Monday, January 5, 2009

Cái bẫy khỉ

Ở Châu Phi người ta dùng một thứ rất thú vị để bẫy khỉ trong rừng. Tuy nhiên, họ phải bẫy làm sao để khỉ không bị thương chút nào, vừa vì mục đích nhân đạo vừa vì sau đó khỉ còn được đưa về các vườn thú ở Mỹ.
Những người săn khỉ dùng những cái chai rất nặng, cổ chai dài và hẹp, chỉ vừa để khi thò tay vào một cách khó khăn. Trong chai, thợ săn bỏ những hạt lạc tẩm đường có mùi rất thơm, rất quyến rũ. Họ đặt những cái chai ấy nhiều trong rừng và có rất nhiều khỉ mắc bẫy.
Chuyện đó diễn ra như thế nào? Những con khỉ ngửi thấy mùi thơm của lạc tẩm đường nên chạy đến chỗ những cái chai. Chúng cố gắng thọc tay qua cái cổ chai dài và hẹp, nắm lấy thật nhiều lạc. Rồi chúng không thể rút tay ra được vì bàn tay nắm nhiều lạc quá mà cổ chai thì nhỏ. Nhưng bọn khỉ cũng không chịu thả tay ra để bỏ lạc lại trong chai dù đó là cách duy nhất để khỉ có thể rút tay ra được. Mà những cái chai thì rất nặng, khỉ cũng không thể vác chai đi khắp nơi. Thế là chúng mắc bẫy.
Chúng ta có thể cười nhạo và cho rằng bọn khỉ thật ngốc. Nhưng có bao giờ chúng ta, cũng như những con khỉ ấy, không chịu bỏ những điều lợi trước mắt tức thời để kẹt trong hàng đống vấn đề khó khăn, y như bọn khỉ nắm chặt những hạt lạc tẩm đường? Và rồi chúng ta cứ vác "cái chai" đựng đầy những khó khăn để đi khắp nơi, tự làm tội nghiệp mình và mong muốn người khác thông cảm với mình trong khi chúng ta hoàn toàn có thể tự giúp mình bằng cách bỏ qua những "hạt lạc" nhỏ nhặt ấy?!

Thiền định : Dưỡng Chất Chuyển Hóa Tâm

( MIND - ALTERING SUSTENANCE )
Nguyên tác : Marc Kaufman
Việt dịch : Trần Như Mai


Các khoa học gia đã tìm thấy Thiền tập đều đặn có thể thay đổi cơ cấu hoạt động và hệ thống kinh mạch bên trong não bộ.

Cuộc nghiên cứu về não bộ đang bắt đầu đưa ra những bằng chứng cụ thể về những gì mà các hành giả Thiền Phật giáo đã xác nhận qua nhiều thế kỷ nay: kỷ luật tinh thần và Thiền tập có thể thay đổi cơ cấu hoạt động của não bộ và cho phép con người đạt được nhiều mức độ tỉnh giác khác nhau.

Theo truyền thống thì những trạng thái chuyển biến ấy đã được hiểu theo ngôn ngữ siêu việt như là một cái gì vượt ra ngoài thế giới đo lường vật lý và sự đánh giá khách quan. Nhưng, trong vài năm qua, các nhà nghiên cứu tại Viện Đại học Wisconsin, cùng làm việc với các vị sư Phật giáo Tây Tạng, đã có thể truyền đạt những kinh nghiệm tinh thần ấy thành ngôn ngữ khoa học về các làn sóng điện từ gamma tầng số cao và sự phối hợp đồng thời của não bộ. Và họ đã chỉ rõ thuỳ não trái phía trước đỉnh đầu, vùng ngay sau trán bên trái, là nơi mà hoạt động não bộ liên kết với Thiền định có cường độ cao đặc biệt.

Giáo sư Davidson nói: “Điều mà chúng tôi tìm thấy là các hành giả Thiền định thâm niên đã chứng tỏ hoạt động não bộ của họ đã đạt đến một tầm mức mà chúng tôi chưa hề thấy trước đây”. Ông là một nhà thần kinh học tại một phòng thí nghiệm mới trị giá 10 triệu đô-la của Viện Đại học, có tên là Phòng Thí Nghiệm W.M.Keck Chuyên Khoa Chụp Hình Chức Năng và Biểu Hiện của Não Bộ.

Ông nói :” Sự luyện tập tinh thần của các hành giả đã mang lại hiệu quả trên não bộ của họ cũng giống như sự tập luyện đánh “gôn” hay quần vợt sẽ nâng cao khả năng giao đấu của các cầu thủ. Điều này chứng tỏ rằng não bộ có thể được luyện tập và thay đổi về mặt sinh học theo những phương cách mà ít người có thể tưởng tượng ra”.

Các khoa học gia thường tin tưởng ngược lại - họ tin rằng sự liên hệ giữa các tế bào não đã được xác lập ngay từ thời thơ ấu và không thay đổi lúc trưởng thành. Nhưng nhận định đó đã chứng tỏ không còn đúng nữa trong thập kỷ vừa qua nhờ những tiến bộ trong kỹ thuật chụp hình não bộ và các kỹ thuật khác. Các khoa học gia giờ đây đã đón nhận khái niệm về sự phát triển liên tục của não bộ và “tính nhu nhuyến của thần kinh não bộ ”.
Giáo sư Davidson nói rằng những kết quả mới nhất về nghiên cứu Thiền định được xuất bản vào tháng 11, trong tập “Những Bài Thuyết Trình Của Viện Hàn Lâm Khoa Học Quốc Gia ”, đã đưa khái niệm về “tính nhu nhuyến của thần kinh não bộ” tiến thêm một bước nữa bằng cách chứng tỏ rằng việc huấn luyện tâm thức qua Thiền tập
(và có thể những kiểu huấn luyện khác nữa) có thể tự nó thay đổi cơ cấu hoạt động và hệ thống kinh mạch bên trong não bộ.

Những khám phá mới này có lẽ là kết quả của một sự hợp tác lâu dài giữa Giáo sư Davidson và Đức Đạt Lai Lạt Ma của Tây Tạng, một hành giả Phật giáo nổi tiếng nhất thế giới hiện nay. Đầu tiên, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã mời Giáo sư Davidson đến viếng thăm trú xứ của Ngài ở Dharamsala ở Ấn Độ vào năm 1992 sau khi Ngài biết được những công trình nghiên cứu mới mẻ của Giáo sư Davidson trong khoa thần kinh học về các tình cảm. Người Tây Tạng có truyền thống lâu đời về Thiền định chuyên sâu, và ngay từ đầu, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tỏ ra quan tâm đến việc cho phép Giáo sư Davidson dùng phương pháp khoa học để khám phá tâm thức của các vị sư đệ tử của Ngài đang lúc hành Thiền. Ba năm trước, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đến thăm phòng thí nghiệm của Giáo sư Davidson trong hai ngày.

Cuối cùng Đức Đạt Lai Lạt Ma đã gởi tám trong số những vị đệ tử đạt đạo nhất của Ngài đến phòng Thí nghiệm của Giáo sư Davidson để họ được nối với máy điện não đồ và máy chụp hình não bộ. Các vị hành giả Thiền Phật giáo trong cuộc thí nghiệm này đã được huấn luyện theo truyền thống Thiền định Nyingmapa và Kagyupa vào khoảng 10,000 đến 50,000 giờ, trong thời gian từ 10 đến 40 năm. Một nhóm khác gồm 10 sinh viên thiện nguyện chưa hề có kinh nghiệm Thiền tập được chọn để so sánh kết quả cuộc thí nghiệm sau một tuần được huấn luyện hành Thiền.

Các vị sư và các thiện nguyện viên đều được gắn một mạng lưới gồm 256 điện cực và được yêu cầu hành Thiền trong những khoảng thời gian ngắn. Suy nghĩ và những hoạt động tinh thần khác được biết là sẽ làm cho dòng điện phát sinh ra những đột biến nhẹ nhưng có thể do lường được, khi những nhóm lớn các tế bào thần kinh truyền tải tín hiệu với nhau. Đó là những tín hiệu mà các điện cực sẽ nhận được.

Giáo sư Davidson đặc biệt quan tâm đến việc đo lường các làn sóng điện từ gamma, đó là những xung điện não bộ quan trọng nhất và có tầng số cao nhất.

