Sunday, April 18, 2010

Rồi sẽ qua đi

Một đại vương xin một đạo sĩ Sufi một cẩm nang có thể giúp mình trong mọi trường hợp xấu tốt, thành bại, sống chết. Ðạo sĩ đưa cho nhà vua chiếc nhẫn kim cương của mình và bảo : "Có một thông điệp trong này, nhưng chỉ khi nào vua thực sự lâm vào thế bí mới được mở ra, không được mở ra chỉ vì tò mò."

Nhiều lần vua rất tò mò muốn biết cái gì ở dưới viên kim cương ấy, nhưng chống lại cơn cám dỗ vì giữ lời hứa với đạo sĩ.

Mười năm sau, đất nước bị xâm chiếm, vua phải bỏ chạy vào rừng. Kẻ thù đang rượt đuổi sau lưng, tiếng vó ngựa mỗi lúc một gần. Vua thúc ngựa phi thật nhanh cho đến khi cả người lẫn ngựa đều mệt lả. Thình lình vua đối diện một hố thẳm, không thể quay lui vì sau lưng kẻ thù đang rượt, cũng không thể nhảy xuống hố vì sẽ cầm chắc cái chết. Vua chỉ còn nước dừng lại chờ. Bỗng chốc nhớ đến chiếc nhẫn, vua tháo viên kim cương ra và tìm thấy một mảnh giấy ghi : "Ngay việc này rồi cũng sẽ qua đi". Tự nhiên một niềm bình thản lớn lao ngự trị trong tâm hồn nhà vua : "Việc này rồi cũng sẽ qua đi."

Và sự việc xảy ra đúng như thế. Tiếng vó ngựa quân thù mỗi lúc một xa dần, vì họ đã rẽ sang đường khác. Vua thu thập quân binh, chiến đấu chiếm lại vương đô. Cả kinh thành vui mừng trang hoàng đẹp đẽ, rắc đầy hoa tươi để đón rước nhà vua hồi cung.

Vua bỗng cảm thấy một niềm kiêu hãnh lớn nổi lên, và ông nhớ lại thông điệp "Rồi việc này cũng sẽ qua đi", khi ấy niềm kiêu hãnh tan biến, tất cả những tràng hoa, sự tung hô vạn tuế trở thành trò con trẻ. Quả thực câu ấy đã có ích trong khi thất bại cũng như lúc thành công. Nó trở thành thiền định của ông, câu thần chú của ông. Từ đấy dù bất cứ việc gì xảy ra, tự thâm tâm vua cũng đều thầm nhủ "rồi nó sẽ qua đi".

Nếu bạn có thể nhớ điều ấy, thì dù bất cứ việc gì xảy đến, bạn cũng chỉ làm một người chứng kiến "Ðiều này nữa cũng sẽ qua đi."

Sự chứng kiến như vậy gọi là ý thức tỉnh giác.

