Wednesday, May 18, 2011

Giải Trừ Tâm Hiềm Hận( rất hay và vui)

   Thầy Thích Phước Tịnh giảng rất hay và vui .....Thầy  nói nếu mình có khổ đau gì thì 1 là ôm  khổ 1 mình , 2 là tìm đến vị Thầy nào  đó hoặc là người thân nào tin tưởng được để giải tỏa được nổi khổ niềm đau ....Thầy dạy cách sống hạnh phúc và thông minh , cách sống và nói chuyện là cả 1 nghệ thuật đó nha....Thầy chỉ  cách dạy  con rất hay ......
  
http://phapamgiaithoat.com/index.php?option=com_content&view=article&id=444:thuong-toa-thich-phuoc-tinh&catid=95:phap-am-2&Itemid=116

Tuesday, May 17, 2011

Niệm Phật đối trị vọng tưởng

Pháp Sư Tịnh Không khai thị Pháp Môn Tịnh Độ
Niệm Phật phải lấy kinh hành làm chính. Khi nào chúng ta mỏi thì ngồi xuống nghỉ ngơi. Giờ giấc ngủ nghỉ cố giảm thiểu tới mức tối đa, bởi vì ngủ là hôn trầm. Người nào ngủ nhiều, chứng tỏ người đó còn nhiều hôn trầm. Hôn trầm là lạc vào vô minh, nhiều vọng tưởng, lạc vào trạo cử. Không riêng gì trong lúc niệm Phật, khi làm việc mà hôn trầm, hoặc trạo cử đều bị chướng ngại. Trong nhà Phật gọi hai thứ chướng ngại này là : Hôn trầm và trạo cử.

Trạo cử là tâm xao xuyến, không định, bị nhiều vọng tưởng chi phối. Hôn trầm là u mê, không sáng suốt, ngủ gục.
Bình thường, ta không thấy có vọng niệm, nhưng khi ngồi yên xuống, vọng niệm mới nổi lên rất nhiều. Có người cho là do niệm Phật mà có. Thưa quý vị, không phải như thế ! Không phải do niệm Phật mà sanh nhiều vọng niệm đâu ! Thực tế trong lúc bình thường, chúng ta đã có rất nhiều vọng niệm rồi, nhưng chúng ta không để ý đó thôi. Khi ngồi yên lặng xuống niệm Phật, muốn thu nhiếp tâm lại, mới phát giác rõ ràng như thế. Với loại chướng ngại này, Phật đã chỉ cho chúng ta hai phương pháp đối trị :
- Thứ nhất là dùng phương pháp chỉ tịnh để đối trị vọng tưởng, nghĩa là trụ ở một chỗ, hoặc trụ nơi danh hiệu Phật, hay niệm ở trong tâm cũng được, nếu không niệm thành tiếng. Cũng có thể nghe người khác niệm, chỉ cần dụng tâm chuyên nhất, vọng niệm tự nhiên tan biến. Tuyệt đối không nên tạo tác thêm vọng niệm, nghĩa là đừng nên có ý nghĩ miễn cưởng dập tắt vọng tưởng, nếu không sẽ có vọng tưởng tan theo vọng tưởng. Do đó dù có tưởng nhiều bao nhiêu cũng mặc kệ, đừng để ý đến làm gì. Hãy dồn hết tinh thần ý chí, tập trung vào câu danh hiệu Phật, hoặc tập trung vào quán tưởng, quán tượng. Quán tưởng điều gì đây ? Tưởng hình Phật. Hai mắt nhắm lại nghĩ đến hình ảnh của Phật, đến tướng hảo của Phật. Tóm lại cần phải tập trung tinh thần, ý chí mới có thể điều phục được vọng tưởng. Hầu hết tất cả các nguyên tắc dụng công vào nhằm một đích tiêu trừ vọng tưởng, hôn trầm, tạp niệm. để hồi phục lại bản tánh giác ngộ của mình. Nói chung, trong nhà Phật bất luận sự dụng công nào đều hy vọng đạt được 3 mục đích này.
- Phương pháp thứ hai là đối trị hôn trầm. Nếu trong lúc ngồi niệm Phật bị hôn trầm, tốt hơn hết hãy đứng lên lạy Phật. Lạy Phật và kinh hành niệm Phật là phương pháp đối trị hôn trầm rất có hiệu quả. Lạy Phật làm cho tinh thần tỉnh thức. Trong lúc lạy Phật, điểm đặc biệt cần lưu ý là lạy Phật để sám hối, bởi vì nghiệp chướng, tập khí của chúng ta rất là nặng nề. Cho nên trong niệm Phật đường, nhất là người sơ học nên mỗi ngày đạt tiêu chuẩn trên 300 lạy là rất tốt, rất có lợi.
Chúng ta thường nghe trong đại thừa kinh điển nói rằng : « Tu hành trong thời mạt pháp, niệm Phật là pháp môn thù thắng nhứt » . Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bày nói 8 vạn 4 ngàn pháp môn, nói vô lượng pháp môn, đó không phải là bổn ý của ngài, chỉ vì ứng cơ thuyết pháp để dẫn độ chúng sanh mà thôi !

