Sunday, February 26, 2012

Không Nên Làm Ô Nhiễm Hư Không _ HT Tuyên Hoá giảng trong Khai Thị 4


Chúng ta cùng với hư không là một, chúng ta có những vọng tưởng gì, tự nhiên chúng ta sẽ phát ra những ý vị cùng loại, làm đầy ắp hư không. Hư không đã bị ô nhiễm, chúng ta lại hấp thụ khí ô nhiễm vào mình, bèn sanh ra tật bệnh, nhẹ thì thân thể không thơ thới, nặng thì ôi thôi!
Những vọng tưởng về tà tri tà kiến của chúng ta, như các tâm sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, sân hận, ghen ghét, những loại tâm chướng ngại, đều chứa đựng độc tố ở bên trong, nên khi chúng phát ra sẽ làm cho không gian bị ô nhiễm. Bởi không gian chứa nhiều độc tố, thành thử hấp thụ chúng vào cơ thể, cơ thể sẽ trúng độc, các tế bào sẽ biến thể, nạn nhân nếu không mắc chứng ung thư thì cũng là một loại bệnh nặng, không vượt qua được. Bởi lý do đó, chúng ta phải làm sao cho tư tưởng và hành vi lúc nào cũng chánh đại quang minh kẻo trời đất bị nhiễm thêm độc khí. Vũ trụ mà bị tràn ngập độc khí, thì chúng sanh toàn thế giới phải trúng độc mà tử vong,.
Vọng tưởng của chúng ta mang tính cách bất thiện, độc khí trong hư không sẽ tăng thêm một chút ít; vọng tưởng của chúng ta mà thiện thì cái ý vị tốt lành trong hư không cũng sẽ tăng thêm. Ðộc khí nếu đầy ắp hư không sẽ vạn lần tàn khốc hơn bom đạn nguyên tử.
Trong con người của chúng ta, cũng có đạn nguyên tử, đạn khinh khí, đạn hạch tâm. Nếu trong tâm không có thứ này thứ kia, thì trên thế giới cũng không có hiện tượng này, hiện tượng kia. Cái đó nghĩa là, bên trong có cái gì thì bên ngoài cũng hiện ra cái đó, nếu trong không có gì, ngoài cũng không thấy có gì biểu hiện, như câu nói: "Vạn pháp duy tâm tạo."
Người xưa có câu: "Thiên hạ bổn vô sự, dung nhân tự nhiễu chi," nghĩa là thiên hạ tự nó chẳng có chuyện gì, có chuyện là do người gây rắc rối. Ðây là ám chỉ những kẻ ngu si, nhận thấy cái nầy thật, cái kia thật, thật này thật kia, rồi chết cũng thật, mà chính mình chẳng hiểu chết ra sao, đáng thương quá!
Kẻ ngu si, sống trong thế gian, nào điên đảo, nào phiền não, nào tranh cãi, chẳng bao giờ thôi. Ở ngoài không có, ở trong thì có ; ở trong không có, trong giấc ngủ thì có. Có cái gì? Có vọng tưởng. Vọng tưởng rối bời, tâm không thanh tịnh. Phải nhớ rằng vọng tưởng chính là hòn đá buộc chân người tu đạo, trở ngại cho chúng ta khó thành tựu đạo nghiệp.
Các vị coi! Người ta đúng là một quái vật, chính mình lại không nhận ra mình là quái vật, còn coi tấm thân này là quý giá phải yêu thương bảo vệ, lúc nào cũng nghĩ tới nó. Phải uống viên thuốc bổ vitamin đi! Sống thêm vài năm nữa! Bất cứ ai, linh mục, mục sư, hòa thượng, phần đông cứ mỗi ngày phải uống những viên vitamin, coi như đó là nguồn sinh lực, nguồn khang kiện, một phương cách duy trì sinh mạng, trường sanh bất tử.
Bây giờ tôi nói cho quý vị nghe! Hãy bớt vọng tưởng đi, cái đó còn hữu dụng hơn bất cứ thứ thuốc bổ nào. Không tin sự thật đó thì quả là quá si mê. Ðó là đạo lý chân chánh, không thể không tin, nếu như không tin tức là không có trí huệ. Người không có trí huệ thì không biết tin vào chân lý.
Thế nào là chân lý? Chân lý là đạo lý chân chánh. Lấy một thí dụ, người có nhiều lòng dục, thì dùng thuốc bổ gì cũng vô hiệu. Lý do là ở tính chất của chữ "lậu," lậu tức là thấm ra, thoát ra ngoài.
