Sunday, December 12, 2010

Hoa lòng

TVĐĐ - 01/29/2010

Trong căn phòng hẹp trên lầu một, hằng ngày là lớp học cho khóa sinh trường Huấn Luyện Giảng Sư do HT Huyền Vi đảm trách, hôm ấy Phật tử tổ chức cài hoa nhân mùa Vu Lan.

Văn nghệ vườn cũng do PT trình diễn, khán thính giả toàn là tín đồ chùa Phật Quang và tăng sinh nội trú; tôi lẫn khuất đám đông về phòng nằm đọc sách, vì không thích huyên náo, vả lại, cứ mỗi độ Vu Lan về, gợi lại trong tôi niềm ray rứt nội tại như dằn vật lẫn nhau!

Lần đầu tiên tôi dự lễ Vu Lan tại chùa Vạn Thọ, Tân Định, các em GĐPT do chị An hướng dẫn, thật cảm động khi từng bàn tay bé bỏng, hồn nhiên, dâng quà lên cho cha mẹ, chúc thọ mẹ cha. Với bài hát Bông Hồng Cài Ao, bằng giọng non nớt thiếu điêu luyện đệm theo động tác dâng hoa; từng khay hoa lần lượt đi vòng những người tham dự; đến trước tôi, em thiếu nữ chắp tay nghiêng đầu hỏi:

Bạch thầy, chọn hoa nào ạ?

Tôi lưỡng lự phân vân mặc dù cũng đã chuẩn bị cho mình một câu trả lời, buổi lễ thật cảm động nên tôi hơi bối rối, - mình phải chọn hoa nào ư? Màu nào cũng là hoa hồng cả, thế nhưng cha mẹ còn, không thể nhận màu trắng tang tóc! Màu hồng? Không, vì đời tôi đã thiếu tình thương từ tấm bé.


Khi lọt lòng mẹ, tôi phải sống với bà con nội ngoại; Trong số anh em, tuy tôi con trưởng, nhưng không được một tình thương như bao đứa con ruột cần có; sau ngày đình chiến, tôi được trả lại gia đình để đi học. Ở quê ngoại, ruộng đồng xứ Huế cằn cỏi, nghèo nàn thê lương đến độ con trâu cũng lòi xương mông xương sườn, con người má hóp da nhăn, trẻ con làm sao lớn khỏe được khi khoai lang, khoai mì khô là món ăm hằng bữa!

Ba tôi là giám đốc ngân hàng nông thôn ở một quận lỵ đèo heo hút gió dọc quốc lộ duyên hải song song dãy Trường Sơn. Gia đình theo nề nếp phong kiến lạc hậu, mẹ tôi ảnh hưởng một phong cách cư xử cay nghiệt, độc tài đối với mọi người trong gia môn, ba tôi tuy nghiêm khắc nhưng nhu nhược trước mãnh hổ của mẹ tôi, hầu như ngoài bổn phận làm ra tiền, ba tôi không có quyền gì trong gia đình, quyết định chỗ ở, xin di chuyển công tác, đến việc nuôi con gà con heo, dời bàn đổi ghế, dọn bàn thờ đều do mẹ tôi chỉ định.

Bà con nội ngoại rất sợ mẹ tôi, họ thường bảo – tôi và mẹ tôi xung khắc tuổi, tôi chả tin lắm, nhưng mỗi lần về sống chung là đủ chuyện xẩy ra. Phần lớn mọi đổ bể hằn hộc trong gia đình đều trút lên đầu tôi, tôi thường bị văng miễng khi ba mẹ tôi bất hòa, bị đòn lây khi em tôi làm quấy; cái đánh đập dành cho tôi cũng là lối hình phạt quân sự.

