Tuesday, December 6, 2011

Thư trả lời Hộ Niệm -Nghịch duyên hay thuận duyên, đều do mình



Hỏi:

Mọi người ai cũng cần có người Hộ Niệm khi lâm chung. Đó là điều cần thiết và rất quý, nhưng trường hợp như tụi em ở một nơi không gần với cộng đồng thì lúc chết ai Hộ Niệm cho mình? Con cháu của mình sau này nó là người Mỹ hết, hay nó theo đạo khác thi nó đâu biết tiếng Việt hay những nghi thức để Hộ Niệm thì mình làm cách nào để được Vãng Sanh?

Trả lời:

Điểm thứ nhất: Sống xa với cộng đồng người Việt:

Người biết cách Hộ Niệm thì ở đâu cũng dễ có người đến Hộ Niệm. Người không biết cách Hộ Niệm thì dù sống chung với một cộng đồng đông như kiến, nhưng khi chết cũng chưa chắc sẽ có ai Hộ Niệm cho mình đâu!

Ví dụ, trong pháp tu Niệm Phật, rất chú trọng việc Hộ Niệm Vãng Sanh, nhưng người tu phải biết Hộ Niệm thì người lâm chung mới có được Hộ Niệm. Có nhiều người, dù có tu học Phật nhưng không biết đường Vãng Sanh, chưa có ý niệm cầu giải thoát, cứ tu lòng vòng để tìm kiếm chút phước gì đó rồi chờ chết, thì tất cả đều phải chết, tương lai còn quá mờ mịt!...

Vậy thì, vấn đề sống chung với nhiều người Việt chưa chắc là sẽ được Hộ Niệm lúc lâm chung để Vãng Sanh đâu!

Để giải quyết vấn nạn trên, xin chú ý đến những điều sau đây:

1/ Tự mình phải nổ lực Niệm Phật, tu hành:

Đây mới là chính. Mình không chịu tu hành thì làm sao có ngày thành đạo. Mình không Niệm Phật thì dễ gì có duyên được người khác tới Niệm Phật cho mình. Mình không nguyện Vãng Sanh thì làm sao có cơ hội Vãng Sanh.

Công phu tu tập vẫn là điểm chính, mỗi người phải lo tự thực hành trước. Cái quả Vãng Sanh ở cuối đời chính là nhờ cái nhân Niệm Phật từ ngày hôm nay. Cái quả tương lai được người Hộ Niệm là nhờ cái nhân hôm nay mình đi Hộ Niệm cho người.

2/ Biết Hộ Niệm:

Muốn Hộ Niệm cho người khác được Vãng Sanh, thì chính chúng ta phải tìm hiểu cho thấu đáo phương pháp Hộ Niệm. Lý luận, phương thức, cách khai thị Hộ Niệm phải nắm vững. Nếu chính mình không hiểu gì về Hộ Niệm, thì lo lắng đến chuyện Hộ Niệm ngày mình lâm chung có ích lợi gì? Không biết về Hộ Niệm thì ứ nghĩ rằng, trước khi chết phải có đầy đủ con cháu tới để nhìn mặt, thiếu một đứa thì chết không chịu nhắm mắt. Chúng tới bao vây mình rồi, lại xúi cho khóc lóc, kể lể, than vãn, ôm nắm, lôi kéo... Đây là cái duyên đại đọa lạc, đâu phải là điều tốt!

(Vấn đề Hộ Niệm Diệu Âm đã khai thác rất nhiều, vừa tọa đàm, vừa vấn đáp, vừa video Vãng Sanh. Xin bỏ chút ít thời gian xem qua).

Vì sao vậy?

- Một là, thường lầm lẫn giữa Hộ Niệm với cầu siêu, cầu an, hậu sự, hộ táng... Mình lầm lẫn như vậy thì tạo cái duyên lầm lẫn đến nhiều người. Sau cùng người khác cũng sẽ đem cái lầm lẫn ấy mà áp dụng cho mình.

Cầu siêu là đợi chết, liệm trong quan tài rồi tới tụng kinh siêu độ. Cầu an là cầu cho tiêu tai giải nạn, khỏi chết. Hậu sự, hộ táng là đưa đám ma đi chôn. Còn Hộ Niệm là khuyên người Niệm Phật cầu Vãng Sanh. Niệm Phật thì mỗi người cần phải tự làm trước, ai cũng phải có đầy đủ TÍN-NGUYỆN-HẠNH để Vãng Sanh.

