Nầy Xá-lợi-phất, cõi nước Cực Lạc, thành tựu công đức, trang nghiêm như thế! Lại này Xá-lợi-phất, cõi nước Phật kia, thường trỗi nhạc trời, vàng ròng làm đất, ngày đêm sáu thời, mưa hoa Mạn-đà-la cõi trời. Chúng sanh ở cõi ấy, cứ mỗi sáng sớm, thường dùng đãi y, đựng các hoa đẹp, đem cúng dường mười vạn ức Phật ở phương khác, vừa đến giờ ăn, trở về nước mình, ăn cơm, kinh hành.
Ðức Phật Thích Ca nói: Này Xá-lợi-phất, cõi nước Cực Lạc thành tựu công đức trang nghiêm như thế. Tại đó thường có chư Thiên trỗi nhạc trời, vàng ròng dùng làm đất, ngày đêm sáu thời (đầu ngày, giữa trưa, cuối ngày, đầu hôm, giữa đêm, cuối đêm. Ba thời của ngày, ba thời của đêm cộng lại là sáu thời) đều có mưa hoa Mạn-đà-la.
Mạn-đà-la hoa, là tiếng Phạn, dịch là "Tự ý hoa", mình muốn thế nào nó ra thế ấy, rất là vừa ý. Hoa này còn gọi là Ðại bạch hoa.
Chúng sanh ở cõi ấy, cứ mỗi sáng sớm (sáng sớm mặt trời mới vừa mọc), thường dùng đãi y (túi vải), đựng các hoa đẹp, đem cúng dường mười vạn ức Phật ở phương khác. Thời gian cho việc cúng hoa rất ngắn, khoảng chừng một bữa ăn. Tại sao những chúng sanh ấy chỉ có một thời gian rất ngắn đi khắp được mười vạn ức cõi nước của chư Phật? Nhơn vì các vị ấy chứng được tám đại tự tại ngã, tùy tâm như ý, được như ý thông, tự do đi đến chỗ mình muốn đến. Cho nên khi chúng ta lễ Phật nên quán thân thể chúng ta có cùng khắp vô lượng cõi nước chư Phật ở mười phương và đang đảnh lễ trước chư Phật. Chúng ta có thể quán tưởng pháp giới như vậy, vì thân thể chính là pháp giới vậy. Cho nên có bài kệ:
Nếu ai muốn hiểu biết
Tất cả Phật ba đời
Phải quán Pháp giới tánh
Tất cả duy tâm tạo.
Trở về nước mình, nước mình tức là thế giới Cực Lạc. Ăn cơm, kinh hành, ăn cơm xong liền đi kinh hành; kinh hành tức là đi tản bộ sau khi ăn cơm.
Này Xá-lợi-phất, cõi nước Cực Lạc thành tựu công đức trang nghiêm như thế! Lại này nữa Xá-lợi-phất, cõi nước kia thường có các loài chim màu sắc kỳ diệu, như Bạch Hạc, Khổng Tước, Anh Võ, Xá-lợi, Ca-lăng-tần-già, Cộng Mạng. Những thứ chim này, ngày đêm sáu thời, hót lên tiếng hòa nhã, tiếng ấy diễn xướng Năm Căn, Năm Lực, Bảy Bồ-đề Phần, Tám Thánh Ðạo Phần.
Ðức Phật vốn đợi ngài Xá-lợi-phất thưa hỏi, ngài Xá-lợi-phất vẫn chưa biết hỏi nên Phật lại nói tiếp theo cho đại chúng nghe: Này Xá-lợi-phất! Cõi nước Cực Lạc thường có những loài chim nhiều màu kỳ lạ, lại có chim Bạch Hạc, Khổng Tước, Anh Võ, Xá-lợi, Ca-lăng-tần-già, Cộng Mạng...
