Monday, January 10, 2011

Niềm An Lạc của Sự Không Mong Cầu

Càng biết ít chuyện, bạn sẽ bớt nhiều phiền nảo
Càng giao thiệp rộng, càng nhiều thị phi.

Phần lớn người ta mong được học rộng hiểu nhiều, thế nhưng người tu đạo thì chỉ cầu “Sự Không Biết”. Tại sao? Vì khi quý vị biết ít về chuyện đời thế gian chừng nào thì sẽ càng bớt những rắc-rối chừng đó. Hơn nữa, càng quen biết giao thiệp rộng, quý vị sẽ gặp nhiều thị phi. Cho dù lúc đầu tuy không có chuyện gì cả, nhưng rồi sau này sẽ sanh sự. Bởi thế, những người tìm học thức thì mong có được kiến thức uyên bác, trong khi hành giả tu đạo chỉ mong “Sự Không Biết”.
Không biết có nghĩa là:

Lớn thành kẻ khờ, bạn là bậc vĩ nhân
Học đến trở thành ngốc, đây là người hiếm có.

Khi lớn lên nếu quý vi có thể trở thành tên nhà quê khờ khờ khạo khạo, thì đó mới thật là sự hiểu biết sắc sảo. Cho nên có câu tương truyền: “Đại Trí Huệ như kẻ khờ, Đại Biện Tài như gã nhà quê”. Các bậc thật sự có đại biện tài thì hầu như rất ít nói, đôi lúc chỉ nói một vài câu, nhưng những gì họ nói làm cho mọi người đều cứng lưỡi. “Học đến trở thành ngốc, đây là người hiếm có”. Khi quý vị nghiên cứu học đạo đến tột điểm, đến lúc như cảm thấy mình ngu si ngớ ngẩn, thì ngay lúc ấy phép lạ có thể xảy ra, các cảnh giới đặc biệt có thề xuất hiện. Lại có câu :

Khi tâm không cầu mong, vạn sự vô quái ngại

Đúng vậy, trong khi tu hành, quý vị không nên có cái tâm cầu được thành Phật, Bồ tát, hoặc chứng quả A la hán, hay được đại trí huệ, giác ngộ thành đạo. Đừng cầu mong gì cả. Ngay trong lúc có tâm niệm cầu mong thì tức là có chướng ngại, quý vị đang vô sự lại kiếm chuyện cho sanh sự. Khi tu hành thì chỉ lo chú trọng dụng công, ngày đêm đều tinh tấn tu hành, bình dị như chuyện ăn cơm, mặc áo, đi ngũ, lòng không ý niệm mong cầu. Phải dụng công như thế, ngày cũng vậy, đêm cũng vậy, bất biến tùy duyên, tùy duyên bất biến. Đến khi quý vị tu đến tột điểm, cho dù không câù giác ngộ, quý vị sẽ được giác ngộ, cho dù không câù thành Phật, quý vị sẽ thành Phật. Cho dù không muốn làm Bồ tát, quý vị sẽ chứng quả thập điạ. Cho nên, có tu thì có đắc, kết quả tự nhiên sẽ đến. Không cần cầu. Tâm mong cầu chỉ là lòng tham, vẩn còn là vọng tưởng.
Hòa Thượng Tuyên Hóa
(Herein Lies The Treasure Trove, vol. 1 p. 97 - 98)

http://www.dharmasite.net/sf/teach/teach3-4.html

Chỉ Một Niệm

Nếu ai muốn biết rõ
Tất cả chư Phật ba đời
Nên quán tánh Pháp giới
Tất cả do Tâm tạo.
Mười Pháp Giới không lìa một tâm niệm. Nguyên tắc cũng giống như vậy.
Nếu một người khởi niệm tốt, thiện thần sẽ đến để hộ trì người đó. Nếu một người khởi niệm ác, ác thần sẽ đi theo họ. Sự khác nhau nằm ở chỉ một niệm. Cổ nhân nói:
Nếu bạn đi sai một bước,
Bạn sẽ hối tiếc ngàn năm.
Chúng ta cũng có thể nói: “Nếu bạn có một niệm sai lầm, bạn sẽ hối tiếc về điều đó một ngàn năm.” Thiện và ác chỉ nằm trong một niệm. Tôi thường nói tâm con người giống như những hạt bụi, bay lượn trong vũ trụ. Đột nhiên, quý vị ở thiên đường, rồi thình lình quý vị sống giữa loài súc vật, quỷ đói hoặc địa ngục.
Biển khổ không cùng tận, vì vậy quý vị phải nhanh chóng quay về bờ giác. Chẳng có gì bí mật về điều đó cả. Chỉ đơn giản là vấn đề từ bỏ các thói hư và tật xấu.
Không ích kỷ
Không mong cầu
Không tham
Không tranh
Không tìm cầu tư lợi
Nếu quý vị có thể tuân theo các quy tắc này, quý vị tự nhiên sẽ không đi ngược lại nguyên tắc của trời và của lòng người. Nếu quý vị có thể sử dụng các nguyên tắc này như là thước đo đối với các hành động hằng ngày của chính quý vị, thì lúc đó quý vị sẽ không còn phạm lỗi lầm nữa. Dù quý vị muốn trở thành người hoặc muốn thực hiện các Pháp xuất thế gian, quý vị cũng cần năm nguyên tắc này như là người dẫn đường cho quý vị.
Nếu hôm nay tôi còn nói nữa, tôi e quý vị sẽ quên các điều tôi đã chỉ dạy!
Theo “Treasure Trove”, trang 86
http://www.dharmasite.net/sf/teach/teach3-6.html