Năm lên bảy tuổi, tôi giữ đứa em gái một hai tuổi bị té, ba tôi sút một cú phạt đền, rất may, tôi chỉ văng độ vài thước mà không bị trúng vào trụ golf nào. Mỗi lần ăn đòn, mẹ tôi bắt nằm im, gần đủ 100 roi qui định mà la khóc hoặc nhúc nhích xuýt xoa là bỏ, đánh lại từ đầu. Trên đầu, vai, lưng tôi vẫn còn vết roi nứt da từ tấm bé, những bó roi mây luôn để sẵn trong nhà như những dụng cụ tra tấn vẫn ám ảnh trong tôi.

Bao đêm trái gió trở trời làm đau nhức vết thương bởi những trận đòn chí tử, tôi chỉ biết rên khẻ, hai hàng nước mắt thấm khóe giữa canh khuya trên chiếc chõng tre ở nhà bếp, thèm được bàn tay ai đó vuốt ve an ủi.

Tôi tủi thân nhìn những đứa bé cùng lứa nhà kế bên được cha mẹ âu yếm. Các buổi học ít khi được liên tục, vì phải giữ em hoặc đi chợ; Đến trường, tôi nhặt từng mảnh giấy trắng học trò hoang phí để đóng thành tập chép bài, mượn sách của bạn về tự học vì không có tiền mua; Thức thật khuya để cố gắng học cho kịp bạn hoặc viết lại những bài  mà những buồi không được đến trường.

Thỉnh thoảng tôi bị phạt đứng trên bảng đen hoặc quì gối vì không thuộc bài, thầy đâu hiểu vì tôi không có thì giờ để học. Ngay cả cái ăn tôi cũng không đủ no, một hôm tôi thèm cái bánh tráng nướng phồng hấp dẫn, có thêm cục mắm ruốt, món ăn phổ biến của người dân Phan Rí, 50 xu một cái chả đáng là bao nhưng không bao giờ tôi có tiền trong túi.

Đánh liều, tôi mua chịu, mấy hôm sau, người bán bánh đòi tiền mẹ tôi, thế là một trận đòn thừa chết thiếu sống, cộng thêm một ngày bỏ đói để bù lại cái bánh tráng và cục mắm ruốt ấy..

Bao nhiêu cái khắt khe đã hun đúc tôi trở thành con người cứng rắng, khô khan. Nhiều lần thoát li gia đình, tôi về lại nội, ngoại ở Hội An và Huế rồi cũng bị đưa trở lại.

Tuổi trẻ không thể sống thiếu tình người trong một không khí cô đặc, nặng nề luôn bị đe dọa  đánh đập hành hạ; Khi gia đình đổi vào Phan Thiết, tôi đi qua chiếc cầu sắt, nhìn xuống giòng nước xanh chảy ra biển, tôi thèm được gieo mình xuống để thoát khỏi nổi u ám đau buồn.

Tôi viết thơ tuyệt mệnh để lại gia đình bên cạnh bình sữa tôi vùa khuấy cho em lúc khuya, ra đến cầu sắt lúc 05 giờ sáng, nhìn giòng nước mang bóng đen hiu hằt từ các ánh đèn xa xa bên kia sân ga tàu lửa, tôi bỗng chạnh lòng nhớ lại bầy em, nhớ người cha nghiêm khắc, nhớ người mẹ cay nghiệt, độc ác.

Tôi qua lại mấy lượt trên cầu, cuối cùng đi thẳng về sân ga, chui qua hàng rào để vào toa xe, trốn trong cầu tiêu mãi đến khi xe chuyển bánh, tôi chả biết xe về đâu, miễn là đi khỏi cái gia đình khủng khiếp ấy. Suốt thời gian tàu vào đến Sái gòn, tôi nhịn đói, nhịn khát, nhưng trong lòng trải rộng niềm phấn khởi nơi chân trời mới.

Tôi phấn đấu lắm mới học kịp bạn bè khi tuổi quá quy định. Rồi nhân duyên đến, tôi yêu màu áo giải thoát. Thật sung sướng khi mặc vào người, cái áo nhật bình bạc màu, chừa chóp tóc giữa đầu; cuộc sống hoàn toàn mới lạ, thanh thoát nhẹ nhàng, bấy giờ chung quanh tôi những người ăn nói rất hiền dịu, từ tốn, tôi không còn thấy tầm nhìn soi mói, đe dọa – cuộc sống như là bình đẳng. Ngày tháng như thế lớn dần theo sự trưởng thành lòng nhân huân tập từ đạo giáo.