Nghĩa là, phải tự Tín-Nguyện-Hạnh thì khi hữu sự mới dễ có nhiều cơ duyên được người tới Hộ Niệm mà thêm vững phần Vãng Sanh. Chứ đâu phải cứ chờ lúc sắp chết, rồi kêu một vài người tới Niệm Phật vài giờ thì được Vãng Sanh đâu!

- Hai là, người không hiểu Hộ Niệm thường tạo những hành động sai lầm, phạm đến điều cấm kỵ khi Hộ Niệm. Bị phạm vào điều cấm kỵ gây trở ngại rất nhiều cho việc Vãng Sanh.

Ví dụ như:

-Tắm rửa, đụng chạm vào thân thể quá sớm;

- Khóc lóc than thở bên xác chết;

- Dùng bùa chú yếm trừ;

- Không an lòng Niệm Phật ít ra là tám tiếng đồng hồ;

- Không lo Niệm Phật mà lao chao coi ngày coi giờ trong lúc Hộ Niệm;

- Tẩn liệm quá sớm trong khi thân xác còn nhiều chỗ chưa được lạnh (nghĩa là, có thể thần thức còn vướng trong thân, chưa chết hẳn);

- Giết hại sanh vật cúng tế, thết đãi;

- Lo chích thuốc chống rã thân quá sớm,

- Ồn náo, kiện tụng bên cạnh xác chết, v.v... Nhiều điều sai lầm lắm.

Nói chung, có biết cách Hộ Niệm rõ ràng, chính xác, mới chuẩn bị được Hộ Niệm, mới biết những gì cần làm, những gì cần kiêng cữ, cho người, cho cả chính ta.

Xin tự hỏi, chính mình đã nắm vững phương pháp Hộ Niệm chưa?

3/ Phát triển sự Hộ Niệm:

Cần vận động, tuyên truyền, khuyên nhủ, nhắc nhở con cháu, người thân, khuyến khích cùng nhau Niệm Phật, thành lập nhóm cộng tu Niệm Phật. Đây là cái nhân để thành hình một nhóm Hộ Niệm.

Cứ phát tâm làm đi, còn thành tựu được hay không cứ để Phật Bồ-tát lo liệu.

4/ Chuẩn bị tự Hộ Niệm:

Hễ có người Hộ Niệm thì tốt, nếu không có ai Hộ Niệm, thì phải biết tự Hộ Niệm cho mình. Phải có tinh thần tự lực vững mạnh trước.

- Tinh tấn Niệm Phật để nghiệp chướng tiêu trừ, phước duyên tăng trưởng, nhờ đó dễ được an nhiên ra đi (tuyệt vời!). Niệm Phật chắc chắn có lợi, (nếu nhất tâm đuợc thì hay quá...).

Nên nhớ, thành tâm niệm một câu Phật hiệu phá tan 80 ức kiếp nghiệp chướng sanh tử trọng tội. Nghiệp tiêu thì phước tăng, có phước mà biết đường Vãng Sanh thì Vãng Sanh không khó lắm vậy.

- Làm tờ di chúc, nhắn nhủ, dặn dò con cháu những gì cần làm, những gì cần tránh.

- Lập chí Vãng Sanh vững vàng, đừng thối chí. Ví dụ: khi bệnh đừng sợ chết, không cầu hết bệnh, coi cái chết nhẹ nhàng. Không lo, không sợ, không buồn, không than, v.v... Người ta khi nghe bác sĩ nói sắp chết thì sợ hãi (đến hết hồn hết vía!), còn ta thì cười hè hè, sung sướng vì thấy rằng ta sắp được dịp theo A-Di-Đà Phật về Tây Phương.

- Sẵn sàng ứng trị với những trường hợp người thân làm điều sai lầm. Trong tâm nên chuẩn bị trước để phá trừ những chướng ngại. Ví dụ, con cái khóc lóc: kệ nó, đừng luyến lưu; Bị đau đớn quá: đã dự định rồi, quyết Niệm Phật cầu gia bị; Gặp oan gia trá hình: đã biết rồi, yên tâm Niệm Phật, thành tâm sám hối, hồi hướng công đức cho họ để hóa giải, (nên làm việc này liền đi), v.v...

- Nguời thường bận tâm lo lắng không an nhiên bằng người ít lo.

