Thursday, March 5, 2009

Năm học giới

Viết dựa theo tập sách "Tam Quy, Ngũ Giới"
của Bác Phạm Kim Khánh.

Nền tảng của giáo lý Phật Pháp là Giới. Trì Giới là nghiêm chỉnh tự khép mình vào khuôn khổ kỷ cương. Phạn ngữ Sīla, hay Giới, là tác phong đạo đức và luân lý biểu hiện qua hành động và lời nói. Giới được xem là những quy luật tu học, những hướng dẫn giúp ta thanh lọc tâm ý. Trong Phật giáo, Giới không phải là những điều răn cấm do một đấng thiêng liêng tối cao nào đó đặt ra. Ðức Phật không bao giờ ra lệnh, bắt buộc hàng đệ tử phải làm điều này, hay ngăn cấm không cho làm điều kia. Thay vì răn cấm, Ðức Phật giảng dạy định luật "nhân quả" và khuyên bảo chúng sinh nên sống hòa hợp với lý "nghiệp báo". Ngài đặt ra những nguyên tắc giúp chúng sinh nương theo đó để trau giồi đạo hạnh và tiến hóa. Người Phật tử không bị ép buộc phải tuân hành những điều "răn cấm", mà trái lại, hoàn toàn có tự do chọn lựa con đường của mình. Ngài dạy rằng chư Phật chỉ là những vị đạo sư đã tìm ra con đường đưa đến giải thoát, đã thành công thực hiện con đường đó, và có lòng từ bi chỉ dẫn cho những ai sẵn sàng bước theo dấu chân của các Ngài.

Trong Bát Chánh Đạo - con đường giải thoát gồm tám yếu tố chân chánh, Giới có liên quan đến những lời không nên nói, những việc không nên làm và những nghề không nên theo đuổi (Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng). Còn năm yếu tố kia được xếp vào nhóm Định (Chánh Tinh tấn, Chánh Niệm, Chánh Định) và nhóm Tuệ (Chánh Kiến, Chánh Tư Duy). Người cư sĩ tại gia hành trì năm giới căn bản là: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, và không dùng chất say. Đức Phật dạy:

"Ai mà có thói sát sinh,
Nói năng gian dối, tánh tình tà dâm,
Say sưa, trộm cắp, hư thân,
Sống đời như thế trầm luân vô vàn.
Xem như ngay cõi nhân gian,
Tự đào bỏ mất thiện căn của mình".
(Pháp Cú, 246-247)

"Tự đào bỏ mất thiện căn của mình" có nghĩa là bám chặt, dính mắc vào kiếp sống sinh tử luân hồi, không bao giờ thoát ra khỏi thế gian đầy đau khổ này. Ðức Phật dạy chúng ta nên cố tránh những hành động tạo nghiệp bất thiện kể trên, để làm cho tâm được trong sạch, phát triển trí tuệ để thoát ra khỏi vòng luân hồi.

*

Người Phật tử thuần thành thường xuyên tụng niệm câu kinh thọ trì năm giới - bằng tiếng Pāli và tiếng Việt - để tự nhắc mình những quy tắc tu tập, và quyết tâm điều hướng cuộc sống vào khuôn khổ của giới hạnh. Năm câu tụng Pāli có cùng chung cụm từ "veramaṇī sikkhāpadaṁ samādiyāmi" nghĩa là "tôi nguyện tuân giữ điều học là tránh không làm ...", và được tóm lược như sau:

1. Pāṇātipātā veramaṇī sikkhāpadaṁ samā diyāmi - Con xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự sát sinh.

Không sát sinh là không cố ý cắt đứt, ngăn chặn, tiêu diệt, hay làm trở ngại sức tiến triển của luồng sống hay năng lực đời sống, không cho nó liên tục trôi chảy. Không sát sinh cũng hàm ý là không làm tổn thương sự sống của bất luận sinh vật nào, cũng không sai khiến, xúi giục, dụ dỗ người khác làm những điều này. Trong hình thức thô sơ nhất, hành động sát sinh gồm đủ năm yếu tố: có một sinh vật đang sống, có sự hiểu biết rằng con vật ấy đang sống, cố ý cắt đứt sự sống của sinh vật ấy, chú tâm cố gắng làm cho con vật chết, và chính hành động giết hại.

Ðức Phật dạy:

"Sợ thay gậy gộc, gươm đao,
Yêu thương mầm sống, khát khao cuộc đời.
Suy lòng mình ra lòng người,
Chớ nên giết hại hoặc xui giết người."
(Pháp Cú, 130)

Khi bình giảng về hạnh Trì Giới Ba-la-mật (Sīla Parami) trong quyển "Đức Phật và Phật Pháp", Hòa thượng Nārada viết:

"Mọi người đều quý trọng đời sống của mình. Không ai có quyền cướp sự sống của kẻ khác. Bồ-tát rải tâm Từ đến tất cả chúng sinh, cho đến những con vật bé nhỏ đang bò dưới chân, và không khi nào sát hại hoặc làm tổn thương một sinh vật nào.

"Con người vốn sẵn có một thú tính xúi giục giết hại những chúng sinh khác để ăn thịt mà không chút xót thương. Cũng có khi người ta sát sinh để giải trí, như săn bắn hay đi câu. Dù để nuôi sống thân mạng hay để tìm thú vui, không có lý do nào chánh đáng để giết một sinh linh hoặc làm cách nào khác cho một sinh linh bị giết. Có những phương pháp tàn nhẫn, ghê tởm, cũng có những phương pháp mà người ta gọi là "nhân đạo" để sát sinh. Nhưng làm đau khổ một chúng sinh khác là thiếu lòng từ ái. Giết một con thú đã là hành động bất chánh, nói chi đến giết một người, mặc dù nhiều lý do đã được viện ra gọi là chánh đáng, có khi gọi là cao quý, để con người tàn sát con người."

