Thursday, April 22, 2010

Hiệp ước sống chung

Sau đây là tám điều mà những ai muốn sống chung hạnh phúc nên hứa thực hiện với nhau:

1/ Truyền thông

Sống chung mà mạnh ai nấy sống, không ai nói chuyện với ai thì sớm muộn gì cũng tan rã. Mục đích của truyền thông là làm sao cho hai bên hiểu nhau. Muốn hiểu nhau thì phải biết nói và biết nghe. Nhưng nói là nói những gì ? Và nghe làm sao ? Nhiều người nói suốt ngày nhưng nói toàn những chuyện vô ích, chuyện trên trời dưới đất, chuyện thị phi, tốt xấu của người khác, còn chuyện quan trọng tình cảm thì không biết nói. Nghe thì suốt ngày nghe nhạc, coi ti vi, nghe tiếng ồn ào náo động chung quanh nhưng không biết lắng nghe người thương của mình bày tỏ tâm sự. Sống chung ta phải biết diễn tả ý kiến, ý nghĩ, tình cảm, nội kết của mình cho người kia hiểu và cũng biết lắng nghe phần của người kia.

Điều lầm lỗi mà chúng ta hay phạm phải là "suy bụng ta ra bụng người", cứ tưởng là mình hiểu biết người kia và đinh ninh người kia cũng phải biết ý ta muốn gì. Nhưng thật ra ta không bao giờ biết được bụng của người kia nghĩ gì hay muốn gì, và người kia cũng không thể biết được ta thực sự muốn gì vì mỗi người có một thế giới nội tâm riêng. Có rất nhiều điều mà ta không bao giờ nói hay tiết lộ cho người thương của mình biết vì ngại (sợ) không muốn hay không biết nói. Những điều "không nói thầm kín" lâu ngày trở thành một hố thẳm ngăn cách, gây ra dè dặt thiếu tin tưởng lẫn nhau.

Muốn tránh sự "suy bụng ta ra bụng người" ta phải tập để ý quan sát và nói thẳng chứ không nên vòng vo tam quốc hay nói bóng bói gió. Đa số những chuyện buồn giận đều do hiểu lầm không nói hoặc nói không rõ. Khi thương cũng như khi buồn giận đều cần nói ra không nên để bụng, khi nói thì tập nói ái ngữ và chánh ngữ.

2/Tương trợ

Biết những ưu điểm và khuyết điểm của nhau để bổ sung và giúp đỡ nhau. Khi mới yêu ai cũng phô trương cái hay cái đẹp của mình ra còn cái xấu dở thì dấu đi không muốn người kia biết. Sau một thời gian chung sống, những cái xấu kia mới lòi ra và lúc đó bất mãn buồn bực nhau. Nhân vô thập toàn, ai cũng có ưu điểm và khuyết điểm, điều quan trọng là biết chấp nhận và bổ túc cho nhau. Thí dụ chồng có sức khỏe làm việc nặng nhọc nhưng không có tài giao thiệp, còn vợ thì đảm đang khéo ăn khéo nói, mỗi khi cần giao thiệp với người ngoài thì vợ nên thay thế chồng. Bồng em thì khỏi nấu cơm, nấu cơm thì khỏi bồng em.

3/ Trung thành

Cam kết trung thành với nhau, không lừa dối, ngoại tình, v.v... Đây chính là giới thứ ba trong năm giới căn bản của người phật tử, giới không tà dâm.

4/ Thương yêu

Thế nào là thương yêu ? Chữ thương yêu ở ngoài đời thường có nghĩa là ái dục, ái luyến. Một người đàn ông thấy đàn bà đẹp thì sinh lòng yêu mến muốn chiếm hữu, một người đàn bà được người đàn ông o bế nuông chiều thì ưa thích không muốn rời. Phần đông đàn ông yêu vì sắc, đàn bà yêu vì lợi. Đây là thứ tình yêu ích kỷ, yêu người vì lợi cho mình.

