Sunday, February 26, 2012

Niệm Phật Cứu Chủ Khỏi Đọa


Viết bởi Tuệ Dũng   
Thuở xưa, tại quận Ninh Ba có tên Trương Mân, cha mẹ khuất sớm, côi cút một mình, nương náu với bà con cho qua ngày tháng, sau đến làm mướn với người phú hộ ở cách làng, chuyên nghề bện dép lác.
Thường bữa sớm mai, chàng gánh giỏ đi cắt lác, hay đi ngang qua trước một cảnh chùa, nghe các sãi công phu, chuông trống inh ỏi. Lần nào chàng cũng để giỏ trước cửa chùa, vào xem một lát rồi mới đi.
Hòa thượng thường thấy như vậy, nên một bữa nọ, Ngài kêu chàng mà hỏi rằng: "Nhà ngươi muốn tu hay sao mà ngày nào cũng thấy đến đây?"
Trương Mân nghe Hòa thượng hỏi mấy lời, liền chấp tay thưa rằng: "Bạch thầy! Con muốn lắm, nhưng con là đứa ở đợ với người , không biết tính làm sao mà tu cho được".
Hòa thượng nói: "Hễ muốn là được, sự tu hành chẳng luận là chủ hay đầy tớ, và cũng chẳng cần người ở am tự hay kẻ tại gia, hễ có lòng thành thì gặp cảnh ngộ nào cũng tu được cả. Như nay ngươi đang ở đầy tớ cho người, nếu ngươi có chí muốn tu thì ta dạy một cách rất dễ dàng , miễn ngươi chí thành thì có hiệu nghiệm".
Trương Mân nghe nói rất mừng, liền quỳ xuống đảnh lễ mà thưa rằng: "Xin nhờ ơn thầy chỉ giáo dùm cho đề tử!".
Hòa thượng nói: "Ngươi cứ về tập ăn chay lần lần, trước ăn chay kỳ, sau sẽ ăn trường và giữ năm điều cấm cho tinh nghiêm, rồi cứ thường ngày niệm sáu chữ "Nam Mô A Di Đà Phật". Mỗi khi niệm Phật phải chuyên tâm chú ý, đừng cho xao lãng lúc nào, thì cả đời ngươi sẽ được bình yên , mà đến lúc lâm chung lại được siêu sinh về Tịnh độ nữa".
Trương Mân nghe sư ông dạy bảo mấy điều thì hết sức vui mừng, bèn bái tạ thầy rồi về nhà cứ y theo lời dạy, thành tâm phát nguyện ăn chay trường và mỗi bửa thường niệm Phật.
Chàng lại đan một cái giỏ bằng tre để trước mặt, mỗi khi niệm Phật một biến, thì ngắt một cọng lác bỏ vào giỏ ấy, như lần một hột chuỗi bồ đề vậy.
Mỗi khi cọng lác đầy giỏ, chàng liền xách đến chùa bạch cùng Hòa thượng, rồi đem ra trước bàn Địa Tạng vái đốt, cứ chí tâm làm như vậy được mười năm.
Một bữa nọ, ông chủ của Trương Mân bị đau chứng ung thư phát thối, người nhà đi tìm rước đủ lương y cứu chữa, nhưng bệnh đã không thuyên giảm chút nào mà càng ngày lại càng nặng.
Một hôm, ông nằm chiêm bao thấy quỷ sứ đến bắt ông dẫn về nơi Minh phủ, bị vua Diêm La quở trách và kể hết những tội ác của ông khi ở trên dương thế.
Ông phú hộ nghe Diêm chúa tỏ hết tội của mình, không sót một khoảng nào, thì liền sợ hãi, lạy lục và khóc lóc xin tha thứ cho về dương thế lo tu phước, hòng chuộc tội đã lỡ lầm.
Diêm chúa thấy ông đã ăn năn tự hối và nghĩ đến Trương Mân mỗi khi niệm Phật có cầu nguyện cho ông, nên phán rằng: "Ngươi khi ở trên dương thế đã làm nhiều điều ác đức, cho vay đặt nợ một vốn năm bảy lời, lập mưu này bày kế nọ mà lo chứa tiền của cho nhiều, chẳng thương kẻ khó, lại làm nhiều sự ức hiếp cho người nghèo. Nếu chiếu theo luật Diêm đình mà phán xử, thì phải bỏ nhà người vào rừng kiếm non đao thì mới đáng. Nhưng vì ngươi có một đầy tớ tên là Trương Mân, rất trung tín không ai bì, thường bửa hay niệm Phật, lại có lòng cầu nguyện cho ngươi, nhờ vậy mà ngươi được giảm bớt tội. Nay ngươi nên đền ơn cho nó một ngàn nén bạc, để nó làm những điều từ thiện thì mới được tiêu tội và thêm phước cho ngươi!"