Tha Thứ

Tha thứ là chất liệu quan trọng của bản chất thương yêu. Khi thiết lập bất cứ một liên hệ tình cảm nào nếu ta ngây ngô nghĩ rằng người kia chắc chưa từng lầm lỗi hay sẽ không bao giờ gây ra lầm lỗi thì ta sẽ khổ và sẽ làm người thương của ta khổ. 
 Đời sống còn chìm trong vô minh thì không thể tránh khỏi hành vi không tự chủ. Vấn đề là ta có khả năng chấp nhận và tha thứ rồi tìm cách giúp họ vượt thoát tình trạng hay không, chứ không phải mong muốn người kia toàn hảo thì ta mới có thể yêu thương. 
Tất nhiên là tùy vào mức độ phạm sai lầm của người kia mà ta nên thể hiện cách tha thứ nào hiệu quả nhất, tại vì điều đó cũng có tính chất quyết định cho sự chuyển hóa hay sự khinh lờn của đối phương.
  Cho dù cách thức nào đi chăng nữa, thậm chí cả sự lựa chọn không tha thứ ngay thì ta cũng đừng quên tự hỏi mình một câu hỏi quan trọng: Ta làm như vậy là vì người kia hay vì chính ta? Coi chừng ta đang bị thúc đẩy bởi sự tự ái hay tổn thương của bản ngã ích kỷ mà cứ ngỡ là vì người kia. 
  Nếu thật sự vì tương lai của người kia thì ta phải đủ sáng suốt và can đảm để thu gọn cảm xúc buồn giận trách móc của mình, tìm cách ứng xử với người kia như thế nào để họ sớm hồi phục. Chỉ cần kiểm tra lại tâm ý, lời nói và hành động của mình có xuất phát từ tình thương hay không, là ta đủ yên tâm để làm quyết định.
  Cho dù người kia có đứng ra bày tỏ sự ăn năn hối cải một cách thành khẩn hay không thì ta cũng nên nhớ rằng đó chỉ là hình thức để ta thấy rõ thái độ muốn sửa chữa những sai lầm, và cũng có thể xem đó là một biên bản ngầm ký kết cho sự hơp tác giúp đỡ nhau. Ta đừng để kẹt vào những hình thức hay ở đó mà không thấy được trái tim của người kia.
  Ta đã từng chứng kiến có rất nhiều người sẵn sàng buông xuôi tất cả nếu kẻ phạm lỗi chịu quỳ xuống cầu khẩn thiết tha, nhưng họ lại sẵn sàng đóng chặt trái tim khi người kia không biết đem sự hối cải trong tâm ra trình diễn cho đẹp lòng họ.
   Một giai thoại kể rằng, chú tiểu nọ có tật xấu hay ăn cắp vặt và lúc nào cũng cãi chối. Nhiều lần các huynh đệ trình báo cho sư phụ biết, nhưng không thấy sư phụ nói năng  gì cả. Một hôm bắt gặp quả tang, các  huynh đệ liền áp giải chú tới trước sư phụ và cùng quỳ xuống kiến nghị: “Nếu sư phụ không đuổi sư em này đi thì tất cả chúng con sẽ bỏ đi hết”. 
   Nhìn qua một lượt thấy nét mặt người nào cũng rất căng thẳng vì ấm  ức, còn riêng sư em thì rơm rớm nước mắt vì lo sợ, vị sư phụ liền ôn  tồn nói: “Ta thấy các con đã đủ khôn lớn để chọn lựa việc phải trái nên  các con muốn đi đâu thì đi, ta không ngăn cản vì không phải bận tâm nữa. Riêng sư em này còn nhỏ dại quá, chưa biết tội phước là gì nên phải cần ở lại với ta”.