Thương yêu thực sự là mong muốn người kia được an vui hạnh phúc, biết chấp nhận người kia như họ là. Tình thương thực sự phải giống như lòng mẹ thương con, dù con đẹp hay xấu, khôn hay dại, ngoan hay hư, người mẹ đều thương, chấp nhận và không bao giờ bỏ con. Đây là tình thương vô điều kiện (unconditional love).

5/ Tôn trọng

Tôn trọng tự do, không gian và nhân tính của người thương. Không nên kiểm soát điều khiển, biến người kia thành nô lệ của mình. Bạn có muốn được thương như một con chim nhốt trong lồng vàng hay tự do bay nhảy ngoài trời ?

6/ Biết hỏi và chấp nhận

Mỗi khi cần gì thì phải biết bày tỏ như hỏi, xin, yêu cầu và cùng lúc phải biết tôn trọng, chấp chận sự trả lời của người kia. Thí dụ chồng muốn đi xi nê nhưng không biết vợ có thích không ? Tốt nhất là bày tỏ ý muốn của mình, nếu vợ cũng thích thì cùng đi, còn vợ không thích vì một lý do gì đó thì chồng không nên nài ép hoặc giận dỗi.

7/ Chia xẻ

Chia xẻ với nhau về ý kiến, tình cảm, vật chất, không thủ lợi ích kỷ. Cho phép người kia đi vào cuộc đời của mình, tìm hiểu mình, không giấu diếm.

8/ Cởi mở, làm mới

Sống chung một thời gian, không ai tránh khỏi nhàm chán buồn tẻ vì bận làm ăn, lo cho con cái, không có thì giờ vui chơi giải trí như hồi mới quen nhau. Do đó cần phải biết cởi mở, làm mới và sống lại những tánh hồn nhiên, thương yêu, dễ thương, thông cảm của thuở ban đầu.

Mỗi người hãy thành thật viết ra những khía cạnh đáng yêu và đáng ghét của bao năm sống chung rồi trao đổi với nhau. Kế đó cùng bàn luận và ghi ra những giải pháp có thể thỏa mãn những ước muốn chung của hai người.

Việc quan trọng không phải lúc nào cũng làm đẹp lòng nhau mà là khả năng giải tỏa sự bất hòa. Có những cặp vợ chồng không bao giờ gây sự cãi cọ với nhau, bề ngoài có vẻ hạnh phúc nhưng bên trong rất lạnh lùng tẻ nhạt, họ không làm to chuyện bởi vì mỗi người chỉ muốn yên thân qua ngày. Ngược lại có những cặp vợ chồng tuy trải qua nhiều cơn sóng gió nhưng họ hiểu nhau và thương nhau nhiều hơn.

Trích Ý Tình Thân


http://trisieu.free.fr/phatphap/Hiep_uoc_song.htm

Thương Ghét

1) Ða số người thường suốt ngày sống trong sự thương ghét. Người nào vừa ý, hợp ý mình thì thương, kẻ nào trái ý mình thì ghét.

2) Khi bắt đầu biết đạo thì tập tánh bình đẳng, không thương người này ghét người kia.

3) Sau khi hiểu đạo thì chỉ còn tình thương. Thấy ai cũng là bà con thân thuộc của mình từ nhiều đời, và thấy ai cũng đáng thương hết.


http://trisieu.free.fr/phatphap/uaghet.htm

Tranh Chấp

Mỗi khi có sự tranh chấp, buồn phiền, chúng ta thường có khuynh hướng đổ lỗi cho người khác. Sau đây là 3 trường hợp :

1) Người chưa biết đạo thì hay cho là mình đúng và người kia lỗi 100%.

2) Người bắt đầu học đạo biết tu thì thấy cả 2 bên đều có lỗi 50%.

