Wednesday, December 7, 2011

Biết ơn _ Thầy viên Ngộ




Biết ơn, là một trong những đức tính cao quý, đẹp đẽ mà ai cũng trân trọng, lưu tâm và bồi đắp. Biết ơn còn là điều kiện tất yếu để tạo ra hạnh phúc chân thực. Khi một người có tấm lòng biết ơn đối với mọi loài thì người ấy sẽ trân quý sự sống; không tàn hại, ghét bỏ hay loại trừ, mà trái lại họ có khả năng chấp nhận để chuyển hóa và thương yêu. Nhờ vậy, hạnh phúc ở nơi người đó dễ dàng được phát khởi.

Trong đạo Phật, có nói đến bốn ơn. Đó là ơn cha mẹ, ơn thầy tổ, ơn quốc gia xã hội và ơn mọi loài chúng sinh. Chia ra bốn ơn khác nhau như thế là để cho dễ dàng hiểu rõ mà báo đáp. Tuy nhiên, nếu là người tu tập phát khởi được tuệ giác và tình thương, thì họ sẽ đền đáp trọn vẹn tất cả những ân nghĩa trong cuộc đời mà không từ chối hay chọn lựa riêng ai. Và những ân nghĩa đó, được biểu hiện cụ thể ở trong đời sống chứ không phải chỉ là lời nói hoặc ca ngợi, tán tụng suông.

Khi một người thực sự có tấm lòng tri ân đối với mọi loài thì trước hết chính bản thân họ phải có đời sống bình an, nhẹ nhàng. Người ấy đã chuyển hóa được ít nhiều những phiền não khổ đau và hệ lụy. Tâm tư họ trong sáng, thảnh thơi và không quá bận rộn để bon chen tranh giành địa vị, quyền bính. Những công danh, sự nghiệp đến với họ một cách tự nhiên theo sự vận hành của nhân duyên, nghiệp quả mà không phải bằng ý niệm truy tìm, mưu mô đen tối vì bản ngã.

Nhờ có một tâm hồn trong sáng và bình an nên người đó trực nhận được sự tương quan, tương duyên giữa cuộc đời này. Tất cả mọi loài sinh sống trên trái đất đều phải nương tựa vào nhau mà biểu hiện. Chúng ta có mặt ngày hôm nay là nhờ vào không biết bao nhiêu điều kiện nhân duyên kết hợp lại mà hình thành. Như là tinh cha huyết mẹ, không khí, ánh sáng mặt trời, người cày cấy làm ra lúa gạo v.v… cho đến nhiều điều kiện khác nữa để nuôi dưỡng chúng ta khôn lớn. Không có một sự vật hay sinh vật nào trên trái đất này được hình thành mà không nương tựa vào nhau. Bông hoa có mặt, thì phải nhờ vào đất, nước, ánh sáng mặt trời, không khí… mới được hiện hữu. Con người có sự hiểu biết, thương yêu và hạnh phúc là nhờ vào sự dạy dỗ của cha mẹ, thầy cô và bạn bè. Và sở dĩ chúng ta có được cuộc sống thanh bình, yên ổn là do không bị ngoại xâm, nội loạn cũng như nhờ vào sự sáng suốt, đạo đức của những người lãnh đạo. Do vậy, mọi sự tồn tại trên hành tinh này đều có mối liên hệ tương quan mật thiết với nhau. Nếu ta không có cái nhìn tương tức như vậy, mà cho rằng sự sinh tồn của muôn loài là biệt lập thì ý niệm chiếm hữu để dành riêng mình sẽ xuất hiện. Từ đó, tạo ra tranh chấp, thù hận và dẫn đến phiền não khổ đau.

Khi tâm mình khởi lên một niệm bất thiện mà ta không rõ biết thì ý niệm ấy sẽ dẫn tới hành động gây tàn hại đến mọi loài và trong đó có chính mình. Ví dụ, ô nhiễm môi sinh đã tạo ra mất cân bằng sinh thái, làm cho bầu khí quyển càng ngày nóng dần lên. Người ta không nghĩ đến vạn vật tương quan mật thiết với nhau nên khai thác rừng quá mức sẽ dẫn đến hậu quả là thiên tai, bão lụt, động đất và khiến cho hàng trăm nghìn người trên thế giới bị lâm vào chết chóc, đói rách và khổ sở. Hiện nay, ô nhiễm khí quyển là vấn đề thời sự nóng bỏng của cả thế giới, chứ không phải chỉ dành riêng cho một quốc gia nào. Môi trường khí quyển đang có nhiều biến đổi rõ rệt và ảnh hưởng xấu đến cho con người và các loài sinh vật. Hàng năm, người ta khai thác và sử dụng hàng tỷ tấn than đá, dầu mỏ, khí đốt. Ngoài ra, còn có một khối lượng lớn các chất thải khác nhau như: khói xe hơi, chất thải sinh hoạt, chất thải từ các nhà máy và xí nghiệp đã làm cho hàm lượng các loại khí độc hại tăng lên nhanh chóng. Ô nhiễm môi trường khí quyển đã tạo nên sự ngột ngạt và sương mù, gây ra nhiều bệnh tật cho con người. Như vậy, do ý niệm chật hẹp, ích kỷ của cá nhân và không có cái nhìn thấu đáo về mối liên hệ tương quan của vạn vật nên dẫn đến những tai họa thảm thương cho chính bản thân và cho mọi loài.

Vì vậy, lòng biết ơn không phải là lời nói xã giao ngọt ngào hoặc quà cáp để được người kia quan tâm giúp đỡ; hay là kiến tạo một công trình nào đó để chứng tỏ mình là người biết vâng lời, và tiếp nối được sự nghiệp của người đi trước. Hành động này, chưa thể hiện rõ được nội dung của lòng biết ơn. Bởi những việc làm đó, đôi khi chỉ là để được tiếng khen và thêm nhiều lợi dưỡng, chứ không phải người ấy có cái nhìn trong sáng, thâm sâu vào thực trạng đời sống xã hội.