Tôi trải qua mấy mươi mùa Vu Lan, chứng kiến nhiều lần hoa nở trên áo, cũng bao lần tôi xao xuyến u buồn nhớ về quá khứ…

Những đám đông, hội hè giải trí đều xa lạ đối với tôi. Do vậy, tôi rút khỏi lễ cài hoa tại Phật Quang năm xưa. Bé Thanh, cô gái 18 tuổi, đã mang đến tận phòng cài lên áo tôi cánh hoa trắng mà không hề hỏi sự lựa chọn của tôi; Vâng, bé Thanh đã nhường cánh hoa của cô ta, một cánh hoa u buồn mất mẹ,không phải trút nổi u buồn cho tôi, nhưng Thanh muốn chia xẻ niềm vui Vu Lan với tôi.

Tôi cảm xúc im lặng, mắt ngó xuống – vẫn là cánh hoa mọi năm – 23 năm trước lễ Vu Lan của GĐPT chùa Vạn Thọ – tôi ấp úng trả lời câu hỏi nghiêm túc của thiếu nữ cài hoa:

- Cho thầy cả 2 màu trắng đỏ!

Hai cánh hoa cài lên ngực áo Nhật Bình giữa sự kinh ngạc của mọi người – bàn tay người thiếu nữ ngần ngại ngở như nghe nhầm tôi nói –rồi 2 cánh hoa vẫn nở trong tôi.

Mọi người cười ầm cả lên như điều kỳ lạ; tôi cúi xuống nhìn màu hoa trắng đỏ – màu trắng trong hay màu tang tóc hồn tôi dành cho gia đình; Màu đỏ thắm tình hiếu tử hay vết thương còn đó của đời mình…

Thanh rút lui từ lúc nào,tôi vẫn tần ngần ngắm nhìn cánh hoa trắng đang ngự trị trong tôi. Trên phòng – buổi lể vẫn huyên náo, càn vùi sâu hồn cô lữ trong không gian u tịch riêng lẽ.

Vâng, tôi xin chọn tất cả, bởi vì máu thịt nầy, thân thể nầy, bàn tay này vẫn do cha mẹ sinh ra!

Minh Mẫn

Bảy định luật về Năng lượng siêu nhiên

TVĐĐ - 02/22/2010

Định luật đầu tiên về năng lượng siêu nhiên:

Mọi vật thể 'hữu hình' vốn là chấn động lực.

Các làn sóng vô hình cũng là chấn động lực - như âm thanh, sóng truyền hình truyền thanh, điện lực, ánh sáng, vi ba, tia X, tia gamma, và các sóng năng lượng siêu nhiên.

Lời bàn
(của người dịch ): Học môn vật lý ta biết rằng hạt nguyên tử là cấu trúc cơ bản nhất của vạn vật. Ngày nay khoa học tiến bộ đã tìm thấy những yếu tố siêu hơn trong cấu trúc vạn vật được gọi là chấn động lực.


Định luật thứ nhì :

Tâm thức (mind) mỗi người là một 'trạm năng lượng' (energy station) có khả năng thâu và phóng năng lượng.

Ý chí có khả năng làm thay đổi dạng năng lượng.

Tư tưởng và hình ảnh, vốn là sóng năng lượng, có thể chuyển vận qua lại giữa tâm thức con người trong cỏi trần và gởi đến con người hoặc thiêng liêng ở cỏi bên kia qua tiến trình thần giao cách cảm.