2. Adinnādānā veramaṇī sikkhāpadaṁ samā diyāmi - Con xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự trộm cắp.

Không trộm cắp, tức không cố ý lấy, hoặc nhờ người khác lấy vật có chủ mà không được cho đến mình. Ðức Phật dạy: "Người ấy cố tránh lấy vật gì không được cho đến mình, những gì - dù ở giữa rừng hoang hay trong xóm làng - thuộc quyền sở hữu của người khác, người ấy không nên lấy với dụng ý đem về làm của riêng." (Tăng Chi, X. 176)

"Lấy một vật gì không được cho đến mình" ở đây có thể bao gồm nhiều hình thức như: trộm cắp, lén lút lấy của người; công khai lấy của người bằng vũ lực hoặc bằng cách hăm dọa; gian lận, giả dối tráo trở, lường gạt, v.v... Tất cả những hình thức trên đều là trộm cắp. Loại tâm nằm phía sau hành động trộm cắp, tức là tác ý thúc đẩy, đưa mình đến hành động phạm giới thường là tâm tham, nhưng cũng có thể là tâm sân, và trong mọi trường hợp, đều có tâm si.

Người thanh tịnh trì giới lánh xa mọi hình thức trộm cắp, dù là trộm cắp hiển nhiên, lộ liễu, hay trộm cắp vi tế, kín đáo, ẩn núp dưới một hình thức nào khác. Người ấy luôn luôn cố gắng phát triển những đức tính thanh bạch, liêm khiết, chân thật và chánh trực. Chẳng những không lấy của người mà còn cố gắng mở rộng tâm quảng đại bố thí, đem của mình ra hiến tặng cho người khác.

3. Kāmesu micchācārā veramaṇī sikhāpadaṁ samādiyāmi - Con xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự tà dâm.

Không tà dâm là gìn giữ đời sống gia đình trong sạch, không lang chạ phóng túng. Ðức Phật dạy: "Người giới đức trong sạch cố tránh tà hạnh và cố gắng tự chế. Người ấy không lăng loàn lang chạ với người còn sống dưới sự bảo bọc của cha, mẹ, anh, chị, hay họ hàng, với người đã có chồng hay vợ, với người đã hứa hôn, hoặc với người mà xã hội không cho phép." (Tăng Chi, X. 176)

Về phương diện luân lý, giới này nhằm bảo vệ hạnh phúc gia đình, không để cho người ngoài xâm phạm vào tình trạng an lạc trong nhà, tạo niềm tín cẩn lẫn nhau, và gia tăng tình nghĩa vợ chồng. Về mặt đạo đức, giới này giúp làm giảm thiểu năng lực tự nhiên có chiều hướng lan rộng của dục vọng và mặt khác, tăng trưởng đức hạnh từ khước và tự chế của lối sống thanh cao.

4. Musāvādā veramaṇī sikkhāpadaṁ samā diyāmi - Con xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự vọng ngữ.

Không vọng ngữ, tức không nói lời giả dối sai quấy, không tạo khẩu nghiệp bất thiện, luôn luôn có lời nói chân chánh và đồng thời trau giồi khẩu nghiệp thiện.

Thông thường chúng ta có khuynh hướng xem nhẹ khẩu nghiệp, vì hậu quả của lời nói thường không biểu hiện mạnh mẽ tức khắc như thân nghiệp. Nhưng nếu chịu khó bình tâm suy tư, chúng ta nhận thức được rằng lời nói có tầm ảnh hưởng rất quan trọng và khả năng tạo hậu quả vô cùng to tát, trong việc thiện cũng như trong điều bất thiện. Lời nói có thể khơi dậy lòng căm thù, tiêu diệt đời sống, gây chiến tranh, mà cũng có khả năng mở mang trí tuệ, hàn gắn chia rẽ và đem lại thanh bình an lạc.

Từ ngàn xưa, lời nói vẫn được xem như lưỡi dao bén cả hai bề mà người sử dụng cần phải hết sức thận trọng. Ngày nay, với sự tiến bộ của những phương tiện truyền thông, hậu quả của lời nói - tốt cũng như xấu - trổ sinh càng nhanh chóng và sâu xa không thể lường. Nếu con người có thể kiểm soát được cái lưỡi không xương của mình thì nhân loại chẳng những tránh được bao nhiêu phiền phức rối ren đau khổ, mà đời sống trên thế gian này cũng được tốt đẹp, thoải mái dễ chịu, đáng sống.

Có bốn loại khẩu nghiệp bất thiện là nói dối, nói đâm thọc, nói thô lỗ cộc cằn, và nói nhảm nhí. Như vậy, không vọng ngữ là không nói dối, không nói đâm thọc, không nói lời thô lỗ và không nói lời nhảm nhí vô ích.

a) Không nói dối, mà luôn luôn nói lời chân thật. Ðức Phật dạy: "Ở đây, người trì giới không nói lời giả dối. Người ấy nói lời chân thật, tận tâm sống chân thật, chắc chắn, đáng được tín cẩn, không làm cho người khác hiểu sai sự thật. Giữa buổi họp hay giữa đám đông, trong giới thân bằng quyến thuộc hay ngoài xã hội, hoặc trước triều đình khi được gọi làm nhân chứng cho một việc gì, người ấy sẽ nói "tôi không biết" nếu thật sự không biết; và nếu biết, người ấy nói "tôi biết". Người ấy nói "tôi không thấy gì" nếu thật sự không thấy, và nói "tôi thấy", nếu thật sự thấy. Như vậy người ấy không bao giờ nói lời giả dối vì lợi ích cho mình, vì lợi ích cho một người thân, hoặc vì bất cứ lợi ích nào". (Tăng Chi, X.176)

b) Không nói đâm thọc, mà luôn luôn nói lời hòa thuận. Ðức Phật dạy: "Người trì giới này không dùng lời lẽ có tính cách đâm thọc. Ðiều gì nghe ở đây, người ấy không lặp lại nơi khác nhằm tạo chia rẽ. Ðiều gì nghe ở nơi khác, người ấy không lặp lại ở đây nhằm tạo chia rẽ. Người ấy có tinh thần đoàn kết những ai chia rẽ, và khuyến khích những ai đoàn kết. Không khí thuận hòa là niềm vui của người ấy. Người ấy hoan hỷ thỏa thích và phấn khởi trong sự hòa hợp và, bằng lời nói, cố gắng gieo trồng mầm mống thuận hòa". (Tăng Chi, X.176)

c) Không nói thô lỗ cộc cằn, mà luôn luôn nói lời thanh tao nhã nhặn. Ðức Phật dạy: "Người trì giới này không nói những lời thô lỗ cộc cằn. Người ấy chỉ thốt ra những lời dịu hiền, thanh nhã, dễ mến, những lời thành thật và lễ độ, thân hữu và làm vui lòng nhiều người." (Tăng Chi, X.176)