   Khi ấy chú tiểu bật khóc nức nở và các huynh đệ kia ai nấy cũng đồng cảm kích trước tấm lòng vị tha cao cả của sư phụ. Các huynh đệ đó đã hiểu ra rằng nếu có người phạm lỗi là đón nhận bản án bị đuổi đi ngay lập tức thì chắc chắn trong tương lai sẽ khó có ai được ở lại tu tập bền lâu với sư phụ cả, vì ai mà không có những giây phút lỗi lầm.
Về sau, chú tiểu kia trở thành một trong những thiền sư lỗi lạc và danh tiếng nhất thời bấy giờ.    
Sống mà chỉ biết dựa vào những nguyên tắc cứng nhắc thì làm sao  điều phục được con người, vì nguyên tắc vốn cố định còn bản tính con  người thì muôn hình vạn trạng và hên tục đổi thay.  
 Phải có một nhận thức thấu đáo và nội lực vững vàng thì ta mới làm  được cái quyết định sấm sét như vị sư phụ đó. Ông đã không ngại người ngoài hiểu lầm chê trách, cũng không lo sợ các môn đồ bất mãn bỏ đi ông thà chịu mất lòng người khác chứ không thể làm trái ngược với đạo lý từ bi mà ông đang sống và giảng dạy cho môn đồ.  
  Mà cũng không phải vì đạo lý hay nguyên tắc nữa, đó chính là tình thương vô điều kiện của một người đã vượt thoát ra ngoài sự khống chế và trói buộc của phiền não.  
 Ta có làm được như vị sư phụ đó không? Chỉ cần một nhận thức đúng  đắn về nguyên nhân sâu xa của kẻ gây ra lầm lỗi, có một trái tim đủ lớn để sẵn sàng chứa đựng thì tha thứ sẽ không còn là sự thực tập khó khăn nữa, vì bản chất của nó vốn tùy thuộc rất ít vào đối tượng.
  Biết đâu nhờ vào lòng vị tha của ta mà kẻ kia tỉnh ngộ và thay đổi cuộc đời, đó  chẳng phải là việc làm cao cả của  một bậc trượng phu sao?
  Ta có nên đặt cho mình câu hỏi tại sao ta khó có thể tha thứ cho người  kia? Ta thường chỉ nghĩ một chiều là do mức vi phạm của họ quá lớn, nhưng tại sao cũng trường hợp như vậy mà có người lại hành xử khác ta? 
  Có khi ta chịu nhiều áp lực từ những khó khăn trong cuộc sống, hoặc đang bế tắc khổ đau vì những phiền não trong lòng, nên ta không còn đủ năng lượng để ngồi xuống lắng nghe hay không còn đủ thiện chí để tìm hiểu về lỗi lầm của người kia, nên ta đã có những phán xét rất vội vàng. Trường hợp này do ta sa sút về nội lực.  
  Có khi người kia đã cố gắng hết sức nhưng vì còn thiếu kinh nghiệm  và chưa đủ cứng rắn nên để cho điều đáng tiếc phải xảy ra, trong khi đó ta lại tưởng là người kia đã không nhiệt tình: hoặc do họ vụng về nhất thời  mà buông ra những hành vi thất lễ, nhưng ta lại cho rằng người kia đang rất khinh thường và có ý muốn loại trừ ta. Trường hợp này ta bị vướng vào trí tưởng tượng sai lầm.  
 Có khi người kia vì u mê dại dột hay vì yếu đuối nên không thoát khỏi vũng lầy đam mê, để cho lỗi lầm cứ lặp lại nhiều lần như một điệp khúc; hoặc ta chưa bao giờ chứng kiến một người có thể gây ra lầm lỗi tày trời như vậy;
  hoặc ta chưa có thói quen tha thứ cho kẻ có quá nhiều ân tình với ta mà lại đang tâm phản bội. Trường hợp này khả năng chứa đựng trái tim của ta còn khá nhỏ, chưa có cơ hội mở rộng ra.  