Lời bàn :Nguyên lý của điện thoại di động khiến cho ta tin rằng chuyện thần giao cách cảm là có thật. Nhờ cái điện thoại nó chuyển âm thanh của tiếng nói chúng ta thành tần số thích hợp, cùng tần số với người nhận rồi chuyển đi cho người phía bên kia thì họ có thể nhận và nghe. Tư tưởng cũng vậy, nếu ta biết biến đổi tần số tư tưởng của mình cho cùng tần số với người nhận thì ta có thể dùng thần giao cách cảm để liên lạc với nhau.

Định luật thứ ba :

(Đến đây xin dịch 'năng lượng siêu nhiên' bằng từ 'điển quang' cho gọn)

Mọi người đang sống đều sở hữu một hình hài cấu tạo bằng chấn động lực, đây là bản phóng ảnh của thể xác và nó vẫn tồn tại sau khi thể xác chết.

Thể điển quang này mắt thường không thấy được, nó có khả năng đổi dạng, trường tồn và lưu giữ cảm thức.

Lúc thể xác chết đi, thể điển quang sẽ đạt đến một trình độ tần số chấn động nào đó và sẽ nhập vào cỏi điển giới tương ứng.


Những công quả với tính cách vị tha sẽ làm gia tăng tần số của thể điển quang.

Lời bàn : Chắc ai cũng biết làm việc vị tha như bố thí, giúp đỡ, thi ân không cầu báo đáp giúp linh hồn tiến hoá lên cỏi cao. Chuyện làm cho tần số điển quang gia tăng vẫn còn là một bí mật của vũ trụ, rất ít người biết. Người tu họ cứ hành trì các pháp hàng ngày nhưng không biết tần số điển quang của mình đang gia tăng nhanh hay chậm lại. Có thể chăng nên gọi đây là cơ sở khoa học của sự tiến hoá tâm linh nhân loại trong tương lai ?

Định luật thứ tư :

Thế giới bên kia cửa tử có nhiều trình độ điển quang. Điển quang là nền tảng hình thành các cảnh giới khác nhau tùy theo tần số chấn động.

Cỏi nào có tần số chấn động lực càng nhanh thì những sinh linh ngụ cư nơi đó càng tiến hoá cao.

Lời bàn : Nói theo khoa học huyền bí thì sự khác biệt chính yếu giữa các cỏi là tần số chấn động lực. Chắc chắn tần số của địa ngục chậm hơn thế gian và tần số của thế gian chậm hơn thiên đàng. Có lẽ vì vậy mà ngày xưa Lưu Nguyễn lạc vào thiên thai chỉ có vài năm, đến khi trở về thế gian mới hay đã vài chục năm trôi qua. Và nếu đúng như vậy thì một kiếp ở cỏi người ắt là tương đương cả trăm ngàn năm ở cỏi địa ngục thấp nhất ?

Trở lại cuộc sống hàng ngày, có một kinh nghiệm mà ai cũng biết, đó là hiện tượng 'Ngày vui qua mau'. Chắc có người cũng thắc mắc không biết tại sao ngày vui lại trôi qua nhanh quá. ND cho rằng đinh luật thứ 4 này giải thích được lý do tại sao . Bởi vì có những hoàn cảnh tốt đẹp đã kích thích năng lượng tinh thần con người làm cho nó rung động nhanh hơn, vì vậy mà họ cảm thấy thời gian trôi qua nhanh hơn ?

Định luật thứ năm :

Một sinh linh có tâm linh càng tiến hóa cao thì hào quang càng sáng rực.

Lời bàn : Nhiều người thấy hình vẽ trên đầu Phật và Chúa đều có hào quang. Ngày nay đã có máy chụp hình hào quang nhưng chưa được sử dụng rộng rãi, có lẽ vì hào quang vẫn còn xa lạ với con người ?

Định luật thứ sáu :

Tần số điển quang rung động chậm lại sẽ khiến thể vô hình hoá thành hữu hình (hoá sắc tướng - materialisation).

Tần số điển quang rung động nhanh lên sẽ khiến sắc tướng hườn hư (qui không - de-materialisation).

