Wednesday, November 5, 2008

Thời mạt pháp niệm Phật càng quan trọng



Chỉ và quán
Có người nói rằng: Thế nào gọi là Chỉ và Quán? Quả thật chỉ niệm một câu A Di Đà Phật chính là chỉ và quán rồi. Có thể chuyên niệm danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật đến khi không còn khởi niệm, vọng niệm không sinh gọi là chỉ. Khi niệm danh hiệu Phật thường biết từng niệm, từng niệm rõ ràng đều đặn gọi là quán. Có thể nương vào chương đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông trong kinh Lăng Nghiêm: ”Thu nhiếp sáu căn, tịnh niệm liên tục”. Chân thật chấp trì danh hiệu Phật chính là Chỉ và Quán vậy

Tức tâm tịnh độ
Dù bạn dốc sức nghiên cứu các pháp môn Chỉ Quán, có thể nơi giáo chỉ tông Thiên Thai đã dung hội và quán thông. Thậm chí còn có thể tụng thuộc làu làu Tam tạng kinh điển, đều không có chỗ dùng. Bạn vẫn là kẻ phàm phu còn trói buộc trong vòng luân hồi sinh tử. Muốn thành Phật phải trải qua ba đại A tăng kỳ kiếp. Tuy cái gì bạn cũng không biết, nhưng chỉ cần bạn thành thật chấp trì danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật với lòng tin sâu xa và tâm nguyện tha thiết cầu sinh về cõi Cực Lạc, là có thể thành tựu việc giải thoát sinh tử một đời, sẽ vượt phàm vào thánh. Pháp môn niệm Phật thật không thể nghĩ bàn. Xin khuyên tất cả Phật tử hãy biết tâm mình là cõi Tịnh Độ, nên an tâm niệm Phật chớ để thời gian qua suông, vì mạng người có hạn!

Thời mạt pháp niệm Phật dễ thành tựu
Đức Phật là bậc thông suốt Tam Giới. Ngài dạy rằng: ”Thời đại chánh pháp giải thoát thành tựu. Thời đại tượng pháp thiền định thành tựu. Thời đại mạt pháp niệm Phật thành tựu”. Những lời này chúng ta đã hiểu biết rõ ràng. Thời đại mạt pháp ngày càng xa cách Thánh nhân. Vận mạng pháp môn ngày càng suy giảm. Căn cơ chúng sinh ngày càng châm lụt, phước báo mong manh, trí tuệ thô thiển, tội nghiệp sâu nặng, không đủ tư cách để nói đến trì giới và thiền định. Chỉ còn nương tựa vào nguyên lực đại từ đại bi của đức A Di Đà. Nương tựa vào một câu Thánh hiệu hết sức cao thượng, hết sức đơn giản và chân thật, mới có thể vượt thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi

Niệm Phật càng về sau càng quan trọng
Thời mạt pháp tương lai sẽ đến đoạn cuối cùng. Pháp môn niệm Phật nhất định càng về sau càng quan trọng. Chúng sinh đời vị lai phước báu mỏng dần, nghiệp chướng nặng thêm. Như ngày này một bộ kinh điển quý báu, để mặc cho hư hết, không xem tới. Có thể đến cuối cùng, Phật giáo tại thế gian còn lưu truyền một câu thánh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật. Chúng sinh đã quá đau khổ, nương tựa một câu Phật hiệu là nương tựa vào sức thệ nguyện đại từ đại bi của Phật A Di Đà. Chỉ cần đơn giản chấp trì danh hiệu Phật, tin và nguyện vãng sinh, liền có thể nương nhờ sức Phật cứu vớt thoát khỏi biển khổ sinh tử. Như đây có thể thấy một câu Nam Mô A Di Đà Phật thật tinh hoa vô cùng trong Tam tạng kinh điển của Phật giáo.

Thành thật niệm Phật
Đại sư Liên Trì là bậc Tổ sư của tông Tịnh độ vào đời nhà Minh. Trước khi vãng sinh Cực Lạc đại chúng cầu thỉnh để lại lời di chúc. Đại sư dạy rằng ”Thành thật niệm Phật”. Tổ sư một đời tu hành chỉ để lại bốn chữ đơn giản, nhưng bốn chữ ấy đã nhiếp tất cả cương lĩnh của người tu hành thật sự bên trong. Vào thời mạt pháp, ma mạnh pháp yếu, chúng tà đầy dẫy. Chúng ta chỉ cần nắm chắc bốn chữ “thành thật niệm Phật” này làm nguyên tắc cho việc tu hành thì không bị tất cả tà ma ngăn trở, mê hoặc điên đảo.