Và:

"Đừng nên mở miệng nói câu,
Cộc cằn, ác độc khiến đau lòng người,
Người ta cũng nói trả thôi,
Những lời độc địa muôn đời khổ thay!
Lời qua tiếng lại đắng cay,
Như bao dao gậy phạt ngay thân mình."
(Pháp Cú, 133)

d) Không nói nhảm nhí, mà chỉ nói những lời hữu ích. Ðức Phật dạy: "Người trì giới này không nói lời nhảm nhí vô ích. Người ấy nói đúng lúc, đúng như sự việc xảy ra, nói những lời hữu ích, nói về Giáo pháp và Giới Luật. Lời nói của người ấy là một kho tàng, thốt ra đúng lúc, hữu lý, hòa nhã, và đầy ý nghĩa." (Tăng Chi, X.176)

Lời nói nhảm ắt vô ý nghĩa, nông cạn, và không dẫn đến lợi ích nào. Những lời lẽ như thế ấy chỉ khơi động vọng tâm, Ðức Phật khuyên nên hạn chế những ngôn từ thuộc loại này. Lời nói phải là cẩn ngôn, phải được chọn lọc, và chỉ nói những lời thích hợp với Giáo pháp. Ngài dạy: "Này chư Tỳ khưu, khi quý vị tụ họp đông đảo thì chỉ có hai việc nên làm: hoặc thảo luận về Giáo pháp, hoặc giữ sự im lặng cao thượng." (Trung Bộ, 26)

Người nghiêm túc trì giới không vọng ngữ là người không nói lời nhảm nhí vô ích. Không phải nói nhiều mà chứng tỏ rằng mình học rộng biết xa. Cũng không phải nói nhiều mà tạo nhiều lợi ích cho mình hoặc cho người khác. Ngài dạy:

"Dù ngàn lời nói với nhau,
Nếu đều vô nghĩa, ích đâu cho đời!
Chẳng bằng chỉ nói một lời,
Đầy đủ nghĩa lý, mọi người mừng thay!
Nghe xong, tâm tịnh lạc ngay."

(Pháp Cú, 100)

5. Surāmerayāmajjapamādaṭṭhāna veramaṇī sikkhāpadaṁ samādiyāmi - Con xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự dể duôi uống rượu và các chất say.

"Không dùng chất say" là không uống rượu và không dùng bất luận chất say nào, như ma túy chẳng hạn, có thể làm cho trí não lu mờ, mất sáng suốt. Mặc dù uống chút rượu không đến đỗi là một tệ hại trọng đại, nhưng trong đa số các trường hợp, người uống rượu không biết đến lúc nào phải ngừng, và khi đã quá chén rồi thì mất lý trí, không còn kiểm soát được lời nói và hành động của họ. Từ đó, người say sưa có thể phạm bất cứ giới nào khác mà bình thường họ vẫn cố gắng gìn giữ.

*

Trên đây là năm giới căn bản mà mỗi người Phật tử tự nguyện nghiêm trì. Người giữ gìn trong sạch năm giới này là một phước lành cho những ai sống quanh người ấy, mà cũng tạo thiện nghiệp cho chính mình. Người ấy sẽ tái sinh vào những cảnh giới nhàn lạc và thọ hưởng quả lành.

Tuy nhiên, đó chưa phải là mục tiêu cứu cánh của người tu Phật, vì vẫn chưa thoát ra khỏi những kiếp sống trong vòng luân hồi, mà chỉ thọ hưởng những phần thưởng thu nhặt trên con đường hành trì đưa đến Niết Bàn. Giới chỉ là phương tiện để thành đạt mục tiêu. Mục tiêu tối hậu là Giải Thoát. Toàn thể giáo huấn mà Ðức Thế Tôn truyền dạy đều chỉ nhằm vào mục tiêu Giải Thoát. Trong bài kinh Uposatha, Phật Tự Thuyết V.51, Ðức Phật tuyên bố: "Cũng như các biển lớn chỉ có một vị là vị mặn, Giáo pháp của Ta chỉ có một vị là vị Giải Thoát".

Dù là bài kinh dài hay ngắn, dù là những lời dạy cho hàng sơ cơ hay những giáo huấn cao thâm, tất cả đều nhằm vào mục tiêu duy nhất là giải thoát ra khỏi mọi hình thức khổ đau của kiếp sống vô thường và vô ngã. Tuy nhiên, không thể có sự bỗng nhiên giải thoát, hay giải thoát từng đoàn từng nhóm, mà chỉ có công phu chuyên cần tu tập của từng cá nhân, và do công phu tu tập cá nhân ấy, mỗi người đần dần tiến đến sự giải thoát cho riêng mình. Ðức Thế Tôn dạy tiếp:

"Cũng như các biển lớn tuần tự thuận xuôi, tuần tự thuận hướng, tuần tự sâu dần, không có thình lình như một vực thẳm; Giáo pháp và Giới Luật này có các công phu tu tập tuần tự đưa đến các tiến triển tuần tự, các quả dị thục tuần tự, không có sự bỗng nhiên giác ngộ".

Năm giới căn bản là nền tảng của Giáo pháp. Dựa trên căn bản vững chắc đó, người Phật tử thuần thành nỗ lực và kiên trì tuần tự tu tiến.

