Friday, May 4, 2012

Vì vô minh con tạo lỗi lầm _ Thay Thích Phước Tiến



Vì vô minh con tạo lỗi lầm 01 :




Vì vô minh con tạo lỗi lầm 02 :

Làm Chủ Cơn Giận _Thay Thích Phước Tiến


Làm Chủ Cơn Giận 1/2 :



Làm Chủ Cơn Giận 2/2 :

NIỆM PHẬT VÔ TƯỚNG



Hành giả 
(xin xem chú thích số 9 của tác giả ở cuối sách) nếu còn chưa phải là một Phật tử chính thức, xin hãy tìm chọn đến một ngôi tự viện Phật giáo chánh thống ở gần mình, liên hệ xin sắp xếp tổ chức lễ Qui y. Nghi thức lễ thọ ba qui y rất đơn giản. Điều kiện cần yếu là phải có mặt tại tự viện, quì trước Phật, một vị tì kheo hoặc tì kheo ni chứng minh và truyền trao “ba sự quay về và nương tựa”: - Quay về nương tựa Phật. - Quay về nương tựa giáo pháp do Phật nói. - Quay về nương tựa chư hiền thánh tăng, cùng hiền thánh tăng và tăng đoàn phàm phu hiện đang trụ ở thế gian để giữ gìn Phật pháp. Đồng thời cũng phát bốn lời thề nguyện lớn: - Chúng sinh không ngằn mé, xin nguyện đều độ khắp. - Phiền não không cùng tận, xin nguyện đều dứt sạch. - Pháp môn không số lượng, xin nguyện đều tu học. - Quả Phật không gì hơn, xin nguyện sẽ chứng thành. Đó là những lời thề nguyện quán thông khắp chư Phật. Sau lễ Qui y, hành giả liền chính thức trở thành người đệ tử của Ba Viên Ngọc Quí (Phật – Pháp – Tăng). Đó là bước chính yếu đầu tiên của người tu học pháp môn Niệm Phật. Tâm không chịu qui y mà muốn tu học Niệm Phật Viên Thông, muốn thành tựu Niệm Phật Tam Muội, điều đó không bao giờ xảy ra!
Trước khi qui y, vị tăng trụ trì chắc chắn phải dạy trước cho người Phật tử cách lạy Phật như thế nào. Lễ lạy thì phải năm vóc[72]chạm đất, để biểu thị lòng cung kính, khát ngưỡng của người lạy đối với đức Thế Tôn, bậc Đạo Sư của cả trời và người. Sự cung kính khát ngưỡng đã phát sinh từ nơi lòng tin, cộng thêm công đức và nguyện lực của Phật, thì tu pháp môn này chóng được thành công. Động tác lạy Phật, xin hành giả học tập trong tự viện, hoặc nhờ các Phật tử khác chỉ dẫn, ở đây xin miễn trình bày.
Kinh Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật có nói: “...... Nay Như Lai vì phu nhân mà rộng nói nhiều ví dụ, và cũng vì tất cả phàm phu trong đời vị lai, những ai muốn tu tịnh nghiệp[73] để được vãng sinh về thế giới Cực-lạc ở phương Tây. Muốn sinh về thế giới ấy, thường phải tu ba loại phước đức: một là hiếu thuận, phụng dưỡng cha mẹ, kính thờ các bậc sư trưởng, giữ tâm từ bi không giết hại chúng sinh, tu tập mười nghiệp lành; hai là thọ trì ba sự quay về và nương tựa, giữ gìn đầy đủ các giới luật, không phạm oai nghi; ba là phát khởi tâm bồ đề, tin tưởng sâu xa lí nhân quả, đọc tụng kinh điển đại thừa, khuyến khích, sách tấn người tu hành......” Cho nên tất cả phàm phu, những ai muốn tu tịnh nghiệp để vãng sinh về nước Cực-lạc, đều phải có đầy đủ ba nghiệp phước tịnh như trên. Tu trì pháp môn Niệm Phật Vô Tướng (là pháp môn dung thông cả Thiền, cả Tịnh, cả Mật) này cũng phải lấy các thứ tịnh nghiệp trên đây làm tư lương.
Bởi vậy cho nên, nếu tu tập pháp môn này mà không đạt được kết quả, phải biết rằng trong đời này hoặc ở các đời trước, người ấy chưa từng tu ba nghiệp phước tịnh như vừa nói trên; vậy thì nên lập tức tu tập ba nghiệp phước tịnh đó để giúp làm trợ duyên. Nếu không hiểu rõ ràng nội dung của ba nghiệp phước tịnh này, xin tùy duyên học hỏi nơi các vị thiện tri thức, chắc chắn sẽ được chỉ bày cặn kẽ.
Lại nữa, hành giả tu tập pháp môn Niệm Phật Vô Tướng này, nếu ăn chay được là tốt nhất, nếu không ăn chay được thì ăn “rau bên thịt”[74] cũng được; nhưng tuyệt đối không được ăn năm thứ rau có vị cay nồng (hành, tỏi, hẹ, hành tây, nén), rượu và thuốc lá cũng cấm tuyệt. Nếu vì bệnh hoạn mà phải uống rượu thuốc, thì cần phải y theo toa thuốc mà uống có liều lượng nhất định, vào thời giờ nhất định, không nên tham uống.
Những điều trình bày trên đây là nhằm gia tăng trợ duyên và giảm thiểu cho đến trừ khử chướng duyên, xin quí vị hành giả để tâm ghi nhớ.

