KTĐT - Để “cải tạo” khẩu vị của bố chồng, bên cạnh nấu những món ông thích, cứ ngày cuối tuần, tôi bắt đầu mua về nhà những món mới lạ, món Âu và rủ ông cùng ăn.
Bố chồng tôi là người khắc nghiệt. Trước ngày cưới, chúng tôi cùng nhau đi sắm sửa đồ đạc cho gian phòng hạnh phúc. Nhưng thay vì được quyết định mọi việc, chúng tôi nhận được “tối hậu thư” của bố chồng là phải mua đồ đạc theo đúng ý của ông.
Tuyệt vọng
Tôi vô cùng bất ngờ vì đây là phòng riêng của hai vợ chồng tôi, tôi có quyền mua theo ý mình. Nhưng có lẽ đã quen nếp, hoặc không muốn xảy ra xích mích trước ngày vui, chồng tôi đồng ý làm theo lời bố. Thế là, từ giường cưới, tủ, bàn trang điểm... chúng tôi đều phải mua một màu gụ vì đó là màu yêu thích của bố chồng tôi.
Ngay chiếc giường cưới, bố chồng tôi cũng đưa kích thước, buộc phải mua đúng ý ông. Giường mua về, việc đầu tiên ông làm là cầm lấy chiếc thước dây, đo ngang dọc. Khi biết giường “khớp” chỉ số tới từng cm, ông tỏ ra hài lòng. Cũng chính tay ông chỉ đạo chúng tôi kê đồ ở đâu, góc nào.
Trong nhà, không bao giờ ông động chân, động tay vào bất cứ việc gì. Trước khi tôi về làm dâu, mọi việc đều đổ lên đầu mẹ chồng tôi. Ngay cả chén nước chè ông uống, hễ ông bước ra chỗ khác là bà phải chạy ra rửa sạch sẽ, gọn gàng để phục vụ ông những lần uống chè tiếp theo.
Tôi làm ở công ty nước ngoài, công việc vô cùng căng thẳng. Nhiều hôm, cường độ làm việc liên tục tới 10 tiếng mỗi ngày, tối về chỉ muốn nằm ỳ trên giường cho giãn xương cốt, thứ 7, chủ nhật cũng mong ngủ rốn thêm để lấy lại sức, chuẩn bị cho tuần làm việc kế tiếp. Nhưng, thay vì thông cảm cho tôi, ngay sau đêm tân hôn của tôi một ngày, sáng sớm hôm sau, bố chồng tôi đã gõ cửa, yêu cầu tôi dậy sớm. Thì ra, ông muốn tôi thực hiện nghĩa vụ của người con dâu. Ông ghi cho tôi một bảng danh sách những việc tôi phải làm (trước đây là mẹ chồng tôi đảm nhiệm).
Sáng, từ 5h ông đã muốn tôi dậy đun nước, rửa ấm chén, pha trà. 6 giờ lau nhà, dọn rửa nhà vệ sinh để ông còn vào rửa mặt, chân tay. Trước khi đi làm, tôi phải nấu ăn sáng cho cả nhà. Tôi choáng váng, không tin vào tai mình. Những việc như thế, với mức lương của tôi, tôi thừa sức thuê một osin để dành thời gian nghỉ ngơi. Nhưng bố chồng tôi lại không cho phép. Mới vài hôm trước đây, khi tôi còn chưa lên xe hoa, bố mẹ đẻ không bao giờ “hành hạ” tôi thế này. Nhưng tất cả đã muộn.
Bố chồng tôi gia trưởng, không chỉ trong việc lên kế hoạch của gia đình. Ông còn là “cảnh sát” trong công việc bếp núc. Hằng tối, đi làm về, không dám chần chừ lâu, chỉ kịp trút bỏ bộ quần áo cơ quan, tôi đã vội lao vào bếp giúp mẹ chồng nấu cơm. Nhưng không bữa nào tôi được yên. Bố chồng tôi luôn ngồi trên chiếc ghế bố kê ở phòng khách, nhưng mắt ông lại hướng vào căn bếp nhỏ. Ông cứ nhìn chằm chằm như vậy, rồi bắt đầu chỉ huy: “Con đảo nhẹ thôi, không nát hết rau”, rồi thì “tại sao thịt rán mà con lại nặn to như vậy”, hay là “gia vị phải cho vào trước thì thức ăn mới ngấm”...
Cứthế, lời chỉ huy của ông làm tôi lúng túng như gà mắc tóc. Mỗi lần vào bếp, tim tôi lại đập thình thịch. Nhiều lúc, tôi chỉ mong ông “ốm” phải nằm trên giường thì tôi mới thoát cảnh bị theo dõi như vậy.