Trích báo Tuệ Uyển số 37, tháng 11/2003


http://trisieu.free.fr/phatphap/Roisequa.htm

Quán Tha Thứ

Người tu cần phải diệt trừ lòng sân hận, giận hờn, thù ghét, căm tức. Vì lòng sân có sức tác hại như lửa, nó thiêu đốt chủ nhân. Chúng ta hay nổi sân vì bị trái ý, bị người khác làm tổn thương, rồi từ đó ta ghim trong lòng. Cho nên mỗi lần gặp lại hay nghĩ đến người đó thì ta rất khó chịu, bực bội, và rất dễ nổi sân. Người khổ sở nhất là ta chứ không phải người kia. Muốn diệt trừ lòng sân, ngoài việc quán tâm từ, chúng ta cần thực tập thêm phép quán Tha thứ như sau: 1. Nếu tôi đã từng làm ai đau khổ và tổn thương bằng tư tưởng, lời nói hay hành động thì tôi xin tất cả hãy từ bi tha thứ cho sự si mê lầm lạc của tôi.2. Tôi xin mở lòng từ bi tha thứ cho những người, vì si mê lầm lạc, đã từng làm tôi đau khổ và tổn thương.3. Tôi xin tha thứ cho những điều lầm lẫn vụng dại của tôi và nguyện cố gắng sửa đổi.4. Cầu xin cho tất cả mọi người biết tha thứ cho nhau và không ôm ấp hận thù.
Câu thứ nhất xin người tha thứ cho ta, câu thứ hai ta tha thứ cho người, câu thứ ba ta tha thứ cho chính mình, và câu thứ tư ta cầu mong cho mọi người biết tha thứ lẫn nhau.
Ban đầu bạn học thuộc lòng bài thiền quán này và tập nhớ lại một cách tổng quát trong lúc ngồi thiền, sau đó bạn đi xa hơn vào chi tiết nghĩa là xét lại mình đã làm người nào đau khổ, người đó là ai ? Bạn đã làm tổn thương họ ra sao ? Bằng lời nói hay hành động ? Và sau cùng bạn thầm xin người đó tha thứ cho bạn.
Có người rất kiêu căng, ngạo mạn, nhiều khi biết mình có lỗi nhưng không chịu nhận lỗi và xin lỗi. Thực tập câu thứ nhất sẽ giúp cho họ bớt kiêu căng và thông cảm niềm đau của kẻ khác.
Có người biết nhận lỗi và xin lỗi nhưng trái lại hay ghim trong lòng những niềm đau nên khó bỏ qua hoặc tha thứ cho kẻ đã làm mình tổn thương. Thực tập câu thứ hai sẽ giúp cho họ mở tâm độ lượng bao dung.
Có người biết tha thứ cho kẻ khác một cách dễ dàng nhưng lại không tha thứ được cho mình mỗi khi lầm lỗi. Họ mang mặc cảm tội lỗi và tự trách móc mình như: tại sao tôi dở quá, tại sao tôi có thể làm những chuyện ngu si tồi bại như vậy, v.v... Thực tập câu thứ ba sẽ giúp cho họ biết thương yêu và tha thứ cho chính mình.
Câu thứ tư tập cho tâm mở rộng hướng đến tất cả chúng sinh.
Thực tập quán tha thứ thì tâm ta trở nên nhẹ nhõm, phiền não, bực tức tự động rơi rớt, và lòng thương sẽ mở rộng.
Thích Trí Siêu

http://trisieu.free.fr/phatphap/quanthathu.htm

Nên học kinh như thế nào?