Ông phú hộ nghe vua Diêm la phán dạy như vậy thì mừng rỡ vô cùng, liền giật mình thức dậy. Ông bèn kêu tất cả vợ con đến và thuật lại điềm chiêm bao ấy thì cả nhà nghe nói đều lấy làm kỳ.
Ông bèn kêu Trương Mân nói rằng: "Con đến ở cùng ông đã lâu, không dè con có lòng chí thành, biết ăn chay niệm Phật đến nỗi cảm kích đến Diêm đình, lại thành tâm cầu nguyện cho cả nhà ông được thêm phước thọ. Nay ông còn sống trên dương thế cũng nhờ công đức của con, vậy ông cho con một ngàn nén bạc, tự ý con liệu việc gì làm có phước thiện, thì con lấy bạc ấy dùng!"
Trương Mân nói: "Thưa ông! Con vì nghèo cực, đến ở mướn cùng ông, manh áo bát cơm cũng nhờ ông bảo dưỡng. Con có chút công đức thì đâu xứng đáng cái ơn ấy mà ông cho bạc nhiều như thế! Con thưa thiệt cùng ông! Cách nay 10 năm, con có đến chùa gặp ngài Hòa thượng thương con, dạy cách ăn chay niệm Phật, nên con thành tâm tu niệm lâu ngày và thường cầu nguyện cho ông được phước thọ tăng long, để đền đáp lại ơn cao dày trong muôn một. Đó cũng là bổn phận của con phải làm.
Nếu ngày nay ông vâng lời Diêm vương cho tiền bạc, thì con biết để làm gì. Cha mẹ đã mất, vợ con cũng không nên con không dám nhận. Vậy con xin thưa lại cho ông rõ điều này: Nguyên ngày trước, con vào chùa thường nghe Hòa thượng giảng về sự tu phước và nói rằng việc lập chùa, đúc tượng Phật, bố thí cho kẻ nghèo đói và bắc cầu đắp lộ cho người đi, thì được nhiều phước đức. Con nghe nói cũng muốn làm, nhưng ngặt vì không tiền, nên không thể đạt kỳ sở nguyện. Thôi ngày nay số tiền ông hứa cho con đó, xin để lại lập một cảnh chùa, còn dư bao nhiêu thì ông bố thí cho dân nghèo trong làng và làm một cái cầu bắc ngang sông này cho hành khách qua lại để khỏi bị cái họa đắm đuối, thì con rất vui lòng!"
Ông phú hộ nghe mấy lời của Trương Mân xin, bèn thỉnh Hòa thượng đến chứng minh cho ông phát nguyện ở giữa Phật đài, rồi cách ít lâu bệnh ông lành như cũ.
Khi vừa mạnh, ông liền kêu thợ đến cất một cảnh chùa gần bên nhà ông, để cho Trương Mân ở tu hành, còn dư tiền bao nhiêu thì đem ra bố thí cho kẻ nghèo và bắt cầu đắp lộ, y như lời của ông đã nguyện.
***
Xét như chuyện niệm Phật của Trương Mân cứu chủ đã nói trên đó, thì biết pháp môn Tịnh độ dễ tu và dễ đặng, lợi cho mình và lợi cho người, thật là một pháp đứng đầu trong Phật pháp.
Nói về phần dễ tu dễ chứng, chẳng những người thượng trí tu được mà thôi, lại hạng người ngu cũng tu được nữa - chẳng những người giàu sang tu được mà thôi, lại hạng người nghèo hèn cũng tu được nữa - chẳng những người thông thả tu được mà thôi, lại hạng người bận việc cũng tu được nữa - chẳng những nhiều người xuất gia tu được mà thôi, lại hang người tu tại gia cũng tu được nữa.
Nếu đã tu được thì chắc rõ cái hiệu quả "Hiện tiền phước thọ, một hậu vãng sinh" quyết không sai chạy một mảy, dẫu cho người nào mỗi bữa niệm Phật mà tán tâm hay vọng tưởng đi nữa thì đời sau cũng được hưởng sự an lạc nơi cõi nhân thiên, chớ không bao giờ bị đọa.