3) Người hiểu đạo thì thấy mình lỗi 100%.


http://trisieu.free.fr/phatphap/tranhchap.htm

Tuesday, April 20, 2010

Tôn giả tí hon

Thuở Phật còn tại thế, một hôm vị đệ tử đại trí của ngài, tôn giả Xá Lợi Phất, đi khất thực trong thành Vương Xá, bỗng nhớ tới một người bạn nghèo của thân phụ, và muốn đến gieo phước cho ông. Tôn giả đi đến nhà ông lão. Khi thấy tôn giả từ xa đi lại, ông lão nghĩ thầm: "Kìa là cháu Upatissa (tên của tôn giả trước khi xuất gia) yêu dấu của ta ngày xưa, đến khất thực. Y không biết rằng ta chẳng còn gì cho y". Nghĩ thế, ông lão lánh mặt, tự nhủ xin được chút gì mới cúng dường cho tôn giả. Ít hôm sau, ông lão kiếm được một chút cháo và một mảnh y phục nhờ sự đọc tụng kinh điển Bà la môn. Ông định bụng sẽ cúng dường cho tôn giả. Lúc ấy tôn giả đang nhập định, quán sát thấy ông lão muốn bố thí, nên ngài xuất định, ôm bát đến nhà ông lão. Tôn giả đứng trước cửa như thường lệ, ông lão ra đảnh lễ tôn giả mời vào nhà để cúng dường. Tôn giả chỉ nhận phần nửa bát cháo rồi đậy nắp bát. Nhưng ông lão năn nỉ: "Bạch tôn giả, đây chỉ có một phần ăn. Xin tôn giả nhận tất cả, cho con được phước báu đời sau. Con muốn cúng tất cả cho ngài".
Nói rồi ông lão đổ trọn bát cháo vào bát của tôn giả. Tôn giả Xá Lợi Phất dùng cháo ngay tại chỗ. Khi ngài dùng xong, ông lão lại cúng nốt mảnh y phục còn lại cho ngài:
- Bạch tôn giả, nguyện cho con đời sau sẽ có được trí tuệ siêu việt như ngài.
- Này bà la môn, ông sẽ được toại nguyện.
Sau khi nói lời tùy hỷ công đức, tôn giả đứng lên tiếp tục du hành đến Kỳ viên tịnh xá.
Ông lão sau khi cúng dường tôn giả thì vui mừng vô hạn và càng tăng lòng ái mộ đối với tôn giả. Do sự kính ái này, ông lão thác sinh vào gia đình một thí chủ thường xuyên của tôn giả Xá Lợi Phất. Khi bà tín nữ mang thai, bà đâm ra khát khao hơn bao giờ hết là được cúng dường cháo hàng ngày cho chúng tỳ kheo của tôn giả Xá Lợi Phất, gồm tất cả 500 vị. Bà khao khát được mặc y vàng, đến ngồi ngoài cổng tịnh xá mà chực ăn phần cháo thừa của chúng tăng để được thừa hưởng phước trí trang nghiêm. Thân quyến và chồng bà giúp bà thực hiện ước nguyện ấy, cúng dường cháo hàng ngày cho chúng tỳ kheo. Có người cho rằng sự thích mặc áo vàng của bà là điềm báo trước người con trong bụng sẽ là một vị tỳ kheo đệ tử Phật, và họ lấy làm sung sướng.