Lời bàn :

- Định luật này chỉ rỏ hai đường lối tiến hoá : Đạo và Đời. Tiến về đạo thì điển quang tinh khí thần sẽ qui không, tiến về đời thì điển quang vô hình sẽ trụ hoá thành sắc tướng : tham sân si, danh lợi tình.

- Có thể nói đây là một định luật về sự chuyển hoá giữa hai loại năng lượng sắc và không. Định luật này giải thích nhiều hiện tượng về tu đạo như : Tinh hoá Khí, Khí hoá Thần, Thần hườn Hư (qui không) . Hiện tượng các vị chân sư dùng năng lượng tâm linh để biến hoá ra vật chất như rượu, bánh,...(hoá sắc tướng).

- Định luật này có thể được vận dụng để giúp minh định chánh tà ? Ví dụ chiều hướng của chánh pháp là đem nội lực tinh thần qui không (sự thanh tịnh, tình yêu thương, trí huệ); còn chiều hướng của tà đạo là đem thể tinh thần siêu hình hướng ngoại hoá ra sắc tướng, gọi nôm na là 'lấy đạo tạo đời'.

Áp dụng vào đời sống hàng ngày thì đây là nguyên lý của sự sáng tạo trong mọi lãnh vực. Ví dụ, khi con người khởi phát một tư tưởng mới lạ còn nằm trong vùng vô hình mà muốn thể hiện ra cho mọi người thấy, thì phải biết đem nó dàn trải qua nhiều giai đoạn, tạo điều kiện cho tư tưởng từ vô hình dần dần hiển hiện cụ thể. Con người biết dùng tay chân, giác quan và dụng cụ để làm cho hình ảnh trong đầu rung động chậm lại, kết quả tư tưởng mới trở thành một hình ảnh sờ mó được .

Áp dụng vào việc tu hành : Đạo Phật biết rằng lục căn lục trần của con người là phương tiện để đem điển quang (thần lực) trụ hoá thành sắc tướng, nghĩa là làm cho tần số điển quang rung động chậm lại, cho nên Phật giáo mới khuyên người tu nên bớt sử dụng lục căn lục trần để điển quang vô hình không bị hao tán, kinh Kim Cang dặn dò : 'ưng vô sở trụ ...' . Ngược lại, phương tiện đem thần lực qui không là thiền định, niệm phật, thở sâu,... cho nên các pháp môn thường nghiên cứu và áp dụng những phương tiện này trong chương trình tu hành tiến hoá tâm linh.

Định luật thứ bảy :

Luật Nhân Quả : trong thế giới năng lượng, mọi kích động đều gây ra một phản động tương ứng, có nghĩa : năng lượng giống như một 'boomerang' - 'năng lượng' ta phóng ra sẽ trở về với ta không sai chạy.

Lời bàn : Đây là một trong những cách giải thích mới mẻ về luật nhân quả. Ở đây tác giả đã dùng khái niệm năng lượng siêu nhiên để giải thích luật nhân quả.

Ta phóng ra tình thương thì tình thương sẽ trở lại với ta, có thể trở lại trong một dạng khác, nhưng bản chất vẫn là tình thương. Ta phóng ra sự sân hận đấu tranh hại người, thì nó sẽ trở lại với ta trong hình dáng những kẻ thù, ta thấy xung quanh toàn những người đến muốn làm hại mình.

Theo định luật này thì ta hiểu rằng nhân quả nối tiếp nhau hiện tiền chứ không hẳn phải chờ lòng vòng đến kiếp sau.

Victor Zammit
Người dịch Luanle
Source victorzammit.com
http://thienviendaidang.net/00/baimoidua.php?readmore=732

Tụng Kinh

TVĐĐ - 07/11/2010

Có chàng trai, cha vừa mất liền đến chùa thỉnh thiền sư Phật Quang tụng kinh cầu siêu. Thiền sư sắm nhang đèn hoa quả mà tụng kinh cho người quá cố.