Những loài chim này màu sắc đặc biệt đẹp đẽ, trắng trắng xanh xanh, hoặc nhiều màu xen lộn, như giống Phụng Hoàng trên thế gian này. Anh Võ biết nói tiếng người, nếu người ta dạy nó nói tiếng Trung Hoa nó sẽ nói tiếng Trung Hoa, dạy nó nói tiếng Anh nó cũng biết nói tiếng Anh. Thấy có người tới, nó biết nói: "Có khách, có khách", hoặc nói: "Hello, how are you!" Cho nên nếu có người dạy nó niệm danh hiệu Phật, chúng nó cũng có thể nhờ vào công đức niệm Phật mà vãng sanh về thế giới Cực Lạc ở phương Tây.
Xá-lợi tức là Thu Lộ, mắt nó rất đẹp. Ca-lăng-tần-già là tiếng Phạn, dịch là Hảo Thanh điểu, hoặc Hảo Âm điểu. Vì khi mới khải mỏ, còn ở trong trứng mà tiếng kêu của nó hay hơn các con chim con khác, cho nên gọi là Hảo Âm điểu.
Chim Cộng Mạng là thứ chim một thân mà có hai đầu, có ai đã thấy chim đó chưa? Chúng mắc phải quả báo này là do kiếp trước lúc làm người, tâm dâm quá nặng. Hai vợ chồng ái ân quá nặng, suốt ngày chỉ ân ái nhau thôi, dâm tâm không dứt nên phải đọa lạc làm loài chim hai đầu. Thức tâm có hai mà quả báo phải thọ lại đồng nhau. Ấy gọi là "chim Cộng Mạng, thức khác mà báo đồng." Vì thế người ta không nên có tâm dâm dục thái quá, nếu không sẽ có thể đọa làm loài chim Cộng Mạng đấy!
Có người nói: "Tôi thích làm thứ chim đó!" Ta đừng nên cho làm chim là việc rất tốt. Phải biết rằng những loại phi cầm ấy, sau khi sống hết kiếp chim rồi có thể sẽ đọa vào địa ngục thọ khổ. Ðừng cho rằng chúng nó rất tự do, muốn bay thì bay, muốn đáp thì đáp, tương lai quả báo đáng sợ không thể tưởng tượng nổi đấy. Người có trí không làm việc ngu si thì không bị đọa lạc, người không trí huệ mới tạo nghiệp mà đọa lạc.
Các loài chim ấy ngày đêm sáu thời hót lên tiếng hòa nhã. Sáu loài chim này ngày đêm sáu thời đều hót lên tiếng hòa nhã, xướng họa lẫn nhau, phát ra âm nhạc rất êm dịu. Thực ra những loại chim này là do công đức của Phật A Di Ðà hóa hiện ra, giúp Phật nói pháp khiến cho pháp âm lan khắp. Vì ở thế giới Cực Lạc phương Tây không có các khổ, không có quả báo ba ác đạo địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.
Tiếng ấy diễn xướng, diễn là biểu diễn, xướng là ca hát bất cứ người nào nghe đến đều rất vui thích. Pháp âm mà bọn chim diễn xướng biểu hiện Năm Căn, Năm Lực, Bảy Bồ-đề Phần, Tám Thánh Ðạo Phần.
Năm Căn là: Tín căn, Tấn căn, Niệm căn, Ðịnh căn và Huệ căn. Năm căn biểu thị cho mầm móng Bồ-đề, có thể khiến cho tâm Bồ-đề tăng trưởng, khi tăng trưởng rồi thì có một thứ sức mạnh nên gọi là năm lực.
Năm Lực là: Tín lực, Tấn lực, Niệm lực, Ðịnh lực và Huệ lực.