  Có khi người kia vi phạm những lỗi lầm không đáng kể, nhưng vì tính ta vốn quá chỉnh chu, đòi hỏi hoàn hảo, nên lúc nào cũng canh chừng lỗi lầm người khác để kết tội; hoặc do ta không hề quan tâm đến hoàn  cảnh hay trình độ nhận thức của người khác, chỉ biết nhồi sọ và áp đặt  theo cách thức cứng nhắc của riêng  mình.
   Trường hợp này ta bị kẹt vào sự cố chấp và định kiến, đó là một loại bản năng tự vệ rất cổ hủ. 
Có khi sự cố xảy ra ta liền bực tức và vội vàng tuyên bố đoạn tuyệt, sau  khi điềm tĩnh nghĩ lại thấy mình cũng hơi quá đáng, nhưng kẻ phạm lỗi kia phải biểu lộ sự thành khẩn ăn năn thì ta mới chịu bỏ qua. Lỡ như người kia thiếu ý tứ hoặc cứng đầu thì lỗi lầm ấy sẽ biến thành bản án treo không rõ ngày kết thúc. Trường hợp này ta là  kẻ yếu đuối, hành xử theo cảm tính.  
  Có khi người kia phạm những điều với ta là rất quan trọng, hay có ảnh hưởng đến danh tiếng và uy tín của ta; hoặc ta đã muốn tha thứ rồi nhưng lại sợ người khác cười chê ta thiếu kỷ cương nề nếp hay dung  túng cho kẻ làm điều xấu;
   Ta e ngại nếu tha thứ quá dễ dàng thì người kia sẽ ỷ lại, chẳng coi ta ra gì. Trường hợp này ta kẹt vào danh dự, thực chất cũng là một loại nghiện cảm xúc, một loại tôn thờ chủ nghĩa cá nhân kín đáo.  
 Tất cả những trường hợp không thể tha thứ vừa nêu đều có chung một nguyên do chính là sự vướng kẹt vào bản ngã. Vì quá nâng niu bản ngã, nên ta chỉ nghĩ đến những điều có thể đem lại lợi ích thiết thực cho chính ta thôi.
 Đó chính là căn bệnh vị kỷ truyền kiếp, hành tung của nó hết sức tinh vi và phức tạp, nếu thiếu quan sát tinh tế thì ta rất dễ bị nó đánh lừa là ta đang vì kẻ khác.
 Càng vị kỷ thì càng không thể vị tha. Trong khi tình thương phải bắt nguồn từ trái tim biết buông bỏ bớt những cái riêng mình để chia sẻ đến tha nhân, vì tha nhân cũng chính là một phần đời sống của ta. Không có tha nhân thì không có tình thương, ta làm sao sống khi đời sống không có tình thương?
Thà ta cứ tha lầm thì mức độ hối tiếc sẽ thấp hơn nhiều so với chấp lỡ. Bởi khi nhận ra chính thái độ cố chấp của ta ngày ấy đã đẩy người kia rớt xuống vực thẳm khổ đau thì ta sẽ gánh chịu mặc cảm ăn năn suốt đời. Còn khi phát hiện ra quyết định tha thứ của ta đã không mang lại hiệu quả thì ta vẫn còn nhiều cơ hội để cứu được, vì trái tim ta đang trong chiều hướng nở ra và mạnh mẽ chứ không phải co rút lại. 
Điều đáng sợ nhất là trong quá trình thương yêu, ta đã để cho trái tim mình trở nên bé nhỏ và không còn là vật rung cảm linh thiêng nữa.
Này bạn! Tôi không có ý khuyên bạn hãy trở thành bậc Thánh để sẵn sàng tha thứ hết mọi lầm lỡ của con người, những nếu trái tim bạn còn sức chứa đựng thì đừng suy tính gì nữa, hãy tha thứ cho nhau đi. Tha thứ luôn là linh dược mầu nhiệm có thể trị liệu mọi nỗi khổ niềm đau cho người được tha thứ và cho cả người tha thu. 