Người con nghĩ đến tiền phí, bèn hỏi thiền sư :

- Thưa thiền sư, tụng một quyển kinh A-di-đà bao nhiêu tiền ?

Thiền sư thấy anh keo kiệt nên không khách sáo nói :

- Mười lượng.

Chàng chê mắc, trả giá :

- Thiền sư ! Mười lượng mắc quá ! Tám lượng được không ?

Thiền sư gật đầu, nói :

- Tốt lắm !

Thiền sư đúng như pháp mà tụng. Tụng xong thiền sư phục nguyện rằng :

- Con xin đem tất cả công đức tụng kinh này, nguyện cầu chư Phật, chư Bồ-tát gia hộ cho hương linh người chết được vãng sanh Đông phương thế giới.

Người con nghe vậy, phản đối :

- Lộn rồi ! Thiền sư, tôi chỉ nghe người chết vãng sanh Tây phương cực lạc, chứ không nghe vãng sanh Đông phương !

Thiền sư nói :

- Vãng sanh Tây phương cực lạc cần mười lượng, ông trả có tám lượng chỉ đến được Đông phương thế giới thôi.

Người con bất đắc dĩ nói :

- Tôi trả thêm hai lượng nữa, ngài đưa giùm cha tôi vãng sanh Tây phương đi !

Lúc ấy, người chết nằm trong quan tài, không chịu được, lớn tiếng mắng con :

- Mày là thằng hư đốn ! Vì tiếc hai lượng mà báo hại lão già này một phen sang Đông phương, một phen sang Tây phương, khổ thân ta phải chạy Đông chạy Tây.


Lời bình :

Phật pháp không phải là hàng hóa, không nên đem việc làm của người thương nghiệp mà trả giá. Trong kinh Phật nói : “Nơi ruộng tâm không giống nhau vì công đức có hơn kém”.
http://thienviendaidang.net/00/baimoidua.php?readmore=1458

Ta Bà Ha (Tát Bà Ha)

Trong chú Đại bi, câu Ta bà ha rất là quan trọng. Câu này được lặp lại đến mười bốn lần.

Ta bà ha. Hán dịch có sáu nghĩa. Bất kỳ chữ này xuất hiện ở bài chú nào cũng có đủ sáu nghĩa này.

Nghĩa thứ nhất là “thành tựu”.

Khi trì niệm câu chú này, tất cả sở cầu, sở nguyện của hành giả đều được thành tựu. Nếu quý vị chưa có được sự cảm ứng khi hành trì, là do vì tâm chưa đạt đến sự chí thành. Nếu quý vị có tâm chí thành và có niềm tin kiên cố, thì chắc chắn sẽ được thành tựu. Nhưng chỉ cần móng khởi một chút tâm niệm không tin vào chú này, thì không bao giờ được thành tựu.


Nghĩa thứ hai là “Cát tường”.

Khi hành giả niệm câu chú này thì mọi sự không tốt lành, đều trở thành tốt lành như ý. Nhưng quý vị phải có lòng thành tín. Nếu quý vị có lòng thành tín hoặc nửa tin nửa ngờ khi trì chú này thì chư Bồ tát đều biết rõ. Vì thế nếu quý vị muốn mọi việc đều được đến chỗ thành tựu thì trước hết phải có niềm tin chắc thật. Ví như khi cha của quý vị có bệnh, muốn cha mình được khỏi bệnh thì quý vị phải hết sức thành tâm và chánh tín để trì tụng chú này mới có cảm ứng.

Hoặc khi quý vị nghĩ rằng: “Từ lâu mình chưa được gặp người bạn thân. Nay rất muốn gặp anh ta”. Quý vị niệm chú này một cách chí thành, liền gặp bạn ngay. Hoặc quý vị nghĩ: “Ta chẳng có người bạn nào cả, muốn có người bạn tốt”. Quý vị trì chú này một cách thành tâm và liên tục, liền có được bạn lành, ngay cả gặp được thiện tri thức.

Nghĩa thứ ba của Ta bà ha là “viên tịch”.