Cả hai nhóm được yêu cầu hành Thiền đặc biệt hướng tâm về lòng từ bi vô điều kiện. Giáo lý đạo Phật mô tả trạng thái đó, và điều này cũng là trọng tâm giáo huấn của Đức Đạt Lai Lạt Ma, như là “ thái độ không ngăn ngại sẵn sàng có mặt để cứu độ chúng sinh”.Các nhà nghiên cứu chọn đối tượng chú tâm này vì nó không đòi hỏi tập trung tư tưởng vào những đối tượng, ký ức hay hình ảnh đặc biệt nào, thay vào đó hành giả tu dưỡng một trạng thái hiện sinh được chuyển hóa, đó là lòng từ bi.

Giáo sư Davidson nói kết quả cuộc nghiên cứu rõ ràng chứng tỏ Thiền tập đã kích hoạt tâm thức thuần thục của các vị sư theo những phương cách khác hẳn với các thiện nguyện viên. Điểm quan trọng nhất là các điện cực đã ghi nhận được sự kích hoạt rất tích cực của làn sóng điện từ gamma chuyển động rất nhanh và mạnh mẽ khác thường trong não bộ các vị sư, và tìm thấy các chuyển động của những làn sóng ấy qua não bộ được tổ chức và phối hợp tốt hơn nhiều so với các thiện nguyện viên.

Những thiện nguyện viên chứng tỏ có một sự gia tăng nhỏ trong hoạt động của làn sóng điện từ gamma lúc hành Thiền, nhưng một số vị sư lại có hoạt động của làn sóng điện từ gamma mạnh mẽ hơn bất cứ một người mạnh khỏe bình thường nào đã được ghi nhận từ trước đến nay.

Giáo sư Davidson nói :” Những vị sư hành Thiền thâm niên nhất đã có những làn sóng điện từ gamma đạt mức hoạt động cao nhất”.
“Sự đáp ứng theo liều lượng” này là điều mà các nhà nghiên cứu tìm kiếm để đánh giá nguyên nhân và kết quả - theo đó một liều lượng thuốc hay mức hoạt động cao hơn sẽ tạo được ảnh hưởng lớn hơn liều lượng ở mức độ thấp.

Trong các cuộc nghiên cứu trước đây, những hoạt động tinh thần như là sự tập trung vào một mục tiêu, ký ức, học tập hay ý thức thường liên kết với kiểu phối hợp hoạt động thần kinh não bộ được nâng cao như đã tìm thấy ở các vị sư. Những làn sóng điện từ gamma mạnh mẽ được tìm thấy ở các vị sư cũng liên hệ đến sự đan kết lại những kinh mạch khác hẳn nhau cũng như liên hệ đến hoạt động tinh thần tích cực hơn và sự tỉnh giác cao hơn.

Công trình nghiên cứu của Giáo sư Davidson cũng phù hợp với kết quả các công trình nghiên cứu của ông trước đây khi ông chỉ rõ thùy não trái phía trước đỉnh đầu là một khu vực của não bộ liên kết với trạng thái vui vẻ và các tư tưởng tình cảm tích cực. Sử dụng máy chụp hình cọng hưởng từ tính để chụp hình não bộ các vị sư đang hành Thiền, Giáo sư Davidson đã tìm thấy hoạt động não bộ của các vị sư - được đo lường bằng máy điện não đồ - đặc biệt rất cao ở vùng này.

Từ công trình nghiên cứu này, Giáo sư Davidson kết luận rằng Thiền tập không những thay đổi cơ cấu hoạt động của não bộ trong đoản kỳ, mà rất có thể sản sinh những đổi thay vĩnh viễn. Ông nói, sự khám phá này dựa trên sự kiện là các vị sư đã có hoạt động của làn sóng điện từ gamma cao hơn rất nhiều so với nhóm thiện nguyện viên, ngay cả khi họ chưa bắt đầu hành Thiền theo hướng dẫn của các nhà nghiên cứu.

Sources : The Age - January 9, 2005.Bài này xuất hiện lần đầu trên báo.
The Washington Post - Jan 3, 2005.

10 tâm MA của người Thiền

Người Dụng Công Tu Thiền Phải Biện Rành Mười Thứ Ma

Thiền Sư Siêu Minh Viết
Thượng Tọa Thích Nhật Quang Thuật

Người ngộ Ðạo tu thiền, bởi chẳng phải là việc tầm thường, nên dễ bị các thứ ma trong ngoài não loạn chánh định. Nếu tự mình không làm chủ được, liền sinh ái trước các cảnh. Nhân cảnh tâm động, kẹt vào rọ ma. Thế thì, vốn là nhân lành, trái lại gặt quả chẳng lành. Kẻ sơ cơ đời sau nên thận trọng đề phòng đó.

Ở đây, nêu ra 10 điều biện ma, tự phải gẫm xét. Gặp tâm ma và thiên ma nên dùng trí tuệ quán chiếu, ma nghiệt liền tiêu. Tâm nhơ nếu sạch thì các chướng tự bặt, cái gì lại sợ thiên ma? Nó làm gì mê hoặc được tâm người chơn chánh? Nay 10 thứ ma này sẽ thuật rõ sau đây:

(1) Ma oan nghiệt nhiều đời
(2) Ma bên ngoài đến làm mê hoặc
(3) Ma phiền não
(4) Ma sở tri
(5) Ma tà kiến
(6) Ma vọng tưởng
(7) Ma khẩu nghiệp
( Ma bệnh khổ
(9) Ma ngủ
(10) Thiên ma

Bởi mười thứ ma này vừa nêu nó hay làm nhiễu loạn kẻ mộ Ðạo tu hành, nhất là người tu Thiền chơn chánh, nên các hành giả phải đề phòng cẩn mật.

1. Ma Oan Nghiệt Nhiều Ðời

Loại ma này chính là nghiệp chướng nhiều đời của ta. Bởi từ nhiều kiếp đến nay, chúng ta bị luân hồi, quanh quẩn trong phàm vi, lầm tạo những nghiệp chẳng trung, chẳng hiếu, chẳng nhân, chẳng nghĩa. Sát, đạo, dâm, vọng, tham, sân, si, ái. Kết chặt những oan gia đời nay gặp gỡ. Trong khi chúng ta muốn học đại đạo, nó lại quấy nhiễu chẳng an, làm chướng ngăn việc tu hành khiến chẳng thành tựu được. Chúng ta phải hổ thẹn khẩn thiết cầu sám hối. Trông mong uy lực Tam Bảo gia hộ khiến những oan nghiệt nhiều đời đó tự sẽ tiêu diệt, tự nó thối tan.

Lại, chúng ta phải phát nguyện lớn làm lợi ích tất cả chúng sanh, để mau được quả vô lậu, chứng Ðạo Bồ Ðề.

Là kẻ mới học tu Thiền phải tự sám hối và mãnh tỉnh lấy.

Chú
Luân hồi tiếp nối, biển khổ mênh mang chúng sanh trôi giạt, hạt bụi trời kẻ chưa tỉnh không làm thế nào nhận ra sự kiện này! Ai là kẻ biết được ngày mai của mình ra sao? Và thấy được oan khiên túc trái của mình thế nào? Có kẻ nghe nói: " Tuổi thọ của ta sánh bằng trời đất", liền bảo: "Gớm thế! Ta là quái gì mà tuổi thọ thênh thang và mênh mang đến thế!". Người xưa nói: "Sanh như đắp chăn bông. Tử như cởi áo hạ" là đạo lý gì? Thử nói xem! Chỉ thêm một trường huyễn mộng. Tuy nhiên, chỗ thênh thang mênh mang này ít người vào, không ai chịu nhận. Thì thôi, cứ rong chơi cho hết cuộc phong trần. Một lúc nào đó, quày đầu nhìn lại đoạn nhân duyên phù trầm này, chắc y không khỏi một phen tan thân mất mạng. Thế nhưng, nếu chưa phải là hạng đại lực lượng thì phải ai khẩn sám hối, nương uy lực vô song của Tam Bảo, mọi mộng mơ phía trước tiêu tan. Ðã thế, lại cần phát đại nguyện như hư không, vào cõi huyễn, độ chúng sanh huyễn, để hoàn thành Phật đạo như huyễn.