Wednesday, May 11, 2011

BẢN TÍNH SÁNG NGỜI VÀ HIỂU BIẾT CỦA TÂM

Đức Đạt-Lai Lạt-Ma Thứ 14
thuyết pháp tại Claremont College
Bạch Nga (Lozang Ngodrub) chuyển ngữ
 

http://www.thuvienhoasen.org/images/upload/Advertise/dalailama2-sm.jpgChúng ta cần nên làm quen với những tâm thái tốt, nhưng theo thói quen, chúng ta thường có những vọng tưởng phiền não, như sân hận, gây nên những chướng ngại lớn cho bản thân. Do đó, chúng ta cần phải nhận diện những cảm xúc này và đương đầu với chúng ngay tức khắc. Nếu chúng ta dần dần làm quen với việc kiềm chế những tâm thái xấu, thì sau nhiều năm, một người trước kia hay giận dữ cũng có thể trở nên bình tĩnh.
Có người cảm thấy rằng ta sẽ mất đi sự độc lập nếu ta không để cho tâm mình đi rong theo ý muốn, mà lại cố gắng điều phục tâm. Sự thật không phải như vậy, nếu tâm ta đang tiến triển một cách đúng đắn, thì ta đã có sự độc lập rồi, nếu không thì ta cần phải điều phục tâm mình lại.
Liệu chúng ta có thể loại bỏ những vọng tưởng phiền não hay không, hay chỉ có thể ức chế những cảm xúc ấy thôi? Đối với Phật giáo, bản tính chân thật của tâm là ánh sáng trong (thanh quang), còn những ô trược thì bất định, vô thường và có thể tách rời khỏi tâm. Nói một cách triệt để thì bản tính của tâm là không có tự tính.
Nếu những cảm xúc phiền não, như sân hận (oán ghét), thuộc về bản tính của tâm, thì ngay từ lúc tâm phát khởi, nó đã luôn chứa đầy sự oán ghét, vì sự oán ghét đó chính là bản tính của tâm. Tuy nhiên, rõ ràng là điều này không đúng, vì chỉ trong những hoàn cảnh nào đó thì chúng ta mới giận dữ, chứ không phải lúc nào chúng ta cũng như vậy. Điều này cho thấy rằng tính chất của sự sân hận và tính chất của tâm khác nhau, mặc dù nếu nói sâu xa hơn thì cả hai đều thuộc về tâm thức và đều có tính chất sáng ngời và hiểu biết.
Hoàn cảnh nào là nền tảng cho sự sân hận phát sinh? Sân hận khởi phát vì chúng ta áp đặt lên các hiện tượng một đặc tính ít lôi cuốn hơn hay xấu xa hơn đặc tính thực sự trong các hiện tượng đó. Từ nền tảng của sự áp đặt này, chúng ta giận dữ với điều gì cản trở lòng ham muốn của mình. Do đó, nền tảng của tâm thù hận oán ghét là một nền tảng không đúng đắn. Ngược lại, tâm từ bi thì lại có nền tảng đúng đắn. Về lâu dài, nếu có sự xung đột giữa một tâm thái dựa trên nền tảng tốt và một tâm thái trái ngược thì tâm thái dựa vào nền tảng đúng sẽ thắng.
Do đó, nếu chúng ta trau giồi những tâm thái tốt dựa trên nền tảng đúng đắn một cách đều đặn trong một thời gian dài, thì những tâm thái có nền tảng không đúng sẽ dần dần giảm đi. Chẳng hạn như khi chúng ta rèn luyện thể lực để nhảy xa, thì căn bản luyện tập là thân thể vật chất thô thiển của mình, do đó chúng ta chỉ có thể nhảy xa đến một mức độ nào đó mà thôi. Tuy nhiên, vì tâm là một thực thể chỉ bao gồm sự trong sáng và ý thức, khi nó được rèn luyện dần dần, chúng ta có thể phát triển những tâm thái hữu ích một cách vô giới hạn.
Chính chúng ta biết rằng tâm có thể ghi nhớ rất nhiều điều; nếu ta ghi nhớ một việc nào đó, rồi lại ghi nhớ thêm một việc khác nữa, cuối cùng chúng ta có thể lưu trữ
rất nhiều trong trí nhớ của mình. Hiện tại, chúng ta không thể ghi nhớ một cách phi thường vì chúng ta chỉ sử dụng những tầng lớp tâm thức rất thô sơ, nhưng nếu chúng ta sử dụng được những tầng lớp tâm thức vi tế hơn, thì chúng ta sẽ có thể lưu trữ thêm nhiều điều hơn nữa trong trí nhớ của mình.