Bảy Bồ-đề Phần:
1. Trạch Pháp Bồ-đề phần, còn gọi là Trạch pháp giác phần.
2. Tinh Tấn Bồ-đề phần, còn gọi là Tinh Tấn giác phần.
3. Hỷ Bồ-đề phần, còn gọi là Hỷ giác phần.
4. Trừ Bồ-đề phần, trừ thô hoặc.
5. Xả Bồ-đề phần, xả bỏ tế hoặc.
6. Ðịnh Bồ-đề phần
7. Niệm Bồ-đề phần.
Bảy Bồ-đề phần còn gọi là Bảy Giác Chi. Trong ba mươi bảy Ðạo phẩm chỉ bảy chi này được tên là giác. Nhân vì trước tu Bốn Niệm Xứ, Năm Căn, Năm Lực vẫn chưa giác ngộ, sau tu Tám Chánh Ðạo đã giác ngộ, chỉ có khoảng giữa tu bảy pháp Giác phần này từ mê mà ngộ, do chưa giác ngộ mà giác ngộ cho nên được tên là Giác. Bảy Bồ-đề Phần này rất quan trọng, các đệ tử Phật nên nhớ kỹ.
Tám Thánh Ðạo Phần, tức tám Chánh đạo: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
1. Chánh kiến: Ðây không phải là cái thấy của mắt thấy, mà là cái thấy của kiến giải trong tâm. Thế nào là kiến giải chính xác? Tức là dùng hành vi vô lậu để quan sát kiến giải của chính mình có chính xác hay không, tức là vật phi lễ chớ nhìn, cái gì không chánh đáng thì không nên xem, vì bất chánh là tà kiến. Ví dụ thầy Tỳ-kheo thấy người không chánh đáng thì không nên nhìn. Cho nên các Tỳ-kheo đều không đi xem phim, không ca múa hát xướng, cũng không cố đi xem nghe. Nếu thích đi xem thì không phải là có chánh kiến, thậm chí trong lòng có nghĩ tưởng đến cũng là không chánh kiến. Nhưng nếu có việc không chánh đáng ở trước mắt, cũng không nghĩ đó là bất chánh mà cho là chánh đáng, đó cũng là chánh kiến.
2. Chánh tư duy: Tư duy là ở bên trong, người ta không thể thấy được, chính mình phải dùng trí huệ vô lậu. Tôi nhiều lần giảng cho quý vị nghe về vô lậu, nhưng càng giảng quý vị càng lậu thêm. Giả sử có được chút trí huệ nào cũng bị chảy sạch hết. Nước trí huệ rịn chảy hết thì có lửa vô minh sanh ra. Pháp mà tôi giảng cho quý vị nghe là pháp hay nhất mà cả trong thiên hạ này không pháp nào hay hơn. Nếu không chịu chú ý, chẳng nghe cho kỹ thì dù Ðức Phật Thích Ca tái thế cũng cứu không được quý vị. Vô lậu tức là không có tà tư tà kiến. Không có tâm dâm dục tức là vô lậu. Có tâm dâm dục tức là hữu lậu. Chánh tư duy tức là vô lậu, tà tư duy tức là hữu lậu. Tư duy thuộc về tâm, cũng là ý. Trong ý niệm không khởi một niệm không chính đáng nào tức là Chánh tư duy.
3. Chánh ngữ: Là trong lời nói của chính mình không có một chút ý nào dâm loạn. Những lời nói ra đều thật đứng đắn. Nếu ai có nói với mình những lời không đứng đắn, mình cũng phải nói với họ những lời đứng đắn mà không được dùng lời không đứng đắn đáp lại. Ðó tức là chánh, là khẩu nghiệp thanh tịnh. Trên đời này bất cứ người nào cũng gặp phải điều ấy. Nếu có ai nói những lời không đứng đắn, chẳng cần phê bình họ nói không đúng, mà không nên tiếp cận với họ là được. Nhưng mặt khác, bạn không cần cho họ là nói lời không chánh đáng, thế thì không chánh đáng cũng biến thành chánh đáng. Chánh tư duy tức là ý thanh tịnh, mà chánh ngữ là khẩu nghiệp thanh tịnh.