2. Ma bên ngoài đến làm mê hoặc

Loại ma này còn gọi là người làm chướng, kẻ bất tín hay nhỏ mọn. Sang hèn chẳng đồng bực. Họ não loạn định tâm khiến người tu chẳng được yên ổn. Nói chung là do hành giả tự thiếu quyền chước, hoặc thiếu lễ nghĩa, hoặc tự cao, hoặc ngã mạn, hoặc hay nói thẳng, hoặc hành động thô, hoặc dựa thế lực, hoặc ỷ tài hơn, hoặc nói ác, hoặc cho mình giỏi, hoặc nói điều dở của người, hoặc thiếu dáng vẻ hòa dịu, hoặc không cung kính, hoặc lượng hẹp hòi, hoặc thiếu nhẫn nại nên người chẳng tin. Họ làm hoặc loạn việc tu hành khiến tâm động niệm, che chướng bản minh. Kẻ mộ đạo lớn, phải tự hạ mình, nuôi dưỡng đạo đức, mới khỏi người ngoài làm chướng. Người trong Tông môn đời sau nên học đức khoan dung nhẫn nại cố gắng hành Ðạo.

Chú
Luận về tánh giác thì vật vật như nhau, người người bình đẳng, nhưng căn trung hạ cần đức hàm đạo dưỡng mới xong. Nếu kém đạo kém đức, thêm nỗi mê mờ dầy cộm thì đường tiến thiên nan vạn nan. Lối sống người đời còn dạy: "Với mình thật nghiêm cẩn, xử thiên hạ thì hạ mà khoan", huống là đạo lớn giải thoát, lấy trí tuệ làm gốc, tiêu diệt bản ngã là chỗ đắc lực, mà còn u mê ôm ấp những tình chấp ngô ngã hẹp hòi đó được ư?

Phật dạy: "Các hành vô thường là pháp sanh diệt". Tổ khuyên: "Nên tiêu chảy đầy đất mới có chỗ an thân lập mạng". Trên chiều dọc mà nhìn, chúng ta nhiều kiếp trôi lăn trong sáu nẻo, bởi đeo mang cái thấy hai: "ta người, kia đây, có không, xấu tốt" . Do đó và từ đấy mà xuống lên trong ba cõi, xoay quanh trong bốn loài. Chần chờ gì? Ðợi kiếp nào? Sao chưa một phen lay mình chuyển hóa, tạo một niềm vui, thắp sáng một niềm tin cho mai sau ... Kìa nhìn xem!

Trời đất liếc trông chừ sao thênh thang
Chống gậy rong chơi chừ phương ngoại phương
Hoặc cao cao chừ mây đỉnh núi
Hoặc sâu sâu chừ nước trùng dương.


3. Ma phiền não

Ma phiền não cũng gọi là sự chướng. Người tu hành mà chẳng trừ được sự chướng thì rối rắm thánh đạo. Thế nào là phiền? Sao gọi là não? Phiền là chạy theo ngoại cảnh, não ấy là tự sanh trong tâm, người tu Thiền quyết phải dứt hẳn. Nếu chẳng dứt sớm thì tánh định khó hiện. Như thấy sắc tâm sanh là tâm dâm phiền não. Khi thấy giết tâm sanh là tâm ác phiền não. Thấy của tâm sanh là tâm trộm phiền não. Thấy vật tâm sanh là tâm tham phiền não. Với người sanh mạn là ngã tướng phiền não. Ðối kẻ thấp kiêu ngạo là phiền não tự đại. Gặp cảnh nghịch sanh sân là tâm khuể phiền não. Gặp cảnh thuận vui mừng là phiền não thích ý. Gặp oan gia sanh ghét là tâm hận phiền não. Cùng thân thích sinh ưa là tâm tư phiền não. Nói tóm lại: Với tất cả cái thấy bên ngoài mà trong sanh tâm thủ xả, đều là phiền não khó nói cho cùng. Thế nên những người tham thiền phải quyết dứt sự chướng. Sự chướng nếu chẳng không, chánh định bị não loạn. Người tu đời sau, đâu nên xem thường nó ư!

Chú
Còn lầm ngoại cảnh nên còn phiền não. Bởi chưa thấy thật tánh giả cảnh rối rắm, lăng xăng mờ ảo, tháo gỡ cách nào cho xong! Người xưa nói: "Vật từ cửa đem vào, không phải là của báu trong nhà". Của báu trong nhà là gì? Mọi người sẵn có, luôn luôn đầy đủ, tánh tự bản nhiên, vào phàm vào thánh không đổi, không xanh không diệt, xưa nay bình đẳng, một đạo sáng suốt. Như đã nói, bởi thật giả chưa phân nên bao nhiêu điều vụn vặt trước mắt "Nắm đông bắt tây" luống sanh phiền bực. Ðáng thương! Cũng bậc vương giả, gặp loạn trầm luân, uổng đời trôi giạt, vùi thân trong chỗ bùn lầy, nát phận cùng loài man mọi. Mặt mũi thật xưa nay khó nhìn. Ðường về quê cũ vẫn còn diệu vợi, chưa dễ một sớm một chiều mà biết được.

Khổ thay! Khổ thay!!



4. Ma sở tri

Ma nầy tức lý chướng. Người tu thiền mà lý chướng chẳng trừ, thì chánh định bị nhiễu loạn, không thể nào yên ổn được. Vì sao sở tri có lỗi như thế?

Chính vì biết ta đắc ngộ, biết ta thông Tông, biết ta minh giáo, biết ta hội lý, văn ta lỗi lạc, ta thấy sâu rông, ta giữ giới nghiêm, ta được chánh định, ta có trí tuệ, ta đã chứng không, ta được tự tại, ta không còn ngại, biết ta được thông, biết ta được diệu, ta đã chứng đạo, ta được thành Phật ... Tất cả cái biết đó đều là lý chướng. Lý chướng này chẳng trừ, thì chấp pháp khó quên, chấp pháp chưa quên thì chân tâm chẳng hiện. Người trong Tông môn, nên phải tự xét. Sớm dứt chướng này.

Chú
Vừa quay lưng với giả cảnh lại nắm bắt nội tâm, cứ như thế mà chạy mà tìm, thật là một trường ảo mộng! Si mê lui, phiền não dứt, ma sở tri này thuộc pháp chấp nên khó đoạn. Hàng Bồ Tát đến Ðệ thập nhất địa vẫn còn chút sở tri ngu. Với loại ma này hành giả đã dầy công, chân trí đã phát triển, lại luôn luôn nhắm thẳng Phật đạo mà tiến, dần dần hàng phục nó.

Tóm lại biên cương ma Phật không thật có. Còn thấy có hai, còn chấp là thế này, thế nọ, là ma. Phá vỡ các cái thấy biết hai bên thiên lệch "có không" đó, tiến thẳng vào vực Ðệ Nhất Nghĩa không, tức là Như Lai địa bất sanh, bất diệt. Khi này, cả hai danh từ Phật ma không chỗ lập cước, không còn bóng dáng pháp hay phi pháp, tất cả quét sạch là chỗ "không pháp có thể tu, không Phật có thể thành". Chỗ này tối kỵ lý thuyết suông, phải buông thân mạng, nỗ lực hành trì mới có chút phần tương ưng. Cố gắng! Cố gắng!!

Hình ảnh và lời quả quyết của bậc Ðại Sĩ dưới cội Bồ Ðề năm xưa như còn đồng vọng: "Nếu không đạt Ðạo dù thân này tan nát thành tro bụi, ta quyết chẳng rời chỗ ngồi này".

Dũng mãnh tinh tấn vô biên! Lời cả quyết của đấng cha lành ba cõi. Từ bi tri tuệ vô tận! Lời quả quyết của bậc Ðạo Sư muôn loài! Lời quả quyết cuả Người, gông cùm ba cõi tiêu tan. Ánh huệ nhật chiếu rạng, quét sạch mọi mê mờ của chúng sanh.

Chúng con, những chúng sanh bất hạnh! Chỉ nương chút âm vang diệu vợi của người. Ðau đớn, cố gắng, nguyền xếp mình làm tròn di huấn muôn thuở.



5. Ma tà kiến

Ma này thường gọi là chấp chướng. Người tu thiền định muốn khỏi rơi vào định tà, thì phải dứt tà kiến. Vì sao tà kiến làm mất chánh định như thế?

Bởi các cố chấp như: Chấp tánh chẳng hoại gọi là chấp có, chấp tánh vốn không gọi là chấp không. Chấp vốn bất tử gọi là chấp thường. Chấp theo hơi hám diệt gọi là chấp đoạn. Chấp không sanh ra có là kiến chấp thuộc tự nhiên. Chấp khí hóa ra hình là thuộc chấp tà nhân... Như thế gồm các loại cố chấp chẳng có, chẳng không, tức có, tức không và tất cả tà chấp, tà kiến, nhân duyên tự nhiên, đều chẳng rời hai đầu có không, đoạn thường, tự chướng bản lý, dần dần xa vào các ngõ tẻ.