Càng lo lắng càng bất an. Tại sao không cố gắng Niệm Phật, cố gắng tu hành, biết mình bị nhiều chướng duyên thì cố gắng công phu nhiều hơn, há không hay hơn sao? Biến nghịch duyên thành thuận duyên. Nhìn thấy sự khó khăn mà lo tu hành tốt hơn vậy.

Tự mình phải lo liệu cho mình, chứ có cách nào khác hơn! Tập buông xả cho nhiều... mới tránh được những vướng mắc.

Điểm thứ hai: Con cái theo đạo khác:

Đầu tiên xin khuyên rằng, đừng bao giờ có tâm xem thường những tôn giáo khác. Người có tu hành, thì dù theo đạo nào cũng tốt hơn người vô đạo. Đôi khi chúng ta thấy người tu hành làm sai, nhưng xét kỹ thì do cá nhân người đó sai chứ không phải tôn giáo sai đâu.

Cho nên, phải có tâm hoan hỉ khi con cái có đường tu hành. Mỗi người đều có cái duyên riêng, chớ nên kỳ thị.

Theo giảng ký của HT Tịnh Không kể lại, ở Hồng-Kông, cách đây không lâu, một bà Cụ có tất cả sáu người con đều theo đạo Thiên Chúa, riêng Cụ thì Niệm Phật. Bà luôn luôn tôn trọng con cháu, và nhắc nhở con cháu đi nhà thờ đều đều. Nhờ vậy mà tất cả con cháu đều tôn trọng bà và hết lòng yểm trợ cho bà. Khi bà Vãng Sanh, biết trước ngày giờ, bà nhờ chính những đứa con khác đạo này tụ tập về ngồi chung quanh Niệm Phật Hộ Niệm cho bà, và bà ngồi mà Vãng Sanh. Tất cả con cháu của Bà thấy vậy, đã tự ý chuyển sang Niệm Phật.

Lấy nghịch duyên làm thuận duyên để tu hành. Người chung quanh tự họ sẽ chuyển.

Phật lực gia trì ở sát bên cạnh. Miễn sao mình phải có thành tâm. Có cầu tất có ứng. Xin chớ quá lo lắng.

Chúc an tâm, thành công,

A-Di-Đà Phật

Diệu Âm

(10/05/2009)

BẢN TÍNH SÁNG NGỜI VÀ HIỂU BIẾT CỦA TÂM _ Đức Đạt-Lai Lạt-Ma Thứ 14



Đức Đạt-Lai Lạt-Ma Thứ 14


thuyết pháp tại Claremont College

Bạch Nga (Lozang Ngodrub) chuyển ngữ

Chúng ta cần nên làm quen với những tâm thái tốt, nhưng theo thói quen, chúng ta thường có những vọng tưởng phiền não, như sân hận, gây nên những chướng ngại lớn cho bản thân. Do đó, chúng ta cần phải nhận diện những cảm xúc này và đương đầu với chúng ngay tức khắc. Nếu chúng ta dần dần làm quen với việc kiềm chế những tâm thái xấu, thì sau nhiều năm, một người trước kia hay giận dữ cũng có thể trở nên bình tĩnh.

Có người cảm thấy rằng ta sẽ mất đi sự độc lập nếu ta không để cho tâm mình đi rong theo ý muốn, mà lại
cố gắng điều phục tâm. Sự thật không phải như vậy, nếu tâm ta đang tiến triển một cách đúng đắn, thì ta đã có sự độc lập rồi, nếu không thì ta cần phải điều phục tâm mình lại.

Liệu chúng ta có thể loại bỏ những vọng tưởng phiền não hay không, hay chỉ có thể ức chế những cảm xúc ấy thôi? Đối với Phật giáo, bản tính chân thật của tâm là ánh sáng trong (thanh quang), còn những ô trược thì bất định, vô thường và có thể tách rời khỏi tâm. Nói một cách triệt để thì bản tính của tâm là không có tự tính.

Nếu những cảm xúc phiền não, như sân hận (oán ghét), thuộc về bản tính của tâm, thì ngay từ lúc tâm phát khởi, nó đã luôn chứa đầy sự oán ghét, vì sự oán ghét đó chính là bản tính của tâm. Tuy nhiên, rõ ràng là điều này không đúng, vì chỉ trong những hoàn cảnh nào đó thì chúng ta mới giận dữ, chứ không phải lúc nào chúng ta cũng như vậy. Điều này cho thấy rằng tính chất của sự sân hận và tính chất của tâm khác nhau, mặc dù nếu nói sâu xa hơn thì cả hai đều thuộc về tâm thức và đều có tính chất sáng ngời và hiểu biết.

