Tu
tập Từ Quán, Bi Quán, Hỷ Quán và Xả Quán có thể chuyển hóa hạt giống
giận dữ trong ta. Giận luôn luôn có nghĩa là giận ai, giận gì. Giận
những người đã làm cho mình khổ, trong đó có những người mình gọi là kẻ
thù. Đối tượng của cái giận là đối tượng của tâm, nghĩa là của nhận
thức, của tri giác. Trước hết ta có Tưởng, những tri giác của ta về đối
tượng. Ví dụ khi ta giận cha, giận mẹ, giận cái thân phận của mình, thì
ta phải có tri giác về cha, về mẹ, về cái thân phận của ta. Vì vậy Từ
Quán, và Bi Quán có liên hệ tới tri giác. Từ sự sai lầm của tri giác
phát sinh sự giận dữ. Quán Từ, Bi, Hỷ, và Xả, ta phải trở về quán chiếu
tri giác của ta thì mới thành công được. Đó không phải là những ức
tưởng, những tưởng tượng, những mong ước suông (wishful thinking).
‘‘Mong rằng các loài có hạnh phúc. Mong rằng các loài bớt đau khổ’’ là
một mong ước. ‘‘May all beings be happy, may all beings suffer less’’.
Đó đã là bắt đầu Từ Quán rồi, nhưng vẫn còn ở phạm vi ức tưởng. Điều
chúng ta phải làm là chiếu ánh sáng quán niệm vào tri giác của chúng ta
về các đối tượng của tâm. Quán chiếu những gì ta thấy, ta nghe về cảnh
cùng khổ, nỗi chán chường, sự sợ hãi của người, của các sinh vật chung
quanh ta, chúng ta đánh động được tâm Từ và muốn làm một việc gì để tạo
ra niềm vui cho họ. Khi ta thấy được niềm đau, nỗi khổ của một người,
hay một loài nào đó, thì năng lượng của Bi trong ta phát khởi. Nếu chúng
ta không tiếp xúc, không quán chiếu, thì ước muốn không đủ mạnh để
chuyển thành hành động.
Cho
nên các bộ Luận phân biệt ra ba loại quán chiếu. Thứ nhất là quán chiếu
tổng quát, chung cho tất cả mọi người, mọi loài. Biến mãn thành tựu du
là bao trùm tất cả, hành giả theo dõi hơi thở và tập trung tâm ý, tự nói
rằng: mong cho tất cả các loài đều có hạnh phúc. Hay thầm nói: mong cho
các loài bớt khổ đau.
Phép
Quán thứ hai là phân chia ra, để quán từng chủng loại. Ví dụ thay vì
nói về tất cả các loài, thì chỉ nói về loài người. Mong rằng loài người
có thêm hạnh phúc. Mong rằng loài người nhẹ bớt khổ đau. Rồi thu nhỏ
phạm vi đối tượng của mình lại, thí dụ: mong các trẻ em ở Sarajevo đừng
bị khổ đau nhiều quá, mong rằng hàng ngày các em không còn bị bom đạn
nữa. Vì đối tượng thu nhỏ lại nên ta thấy rõ hơn, và ta có thể phát
triển năng lượng của Từ, của Bi cụ thể hơn. Thứ ba là hướng tâm của mình
về một phía, như phía Đông, phía Tây, phía Nam, phía Bắc, v.v.. Như khi
nghĩ tới các em bé mồ côi, nghèo khổ ở quê hương, thì chúng ta đang ở
Pháp sẽ phóng tâm mình về phương Đông. Ở đó có các trẻ em miền Bắc, miền
Trung, và miền Nam thiếu ăn, không được đi học, năm bẩy tuổi đã phải đi
lượm rác mà sống, v.v..
Trong
Kinh, Bụt chỉ nói một cách tổng quát. Người tu Từ phát khởi tâm Từ về
từng hướng một. Tâm dữ Từ câu biến mãn nhất phương thành tựu du tức là
tâm ta cùng đi với năng lực của Từ, trùm cả một phương không bỏ sót. Như
thị nhị, tam, tứ phương, tứ duy, thượng, hạ, phổ châu nhất thiết, tâm
dữ từ câu. Vô kết, vô oán, vô nhuế, vô tranh, cực quảng, thậm đại, vô
lượng thiện tu.
Như
thị nhị, tam, tứ phương nghĩa là đối với phương thứ hai, thứ ba, thứ tư
cũng như vậy. Tứ duy, thượng hạ là bốn phương chính và phía trên, phía
dưới. Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Nam, Tây Nam, Đông Bắc, Tây Bắc; cộng
phía trên, và phía dưới nữa là mười phương. Phổ châu nhất thiết là bao
trùm tất cả, không gian cũng như thời gian. Trong lòng không có nội kết,
không có oán hận, không có căm thù, giận dữ, không cãi cọ, tranh chấp.
Cực quảng thậm đại là rất rộng, rất lớn. Vô lượng thiện tu là khéo léo
tu tập không biết chừng nào. Khéo léo tu tập như thế nào để tâm Từ của
ta có thể bao trùm tất cả, đi tới tất cả các phương, và bên trong lòng
ta không còn nội kết, không còn oán hờn, không còn giận dữ, không còn sự
tranh chấp; tâm ta trở thành mỗi lúc càng lớn, càng rộng.
