Tuesday, June 15, 2010
Saturday, June 12, 2010
Tại thầy nóng quá
Ðược tin thầy gọi, tôi đi vội lên nhà khách. Bước vào phòng tôi hơi ngạc nhiên thấy ngoài thầy ra còn có hai chú tiểu ngồi đó. Sau khi xá chào thầy, thầy chỉ tay về phía chiếc ghế đối diện với hai chú tiểu và bảo tôi ngồi xuống. Tôi đang phân vân chưa hiểu chuyện gì thì thầy lên tiếng:
- Từ nay về sau tôi giao hai chú này cho thầy trông nom, uốn nắn. Thầy nhớ trách nhiệm này chứ?
- Dạ nhớ.
Quay qua hai chú, thầy nhấn mạnh:
- Mấy chú có nghe tôi dặn không?
Hai chú khép nép thưa:
- Mô Phật, nghe.
- Sáng nay hai chú này có chuyện xô xát lẫn nhau. Bây giờ thầy điều tra xem sự việc xảy ra thế nào? Ai phải ai trái rồi thuật lại cho tôi rõ.
Dứt lời thầy đứng dậy và bước ra khỏi phòng. Chúng tôi cũng đứng dậy tiễn thầy.
Từ trước tới nay, những chuyện xích mích xảy ra giữa hai chú Lâm và Ly này, tôi cũng đã khuyên nhiều lần nhưng đều vô hiệu quả. Hôm nay trước mặt hai chú, sư phụ chính thức giao quyền dạy dỗ hai chú cho tôi, tôi thấy mình có thêm sức mạnh về uy quyền. Tôi đưa mắt nhìn hai chú một lượt để thị uy rồi với giọng đàn anh tôi nói:
- Sao, bộ mấy chú định quậy nữa phải không?
Hai chú ngồi im re, mặt cúi xuống. Thấy vậy tôi tiếp:
- Ðây là nơi trang nghiêm thanh tịnh chứ có phải võ đài hoặc nơi chợ búa đâu mà mấy chú cãi nhau, đánh nhau ỏm tỏi như vậy. Thật là quá lắm, quá lắm! Ở chùa mà không biết luật nghi, không kiêng nể ai gì hết ráo! Bây giờ chú Lâm hãy trình bày cho tôi rõ câu chuyện xảy ra giữa hai người như thế nào để tôi còn biết đường phân xử.
Tôi ngồi nghiêm nét mặt ra vẻ như một quan tòa. Tuy vậy, nhìn gương mặt bình thản của chú, tôi biết những lời nói và cử chỉ thị uy của mình vẫn chưa có hiệu quả bao nhiêu. Chú ung dung trả lời:
- Thưa thầy, sáng nay, sau khi quét dọn chính điện xong, con trở về phòng và thấy lọ mực để trên bàn bị đổ. Lúc con vừa vào phòng thì thấy thằng nhóc này đi ra.
- Nè, nè, trước mặt tôi chú phải ăn nói nghiêm túc lễ phép nghe chưa. Chú có biết cách xưng hô với người trên kẻ dưới như thế nào không?
- Dạ biết.
- Biết sao đâu, chú nói tôi nghe thử nào?
- Dạ, lớn kêu là huynh, nhỏ kêu là đệ.
- Tốt, tiếp tục trình bày.
- Thấy lọ mực đổ, con biết chỉ có cái thằng đệ này chứ...
- Ơ, ơ... lại ăn nói hàm hồ nữa rồi. Ðệ là đệ chứ sao lại thằng đệ. Nếu không gọi đệ thì gọi là chú, nghe chưa?
Chú gật đầu rồi tiếp:
- Thấy vậy con kêu chú lại hỏi, nhưng chú cứ một mực chối là không có làm đổ. Nhìn mấy cuốn sách bị mực làm cho loang lổ, con tức quá tát cho chú một bạt tay.
- Úi chà, như vậy là nóng nảy quá không được. Chưa gì đã gây chiến rồi. Tôi xen vào.
