Bây
giờ chúng ta hãy tìm hiểu thêm về chân pháp và chân Tăng. Chúng ta biết
pháp tức là con đường hành trì, con đường diệt khổ, con đường chuyển
hóa. Pháp là con đường của bốn sự thật, của tám sự hành trì chân chánh,
của thất giác chi, của ngũ lực. Nhưng pháp không phải chỉ là con đường.
Pháp là sự thực tập, sự thể hiện con đường đó. Chúng ta có thể nói kinh
điển là pháp, giới luật là pháp. Các bộ kinh, luật, luận là pháp, dưới
hình thức của những bộ sách (và bây giờ chúng ta có thêm băng cassettes,
băng video). Chúng ta có thể lạy xuống trước các biểu tượng đó. Tất cả
các thức đó là pháp nhưng chưa phải là pháp. Pháp đích thực là những
giáo lý thể hiện qua sự sống, sự hành trì. Nói đâu có sự áp dụng tứ diệu
đế và sự hành trì bát chánh đạo trong đời sống là có chân pháp (the
living dharma). Chúng ta học hỏi kinh sách, nghe pháp thoại, rồi đi lên
bước nữa để thấy những Kinh, Luật, Luận, hay những pháp thoại đó được áp
dụng vào trong đời sống hàng ngày. Khi bước sang bước thứ hai này thì
chúng ta có chân pháp, có ánh mắt, có nụ cười chánh niệm, có an lạc, có
từ, bi, hỷ và xả. Nếu không có tăng thân thì không có sự thể hiện được
những điều nói trên, vì vậy bước thứ ba là tăng thân. Bụt ở trong Pháp
và Tăng cũng ở trong Pháp. Có chánh niệm thực sự trong Pháp thì đó là
chân Pháp. Cho nên Bụt là chánh niệm, chánh niệm là Bụt.
Tăng
đoàn từ bốn người trở lên gọi là sangha, nhưng Tăng đoàn đôi khi chỉ
mới là hình thức: có đắp y, có ngồi thiền, có đi thiền hành, có ăn cơm
im lặng, có tụng giới. Đôi khi hình thức nặng, và nội dung còn nghèo
nàn. Nếu ta tiếp xúc với Tăng đoàn mà thấy Pháp và Bụt rất ít, đó là vì
tăng thân còn nhẹ về nội dung. Khi Tăng đoàn thực sự hộ trì sáu căn,
thực tập chánh niệm, trở thành chân Tăng thì Tăng đoàn sẽ biểu dương
được Bụt và Pháp. Tiếp xúc với tăng thân này chúng ta tiếp xúc được với
Phật thân và Pháp thân.
Bụt
cũng có thể là một pho tượng, một bức họa. Bụt có thể là một người,
người đó có yếu tố giác ngộ, có chánh niệm, có từ bi hỷ xả. Chân Phật
luôn luôn có Pháp và có Tăng làm bản chất; Chân Pháp luôn luôn có Bụt và
có Tăng làm bản chất; Chân Tăng luôn luôn có Bụt và có Pháp làm bản
chất. Chúng ta tu tập thế nào để cho ba viên ngọc quý đó càng ngày càng
sáng tỏ trong tự tâm của chính chúng ta. Trong bài Quy Nguyện, chúng ta
tiếp xúc với Bụt:
Bụt là thầy chỉ đạo
Bậc tỉnh thức vẹn toàn
Tướng tốt đoan trang
Trí và bi viên mãn
Tụng những câu đó mà tiếp xúc được với Bụt thực sự thì quý vị tiếp xúc được với Pháp và với Tăng.
Pháp là con đường sáng
Dẫn người thoát cõi mê
Đưa con trở về
Sống cuộc đời tỉnh thức
Khi đọc bốn câu đó ta phải tiếp xúc được với chân Pháp chứ đừng nên tụng niệm như là ca hát, chỉ có âm thanh có mặt mà thôi.
Tăng là đoàn thể đẹp
Cùng đi trên đường vui
Tu tập giải thoát
Làm an lạc cuộc đời
Tiếp xúc được với Tăng tức là tiếp xúc được với Bụt, với Pháp và chúng ta có chân Tăng.
Tụng
niệm là một pháp môn tu tập rất quan trọng. Tụng niệm cũng quan trọng
như ngồi thiền. Nếu tụng niệm đúng phép, thì trong khi tụng niệm chúng
ta có thể quán chiếu, tiếp xúc với Bụt, với Pháp và với Tăng. Tụng niệm ở
đây không có nghĩa là cầu khẩn, năn nỉ. Tụng niệm là thực tập quán
chiếu và tiếp xúc.
Đức
tin khiến chúng ta đi tìm Bụt. Phật thân có ba thân: Bụt, Pháp và Tăng.
Ta đã hiểu Tăng thân cũng là Phật thân. Cho nên ta trở về nương tựa
Tăng thân và xây dựng Tăng thân. Sặn sóc Tăng thân tức là săn sóc Bụt.