Đúng kỳ sinh nở, một hài nhi xinh đẹp ra đời, cả gia đình hân hoan đón tiếp. Họ tắm em bé bằng nước thơm, mặc cho em bé những y phục vô cùng quý giá đã may sẵn từ trước, và đặt em bé nằm trong một chiếc nôi lộng lẫy như một hoàng cung. Đắp cho em bé một cái mền gấm sang trọng. Rồi thỉnh tôn giả Xá Lợi Phất và chúng tỳ kheo đến quy y cho em bé. Khi tôn giả đến, em bé đang nằm ngửa nhìn chăm chăm vào tôn giả với cặp mắt tinh anh lạ kỳ, một cái nhìn trìu mến như đối với người đồng hàng quyến thuộc. Em bé nghĩ: "Đây là thầy của ta đời trước, nhờ ngài mà ta được sang quý đời này. Ta phải cúng dường ngài một cái gì". Khi người mẹ ẵm em bé lên để quy y với tôn giả, những ngón tay của em bé quấn vào trong cái mền gấm. Gia nhân la lên: "Kìa tay em bé bị kẹt trong cái mền" và chạy lại gỡ ra, thì em bé oà khóc như không muốn rời. Người mẹ nói: "Để vậy, đừng làm em bé khóc" và ẵm con đến cho tôn giả. Khi đến trước tôn giả, em bé thả tay cho cái mền rớt phủ trên chân ngài. Người mẹ thông ngôn rằng:
- Bạch tôn giả, xin ngài nhận cho con của cúng dường này, và cho con được quy y làm đệ tử của ngài.
Tôn giả hỏi:
- Tên đứa bé là gì?
- Bạch tôn giả, xin ngài cho hài nhi cái tên của ngài lúc tại thế.
- Vậy, nó sẽ mang tên Tích Sa (Upatissa là tên của tôn giả).
Khi được bảy tuổi, Tích Sa nói với mẹ:
- Thưa mẹ, con muốn xuất gia theo tôn giả Xá Lợi Phất.
- Tốt lắm, mẹ cho con xuất gia.
Rồi bà mời tôn giả lại nhà và thưa:
- Bạch tôn giả, đệ tử của ngài xin được xuất gia với ngài. Chiều nay con xin được đưa cháu đến tu viện.
Sau khi được tôn giả nhận lời, bà mẹ sắm nhiều lễ vât cúng dường và dẫn chú bé đến Kỳ viên tịnh xá. Tôn giả nói với Tích Sa:
- Tích Sa này, đời sống của người xuất gia rất cam khổ. Khi muốn ấm thì ngươi phải gặp lạnh, muốn mát thì ngươi lại gặp nóng. Những tỳ kheo phải sống ngược đời như thế đấy. Liệu ngươi có sức chịu đựng không?
- Bạch tôn giả, con sẽ làm bất cứ những gì ngài dạy bảo.
- Tốt lắm.
Rồi tôn giả dạy cho Tích Sa quán pháp bất tịnh bằng cách quán 5 món đầu trong 32 món ô uế trong thân là tóc, lông, móng, răng, da. Tôn giả lại truyền cho Tích Sa thập giới và từ đó Tích Sa khởi sự cuộc đời của một chú tiểu.
Để mừng việc xuất gia của con, cha mẹ Tích Sa cúng dường toàn thể chúng tăng ở Kỳ viên tịnh xá suốt một tuần lễ với một thứ cháo thập cẩm ngon lành. Những tỳ kheo chưa chứng quả không ngớt thì thầm với nhau: "Ngon lành thật! Đâu phải chúng ta luôn luôn được như thế này".
Sau bảy ngày thết đãi chúng tăng, cha mẹ Tích Sa từ giã trở về nhà. Qua ngày thứ tám, chú tiểu Tích Sa bắt đầu ôm bát đi theo đoàn tỳ kheo do tôn giả Xá Lợi Phất dẫn đầu vào thành Xá Vệ để khất thực.