Lòng biết ơn phải được biểu hiện cụ thể vào trong đời sống hàng ngày qua thân, khẩu và ý. Mỗi hành động, lời nói, suy nghĩ của ta đều phát xuất từ sự định tĩnh và trong sáng. Bởi mỗi khi tâm hồn ta bình thản sáng suốt thì lúc đó ta sẽ thấy rõ được việc làm và lời nói của mình có thực sự đem lại niềm an vui, hạnh phúc cho mình và tha nhân. Còn ngược lại, khi ta hành động, nói năng và suy nghĩ mà thiếu sự định tĩnh thì những việc làm đó sẽ tạo ra phiền não khổ đau ngay trong khi ta đang làm. Vì khi tiếp xúc với hoàn cảnh không được như ý muốn, lập tức ta phản ứng ra sự bực bội và muốn loại trừ hoặc chạy trốn những gì đang diễn ra. Như vậy, khổ đau đã được hình thành ngay từ trong những ý niệm mê mờ của mình, rồi từ đó nó lan tràn đến cho những người chung quanh. Vì thế, cho dù ta có kiến tạo ra những công trình to lớn gì chăng nữa thì vẫn bị phiền não khổ đau trói buộc.

Lòng biết ơn chỉ biểu hiện khi tâm ý ta được thắp sáng trong mỗi giây phút của đời sống. Khi ta nâng bát cơm lên thì ta phải thấy được có vô vàn điều kiện hợp lại mà hình thành. Do đó trước khi ăn, ta phải khởi lòng biết ơn đến mọi loài đã hiến tặng cho ta thực phẩm cao quý này, đồng thời ta cũng nhìn lại để thấy rằng, mình rất là may mắn được sống trong một xã hội có đầy đủ cơm no và áo ấm. Bởi hiện nay, trên thế giới vẫn còn không ít người bị chết đói mỗi ngày. Có những nơi bị nạn dịch bệnh, thiên tai bão lụt, hạn hán, động đất... người ta phải chịu cảnh đói rét và sống trong tình trạng màn trời chiếu đất, rất là thảm thương! Vì vậy, khi một con người có cái nhìn trong sáng, thâm sâu vào thực trạng của xã hội thì họ sẽ phát khởi lòng biết ơn và chỉ muốn hết lòng đóng góp và xây dựng, để làm cho cuộc đời tốt đẹp thêm hơn, mà không có ý niệm chiếm hữu hay tàn hại. Bởi người ấy ý thức được rằng, sự bình an và hạnh phúc của bản thân sẽ đóng góp rất nhiều cho xã hội được hòa bình và phồn thịnh. Còn ngược lại, mỗi khi tâm ý bị mê mờ và tham lam che lấp thì sẽ làm tổn hại cho bản thân và cuộc đời.

Người có lòng biết ơn thì đời sống của họ sẽ luôn được bình an và hạnh phúc. Dù bất cứ ở nơi nào, họ cũng tạo ra niềm an vui, lợi lạc cho bản thân và cho những người chung quanh, và nhờ vậy nên họ luôn luôn được mọi người trong xã hội thương yêu và quý trọng. Do đó, để biết ơn một cách trọn vẹn, khi làm bất cứ việc gì, chúng ta phải rõ biết về hậu quả của việc đó. Mỗi hành động, lời nói và suy nghĩ đều phải dựa trên sự định tĩnh, sáng suốt. Nhờ vào sự sáng suốt và biết ơn của chúng ta ngày hôm nay, con cháu của chúng ta được tiếp nối và thừa hưởng một cách tốt đẹp ở ngày mai.

Viên Ngộ

http://www.chanhdat.com/2011/12/long-biet-on.html

Tuesday, December 6, 2011

Những bài học từ Thân giáo




Thân giáo là một phương thức giáo dục quan trọng trong ba phương thức giáo dục Phật giáo: thân giáo, khẩu giáo và ý giáo. Bởi dù người dạy có ý tưởng hay, lời nói đẹp mà thân hành không trang nghiêm, lời nói không đi đôi với việc làm thì làm sao tạo ra sức thuyết phục và chuyển hóa hội chúng.

Do vậy, thân giáo là chuẩn mực, là quy phạm để chúng ta tự nhìn lại chính mình. Vì thật khó có thể dạy người phải làm như thế này, không nên làm như thế kia, khuyên răn người đừng phạm lỗi lầm v.v…, trong khi chúng ta vẫn còn nhiều lầm lỗi. Nếu thân mà không nghiêm, việc làm không chánh trực thì chắc chắn dù nói lời hay, ý tưởng đẹp đều không có giá trị giáo dục, chuyển hóa người khác. Kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy:

“Trước hết tự đặt mình

Vào những gì thích đáng

Sau mới giáo hóa người

Người trí khỏi bị nhiễm”

(PC-158)

Tôi đã được học những bài học thân giáo từ quý Ôn ngay từ những ngày tháng mới xuất gia học đạo cách đây hơn 25 năm. Theo tôi, những bài pháp không lời ấy là tuyệt vời nhất và mãi là hành trang mang theo trong suốt cuộc đời.

Ngày ấy, chúng điệu chúng tôi thường ngồi kháo chuyện với nhau rất nhiều về các giai thoại của những “lão tùng bách” trong chốn thiền lâm xứ Huế. Trong tâm tưởng chúng tôi, quý ngài luôn là thần tượng, vừa đạo cao đức trọng vừa cương nghị rắn rỏi lại vừa mát mẻ hiền từ như cây tùng cây bách vạn niên. Nét thiền sâu lắng mà thanh đạm nhẹ nhàng của chư vị đại lão Hòa thượng như soi rọi tận tâm can của những người sơ cơ học đạo khiến chúng tôi dù chỉ nghe danh hay mỗi lần có diễm phúc đến gần đều cảm nhận sự ấm áp và ấn tượng vô cùng.

Hình ảnh những vị cao tăng thạc đức như cố HT.Thích Đôn Hậu (ở Huế quen gọi là Ôn Linh Mụ), cố HT.Thích Mật Hiển (Ôn Trúc Lâm) , cố HT.Thích Thanh Trí (Ôn Báo Quốc), cố HT.Thích Thiện Siêu (Ôn Từ Đàm), cố HT.Thích Đức Tâm (Ôn Pháp Hải)… đã thầm lặng đi vào ký ức tôi không phải bằng chức vụ lãnh đạo Giáo hội, cũng không phải bằng danh tiếng lẫy lừng mà đơn giản, quý ngài đã để lại dấu ấn trong tôi bằng những lời nói từ hòa, những bước chân thảnh thơi, những cử chỉ nhẹ nhàng đẹp như một bài thơ thiền “vô ngôn nhi ngôn”.