Người đó không hiểu rõ ý nghĩa của phép dưỡng sanh chân chánh: thanh tâm quả dục, giữ tâm trong sạch, ít dục vọng. Chúng ta là kẻ tu hành, đầu tiên là bỏ ái trừ dục, một quy tắc căn bản, nếu không, dù có tu đến tám vạn đại kiếp cũng chẳng thành tựu được gì.
Tôi từ San Francisco đến Vạn Phật Thánh Thành giảng kinh, lẽ dĩ nhiên tôi phải nói đúng sự thật, khiến quý vị hiểu rõ thực tánh của việc tu đạo. Nếu tôi không nói thật cho quý vị hay thì trời lạnh như thế này, tất cả đều ngồi ở trong giảng đường sẽ bị gió lạnh xâm nhập, nếu như không đạt được chân lý, thì công chịu lạnh chẳng được ích gì, cứu vãn không lại.
Ðiều tôi nói ngày hôm nay là sự thật, tôi mong quý vị nghe xong thì tự liệu lý lấy ba độc tham, sân, si của mình, đừng phóng độc khí lên không gian, ngỏ hầu giúp cho hết thẩy chúng sanh được hít thở chút không khí tươi mát, thì công đức của quý vị thật là vô lượng, giống như gián tiếp làm cuộc phóng sanh vậy. Tôi hy vọng thêm rằng tất cả chúng ta hãy cố tiêu diệt vọng tưởng. Nếu không có vọng tưởng thì hoàn toàn được tự tại, rất quý. Như vậy, có chịu lạnh cũng không uổng công.
Mùa đông tại Vạn Phật Thánh Thành chính là để khảo nghiệm định lực của các vị tu hành, để huấn luyện thân tâm của các vị. Tới mùa hè, Vạn Phật Thánh Thành cũng là một trường khảo nghiệm.
Hết thẩy là khảo nghiệm,
Coi thử mình ra sao,
Ðối cảnh như không biết,
Phải luyện lại từ đầu.
Các vị phải ghi nhớ mấy câu này.
Sau đây mấy ngày chúng ta sẽ tổ chức Phật-thất và Thiền-thất (một Phật-thất, ba Thiền-thất, hạn kỳ là 28 ngày). Theo nghĩa câu "Ðông thiền, Hạ học," thì trong mùa Ðông, khí hậu lạnh lẽo, người ta nên tu tập tham thiền. Trong những ngày hè vì trời nóng bức, tốt hơn là nghe giảng kinh và thuyết pháp. Tại sao? Nếu như tham thiền trong bầu không khí oi ả, ngồi như vậy sẽ đổ mồ hôi, trong tâm sinh phiền muộn và ngồi lâu không nổi. Trời Ðông, lạnh ngăn ngắt, khi ngồi xuống tựa như ôm một khối băng trong lòng phải cắn răng chịu đựng. Lúc đó trong mình sẽ có một luồng hơi ấm bốc lên, xua đuổi khí lạnh không cho nó len lỏi vào cơ thể, và như vậy sẽ an tâm tĩnh tọa, dễ có cơ duyên vào định. Nếu như không phát động được luồng hơi ấm trong thân, hành giả sẽ cảm thấy lạnh xâm nhập. Ôi chao! Trời lạnh quá! Lạnh chết người à! Quý vị không dụng công, cố nhiên cảm thấy lạnh; nếu dụng công thì chẳng thấy lạnh.
Nay có công án này, nói ra để tham khảo. Trước đây có một vị thiện tri thức dẫn một nhóm đệ tử đi ra ngoài hành cước tham vấn đạo. Tất cả đều là dân miền Nam, nay đi lên phương Bắc lại gặp lúc mùa đông giá lạnh, trời băng đất tuyết khiến các loại côn trùng đều bị chết lạnh. Nhóm đệ tử chịu không nổi lạnh mới đốt lửa lên để sưởi ấm. Vị thiện tri thức thấy vậy bèn quở cho một phen: "Người tu đạo nếu không ráng chịu được đói rét thì còn tu tập gì được," nói rồi ông tính lấy nước để dập tắt lửa đồng thời dạy rằng: "Các ngươi không biết phát động lò lửa bên trong của mình, lại chạy ra ngoài kiếm lửa cho ấm, thật là chẳng có chút chí khí nào, chẳng có chút quyết tâm nào!" Các đệ tử thấy sư phụ giận, đều im tiếng không dám nói một câu, dập tắt hết lửa, thấy lửa bên trong mình nhen nhúm lên, bèn ngồi luôn xuống đất tĩnh tọa và không còn cảm thấy lạnh nữa. Từ đó thấy rằng, chúng ta không thể nhờ cậy vào duyên bên ngoài, mà phải biết tự cường, dùng nghị lực của chính mình để khắc phục mọi hoàn cảnh bất như ý.

0 comments:

Post a Comment