- Dạ, nhưng chú đã đưa tay ra đỡ nên không trúng. Thấy đánh tay không được, tức quá con giơ chân lên đá thật mạnh vào mình chú một cái.
- Bậy, bậy, chơi đòn nguy hiểm như vậy thì chết người ta rồi còn gì! Tôi lắc đầu than.
- Dạ, nhưng chú đã nhanh tay chụp chân con lại và xô con một cái ngã chổng kềnh xuống đất.
Ðáng đời, ai biểu lớn ăn hiếp nhỏ. Tôi cười thầm.
- Tội nghiệp quá! Té có đau không?
- Dạ hơi ê ẩm một tí!
- Thôi được, không bể đầu là tốt rồi. Cứ tự nhiên kể tiếp.
- Lúc đó, lửa giận trong người con sôi lên sùng sục ...
- Nói ngắn gọn thôi, không cần văn chương lúc này – tôi chỉnh – chỉ cần nói giận quá là tôi hiểu rồi, khỏi phải nói sôi sùng sục gì cả.
- Dạ, lúc đó con giận quá vớ ngay chiếc dép phang cho chú một cái.
Trời đất! Chơi tay, chơi chân không lại, bây giờ còn dở trò chơi dép nữa ta.
- Ðúng là giận quá mất khôn rồi. Chú có biết là phang như vậy nguy hiểm lắm không?
- Dạ, nhưng chú ấy lại chụp được chiếc dép và phang lại trúng ngay trán con.
Chú đưa tay chỉ vết bầm nơi trán. Tôi cố nín cười và nhủ thầm: Tội nghiệp không! Lớn đánh nhỏ không lại còn bị nhỏ cho đo đất và choảng u đầu nữa. Tôi động lòng thương nói:
- Chú cầm đỡ lọ dầu cù là này xoa lên chỗ bầm. - Tôi đưa tay vào túi áo lấy lọ dầu nhưng lại rút tay ra không – À quên, vừa nãy để trong phòng không có đem theo.
- Cám ơn lòng tốt của thầy.
- Không có chi, thương người như thể thương thân. Chú đau cũng như tôi đau tiếc chi chút dầu. Thôi bây giờ chú tiếp tục trình bày đi.
- Lúc chiếc dép chạm vào trán con thấy nháng lửa một cái, tiếp theo đó ba bốn ông sao hiện ra chớp chớp nhảy múa trước mắt. Ðau quá con đưa tay ôm đầu rồi lom khom đứng dậy định trả đũa thì chú ấy đã phi thân mất tiêu rồi. Buồn cho thân phận, giận vì u đầu, con liền thẳng đến phòng thầy trụ trì trình bày sự việc.
Lớn đánh nhỏ mà không biết xấu hổ còn đi thưa nữa. Ðã vậy, mở miệng ra còn bày đặt nói văn chương.
- Thôi được, phần của chú coi như tạm xong. Bây giờ tới lượt chú Ly cứ thật thà mà khai báo. Có sao nói vậy, bất tăng bất giảm.
- Dạ thưa thầy, sáng nay khi vào phòng chú Lâm con đã thấy lọ mực đổ trên bàn rồi.
- Tại sao chú vào phòng người ta?
- Dạ con đem trả cuốn truyện.
- Truyện gì?
- “Chiến tranh và hòa bình” của Lép Tonxtôi. Lúc chú Lâm vào phòng thấy lọ mực đổ và kêu con lại hỏi. Con thật thà trình bày đầu đuôi chú nghe, nhưng chú không tin và cứ khăng khăng đổ lỗi cho con và còn đánh con nữa.
Tôi quay qua chú Lâm hỏi:
- Chú đã coi truyện “Chiến tranh và hòa bình” chưa?
- Dạ rồi.
- Vậy mà hai người đã không hòa bình lại còn gây chiến tranh nữa. Coi truyện như vậy thật là vô ích quá.
Chú Ly nhanh miệng xen vào:
- Dạ, con cũng muốn hòa bình lắm chứ nhưng vì chú Lâm gây chiến trước, bắt buộc con phải tự vệ. Dù sao cuộc chiến tranh vệ quốc của con vẫn là chính nghĩa.