Còn nói về phần lợi mình và lợi người, thì chẳng mình tự tu tự độ lấy mình mà thôi, đến khi người biết thể theo cái bi nguyện của Phật, Bồ tát, mỗi bữa sau khi niệm Phật, nếu chú nguyện cho cha mẹ, ông bà, họ hàng quyến thuộc đang hiện tại hay đã quá vãng rồi, thì phần mấy người đó sẽ được nhờ cái ảnh hưởng ấy, nếu sống thì thêm phước thêm duyên, nếu chết rồi thì cũng đặng siêu sinh về Phật quốc, Thiên đường là khác.
Bởi vậy, cho nên Trương Mân niệm Phật mà người chủ được tha tội hoàn hồn, thì đủ biết cái thần lực diệu dụng của Phật pháp thật là vô lượng vô biên.
Vậy xin ai là người đã có lòng tín ngưỡng theo pháp môn Tịnh độ, không nên lấy chỗ chưa nghe chưa thấy của mình mà cho là hoang đường, rồi khinh thị hai chữ "Niệm Phật" thì uổng lắm.
Trích: Gương Nhơn Quả
(Trích lục trong Phật học tạp chí “Từ Bi Âm”)
 

Niệm Phật giải trừ nghiệp chướng


Pháp môn Tịnh độ, một pháp môn hiện bày bốn chữ " Tiện lợi- dễ dàng" một cách rõ rệt. Nếu quý vị không hiểu được những lý luận trong kinh cũng không thành vấn đề, cũng vẫn có thể thành tựu.
Nếu bảo không cần hiểu nghĩa lý trong kinh chỉ một lòng thành tâm niệm Phật mà có thể thành tựu, vậy thì tôi vẫn phải giảng kinh thuyết pháp nữa để làm gì? Sở dĩ tôi vẫn phải mỗi ngày thuyết giảng không ngừng, đem những lời hay ý đẹp của đức Thế Tôn ra nói là mong quý vị hiểu, mong quý vị giác ngộ. Bởi quý vị đây không đủ phước báu suốt ngày vọng tưởng, suy nghĩ lung tung. Vậy thì ai là người có đủ phước báu? Là những người thật thà, chất phác, suốt ngày chỉ ôm giữ một câu A Di Đà Phật, việc gì cũng không nghĩ tưởng. Do đó, công phu niệm Phật của quý vị khi đã đến mức không còn mảy may vọng niệm, chỉ còn một câu A Di Đà Phật, thì lúc đó Tam tạng mười hai bộ Kinh điển, mà Thế Tôn suốt 49 năm thuyết pháp đều là dư thừa. Quý vị cũng không cần đến nghe tôi giảng giải nữa.
Cho nên Phật độ chúng sanh, có hai hạng người dễ độ nhất.
Một là những người thượng căn lợi trí, vừa nghe qua liền thông đạt, liễu ngộ, dứt sạch vọng niệm.
Hai là những người thật thà ngu dốt, họ không cần tìm hiểu nhiều, bảo họ niệm Phật là họ cứ ngoan ngoãn, thật tình chấp trì, không nghỉ tưởng điều gì ngoài niệm Phật. Thứ ba là những người lưng chừng thích " khiên vác" ôm đồm, tìm hiểu suy nghĩ lung tung. Quý vị biết không, chúng ta thuộc loại người thứ ba này đó, loại người nhiều rắc rối. Cho nên đức Thế Tôn suốt 49 năm khó nhọc, mỗi ngày không ngừng nói pháp cũng vì những người nhiều rắc rối như chúng ta. Ngài phải đem pháp ly ác giảng nói tỉ mỉ ra cho chúng ta.
Mong rằng sau khi quý vị đã hiểu rõ rồi thì phải biết buông xả, không có vọng niệm là người có đại phước báu, tuyệt đối không phải có nhiều tiền tài, có địa vị cao, người có địa vị, tiền tài tuy được hưởng thụ đời sống vật chất, hưởng độ vài ba năm, sau khi chết rồi sẽ ra sao? Tam đồ, lục đạo phải chịu luân hồi, như thế có phải là phước đâu? Nếu tâm không chút vọng tưởng, suốt ngày chỉ câu A Di Đà Phật, người này chỉ vài năm sau là đã thành Phật được rồi. Hiểu được như thế, quý vị mới biết công đức niệm Phật thật vô cùng thù thắng, không gì sánh bằng. Đức Thế Tôn sở dĩ phải bày ra phương tiện nói ba thừa, chỉ vì muốn dẫn độ chúng sanh mà thôi. Mục đích duy nhất của Ngài là mong chúng ta một đời có thể thành Phật.