Hoàn cảnh nào là nền tảng cho sự sân hận phát sinh? Sân hận khởi phát vì chúng ta áp đặt lên các hiện tượng một đặc tính ít lôi cuốn hơn hay xấu xa hơn đặc tính thực sự trong các hiện tượng đó. Từ nền tảng của sự áp đặt này, chúng ta giận dữ với điều gì cản trở lòng ham muốn của mình. Do đó, nền tảng của tâm thù hận oán ghét là một nền tảng không đúng đắn. Ngược lại, tâm từ bi thì lại có nền tảng đúng đắn. Về lâu dài, nếu có sự xung đột giữa một tâm thái dựa trên nền tảng tốt và một tâm thái trái ngược thì tâm thái dựa vào nền tảng đúng sẽ thắng.

Do đó, nếu chúng ta trau giồi những tâm thái tốt dựa trên nền tảng đúng đắn một cách đều đặn trong một thời gian dài, thì những tâm thái có nền tảng không đúng sẽ dần dần giảm đi. Chẳng hạn như khi chúng ta rèn luyện thể lực để nhảy xa, thì căn bản luyện tập là thân thể vật chất thô thiển của mình, do đó chúng ta chỉ có thể nhảy xa đến một mức độ nào đó mà thôi. Tuy nhiên, vì tâm là một thực thể chỉ bao gồm sự trong sáng và ý thức, khi nó được rèn luyện dần dần, chúng ta có thể phát triển những tâm thái hữu ích một cách vô giới hạn.

Chính chúng ta biết rằng tâm có thể ghi nhớ rất nhiều điều; nếu ta ghi nhớ một việc nào đó, rồi lại ghi nhớ thêm một việc khác nữa, cuối cùng chúng ta có thể lưu trữ rất nhiều trong trí nhớ của mình. Hiện tại, chúng ta không thể ghi nhớ một cách phi thường vì chúng ta chỉ sử dụng những tầng lớp tâm thức rất thô sơ, nhưng nếu chúng ta sử dụng được những tầng lớp tâm thức vi tế hơn, thì chúng ta sẽ có thể lưu trữ thêm nhiều điều hơn nữa trong trí nhớ của mình.

Phẩm chất của tâm thức có thể phát triển vô tận. Khi ta càng áp dụng và gia tăng những tâm thái đối kháng với những cảm xúc phiền não, thì phiền não sẽ ngày càng giảm đi và cuối cùng sẽ bị tận diệt. Người ta tin rằng vì tính chất của tâm chỉ là ánh sáng và hiểu biết, tất cả chúng ta đều có đầy đủ những điều kiện căn bản cần thiết để đạt được Phật quả.

Tư tưởng Phật giáo dựa trên tính chất thiết yếu của tâm là sự sáng ngời và hiểu biết, từ đó ta có thể chứng minh rằng tâm dần dần sẽ hiểu biết được tất cả. Điều này, trên khía cạnh triết lý, hỗ trợ cho quan điểm cho rằng những tâm thái tốt có thể được gia tăng vô hạn định.

Về phương diện hành trì hàng ngày, nếu ta nhận diện được bản chất của tâm và tập trung vào đó thì sẽ rất hữu ích. Lý do khiến chúng ta khó nhận diện được bản tính của tâm là vì những ý niệm của chúng ta che phủ lên bản chất này. Do đó, trước nhất, đừng nhớ lại những điều đã xảy ra trong quá khứ, đừng nghĩ tới những gì sẽ xảy ra trong tương lai; hãy để cho tâm tự nhiên trôi chảy mà không cần ý niệm. Để cho tâm nghỉ ngơi trong trạng thái tự nhiên và hãy quan sát nó. Lúc đầu, khi ta chưa quen với cách thực tập này, thì sẽ cảm thấy rất khó khăn, nhưng với thời gian, tâm sẽ hiện ra như nước trong veo. Khi ấy, hãy trụ trong trạng thái tâm không bị thêu dệt này và không để cho bất cứ ý niệm nào phát sinh nữa.