Chú
Còn thấy hai, còn vọng tưởng; muốn dứt vọng tưởng, chớ thấy hai. Muốn đến chỗ chẳng thấy hai, chỉ một phen "biết vọng liền buông". Buông hết, bố thí sạch, tự nhiên yên ổn. Người xưa nói: "Tìm tâm chẳng được". Chỉ câu "tìm chẳng được" này là chỗ dứt bạch sạch hết, chẳng còn gì để mò bắt. Thế nên, liền khi đó được xác minh một cách tỏ rằng: "Ta đã an tâm cho ông rồi". Thật là một thủ thuật giản dị lạ thường, chưa từng có, là phương pháp không phương pháp, không để dấu vết,là không tam muội. Chỗ độc đáo này chỉ thầy trò tương đắc, người ngoài không chỗ dùi mài. Tuy nhiên cửa cam lồ đã mở, lòng từ bi của Phật Tổ tràn khắp nơi nơi. Chúng ta phải tự nỗ lực, không việc gì ngoài mình, đừng chạy lăng xăng vô ích. Người tu hành nào không điều được tâm, cứ để buông lung, ruổi theo cảnh ngoài, sẽ vướng các chấp, hoặc có, hoặc không, hoặc đoạn, hoặc thường...

Xa dần chánh đạo, bản lý bị chướng. Bản lý tức là pháp môn không hai, cũng chính là Trung Ðạo Ðệ Nhất Nghĩa không. Bản lý này đã không sáng, tức nhiên các lối tẻ hiện bày và như thế hành giả này lạc vào đường tà bị tà ma ốp. Thân tu Ðạo chánh, tâm đã theo tà, miệng nói việc tà, dự trước đoán sau, lấy làm kế sống. Lâu dần tà lực cũng mất. Hành giả tự mất thăng bằng, hiện thân mang họa. Cuối cùng bị đọa đường ác.

Thế nên các thiền giả thận trọng từng bước, chớ vọng cầu, phải triệt để hoàn toàn cơ sở chấp ngã. Ðồng thời mạnh mẽ siêng năng áp dụng công phu quyết một đời xô ngã núi sê mi, phá tan hành trì ngã chấp. Nên nhớ! "Nam nhi tự hữu xung thiên chí ..." Vừa nói gì ??



6. Ma vọng tưởng

Ma vọng tưởng này là tự chướng. Tự chướng chẳng không thì dòng sanh diệt tiếp nối, điên đảo tán loạn chê chướng bản tâm, do đó người tham Thiền cần phải lư tâm nhiều ở điểm này. Nay xin đưa ra một vài vọng chướng tiêu biểu để trình bày như:

Vọng tưởng ta ngộ đạo
Vọng tưởng ta tu chứng
Vọng tưởng ta được định
Vọng tưởng ta phát Huệ
Vọng tưởng ta biết nhiều
Vọng tưởng ta giỏi văn
Vọng tưởng ta có danh hiển đạt
Vọng tưởng nhiều người cung phụng ta
Vọng tưởng ta làm thầy thiên hạ
Vọng tưởng nhiều người qui hướng ta
Vọng tưởng ta nối tiếp Tổ đăng
Vọng tưởng ta sẽ làm trụ trì
Vọng tưởng ta hoá Ðạo
Vọng tưởng ta truyền lục
Vọng tưởng nhiều người nối dõi ta
Vọng tưởng ta sẽ được nhập tạng
Vọng tưởng ta có thần thông
Vọng tưởng ta được huyền diệu
Vọng tưởng ta rất kỳ đặc
và có nhiều quái lạ như: ta sẽ sống lâu, ta sẽ cải lão hoàn đồng, ta sẽ bay cao, ta sẽ thành Phật... Các cuồng vọng như thế làm rối rắm động niệm, trái với chân thể thanh tịnh của mình. Vì thế, người sơ cơ học Ðạo phải biết mà dứt nó.

Chú
Mê mờ bản lý, nên điên đảo vọng tưởng. Vọng tưởng sinh động thì bản tâm bị che chướng. Loanh quanh mãi trong mê mờ cuồng vọng, tức chân thể thanh tịnh chìm lặng. Khác gì kẻ đi trong đêm đen không đèn đuốc. Người xưa nói: "Ðất tâm nếu không, mặt trời trí tuệ tự chiếu". Nơi đây chúng ta có thể nói cách khác rằng nếu chúng ta chịu dừng thì chuyện gì điên đảo? Vọng tưởng là gì? Thử nhìn lại xem! Vốn dĩ là ảo mộng mà! Lỗi chúng ta cứ chấp rồi lao theo. Lao theo nên điên đảo. Ðã điên đảo thì vọng càng thêm vọng. Ngay đây nếu chúng ta biết dừng, còn gì lăng xăng nắm bắt! Còn chăng hư không thênh thang rỗng suốt, cái gì mê mờ chướng ngại cái gì? Thử nói xem!

Tóm lại là chúng ta có chịu dừng hay không? Dừng thì trời "Không" sáng suốt, đất tâm yên ổn, huệ nhật hằng soi, thiếu sót chỗ nào?
Trái lại rong rêu mải miết, nên hóa điên cuồng. Khổ thay! Khổ thay!

Có thi rằng:

Lớn thay! người sức mạnh
Biết vọng liền khôngtheo
Quê xưa trăng tỏ rạng
Tùng xanh tiếng suối reo
Khoái thay! người biết vọng
Miền "chân không" mở ra
Ðường xưa tự bày hiện
Quê nhà thật không xa Hương quê thoảng trăng sao
Tình quê miền bất nhị
Hư không trải gấm hoa
Người quê một mình đi
Gió ngát hương giải thoát
Hoa đơm đóa từ bi
Tuyết tuôn thành định lực
Trăng soi bất tư nghì

Một tiếng quát!



7. Ma khẩu nghiệp

Ma này là cuồng chướng. Người tu mà chẳng kiểm điểm ngôn ngữ của mình mặc ý cao đàm hùng biện, làm tổn thần lao niệm, sẽ mất Thiền định chân chánh. Nhân sao mà khẩu nghiệp có lỗi lớn như thế? Bởi hay: Ðàm huyền thuyết diệu, giảng giáo nói tông. Khoe mình đắc ngộ, chê người ngu mê. Luận chỗ hay dở. Nói điều phải quấy của người. Ngâm ca thi phú, nói bừa những việc không đâu. Bình nghị những việc hưng phế xưa nay của quốc gia, xưa thì cho người hiền mà ngu, nay thì bảo người hung mà giỏi. Toàn những việc chẳng dính líu về mình mà cứ gân cổ tranh luận. Lại vô cớ khen chê việc hơn thua của người. Phô diễn các cảnh dục lạc, khiến người sanh đắm trước. Bàn cãi những chuyện bất bình làm cho kẻ nghe phát phẫn. Trước mắt thì công kênh đề cao. Sau lưng thì lại chê bai biếm nhẽ. Ðó là những lời nói lợi hại làm mất chánh định của người. Người tu Thiền đời sau phải thận trọng nghiêm ngặt. Bởi loại cuồng chướng này, chẳng những làm cho chúng ta chẳng kiệm ngôn, dưỡng đức mà còn khiến cho tâm chúng ta tán động.

Thế nên những kẻ sơ cơ, phải ngừa phòng khẩu nghiệp cẩn thận!

Chú
Ba nghiệp thân miệng ý. Miệng có bốn lỗi là: nói lời dữ, nói dối vọng, nói thêu dệt, nói hai chiều. Công phu đến đây, hành giả không khéo điều phục khẩu nghiệp có thể sanh ra đại ngôn cuồng vọng, buông lời bừa bãi làm chướng ngăn con đường vào thánh. Vì lẽ đã có chút công phu, lại nếm trải và thu hoạch phần nào kết quả trong sự tu tập, luôn luôn hành giả tự thấy mình được chút gì gì đó gọi là "sở đắc". Từ căn cứ này, nếu tâm chưa thật an thì chính "chút sở đắc" đó làm hại hành giả. Ngay đây, người có mắt sáng liền khám phá kịp thời những cuồng vọng, tạo thế an bình cho chánh định. Trái lại, với người biện biệt chưa rành, thủ thuật chưa khéo thì ngô ngã phân ranh, si mê chồm dậy. Cứ thế buông xuôi lao theo, chẳng khác nào thùng rỗng khua vang. Thực tế mà nhận sở đắc gì? Mình được cái gì? Tương lai mù mịt, đường trước lờ mờ. Dự phóng gì? Nhìn trước ngó sau, khối si mê nhiều kiếp chưa chuyển nổi, núi nhân ngã lâu đời chưa đập tan. Khổ thay! Ngồi đó mà khua động môi lưỡi. Chính mình chưa yên, thì nói gì đến việc hay dở của người, sự hưng phế của nước. Thì thôi! Ðã biết nói nhiều loạn tâm tổn thần, thì sao ngang đây chưa chịu dứt bặt, sống lại cho chính mình để tâm mình được an ổn, định lực của mình được kiên cố. Tóm lại:

Người hay nói - Loạn
Người nói nhiều - Tổn

Người xưa bảo: "Hãy bịt lỗ đít lại mới có chút phần tương ưng" . Lời này của người xưa, bọn ta hết chỗ cắm mỏ. Khoái thay!



