng nhất với vọng tưởng, cũng như kiến thường được đồng nhất với tà kiến. Khi nhìn thấu được bản chất của tri giác rồi, ta thoát khỏi tri giác, bấy giờ nhận thức ta được gọi là trí, cái thấy đạt đạo. Trạng thái đó không gọi là tưởng - cũng không phải là phi tưởng. Chánh niệm soi chiếu để ta nhận diện được cái tưởng của ta. Tiếp tục quán chiếu các tâm hành, đến một ngày đó ta sẽ thấy được gốc rễ sâu xa của các tâm hành. Và quá trình tu tập để nhận diện và quán chiếu là đi thiền, ngồi thiền, ăn cơm im lặng; là công phu, là mỗi bước chân, mỗi hơi thở, từng giây phút đều được sống trong chánh niệm, trong tỉnh thức. Và điều đó chính ta phải tự mình làm lấy, người khác không ai làm hộ cho ta được.





Chúng ta hãy tưởng tượng hai người hàng ngày sống bên nhau, mỗi người có tri giác (tưởng), những nỗi vui và buồn riêng của mình. Nằm sâu trong tàng thức mỗi người là những hạt giống nhận thức về hạnh phúc và về khổ đau. Tiếp xúc với hoàn cảnh và với người kia tạo thành những cái tưởng, và căn cứ trên những cái tưởng ấy mỗi người đoán định và hành xử đối với người kia. Người kia cũng có những vui, buồn, và những nhận thức riêng đưa tới những cái tưởng có thể là rất khác và những cái tưởng ấy của hai người có thể chống đối nhau. Những đau khổ của chúng ta trong đời sống chung thường được phát sinh ra từ những cái tưởng của ta, từ những hình ảnh và ý niệm mà mỗi người có về chính mình và về người kia, trong đó có đầy dẫy sai lầm.





Công phu tu học bắt đầu bằng việc quán chiếu cái tưởng của mình. Cũng như phải buông bỏ quan niệm sẵn có của mình về hạnh phúc mới có thể đạt được hạnh phúc chân thật. Sự thật là chúng ta có thể đang có đủ mọi điều kiện để sống hạnh phúc. Nhưng chính vì cái tưởng cho rằng muốn có hạnh phúc thì phải được thế này, được thế kia, cho nên ta bị kẹt và không có hạnh phúc. Tất cả nỗ lực tu học của chúng ta đều nhắm tới phá tan cái tưởng đó. Đối tượng của sự tu học là phá vọng tưởng, vọng tưởng về sanh và diệt, về có và không, về đến và đi, về nhiều và một; đó là những vọng tưởng căn bản. Phải dùng nguồn năng lượng chánh niệm của ta trong đời sống tu tập hàng ngày để phá vỡ những cái tưởng ấy. Đó là giải thoát. Đi thiền, ngồi thiền, ăn cơm im lặng, học kinh, thực tập hơi thở đều để làm chuyện đó. Tri giác về mình đầy dẫy sai lầm và tri giác về người đầy dẫy sai lầm. Nếu những tri giác đó vẫn còn nguyên vẹn không thay đổi gì, thì đó có nghĩa là ta chưa thực tập quán chiếu về tưởng.

http://www.thuvien-thichnhathanh.org/index.php/sach/76-trai-tim-ca-bt/430-ttcb-14-quan-chiu-cm-th?start=1

0 comments:

Post a Comment