Có người hoài nghi rằng:" tôi rất ngu si, chậm hiểu, nghiệp chướng lại sâu dày, có thể thành Phật được không?" Trong Kinh điển Phật thường nói:" chỉ cần một câu danh hiệu Phật, có thể tiêu trừ 80 ức kiếp sanh tử tội nặng" quý vị thử nghĩ xem, suốt ngày một đêm ở Niệm Phật đường, quý vị đã niệm được rất nhiều tiếng. Vậy thì tính xem, tội chướng của quý vị đã tiêu trừ bao nhiêu rồi. Điều này chắc thật không sai, vì lời Phật nói không hề hư dối, chắn chắn có hiệu quả tốt, không thể nghĩ bàn.
Thế nhưng, vì sao nhiều người niệm Phật suốt ngày đêm mà nghiệp chướng vẫn còn đầy? Bởi vì nghiệp chướng của người này quá nhiều. Do đó công đức niệm Phật của một ngày đêm dù là giúp họ tiêu trừ đi rất nhiều mà vẫn chưa dứt sạch. Cho nên cần phải mỗi ngày đến niệm Phật, mỗi ngày giảm bớt thêm nghiệp chướng.
Phật dạy chúng ta rằng: năng lực quan trọng nhất để giải trừ nghiệp chướng trong lúc niệm Phật là không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn. Với ba yếu tố này năng lực của không xen tạp mạnh nhất, nếu quý vị giữ được liên tục không gián đoạn trong ba năm, cho dù nghiệp chướng sâu dày bao nhiêu của vô lượng kiếp đều có thể giải trừ hết. Làm sao để biết được không còn nghiệp chướng? Hãy nhìn lúc quý vị vãng sanh, có thể ra đi bằng cách ngồi hoặc đứng rất tự tại. Sau khi sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc, không phải trụ ở cảnh giới phàm thánh đồng cư, cũng không phải trụ ở Tứ độ Vãng sanh mà dự vào hàng Thượng Phẩm vãng sanh.
Câu danh hiệu Phật giải trừ nghiệp chướng thật là bất khả tư nghì. Cho nên Ngài Từ Vân Quán Đảnh Pháp Sư trong lời chú giải của bộ Kinh Vô Lượng Thọ nói:" Chúng sanh nào từ vô lượng kiếp tạo tội, tạo nghiệp cực ác, cực sâu dày. Bao nhiêu Kinh luận, tất cả các sám pháp đều không thể sám trừ được". Cuối cùng vẫn còn một phương pháp có thể cứu vãn, đó là phương pháp niệm Phật. Cho thấy công đức niệm Phật thật là to lớn, thù thắng vô cùng.
Hòa Thượng Tịnh Không thuyết giảng cho Phật tử dự Phật thất trong Niệm Phật Đường.

Saturday, February 25, 2012

Đạo và Đời - HT. Thích Thanh Từ



Nghệ thuật ứng xử với bố chồng khó tính







KTĐT - Để “cải tạo” khẩu vị của bố chồng, bên cạnh nấu những món ông thích, cứ ngày cuối tuần, tôi bắt đầu mua về nhà những món mới lạ, món Âu và rủ ông cùng ăn.

Bố chồng tôi là người khắc nghiệt. Trước ngày cưới, chúng tôi cùng nhau đi sắm sửa đồ đạc cho gian phòng hạnh phúc. Nhưng thay vì được quyết định mọi việc, chúng tôi nhận được “tối hậu thư” của bố chồng là phải mua đồ đạc theo đúng ý của ông.
Tuyệt vọng
Tôi vô cùng bất ngờ vì đây là phòng riêng của hai vợ chồng tôi, tôi có quyền mua theo ý mình. Nhưng có lẽ đã quen nếp, hoặc không muốn xảy ra xích mích trước ngày vui, chồng tôi đồng ý làm theo lời bố. Thế là, từ giường cưới, tủ, bàn trang điểm... chúng tôi đều phải mua một màu gụ vì đó là màu yêu thích của bố chồng tôi.