Một lần đang làm việc phía sau chùa, vô tình nhìn ra đường Phan Bội Châu, tôi thấy quý Ôn Linh Mụ, Ôn Trúc Lâm, Ôn Báo Quốc, Ôn Pháp Hải… cùng chống gậy với bộ từ văn phòng chùa Từ Đàm lên chùa Quốc Ân để dự lễ kỵ Tổ. Hình ảnh quý ngài thong dong trong chiếc áo tràng màu nâu một tay cầm chuỗi hạt, một tay chống gậy vừa đi vừa chuyện trò đàm đạo trông thật dung dị, tràn ngập đạo tình ấy đã in sâu vào tâm khảm và trở thành tâm nguyện của tôi; suốt đời mình phải cố gắng nỗ lực phấn đấu tu học để được thảnh thơi như quý ngài.

Chùa tôi kỵ Tổ vào đúng ngày 14-4 âm 1ịch, tức 1à trước ngày Phật đản chính thức một ngày. Ngày ấy thường thì quý ôn, quý thầy trong Ban Tổ chức Đại lễ Phật đản phải thường trực tại chùa Từ Đàm để chuẩn bị ngày mai tiếp đón quan khách và làm lễ Phật đản. Thế nhưng có một dịp quý ôn đến dự lễ kỵ Tổ chùa tôi đông lắm, có cả Ôn Linh Mụ, Ôn Trúc Lâm và Ôn Pháp Hải… Thường thì quý ôn đến sớm trước khoảng nửa giờ. Lúc đó, tôi là điệu được cắt cử hầu nước nên được nghe quý ôn hỏi thăm nhau và chuyện trò vui lắm. Quý ôn thường dành cho nhau nhưng lời thăm hỏi chuyện trò rất nhẹ nhàng và ý vị. Những ai có duyên lành may mắn được chứng kiến thì đó là bài học thắm tình đạo vị và cũng là truyền thống thiền lâm quý giá vô cùng.

Có lần vào năm 1983, Hòa thượng Thích Trí Thủ (thầy tôi quen gọi là Ôn Già Lam) từ thành phố Hồ Chí Minh ra Huế có ghé thăm chùa tôi. Ôn mặc áo tràng vàng, đeo kính trắng, bước lên chánh điện lễ Phật, lễ Tổ. Tôi lúc đó mới vào chùa, là một đứa con nít nhà quê mới lên phố nên vẫn còn khờ dại lắm, chẳng biết gì nhưng cũng lăng xăng, thấy Hòa thượng mang đôi hài màu vàng sắp bước vào chùa bèn chạy đến bên ngài và nhắc: Thưa thầy bỏ giày ra ạ? Sư phụ tôi và những vị khác bất ngờ trợn mắt nhìn tôi háy háy, tôi run lập cập không biết đã xảy ra chuyện gì, chợt thấy Hòa thượng cúi xuống cởi đôi hài ra và nhẹ nhàng bước đôi chân trần lên chùa. Sau đó tôi bị sư phụ cho một bài học nhớ đời nhưng hình ảnh khả kính của Hòa thượng Thích Trí Thủ đã hằn sâu vào trong ký ức, là bài học đắt giá nhất mà sau này tôi mới hiểu đó chính là “thân giáo” của ngài dành cho tôi.

Một lần khác có một vị Hòa thượng từ thành phố Hồ Chí Minh ra và ghé thăm chùa. Đó là vào một buổi sáng trời rất đẹp, mát mẻ và trong lành. Tôi đang chấp tác quét sân và tưới cây trước sân chùa, thấy một đoàn quý ôn quý thầy rất đông từ trên xe bước xuống và đi vào chùa trông uy nghi lắm. Tôi lật đật xả quần xuống và chắp tay vái chào: A Di Đà Phật, bạch thầy! Thật bất ngờ tôi nhận được một cái xoa đầu và một lời chỉ giáo: Lần sau gặp quý thầy lớn phải bạch Thượng toạ, bạch Ôn nghe chưa! Tôi dạ vâng mà rơm rớm nước mắt, hỏi ra mới biết đó là Hòa thượng Thích Nhật Lệ (thầy tôi quen gọi là Ôn Hải Quang). Bài học về những cử chỉ ân cần dạy bảo của Hòa thượng làm tôi ghi nhớ suốt đời.

Bây giờ khôn lớn, được làm thầy, được tham gia nhiều Phật sự và muốn được học thêm nữa những bài học về thân giáo ấy thì quý ngài đã không còn, đã lần lượt quy tây. Mỗi lần trước những sự kiện trọng đại của Phật giáo, của Giáo hội hay trước một dịp lễ kỵ Tổ nào của các chùa… tôi đều nhớ nghĩ về hình ảnh của quý ngài và chiêm nghiệm những bài học về thân giáo vô cùng quý báu để áp dụng cho mình trong quá trình tu học và làm Phật sự. Đối với thế hệ đi sau cũng vậy, tôi luôn tự răn mình phải gương mẫu, quy phạm để xây dựng bài học thân giáo cho các điệu, các chú noi theo.

Tu nhà



“Tu đâu cho bằng tu nhà” là câu nói nhấn mạnh tính thực tiễn của chữ “tu” trong đời sống hàng ngày của người Việt Nam.


Tu là sống, là thể hiện, là ứng dụng đạo lý vào cuộc sống, làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp. Tu thì ở đâu cũng tu được, miễn là có lòng muốn tu. Người Việt Nam có câu nói “Thứ nhất là tu tại gia, thứ hai là tu chợ, thứ ba là tu chùa” vốn hàm chứa nhiều ý nghĩa rất hay.

Người có đủ nhân duyên thì đi tu ở chùa, có người phải lo sinh kế hàng ngày bằng việc buôn bán thì nỗ lực tu ở chợ, người khác có trách nhiệm chăm lo cho gia đình thì có thể tu tại nhà. Nhìn chung, mọi người đều có thể tu Phật tuỳ theo điều kiện và hoàn cảnh của mình.