Khi học kinh ta nên kiểm lại xem mình học kinh với mục đích gì? Nếu nghiên cứu kinh điển, tầm chương trích cú, suy luận diễn giải mà không biết áp dụng vào cuộc sống để tu tâm sửa tánh thì đó chỉ là thâu thập kiến thức, nhiều khi trở thành "sở tri chướng". Nguy cơ hiện nay là người tu học (trí thức) thường quan tâm đến sự giải thích về con đường tu hơn là chính con đường, thích chú trọng vào những lý thuyết và hình thức khác nhau của Phật giáo thay vì liên hệ đến những kinh nghiệm tu tập của chính mình.
Có những người rất thông minh, biết đủ loại giáo lý, biết về lý Trung Quán, Tánh Không, Bát nhã, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, v.v... nhưng lại không biết mình có những tánh hư, tật xấu nào cần phải sửa. Do đó những cái lý cao siêu kia sẽ mãi mãi chỉ là lý như bao nhiêu triết lý khác, không giúp ích gì được cho việc tu hành chuyển hóa khổ đau.
Ngược lại với kiến thức là tín ngưỡng, thích thờ lạy, lễ bái, xem kinh như một thứ thần chú hay bùa hộ mạng, tụng kinh để cầu xin điều này điều nọ, không chịu học hỏi để hiểu và tu tập. Nghe ai nói tụng kinh này linh, kinh kia tốt thì làm theo, thành tâm tin tưởng, tụng hết bộ này đến bộ khác. Siêng năng tụng kinh như vậy cũng tốt, vì trong lúc tụng thì miệng không nói bậy, tuy không hiểu nghĩa nhưng lời kinh không ít thì nhiều cũng rơi vào tâm thức chờ một thuận duyên nào đó sẽ nở ra hạt giống trí tuệ.
Học mà không tu (thực hành) là cái đãy đựng sách, là một thư viện biết đi. Tu mà không học là tu mù. Đức Phật có nói: "tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta". Tại sao vậy? Vì đạo Phật là đạo cứu khổ bằng tuệ giác chứ không phải bằng cầu xin, đức Phật (Buddha) là người giác ngộ chỉ cho ta con đường thoát khổ chứ ngài không thể cứu ta bằng thần thông. Nếu chỉ muốn tin Phật mà không học hiểu thì đó là mê tín, xem Phật là một loại thần thánh ban phúc giáng họa như bao nhiêu thần thánh ngoại đạo. Đó không phải phỉ báng Phật là gì? Học kinh để hiểu Phật, tin Phật và làm theo lời Phật thì niềm tin này là hoa trái, kết quả của tuệ giác, là chánh tín chứ không phải mê tín. Chánh tín là một loại tín ngưỡng trong sạch giúp con người trở nên đạo đức. Những người vô thần, không tin vào thần thánh, nhưng họ tin vào mãnh lực đồng tiền, tin vào quyền lực nên tha hồ làm tội ác. Ngày nay ở Âu Mỹ, người ta có đầy đủ tiền bạc, tiện nghi vật chất nhưng vẫn thấy thiếu thốn và bất an, bởi vì đời sống tâm linh nghèo nàn, không có niềm tin, không biết tin vào cái gì đem lại hạnh phúc thực sự. Là phật tử chúng ta có niềm tin nơi tam bảo, khi khổ đau thì có chỗ trở về nương tựa, đó là một điều may mắn.
Mọi tiến trình tu tập cần trải qua ba giai đoạn: văn, tư, tu. Văn là nghe, tư là suy nghĩ, tu là sửa. Học hỏi kinh điển là văn, tụng kinh cũng là văn vì miệng tụng và tai lắng nghe lời dạy của phật. Nhưng nếu học mà không sửa là kiến thức suông, có văn, tư mà thiếu tu. Còn tụng mà không học hỏi nghĩa lý thì biết đâu mà sửa, có văn mà không có tư và tu, dễ rơi vào mê tín.
Bởi thế cách học đạo thông minh là mỗi khi đọc hay học một kinh nào đó, ta nên suy
nghĩ và trả lời những câu hỏi như sau:
- Đại ý kinh này nói gì?
- Làm sao áp dụng kinh này vào đời sống hằng ngày?
- Nếu áp dụng thì được lợi ích gì?
- Có giúp ta bớt khổ hay không?
- Có giúp ta trở nên thánh thiện hơn không?
Nếu một kinh nào áp dụng vào đời sống hằng ngày, giúp ta bớt khổ, chuyển hóa được nội kết và tính xấu thì ta nên đọc tụng thường xuyên để nó đi vào tâm khảm nhắc ta tu hành. Học kinh như vậy mới có lợi ích.
Trích sách "Ý Tình Thân" Thích Trí Siêu