Theo Pháp Môn Một Đời Thành Tựu
Sưu tầm từ niemadidaphat.blogspot.com

Thân Mang Bệnh Khổ Bởi Duyên Nào?



Tôi đến bất cứ địa phương nào, thường ngày vẫn gặp những người đau bệnh đến xin được cứu chữa. Mang bệnh là do nghiệp nặng từ kiếp quá khứ, nếu như không thế, đương sự tất không bị quái tật. Những người đến kiếm tôi, đều mang những chứng bệnh lạ, Tây y và Ðông y đều bó tay, không cách gì chữa hết. Ða số những người mang quái tật trong mình, là do trong kiếp quá khứ ham lợi dụng người mà không muốn bị thua thiệt; hoặc giả họ là những người bỏn xẻn, không muốn mất cho ai một xu, không biết giúp đỡ người nghèo, chỉ nghĩ về mình, không biết tới ai khác, luôn luôn ích kỷ tự lợi, thấy lợi quên điều nghĩa, càng ngày càng ngập thêm nghiệp chướng, nên mới dẫn tới bệnh lạ trong kiếp này.

Mang bệnh lạ còn phải kể thêm những ai hủy báng Tam Bảo trong kiếp trước, thậm chí hủy báng Kinh điển Ðại thừa, một tội có thể khiến cho người ta bị đọa địa ngục để chịu khổ và khi ra khỏi địa ngục thì chuyển làm kiếp súc sanh, chim muông hay thú vật. Tới khi chúng sanh đó được lên làm người thì sáu căn không toàn vẹn, hoặc bị khuyết tật, hoặc mắt bị mù, tai bị điếc, câm hay ngọng, chân khập khễnh, tóm lại làm thân người không đầy đủ. Nguyên do bởi kiếp trước họ tạo nghiệp ác nên kiếp này chịu quả báo.

Gặp quả báo như vậy, lẽ ra họ phải dốc lòng sám hối, và làm thật nhiều công đức mới đúng. Tiếc rằng, không những họ không tỉnh ngộ, mà còn coi tiền tài quý như thân mạng, lại còn muốn lợi dụng kẻ xuất gia này. Họ cầu tôi chữa bệnh, chẳng muốn mất tiền nhưng muốn hết bệnh. Khi khỏi được bệnh, họ có vẻ hào hiệp đưa ra một phong bì đỏ để cúng dường. Tuy nhiên trong bao màu đỏ đó chỉ có một đồng, hai đồng cho đến năm đồng là cùng (tiền Tân-gia-ba hay Mã-lai-á). Nghiệp chướng của họ nặng như vậy mà còn tính chuyện lợi dụng, thật đáng thương!

Tại sao tôi lại kể những chuyện này với quý vị? Chính là muốn quý vị đề cao cảnh giác, cẩn thận giữ gìn chớ có tạo ác nghiệp. Trong Phật giáo không thể phỉ báng Tam Bảo, không thể phỉ báng Kinh Ðại thừa, không thể hồ nghi mà không chịu tu hành, không thể nói dối để gạt mọi người. Nếu như tạo ra những loại ác nghiệp như vậy, thì tương lai nhất định bị đọa địa ngục. Tới lúc đó thì thầy có thương cũng đành chịu, không có cách gì giúp đỡ. Tôi có lời nói trước như vậy để sau này đừng có trách tôi không chịu cứu giúp quý vị.

(Hòa Thượng Tuyên Hóa)

LẠY PHẬT NHƯ THẾ NÀO ĐỂ ĐƯỢC NHIỀU LỢI ÍCH?



Pháp môn lạy Phật là một trong những pháp môn tu được nhiều người ưa thích, bởi vì nó có những lợi ích thiết thực sau đây:

Trước hết là lợi ích về sức khỏe. Lạy Phật là một động tác dưỡng sinh rất tuyệt vời, nó giúp ta vận động toàn bộ cơ thể, nó giúp cho máu huyết được điều hoà, bệnh tật khó xâm nhập cơ thể, nhờ lạy Phật thường xuyên, những bệnh đã có sẽ được tiêu trừ, những bệnh chưa sanh thì khó có cơ hội phát sanh.