4. Chánh nghiệp, là thân nghiệp thanh tịnh. Dùng trí vô lậu để trừ bỏ tà nghiệp của bản thân. Tà nghiệp là gì? Cũng tức là niệm dâm dục. Một số người mượn câu "Không tức là sắc, sắc tức là không" mà hành động sai quấy, đây tức là tà nghiệp. Trí vô lậu tức là trí huệ không có những thứ không chánh đáng. Có người chỉ có tà huệ, bảo họ làm việc đứng đắn thì họ không biết làm, nhưng nếu bảo họ làm việc bậy bạ (như hành dâm...) thì họ thông minh hơn những người khác, đó là tà nghiệp. Chánh nghiệp thuộc về thân nghiệp.
5. Chánh mạng. Chánh mạng đối lại với tà mạng. Sao gọi là tà mạng?
i) Hiện tướng khác người để hiện bày việc kỳ lạ. Những người này biểu hiện ta đây không giống với người khác: "Các vị xem tôi đây khác với mọi người!" Như ở Hương Cảng có một vị Pháp sư người Trung Hoa cố ý đắp y Tiểu thừa. Ở Ðài Loan cũng có những người như vậy, mục đích của họ chỉ là lôi kéo sự chú ý của người khác để được cúng dường. Một số người có mắt như mù, liền cho họ là bảo bối rồi đến cúng dường.
ii) Tự nói mình có công đức. Những người này tự khoe khoang công đức của chính mình, nói Viện Dưỡng Lão kia là của tôi lập nên, hoặc nói tôi xuất ra bao nhiêu tiền để làm trường học, độ được một số đệ tử, lập nên một số cảnh chùa, cúng dường mấy trăm vị Hòa thượng. Tóm lại, đó là sự khoe khoang công đức của mình. Kỳ thực, chỉ có những người ngu si mới tin được lời họ; còn người có trí huệ, giả sử nhắm mắt lại, chỉ nghe họ nói cũng có thể biết được đó là lời nói khoác.
iii) Bói toán. Gieo quẻ, tính toán số mạng tốt xấu cho người khác. Những hạnh nghiệp này chẳng phải chỉ người tại gia, mà người xuất gia cũng có làm. Họ có thể nói với kẻ dễ tin: "Anh nên đưa tôi một triệu bạc để làm việc thiện, nếu không thì ngày mai có thể phải chết đấy!" Kẻ ấy nghe nói một triệu có thể mua được tánh mạng thì đâu phải là nhiều, liền đồng ý đưa ngay. Nhưng đâu có biết rằng giả sử không đưa tiền cũng không nhất định ngày mai phải chết. Hoặc họ nói: "Ngày mai anh có thể gặp được một việc tốt đẹp. Chỉ cần hôm nay anh đưa trước năm mươi lượng vàng làm việc công đức, thế nào ngày mai anh cũng được năm trăm lượng vàng." Kẻ ấy nghĩ thầm: "Một lượng lãi tới mười lượng, có gì mà tiếc!" Thế rồi bị lường gạt. Kết quả ngày thứ hai chẳng những không có vàng, cả đến thầy bói cũng không thấy đâu nữa, bèn cho là đã gặp bậc thần tiên.
iv) Lớn tiếng ra oai. Có những vị Thầy thích lớn tiếng hò hét vô duyên cớ, khiến cho người nể sợ. Những người ấy còn cho rằng vị Thầy này tiếng nói rổn rảng mà cung kính vị ấy. Ðây tức là tà mạng. Nếu khi giảng pháp, phòng rộng lớn mà người đông, thì có thể giảng kinh lớn tiếng. Nhưng nếu có micro thì không cần phải to tiếng quá. Cứ nói chuyện bình thường, chẳng cần phải hò hét lớn tiếng. Người lớn tiếng ra oai lại chẳng biết đó là một trong năm thứ tà mạng.
v) Nói lên sự cúng dường để khích động người khác. Ví dụ nói: "Anh biết không! Tôi đến nhà cư sĩ ăn một bữa trai thật ngon, họ còn dùng nấm mèo trắng, nấm đông-cô... để đãi tôi, thật là một bữa ngon quá sức!" Hoặc đến nhà một cư sĩ niệm câu thần chú để khiến người khác cho họ ăn ngon. Một khi niệm chú như thế, vị cư sĩ ấy cảm thấy chính mình phải nên cúng dường một ít thức ăn, thậm chí không có tiền, phải đi vay mượn để mua đồ chay cúng dường vị Thầy. Ðâu biết rằng vị Thầy ấy đã phạm vào năm thứ tà mạng rồi.