Người cư sĩ sống đời sống gia đình, có bổn phận chăm lo phụng dưỡng cha mẹ và nuôi vợ (chồng) con, nếu sống tốt và làm tốt các bổn phận của người con, người chồng, người bố thí thì được gọi là tu ở nhà hay tu tại gia. Có thể nói rằng gia đình là môi trường gần gũi và thuận tiện nhất cho người cư sĩ thực hiện nếp sống tu tập của mình, trên cơ sở vận tâm sống tốt và làm tốt các phận sự của người tại gia cư sĩ. Sống và làm tốt mọi trách nhiệm bổn phận ở gia đình với tấm lòng trong sạch hướng thiện thì được gọi là người có tu Phật.

Thế nào là tu đâu cho bằng tu nhà? Câu trả lời của người Việt: “Thờ cha kính mẹ mới là chân tu”. Nghĩa là tu không gì khác là tỏ lòng thành kính đối với cha mẹ, hết lòng chăm lo săn sóc cho cha mẹ khi mạnh khoẻ cũng như lúc đau ốm, luôn luôn lắng nghe lời khuyên bảo của cha mẹ, nỗ lực sống tốt để cha mẹ được vui lòng, phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già, làm tròn hiếu đạo của con cái khi cha mẹ qua đời.

Xem ra, chữ tu của người Việt xưa cũng giản dị mà hàm chứa nhiều ý nghĩa thật hay, thật đẹp. Cứ theo đạo lý này mà sống thì mỗi người Việt Nam đều là người tu Phật, mỗi gia đình người Việt đều trở thành một môi trường tu Phật. Người người đều tu Phật, nhà nhà đều tu Phật.

Chúng ta biết rằng đạo Phật đến Việt Nam từ rất sớm và đã đóng góp rất lớn vào đời sống văn hoá tinh thần của người Việt. Riêng về phương diện hiếu đạo, đạo Phật giúp củng cố và soi sáng thêm cho đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt bằng cách chỉ rõ cho người Việt nếp sống tại gia tu Phật rất căn bản và thiết thực. Trước hết, đạo Phật xác nhận rất rõ công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ là vô cùng vô tận, không thể nào báo đáp được nếu không thấu hiểu đạo lý giác ngộ, Kinh Tăng Chi nêu rõ:

“Có hai hạng người, này các Tỷ kheo. Ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Mẹ và Cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, này các Tỷ kheo, một bên vai cõng cha, làm vậy suốt trăm năm cho đến 700 tuổi, nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gối, và dầu tại đấy, mẹ cha có vãi tiểu tiện, đại tiện, như vậy, này các Tỷ kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha.

Hơn nữa, này các Tỷ kheo, nếu có an trí cha mẹ vào quốc do với tối thượng uy lực, trên quả đất lớn với bảy báu này, như vậy, này các Tỷ kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Vì cớ sao? Vì rằng, này các Tỷ kheo, cha mẹ đã làm nhiều cho con cái, nuôi nấng, nuôi dưỡng chúng lớn, giới thiệu chúng vào đời này.

Nhưng này các Tỷ kheo, ai đối với mẹ cha không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn an trú các vị ấy vào lòng tin, đối với mẹ cha theo ác giới, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào thiện giới; đối với cha mẹ xan tham, khuyến khích, hướn g dẫn, an trú các vị ấy vào bố thí, đối với mẹ cha theo ác trước, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào trí tuệ. Cho đến như vậy, này các Tỷ kheo, là làm đủ và trả ơn đủ mẹ và cha”.

Lời dạy của Đức Phật trên đây nói cho ta biết rằng công ơn của cha mẹ là thâm sâu, vô cùng vô tận, mà ta có cung kính phụng dưỡng thế nào cũng không thể đền đáp được. Phụng dưỡng hết lòng, săn sóc vật chất đầy đủ cho cha mẹ là đều tốt, đáng làm, nhưng đều đó vẫn chưa đủ để đáp đền thâm ân của cha mẹ.

Vì vậy, song song với lòng hiếu thảo phụng dưỡng, con cái cần phải học tập đạo lý giác ngộ để giúp cho cha mẹ khởi tâm tu tập mà sớm được giác ngộ. Đây rõ ràng là một bổ sung mới của đạo Phật cho quan niệm hiếu đạo của người Việt Nam, một sự bổ sung đay đạo đức và trí tuệ, khiến cho việc báo đáp công ơn cha mẹ càng tăng thêm ý nghĩa và giá trị.

Làm người thì ai cũng mong muốn được sống hạnh phúc an lạc và mong cho những người thân yêu của mình được hạnh phúc an lạc. Tâm niệm ấy khiến mọi người nỗ lực kiến tạo hạnh phúc an lạc cho mình và cho những người thân yêu của mình. Tâm niệm ấy dẫn đến hiếu đạo, nghĩa là, nỗ lực kiến tạo hạnh phúc cho cha mẹ để phần nào đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Đây rõ ràng là một tâm niệm tốt.

Nhưng tâm niệm ấy cần phải được soi sáng bởi đạo lý giác ngộ, Nghĩa là, ngoài việc chăm lo cung phụng đời sống vật chất đầy đủ cho cha mẹ, người Phật tử phải sống đời sống đạo đức chánh kiến và khuyến khích cha mẹ thực hành nếp sống đạo đức chánh kiến. Có như vậy thì việc báo hiếu báo ân mới trọn đủ, mới đưa đến kết quả tốt đẹp cho mình và cho cha mẹ mình. Đức Phật tán thán những gia đình sống trọn hiếu đạo, dạy như vầy:

“Những gia đình nào, này các Tỷ kheo, trong ấy, các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận ngang bằng với Phạm Thiên. Những gia đình nào, này các Tỷ kheo, trong ấy, các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận như các Đạo sư thời xưa. Những gia đình nào, này các Tỷ kheo, trong ấy, các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận là đáng được cúng dường”.