Những người trong thành phố bảo nhau: "Nghe đồn hôm nay chú tiểu Tích Sa sẽ đi khất thực trong thành phố. Ta hãy sửa soạn tặng phẩm cúng dường". Bởi thế, khi Tích Sa vào thành, những người quen biết cha mẹ chú tiểu đều đem phẩm vật cúng dường tới tấp. Chú tiểu nhận được 500 bát đầy phẩm vật và 500 bộ y phục đem về chùa. Hôm sau, những người chưa được cúng lại thân hành đem phẩm vật tới tịnh xá. Chú tiểu nhận thêm 500 bát và 500 y, rồi dâng tất cả 1000 y, 1000 bát cho chúng tỳ kheo tại tịnh xá Cấp cô Độc. Do đó, chú được đại chúng mệnh danh là thí chủ Tích Sa. Một hôm vào tiết trời giá buốt, trong khi Tích Sa quét dọn chung quanh tịnh xá, chú tiểu thấy chư tăng tụm năm tụm ba đang sưởi bên những đống lửa, bèn hỏi:
- Bạch chư đại đức, tại sao chư đại đức phải hơ lửa như vậy? (Trẻ con thường không biết rét là gì).
- Chú tiểu ơi, chúng tôi lạnh cóng cả người, phải hơ cho ấm.
- Bạch chư đại đức, khi nào trời rét thì ta đắp mền cho ấm. Mền sẽ ngăn cái lạnh không cho thấm vào cơ thể.
- Chú tiểu có nhiều phước đức mới có mền mà đắp, chớ chúng tôi làm sao có mền được.
- Bạch chư đại đức, thế thì ngày mai vị nào cần mền, xin hãy đi với con vào thành.
Rồi chú xin chư tăng thông báo như vậy cho chúng tỳ kheo trong tịnh xá. Bởi vậy hôm sau có 1000 vị tỳ kheo cùng đi theo chú tiểu. Trước khi vào thành Xá Vệ, chú ghé từng nhà ở ngoài thành và đã được 500 cái mền. Khi vào thành, mọi người đổ xô đến cúng dường theo lời yêu cầu của chú tiểu.Tại một cửa tiệm, ông chủ đang ngồi sau một đống mền cao ngất. Một người đi đường đến rỉ tai:
- Này, có một chú tiểu đang đi xin mền đấy, nên dấu hết đi.
Ông chủ nói:
- Nếu tôi muốn cho, thì tôi cho. Không muốn thì tôi không cho. Cần gì phải dấu?
Nhưng khi người kia đi khỏi, ông chủ ngẫm nghĩ và dấu bớt hai cái mền thượng hạng trong số mền bày bán. Ngay lúc ấy, Tích Sa cũng vừa đi đến. Mới thấy mặt chú tiểu, ông đã đem lòng thương mến vô cùng. Cả người ông tràn ngập một niềm kính yêu chan chứa. Ông nghĩ: "Coi đáng yêu chưa tề! Trông mặt mũi một bé trai kháu khỉnh như thế kia, thì dù có đem cho cả da thịt ruột gan của ta, ta cũng không tiếc, nói chi tới vài ba cái mền! Và lập tức, ông rút ngay hai cái mền quý giá nhất đặt dưới chân Tích Sa, đảnh lễ mà bạch:
- Bạch đại đức, mong sao con được thấm nhuần ánh sáng đạo mà ngài đã thấy.
- Cư sĩ sẽ toại nguyện.
Chú tiểu chúc tụng rồi nói lời tùy hỷ công đức. Ngày hôm ấy, chú tiểu nhận đúng 1000 cái mền cho chúng tỳ kheo. Do đó, chú lại được mệnh danh là người cho mền. Đó là nhờ công đức lúc mới sinh, Tích Sa đã cúng dường mền cho tôn giả Xá Lợi Phất.
Tại tịnh xá Kỳ viên, chú tiểu Tích Sa phải tiếp đón những cậu bé bạn cũ đến thăm. Ngày nào chúng cũng tới, hỏi han mọi chuyện làm cho chú không có thì giờ tham thiền nhập định gì hết. Nghĩ rằng sinh tử là việc lớn, chú đến xin đức Phật một đề mục thiền định để rút vào rừng sâu mà tu tập.
Khi đến một khu làng, Tích Sa gặp một ông lão. Chú hỏi:
- Thưa cư sĩ, gần đây có một cánh rừng nào cho tu sĩ ẩn cư không?
- Bạch đại đức, có.