*

Nghiêm túc trì giới còn có nghĩa là bố thí vô úy - bố thí sự an toàn, tình trạng không lo sợ đến cho người khác. Không ai thích sống chung với những người ăn nói giả dối, thô lỗ cộc cằn, với hạng người sát sinh, trộm cắp, lăng loàn, say sưa hư hỏng. Gần họ, ta không cảm thấy an toàn, phải luôn luôn lo sợ, lúc nào cũng phải đề phòng. Trái lại, ta thích ở gần những người có giới đức, vì những người này không làm cho mình lo âu, sợ sệt. Người giữ giới trong sạch mang đến trạng thái an toàn cho những ai sống quanh mình. Người giữ tròn đủ năm học giới là người "đem sự không sợ hãi cho vô lượng chúng sanh, đem sự không hận thù cho vô lượng chúng sanh, đem sự không hại cho vô lượng chúng sanh", và đó là "nguồn nước công đức, nguồn nước thiện, món ăn cho an lạc, làm nhân sanh Thiên, quả dị thục an lạc, đưa đến cõi trời, dẫn đến khả ái, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc." (Tăng Chi, VIII.39)

Có sách giải thích từ sīla - giới là đồng nghĩa với samadhāna - hòa điệu, điều hòa, nhịp nhàng hòa hợp. Ðây là lối sống hòa điệu với chính mình và với người khác. Người giữ giới là người không bao giờ làm tổn thương sự sống của bất luận chúng sinh nào mà luôn luôn nâng đỡ, giúp cho luồng sống của mọi chúng sinh trôi chảy dễ dàng. Người ấy không trộm cắp mà luôn luôn mở rộng tâm quảng đại bố thí. Người ấy không lang chạ phóng túng mà luôn luôn có đời sống gia đình trong sạch. Người ấy luôn luôn chân thật, luôn luôn thanh nhã, luôn luôn có lời nói hữu ích và đem lại tinh thần hòa hợp. Người ấy không bao giờ say sưa mà lúc nào cũng bình tỉnh sáng suốt. Người như thế chắc chắn tạo được một cuộc sống hiền hòa trong gia đình, đem lại sự hòa hợp trong giao tiếp giữa người với người trong một xã hội mà quyền lợi cá nhân có nhiều khác biệt, đôi khi còn đối nghịch. Về phương diện tâm lý, người nghiêm trì giới luật tránh cho mình những xung đột tâm trí do tội lỗi gây nên - những nỗi khổ não khi bị lương tâm cắn rứt - và nhờ đó, tâm trí được thăng bằng, an lạc.

Tóm lại, người Phật tử nghiêm trì giới luật qua hai mặt: thụ động và chủ động. Về mặt thụ động, trì giới là không tạo nghiệp ác qua lời nói lẫn hành động, và ngăn chặn các tư tưởng uế trược tội lỗi trong tâm ý. Về mặt chủ động, trì giới là tạo thêm nghiệp thiện, phát triển tâm ý tốt lành, nhằm tạo điều kiện và hoàn cảnh thuận lợi, hỗ trợ ta trên con đường đưa đến giác ngộ giải thoát.

-ooOoo-

Ðầu trang | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | Mục lục

AI CŨNG PHẢI HỌC LÀM NGƯỜI

Liên Hải dịch

Đại sư Tinh Vân có một người đệ tử, sau khi tốt nghiệp đại học, liền học Thạc sĩ, rồi lại học Tiến sĩ. Sau nhiều năm, cuối cùng cũng đã hoàn thành luận án tiến sĩ nên vô cùng mừng vui.

Một hôm người đồ đệ này trở về, thưa với ngài Tinh Vân: “Bạch Sư Phụ nay con đã có học vị Tiến sĩ rồi, sau này con phải học những gì nữa?” Ngài Tinh Vân bảo: “Học làm người”, học làm người là việc học suốt đời chẳng thể nào tốt nghiệp được.

Ngài Tinh Vân cho rằng, bất luận là sĩ nông công thương, người ở tầng lớp nào có học tập là có tiến bộ, nay cùng chia sẻ với mọi người về những điều cần phải học.

Thứ nhất, “học nhận lỗi”. Con người thường không chịu nhận lỗi lầm về mình, tất cả mọi lỗi lầm đều đổ cho người khác, cho rằng bản thân mình mới đúng, thật ra không biết nhận lỗi chính là một lỗi lầm lớn. Đối tượng mà mình nhận lỗi có thể là cha mẹ, bạn bè, mọi người trong xã hội, thậm chí nhận lỗi với con cái hay là người không tốt đối với mình, nhận lỗi như vậy bản thân chẳng mất mát gì, ngược lại còn thể hiện được sự độ lượng của bản thân. Học nhận lỗi là một điều rất tốt, là sự tu tập lớn.

Thứ hai “học nhu hòa”. Răng người ta rất cứng, lưỡi người ta lại mềm, đi hết cuộc đời răng người ta lại rụng hết, nhưng lưỡi thì vẫn còn nguyên, cho nên cần phải học mềm mỏng, nhu hòa thì đời con người ta mới có thể tồn tại dài lâu được, chứ cứng làm chi cho chịu thiệt thòi. Tâm nhu hòa là một tiến bộ lớn trong việc tu tập. Người ta thường hình dung những người cố chấp, thì tấm lòng của họ, tính cách của họ rất lạnh, rất cứng y như một miếng sắt vậy. Nếu chúng ta có thể điều hòa hơi thở, điều hòa thân tâm, dần dần điều phục tâm như ngựa hoang, như vượn chuyền cành này khiến cho nó nhu hòa mềm mại, thì cuộc sống mới vui tươi hơn, mới lâu dài được.

Thứ ba “học nhẫn nhục”. Thế gian này nếu nhẫn được một chút thì sóng yên biển lặng, lùi một bước thì biển rộng trời cao. Nhẫn, vạn sự được tiêu trừ. Nhẫn chính là biết xử sự, biết hóa giải, dùng trí tuệ và năng lực làm cho chuyện lớn hóa thành nhỏ, chuyện nhỏ hóa thành không. Các vị muốn sống, muốn sinh tồn, muốn sinh mạng này thì cần phải biết nhẫn, có thể hiểu rõ những đúng sai, thiện ác, tốt xấu của thế gian, thậm chí chấp nhận nó.

Thứ tư “học thấu hiểu”. Thiếu thấu hiểu lẫn nhau sẽ nảy sinh những thị phi, tranh chấp, hiểu lầm. Mọi người nên thấu hiểu thông cảm lẫn nhau, để giúp đỡ lẫn nhau. Không thông cảm lẫn nhau làm sao có thể hòa bình được?