- Chà, hai người đánh nhau mà kêu là “vệ quốc”. Vệ cái con khỉ mốc, vệ cái thân của chú còn chưa xong nữa ở đó mà bày đặt vệ quốc. Thế chú có biết nguyên do nào mực đổ không?
- Dạ không.
- Lẽ ra chú Lâm đánh chú như vậy, chú phải lên thưa với thầy mới đúng. Tại sao chú đánh lại như thế?
- Dạ con đâu có đánh, con chỉ đỡ theo thói quen đó thôi. Nếu con thực tâm đánh thì chú ấy không còn cái răng ăn cháo nữa.
- Mày nói cái gì?
Mặt chú Lâm xám ngắt, đứng phắt dậy định đánh chú Ly.
- Nè, nè, chuyện đâu còn có đó, chú nóng nảy như vậy là không được, ngồi xuống đi. – Quay qua chú Ly tôi tiếp – Còn chú nữa, từ nay tôi cấm chú không được ăn nói hỗn láo như vậy nghe chưa! Dù sao người ta cũng lớn hơn mình, tu trước mình, mình phải nể trọng một tí chứ! Bây giờ chú phải trả lời thật cho tôi biết, có phải chú có võ không?
- Dạ, phải.
- Võ gì?
- Thiếu Lâm Tự.
- Tại sao lúc vào chùa chú không kê khai lý lịch cho rõ để người ta biết mà phòng ngừa?
- Vì con thấy không cần thiết.
- Thôi được, thế chú nói là không làm đổ mực. Vậy thì ai làm đổ, trong khi một mình chú vào phòng người ta?
- Dạ con cũng không rõ nữa.
- Vô lý quá! Chú xuất gia rồi mà còn nói dối.
- Con xin thề danh dự với thầy – chú giơ tay lên – nếu con nói dối cho quỷ sứ bắt hồn con ngay tức khắc.
- Thôi, thôi, bỏ tay xuống đi, thề với thốt cái gì. Quỷ sứ đến bắt chú không được lại bị đo ván nữa, mất công tôi phải xử thêm một vụ khác. Chú có biết người phạm lỗi mà dám nhận lỗi là đáng phục, đáng quý nhường nào không?
- Nhưng con không phạm lỗi mà bắt con phải nhận thì con đâu có chịu.
- Chú có biết thế nào là nhẫn nhục không?
- Dạ biết.
- Biết làm sao chú nói tôi nghe thử nào?
- Nhẫn là điều dù có họ nói không
Không nói có mặc tình ai thêu dệt
Con đã tu thì chi chi nhịn hết
Nhịn nhịn hoài, nhịn nhịn mãi không thôi.
- Giỏi, thuộc lòng như vậy là rất tốt. Tuy nhiên tôi nói cho chú rõ, người tu chỉ quý ở chỗ thực hành đúng chứ không ai chuộng cái lối học như két đâu. Từ nay trở đi tôi cấm chú không được giở võ nghệ ra nữa. Nếu có gì oan ức chú cứ lên thưa lại cho tôi rõ để tôi phân xử. Lần sau còn tái phạm đánh nhau nữa tôi sẽ phạt quỳ một cây nhang nửa thước. Chú nghe rõ chưa?
- Dạ rõ.