Phạm Thiên, Đạo sư là các đối tượng được tôn kính đối với xã hội Ấn Độ thời Phật tại thế. Đức Phật xem hiếu đạo ngang hàng với Phạm Thiên, được tôn kính như các Đạo sư, xứng đáng được cung kính cúng dường, nghĩa là Ngài muốn nói đến giá trị cao cả của nếp sống hiếu hạnh, nhấn mạnh tính thiêng liêng của nếp sống nhớ ân và báo ân cha mẹ bằng cách hết lòng phụng dưỡng và khuyến khích cha mẹ sống nếp sống giác ngộ hướng thiện.

Nói cách khác, nếu một Phật tử sống đời sống gia đình mà biết nhớ ân và báo ân cha mẹ bằng các nghĩa cử trên thì xứng đáng được tôn trọng như Phạm Thiên, xứng đáng được tôn kính như các Đạo sư, xứng đáng được mọi người tôn kính cúng dường.

Bởi hiếu hạnh mang ý nghĩa cao cả, thiết thực và có giá trị lớn lao như thế nên mới có câu nói: “Tu đâu cho bằng tu nhà. Thờ cha kính mẹ mới là chân tu”. Người Việt Nam đã khéo tiếp thu tinh hoa của đạo Phật để ứng dụng vào đời sống hàng ngày của mình, khiến cho đời sống ấy càng trở nên có ý nghĩa và an lạc lớn.

Tâm Hỷ (Theo VHPG)

Vai trò người phụ nữ trong Phật giáo




Quý vị trong đạo tràng này là những nam nữ Phật tử, đương nhiên nam giới có điểm ưu việt của phái nam và nữ giới cũng có những mặt tốt của phái nữ.

Theo chủ trương của đạo Bà la môn tại Ấn Độ thời Đức Phật tại thế, nam giới được đề cao, còn nữ giới không được quan tâm. Và theo tinh thần Phật giáo Nguyên thủy, phụ nữ không được lãnh đạo; vì vậy, phụ nữ không được làm vua, không được làm Trời Phạm Thiên, không được làm Phật, vì phụ nữ có nhiều nghiệp chướng.

Đối trước bộ luật phân chia giai cấp ở Ấn Độ, Đức Phật đã đưa ra tinh thần bình đẳng. Nhiều người hiểu lầm ý này, nghĩ rằng tất cả mọi người sống trên cuộc đời đều giống nhau; nhưng thử nghĩ xem mỗi người có phước đức, trí tuệ, ngoại hình, hoàn cảnh sống ... hoàn toàn khác nhau, thì làm sao mọi người giống nhau được. Vì vậy, chúng ta xác nhận rằng sự bình đẳng này là bình đẳng trên chân lý. Và Đức Phật đã khẳng định sự bình đẳng trên chân lý qua lời dạy rằng tất cả mọi người đều là Phật sẽ thành; nhưng con đường tiến đến thành Phật thì tùy theo mỗi người mà có sự nhanh chậm khác nhau, do quá trình tu tập hay quá trình chuyển hóa nội tâm khác nhau. Bao giờ chúng ta chuyển hóa được nội tâm, chuyển hóa được trí tuệ, chuyển hóa được phước đức, chuyển hóa được ngoại hình và chuyển hóa được đời sống một cách tốt đẹp viên mãn, chúng ta sẽ đạt được quả vị Phật.

Hiểu rõ như vậy thì vấn đề của chúng ta không phải là người nam hay người nữ, mà việc quan trọng là quá trình tu tập, chuyển hóa của mình. Đàn ông có ưu tính riêng, đàn bà cũng vậy; cho nên phải biết phát huy ưu tính của mình. Thực tế cho thấy một số danh nhân trên thế giới là phụ nữ vì họ biết phát huy sở trường của nữ giới. Nếu nam giới không phát huy được ưu tính của phái nam thì cũng chết như cỏ cây, vì không phải tất cả đàn ông đều trở thành anh hùng, trở thành Bồ tát.

Ý thức sâu sắc tinh thần Phật dạy, chúng ta cần có cái nhìn mọi người, mọi loài bình đẳng trên chân lý, hay nói cách khác, đứng trên chân lý mà nhìn diễn tiến của cuộc đời là đặc tính ưu việt của đạo Phật. Nhờ đó, chúng ta mới thấy được sai biệt tính của tất cả các loài hữu tình và chỉ có loài người là tối linh cao tột nhất so với các loài khác. Tuy nhiên, quán sát kỹ loài người, cũng thấy có người cao thượng, có người tầm thường, hay có người tâm hồn rất xấu ác. Vì vậy, Đức Phật dạy rằng trong vòng sinh tử luân hồi, tùy theo nghiệp mà chúng ta thay hình đổi dạng và thay đổi cuộc sống; nếu nhanh, chúng ta thay đổi tâm niệm trong từng sát na, còn chậm thì thay đổi trong từng kiếp sống khác nhau. Trong vòng xoáy của sinh tử luân hồi, chúng ta đã biến đổi rất nhiều hình dạng và cuộc sống. Điều này chúng ta thấy rõ trong thực tế cuộc sống hiện tại, có đàn ông mang tánh phụ nữ, nghĩa là ý niệm của họ khởi lên là ích kỷ, tham lam, hiểm độc, nói chung là tánh nhỏ nhặt của phụ nữ. Nếu để tâm niệm đó phát triển lâu thì người đàn ông đó sẽ hiện ra tướng đàn bà, vì tánh đàn bà trong họ đã có rồi. Trong xã hội này có những người như vậy, mà người ta thường gọi là PĐ, vì tánh đổi nên tướng đổi.

Chỉ trong một niệm tâm, chúng ta có thể đổi thành đàn ông, hay đàn bà, cho đến thành súc sanh, ngạ quỷ, A tu la. Nếu gặp việc trái ý, tánh sân hận chúng ta nổi lên là A tu la đã xuất hiện trong tâm mình và kéo dài tâm sân hận này thì hình dáng quỷ thần sẽ hiện ra trên nét mặt, trên lời nói, trên cử chỉ, hành động của mình. Trong các bạn đồng hành, đồng sự, tôi quan sát những người mà tôi quen thân thấy rõ có người hiền lành, dễ coi; nhưng vì hoàn cảnh xã hội thúc giục khiến cho tâm trạng họ bất an; từ chỗ bực tức, muốn làm theo ý riêng nhưng không được, cho nên tướng của họ đã thay đổi. Tướng dễ thương của thời thơ ấu, tướng hiền lành của thời học trò đã biến mất theo thời gian họ lăn lóc đấu tranh trên cuộc đời này. Như vậy, có thể khẳng định rằng một niệm tâm thay đổi từ tánh bên trong sẽ tác động đến hình dáng bên ngoài khiến người ta thay đổi thành đàn ông, hay đàn bà, thậm chí thành tướng súc sinh, địa ngục, ngạ quỷ.