8. Ma bệnh khổ

Ðây là khổ chướng. Thân có nhiều bệnh tật là do nghiệp nặng. Hoặc tự mình làm mất sự điều hòa, biến sanh các thứ bệnh, làm cho người học đạo tu hành chẳng an, chẳng thọ dụng được pháp lạc thù thắng. Nay xin nêu dẫn một vài điều thiết yếu để người tu hành đề phòng.

Trước hết phải điều hòa tì vị, chỉ nên dùng những thức ăn thích hợp với cơ thể. Bớt ăn những vị quá đậm đà. Chớ ăn đồ sống và lạnh, khi đói chớ tụng đọc, khi no chớ làm việc nặng, sau khi ăn không nên ngủ liền. Về đêm chớ ăn no quá.

Tóm lại người ưa ăn những thứ nhừ nát, hoặc thích những thứ rang nấu. Khoái ăn đồ ướp ngũ vị, dùng nhiều những thứ không hợp với thân. Lại, ngồi thiền chỗ đất thấp, ngủ nghỉ chỗ gió nhiều. Lúc ra mồ hôi mà xuống nước. Ðang dang nắng mà dùng đồ lạnh mát. Tắm rửa ngoài trời trống gió, ngủ nghỉ dưới chỗ nhiều sương. Cùng các trường hợp: no quá, đói quá, mừng quá, giận quá, nóng quá, lạnh quá. Chỗ mưa nhiều, sương nhiều, trong thương ngoài cảm tất cả tại lỗi không biết điều hòa, nên hay sinh các chứng thương nhọt, thân không làm sao an được. Kẻ tu học đời sau phải biết để phòng bị đó.

Chú
Người tu hành trước nhất phải thấy thân này và ngoại cảnh đều không thật, là báo nghiệp không tự tại của mình. Nó hư giả, mỏng manh, bại hoại, là pháp sinh diệt vô thường. Tuy nhiên chúng ta cần nó, đang dùng nó trong việc tu hành thì phải điều chỉnh thế nào cho nó được yên ổn,để Ðạo nghiệp của ta được viên mãn. Kinh nghiệm sống ở đời. Việc ăn uống ngủ nghỉ, chúng ta phải luôn luôn điều hợp thích đáng. cái gì thái quá hay sanh bất cập. Ðã vậy việc áp dụng thân tâm tu hành hàng ngày chúng ta cũng phải tiết chế, không nên cố chấp. Như ta đã biết, thân này tạm bợ như rắn độc chung lồng, việc kích động chống trái nhau không lúc nào vắng thiếu. lại thêm cảnh nóng lạnh bức ngặt bên ngoài phụ họa, làm cho đã khổ lại càng khổ, nên nói: "khổ, khổ". Chúng ta là người đã thấy được phần nào nguyên nhân các khổ. Chúng ta cũng có sẵn phương pháp dứt trừ nguyên nhân các khổ đó. Nắm chắc bảo đảm và rõ ràng. Như vậy chúng ta còn ngần ngại gì? Chần chờ lúc nào nữa? Chưa chịu hạ thủ cho rồi? Người xưa nói: "Nay đây quyết một đời này cho xong".

Chúng ta cũng thấy rằng: "Muốn dứt tai ương về sau, ngay đây phải quyết định. Trong lúc chúng ta còn đủ sáng suốt, đủ điều kiện, nắm sẵn cơ hội trong tay, mà chúng ta chưa chịu dứt khoát còn đợi gì nữa?"

Chớ để ngày qua, già suy bệnh hoạn thân thể suy hao, tinh thần mờ tối, chẳng đủ sức dụng công đắc lực, không còn hạ thủ một cách quyết liệt nổi. Gắng lên!

Cảnh huyễn, người huyễn, ta mượn tạm các cái huyễn để làm việc huyễn, mọi việc xong rồi huyễn pháp đều buông. Tổ sư nói: "Thân huyễn nhà mộng, vật sắc hư không đời trước không định, kiếp sau đâu thông. Xuống lên xuôi ngược, thay đổi mất công, ba cõi ràng buộc biết thuở nào xong..."

Ngay đây quyết định là xong, một buông tất cả đều buông, không thì nhiều kiếp mang tai họa! Cố gắng! Quỉ dữ vô thường không phân biệt thân sơ, chẳng nhận đồ đút lót. Chúng ta tự liệu trước, việc đến trở tay không kịp, khi đó kêu khổ ai cứu cho? Chi bằng ngay bây giờ tự xoay lại mình hỏi thử: Ta là gì? Ôi chao!



9. Ma Hôn Trầm

Tức là chướng ngại của ngủ nghỉ quá nhiều. Nếu người tu hành không tự rèn luyện để thời gian ngủ nghỉ quá nhiều thì chân tâm chẳng sáng, tánh huệ lặng chìm, sẽ rơi vào chỗ mờ tối, núi đen hang quỷ. Nguyên nhân nào mà ngủ nghỉ nhiều sanh chướng như thế.

Ðấy cũng bởi do ăn nhiều, dùng toàn chất vị đậm đà. Nói nhiều tổn hơi, thân nhọc, tỳ khốn tinh thần không minh mẫn, hơi trược hỗn loạn. Kẻ ngu si nhiều bực tức, lại lười nhác buông lung, chẳng nhớ việc sanh tử, chỉ thích vui giả tạm. Người dụng công tu hành phải khắc tỉnh tinh tiến, noi gương người xưa dùng đùi đâm bắp thịt, đụng đầu vào gốc cột, lạy Phật và đốt đèn, đi kinh hành chỗ hiểm, thân chịu khó mài luyện, ma ngủ mới nhẹ dần. Kẻ thiếu khổ luyện hay mặc tình rong rêu, chân tâm bị mờ tối, những người tu thiền, dũng mãnh hàng phục chướng nàỵ

Chú
Các chướng kể trên trừ oan chướng nhiều đời và cách đề phòng những lỗi thái quá trong lúc dụng công. Ngoài ra đều do hành giả chưa nhận được bản tâm, chưa thấy thật tánh, rong ruổi bên ngoài, cuồng loạn vọng tưởng mà gây nên. Nay xét về những chướng ngại của ma ngủ như đã nói: "Cái gì thái quá thì sanh bất cập". Cũng vậy để cho ma ngủ tự do quá, thì việc dụng công cuả chúng ta không tiến. Tâm huệ không phát là ngủ ngà ngủ gật, thiếu sự sáng suốt là cảnh giới núi đen hang quỉ. Người tu hành lọt vào đó, họa tan thân mất mạng không thể tránh khỏi, nói gì là tiến đạo nghiêm thân? Hơn nữa ma ngủ cùng loạn tưởng là hai ác chướng khó trị nhất của các thiền giả. Có thể nói rằng hai chướng này là hai gọng kìm luôn luôn kẹp chặt hai đầu, bao vây hành giả, lẩn quẩn trong đó. Với hai chướng này, hành giả phải siêng năng, mạnh mẽ lập thệ quyết định buông bỏ thân mạng khắc trị bọn chúng đạt Ðạo mới thôi. Mặt khác hành giả phải khẩn cầu sám hối những chi tập đời trước, đồng thời phòng bị nghiêm nhặt không để cho chúng có cơ hội nhỏ nào hẻo lánh được. Hội đủ những điều trên rồi, hành giả còn phải khéo léo điều thích thân tâm đối với ngoại cảnh, chớ nên để lệch ngã mà lý sự phải viên dung. Ngừời xưa bảo: Khắc chữ Tử trên trán.
Hoặc phải nhớ khẩu hiệu: Sinh tử việc lớn vô thường nhanh chóng.