Khi các vị Tỳ kheo xả bỏ báo thân hoặc nhập Niết bàn thì được gọi là “viên tịch”. Nhưng ở đây, chữ “viên tịch” không có nghĩa là chết. Chẳng phải niệm câu chú Ta bà ha là để cầu sự viên tịch. Thế thì công dụng của câu chú này là gì?

“Viên tịch” có nghĩa là “công vô bất viên”. Là công đức của hành giả hoàn toàn viên mãn; “đức vô bất tịch” là đức hạnh của hành giả đạt đến mức cao tột cực điểm. Chỉ có chư Phật và Bồ tát mới biết được công hạnh rốt ráo tròn đầy ấy chứ hàng phàm phu không suy lường được.

Nghĩa thứ tư là  “tức tai”, nghĩa là mọi tai nạn đều được tiêu trừ.

Nghĩa thứ năm là “tăng ích”, là sự tăng trưởng lợi lạc của hành giả. Khi niệm câu Ta bà ha thì công hạnh đều được tăng trưởng, hành giả sẽ đạt được chỗ lợi lạc an vui.

Nghĩa thứ sáu của câu này, tôi thiết nghĩ trong quý vị ít có ai biết được. Vì trước đây tôi chưa từng nói bao giờ.

Ta bà hà có nghĩa là “vô trú”.
Nghĩa “vô trú” này nằm trong ý nghĩa của câu “ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” trong Kinh Kim Cang.

“Vô trú” nghĩa là không chấp trước, không vướng mắc hay bám chấp một thứ gì cả.

Tâm vô trú là không có một niệm chấp trước vào việc gì cả. Không chấp trước nghĩa là tâm tùy thuận với mọi việc, thấy mọi việc đều là tốt đẹp. Đây chính là trường hợp: “Vô vi nhi vô bất vi” (không khởi niệm tác ý nhưng điều gì cũng được thành tựu). Vô trú chính là vô vi theo nghĩa ở trên, và vô vi chính là vô trú.

Khi quý vị vừa móng khởi lên một niệm tưởng, đừng nên vướng mắc vào một thứ gì cả, đó là nghĩa thứ sáu của Ta bà ha. Quý vị đừng nên trụ vào các niệm tham, sân, si, mạn, nghi. Nếu quý vị có tất cả các tâm niệm trên thì phải nhanh chóng hàng phục chúng, chuyển hóa chúng để tâm mình không còn trụ ở một niệm nào cả. Hàng phục, chuyển hóa được những tâm niệm chúng sinh ấy gọi là vô trú. Dùng cái gì để chinh phục chúng? Dùng Bảo kiếm ấn pháp này để hàng phục. Quý vị nói rằng tâm quý vị bị đầy dẫy niệm tham chế ngự. Tôi sẽ dùng Bảo kiếm này để cắt sạch. Nếu tâm quý vị có đầy ma oán, tôi cũng sẽ dùng Bảo kiếm này đuổi sạch. Nếu tâm quý vị bị ma si mê chiếm đoạt, tôi sẽ dùng kiếm trí tuệ này chặt đứt chúng từng mảnh.

Tôi sẽ chặt đứt tất cả các loài ma ấy bằng Bảo kiếm Kim cang vương này, tức là dùng kiếm Trí tuệ để hàng phục. Nếu quý vị muốn hàng phục thiên ma ngoại đạo thì trước hết quý vị phải chuyển hóa được mọi vọng tưởng của mình. Khi quý vị chuyển hóa được vọng tưởng trong tâm mình, thì thiên ma ngoại đạo cũng được hàng phục luôn, cho dù chúng có muốn đến để quấy phá, chúng cũng chẳng tìm được cách nào để hãm hại được cả.

Trên đây là sáu nghĩa của Ta bà ha. Bất luận câu chú nào có chữ Ta bà ha đều mang đầy đủ sáu nghĩa trên.


HT Tuyên Hóa
(Trích trong ‘Đại Bi Chú Giảng Giải’)