Thứ năm, “học buông bỏ”. Cuộc đời như một chiếc va li, lúc cần dùng thì xách lên, không cần dùng nữa thì đặt nó xuống, lúc cần đặt xuống lại không đặt xuống, cũng như kéo một túi hành lý nặng nề không tự tại chút nào cả. Năm tháng cuộc đời có hạn, nhận lỗi, tôn trọng, bao dung, mới làm cho người ta chấp nhận mình, biết buông bỏ thì mới có thể tự tại được.

Thứ sáu “học cảm động”. Nhìn thấy ưu điểm của người khác chúng ta nên hoan hỷ, nhìn thấy điều không may của người khác nên cảm động. Cảm động là tâm thương yêu, tâm bồ tát, tâm bồ đề; trong cuộc đời mấy mươi năm của tôi, có rất nhiều câu chuyện, nhiều lời nói làm tôi cảm động, cho nên tôi cũng rất nỗ lực tìm cách làm cho người khác cảm động.

Thứ bảy “học sinh tồn”. Để sinh tồn chúng ta phải duy trì bảo vệ thân thể khỏe mạnh, thân thể khỏe mạnh không những có lợi cho bản thân, mà còn làm cho gia đình bạn bè yên tâm, cho nên đó cũng là hành vi hiếu để với người thân.

Chúc bạn bè thân hữu cùng cố gắng!

Liên Hải dịch

Truyện ngắn: Vết Thương

Một cậu bé có tính xấu rất hay nổi nóng. Một hôm người cha đưa một túi đinh và nói với cậu bé rằng mỗi khi con nổi nóng thì hãy chạy ra đằng sau nhà đóng một cái đinh lên hàng rào gỗ.

Ngày đầu tiên cậu bé đã đóng rất nhiều đinh lên hàng rào. Nhưng sau vài tuần cậu bé đã tập kiềm chế cơn giận của mình và số đinh đóng lên hàng rào mỗi ngày một ít đi. Rồi cậu nhận thấy rằng kiềm chế cơn giận của mình thì dễ hơn là phải đóng cây đinh lên hàng rào. Một ngày kia, cậu đă không nổi giận một lần nào suốt cả ngày. Cậu nói với cha và ông bảo cậu hãy nhổ một cái đinh ra khỏi hàng rào nếu một ngày cậu không hề nổi giận với ai dù chỉ một lần.

Ngày lại ngày trôi qua, rồi cũng đến một hôm cậu bé tìm cha mình báo rằng không còn một cái đinh nào trên hàng rào nữa. Cha cậu đã cùng cậu đứng bên hàng rào và ông nói với cậu rằng: “Con đã làm rất tốt. Nhưng hãy nhìn nhĩmg lỗ đinh trên hàng rào. Hàng rào đã không giống như xưa nữa rồi. Nếu con nói điều gì trong cơn giận dữ, những lời nói đó cũng giống như những lỗ đinh này, để lại những vết thương trong lòng người khác. Dù sau đó con có nói bao nhiêu lần xin lỗi đi nữa, vết thương đó vẫn còn ở lại. Vết thương tinh thần cũng đau đớn như vết thương thể xác vậy…”.

Lời cha dạy thật là thâm thúy, cậu bé chừng như đã hiểu ra được tai hại của cơn giận. Từ đó về sau cậu bé trở nên hiền lành dễ thương khiến mọi người vô cùng ngạc nhiên về sự thay đổi tâm tính của cậu.

(Kể theo “Học làm người”)

phatphap.wordpress.com & phatphapnhiemmau.com

GIẢI TỎA OAN ỨC - HT.TRÍ QUẢNG

HT.Thích Trí Quảng
Nguồn: Báo Giác Ngộ số 456 & 457
(Bài giảng khóa tu một ngày an lạc lần thứ 28 tại chùa Phổ Quang, ngày 08-06-2008)
TẢI FILE PDF VỀ MÁY (Acrobat Reader)

Tất cả chúng ta sống trên cuộc đời này, ai cũng có nỗi lo, nỗi khổ, nhất là cảm giác bị oan ức là nỗi khổ lớn. Oan ức là những điều mình nên mình cảm thấy ức lòng, đau khổ. Muốn giải tỏa nỗi oan ức này, chúng ta làm cách nào?

Luận Bảo Vương Tam muội dạy rằng oan ức không cần biện minh, vì càng biện minh thì nỗi hàm oan càng lớn. Lời dạy này hơi khó hiểu. Đa số chúng ta tin rằng mình có thể giải tỏa được oan ức; nhưng sự thật càng giải nỗi hàm oan càng tăng trưởng mà tôi có cảm giác như chiếc vòng số 8, nếu càng vùng vẫy thì càng siết chặt lại, thà cứ để yên chúng ta sẽ thấy nhẹ nhàng hơn và làm sao tay chúng ta tự nhỏ lại để rút tay ra khỏi cái còng, hay ngược lại, làm sao cái còng mở ra được. Làm tay mình thu nhỏ lại chắc chắn là rất khó, hoặc làm chiếc còng mở ra được cũng không dễ; nhưng chỉ có hai cách này mà thôi.

Nếu là chiếc còng số tám thật, tra chìa khóa vô thì mở được. Còn chiếc còng oan ức siết tâm mình thì cũng phải tìm chìa khóa mở ra. Nhưng nếu không tìm thấy chìa khóa mở cửa thoát ra khỏi tam giới.

Vấn đề đặt ra ở đây là giải oan ức nhưng phải tìm oan ức này ở đâu? Có thể khẳng định rằng nỗi oan ức thật sự do chúng ta tạo nên cho chính mình. Đức Phật đã chỉ thẳng rằng tất cả mọi việc do chúng ta tự tạo ra và sự tạo dựng lớn nhất của chúng ta là tạo ngôi nhà ngũ ấm và tạo ngục tù tam giới, từ đó phát sinh tất cả khổ đau của mọi người trên thế gian này.