Quay sang chú Lâm tôi nói:
- Còn chú nữa! Dù sao chú cũng phải tỏ ra mình là bậc đàn anh một chút chứ. Chưa chi đã ẩu đả với đàn em như vậy thì làm sao nó phục mình cho được! Chú có biết trong vấn đề này chú có hai điểm đáng trách không? Thứ nhất chú để lọ mực trên bàn mà không đậy nắp lại. Thứ hai chưa rõ nguyên nhân nào lọ mực đổ mà chú đã vội vã đánh người. Giả sử nếu chú đậy nắp lọ mực cẩn thận sau khi xài xong, cho dù lọ mực có đổ thì mực cũng không thể chảy ra ngoài được, mực không chảy thì đâu có chuyện xô xát như thế. Chú có thấy rõ cái hậu quả của sự bất cẩn chưa? Còn việc lọ mực đổ có nhiều nguyên nhân chứ đâu phải gán ép một cách vô căn cứ cho chú Ly được. Nếu chú thấy rõ chú Ly làm đổ mà chú ấy chối thì mình có quyền la rầy hoặc bắt đền. Ðằng này chú chỉ thấy người ta trong phòng đi ra rồi đoán mò đâu có được. Có thể là con mèo hoặc con chuột nào đó chạy ngang làm đổ thì sao! Thế nên bất cứ một việc gì mình phải tìm hiểu cho rõ ngọn nguồn rồi hãy kết luận. Nóng nảy chỉ đem đến sự thất bại lớn lao và hậu quả không thể lường được. Chú thấy tôi từ trước đến giờ có nóng nảy việc gì không?
- Dạ không.
- Tại sao chú không noi gương ấy mà học tập?
- Dạ, từ nay trở đi con sẽ cố gắng học tập theo gương của thầy.
- Tốt. Nếu lần sau chú tái phạm nữa tôi sẽ phạt quỳ cây nhang một thước.
Mắt chú Lâm trợn lên nhìn tôi:
- Sao chú Ly nửa thước mà con tới một thước lận?
- Lớn rồi phải gấp đôi.
- Trước pháp luật mọi người đều bình đẳng mà.
- Một thước mốt.
- Thầy xử ép con quá!
- Một thước hai.
- Dạ .........
- Một thước ba. Càng khiếu nại càng tăng.
- Thôi con không dám khiếu nại nữa. Xin thầy hoan hỷ lượng thứ mà hạ xuống mức cũ cho con nhờ.
- Quân tử nhất ngôn, không nói đi nói lại.
Sao còn ai khiếu nại gì nữa không?
Chú Lâm lên tiếng:
- Dạ không.
- Tốt, cho phép giải tán.
- Dạ khoan, nhân tiện có thầy đây con xin hỏi việc này.
- Ðược, cứ hỏi.
- Thưa thầy, dù sao con cũng là kẻ hậu sinh khả úy – tôi nhìn chú và rủa thầm: Dốt chữ mà còn bày đặt xổ nho nữa – tuổi đời tuổi đạo còn non nớt, trình độ Phật pháp lại càng không thể so sánh với thầy được. Do đó, hôm nay con xin phép trình bày với thầy việc này. Sau khi nghe xong xin thầy cho con biết là con có phạm giới hay không?
- Ðược, cứ tự nhiên.
- Dạ thưa thầy, đêm qua có một cô gái ôm con.
- Thôi thôi! Vậy là đủ hiểu rồi! Ðể con gái ôm là quá lắm rồi! Quá lắm rồi!
- Dạ thưa.........
- Không có dạ với thưa gì nữa cả. Chú có biết Tăng là gì không?
- Dạ biết.
- Biết làm sao hả? Nói mau!
- Tăng là thanh tịnh ạ.
- Tại sao chú lại để trò bất chính xảy ra nơi cửa Thiền?
- Nhưng con.........
- Không có nhưng gì cả. Tại sao đêm khuya thanh vắng chú dắt gái vào phòng?
- Nhưng con có dắt gái vào phòng đâu!
- Láo! Chú làm như chú đẹp trai nhất thiên hạ, đến nỗi các cô gái phải mò vào phòng chú không bằng!
- Con xin thề danh dự.
- Không thề với thốt gì cả. Chú đừng hòng ngụy biện với tôi. Nếu chú không tình ý gì thì ai mở cửa cho người ta vào phòng?
- Thật tình con không có mở.
- Thôi đừng có loanh quanh lắm lời. Chẳng lẽ tiên trên trời bay xuống phòng chú à? Giả sử có đúng như vậy tại sao chú không la lên, lại để cho cô ta ôm? Rõ là dấu đầu lòi đuôi.