Buổi sáng sớm là lúc tốt hơn hết để hành thiền với phương pháp trên, vì đó là lúc ta vừa thức dậy, tâm đang sáng suốt nhưng các giác quan chưa hoàn toàn hoạt động. Nếu buổi tối hôm trước, ta không ăn quá độ hoặc ngủ quá nhiều thì sáng hôm sau tâm sẽ nhẹ nhàng và bén nhạy hơn. Dần dà rồi tâm của ta sẽ ngày càng trở nên vững vàng hơn; sự tỉnh thức và trí nhớ sẽ sáng suốt hơn.

Ta hãy nghiệm thử xem hành trì như trên có làm cho tâm ta tỉnh táo hơn trong suốt ngày hay không. Lợi ích tạm thời của hành thiền là tâm thức ta sẽ an lạc hơn. Khi trí nhớ trở nên khả quan hơn, ta sẽ dần dần phát triển được khả năng biết được quá khứ vị lai, do kết quả của sự tỉnh thức ngày càng gia tăng. Một lợi ích lâu dài là khi tâm ta đã trở nên minh mẫn và bén nhạy hơn, ta có thể sử dụng tâm mình trong bất cứ lãnh vực nào tùy ý.

Nếu ta có thể thiền một chút mỗi ngày, thâu nhiếp lại tâm ly tán, hướng tâm về bên trong, thì điều này sẽ giúp ích cho ta rất nhiều. Dòng ý niệm dựa trên những suy nghĩ thị phi (về những điều tốt, những điều xấu, vân vân và vân vân) sẽ ngưng lại . Cách này sẽ giúp cho tâm ta được an trú trong vô niệm, khi dòng ý thức tạm thời ngưng nghỉ.

Ghi chú : Trên đây là bài dịch từ trang 18-20 trong quyển ’Kindness, Clarity,and Insight’ của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 Tenzin Gyatso, với sự đồng ý của Snow Lion

Publications, www.snowlionpub.com. Jeffrey Hopkins dịch từ Tạng ngữ sang Anh ngữ và cùng hiệu đính với Elizabeth Napper. Nhà xuất bản Motilal Banarsidass Publishers Private Limited ấn hành tại Delhi năm 1997 và Snow Lion Publications ấn hành tại New York năm 1996, ấn bản thứ 12.

Xin hồi hướng mọi công đức đến sự toàn giác của tất cả chúng sinh. Mọi sai sót là lỗi của người dịch. Quan Âm Thiền Phật Học Viện, Ani Lozang Chophel, Lozang Ngodrub, Như-Ý Liên-Hoa dịch và hiệu đính tại Brisbane, Queensland, tài liệu phân phát nhân dịp Geshe Tashi Tsering thuyết giảng về đề tài trên tại Chùa Linh Sơn, 89 Rowe Terrace, Darra Queensland, vào ngày 14 tháng 4 năm 2007.


http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-75_4-10831_5-50_6-1_17-318_14-1_15-1/


Hoa và rác _ Thầy Viên Ngộ




Để thấy rác chính là hoa - hoa và rác vốn không hai cũng như khổ đau làm nên hạnh phúc - phiền não chính là Bồ đề, bạn cần phải trở về với chính mình để chăm sóc cho đóa hoa tâm hồn được nở rộ và thêm phần hương sắc.

Nghĩa là, khi tâm ý của bạn đang rong ruổi, phiêu lưu ở một phương trời nào đó, hãy trở về với tự thân và có mặt trọn vẹn với những gì đang biểu hiện trong đương tại.

Hoa là biểu tượng cho sự đẹp đẽ, thơm tho và tươi mát, nên tất cả mọi người đều mong muốn ngắm nhìn, yêu thích và trân quý. Còn rác là thứ dơ bẩn, hôi hám nên ít ai quan tâm để ý tới và chỉ muốn dẹp bỏ hoặc loại trừ càng xa, càng tốt. Tuy rác bị đối xử thiệt thòi như thế, nhưng nó vẫn âm thầm nhận chịu để đóng góp cho đời những gì tốt đẹp nhất.

Công việc của rác là làm phân, giúp người làm vườn vun bón những luống hoa, vườn rau, giàn bầu và nhiều loại cây ăn trái khác được xanh tươi, đơm hoa và kết trái. Mặt khác, nhờ người nông dân biết sử dụng các loại phân hữu cơ và hạn chế dùng phân hóa học để chăm bón, trồng trọt, nên rau quả được tăng thêm phần bổ dưỡng và đảm bảo sức khỏe tốt cho con người.

Do vậy, rác không hẳn là thứ nhơ nhớp, xấu xa cần phải loại bỏ mà rác có khả năng âm thầm đóng góp tích cực cho đời sống con người.