Trong lúc dụng công, hành giả chỉ một bề ngó thẳng tới trước mà tiến. Quăng ném tất cả sở hữu, dẹp bỏ liên hệ chung quanh, ngay khi nhào nặn công phu không để việc ngoài dính mắc. Giả sử ốm đau cũng được, đói khổ cũng xong, lành lặn cũng được, rách rưới cũng chả sao, sống đến 120 tuổi cũng được, ngã chết tại chỗ cũng thế thôi. Tóm lại, đối với cảnh ngoài thế nào cũng được, hành giả chớ nên bận tâm, chỉ dồn mọi nỗ lực, áp dụng công phu sao cho đắc lực, được như thế mới có ngày xong. Người xưa dùng dùi đâm vào bắp thịt, đụng đầu vào gốc cột...Gương sáng còn đó, chúng ta phải lấy đó noi theo, chớ cho dễ dàng, để một đời trôi suông vô ích.

Trong phần nói về ma oan nghiệt nhiều đời ở trước và phần nói về ma mê ngủ này, ngoài cách tự tỉnh, tự tiến, còn dặn hành giả phải khẩn thiết sám hối. Ở đây, theo thiển ý của bút giả, xin nêu ra phương pháp sám hối có hai:

Tác pháp sám hối - Cách này như trong các kinh Ðại Thừa dạy: Sám hối bằng cách thống trách tự mình, ai khẩn trông cầu mười phương Tam Bảo xót thương chứng biết. Lại phát chí kiên quyết dứt bỏ những lỗi lầm đã gây. Ðồng thời nương vào bi trí vô biên của mười phương Tam Bảo, nguyện giữ vững tâm niệm, sống theo lời dạy của các Hiền Thánh.
Tâm niệm sám hối - Sám hối tự tâm, tức là trong sinh hoạt hàng ngày. Vừa có một niệm khởi lên liền buông không theo. Luôn tự khám phá, khéo làm việc này cho được liên tục. Càng buông định lực càng mạnh. Huệ giác càng sáng, được thế oan nghiệp nhiều đời sẽ chuyển. Vọng nhiễm chấp trước truyền kiếp tiêu tan. Huệ-không bày hiện. Khi này, gì là tội? Sám hối cái gì?


10. Thiên ma

Loại ma này chẳng giống các ma kể trên. Ðây là người tu hành chân chánh sắp được chứng Ðạo. Tâm tình đã thông hợp trạm nhiên chẳng động, khiến bọn thiên ma và các quỉ thần thảy đều kinh hoảng, cung điện của chúng sụp đổ, cõi đại địa chấn động. Ma chúa mất hồn, ma dân té hoảng. Các loại ma mị, phần nhiều có ngũ thông, bọn chúng kéo đến não loạn hành nhân làm cho chẳng vào được vị thánh. Chúng biến các cảnh quái dị, và các cảnh dục làm rối loạn tâm định của hành giả. Nếu trong tâm hành giả vừa có mảy may niệm thủ xả, thì bọn kia nắm được tiện lợi. Hành giả sẽ bị hại, tự phát điên cuồng cho rằng mình thành Phật. Hiện đời không thoát khỏi vương pháp. Khi chết sa vào ngục vô gián.

Vì thế những kẻ tham thiền, phải chánh niệm phân minh, trí huệ luôn sáng suốt, một lòng thường chẳng động. Mặc cho bọn ma kia tác uy, tác quái, ta như chẳng thấy, chẳng nghe. Dùng chánh định hàng ma như thế, tự nhiên loài ma mị tiêu diệt. Các hành giả đời sau dè dặt biện rành đó.

Chú
Ma cũng tự tâm, không ma cũng tự tâm; ma, không ma gì cũng tự tâm; còn mống tâm dấy niệm là còn tâm ma. Từ trên mười thứ ma chướng, chẳng ngoài tâm ta mà có ra. Tâm ta nếu lặng yên chẳng động, ngàn thánh còn chẳng biết, huống loài ma mị làm gì biết được.

Tuy nhiên các hành giả trong Tông môn là người tu hành chân chánh phải luôn luôn phòng bị tâm mình cho cẩn mật, chớ để cho bọn ma mị bên ngoài có cơ hội thuận tiện. Công phu càng đắc lực, hành giả càng cẩn mật hơn, bởi tâm càng tịnh, ma lực càng mãnh liệt. Giai đoạn này chánh niệm phải tỏ rõ, trí huệ luôn chiếu suốt, tâm an trụ chẳng động. Ðã vậy, thì mặc cho loài ma quái kia quấy phá, khác nào bọn chúng nắm bắt hư không.

Ðể đúc kết những điều trình bày trên, các hành giả sơ cơ nên nhận rằng: "Tâm là gốc, ma không ma gì cũng tự tâm ta. Tâm động ma loạn, tâm bất động là chỗ không thể nghĩ bàn, cảnh giới này ngàn thánh xuất thế cũng chẳng biết huống nữa là ma". Như vậy:

Muốn ngồi yên trị ma thì phải thế nào?

Chỉ có bất động. Tâm bất động thì đất nước yên lành, các bóng dáng ma mị dứt bặt. Người xưa nói: Một tâm chẳng sanh, muôn pháp đều bặt". Hoặc nói: Mê ngủ nếu không, các mộng tự trừ . Còn nói mớ, nói mộng làm gì?

Thế thôi

http://www.thegioivohinh.com/archive/index.php?t-616.html

Ý nghĩa câu: Nam-Mô A-Di-Đà Phật

Hằng ngày chúng ta đều niệm niệm câu ấy, nhưng chúng ta cần phải hiểu cái ý nghĩa của câu ấy là gì để giúp chúng ta càng thêm chân quý câu Phật hiệu ấy, và càng tinh tấn để niệm câu Phật hiệu ấy, nôi theo hạnh nguyện của đức Phật A-Di-Đà mà tu hành.

Nhiều khi một câu A-Di-Đà Phật mà mình chẳng hiểu ý nghĩa của câu ấy là gì sẽ khiến mình sanh ra chán nảng, hoặc không tin cho mấy, hễ nghe ai nói tụng Kinh điển nào lớn là có phươc lớn lắm, liền bỏ câu Phật Hiệu "Nam-mô A-Di-Đà Phật". Cho rằng niệm câu phật hiệu ấy ít công đức hơn là tụng kinh điển nào lớn, như Pháp Hoa, Hoa Nghiêm v.v... Chê Kinh A-Di-Đà, chê câu "Nam-mô A-Di-Đà Phật" là kinh nhỏ, không công đức bằng những kinh khác v.v...

Ấy là mình chẳng hiểu được cái ý nghĩa của câu vạn đức hồng danh A-Di-Đà Phật rồi vậy!

Bởi thế phải hiểu cho được ý nghĩa vi diệu thâm sâu của câu A-Di-Đà Phật thì mình mới không còn chấp trước, che bai, mà sanh cái tin tâm kiên cố bền vững với đức Di-Đà với danh hiệu của ngài, và mới một lòng niệm danh hiệu của ngài cầu về Tây Phương!

Bây giờ chúng ta hãy bình tâm mà thâm nhập cái ý nghĩa sâu xa mầu nhiệm của câu: Nam-mô A-Di-Đà Phật.

"Nam-mô" tàu dịch là Quy-Y, tức nghĩa là Nương Tựa, hoặc Trở Về.

Chúng ta Quy-Y (nương tựa trở về) với ai?

Với đức Phật A-Di-Đà!

Chữ "A" tàu dịch là "Vô"
Chữ "Di-Đà" tàu dịch là "Lượng"
Chữ "Phật" tàu dịch là "Giác"

Vậy câu Nam-mô A-Di-Đà Phật nghĩa là Trở về nương tựa với bậc Vô Lượng Giác!

Đây là từ trên mặt chữ mà giải thích ý nghĩa.

Chữ "A-Di-Đà" dịch ra là "Vô Lượng" thì nên biết đức A-Di-Đà Phật có vô lượng danh xưng, và vô lượng nghĩa vi diệu. Chứ không phải chỉ là Vô Lượng Giác, hay Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang thôi đâu!