- Lúc cô ta vừa ôm, con liền giật mình tỉnh giấc và mới rõ là mình nằm mơ.
- Trời đất! Tại sao nãy giờ chú không nói sớm?
- Dạ tại thầy nóng quá!
-!?!? ..........
Nghệ thuật giữ sắc đẹp
Lời Phật dạy cho thấy “nghệ thuật giữ sắc đẹp” được nói đến trong đạo Phật không gì khác là một nếp sống hồn nhiên, vô tâm, vô tư, cái gì đến thì biết là đến cái gì đi thì rõ là đi, không nuối tiếc, không vọng tưởng, “ưng vô sở trụ”.
Người xuất gia tu đạo giải thoát không chú ý đến sắc diện bên ngoài nhưng có một “nghệ thuật giữ sắc đẹp” được nói đến trong kinh Phật. Các Tỷ kheo và Tỷ – kheo ni không dành thời gian cho việc chăm sóc sắc đẹp nhưng chính cuộc sống tu tập “vô tâm” của họ khiến cho họ có được một sắc diện thật trẻ trung khả ái.
Gọi là “nghệ thuật giữ sắc đẹp” bởi nó là một thể cách tự nhiên được vận dụng lâu ngày thành ra thuần thục, hay một nếp sống đã đạt đến độ vô tâm hồn nhiên, không còn vướng bận bởi ý nghĩ đẹp xấu.
Tỏ ra lo lắng và chú ý làm đẹp bằng cách này hay cách khác thì gọi là “kỹ thuật chăm sóc sắc đẹp”. Còn sống mà ít bận rộn bởi ý tưởng đẹp xấu, tâm tư hồn nhiên thanh thoát, không say sắc xuân, không sầu sắc đông, thì có thể gọi là “nghệ thuật giữ sắc đẹp”.
Vua Pasenadi nước Kosala từng mục kích và nêu nhận xét về sức sống hồn nhiên trẻ đẹp của các Tỷ-kheo đệ tử Đức Phật:
“Bạch Thế Tôn, khi con đi du hành tản bộ từ công viên này đến công viên khác, từ cung uyển này đến cung uyển khác. Ở đấy, con thấy một số Sa môn. Bà la-môn gầy mòn, khốn khổ, da xấu, bạc nhược, tay chân gân nổi hình như không có gì đẹp mắt để người ta nhìn.
Bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: “Thật sự các bậc Tôn giả này sống Phạm hạnh không được hoan hỷ hay có nhưng ác nghiệp được giấu kín. Do vậy, các vị Tôn giả này mới gầy mòn, khốn khổ, da xấu, bạc nhược, tay chân gân nổi hình như không cỏ gì đẹp mắt để người ta nhìn.
Còn ở đây, bạch Thế Tôn, con thấy các Tỷ kheo hân hoan, phấn khởi, hỷ lạc, các căn thoải mái, không dao động, bình tĩnh, sống dựa vào sự hỷ cúng của người khác, với tâm tư hồn nhiên như con thú rừng.
Bạch Thế tôn, con suy nghĩ như sau. “Thật sự các bậc Tôn giả này ý thức được một sự tối thắng thù diệu nào trong giáo lý Thế Tôn, một sự thành đạt tuần tự nên các bậc Tôn giả này hân hoan, phấn khởi, hỷ lạc, các căn thoải mái, không dao động, bình tĩnh, sống dựa vào sự hỷ cúng của người khác, với tâm tư hồn nhiên như con thú rừng”(1).Nhận xét trên của vua Pasenadi cho thấy các Tỷ-kheo có nếp sống trẻ trung hồn nhiên với một sức diện thật khả ái và vua tin có một nghệ thuật sống khỏe sống đẹp nào đó trong giáo lý Đức Phật mà chư vị đã thể nghiệm.
Vua Pasenadi chỉ chứng kiến và tin giáo lý của Đức Phật có khả năng giúp cho người ta sống khỏe và sống đẹp thôi nhưng không biết rõ làm thế nào mà các Tỷ kheo có được nếp sống như vậy. Vậy nghệ thuật sống khỏe đẹp ấy là gì?