Đồ trong bếp, thức ăn nấu hằng ngày cũng vậy, nhất nhất phải theo ý bố chồng tôi. Nước mắm trong nhà tôi bao giờ cũng chỉ được ăn một loại duy nhất, của một hãng duy nhất. Một lần, do không biết, tôi mua một chai nước mắm loại khác mang về, ông liền chê ỏng eo là nước mắm này tanh, không ngon. Giữa trưa nắng, ông bắt tôi phải đi mua chai nước mắm khác đúng chủng loại mới bằng lòng.
Các món ăn cũng vậy. Ông thích ăn canh cá, nhưng chỉ thích ăn phần thân. Phần đầu, đuôi mua về, vì ông không thích nên cũng không ai dám ăn. Một bận, mẹ chồng tôi tiếc của, gắp khúc đuôi vào bát. Lập tức, ông cầm chiếc đũa quật mạnh vào tay mẹ chồng tôi và gắp khúc cá ra khỏi bát bà. Trước đông đủ con cái, ông mắng bà là keo kiệt, bủn xỉn và ăn khúc đuôi lắm xương, bà mà hóc xương cá thì còn tốn tiền thuốc hơn là tiền cá. Tôi len lén nhìn bà, nhìn ông, cảm thấy như mình đang ở trại lính dưới sự điều hành của một vị tướng thô bạo.
Dần dần, tôi sợ bố chồng thực sự. Tôi về nhà là chui tọt vào phòng, hạn chế tối đa tiếp xúc với ông. Nhiều lần, tôi có việc phải ra ngoài phòng khách, nhưng hễ thấy ông ở đó là tôi lại vào phòng riêng. Chỉ khi nghe tiếng chân ông đi rồi, tôi mới chạy vụt ra ngoài rồi lại vội vã về phòng, đóng cửa, thở phào như thoát một nạn gì lớn lao lắm.
Ngậm đắng nuốt cay suốt gần 6 năm, con gái của chúng tôi đã sắp vào lớp một. Cho đến một ngày, tôi cảm thấy mình gần như không thể chịu đựng hơn được nữa. Cuối cùng, tôi đánh bài ngửa với chồng, yêu cầu anh chọn hoặc là tôi và con, hoặc là bố đẻ của anh ấy.
Thay đổi
Nghe được câu chuyện của chúng tôi, không ngờ, con gái tôi chạy ùa đến. Nó ôm lấy tôi, nấc lên: “Bố mẹ đừng ly hôn nhé. Con thích ở với cả bố và mẹ”. Tôi sững người, không hiểu ai dạy mà con tôi lại nói ra những lời như thế.
Vì con, tôi quyết định sẽ lại thử cố gắng. Nghe một người bạn mách, tại trung tâm tư vấn, người ta có một loại “thuốc tâm lý” rất có hiệu quả trong việc giải quyết các mâu thuẫn gia đình, nhất là những “ca nặng” như trường hợp gia đình tôi. Chị tư vấn viên trong buổi hôm đó đã dành cả buổi để nghe tôi nói, đến nỗi khi hết giờ, tôi cảm thấy vô cùng nhẹ lòng vì chưa bao giờ được “xả” nhiều như thế.
Tôi không quên hỏi về loại thuốc kỳ bí nọ, chị tư vấn viên cười cười bảo chị không có thuốc, vì cái đó là phạm vi của dược sĩ, nhưng có một loại “bùa yêu” có thể giúp tôi cải thiện tình hình. Tôi cần giữ bùa đó trong người và ở gần “đối tượng cần cải tạo” ít nhất là bốn tiếng mỗi ngày thì bùa mới phát huy tác dụng.
Vì con, vì gia đình và vì “lá bùa yêu” nửa tin, nửa ngờ mà tôi bắt tay vào chiến dịch “làm thân với bố chồng”. Từ hôm đó, tôi tìm mọi cách để gần gũi ông, ít ra là đủ số tiếng quy định của lá “bùa yêu”. Hằng tối, sau bữa cơm, thay vì trốn vào phòng, tôi nấn ná ngồi lại phòng khách. Bố chồng tôi về hưu đã lâu, lại không làm cùng nghề nên tôi không thể bàn luận công việc với bố được. Thế là, tôi bắt đầu trò chuyện với bố chồng bằng việc bình luận những bộ phim trên TV. Có hôm, tôi cố gắng “chong mắt” thức để xem đến tận cùng bộ phim mà ông yêu thích. Sau đó, tôi chuyển hướng, bắt đầu tập pha trà và ngồi đàm đạo với bố chồng mỗi khi tôi rảnh. Tôi thường bắt đầu câu chuyện bằng chủ đề về bố mẹ tôi với câu nói: “Không biết bố thế nào chứ ở bên nhà, bố mẹ con thì... “ (hy vọng bố mẹ tôi và bố chồng cùng là thế hệ cao tuổi nên có nhiều thói quen giống nhau).