6. Tinh tấn: Có Chánh tinh tấn và Tà tinh tấn. Sao gọi là Chánh tinh tấn? Giống như chúng ta đang lễ Phật, niệm Phật suốt ngày không nghỉ ngơi, đó là Chánh tinh tấn. Nếu bạn đi đến chỗ khác nói chuyện khào, càng nói càng hăng, khoa chân múa tay, đó gọi là Tà tinh tấn, không có lợi ích chi, lại chẳng có tác dụng gì. Sao gọi là Chánh tinh tấn? Chánh tinh tấn chính là làm việc có ích. Sao gọi là Tà tinh tấn? Tức là làm việc vô ích, ví như đối với Phật pháp phải dụng công, nhưng lại lười biếng chỉ nói chuyện tào lao lười biếng cũng như, khi nghe kinh, không luận bận rộn cách mấy cũng phải đến nghe kinh, đến để hộ trì pháp hội, đó gọi là Chánh tinh tấn. Nếu vốn không bận việc gì, nhưng cũng không đến nghe kinh, đó gọi là không tinh tấn. Giống như chúng ta ở đây có mấy vị cư sĩ, hễ xem phim thì rất tinh tấn, chịu đi long nhong đường lớn hẻm nhỏ mà chẳng đến nghe kinh, có pháp hội mà chẳng đến hộ trì, đó đều là không tinh tấn. Chánh tinh tấn là không luận ở chỗ nào có pháp hội thì đến ủng hộ, hộ trì đạo tràng. Nếu khoái đánh bài, cờ bạc... đó là Tà tinh tấn.
7. Chánh định: Chánh định là Tam-muội, còn gọi là Chánh thọ. Chánh định là dùng trí huệ vô lậu để tu định, thứ định này tất cả cảnh giới tà không thể lay động được. Tôi giảng kinh cho quý vị nghe, quý vị nhớ được một câu thì đi đến bất cứ đâu cũng dùng không hết. Nhưng nếu quý vị không nhớ được câu nào, quên sạch hết thì đi đến đâu sẽ bị cảnh giới ấy lay chuyển, chạy theo cảnh giới ấy, đó là không có chánh định. Có người nói: "Tôi biết tôi không có chánh định." Ðã biết là không có, sao không dùng chánh định? Cũng như có mấy người nọ, khi nghe tôi giảng điều gì đó đều nói: "I know, I know." Ðã biết sao còn phạm phải sai lầm?
8. Chánh niệm: Chánh niệm là niệm trí huệ vô lậu, không còn hữu lậu nữa. Không còn hữu lậu tức là không có tâm dâm dục. Không có tâm dâm dục tức chánh niệm. Có tâm dâm dục tức là tà niệm. Có người nói: "Người ấy có tâm dâm dục đối với tôi, nhìn thấy mắt họ là biết ngay." Nếu không có tâm dâm dục, sao lại đi nhìn vào mắt người ta? Mình có tâm gì? Chính mình nếu không có tâm dâm dục, làm sao biết người ta có? Nếu không có thì là thanh tịnh hoàn toàn, trong sạch không nhiễm ô, chính mình không có chút tư tưởng nào về việc đó cả thì làm sao biết được kẻ đối diện mình có tâm dâm dục? Vậy thì rõ ràng là không diệt trừ tâm dâm dục, không dứt tâm dâm dục chính là tà niệm, không phải chánh niệm.
Các pháp như thế ấy, chúng sanh ở nước kia nghe âm thanh này rồi, thảy đều niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Này Xá-lợi-phất, ông chớ cho chim này thiệt là do tội báo sanh ra. Tại sao thế? Vì cõi nước của Phật kia không có ba ác đạo. Này Xá-lợi-phất, cõi nước của Phật kia còn không có tên của ác đạo, huống chi là có thật. Các thứ chim ấy đều là do Phật A Di Ðà muốn cho tiếng Pháp âm truyền khắp mà biến hóa ra như thế.