Nói khác đi, các Tỷ-kheo đệ tử Đức Phật đã theo đuổi pháp môn nào trong giáo lý của Ngài để có được sức sống trẻ trung hồn nhiên cùng với một vẻ đẹp thanh thoát bộc lộ từ trong ra ngoài?Chúng ta hiểu rằng toàn bộ giáo lý của Đức Phật đều có khả năng giúp cho con người sống khỏe và sống đẹp cả về thể chất lẫn tinh thần, bởi nó là nếp sống trung đạo bao gồm các giải pháp thực nghiệm tuyệt đối căn bản và bổ ích cho cá nhân trong chiều hướng hoàn thiện bản thân.
Tuy thế, đáp án chính xác cho câu hỏi trên đến từ một văn cảnh khác. Có một vị Thiên cũng từng cảm kích vẻ đẹp kỳ diệu của các Tỷ kheo tu hành kham nhẫn trong rừng núi, lấy làm thắc mắc và đến hỏi Đức Phật:
Vị Thiên:
Thường sống trong rừng núi,
Bậc Thánh sống Phạm hạnh,
Một ngày ăn một buổi,
Sao sắc họ thù diệu?
Đức Phật:
Không than việc đã qua,
Không mong việc sắp tới,
Sống ngay với hiện tại,
Do vậy, sắc thù diệu,
Do mong việc sắp tới,
Do than việc đã qua,
Nên kẻ ngu héo mòn.
Như lau xanh rời cành.
Lời Phật dạy cho thấy “nghệ thuật giữ sắc đẹp” được nói đến trong đạo Phật không gì khác là một nếp sống hồn nhiên, vô tâm, vô tư, cái gì đến thì biết là đến, cái gì đi thì rõ là đi, không nuối tiếc, không vọng tưởng, “ưng vô sở trụ”. Nói khác đi, đó là nếp sống của một người đã ngộ ra lẽ thực vô thường của cuộc đời, không tiếc nuối những gì đã qua, không bận lòng với những gì chưa đến, sống an nhiên tự tại trong mỗi thời khắc trôi qua với một tâm tư hoàn toàn tỉnh giác và an lạc. “Sống hôm nay biết hôm nay, còn xuân thu trước ai hay làm gì”.
Xem ra thì nghệ thuật sống trẻ đẹp chính là bớt lo nghĩ về sắc đẹp, bớt lao tâm khổ tứ vì sự thật đổi thay của sắc đẹp vậy.
“Trường sinh bất tử” hay “trẻ mãi không già” là chuyện không thực có ở đời nhưng nó là mối bận tâm xưa nay của những người có lắm tiền của. Đạo Phật không khuyến khích một ảo tưởng như vậy.
Trái lại, đạo Phật quan niệm cách nhìn thực tại trôi chảy đối với mọi hiện hữu và đề xuất một nếp sống khá tự nhiên phù hợp với thực tại trôi chảy ấy. “Có sinh tức có già chết”. Đức Phật đã dạy như thế.
Dĩ nhiên, người ta có thể nhờ đến các phương tiện hay kỹ thuật khác nhau để chăm sóc và giữ sắc đẹp, như là giải pháp trước mắt và tạm thời. Tuy vậy, không một kỹ thuật nào bảo đảm sắc đẹp được bền lâu như ý muốn và cách hay nhất là sớm nhận ra sự thật sinh diệt của cuộc đời và tập cho quen dần với nếp sống khá an nhiên tự tại trước mọi chuyển biến vô thường của hiện hữu.
Thực tập cách nhìn trôi chảy đối với mọi hiện hưu và sống với tâm thanh thản, bớt ưu tư lo lắng về sự thực trôi chảy ấy thì đây là phương pháp sống khỏe sống đẹp được nói đến trong đạo Phật. Đó cúng chính là đường hướng thực nghiệm an lạc, giải thoát, là nghệ thuật giữ cho sắc đẹp luôn được tươi tắn, không héo mòn, như lời Đức Phật đã dạy.
Nguyên Hương