Trong tâm thức của chúng ta cũng có hai đặc tính căn bản của hoa và rác. Ta có những đức tính tốt như thiện lành, siêng năng, hiền hòa, dễ thương, tha thứ, biết cảm thông và giúp đỡ cho những ai gặp phải hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn. Điểm tích cực ấy tượng trưng cho bông hoa tươi mát, đẹp đẽ vốn có ở nơi mỗi con người. Và khi tâm ta được nhẹ nhàng, an ổn và hạnh phúc thực sự, đó chính là đóa hoa tâm hồn trong ta nở rộ và thơm ngát.

Còn ngược lại, khi tâm ý tham lam, buồn giận, sợ hãi, ghen tị, trách móc, ích kỷ thì mảnh vườn tâm kia đang sinh trưởng nhiều loại cỏ dại và rác rến. Vì thế, người tu phải biết cách chăm sóc vườn tâm của mình để mỗi ngày những hoa trái thương yêu, hiểu biết, giúp đời… được sum suê, nở rộ và tỏa ngát hương.

Trong tâm thức của chúng ta cũng có hai đặc tính căn bản của hoa và rác.

Chúng ta thừa biết rằng, một bông hoa có mặt phải nhờ vào nhiều yếu tố khác kết hợp lại mới hình thành như đất, nước, phân xanh, không khí, ánh sáng mặt trời, người chăm sóc, v.v… Bông hoa không thể hiện hữu đơn độc lẻ loi mà nó cần phải nương tựa vào nhau để sinh khởi và tồn tại. Nếu một ai đó chỉ thích ngắm nhìn phía trên của bông hoa, nhưng lại cắt bỏ bộ phận gốc rễ nhơ nhớp ở phía dưới thì đóa hoa tươi thắm đó chỉ được tồn tại vài ngày rồi sẽ nhanh chóng khô héo và úa tàn.

Do vậy, phân rác rất cần thiết và quan trọng không thể thiếu đối với hoa, và đời sống con người. Trong tâm thức của chúng ta cũng tương tự như thế, có khá nhiều rác rưởi phiền não như tham lam, giận hờn, trách móc, lo sợ, đố kị, phân biệt, buồn chán, v.v… Những hạt giống tiêu cực này ẩn tàng trong chiều sâu tâm thức của ta, khi đủ điều kiện thì chúng sẽ hiện hành và chi phối lên đời sống con người, tạo ra nhiều thống khổ, bất an.

Tuy nhiên, nếu ta biết cách tu tập và chuyển hóa thì rác phiền não kia cũng sẽ trở thành bông hoa thanh khiết, thơm tho và lan tỏa hương thơm để hiến tặng cho cuộc đời. Ngược lại, nếu ta không biết vun bón, tưới tẩm cho hoa mỗi ngày thì nó rất mau chóng héo hon và tàn lụi. Đối với con người cũng vậy, có nhiều khi ta đang hạnh phúc bên cạnh người thân yêu của mình và được người thương nuông chiều, quý trọng. Nhưng nếu ta vẫn cứ mãi hờ hững và không biết quan tâm chăm sóc, trân quý với những gì mình đang có thì một ngày nào đó hạnh phúc tự động cất cánh bay xa để lại sự trống vắng, lẻ loi và buồn tủi. Sự thật này đã và đang xảy ra, nếu không nhanh chóng tỉnh thức để chuyển hóa thì khó tránh khỏi bất an, đổ vỡ.

Thực ra, phiền não khổ đau chỉ biểu hiện khi tâm ta bị màn vô minh che lấp, bị chi phối bởi sự điều động của bản ngã tham sân si. Khi đối duyên xúc cảnh xảy ra thì bản ngã lập tức phản kháng và loại trừ đối tượng (giận), hoặc muốn chiếm hữu những gì mà nó ưa thích (tham). Lối mòn phản ứng này bóp méo hiện thực theo nhận thức chủ quan, nên cái nhìn trung thực không thể hiển bày. Từ đó, ta không thấy rác là điều kiện tất yếu để làm nên hoa, cũng như đối diện với khổ đau sẽ giúp con người thấu hiểu được bản chất đích thực của cuộc sống.