Mỗi chúng ta là một phần của Tăng thân. Khi sư chú bước đi từng bước
thảnh thơi. Khi sư chú ăn uống có điều độ chừng mực là sư chú đang chăm
sóc thân của Tăng và của Bụt. Khi sư chú đang săn sóc một sư anh hay một
sư em, giúp cho người đó nở được nụ cười, cho người đó an lạc, là sư
chú đang săn sóc Phật thân. Khi sư cô chăm sóc, hóa giải được cho sư chị
và sư em, đem lại hạnh phúc thêm cho Tăng đoàn, tức là sư cô đang chăm
sóc thân của Bụt. Thành ra không phải chỉ vào thiền đường, dâng hương,
lau bụi trên bàn thờ là chăm sóc Bụt. Cầm tay một người sư em, an ủi
người sư chị của mình tức là đang chăm sóc Bụt. Đây là giáo lý tương tức
của tam thân.
Chính
Bụt nói rằng: ‘‘Khi các thầy săn sóc cho nhau tức là các thầy săn sóc
Như Lai.’’ Câu chuyện xảy ra ở tại Kosali. Một bữa Bụt đi với thầy A Nan
tới một tu viện. Các thầy đi khất thực hết, chỉ có một thầy bị bệnh
kiết lị nằm ở nhà. Thầy đó nằm mệt lả, phân chảy đầy cả áo quần và
giường chiếu. Bụt với thầy A Nan vào tu viện thấy như vậy, Ngài hỏi:
‘‘Các thầy khác đi đâu? Không có ai săn sóc thầy sao?’’ Thầy nói: ‘‘Bạch
đức Thế Tôn, các sư anh đi khất thực hết rồi. Lúc đầu anh em săn sóc
con, nhưng sau con thấy chứng bệnh kéo dài, tăng thân săn sóc cực nhọc
mãi thì tội, cho nên con nói để con tự làm lấy cũng được.’’ Bụt mới ở
lại đó với thầy A Nan. Trong khi chờ các thầy khác đi khất thực về, Bụt
và thầy A Nan đi dọn dẹp căn phòng, giặt áo quần của thầy, lấy y mới cho
thầy mặc. Khi các thầy đi khất thực trở về, Bụt nói: ‘‘Này các thầy,
chúng ta đã xuất gia, nếu chúng ta không săn sóc cho nhau thì ai săn sóc
chúng ta? Vì vậy các thầy nên nhớ: săn sóc cho nhau tức là săn sóc cho
Như Lai.’’ Khi mà các sư chú săn sóc cho nhau về thể chất, và về tinh
thần là các sư chú đang săn sóc cho Như Lai. Khi mà các sư cô hòa hợp
với nhau, sống với nhau có nhường nhịn, thương yêu, khoan thứ là các sư
cô săn sóc Bụt. Cả khi tăng thân của chúng ta còn là phàm Tăng cũng vậy.
Phàm Tăng mà tu tập thì trở thành thánh Tăng.
Pháp
thân cũng có ba thân. Trong Pháp thân có Bụt, có Pháp và có Tăng. Khi
chúng ta săn sóc Bụt tức là chúng ta săn sóc Pháp thân của Bụt. Chúng ta
biết tâm chúng ta là Bụt. Mỗi khi tâm có chánh niệm thì chúng ta làm
cho hào quang của Bụt chiếu sáng. Trở về nương tựa Bụt tức là bảo vệ
Pháp thân. Đi, đứng, nằm, ngồi trong chánh niệm, hộ trì sáu căn là chúng
ta tiếp xúc với Pháp, đó là nuôi dưỡng Pháp thân. Săn sóc và tạo hạnh
phúc cho Tăng đoàn là yểm trợ Pháp, tiếp xúc được với Pháp. Điều này
được thể hiện trong mỗi giây phút của sự sống.
Tăng
thân cũng có ba, có thân Bụt của tăng thân, thân Pháp của tăng thân và
thân Tăng của tăng thân. Chúng ta phải thấy thân Bụt ở trong tăng thân,
thân Pháp ở trong tăng thân, như vậy mới thấy được thân Tăng ở trong
tăng thân. Nguyện một lòng trở về nương tựa tăng thân là vậy. Có người
dại dột nói rằng: ‘‘Trong tam bảo tôi chỉ quy y Phật bảo và Pháp bảo,
còn Tăng vì chưa đáng kính đáng phục nên tôi chưa quy y.’’ Nói như vậy
là chưa hiểu được giáo lý tam vị nhất thể. Và có người lại nói rằng là:
‘‘Tôi quy y Tăng nhưng chỉ quy y thánh Tăng thôi. Chỉ có Hội Linh Sơn
với Hội Pháp Hoa mới xứng đáng là đối tượng của niềm tin của tôi. Hiện
giờ không có thánh Tăng nên tôi không quy y được.’’ Nói vậy cũng là chưa
hiểu. Dẫu tăng thân của chúng ta còn là phàm Tăng, nhưng đó là tất cả
tăng thân chúng ta đang có. Tăng thân ở Việt Nam, tăng thân ở Hoa Kỳ,
tăng thân ở Thụy Điển, tăng thân ở Đan Mạch, tăng thân ở Nhật Bổn, ở
Triều Tiên, chúng ta chỉ có tăng thân ấy. Chúng ta chỉ cần đọc lịch sử
thời Bụt tại thế để hiểu tại sao các giới luật đã được thiết lập, thì
chúng ta biết rằng chính tăng thân chung quanh Bụt thời đó cũng có đầy
chất phàm. Trong tăng thân ta có chất phàm, nhưng cũng đã có chất thánh.
http://www.thuvien-thichnhathanh.org/index.php/sach/76-trai-tim-ca-bt/417-ttcb-24-nim-tin-th-hin-trong-i-sng?start=2
0 comments:
Post a Comment