Đức Phật dạy rằng trong sáu nẻo sinh tử luân hồi, con người luôn luôn thay hình đổi dạng theo sự biến đổi của tâm niệm thiện ác và các vị Hiền Thánh cũng thoát ra từ sáu nẻo luân hồi sinh tử, kinh Pháp Hoa gọi là ra khỏi Nhà lửa tam giới. Trên bước đường tu, ý thức được sự thay đổi liên tục trong tâm sẽ đưa đến sự thay đổi tương ưng trong kiếp sống, chúng ta tập loại dần những tâm niệm ác của A tu la, ngạ quỷ, súc sinh, địa ngục. Và khi loại bỏ được những tánh ác của bốn loài này, chúng ta cũng vẫn hiện hữu trên cuộc đời, nhưng không có những tướng ác đó nữa vì tâm ác của bốn loài này đã được xóa sạch.

Tiến lên một bậc nữa, tâm tưởng chúng ta thường nghĩ đến chư Thiên, thúc giục chúng ta thực hiện những việc làm giống chư Thiên, thì tướng chư Thiên sẽ hiện ra trên nét mặt, trên thân tướng của chúng ta. Nếu ngồi Thiền, quán tưởng pháp Phật, chúng ta sẽ dần dần hiện ra tướng Thanh văn. Tướng Thanh văn là tướng thanh tịnh, hiền lành, trong sáng, nhờ đã loại trừ tất cả tánh xấu trong tâm.

Đức Phật dạy khởi đầu chúng ta tu hành, thực chất của hàng Phật tử tuy không hẳn là xuất gia, nhưng Ngài cho biết cũng có người đang đau khổ cùng cực mà nghe được giáo pháp và nhận thức đúng đắn yếu nghĩa của pháp Phật, hoặc tiếp nhận dược đạo lực của Hiền thánh, thì họ liền đắc sơ quả. Điển hình là Xá Lợi Phất khi chưa cạo tóc xuất gia nhưng gặp được Mã Thắng Tỳ kheo, tuy ngài chưa hề nói một lời nào với ông, mà ông liền đắc quả Tu đà hoàn; hoặc vua Tần Bà Sa La bị giam trong ngục được tôn giả Mục Kiền Liên đến giảng pháp, vua cũng được giải thoát ngay lập tức, đắc quả Tu đà hoàn.

Thực chất tu hành của người Phật tử là gì ? Tôi thường thực tập pháp quán tất cả mọi việc rồi cũng trôi qua; nói cách khác, chúng ta nên bỏ qua những gì đã xảy đến với mình, việc đã rơi vào quá khứ thì đừng kéo nó trở về hiện tại chi cho khổ. Nhiều Phật tử luôn sống trong tâm trạng buồn khổ, vì thích đem hình ảnh quá khứ vào cuộc sống hiện tại, trong khi hoàn cảnh của họ không còn giống như trước kia nữa; sống như vậy chỉ tự làm khổ mình, chứ chẳng ích lợi gì. Người ta thường nói “ Lực bất tòng tâm” là không làm được, nhưng suy nghĩ mãi khiến cho tâm bị dày vò.

Người Phật tử chân chánh luôn đứng trên điểm thời gian hiện tại, không lệ thuộc vào quá khứ và tương lai. Cố đạo hữu Võ Đình Cường nhận ra ý này viết rằng : “Ngồi trên thuyền thời gian, ta rong chơi trên biển không gian luôn biến đổi …”. Thuyền cứ đi khắp nơi, qua từng điểm, từng chỗ, chúng ta quan sát thấy mọi thứ đều rất đẹp. Không tiếc nuối quá khứ qua mất rồi, không hướng đến tương lai viễn vông, vì tâm niệm như thế chỉ là ảo giác. Đứng ở thời điểm bây giờ và tại đây, chúng ta nên làm gì và làm được gì thì cứ làm. Mặc dù những việc chúng ta làm đã trôi vào quá khứ, nhưng ác nghiệp hay thiện nghiệp mà chúng ta đã tạo tác vẫn hiện hữu trong tâm mình, không mất. Nhận ra cốt lõi này, chúng ta nỗ lực tu hành, đạt được tâm giải thoát và chính tâm thiện này đưa chúng ta ra khỏi lục đạo luân hồi sinh tử, kinh Pháp Hoa gọi là ra khỏi Nhà lửa tam giới, đến bãi đất trống. Tâm chúng ta thoát ly ba cõi thì liền thâm nhập vào Niết bàn Không. Vì vậy, người được giải thoát phải trụ pháp Không, tiêu biểu là Ngộ Không, một trong ba đệ tử của Đường Tăng, mặc dù là khỉ nhưng đã nhận được tánh Không, nên trở thành vạn năng, một cao đồ của Ngài Huyền Trang. Người đệ tử thứ hai là Ngộ Năng, nghĩa là biết siêng năng đoạn trừ ham ăn, ham ngủ thì cuối cùng cũng thành Phật. Và người thứ ba là Ngộ Tịnh, tức ngộ bản tánh thanh tịnh, nên lúc nào cũng trầm mặc. Trên bước đường tu, chúng ta ngộ gì ? Ngộ Không, ngộ Năng hay ngộ Tịnh đều tốt.

Ngộ Không, ra khỏi Nhà lửa, đến bãi đất trống, bấy giờ Phật mới trao cho chúng ta pháp tối thượng là Pháp Hoa, hay đại bạch ngưu xa. Chúng ta hiểu Pháp Hoa là tâm sáng suốt thanh tịnh và làm được việc cứu độ chúng sinh, thì vạn năng. Tuy nhiên, muốn được như vậy, phải tỏ ngộ pháp Không; vì có tỏ ngộ lý Không thì tâm mới thanh tịnh được. Tâm còn nghĩ đủ thứ lăng xăng, làm sao thanh tịnh. Xả bỏ tất cả mọi việc, tâm vắng lặng, trống không là Niết bàn. Và từ tâm Không này, Phật mới trao cho chúng ta chân lý mà Ngài đã chứng ngộ. Nói cách khác, ngộ Không thì chúng ta mới hiểu Phật pháp. Còn đầy ắp dữ kiện trong tâm thì không thể nào thâm nhập Phật pháp, cho nên việc làm thường phạm sai lầm, tất nhiên phải thọ quả báo.