- Vậy xin người hãy chỉ đường cho tôi đến đó.
Mới nhìn chú, ông lão đã có cảm tình, nên bằng lòng dẫn chú đi. Vừa đi, chú vừa hỏi ông lão địa danh những nơi đi qua. Khi tới rừng, ông lão nói:
- Bạch đại đức, đây là chỗ tốt lành. Ngài hãy ở đây và xuống làng chúng tôi khất thực.
Tích Sa nhận lời và từ đấy ngày ngày chú xuống làng để khất thực. Dân chúng yêu kính chú khôn cùng và năn nỉ: "Đại đức hãy ở đây thật lâu với chúng tôi để chúng tôi được thọ tam y ngũ giới với ngài". Họ cúng dường những vật dụng cần thiết cho Tích Sa. Mỗi khi nhận, Tích Sa đều chúc lành cho thí chủ như sau:
- Mong thí chủ được hạnh phúc an vui. Mong thí chủ thoát mọi khổ ách.
Sau hai tháng ở rừng nỗ lực tu tập thiền định, Tích Sa chứng quả A-la-hán. Bấy giờ tôn giả Xá Lợi Phất có ý định đi thăm chú, nên bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn, con sẽ đi thăm chú tiểu Tích Sa.
- Được, ngươi cứ đi.
Tôn giả đến bên người bạn cố tri của ngài là tôn giả Mục Kiền Liên:
- Hiền huynh, tôi sẽ đi thăm Tích Sa.
- Tôi cũng đi với.
Và tất cả những vị đại đệ tử của Phật như ngài Ca Diếp, A Nậu Lâu Đà, Ưu Đà Di, Phú Lâu Na, v.v...đều đi cùng tôn giả Xá Lợi Phất để thăm chú tiểu ở rừng. Khi đoàn thánh chúng đến, dân cư tiếp đón nồng nhiệt. Họ vô cùng hân hoan được trông thấy vị thánh đệ tử Xá Lợi Phất nổi danh thiên hạ, và xin ngài ban một thời pháp. Nhưng ngài từ chối:
- Ta đến thăm chú tiểu Tích Sa của ta trước đã.
Khi Tích Sa được tin, chú xuống làng thi lễ và làm bổn phận của một chú tiểu đối với những vị trưởng thượng đầy uy đức của mình. Chỗ nghỉ ngơi đã được dân cư lo chu đáo tại một ngôi chùa trong làng. Họ lập lại lời thỉnh cầu nghe pháp, mặc dù trời đã tối. Tôn giả Xá Lợi Phất nói:
- Vậy hãy đốt đèn lên và loan tin cho Phật tử xa gần đến nghe.
Khi dân làng tề tựu, tôn giả Xá Lợi Phất bảo Tích Sa:
- Này Tích Sa, các thí chủ của con ngỏ ý muốn nghe pháp. Con hãy nói pháp cho họ đi.
Toàn thể dân làng đều đồng thanh thưa:
- Bạch tôn giả, vị đại đức của chúng con đây không biết gì ráo, ngoài hai câu: " Mong gia chủ được hạnh phúc an vui, mong gia chủ thoát khỏi khổ ách". Xin ngài cho vị khác nói pháp cho chúng con nghe.
Khi ấy tôn giả hỏi chú tiểu:
- Tích Sa, nhưng làm sao để được hạnh phúc an vui? Người ta phải làm thế nào để thoát khỏi khổ ách? Con hãy giảng rộng hai câu ấy.
- Thưa vâng, bạch tôn giả.
Tích Sa thăng toà, giảng như nước chảy mây trôi về khổ đế, nguyên nhân khổ, Niết bàn và con đường đưa đến tịch diệt. Và chú kết luận:
- Bạch chư tôn giả, đó là con đường đi của một vị A la hán để thoát khỏi khổ ách, để được an vui.
- Giỏi, con đã thông thuộc rành rõ giáo pháp.