Việc lạy Phật còn giúp ta tiêu diệt bệnh hôn trầm, giúp cho tinh thần ta sảng khoái. Sau mỗi thời lạy Phật, cơ thể ta như khỏe mạnh thêm ra. Ai lạy Phật đều đặn, thường xuyên thì sẽ có một cơ thể rất rắn rỏi, dẻo dai, cân đối. Nếu việc lạy Phật chỉ có những lợi ích này thôi thì cũng đáng cho ta lạy Phật mỗi ngày rồi. Nhưng nếu chúng ta lạy Phật chỉ vì những lợi ích trên thì thật là lãng phí, bởi vì ngoài những lợi ích nói trên việc lạy Phật còn đem lại cho ta nhiều lợi ích to lớn khác.

Đó là nhờ lạy Phật nghiệp chướng của chúng ta sẽ được tiêu trừ, căn lành sẽ ngày càng tăng trưởng. Việc lạy Phật có lợi ích to lớn như thế vì vậy chúng tôi thành thật mong rằng tất cả mọi người trên thế gian này đều nên thực tập pháp môn này mỗi ngày.

Phàm bất cứ việc gì, nếu muốn có kết quả tốt thì chúng ta cần có phương pháp đúng đắn. Việc lễ Phật cũng không ngoài thông lệ đó. Nếu chúng ta lạy Phật giống như một cái máy chỉ biết đứng lên rồi lạy xuống hoặc là vừa lạy vừa suy nghĩ lung tung, tâm trí cứ nghĩ hết chuyện này sang chuyện khác thì e rằng việc lạy Phật chỉ uổng công vô ích, và nếu có lợi thì chỉ chút ít không đáng kể.

Có nhiều người còn xem Phật giống như một vị thần linh có thể ban phước, giáng họa, nên khi lạy Phật họ mong cầu đủ thứ, nào là mong trúng số độc đắc, mong làm ăn phát tài, mong đỗ đạt cao, mong được thăng chức…nếu lạy Phật mà chỉ mong cầu những việc như vậy thì thật là uổng phí quá, chẳng khác nào người vào kho châu báu nhưng không lấy châu báu mà lại lấy nhầm gạch đá đem về.

Để việc lạy Phật đem lại lợi ích lớn nhất thì chúng ta cần phải tìm hiểu kỹ về cách thức lạycách quán tưởng khi lạy. Nếu ta quán tưởng đúng cách thì lễ Phật là một Pháp giúp ta tiêu diệt tội trong vô lượng kiếp và sanh ra vô số phước đức. Vậy ta phải lễ Phật thế nào mới đúng.

Trước tiên, chúng ta phải nhớ nghĩ đến công đức vô lượng vô biên của Phật. Phật đã trải qua vô số kiếp, tạo vô số việc lành, không ngại bất kỳ gian lao khó nhọc nào để cứu giúp chúng sanh, Ngài thương chúng sanh còn hơn người mẹ thương con đỏ, chúng sanh nào cần thức ăn thì Phật cho thức ăn, cần áo mặc thì Phật cho áo mặc, thậm chí chúng sanh nào cần những bộ phận trên thân thể Ngài như mắt, tai, mũi… Phật cũng sẵn sàng cho không chút tiếc nuối và Ngài cũng không ngần ngại khi đem chính thân thể còn sống của mình bố thí cho hổ đói.

Đặc biệt nhất là Ngài luôn luôn tìm cách cứu giúp chúng sanh ra khỏi biển khổ sanh tử trầm luân, đã phát hiện ra con đường giải thoát và chỉ dạy cho chúng ta con đường ấy. Công ơn của Phật thật là to lớn, chúng ta không biết làm sao mà báo đáp được.

Để báo đáp phần nào công ơn ấy, trong khi quỳ lạy dưới chân Phật, chúng ta phải nguyện noi gương Phật xa lìa tất cả việc ác, làm tất cả việc lành để cứu độ chúng sanh như Phật đã và đang làm.

Khi đang lạy xuống dưới chân Ngài, ta có thể niệm thầm trong tâm: “Chúng con rất tôn kính Ngài, chúng con xin đảnh lễ Ngài và nguyện luôn học tập và thực hành theo công hạnh (đức hạnh) tôn quý, không ai sánh bằng của Ngài.”