Kinh Vô Lượng Thọ có nêu ra 12 danh hiệu của đức Phật A-Di-Đà như là:

Vô Lượng Quang Phật
Vô Biên Quang Phật
Vô Ngại Quang Phật
Vô Đối Quang Phật
Diệm Vương Quang Phật
Thanh Tịnh Quang Phật
Hoan Hỷ Quang Phật
Trí Tuệ Quang Phật
Nan Tư Quang Phật
Bất Đoạn Quang Phật
Vô Xưng Quang Phật
Siêu Nhựt Nguyệt Quang Phật

Vậy 12 danh hiệu trên là nêu lên cái công đức, trí tuệ chẳng thể nghĩa bàn của đức Phật A-Di-Đà.

Kinh A-Di-Đà Yếu Giải của Ngẫu Ích Đại Sư nói rất hay, ngài nói rằng đức Phật A-Di-Đà có vô lượng danh, nghĩa chứ chẳng phải chỉ có ý nghĩa Vô Lượng Thọ và Vô Lượng Quang thôi đâu!

Vô Lượng đây là cái gì cũng là vô lượng vô biên cả, như hạnh nguyện, thần thông, diệu dụng v.v... cái gì cũng đều là vô lượng cả!

Nhưng tại sao trong Kinh A-Di-Đà, đức Thích Ca Mâu Ni Phật chỉ nêu ra hai cái ý nghĩa vì sao mà đức Phật hiệu là A-Di-Đà?

Bởi vì hai cái ý nghĩa đó tóm thâu toàn bộ Pháp Giới Không Gian Và Thời Gian Vô Tận, Trọn vẹn tất cả công đức hạnh nguyện, danh hiệu vĩ đại của đức Phật A-Di-Đà!

Hai cái ý nghĩa của câu A-Di-Đà Phật nghĩa là gì như trong Kinh A-Di-Đà đã có dạy?

Đó là:

1. Vì đức Phật đó ánh sáng soi suốt pháp giới 10 phương không gì chướng ngại nên hiệu là A-Di-Đà. (Vô Lượng Quang)

2. Vì đức Phật đó và nhân dân của ngài sống lâu vô lượng vô biên A-Tăng-Kỳ kiếp nên hiệu là A-Di-Đà. (Vô Lượng Thọ)

"Quang" chỉ cho "Không Gian"
"Thọ" chỉ cho "Thời Gian"

Quang là ánh sáng nên chỉ cho Không Gian, vì Ánh Sáng chiếu trên không gian bầu trời.

Thọ là tuổi thọ nên chỉ cho Thời Gian, vì thọ mạng là tín theo thời gian mà có (một năm là một tuổi).

Không Gian chỉ cho khắp Pháp Giới 10 Phương.

Thời Gian chỉ cho đời Quá Khứ, Hiện Tại và Vị Lai.

Như vậy Không Gian và Thời Gian bao hàm Ba đời mười Phương. Như vậy Không có một đức Phật, Bồ Tát, cũng không có một thế giới nào, cũng không có một chúng sanh nào mà chẳng ở trong một câu Phật Hiệu "Nam-mô A-Di-Đà"!

Vì thế nên biết một câu A-Di-Đà Phật đã tròn đầy khắp pháp giới, bao hàm vô lượng chư Phật, Phật Pháp, quốc độ chư Phật, nhiếp thọ và tiếp độ tất cả chúng sanh!

Bởi thế nên Kinh A-Di-Đà nói: Đức Phật đó Hào Quang Sáng Chói soi suốt các cõi 10 phương không gì chướng ngại!

Đó là bởi vì một câu A-Di-Đà Phật thật đã bao gòm ba đời và cùng khắp pháp giới mười phương!

Vì thế có câu: "Nam-Mô Pháp Giới Tạng Thân A-Di-Đà Phật!"

Thế mới biết lời chư tổ tán thán đức Phật A-Di-Đà cũng như Pháp Tịnh Độ không quá đáng mà còn nói rất đúng!

Trí Giả Đại Sư nói: "Niệm Phật tam muội là vua trong các môn tam muội"

Liên Trì Đại Sư nói: "Một câu A-Di-Đà Phật bao trùm tám giáo, tròn nhiếp năm tông"

Ngẫu Ích Đại Sư nói: "khi câu Phật hiệu niệm được thuần thục thì ba tạng, mười hai phần kinh gồm ở trong đó; một ngàn bảy trăm công án, cơ quan hướng thượng đều ở trong đó; ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh, tam tụ tịnh giới cũng ở trong đó."

Thật Hiền Tỉnh Am Đại Sư nói:

"Sáu chữ gồm nhiếp thâu
Tám muôn tư pháp tạng
Một câu giải quyết xong
Ngàn bảy trăm công án
Mặc ai không thích nghe
Ta tự tâm tâm niệm
Xin bất tất nhiều lời
Gắng một lòng không loạn!"

Ấn Quang Đại Sư nói:

"Bỏ đường tắc Tây Phương, chín cõi chúng sanh khó thể được tròn nên quả Giác.

Rời cửa mầu Tịnh Độ, mười phương chư Phật không vẹn toàn độ khắp hàng mê."

Những lời chân thật thiết tha và từ bi của chư tổ sư quả thật khiến người cảm phục và súc động!

Giờ đây hiểu được câu A-Di-Đà Phật nghĩa lý mầu nhiệm sâu xa chẳng phải tầm thường như chúng ta hằng nghĩ, mới thấm thía lời dạy của chư vị tổ sư, rằng câu A-Di-Đà Phật thật đã tròn đầy viên mãn, cùng khắp ba đời mười phương, không gì là không ở trong một niệm A-Di-Đà Phật ấy! Vô Lượng Pháp Môn, Phật Pháp, Kinh Điển v.v... đều chẳng ngoài một câu A-Di-Đà Phật!

Thế mới biết niệm A-Di-Đà Phật cho chuyên nhứt thì như chúng ta đã niệm hết các bộ Kinh điển rồi đó! Tụng Niệm Kinh Phật dày và khó, khó nhiếp tâm. Còn chỉ niệm một câu A-Di-Đà Phật thôi thì dễ biết mấy, dễ nhiếp tâm nữa! Bề nào niệm niệm một câu A-Di-Đà Phật vẫn hay hơn! tốt hơn! Công đức trọn vẹn lớn lao chẳng thể nghĩ bàn! Vì một câu A-Di-Đà Phật đã đầy đủ vô lượng công đức rồi, thế mới nói là "Vô Lượng" (A-Di-Đà)!

Có phải chư tổ và chúng ta khen đức Phật A-Di-Đà quá dáng không?

Xin thưa cùng quý vị, thật sự không quá đáng mà còn đúng và thích đáng nữa kìa!

Chẳng phải Kinh A-Di-Đà, đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật và chư Phật đều tán thán công đức chẳng thể nghĩ bàn của đức Phật A-Di-Đà qua câu nói:

"Như ta hôm nay khen ngợi công đức lợi ích của đức Phật A-Di-Đà, phương đông cũng có A-Súc Bệ Phật v.v..." cho đến các phương khác cũng có chư phật đều tán thán đức Phật A-Di-Đà đó hay sao?

Lại chẳng phải riêng Kinh A-Di-Đà thôi mà Kinh Vô Lượng Thọ (của ngài Hạ Liên Cư) đức Thích-Tôn còn tán thán đức A-Di-Đà Phật đến tột đỉnh là:

"Quang Trung Cực Tôn
Phật Trung Chi Vương"

Nghĩa là ánh sáng của Phật A-Di-Đà sáng hơn chư Phật. A-Di-Đà Phật là vua của chư Phật!

Chư Phật còn tán thán đức A-Di-Đà Phật như thế, chư Tổ Sư còn tán thán đức Phật A-Di-Đà như thế, huống gì là chúng ta ư?

Cho nên chúng ta thường tán thán đức A-Di-Đà Phật theo kệ nầy:

A-Di-Đà Phật Thân Kim sắc
Tướng Hảo Quang Minh Vô Đẳng Luân
Bạch Hào Uyển Chuyển Ngũ Tu Di
Cám Mục Trừng Thanh Tứ Đại Hải
Quang Trung Hoá Phật Vô Số Ức
Hoá Bồ Tát Chúng Diệc Vô Biên
Tứ Thập Bát Nguyện Độ Chúng Sanh
Cữu Phẩm Hàm Linh Đăng Bỉ Ngạn
v.v...

Hoặc bài:

Ba đời mười phương phật
A-Di-Đà bậc nhứt
Oai đức không cùng cực
v.v..