Ngay chiếc giường cưới, bố chồng tôi cũng đưa kích thước, buộc phải mua đúng ý ông. Giường mua về, việc đầu tiên ông làm là cầm lấy chiếc thước dây, đo ngang dọc. Khi biết giường “khớp” chỉ số tới từng cm, ông tỏ ra hài lòng. Cũng chính tay ông chỉ đạo chúng tôi kê đồ ở đâu, góc nào.
Trong nhà, không bao giờ ông động chân, động tay vào bất cứ việc gì. Trước khi tôi về làm dâu, mọi việc đều đổ lên đầu mẹ chồng tôi. Ngay cả chén nước chè ông uống, hễ ông bước ra chỗ khác là bà phải chạy ra rửa sạch sẽ, gọn gàng để phục vụ ông những lần uống chè tiếp theo.
Tôi làm ở công ty nước ngoài, công việc vô cùng căng thẳng. Nhiều hôm, cường độ làm việc liên tục tới 10 tiếng mỗi ngày, tối về chỉ muốn nằm ỳ trên giường cho giãn xương cốt, thứ 7, chủ nhật cũng mong ngủ rốn thêm để lấy lại sức, chuẩn bị cho tuần làm việc kế tiếp. Nhưng, thay vì thông cảm cho tôi, ngay sau đêm tân hôn của tôi một ngày, sáng sớm hôm sau, bố chồng tôi đã gõ cửa, yêu cầu tôi dậy sớm. Thì ra, ông muốn tôi thực hiện nghĩa vụ của người con dâu. Ông ghi cho tôi một bảng danh sách những việc tôi phải làm (trước đây là mẹ chồng tôi đảm nhiệm).
Sáng, từ 5h ông đã muốn tôi dậy đun nước, rửa ấm chén, pha trà. 6 giờ lau nhà, dọn rửa nhà vệ sinh để ông còn vào rửa mặt, chân tay. Trước khi đi làm, tôi phải nấu ăn sáng cho cả nhà. Tôi choáng váng, không tin vào tai mình. Những việc như thế, với mức lương của tôi, tôi thừa sức thuê một osin để dành thời gian nghỉ ngơi. Nhưng bố chồng tôi lại không cho phép. Mới vài hôm trước đây, khi tôi còn chưa lên xe hoa, bố mẹ đẻ không bao giờ “hành hạ” tôi thế này. Nhưng tất cả đã muộn.
Bố chồng tôi gia trưởng, không chỉ trong việc lên kế hoạch của gia đình. Ông còn là “cảnh sát” trong công việc bếp núc. Hằng tối, đi làm về, không dám chần chừ lâu, chỉ kịp trút bỏ bộ quần áo cơ quan, tôi đã vội lao vào bếp giúp mẹ chồng nấu cơm. Nhưng không bữa nào tôi được yên. Bố chồng tôi luôn ngồi trên chiếc ghế bố kê ở phòng khách, nhưng mắt ông lại hướng vào căn bếp nhỏ. Ông cứ nhìn chằm chằm như vậy, rồi bắt đầu chỉ huy: “Con đảo nhẹ thôi, không nát hết rau”, rồi thì “tại sao thịt rán mà con lại nặn to như vậy”, hay là “gia vị phải cho vào trước thì thức ăn mới ngấm”...
Cứthế, lời chỉ huy của ông làm tôi lúng túng như gà mắc tóc. Mỗi lần vào bếp, tim tôi lại đập thình thịch. Nhiều lúc, tôi chỉ mong ông “ốm” phải nằm trên giường thì tôi mới thoát cảnh bị theo dõi như vậy.
Đồ trong bếp, thức ăn nấu hằng ngày cũng vậy, nhất nhất phải theo ý bố chồng tôi. Nước mắm trong nhà tôi bao giờ cũng chỉ được ăn một loại duy nhất, của một hãng duy nhất. Một lần, do không biết, tôi mua một chai nước mắm loại khác mang về, ông liền chê ỏng eo là nước mắm này tanh, không ngon. Giữa trưa nắng, ông bắt tôi phải đi mua chai nước mắm khác đúng chủng loại mới bằng lòng.