Cứ mỗi lạy, chúng ta đều niệm thầm câu ấy hoặc chúng ta có thể niệm thầm câu khác tương tự như vậy, nhờ thầm niệm như vậy, tâm trí của ta sẽ không suy nghĩ lung tung mà luôn hướng về đức Phật.

Khi lạy vị Phật hay vị Bồ-tát nào thì chúng ta phải nhớ nghĩ đến công hạnh mà vị Phật, Bồ-tát đó đại diện để mà học hỏi theo. Chẳng hạn như khi lạy Phật Thích Ca, chúng ta phải nhớ đến hạnh nổi bật nhất của Ngài, đó là hạnh tinh tấn. Mỗi khi lạy Ngài chúng ta đều nguyện sẽ luôn tinh tấn như Ngài, ra sức lánh tất cả việc ác, làm tất cả việc lành, giữ tâm ý trong sạch.

Khi lạy Đức Phật A-di-đà, chúng ta nên nhớ đến hạnh thanh tịnh của Ngài và nguyện sẽ luôn giữ tâm ý được luôn luôn thanh tịnh như Ngài.

Khi lạy Phật Di-lặc chúng ta nên nhớ đến hạnh hoan hỷ của Ngài để học hỏi theo hạnh ấy, dù trong cuộc sống có gặp bao nhiêu điều phiền toái, chúng ta cũng phải nhớ hoan hỷ mà đón nhận, đừng có để buồn bực xâm chiếm tâm hồn. Tâm chúng ta có hoan hỷ thì mọi việc mới mong thành tựu tốt đẹp.

Chớ còn đụng đâu nhăn đó, gặp việc gì hơi trái ý một chút là nổi cáu thì bản thân ta đã không được an lạc còn nói chi đến chuyện làm an lạc cho người khác.

Khi lạy Bồ-tát Quan Âm, chúng ta phải nhớ đến hạnh từ bi luôn tìm cách ban vui, cứu khổ cho tất cả chúng sanh của Ngài và tự nguyện sẽ học theo hạnh ấy.

Bắt đầu từ nay, chúng ta phải noi gương Ngài luôn luôn tìm cách để làm cho chúng sanh được bớt khổ đau và được an vui, hạnh phúc.

Khi lạy Bồ-tát Địa-tạng, chúng ta phải nhớ đến hạnh nguyện cao cả của Ngài là cứu độ hết thảy chúng sanh ra khỏi địa ngục rồi Ngài mới thành Phật. Chúng ta cũng nên phát nguyện như Ngài, thề cứu độ hết thảy chúng sanh ra khỏi bể khổ trầm luân rồi mới thành Phật. Những chúng sanh mà chúng ta cần cứu trước tiên chính là những chúng sanh nằm ngay trong bản thân chúng ta, đó là những tâm phiền não không ngừng sanh diệt trong từng giây, từng phút, làm chúng ta đau khổ triền miên. Bên cạnh đó, chúng ta phải tìm cách giúp những người có nhân duyên với ta thoát khỏi khổ đau. Nếu ta làm như vậy mới là lạy Bồ-tát Địa Tạng một cách đúng ý nghĩa.

Khi lạy Bồ-tát Đại Trí Văn Thù Sư Lợi, chúng ta cũng nên nhớ đến trí huệ cao siêu, thù thắng của Ngài và nguyện sẽ luôn trau dồi, học tập, tu luyện để có được trí huệ sắc bén như Ngài để làm phương tiện cứu giúp chúng sanh một cách tốt đẹp nhất.

Tóm lại, tuy tất cả các vị Phật Bồ-tát đều có những công hạnh gần như là giống nhau nhưng mỗi Vị đều có một công hạnh nổi bật, khi lạy Vị nào, chúng ta nên nhớ đến công hạnh nổi bật của Vị ấy để mà học hỏi và thực hành theo. Có như vậy thì việc lạy Phật của ta mới được lợi ích.