Phẩm chất của tâm thức có thể phát triển vô tận. Khi ta càng áp dụng và gia tăng những tâm thái đối kháng với những cảm xúc phiền não, thì phiền não sẽ ngày càng giảm đi và cuối cùng sẽ bị tận diệt. Người ta tin rằng vì tính chất của tâm chỉ là ánh sáng và hiểu biết, tất cả chúng ta đều có đầy đủ những điều kiện căn bản cần thiết để đạt được Phật quả.
Tư tưởng Phật giáo dựa trên tính chất thiết yếu của tâm là sự sáng ngời và hiểu biết, từ đó ta có thể chứng minh rằng tâm dần dần sẽ hiểu biết được tất cả. Điều này, trên khía cạnh triết lý, hỗ trợ cho quan điểm cho rằng những tâm thái tốt có thể được gia tăng vô hạn định.
Về phương diện hành trì hàng ngày, nếu ta nhận diện được bản chất của tâm và tập trung vào đó thì sẽ rất hữu ích. Lý do khiến chúng ta khó nhận diện được bản tính của tâm là vì những ý niệm của chúng ta che phủ lên bản chất này. Do đó, trước nhất, đừng nhớ lại những điều đã xảy ra trong quá khứ, đừng nghĩ tới những gì sẽ xảy ra trong tương lai; hãy để cho tâm tự nhiên trôi chảy mà không cần ý niệm. Để cho tâm nghỉ ngơi trong trạng thái tự nhiên và hãy quan sát nó. Lúc đầu, khi ta chưa quen với cách thực tập này, thì sẽ cảm thấy rất khó khăn, nhưng với thời gian, tâm sẽ hiện ra như nước trong veo. Khi ấy, hãy trụ trong trạng thái tâm không bị thêu dệt này và không để cho bất cứ ý niệm nào phát sinh nữa.
Buổi sáng sớm là lúc tốt hơn hết để hành thiền với phương pháp trên, vì đó là lúc ta vừa thức dậy, tâm đang sáng suốt nhưng các giác quan chưa hoàn toàn hoạt động. Nếu buổi tối hôm trước, ta không ăn quá độ hoặc ngủ quá nhiều thì sáng hôm sau tâm sẽ nhẹ nhàng và bén nhạy hơn. Dần dà rồi tâm của ta sẽ ngày càng trở nên vững vàng hơn; sự tỉnh thức và trí nhớ sẽ sáng suốt hơn.
Ta hãy nghiệm thử xem hành trì như trên có làm cho tâm ta tỉnh táo hơn trong suốt ngày hay không. Lợi ích tạm thời của hành thiền là tâm thức ta sẽ an lạc hơn. Khi trí nhớ trở nên khả quan hơn, ta sẽ dần dần phát triển được khả năng biết được quá khứ vị lai, do kết quả của sự tỉnh thức ngày càng gia tăng. Một lợi ích lâu dài là khi tâm ta đã trở nên minh mẫn và bén nhạy hơn, ta có thể sử dụng tâm mình trong bất cứ lãnh vực nào tùy ý.
Nếu ta có thể thiền một chút mỗi ngày, thâu nhiếp lại tâm ly tán, hướng tâm về bên trong, thì điều này sẽ giúp ích cho ta rất nhiều. Dòng ý niệm dựa trên những suy nghĩ thị phi (về những điều tốt, những điều xấu, vân vân và vân vân) sẽ ngưng lại . Cách này sẽ giúp cho tâm ta được an trú trong vô niệm, khi dòng ý thức tạm thời ngưng nghỉ.











Xin hồi hướng mọi công đức đến sự toàn giác của tất cả chúng sinh. Mọi sai sót là lỗi của người dịch. Quan Âm Thiền Phật Học Viện, Ani Lozang Chophel, Lozang Ngodrub, Như-Ý Liên-Hoa dịch và hiệu đính tại Brisbane, Queensland, tài liệu phân phát nhân dịp Geshe Tashi Tsering thuyết giảng về đề tài trên tại Chùa Linh Sơn, 89 Rowe Terrace, Darra Queensland, vào ngày 14 tháng 4 năm 2007.

Publications, www.snowlionpub.com. Jeffrey Hopkins dịch từ Tạng ngữ sang Anh ngữ và cùng hiệu đính với Elizabeth Napper. Nhà xuất bản Motilal Banarsidass Publishers Private Limited ấn hành tại Delhi năm 1997 và Snow Lion Publications ấn hành tại New York năm 1996, ấn bản thứ 12.

Ghi chú : Trên đây là bài dịch từ trang 18-20 trong quyển ’Kindness, Clarity,and Insight’ của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 Tenzin Gyatso, với sự đồng ý của Snow Lion