Các pháp như thế ấy, là chỉ cho Năm Căn, Năm Lực, Bảy Bồ-đề Phần, Tám Thánh Ðạo Phần đã nói ở trước; hai mươi lăm Ðạo Phẩm này cộng với Bốn Niệm Xứ, Bốn Chánh Cần, Bốn Như Ý Túc, thành ra Bảy Khoa, Ba Mươi Bảy Ðạo Phẩm.
Chúng sanh ở nước kia, là chúng sanh ở thế giới Cực Lạc, nghe thấy những âm thanh diễn xướng của các loài chim ở trên rồi, thảy đều niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm về Tam Bảo. Này Xá-lợi-phất, đừng cho rằng những chim này là từ tội báo sanh ra! Ðừng cho rằng những chim này là từ ba ác đạo sanh ra! Tại sao thế? Vì lẽ gì? Vì thế giới Cực Lạc kia không có ba ác đạo, ba ác đạo là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, thì làm sao có các loài chim này được? Phật nói: "Này Xá-lợi-phất, ta nói cho ông biết: Cõi nước của Phật kia còn không có tên của ác đạo. Ở thế giới Cực Lạc ngay đến tên của ba ác đạo còn không có nữa, huống chi lại có ba ác đạo thiệt hay sao? Tất cả đều không có cả. Những loài chim này đều là do nguyện lực của Phật A Di Ðà muốn cho Pháp âm truyền khắp mà biến hóa ra như thế." Ðây đều là giúp cho Pháp âm truyền khắp mà dùng thần thông biến hóa ra các thứ chim ấy, chớ chúng không phải do ba ác đạo biến hóa ra đâu. Không giống như cõi nước của chúng ta đây, súc sanh là từ súc sanh đạo biến hóa ra.
Này Xá-lợi-phất, cõi nước Phật kia, gió nhẹ lay động các hàng cây báu và các lưới báu, phát ra âm thanh vi diệu, giống như trăm nghìn thứ âm nhạc đồng trỗi một lượt. Ai nghe tiếng này rồi, tự nhiên đều sanh tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Này Xá-lợi-phất, cõi nước Phật kia thành tựu công đức trang nghiêm như thế.
Phật nói: "Này Xá-lợi-phất! Ta nói cho ông nghe đôi chút về tình hình của thế giới Cực Lạc: Cõi nước Phật kia gió nhẹ lay động, gió nhẹ là gió rất dịu, gió không lớn, chỉ nhè nhẹ thôi, thổi vào bảy lớp hàng cây, bảy lớp lưới báu, phát ra âm thanh vi diệu, trên lưới báu đều có chuông rung, một khi gió thổi qua đều rung vang lên. Thứ tiếng vang này cũng giúp cho người ta niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Giống như trăm ngàn thứ âm nhạc đồng trỗi một lượt. Thứ âm thanh này cũng giống như trăm ngàn thứ âm nhạc đồng tấu một lượt. Ai nghe rồi, người nghe thứ âm nhạc này, không phải là nghe rồi lại nảy sanh ý nghĩ bất tịnh, mà là nghe rồi tự nhiên sanh ra tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Tâm niệm: Nam mô A Di Ðà Phật, Nam mô A Di Ðà Pháp, Nam mô A Di Ðà Tăng.