Tu Pháp Hoa, mong ra khỏi Nhà lửa, đến bãi đất trống để được Phật trao cho chân lý, nhưng chỉ mong cầu mà không làm thì suốt đời cũng không được gì, chỉ toàn đau khổ. Và chứng ngộ lý Không, được Phật trao cho chân lý, mới thấy việc đáng làm, việc không nên làm. Đứng ở đỉnh Không, nhìn lại quá khứ, thấy tự thương hại mình, vì làm quá nhiều nhưng chẳng được gì; đó là tu trong mộng.

Khi ngộ được tánh Không rồi, việc tu hành của chúng ta khác. Chúng ta không còn phân biệt mình và người là nam hay nữ, không còn thấy mình và người bị khổ đau trong cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, A tu la; nhưng chúng ta là đệ tử Phật giải thoát ngay trên cuộc đời. Tâm giải thoát này thể hiện trong cuộc sống thực tế là chúng ta không còn buồn, giận, lo, sợ; vì nhận thức được mọi việc tốt xấu xảy ra cho mình, mọi thiện ác đến với mình, tất cả đều do nghiệp duyên quá khứ mà tạo thành hiện tại. Vì vậy, chúng ta không bận tâm nói phải trái, mà cần tìm cách giải quyết, chuyển đổi cho tốt đẹp. Chúng ta có lo thì việc cũng tới, chúng ta có sợ cũng không tránh được; vì làm sao trốn thoát những nghiệp quả đã thành. Nhiều người sợ chết, nhưng đã mang thân tứ đại thì chắc chắn đến một ngày nào đó, ai cũng phải chết. Không sợ thì thường tìm được cái chết có ý nghĩa; sợ mà chết thì sẽ chết trong đau khổ.

Còn buồn giận thì sao ? Người ta thường giận vì cho rằng mình bị thua thiệt. Thiết nghĩ, đối với việc đáng giận mà giận cũng là sự thất thoát lớn nhất cho mình, vì giận mất khôn. Chúng ta đã không đủ khôn rồi, lại còn để mất khôn nữa, quả là uổng phí, làm sao thắng được giặc. Đối với những gì đáng giận, chúng ta cũng phải tránh, đừng cho khởi lên; tránh mặt không được thì hãy cố gắng tránh lòng, bằng cách nhiếp tâm niệm Phật, không nghĩ đến người đối diện nữa, mà hãy nghĩ đến vị Phật nào chúng ta kính quý, thì lòng chúng ta cũng được yên ổn. Vì vậy, riêng tôi, thường đem Phật vào lòng để trấn át bốn tên giặc phiền não là buồn, giận, lo, sợ, nhờ đó tâm được an lạc.

Trụ tánh Không thì sáu đường sinh tử không có, làm gì có tướng nam nữ, tất cả đều là Không. Từ bể Không này, nếu chúng ta có nhân duyên căn lành với vị Phật, vị Bồ tát nào, các Ngài sẽ phóng quang gia bị cho chúng ta, hoặc hiện thân làm bạn đồng tu với chúng ta. Có thể khẳng định rằng thế giới Niết bàn Không này chỉ dành riêng cho chư Phật, chư Bồ tát và Thánh hiền.

Chúng ta tu tập, xả tánh phụ nữ, xả tánh nam giới và trụ ở Không, để Phật pháp hiện ra, thì bốn bậc là Phật, Bồ tát, Duyên giác và Thánh sẽ hiện hữu để tác động chúng ta. Vì vậy, các vị cao Tăng tu hành thường ngồi Thiền, sống một mình để dễ dàng an trụ pháp Không. Còn chúng ta chưa đắc đạo, nhưng muốn cứu đời, làm lợi ích cho chúng sinh, thì cái giá phải trả rất lớn; vì nghiệp ác của chúng ta còn nhiều, nên gặp việc không vừa lòng là nghiệp sinh khởi liền, lúc đó chẳng những không thể cứu ai được, mà chính mình còn bị đọa. Nhưng nếu chịu khổ cực công phu tu hành, từ tánh Không này, tâm chúng ta tương ưng với vị Bồ tát nào, ngài sẽ gia bị cho chúng ta. Vì vậy, khi xả định, việc chúng ta tương ưng với Bồ tát đó, chúng ta làm được dễ dàng.

Do đó, không kết nối được với Phật, với Bồ tát trong thế giới Không, mà chúng ta tự làm thì thường bị ma dẫn lối quỷ đưa đường, khiến cho nghiệp chúng ta dễ sinh ra. Ví dụ ma dẫn lối đến rủ chúng ta làm từ thiện và gặp nhiều chướng ngại làm chúng ta bực tức. Tôi thường nhận ra ý này trên bước đường hành đạo, khi tâm chúng ta thanh tịnh, nhận ra được ma thì nếu lỡ bước vào một chân còn rút ra được; nhưng nếu cả hai chân đi theo ma rồi, không thể nào thoát được, bị chúng kéo luôn vô con đường khổ đau.

Còn kết nối được với Bồ tát, điển hình như Ỷ Lan thứ phi, từ Niết bàn, hay từ trạng thái “Bất biến”, bà kết nối được với Bồ tát Quan Am, thì nhờ tâm Quan Âm, trí tuệ Quan Âm truyền vào, bà nhìn đời chính xác, thấy được việc nên làm, không phạm sai trái. Vua Lý Thánh Tông đánh thắng giặc, trở về, phải công nhận rằng bà nhiếp chánh còn giỏi hơn ông; vì bà đã giải quyết được nhiều việc lớn. Nói cách khác, đó là Bồ tát Quan Âm giải quyết qua con người Ỷ Lan, nên bà được dân chúng tôn danh là Quan Âm nữ, hay là Bồ tát Quan Âm thị hiện.