Các món ăn cũng vậy. Ông thích ăn canh cá, nhưng chỉ thích ăn phần thân. Phần đầu, đuôi mua về, vì ông không thích nên cũng không ai dám ăn. Một bận, mẹ chồng tôi tiếc của, gắp khúc đuôi vào bát. Lập tức, ông cầm chiếc đũa quật mạnh vào tay mẹ chồng tôi và gắp khúc cá ra khỏi bát bà. Trước đông đủ con cái, ông mắng bà là keo kiệt, bủn xỉn và ăn khúc đuôi lắm xương, bà mà hóc xương cá thì còn tốn tiền thuốc hơn là tiền cá. Tôi len lén nhìn bà, nhìn ông, cảm thấy như mình đang ở trại lính dưới sự điều hành của một vị tướng thô bạo.
Dần dần, tôi sợ bố chồng thực sự. Tôi về nhà là chui tọt vào phòng, hạn chế tối đa tiếp xúc với ông. Nhiều lần, tôi có việc phải ra ngoài phòng khách, nhưng hễ thấy ông ở đó là tôi lại vào phòng riêng. Chỉ khi nghe tiếng chân ông đi rồi, tôi mới chạy vụt ra ngoài rồi lại vội vã về phòng, đóng cửa, thở phào như thoát một nạn gì lớn lao lắm.
Ngậm đắng nuốt cay suốt gần 6 năm, con gái của chúng tôi đã sắp vào lớp một. Cho đến một ngày, tôi cảm thấy mình gần như không thể chịu đựng hơn được nữa. Cuối cùng, tôi đánh bài ngửa với chồng, yêu cầu anh chọn hoặc là tôi và con, hoặc là bố đẻ của anh ấy.
Thay đổi
Nghe được câu chuyện của chúng tôi, không ngờ, con gái tôi chạy ùa đến. Nó ôm lấy tôi, nấc lên: “Bố mẹ đừng ly hôn nhé. Con thích ở với cả bố và mẹ”. Tôi sững người, không hiểu ai dạy mà con tôi lại nói ra những lời như thế.
Vì con, tôi quyết định sẽ lại thử cố gắng. Nghe một người bạn mách, tại trung tâm tư vấn, người ta có một loại “thuốc tâm lý” rất có hiệu quả trong việc giải quyết các mâu thuẫn gia đình, nhất là những “ca nặng” như trường hợp gia đình tôi. Chị tư vấn viên trong buổi hôm đó đã dành cả buổi để nghe tôi nói, đến nỗi khi hết giờ, tôi cảm thấy vô cùng nhẹ lòng vì chưa bao giờ được “xả” nhiều như thế.
Tôi không quên hỏi về loại thuốc kỳ bí nọ, chị tư vấn viên cười cười bảo chị không có thuốc, vì cái đó là phạm vi của dược sĩ, nhưng có một loại “bùa yêu” có thể giúp tôi cải thiện tình hình. Tôi cần giữ bùa đó trong người và ở gần “đối tượng cần cải tạo” ít nhất là bốn tiếng mỗi ngày thì bùa mới phát huy tác dụng.
Vì con, vì gia đình và vì “lá bùa yêu” nửa tin, nửa ngờ mà tôi bắt tay vào chiến dịch “làm thân với bố chồng”. Từ hôm đó, tôi tìm mọi cách để gần gũi ông, ít ra là đủ số tiếng quy định của lá “bùa yêu”. Hằng tối, sau bữa cơm, thay vì trốn vào phòng, tôi nấn ná ngồi lại phòng khách. Bố chồng tôi về hưu đã lâu, lại không làm cùng nghề nên tôi không thể bàn luận công việc với bố được. Thế là, tôi bắt đầu trò chuyện với bố chồng bằng việc bình luận những bộ phim trên TV. Có hôm, tôi cố gắng “chong mắt” thức để xem đến tận cùng bộ phim mà ông yêu thích. Sau đó, tôi chuyển hướng, bắt đầu tập pha trà và ngồi đàm đạo với bố chồng mỗi khi tôi rảnh. Tôi thường bắt đầu câu chuyện bằng chủ đề về bố mẹ tôi với câu nói: “Không biết bố thế nào chứ ở bên nhà, bố mẹ con thì... “ (hy vọng bố mẹ tôi và bố chồng cùng là thế hệ cao tuổi nên có nhiều thói quen giống nhau).