Có người nói: "Nam mô A Di Ðà Phật, câu này thì có, sao lại có Nam mô A Di Ðà Pháp được?" - Bởi vì đó là pháp của Phật A Di Ðà nói ra. Lại cũng là chúng tăng của Phật A Di Ðà giáo hóa mà có. Thế thì tại sao không nói: "Nam mô A Di Ðà Tăng" được ư? Cho nên đừng có thắc mắc! Những điều tôi giảng là một nghệ thuật mới mẻ đấy! Cũng giống như tôi giảng cho quý vị nghe về Niết-bàn như thế này. Niết là không sanh, Bàn là không diệt; không sanh tâm dâm dục, không diệt trí huệ. Cho nên Phật đạt cảnh giới Niết-bàn thì không có tâm dâm dục nữa. Ngài thanh tịnh, không nhiễm trước, không có ý tưởng nam nữ, tự tánh thường sanh trí huệ cho nên không diệt.
Này Xá-lợi-phất, cõi nước Phật kia, thành tựu công đức trang nghiêm như thế! Này Xá-lợi-phất! Cõi nước Cực Lạc thành tựu được công đức và trang nghiêm như thế đó.
Này Xá-lợi-phất, ý ông nghĩ sao? Tại sao Ðức Phật kia có tên là A Di Ðà? Này Xá-lợi-phất, Ðức Phật kia có ánh sáng vô lượng, chiếu suốt mười phương cõi nước không bị chướng ngại, cho nên có tên là A Di Ðà. Lại này Xá-lợi-phất, mạng sống của Phật kia và nhân dân của Ngài, vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp, cho nên có tên là A Di Ðà. Này Xá-lợi-phất, Phật A Di Ðà thành Phật đến nay đã mười kiếp. Lại này Xá-lợi-phất, Ðức Phật kia có vô lượng vô biên chúng đệ tử Thanh văn đều là bậc đại A-la-hán, không thể tính đếm mà biết được; các chúng Bồ-tát cũng nhiều như thế.
Phật lại nói: "Này Xá-lợi-phất!" Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni đặc biệt có lòng thương nghĩ đến ngài Xá-lợi-phất: "Ðồ đệ này quả thật có được ít nhiều trí huệ, nhưng lại không biết hỏi, để ta nói cho ông ấy biết!" Ý ông nghĩ sao? Trong ý nghĩ của ông, ông cho là như thế nào? Tại sao Ðức Phật kia có tên là A Di Ðà? Ðáng lẽ câu này là của ngài Xá-lợi-phất hỏi, mà ngài không biết hỏi, ngờ nghệch giống như đang nhập định vậy, cho nên Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni hỏi giúp và đáp thay cho ngài: Này Xá-lợi-phất, Ðức Phật kia có ánh sáng vô lượng. A Di Ðà dịch là vô lượng quang, cho nên nói Ðức Phật kia có ánh sáng vô lượng chiếu suốt mười phương cõi nước không bị chướng ngại, chiếu suốt mười phương cõi nước mà không có gì ngăn che ánh sáng ấy được. Cho nên có tên là A Di Ðà, vì thế nên gọi Ngài là Phật A Di Ðà. Lại này Xá-lợi-phất! Lại còn một nghĩa nữa: Mạng sống của Phật kia và nhân dân của Ngài đều vô lượng vô biên A-tăng-kỳ kiếp, mạng sống của Phật A Di Ðà và nhân dân của Ngài có đến vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp. A-tăng-kỳ là tiếng Phạn, dịch là vô lượng số. Cho nên có tên là A Di Ðà, vì thế nên gọi Ngài là Vô Lượng Thọ Phật. Phật A Di Ðà thành Phật đến nay đã mười kiếp, từ khi Ðức A Di Ðà thành Phật đến nay đã kéo dài mười đại kiếp, mạng sống tương lai cũng vô lượng vô biên. Lại này Xá-lợi-phất, Ðức Phật kia có vô lượng vô biên chúng đệ tử Thanh văn, Ðức Phật A Di Ðà ở thế giới Cực Lạc có rất nhiều đồ đệ là hàng Thanh văn. Ðều là bậc A-la-hán, những vị ấy đều đã chứng quả A-la-hán vô lậu, đều là những người không có tâm dâm dục. Không thể tính đếm mà biết được, chẳng phải là số lượng tính kể bằng con số mà tính đếm được. Các chúng Bồ-tát cũng nhiều như thế. Số chúng Thanh văn đã nhiều như thế thì số chúng Bồ-tát cũng nhiều như chúng Thanh văn, không thể dùng con số mà tính đếm được.