Đức Phật đã trao cho chúng ta chiếc chìa khóa là 37 trợ đạo phẩm để mở cánh cửa ngục tù tam giới, mở cánh cửa nhà lửa để chúng ta thoát ra. Tất cả các vị thánh La hán và chư Bồ tát đã tìm ra chìa khóa và các ngài đã thoát ra rồi, nhưng vì thương chúng sinh nên các Ngài đã trở lại nhân gian này với dạng hình con người. Chúng ta thấy trên mặt hiện tượng, Bồ tát hay La hán có hàm oan, nhưng thật sự không phải như vậy; vì các Ngài trở lại cuộc đời bằng tâm từ bi và trong tay các Ngài có vô số phương tiện hữu hiệu, đồng thời trong tâm các ngài cũng có diệu pháp, tức là đại dụng. Thầy lớn có đủ khả năng giúp chúng ta tháo gỡ những oan ức.

Trên bước đường tu nếu không nương tựa Bồ tát và La hán, người ta sẽ ở mãi trong sinh tử, không thoát được và oan ức này sẽ chồng lên oan ức khác, cho đến lúc họ phải vào địa ngục Vô gián, vì càng tháo gỡ theo kiểu phàm phu thì chiếc còng oan ức càng siết chặt họ hơn. Thật vậy, thực tế cho thấy lúc bắt đầu, sai lầm của họ không có, hay có rất ít, nghĩa là nỗi oan ức của họ không lớn, nhưng vì không nhìn đúng sự thật của vấn đề, cứ nghĩ họ đúng, họ bị oan ức và nuôi lớn nỗi oan ức đó, nên họ cứ tranh đấu hoài, thì lòng sân hận và hành động sai trái theo đó tăng dần, cho đến lúc họ không chịu nổi, sẽ kết thúc bằng tự tử. Con đường đi vào sinh tử là vậy.

Đức Phật mới mở ra cho loài người con đường giản thoát, thực tập pháp Phật đến đâu thì được giải thoát đến đó, tức là phát huy được trí tuệ theo Phật. Tát cả các pháp môn Đức Phật dạy đều kà chìa khóa mở cánh của ra khỏi ngục tù tam giới. Đức Phật đã trao chìa khóa và chúng ta chỉ cần tra chìa khóa vào là bước ra khỏi mọi trói buộc, khổ đau. Phật là vị đại Đạo sư đã chỉ dạy con đường thoát hiểm nạn trầm luân sinh tử, việc đi ra hay không là tùy ở chúng ta.

Đức Phật trao cho chúng ta chìa khóa của kinh Pháp Hoa la tam thừa giáo để ra khỏi sinh tử, ra khỏi Nhà lửa, đến bãi đất trống, nghĩa là tâm chúng ta trống sạch, được giải thoát, tát cả nỗi oan ức trong lòng không còn. Lúc đó chúng ta vẫn còn thân người nhưng là người giải thoát thanh tịnh, không phải chết mới được giải thoát, nhiều khi chết khổ hơn, vì mang thân người mới có điều kiện tốt để làm Tiên, làm Phật, còn rớt xuống làm heo gà, không tu lên được.

Trong loài người mới được Phật trao cho chìa khóa tam thừa; Ngài nói rằng trong tứ sanh lục đạo, chỉ loài người mới có điều kiện ra khỏi tam giới. Tất cả các loài khác muốn ra khỏi tam giới, phải tái sinh làm người, rồi tu lên, mới làm Tiên, làm Phật.

Khi phát tâm Bồ đề, thật sự tu theo Phật, nhìn kỹ thấy trên cuộc đời này những nỗi oan ức thường là “oan Thị Mầu”, không phải oan Thị Kính, vì Thị Kính đã lấy được chìa khóa tam thừa mở thoát ra, giải được nỗi oan. Ai cứ thấy mình oan ức là người đó đang tu theo Thị Mầu, hay tu theo Đắc Kỷ đã tu một ngàn năm, nhưng tánh ác hại người bên trong còn nguyên mà miệng cứ kêu oan.

Bước chân vào Phật pháp, an trụ trong yếu lý Phật dạy, thấy được thật tướng các pháp mà Phật nói rằng ở trong tam giời không có sinh tử, nhưng mình vì vô minh vọng kiến ngăn che, tạo nên các tội sai biệt, rồi cứ kêu oan. Tất cả mọi việc đều do chúng ta tạo, kinh Hoa Nghiêm gọi là nhứt thiết duy tâm tạo. Nếu tâm chúng ta thánh thiện sẽ tạo nên Bích chi Phật, La hán, Bồ tát; nếu tam chúng ta ác sẽ tạo thành ác ma, cao nhất là ma Ba tuần, dẫn vào thế giới ma.

Chìa khóa Phật trao cho loài người là Ngài trao cho Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát để cứu nhân độ thế. Những vị này đã có chìa khóa, đã tự mở được ngục tù cho họ rồi và cũng mở ngục tù cho mọi người thoát ra. Nếu không nương vào ba hàng đệ tử này để ra khỏi ngục tù của ba cõi, chúng ta sẽ lẩn quẩn mãi trong tam giới và tội cũ sẽ chống chất thêm tội mới, cú như vậy phải khổ triền miên, rồi nói tôi tu sao mà khổ vậy.

Chúng ta phải biết cái gì tạo khổ đây. Đức Phật nói do Thức chúng ta tạo. Đa số chúng ta sống theo vọng thức, từ bỏ chơn tâm. Vọng thức là lòng ham muốn, tánh ích kỷ của chúng ta. Chúng ta sống với vọng thức nhiều hơn mới dẫn đến khổ đau. Vì vậy, trên bước đường tu, muốn hết khổ, phải xóa võng thức. Bồ tát chuyển được vọng thức thành tuệ giác là hiểu biết, nên không bao giờ khổ.

Không biết thì thực không khổ, nhưng cảm thấy khổ. Ví dụ những người xung quanh nói xâu tôi, nhưng tôi không nghe, không biết, nên tôi không khổ. Lỡ có người nghe lời nói xấu, họ kể rằng ông A nói xấu tôi vậy đó, nghe xong tôi cảm thấy khổ. Nghĩa là do nghe, suy nghĩ, biết, mà cảm thấy mình bị oan ức rồi buồn khổ, thì đó là oan Thị Mầu, tức đã tạo tội rồi mà còn kêu oan.