Đoạn
tiếp theo nói rằng đối với Bi, Hỷ, và Xả ta cũng làm như vậy. Đây là
kinh Trung A Hàm, Kinh thứ 86, gọi là Thuyết Xướng Kinh. Bản dịch tiếng
Anh dựa trên tạng Pali như sau: He dwells suffusing, first, one
direction with the heart linked to friendliness, then the second, then
the third, then the fourth, then above, then below, around and
everywhere. And so he dwells recognizing himself in all, suffusing the
entire world with the heart linked to friendliness, far reaching, gone
great, unlimited, free from enmity and malice. Câu recognizing himself
in all là thấy được mình trong tất cả, dịch từ chữ samba attaya. With
the heart linked to friendliness: đây cũng lập lại bốn chữ ‘‘tâm dữ từ
câu.’’ Hai bên, một bên Nam truyền, một bên Bắc truyền đều lập lại bốn
chữ tâm dữ từ câu lần thứ hai. Mấy ngàn năm rồi so lại ta thấy vẫn còn
giống. Far reaching: cực quảng. Gone great: thậm đại. Và sau đó cũng nói
rằng đối với Bi, Hỷ, và Xả cũng quán tưởng giống hệt như vậy.
Những
tiếng nhuế, và oán có thể có nghĩa gần giống nhau, nhưng vẫn có những
chi tiết khác nhau. Vì vậy, bản chữ Hán dịch đủ hết, lời văn đi rất
mạnh: Vô kết, vô oán, vô nhuế, vô tranh, cực quảng, thậm đại, vô lượng
thiện tu. Thanh Tịnh Đạo Luận cắt nghĩa sabattaya là ta thấy mình ở
trong tất cả, (he should identify himself with all). Atta tức là mình,
sambbe là ở trong tất cả mọi loài. Đó không phải là chuyện tưởng tượng,
không phải là chuyện cầu mong, mà là công phu quán chiếu. Đồng nhất mình
với người, đó là cách duy nhất để có thể hiểu được người. Tìm hiểu ai,
ta có thể chỉ tiếp xúc hời hợt bên ngoài thôi, nhưng có cách thứ hai là
quán chiếu. Thực tập Từ Quán cũng vậy, ta phải đi sâu vào trong xương
thịt của kẻ đó để thấy rõ được tình trạng của những niềm đau, nỗi khổ
của họ.
Trong
Kinh Niệm Xứ, Bụt thường hay nói : ‘‘Quán niệm thân thể trong thân thể,
quán niệm cảm thọ trong cảm thọ, quán niệm tâm ý trong tâm ý, quán niệm
đối tượng của tâm ý trong đối tượng tâm ý.’’ Chữ Hán: Quán thân ư thân.
Quán thọ ư thọ. Quán tâm ư tâm. Quán pháp ư pháp. Có nghĩa là ta không
đứng ngoài để nhìn đối tượng kia như là một thực thể riêng biệt, mà phải
đi vào, đồng nhất mình với đối tượng đó, thì quán chiếu mới thành tựu.
Đó là nguyên tắc quán chiếu trong đạo Bụt. Có một lần ở Hồng Kông, đi
cứu trợ cho đồng bào ở các trại tị nạn, tôi gặp một thầy người Đức tu
theo Nam Tông. Trong khi ngồi thuyền ra trại Chimawan, tôi hỏi: Thầy
nghĩ sao về câu Kinh đó? Quán thân trong thân là sao? Thầy trả lời: Lặp
như vậy để cho người ta nhớ đây là quán thân chứ không phải là quán tâm
hay pháp. Rồi đến khi nói quán tâm trong tâm cũng như vậy, để nhắc cho
người ta nhớ đây là quán tâm trong tâm chứ không phải là quán tâm trong
cái khác. Tôi nói: Nếu như vậy thì nhấn mạnh không cần thiết. Rồi tôi
cắt nghĩa rằng quán tâm trong tâm là mình đừng nhìn đối tượng đó là một
đối tượng có ngoài mình. Mình phải đi vào đối tượng đó. Mình phải phá
được ranh giới giữa chủ thể quán chiếu và đối tượng được quán chiếu thì
mình mới có thể hiểu được đối tượng. Điều đó có nghĩa là trong đạo Bụt,
sự thực tập quán chiếu phải căn cứ trên nguyên tắc bất nhị. Đối tượng
mình đang quán chiếu, với mình là chủ thể quán chiếu, chừng nào chúng
vẫn là hai khối riêng biệt thì kết quả sự quán chiếu không thành tựu.
Thầy ấy đã hiểu và đã đồng ý.
Điều
này rất là quan trọng. Khi nào ta làm mất ranh giới giữa chủ thể và đối
tượng thì lúc đó trí tuệ thật sự mới phát hiện. Đó là đặc tính rất căn
bản trong thiền quán của đạo Bụt. Quán chiếu cách mấy mà đối tượng kia
vẫn còn tách biệt ở ngoài ta, thì ta chưa có tuệ giác. Điều này đúng với
việc quán chiếu thân thể, với cảm thọ, với tất cả những tâm hành khác
và những đối tượng của các tâm hành khác. Quán thân như thân. Quán thọ
như thọ. Quán tâm như tâm. Quán pháp như pháp. Nhà thần học đạo Do Thái
Martin Buber, trong tác phẩm I and Thou cũng nói những kinh nghiệm tương
tự. Ông nói rằng khi mình quán chiếu và tiếp xúc với thượng đế, thì
thượng đế không phải là một đối tượng cứng ngắc, gọi là It. Liên hệ giữa
tín đồ với thượng đế không thể là liên hệ I - It, (không phải liên hệ
Tôi - và Ngài ở ngoài tôi) mà phải là liên hệ I - Thou. Trong khi tiếp
xúc, làm sao cái bản ngã của ta phải được tan ra, hòa nhập với đối tượng
quán chiếu, thì ta mới tiếp xúc được với Thượng đế đích thực. Đó là
phương pháp của nhà thần học Matin Buber. Cũng vậy, phép quán chiếu
trong đạo Bụt là phải đi vào, trở thành một, phải xoá bỏ ranh giớii, thì
tuệ giác bắt đầu mới có được.
0 comments:
Post a Comment