Này Xá-lợi-phất, cõi nước Phật kia thành tựu công đức trang nghiêm như thế! Lại này Xá-lợi-phất, cõi nước Cực Lạc, chúng sanh sanh về đều là bậc A-bệ-bạt-trí. Trong đó có nhiều vị Nhất sanh bổ xứ. Số đó nhiều đến nỗi không thể tính đếm mà biết được, chỉ có dùng số vô lượng vô biên A-tăng-kỳ để nói. Này Xá-lợi-phất, chúng sanh nghe được điều này, phải nên phát nguyện, nguyện sanh về nước kia. Tại sao thế? Vì được cùng ở một chỗ với các bậc thượng thiện nhơn. Này Xá-lợi-phất, không nên cho rằng có chút ít nhơn duyên phước đức căn lành mà được sanh về nước kia đâu.
Này Xá-lợi-phất, cõi nước Phật kia thành tựu công đức trang nghiêm như thế! Cõi nước ấy đã thành tựu công đức quá nhiều như trên đã nói. Lại này Xá-lợi-phất, cõi nước Cực Lạc, chúng sanh sanh về đều là bậc A-bệ-bạt-trí. A-bệ-bạt-trí là tiếng Phạn, dịch là Bất thối chuyển. Có ba thứ bất thối chuyển: Vị bất thối, Hạnh bất thối và Niệm bất thối.
Vị bất thối là không lui lại hàng Nhị thừa, cũng không từ Nhị thừa lui xuống hàng phàm phu.
Niệm bất thối là mỗi ngày càng tăng thêm ý niệm tu hành.
Hạnh bất thối là tu hành mỗi ngày một tăng tiến thêm.
Tóm lại, chẳng cần biết tu hành được bao nhiêu ngày, hễ nghỉ một lần, nghỉ tức là thối lui. Bất thối chuyển nơi Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác tức là bất thối chuyển nơi Phật quả. Trong đó có nhiều vị Nhất sanh bổ xứ, trong đó có rất nhiều chúng sanh chỉ một đời có thể bổ xứ ở ngôi vị Phật, có thể thành Phật. Một đời đến trong hoa sen, tức có thể thành Phật. Số đó nhiều đến nỗi không thể tính đếm mà biết được. Số mục này có nói cũng không hết được số nhiều, chẳng phải là tính số thí dụ mà có thể biết được. Chỉ có số vô lượng vô biên A-tăng-kỳ để nói, chỉ có thể nói A-tăng-kỳ là có vô lượng vô biên vô lượng số mà thôi.
Này Xá-lợi-phất, chúng sanh nghe được điều này, phải nên phát nguyện, nguyện sanh về nước kia. Này Xá-lợi-phất, tất cả chúng sanh nghe được đạo lý mà Ðức Phật Thích Ca chúng ta đã nói, đều phải nên phát nguyện sanh về thế giới Cực Lạc. Tại sao thế? Vì được cùng ở một chỗ với các bậc thượng thiện nhơn. Ðó là nguyên nhơn gì? Ðạo lý gì? Tại vì có thể cùng với các chúng Thanh văn, Bồ-tát...đồng ở một chỗ với nhau. Này Xá-lợi-phất, không nên cho rằng có chút ít nhơn duyên phước đức căn lành mà được sanh về nước kia. Này Xá-lợi-phất! Nói thì nói như thế, nhưng người không có căn lành, không có phước đức thì không cách nào sanh về thế giới Cực Lạc được. Phải là người có căn lành lớn, phước đức lớn, đời đời kiếp kiếp tu hành các Ba-la-mật, mới có thể sanh về thế giới Cực Lạc được. Không như thế thì không có cơ hội nào gặp được môn diệu pháp này, cho nên nói là "Không nên cho rằng có chút ít nhơn duyên phước đức căn lành mà được sanh về nước kia đâu."