Thật không ngờ, bố chồng tôi cũng hào hứng hơn hẳn. Ông gật gù nghe tôi kể chuyện sinh hoạt ở nhà tôi, về thói quen, lối suy nghĩ của bố mẹ tôi. Để tiếp chuyện, bố chồng tôi lại kể chuyện cho tôi nghe về thời xưa của ông, về thời ông đi bộ đội, đã đi qua bao nhiêu mặt trận, đã ghi được chiến công hiển hách lẫy lừng đến thế nào... Lúc đầu, tôi chỉ nghe để mà “thân” ông, sau rồi, tôi như bị cuốn hút vào câu chuyện ông kể.
Tôi nhận thấy bố chồng tôi không quá đáng sợ. Trong ông, cũng có những phần rất đáng yêu, dễ tính và chỉ cần mọi người xung quanh biết chạm tay và mở cánh cửa tâm hồn ấy, là sẽ thấy ông hiện ra khác hẳn. Tôi hiểu ra, vì thời tuổi trẻ của ông quá hào hùng nên khi về già, ông cũng có phần mặc cảm, buồn chán thấy mình không còn có ích như xưa nữa. Các anh chị chồng tôi cũng bận rộn, chẳng mấy ai chịu ngồi nghe ông kể chuyện nên ông càng khép mình, và vì vậy càng khó tính hơn.
Sau hơn một tháng, từ chỗ xét nét, ông bỗng yêu mến tôi hơn. Nhiều lúc, ông còn giục tôi “bỏ việc nhà” để cùng ngồi thư giãn, ngắm trăng và đàm đạo với ông. Thấy ông thay đổi, tôi cũng không còn ghét ông nữa. Tôi thấy yêu mến căn nhà và muốn làm việc để chăm chút cho ngôi nhà hơn là để tuân lệnh ông như trước. Tôi đi làm mệt, vì vậy, thay vì dậy sớm để quét dọn nhà cửa, tôi xin phép bố chồng cho tôi được gác công việc “nội tướng” đến buổi tối. Sau giờ đi làm, tôi tranh thủ lau dọn nhà cửa, vệ sinh công trình phụ, làm bếp núc… mọi việc vẫn hoàn tất mà tôi cũng đỡ vất vả hơn. Bố chồng tôi cũng nhận ra điều đó và vui vẻ nhận lời.
Để “cải tạo” khẩu vị của bố chồng, bên cạnh nấu những món ông thích, cứ ngày cuối tuần, tôi bắt đầu mua về nhà những món mới lạ, món Âu và rủ ông cùng ăn. Tôi luôn bắt đầu bằng câu: “Các món này có thể không ngon như món bố hay ăn, nhưng bố ăn thử cho biết bố nhé”. Chẳng có lý do gì để không hài lòng, bố chồng tôi cũng ăn cho cả nhà vui và có lần ông cũng đưa ra kết luận: “Món này kể ra ăn cũng được”.
Chỉ một câu nói của ông thôi mà là cả sự nỗ lực ghê gớm của tôi. Biết ông thích làm “đầu tàu” trong gia đình, mỗi khi chúng tôi quyết định việc gì, tôi cũng luôn mang ra hỏi ý kiến ông. Có thể sau đó, chưa chắc tôi đã nghe nhưng chúng tôi luôn cân nhắc ý kiến của bố chồng, nhiều lúc thấy ý kiến đó kể cũng có lý.
Bây giờ, chúng tôi đã yêu quý nhau. Và bố chồng tôi cũng không còn nghiêm nghị trong mắt tôi nữa. Khi quay trở lại phòng tư vấn, tôi cảm ơn chị tư vấn viên về sự hiệu nghiệm của “lá bùa yêu” chị đã cho tôi. Thay vì chấp nhận sự cảm ơn của tôi, chị lại cười và bảo, làm gì có lá bùa yêu nào. Tất cả thay đổi là do tôi đấy.
Thay vì xa lánh, tôi đã chủ động yêu thương bố chồng, gần gũi và hiểu ông. Tôi đã biết nhìn thấy những nét đẹp trong những người xung quanh, hơn là chỉ đứng xa, phê phán và đánh giá họ. Kể lại chuyện này, tôi mong sẽ ít nhiều giúp ích cho các nàng dâu khác trong các gia đình muôn màu khác. Bởi, mọi mâu thuẫn trong gia đình chỉ có thể giải quyết được bằng tình yêu và sự thật lòng.
Theo Đời sống gia đình/Dân Trí
0 comments:
Post a Comment