Hạnh phúc xả ly

Ở đời người ta thường cho hạnh phúc là có được cái này, có được cái kia : có nhà lầu, xe hơi, có vợ đẹp, con ngoan, có tài sản, quyền thế, v.v... Khi chưa có thì muốn có, làm đủ mọi cách để cho có. Có rồi thì sợ mất hoặc xem thường rồi lại muốn có cái khác. Nếu có không được thì buồn phiền, bất mãn, khổ sở.
Người biết tu thì thấy "không có" là một hạnh phúc. Không có ở đây là do trí tuệ quán chiếu thấy mọi sự phiền toái đều do ham muốn mà ra. Bởi thế người tu không muốn có, nếu đã có rồi thì tập xả ly. Vì những thứ "có" trên thế gian này đều là ràng buộc.
Tuy nhiên đối với những người chưa có, chưa thỏa mãn được những mong ước, thèm khát, còn mải mê chạy theo vật chất thì xả ly là một việc thật khó làm, vì họ chưa có thì lấy gì mà xả bỏ.
Ðức Phật đã có vợ con, vàng bạc, của cải, cung tần mỹ nữ, đầy đủ vật chất mà trong lòng vẫn nặng trĩu âu lo, không cảm thấy hạnh phúc. Do đó ngài mới xả bỏ ra đi tìm chân lý, tìm hạnh phúc chân thật. Trong khi đó có những người tu lại chạy theo vật chất, của cải, tài sản, danh lợi bởi vì trong đời họ chưa được thỏa mãn, chưa cảm thấy có đầy đủ. Chỉ khi nào có được rồi và trải qua kinh nghiệm thấy những thứ mà họ đã nhọc công tìm kiếm chỉ đem lại phiền toái và khổ đau thì lúc đó ý nghĩ xả ly mới xuất hiện.
Trước hết có thân thì phải lo cho thân ăn, mặc, ở. Phải đi làm kiếm ăn, phải mua quần áo mặc, phải thuê nhà ở. Khi thân đau ốm phải lo thuốc men, chạy chữa. Nếu có gia đình thì phải lo làm ăn buôn bán kiếm tiền nuôi vợ, nuôi con. Suốt ngày chỉ lo suy nghĩ và làm đủ mọi chuyện cho cái ta và những thứ của ta.
Hạnh phúc xả ly tương đương với thiểu dục tri túc, có nghĩa là tâm không ham muốn, và luôn cảm thấy đầy đủ dù trong tay không có gì hết. Với người tu, không có sở hữu gì thật là một hạnh phúc. Nói như vậy có vẻ ngược đời, nhưng người tu là kẻ đi ngược dòng đời kia mà !
Xả ly giống như người đang mang gánh nặng trên vai mà đi, nay bỏ được gánh nặng xuống thì cảm thấy nhẹ nhàng sung sướng vô cùng. Người tu cần tập xả ly, vì xả nhiều chừng nào thì nhẹ chừng nấy. Xả ly không có nghĩa là phải vứt bỏ hết tài sản, của cải mà ta đang có.
Xả ly trước hết là xả bỏ sự ham muốn và buồn giận trong tâm, kế đến là xả bỏ sự bám víu vật chất bên ngoài. Tuy sống giữa tài sản, vật chất sung túc, nhưng tâm không còn nhớ nghĩ những thứ đó là của ta nữa, nếu có ai xin hoặc mất thì ta xem như nhẹ gánh nặng.
Tập xả ly tới mức cùng cực thì khi chết, ta sẽ xem như trút hết gánh nặng, nhất là cái thân tứ đại này. Ta đã phải mang nó trên vai suốt cả cuộc đời, nay bỏ được nó, há không phải là sung sướng lắm sao? Vì thế nên các thiền sư đắc đạo, khi chết đều vui vẻ an nhiên ra đi tự tại.
Khi đói thì ta thèm ăn, nhưng khi ăn thì đòi thứ này thứ kia rồi ăn cho cố, cho no, rồi đau bụng, nặng bụng, khó thở. Khi khát thì thèm uống, nhưng khi uống thì uống những thứ độc hại như rượu bia, rồi say mèm, ói mửa. Nhiều khi sinh ra ung thư hay xưng gan.
Ở thế gian này, cái cảm giác khoái lạc nhất mà con người đều đi tìm là tình dục. Nhưng xét cho kỹ, tình dục chẳng qua là một nhu cầu thú tánh. Thỏa mãn xong thì mệt nhoài, lăn ra ngủ như chết. Những thứ mà ta cho là sung sướng hạnh phúc, đó chỉ là một loại cảm giác mạnh, thô trược, bất tịnh. Chư thiên ở trên cao nhìn xuống thấy chúng ta chẳng khác gì đàn heo lăn lộn trong chuồng dơ mà cảm thấy thích thú.
Người tu là người đi tìm hạnh phúc chân thật, hạnh phúc này chỉ có khi tâm không còn bám víu, dính mắc, thèm khát mọi sự vật trên đời này. Như vậy hạnh phúc chính là sự giải thoát của tâm ý. Và muốn có giải thoát thì phải tập xả ly. Hãy nhìn vào tự tâm, xem mình còn bám víu, dính mắc, ưa ghét cái gì không ? Có người xả bỏ được vợ con nhưng lại dính mắc vào chùa chiền, xả bỏ được tài sản nhưng lại dính mắc vào danh lợi, địa vị. Xả bỏ được cái này nhưng rồi lại dính mắc vào cái khác, vì thế nên tu cả đời mà nghiệp vẫn nặng làm sao giải thoát được ?

Thích Trí Siêu

http://trisieu.free.fr/phatphap/xaly.htm