Vì không nhận ra được bài học quý giá và thiết thực từ khổ đau, nên ta thiếu khả năng chuyển hóa đau khổ của tự thân cũng như thông cảm và chia sẻ tình thương yêu đến cho những ai gặp phải hoàn cảnh éo le, trắc trở. Ví như trong một cái thùng chứa đựng rác dơ bẩn, trong đó có những hạt ngọc vô cùng quý giá, nếu ta cho rằng, thùng rác quá bẩn mà không chịu đưa tay vào để lấy ngọc ra thì thật dại khờ và uổng phí biết bao. Có thể nói rằng, thói quen loại trừ và phản kháng lại hiện thực là một trong những nguyên nhân căn bản tạo ra đau khổ.

Sống trên cuộc đời này, không có người nào mong muốn khó khăn xảy đến với mình cả, nhưng khổ nỗi nó không ngoại lệ cho bất cứ một ai. Từ người giàu sang quyền quý cho đến kẻ bần cùng thiếu thốn, đều có những nỗi khổ niềm đau dù ít hay nhiều, đó là sự thật. Tuy nhiên, nếu bạn biết nuôi dưỡng và giữ gìn tâm luôn định tĩnh và trong sáng thì chẳng bị vướng kẹt vào bất cứ điều kiện gì xảy ra đối với bạn.

Khi cái thấy thanh tịnh phát hiện ra các tri giác sai lầm, tính toán của bản ngã tham sân si, lúc bấy giờ bạn tự do ngắm nhìn vẻ đẹp của dòng sông, đồi núi, cỏ cây và hoa lá, mà không còn bị lệ thuộc vào các ý niệm tham đắm, chiếm hữu hoặc ghét bỏ.

Tất cả các hiện tượng, sự vật trong vũ trụ này luôn luôn thay đổi và mới mẻ. Bạn không thể nắm bắt hoặc ước hẹn bất cứ cái gì cho tự thân cả. Công việc của bạn là tiếp xúc với cái thực tại bây giờ và ở đây. Không lấy những quan niệm, định kiến trong quá khứ để áp đặt lên hiện thực. Sự việc đang diễn biến ra như thế nào thì tùy vào đó để hành xử cho phù hợp, không cần phải rập khuôn theo những đường lối, tư duy của người khác.

Nếu bạn sống trọn vẹn với nội dung này, bạn sẽ có mối quan hệ tốt đẹp với mọi người chung quanh mà không gây tổn thương cho bất cứ một ai, dù nó bé nhỏ như con sâu hay con kiến. Khi tâm tư bạn thông suốt và trải lòng ra như thế, bạn sẽ có cái nhìn mới mẻ và trung thực ở bất cứ mọi lĩnh vực nào của đời sống.

Để thấy rác chính là hoa - hoa và rác vốn không hai cũng như khổ đau làm nên hạnh phúc - phiền não chính là Bồ đề, bạn cần phải trở về với chính mình để chăm sóc cho đóa hoa tâm hồn được nở rộ và thêm phần hương sắc. Nghĩa là, khi tâm ý của bạn đang rong ruổi, phiêu lưu ở một phương trời nào đó, hãy trở về với tự thân và có mặt trọn vẹn với những gì đang biểu hiện trong đương tại.

Mỗi khi thân tâm và hoàn cảnh hiện tại được thắp sáng, bạn sẽ thấy rõ mối tương giao tất yếu giữa bản thân mình đối với đời sống, giữa rác và hoa. Từ đó, bạn không còn ghét bỏ, tránh né hoặc loại trừ bất cứ điều gì cả, vì bạn đã biết cách chuyển hóa rác trở thành hoa - biến khổ đau và những gì không vừa ý trở nên an vui và hạnh phúc.

Viên Ngộ
http://www.hoavouu.com/D_1-2_2-44_4-18594_5-50_6-1_17-6_14-2_15-2_10-1386_12-1/hoa-va-rac.html

Bài hát rất cảm động và rất hay







Hôm qua CN ngồi trên xe trên đường đi về nhà ,tự nhiên nghe được bài hát này thật cảm động ,bài này nói về ông này đang đi shopping mua đồ thì nghe được câu chuyện cậu bé đi mua đôi giày cho Mẹ và cậu nói rằng Mẹ cậu đang bệnh rất nặng và có thể khg qua khỏi đêm Christmas Eve ,năn nỉ người bán hàng hurry up cho cậu ....đang ngồi viết mà nhỏng nhẻo 1 mình ....hic,hic ...mỗi mùa lễ lớn là tự nhiên trong người tràn đầy cảm xúc ....