Sau khi Bụt đọc bài kệ đó cho vị thiên giả nghe (và cũng để cho thầy Samiddhi cùng nhiều thầy khác và các vị thiên giả có mặt trong hội chúng cùng nghe) thì Bụt hỏi: "Con có hiểu bài kệ ấy hay không? nếu không hiểu thì cứ nói". Nếu không hiểu thì cứ nói, đừng sợ bị chê rằng mình chậm hiểu, mình không có trí tuệ. Vị thiên nữ thật tình bạch Bụt: "Con chưa hiểu, bạch Đức Thế Tôn, con chưa hiểu, bạch Đức Thiện Thệ". Bụt lại đọc cho vị Thiên giả một bài kệ khác:
Mặc cảm thua, hơn, bằng,
Tạo thành mọi tranh luận,
Ba mặc cảm dứt rồi,
Tâm không còn khuynh động.
Một bản dịch khác:
Mặc cảm hơn, kém, bằng,
Tạo ra nhiều rối rắm,
Ba mạn đã vượt rồi,
Tâm không còn khuynh động.
Ngôn luận là chữ dùng trong Kinh Tạp A Hàm, nhưng Biệt Dịch Tạp A Hàm lại dùng chữ tranh luận. Tranh luận có nghĩa là so sánh hơn thua. Vì vậy chữ tranh luận hay hơn. Bản chữ Hán của bài kệ là:
Kiến đẳng, thắng, liệt giả,
Tắc hữu ngôn luận sinh,
Tam sự bất khuynh động,
Tắc vô nhuyễn trung thượng.
Đẳng tức là bằng nhau, thắng là hơn, và liệt là thua. Cả ba cái đều là mặc cảm cả. Cả ba đều là những "complexes" mà người tu phải vượt qua. Người ta không được nói mình hơn người, mình thua người, hoặc mình bằng người. Chẳng những không được nói, mà còn không được nghĩ và không được hành xử theo. Người tu phải quán chiếu vô ngã, nghĩa là phải thấy mình là người đó, và người đó là mình, mình có mặt trong người đó, người đó có mặt trong mình. Chúng ta là một. Thành ra dưới ý niệm về tâm mạn, có ý niệm về ngã. Nếu quán chiếu về ngã thành công thì ba cái mạn tức là ba cái mặc cảm đó sẽ tan tành. Giáo lý này sâu sắc lắm, chúng ta không thể đọc qua mà hiểu ngay được. Nó có liên hệ mật thiết với đời sống hàng ngày của chúng ta nên rất hữu dụng. Luận Đại Tỳ Ba Sa có nói tới bảy thứ mạn, chúng ta sẽ học sau.
Mạn là Màna. Cả ba mặc cảm hơn, thua, bằng đều sai lầm vì chúng được tạo nên bằng một kiến chấp sai lầm. Cái thấy sai lầm ấy gọi là ngã chấp. Chữ ngã mạn mà chúng ta thường dùng không có nghĩa là mình hơn người khác. Theo đúng nghĩa của nó thì ngã mạn là bị kẹt vào cái ý niệm về ngã. Vì bị kẹt vào cái ý niệm về ngã cho nên ta mới thấy mình hơn, bằng hoặc thua người kia. Cả ba đều xấu hết, vì mặc cảm tự ti cũng có hại như mặc cảm tự tôn. Cái mặc cảm bằng người cũng có hại, vì trong ý niệm bằng người vẫn còn có sự so sánh, vẫn còn có sự tự hào. Ví dụ mình nói rằng "Anh nói tiếng Anh được thì tôi cũng nói tiếng Anh được", đó là mạn. Như vậy cái "bằng" cũng được làm bằng chất mạn. Nếu không có mặc cảm hơn thua, bằng thì mình là người giải thoát. Vấn đề không phải là có bằng cấp hay không, biết tiếng Anh hay không, có học xong trường Cao Cấp Phật Học hay không. Vấn đề là mình có ngã chấp hay không? Hạnh phúc là ở chỗ đó. Tất cả giáo lý nguy nga của Đạo Bụt đều được xây dựng trên một giáo lý cơ bản gọi là Vô Ngã, tức là thực tại không có một cái ta riêng biệt. Chúng ta cùng chia xẻ sự sống. Sự sống đó không thể được cắt xén thành ra những vùng riêng biệt. Vì vậy mỗi khi người kia nói một câu làm cho mình buồn, làm một điều khiến mình bực, đó là một cơ hội để ta thực tập vô ngã. Chính nhờ những dịp như vậy ta mới có thể tiến bộ trên con đường tu tập. Nếu chung quanh chúng ta đều là những vị Bồ Tát thì chúng ta sẽ không thể nào tu được. Cứ tưởng tượng quanh quí vị toàn là Bụt và Bồ Tát, người nào cũng toàn mỹ, chắc quí vị sống không nổi! Vì vậy đừng đi tìm một tăng thân toàn là thánh Tăng! Phải có người có yếu kém về mặt này, mặt kia, mình mới có dịp so sánh và học hỏi được. Vì vậy tăng thân của chúng ta không cần phải là một tăng thân tuyệt hảo, những yếu kém của tăng thân là những chất lượng rất cần thiết cho việc tu tập của ta. Trong ta có những yếu kém, và trong các phần tử khác của tăng thân cũng có những yếu kém. Nhưng ta cũng như tất cả những phần tử khác đều có cái nguyện là sẽ đi trên con đường chuyển hóa, vì vậy mà chúng ta có cái chất thánh của một trong ba viên ngọc quý: tăng bảo. Một tăng thân trong đó còn có phiền não, lỗi lầm, khuyết điểm thì vẫn là một viên ngọc quý như thường. Ta chấp nhận những yếu kém của bản thân và chấp nhận những yếu kém của những phần tử khác trong tăng thân, đó là chuyện phải làm. Cùng nhau tu học là cùng đi trên một con đường và giúp đỡ lẫn nhau chuyển hóa những yếu kém. Vì vậy khi người kia nói một câu hay làm một việc gì có tính cách phát xuất từ sự vô ý, sự vụng về hay là sự giận hờn, ta phải biết đó là một cơ hội bằng vàng để ta thực tập. Còn nếu người kia không bao giờ nói một câu không dễ thương, không bao giờ làm một điều gì không dễ thương, thì chúng ta đâu có cơ hội để tu? Quanh ta, nếu tất cả đều là toàn mỹ thì ta tu sao được?
http://www.thuvien-thichnhathanh.org/index.php/component/content/article/802-hpmvt-chng-03-3-phap-thoi-ngay-11-thang-9-nm-94?start=2
Thursday, March 24, 2011
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 comments:
Post a Comment