Thật không ngờ, bố chồng tôi cũng hào hứng hơn hẳn. Ông gật gù nghe tôi kể chuyện sinh hoạt ở nhà tôi, về thói quen, lối suy nghĩ của bố mẹ tôi. Để tiếp chuyện, bố chồng tôi lại kể chuyện cho tôi nghe về thời xưa của ông, về thời ông đi bộ đội, đã đi qua bao nhiêu mặt trận, đã ghi được chiến công hiển hách lẫy lừng đến thế nào... Lúc đầu, tôi chỉ nghe để mà “thân” ông, sau rồi, tôi như bị cuốn hút vào câu chuyện ông kể.
Tôi nhận thấy bố chồng tôi không quá đáng sợ. Trong ông, cũng có những phần rất đáng yêu, dễ tính và chỉ cần mọi người xung quanh biết chạm tay và mở cánh cửa tâm hồn ấy, là sẽ thấy ông hiện ra khác hẳn. Tôi hiểu ra, vì thời tuổi trẻ của ông quá hào hùng nên khi về già, ông cũng có phần mặc cảm, buồn chán thấy mình không còn có ích như xưa nữa. Các anh chị chồng tôi cũng bận rộn, chẳng mấy ai chịu ngồi nghe ông kể chuyện nên ông càng khép mình, và vì vậy càng khó tính hơn.
Sau hơn một tháng, từ chỗ xét nét, ông bỗng yêu mến tôi hơn. Nhiều lúc, ông còn giục tôi “bỏ việc nhà” để cùng ngồi thư giãn, ngắm trăng và đàm đạo với ông. Thấy ông thay đổi, tôi cũng không còn ghét ông nữa. Tôi thấy yêu mến căn nhà và muốn làm việc để chăm chút cho ngôi nhà hơn là để tuân lệnh ông như trước. Tôi đi làm mệt, vì vậy, thay vì dậy sớm để quét dọn nhà cửa, tôi xin phép bố chồng cho tôi được gác công việc “nội tướng” đến buổi tối. Sau giờ đi làm, tôi tranh thủ lau dọn nhà cửa, vệ sinh công trình phụ, làm bếp núc… mọi việc vẫn hoàn tất mà tôi cũng đỡ vất vả hơn. Bố chồng tôi cũng nhận ra điều đó và vui vẻ nhận lời.
Để “cải tạo” khẩu vị của bố chồng, bên cạnh nấu những món ông thích, cứ ngày cuối tuần, tôi bắt đầu mua về nhà những món mới lạ, món Âu và rủ ông cùng ăn. Tôi luôn bắt đầu bằng câu: “Các món này có thể không ngon như món bố hay ăn, nhưng bố ăn thử cho biết bố nhé”. Chẳng có lý do gì để không hài lòng, bố chồng tôi cũng ăn cho cả nhà vui và có lần ông cũng đưa ra kết luận: “Món này kể ra ăn cũng được”.
Chỉ một câu nói của ông thôi mà là cả sự nỗ lực ghê gớm của tôi. Biết ông thích làm “đầu tàu” trong gia đình, mỗi khi chúng tôi quyết định việc gì, tôi cũng luôn mang ra hỏi ý kiến ông. Có thể sau đó, chưa chắc tôi đã nghe nhưng chúng tôi luôn cân nhắc ý kiến của bố chồng, nhiều lúc thấy ý kiến đó kể cũng có lý.
Bây giờ, chúng tôi đã yêu quý nhau. Và bố chồng tôi cũng không còn nghiêm nghị trong mắt tôi nữa. Khi quay trở lại phòng tư vấn, tôi cảm ơn chị tư vấn viên về sự hiệu nghiệm của “lá bùa yêu” chị đã cho tôi. Thay vì chấp nhận sự cảm ơn của tôi, chị lại cười và bảo, làm gì có lá bùa yêu nào. Tất cả thay đổi là do tôi đấy.
Thay vì xa lánh, tôi đã chủ động yêu thương bố chồng, gần gũi và hiểu ông. Tôi đã biết nhìn thấy những nét đẹp trong những người xung quanh, hơn là chỉ đứng xa, phê phán và đánh giá họ. Kể lại chuyện này, tôi mong sẽ ít nhiều giúp ích cho các nàng dâu khác trong các gia đình muôn màu khác. Bởi, mọi mâu thuẫn trong gia đình chỉ có thể giải quyết được bằng tình yêu và sự thật lòng.
Theo Đời sống gia đình/Dân Trí