Người tu xóa oan ức theo Phật dạy bằng cách không nghe, không thấy, không suy nghĩ, thì tạm cắt bỏ được vọng thức ở bước đầu; vì vọng thức này phát xuất từ thấy, nghe, suy nghĩ gọi là nhãn thức, nhĩ thức và ý thức, tạo nên hiểu biết đau khổ.

Ai nói chúng ta không nghe, ai làm chúng ta không thấy, nên tâm chúng ta không suy nghĩ. Đức Phật dạy muốn ra khỏi sinh tử, được giải thoát, phải cách ly thế sự. Vì vậy, người tu thường ở trong phòng đóng cửa lại, hoặc ở trong hang đá, ở núi rừng vắng vẻ, không liên hệ với cuộc đời, để khóa cánh cửa địa ngục, mở cánh cửa Niết bàn. Nói cách khác, cánh cửa trần gian đóng lại, mở Phật pháp bên trong là tu hướng nội khác với hướng ngoại thì nghe biết đủ thứ chuyên trên cuộc đời, nên biết nhiều khổ nhiều, không biết không khổ. Thậm chí một chút nữa trời sập, nhưng mình không biết thì vẫn tỉnh như không, còn biết trời sắp sập, dù chưa sập nhưng trong lòng cứ cảm thấy lo sợ, phải tự khổ thôi.
Trong khóa tu này, các Phật tử tập tu bằng cách không biết việc của thiên hạ, vì biết như vậy sẽ làm bẩn tâm mình, tự khổ thêm. Càng biết nhiều việc của cuộc đời, chắc chắn nỗi khổ sẽ lên đến cùng tột. Người tu không dại gì đem khổ của thiên hạ vô tâm mình để khổ. Chúng ta thấy Đức Khổng Tử chỉ có ý thức muốn bình thiên hạ mà cả cuộc đời của ông luôn lận đận lao đao. Làm sao bình được thiên hạ, việc này không thể được, nhưng ông cứ muốn như vậy mà tự khổ; tức hiểu biết đã làm ông khổ. Hạng Thác là người chăn trâu hỏi Khổng Tử trả lời được ba câu thì mới xứng đáng là Vạn Thế Sư Biểu, tức làm Thầy muôn đời. Khổng Tử đáp rằng một trăm câu cũng trả lời được, chẳng lẽ không trả lời nổi ba câu của kẻ mục đồng. Hạng Thác hỏi trên trời có bao nhiêu vì sao. Khổng Tử bảo nói chuyện trên trời làm sao biết được, hãy nói chuyện trên mặt đất. Nhưng ông cũng không trả lời được câu hỏi thứ hai là trên trái đất này có bao nhiêu người. Ông tức mình bảo phải nói chuyện trước mắt, đừng nói chuyện bao la. Vậy thì câu hỏi thứ ba là cho biết cặp chân mày của ông có bao nhiêu sợi lông. Dĩ nhiên là ông đành chịu thua.
Câu chuyện này nhằm nói rằng hiểu biết của con người có giới hạn, nhưng muốn làm chuyện quá lớn lao rồi tự khổ. Nếu Đức Khổng Tử từ bỏ ý nghĩ muốn bình thiên hạ, chắc chắn ông vẫn sống ung dung tự tại, vì với trí khôn ngoan hiểu biết ông cũng giúp được cho cuộc đời nhiều lắm chứ.

Trước tiên, Đức Phật trao chiếc chìa khóa thứ nhất cho hàng nhân thiên thoát ra khỏi khổ đau. Con người muốn hết khổ, không còn oan ức nữa, Phật khuyên chúng ta chỉ cần giữ năm giới cho tốt. Nếu đã giữ năm giới tốt, nhưng còn bị oan ức là do túc nghiệp của chúng ta, tức là nghiệp của đời trước. Nhìn cuộc sống chúng ta hiện tại mà biết được túc nghiệp mình. Nếu sanh trong gia đình cờ bạc, hút xách, chắc chắn chúng ta phải mang tất cả nghiệp của dòng họ mình. Chúng ta có nghiệp này mới sanh vô gia đình như vậy. Nếu sanh trong gia đình chiến tranh hay ở vùng biên giới không có văn minh, tự biết nghiệp của mình đời trước không tốt. Sanh ra trong gia đình nghèo đói, thân thể ốm o, rách rưới mà đến nhà sang giàu thì dễ bị hàm oan. Tôi xuất thân từ giai cấp nông dân nghèo khổ, nên nhận ra điều này rất rõ và vâng lời Phật dạy, tôi giải được nghiệp này. Nghèo nàn thì ta không nên đến chỗ sang trọng, vì dễ bị đổ oan rằng mình ăn cắp, bị đánh, bị tù tôi, bị giết chết. Nghiệp nghèo khổ đời trước đã có, đời này không muốn bị oan ức, tốt nhất là tránh những nơi giàu có. Ý này trong kinh Pháp Hoa, Ca Diếp đại diện cho các trưởng lão thưa với Đức Phật rằng người cùng tử không dám vào nhà sang trọng của ông trưởng giả, mà phải tới xóm nghèo làm thuê mướn, sau đó mời được vào ở am tranh hốt dọn phân nhơ. Nghĩa là chúng ta đến được Phật pháp, phải chấp nhận thực tế cuộc sống của mình, phải sống đúng thân phận và hoàn cảnh tương ưng với mình thì người ta mới để cho mình yên thân mà tu.

Riêng bản thân tôi, trong khoảng thời gian từ 10 tuổi cho đến 30 tuổi, trong suốt 20 năm, tôi không có một vật nào có giá trị để không bị oan ức, vì có ai mất đồ, thấy tôi sống đơn giản, chắc chắn họ không nghi tôi ăn trộm. Chỗ ở và thức ăn của mình đạm bạc tới mức tối đa, thì ai nghĩ mình ăn cắp.

Tu hành chúng ta phải nhận ra túc nghiệp của mình để giải oan. Oan ức do nghiệp đời trước mang vô thân đời này rồi, chúng ta phải tìm cách xóa sạch. Nghiệp nghèo đói do gian tham trộm cắp, nghiệp bệnh hoạn do sát sanh hại mạng, nghiệp tà dâm nên thân thể xấu xí hôi dơ, nghĩa là phải kiện toàn thân tâm mình trở thành thanh tịnh thật sự.