Khi nhận được Bồ tát lực gia bị, hoàn cảnh của hành giả tự động trở thành tốt đẹp. Vì vậy, có thể hiểu rằng trong Thiền định, hành giả có tâm từ bi tương ưng với Bồ tát Quan Âm, thì Bồ tát sẽ hợp tác với họ, nghĩa là gia bị cho họ. Chúng ta có thể nhận ra ý này qua sự hành đạo của Đức Phật Thích Ca. Ngài cho biết hằng ngày, sau 12g đêm, Ngài thuyết pháp cho chư Thiên, sau đó Đức Phật nhập định quán sát xem buổi sáng hôm sau, Ngài sẽ đến đâu để gặp ai và làm gì. Để làm việc này, Đức Phật Thích Ca phải nhờ lực của chư Phật mười phương gia bị thì Ngài có được trí tuệ tổng hợp của chư Phật, mới thấy được việc mà bình thường không thể thấy. Thực tập pháp này, tôi thấy có những việc thực tế tốt, nhưng vào Thiền định quán sát thì thấy không tốt; vì cái thấy do Phật, Bồ tát gia bị sẽ khác với cái thấy theo trí phàm phu của mình. Hòa thượng Trí Tịnh cũng nói ý này rằng những việc mà ngài trả lời theo suy nghĩ thì chỉ đúng được 50%, còn những việc tự động nói thường đúng đến 80% hay 90%. Hòa thượng đã 93 tuổi nhưng nhờ ngài sống trong Thiền định nhiều, nghĩa là sống với Phật, Bồ tát nhiều hơn là sống với thế gian, cho nên ngài nhìn sáng hơn mọi người. Chúng ta sống với vọng thức nhiều quá và luôn tiếp cận với thế gian, không tiếp cận với Phật, với Bồ tát; vì thế chúng ta đã bị thế gian đầu độc, tất nhiên phải gánh lấy toàn là phiền não.

Ý thức như vậy, việc quan trọng của chúng ta trên bước đường tu là làm sao tiếp cận với Phật, mới nhận được Phật lực gia bị; nhờ đó, chúng ta mới nhìn đời một cách sáng suốt và làm như Phật. Còn người tu hành bị tẩu hỏa nhập ma, họ nói những điều của ma và việc làm hoàn toàn sai lầm. Vì vậy khi thâm nhập vào bể Không, hay Niết bàn Không của Phật, tiếp cận được Phật và Bồ tát, các Ngài gia bị cho hành giả có những quyết định đúng đắn, dẫn đến việc làm hoàn toàn tốt đẹp, thì người này không nhứt thiết là nam hay nữ, nhưng làm được việc gì thành công là tùy vào sức gia bị của Phật, Bồ tát, hay tùy vào sự tương ưng với hạnh nguyện của các Ngài.

Giả sử lúc bình thường chúng ta khởi ý niệm nhớ đến Phật Thích Ca, hay Phật Di Đà, hay Quan Âm, và từ tánh Không nhớ đến những vị này mà niệm, gọi là từ chơn như duyên khởi thì chúng ta đã khởi lên được ý đạo, cho nên lúc xả định, chúng ta nhận thức theo các Ngài và làm như các Ngài.

Ngược lại, chúng ta sai lầm, rơi vô A lại da duyên khởi, nghĩa là từ trong tiềm thức mà chúng ta đã huân tập đủ các tánh ác và tánh thiện, cho nên khi chúng ta ngồi yên, tâm thù ghét dữ dội một người nào từ A lại da khởi lên thúc giục chúng ta tìm cách trả thù họ. Điều này được ngoại đạo chủ trương đó là sự mặc khải của Thượng đế, bảo họ phải đi giết người. Tin theo sự mặc khải một cách cuồng tín như vậy đã khiến cho nhiều người bị thảm sát, thậm chí dẫn đến những cuộc chiến tranh phi lý hằng ngày vẫn đang diễn ra trên thế giới.

Theo Phật, nếu khởi lên những ý ác như vậy, chúng ta phải biết đó là nghiệp ác phát xuất từ A lại da thức cần phải cắt bỏ; vì khi nhớ nghĩ đến điều gì khiến cho lòng bực tức, oán thù nổi lên thì liền có bạn ác tìm đến tác động chúng ta làm việc ác đó. Kinh Dược Sư gọi là “Làm bạn với ma”. Tu hành, không khéo sẽ dễ lầm A lại da duyên khởi và chơn như duyên khởi.

Trên bước đường tu, phải loại khỏi Thức tất cả những hạt giống xấu còn tồn đọng trong tâm, bằng cách đem pháp Phật vào lòng để rửa sạch trần tâm mới tiến tu và thâm nhập được pháp Không. Tôi xin nhắc lại rằng quý vị vào pháp Không thì không có sáu đường sinh tử, không có phân biệt nam nữ, nhưng tất cả chúng ta đều là pháp lữ đồng hành đáng tin cậy. Không vào bể Không thì còn có người chúng ta thương, có người chúng ta ghét, chắc chắn chúng ta sẽ rơi vào con đường sinh tử.

Không có sáu đường sinh tử thì thấy ai cũng dễ thương, vì không thấy nghiệp của họ, nhưng thấy tánh tốt của họ và cũng không phân biệt giới tính. Có Phật tử nói rằng họ tu Bát quan trai, tâm thanh tịnh nên quên mất người đối diện là “bà xã”, nên gọi vợ là đạo hữu, đến cha của họ cũng gọi là đạo hữu.

Quên cả giới tính, coi tất cả là bạn đồng tu và không khởi ý niệm giới tính thì dục tánh của chúng ta cũng tạm thời lắng yên. Dục tánh không khởi là A la hán, nhưng dục khởi thì thành chúng sinh. Một niệm trước của chúng ta thanh tịnh là Phật, niệm sau vọng động là rơi vô sáu đường sinh tử. Hành giả giữ niệm tâm nối kết liên tục và miên mật với Phật thì sẽ an trú được trong thế giới thánh thiện của Ngài. Cầu mong tất cả đệ tử Phật luôn sống với Phật tâm, thể hiện lời nói và việc làm giống Phật.

HT.Thích Trí Quảng