Ngoài ra, chúng ta cần phải thể hiện việc lạy Phật trong cuộc sống hằng ngày bằng cách noi gương Phật nói những lời Phật nói, làm những việc Phật làm, nghĩ những gì Phật nghĩ. Chúng ta phải tìm hiểu xem Phật thường nói những điều gì để mà bắt chước nói theo. Như chúng ta biết Phật luôn nói những lời đem lại lợi ích cho chúng sanh như nói lời hiền dịu, lời đúng sự thật, Phật không bao giờ nói lời hung dữ, lời đâm thọc, chia rẽ, lời dối trá dua nịnh…chúng ta cũng cần phải học theo Phật để tránh nói những lời gây phiền não khổ đau cho người và chỉ nói những lời đem lại hạnh phúc, an lạc cho người.

Chúng ta cũng phải xem Phật thường làm những gì để bắt chước làm theo. Phật thường làm những việc đem lại lợi lạc cho chúng sanh như phóng sanh, bố thí, trì trai, giữ giới, xây chùa, đúc tượng, lạy Phật, tụng kinh, sám hối nghiệp chướng, ăn chay, niệm Phật, tọa thiền, thuyết Pháp, và nhiều việc lành khác đồng thời Phật không bao giờ làm những việc có hại cho chúng sanh như sát sanh, trộm cắp, tà dâm… Chúng ta đã biết những gì Phật làm và những gì Phật không làm rồi. Vậy từ nay về sau chúng ta phải noi gương Phật làm những việc lành mà Phật đã và đang làm và lánh xa những việc ác mà Phật không bao giờ làm.

Chúng ta cũng phải tìm hiểu xem Phật thường nghĩ những điều gì để bắt chước nghĩ theo. Phật thường nghĩ đến chánh Pháp, nghĩ về sự vô thường, khổ, không, vô ngã của các Pháp, nghĩ cách làm lợi lạc cho chúng sanh, nghĩ cách giúp chúng sanh thoát khỏi khổ đau, xem tất cả chúng sanh như cha mẹ của mình, thường quán tất cả các Pháp là huyễn hóa không thật nên tuy làm tất cả việc lành mà không bao giờ bị dính mắc…Phật không bao giờ để tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, phát sanh trong tâm, Phật không bao giờ nghĩ cách làm sao cho người phải đau đớn, quằn quại…Cũng vậy, chúng ta cũng phải tránh nghĩ đến những điều xấu xa dơ bẩn hại người và luôn nghĩ đến những việc lợi lạc chúng sanh như Phật.

Tóm lại, để việc lạy Phật đạt kết quả tốt chúng ta phải luôn nhớ đến những đức hạnh của Phật và luôn tìm cách để thực hành theo càng nhiều càng tốt trong cuộc sống hằng ngày và mỗi khi lạy Phật chúng ta nhớ niệm thầm trong tâm: “Chúng con xin tôn kính đảnh lễ Ngài và nguyện luôn luôn học hỏi, thực hành theo những công hạnh tôn quý của Ngài”. Chúng ta cũng có thể nguyện học theo công hạnh nổi bật nhất nơi từng Vị Phật Bồ-tát. Ví dụ, khi chúng ta lạy Bồ-tát Quan âm, chúng ta có thể niệm thầm trong tâm: “Chúng con xin tôn kính đảnh lễ Bồ-tát. Chúng con nguyện học hỏi và thực hành theo hạnh nguyện Đại bi của Ngài”. Khi lạy Phật Di-lặc, chúng ta có thể niệm thầm trong tâm: “Chúng con xin tôn kính đảnh lễ Ngài. Chúng con nguyện học hỏi và thực hành theo hạnh nguyện hỷ xả của Ngài”.

Nếu ai muốn cuộc đời của mình ngày một thăng hoa, ngày càng thêm an lạc, hạnh phúc thì hãy thực hành thử phương pháp lạy Phật mà chúng tôi vừa trình bày trên. Chúng tôi tin rằng sự an lạc hạnh phúc sẽ đến với các bạn ngay trong khi và sau khi các bạn thực hành cách lạy Phật trên. Ngoài phương pháp lạy Phật nói trên còn có rất nhiều phương pháp lạy Phật khác nữa nhưng trong phạm vi bài này chúng tôi chưa đề cập đến, nếu các bạn thích nghiên cứu tường tận thì hãy tìm đọc trong kinh điển. Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ trình bày cách lạy Phật mà chúng tôi đã thực hành và thấy có kết quả rất tốt. Mong rằng khi thực hành phương pháp này các bạn sẽ mau chóng đạt được an lạc hạnh phúc trong cuộc sống hằng ngày./

Theo Tâm Tịnh

Thương thân mình mà trở thành hại mình-13