Chìa khóa ngũ giới mà Đức Phật đưa cho chúng ta, để thực tập đời sống phạm hạnh, không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói bịa đặt, không uống rượu. Thực tập trước năm điều tốt đẹp căn bản này, tất cả hàm oan sẽ không đến với chúng ta nữa, hoặc thực tập đến đâu sẽ giải thoát đến đó còn tham vọng lớn, đòi hỏi nhiều, tiêu xài phung phí, nợ chồng chất thì phải khổ thêm, không thể khác. Trên bước đường tu theo Phật, hãy sống với những gì mình có, hay sống dưới mức mình có càng tốt; nói cách khác làm nhiều hưởng ít, mới tích lũy được công đức, chắc chắn cuộc sống an lành giải thoát ngay, không đợi kiếp sau.

Muốn đời sống chúng ta được nâng cao hơn, Đức Phật trao chiếc chìa khóa thứ hai là thập thiện. Tu thập thiện nghiệp, tức làm mười điều lành sẽ được người kính trọng. Thập thiện nghiệp là mười giới gồm có ba giới của thân (không sát sánh, không trộm cắp, không tà dâm), bốn giới của miệng (không nói lời bịa đặt, không nói lời hung ác, không nói lời đâm thọc, không nói lời gây chia rẽ) và ba giới của ý (tham, sân, si) Thực hiện mười nghiệp thiện sẽ được lên cõi Trời là cảnh giới sống được tốt đẹp hơn cõi người.

Ví dụ đối với việc thiện của thân, chẳng những chúng ta không sát sanh mà còn có lòng từ hộ mạng chúng sinh. Vì có hộ mạng tức cứu giúp người hoặc loài vật, mình sẽ được họ thương kính, quý trọng, nghĩa là tư cách của mình được nâng cao gọi là chư Thiên. Đọc truyện Tây du ký, có ông Trần Quang Nhị đã cứu con cá vàng thoát chết. Khi ông bị người ác xô xuống sông, vì đời trước ông đã giết người này; nhưng nhờ ông đã cứu con cá vàng nên nó nhớ ơn, hiện ra cứu ông. Mình có bố thí, giúp đỡ, người mang ơn, lỡ mình sa cơ thất thế, họ sẽ giúp lại mình.

Như vậy, Đức Phật đã trao cho loài người hai chìa khóa, một chìa khóa thập thiện nghiệp để mở cửa thiên đường và một chìa khóa ngũ giới để được tái sinh làm người không còn bị hàm oan. Còn tạo nghiệp ác kiếp trước, thì sánh lại đời này thường bị hàm oan và từ đó lại tạo thêm nhiều nghiệp để phải chịu oan nữa.

Tuy hai chìa khóa này giúp chúng ta thoát những nỗi khổ đau và oan ức, nhưng chỉ là giải quyết tạm thời trên cuộc đời này, vì khi hết oan ức và hưởng hết phước, lại tạo tội, rồi rớt xuống khổ đau thì gặp oan ức nữa. Cứ như vậy mà chúng ta lẩn quẩn từ kiếp này sang kiếp khác trong tứ sánh lục đạo.

Đức Phật vì tâm đại bi muốn cho chúng ta ra khỏi sinh tử luân hồi, Ngài mới trao thêm ba chìa khóa khác mà kinh Phát Hoa gọi là ba xe, xe dê, xe nai, xe trâu, phải dùng ba xe này mới ra ngoài sinh tử và thành tựu quả vị Phật được. Đức Phật cho ba hạng người là La hán, Bích chi Phật và Bồ tát sử dụng ba xe này, tức tam thừa giáo; còn các pháp tu khác dành cho nhân thiên.

Muốn tu ba pháp Thanh văn thừa Duyên giác thừa và Bồ tát thừa để ra khỏi sinh tử, Đức Phật dạy chúng ta phải hạ thủ công phu miền mật, không phải bình thường. Đầu tiên tu Thanh văn thừa để đắc La hán, đó là pháp mà con người dễ thực tập nhất, gần nhất và nhanh nhất. Quả La hán có bốn cấp bậc: Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm và A la hán. Bốn cấp bậc này chúng ta tưởng khó, nhưng không khó lắm, vì đó là thế giới của nội tâm, tức chỉ tu tâm. Vì tu tâm, nên chúng ta thấy các vị La hán chỉ ngồi yên, không làm gì, nhưng họ đang quán sát sự vận hành của tâm và điều động được tâm, nên quả chứng của họ rất lớn, chẳng những giải sạch tất cả oan trái trên cuộc đời này, mà họ còn vĩnh viễn ra khỏi tam giới. Trong khi hàng nhân thiên giải được hàm oan này lại rơi vào hàm oan khác, tạo phước cũng trầy trật lắm, nhưng có phước rồi, được sống sung sướng ở cõi trời hưởng một lúc phá sản, lại rớt xuống, có thể rớt thẳng xuống ba đường ác, còn may mắn thì tái sinh cõi nhân gian, lại bị khổ đau hàm oan nữa.

Tóm lại, năm chìa khóa mà Đức Phật đã trao cho chúng ta để mở các cánh cửa đi vào những cảnh giới tốt đẹp, từ cõi người đến cõi Trời, cho đến những cảnh giới của hàng tứ Thánh là Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát và Phật. Chúng ta nhờ có căn lành sâu dày mới được làm đệ tử Phật, được tu học trong giáo pháp của Ngài, cầu mong rằng tất cả mọi người nỗ lực tinh tấn tu hành, tùy theo tâm lực, đạo lực, huệ lực mà từng bước trong cuộc sống này và muôn kiếp về sau, chúng ta thường ra vào tự tại những cảnh giới tốt đẹp trong mười phương Pháp giới để thành tựu viên mãn phước đức trí tuệ của Bồ tát hạnh, đạt được quả vị Vô thượng Chánh đẳng giác.

phatphap.wordpress.com & phatphapnhiemmau.com