Bây nhờ chúng ta hãy nói sâu hơn một chút về ý nghĩa của câu Nam-mô A-Di-Đà Phật. Cái nầy thì hơi khó hiểu cho các vị sơ cơ, nhưng không sao, chúng ta cứ từ từ mà hiểu cũng được. Dharma cũng chưa biết hết trọn vẹn, nên chỉ nói những gì mình hiểu, mình biết để chia sẽ cùng các bạn đó thôi. Vì sao phải nói? Vì để chúng ta hiểu mà chân quý giữ gìn cái câu Nam-mô A-Di-Đà Phật trong tâm của mình vậy! Đây là viên bảo châu vô giá mà ai ai trong chúng ta hằng có mà chẳng biết đó thôi!

Nói cho tột cùng nghĩa lý thì câu Nam-mô A-Di-Đà Phật nghĩa là "quay về nương tựa với cái tự tánh Vô Lượng Giác (A-Di-Đà Phật) của chính chúng ta".

A-Di-Đà Phật là Vô Lượng Giác, mà cái Tự Tánh của chúng ta chính là, vốn là Vô Lượng Giác đó!

Chư Phật ra đời chỉ vì một Đại Sự Nhân Duyên như Kinh Pháp Hoa đã có dạy là "Khai Thị" chúng sanh "Ngộ Nhập" Phật Tri Kiến.

Mà Phật Tri Kiến ấy không đâu xa lạ, nó từ ở trong cái tự tánh Vô Lượng Giác của chúng ta mà có!

Như vậy chư Phật vì thương chúng sanh mê lầm, nhận vọng làm chân nên bao kiếp trôi lăng trong biển khổ sanh tử luân hồi, mà các ngài không ngại gian lao khó nhọc, hằng luôn nghĩ nhớ đến chúng ta, tìm cách "Khai Thị" chỉ bài cho chúng ta trở về (Nam-mô) với cái tự tánh Vô Lượng Giác (A-Di-Đà Phật) của chính chúng ta để giúp chúng ta "ngộ nhập" được cái tự tánh ấy mà thoát mê khai ngộ, lìa khổ được vui, ra khỏi nhà lửa tam giới, viên thành Chánh Giác.

Thể Tánh của Phật và chúng sanh là bình đẳng. Phật là Giác vì đã trở về (nam-mô) và "ngộ nhập" cái Tự Tánh Vô Lượng Giác (A-Di-Đà) của chính ngài rồi. Còn chúng ta là chúng sanh vì chưa trở về (nam-mô) với và "ngộ nhập" được cái Tự Tánh Vô Lượng Giác (A-Di-Đà) đó!

Tại sao chúng ta chưa trở về và ngộ nhập cái Tự Tánh Vô Lượng Giác của chính chúng ta?

Đó là vì như Kinh Hoa Nghiêm nói: "Chúng sanh đều có đầy đủ đức tướng trí tuệ của Như Lai, do vì vọng tưởng, phân biệt, chấp trước mà chẳng thể chứng đắc."

Vọng Tưởng
Phân Biệt
Chấp Trước

Ba thứ nầy che phủ cái viên ngọc vô giá, cái tự tánh Vô Lượng Giác của chúng ta!

Cho nên chúng ta phải tu làm sao mà trừ ba thứ: vọng tưởng, phân biệt, chấp trước nầy cho thiệt sạch không còn một mảy may thì chúng ta mới viên mãn thành Chánh Giác, bảo châu vô giá tìm được, tự tánh Vô Lượng Giác hiển lộ!

Có nhiều pháp tu khác nhau để trừ ba thứ nầy, nhưng pháp môn Tịnh Độ, một câu A-Di-Đà Phật niệm cho nhứt tâm thì tự nhiên sẽ không còng vọng tưởng, không còn phân biệt, không còn chấp trước gì nữa.

Cái nầy rất khó! Vì sao khó? Vì nó là thối quen đã tích tụ nhiều đời nhiều kiếp, nên khó mà đoạn trừ được nhứt thời.

Bởi thế chúng ta niệm A-Di-Đà Phật là cầu "đới nghiệp vãng sanh"!

Chúng ta đời nay khó có cách nào trong một đời nầy dứt cho sạch vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Chúng ta chỉ có thể đè nén chúng mà thôi!

Làm sao đè nén chúng?

Niệm Nam Mô A-Di-Đà Phật!

Hằng ngày, từ sát na, phút giây chúng ta đều khởi vọng tưởng, nghĩ ngợi đủ thứ, vọng tưởng vô lượng khởi lên, nếu chúng ta chuyên cái tâm vào một câu A-Di-Đà Phật thì ngay khi ấy chúng ta chỉ có một vọng tưởng, vọng niệm đó là A-Di-Đà Phật mà thôi.

Thay gì ngày ngày chúng ta khởi vô lượng vọng tưởng, rồi phân biệt, rồi chấp trước vào những vọng tưởng đó, thì chúng ta chuyên chú ở một vọng tưởng thôi, phân biệt và chấp trước chỉ ở một câu A-Di-Đà Phật thôi. Vậy thì đỡ cho chúng ta lắm!

Khởi vọng tưởng là tạo nghiệp. Kinh Địa Tạng (phẩm 7) nói chúng sanh ở cõi Nam Diêm Phù Đề nầy tức là chổ chúng ta đang ở, hễ khởi vọng tưởng không gì là không tội cả!

Bởi thế vọng tưởng hằng ngày mà ta khởi toàn là ác, và bất chánh.

Nay pháp Tịnh Độ giúp chúng ta bỏ tất cả vọng tưởng ác và bất chánh khác để chuyên chú vào một câu A-Di-Đà Phật.

Cho nên khi vọng tưởng khởi lên lập tức niệm vài tiếng "Nam-mô A-Di-Đà Phật" để trừ khử những vọng tưởng ác khác. Đấy gọi là dùng Vọng Tưởng để dẹp Vọng Tưởng!

Dùng một vọng tưởng A-Di-Đà Phật, để dẹp, dè nén muôn ngàn vọng tưởng sấu ác bất chánh khác khởi dậy. Vậy thì nếu vọng tưởng ác không khởi, chúng ta sẽ không làm điều ác. Không làm điều ác thì không thọ ác quả.

Lại niệm cho chuyên thì chúng ta tâm được dần dần thanh tịnh.

Mà tâm thanh tịnh thì chắc rằng đến phúc lâm chung chúng ta được vãng sanh thế giới Cực Lạc. Bởi vì Tâm Tịnh Thì Cõi Tịnh (Kinh Duy Ma).

Nhưng phải nhớ rằng, phải có đầy đủ Tín, Nguyện và Hạnh thì mới nắm chắt được sự vãng sanh đó, cũng như được thanh tịnh. Nếu không có đầy đủ tín, nguyện, hạnh, thì chưa thể nói là được thanh tịnh.

Tuy biết rằng chúng ta niệm Nam-mô A-Di-Đà Phật thì mới đầu là khởi cái vọng niệm A-Di-Đà Phật, và phân biệt cho đó là danh hiệu của đức Di Đà, và chấp trước, chấp lấy vào cái danh hiệu đó. Nhưng nếu niệm cho thuần thì chắt chắn từ niệm mà đến vô niệm, từ phân biệt mà hết phân biệt, từ chấp trước mà đến không còn gì để chấp trước nữa!

Chúng ta niệm lâu năm mà thuần rồi, hiểu rồi thì thể hội được rằng A-Di-Đà Phật là pháp giới tạng thân, là tự tánh vô lượng giác của chúng ta, niệm niệm hằng ngày đó mà thật chẳng có niệm, phân biệt đã không còn khi chúng ta tự nhập vào tự tánh vô lượng giác của chúng ta, đến đó thì A-Di-Đà Phật và Tự Tánh Di Đà của chúng ta vốn không khác nhau, thì còn gì phân biệt đức Di-Đà ở Tây Phương và đức Di Đà của Tự Tánh chúng ta? Cũng vậy, đã là tự tánh Di-Đà thì niệm niệm ấy đều là tự tánh của mình, đâu còn gì để chấp trước! đâu có cái gì để mà chấp trước nữa!

Ấy gọi tà từ mê đến giác, từ vọng chứng chân, chuyển phiền não thành Bồ Đề vậy!

Thôi hôm nay đến đây thôi. Kỳ sao có diệp, chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu về nghĩa lý của câu Nam-mô A-Di-Đà Phật.

Nguyện đem công đức nầy
Hướng về khắp tất cả
Đệ Tử và chúng sanh
Đồng sanh nước Cực Lạc
Đồng viên thành Chánh Giác

Nam-Mô A-Di-Đà Phật! :)

Namo Amitabha Buddha.

( Theo Adidaphat.net)