Những dân cư nghe xong thời pháp đều rất ngạc nhiên. Một số vui mừng vì lâu nay được cúng dường một vị thông tuệ, nhưng một số tỏ ý bất mãn, bảo nhau:
- Không dè vị đại đức ấy thuyết pháp hay như vậy. Tại sao lâu nay đại đức cứ câm miệng hến, không chịu nói gì cả? Thật là gan lì.
Từ tịnh xá Cấp cô Độc, đức thế Tôn biết được tâm niệm bất kính của những dân cư này đối với Tích Sa. Ngài động lòng từ bi, muốn cho họ thoát khỏi tội báo xúc phạm một vị A la hán, nên đích thân đến làng thăm chú tiểu. Khi thấy Phật đích thân đến làng chỉ vì thăm Tích Sa, dân làng mới hoàn toàn công nhận tầm quan trọng của vị đại đức tí hon này. Ngài bảo Tích Sa đưa ngài lên tận núi cao nhất từ đó có thể nhìn xuống biển cả và hỏi:
- Tích Sa, khi đứng trên đỉnh núi này, nhìn quanh con thấy gì?
- Bạch Thế Tôn, con thấy nước biển mênh mông, không bờ bến.
- Con nghĩ gì khi thấy đại dương?
- Bạch Thế Tôn, con nghĩ: trong vô số kiếp luân hồi, ta đã đổ bao nhiêu là nước mắt để khóc vì những nỗi đau khổ, nước mắt ta có lẽ nhiều hơn nước trong bốn biển lớn kia.
- Đúng lắm, Tích Sa.
Rồi ngài đi thăm động đá nơi Tích Sa cư trú.
- Con nghĩ gì khi cư trú nơi đây?
- Bạch Thế Tôn, con nghĩ: ta đã chết vô số lần, vô số thi hài ta đã nằm trên đất này.
- Đúng lắm, Tích Sa! Không có một nơi nào trên mặt đất mà chúng sinh không xả bỏ thân mạng vô số lần ở đó.
Và ngài hỏi tiếp:
- Tích Sa, khi con nghe tiếng hổ báo gầm trong rừng sâu, con có sợ không?
- Bạch Thế Tôn, con không sợ. Trái lại, một niềm yêu thích núi rừng lại dâng lên trong tâm khảm con.
Và Tích Sa đã đọc cho Phật nghe 60 bài thơ mình đã cảm hứng từ rừng sâu.
Sau khi thăm các nơi, đức Thế Tôn từ giã:
- Tích Sa, bây giờ ta trở về tịnh xá. Con muốn đi theo ta hay ở lại rừng?
- Bạch Thế Tôn, nếu thầy con (chỉ tôn giả Xá Lợi Phất) muốn con trở về, con sẽ trở về. Ngài muốn con ở lại, con sẽ ở lại.
Tôn giả đoán biết Tích Sa không muốn trở về nên bảo:
- Tích Sa, con hãy ở lại rừng, nếu con muốn vậy.
Tích Sa đảnh lễ Phật và chư tôn giả rồi quay trở về rừng sâu sau khi đưa tiễn các ngài một quãng xa.
Tại Diệu pháp giảng đường trong tịnh xá Cấp cô Độc, khi chúng tỳ kheo ngồi bàn tán về hạnh xả ly của Tích Sa, họ không ngớt lời tán thán:
- Khó thay, những gì Tích Sa đã làm! Bỏ tất cả lợi dưỡng, cung kính, để rút vào ẩn cư trong rừng sâu!
- Đức Phật nhân đó thốt lên bài lệ thứ 75 trong kinh Pháp cú: "Một nẻo đường dẫn đến thế lợi, một nẻo đường khác dẫn đến Niết bàn, hàng tỳ kheo đệ tử đấng giác ngộ khi hiểu như vậy, không nên tham bám lợi dưỡng thế gian, mà phải chuyên tâm vào hạnh độc cư thiền định".

Trích Truyện Phật giáo tuyển tập. Học viện Buddhadhamma.


http://trisieu.free.fr/phatphap/tongia_tihon.htm