II. ĐIỂM CỐT YẾU của SỰ LẠY PHẬT

Hành giả đã qui y, và sau khi đã học tập động tác lạy Phật, thì phải tập luyện cho thuần thục. Mỗi ngày hai buổi sáng tối lạy Phật tại nhà, mỗi lần lạy từ 10 đến 20 phút. Lạy Phật, không nhất định phải có Phật đường, không cần phải có tượng Phật, chỉ cần một nơi sạch sẽ, không có người quấy rầy, là được; các nơi như phòng đọc sách, phòng khách vắng người, cho đến phòng làm việc dọn dẹp gọn gàng, phòng ngủ, đều được. Nếu trong nhà có bày bàn thờ Phật, có chưng tượng Phật thì càng tốt. Mỗi ngày hai buổi sáng tối, sau khi niêm hương, liền có thể lạy từ 10 đến 20 phút.
Lạy Phật vô tướng: Khi lạy Phật, động tác thật chậm rãi, không ham lạy nhiều lạy, chỉ cần tinh thần tập trung. Trong tâm không nhẩm danh hiệu Phật, chỉ chuyên chú vào mỗi động tác và mỗi cảm giác trong khi lạy Phật. Nếu phát giác tâm đang hướng ra ngoại duyên, tức khắc thu nhiếp tâm về động tác lạy Phật. Nhất tâm duyên nơi động tác lạy Phật, dù cho bên mình xảy ra việc kinh thiên động địa gì cũng không để ý tới, chỉ chuyên tâm lạy Phật. Nếu lạy Phật với tốc độ nhanh thì thở gấp, tim nhảy, không dễ được định, mà tâm cũng dễ dàng phan duyên, cho nên phải chậm rãi, thật chậm rãi, một phút không hơn hai lạy. Đối với người mới học, tốc độ thích hợp nhất là khoảng từ 45 giây đến một phút cho một lạy. Khi lạy thì để hết tinh thần nơi động tác lạy, tâm không duyên bên ngoài. Luyện tập như thế hai ngày, điều chỉnh dần dần, thì có thể tập quen với động tác lạy Phật chậm rãi; điểm này phải làm cho được!

III. NHỚ PHẬT LẠY PHẬT VÔ TƯỚNG là PHƯƠNG TIỆN QUYỀN XẢO
của PHÁP MÔN NIỆM PHẬT VIÊN THÔNG

Nhớ Phật lạy Phật vô tướng: Trước khi lạy Phật, hành giả nên chọn một đức Phật hay một vị Bồ-tát để làm đối tượng lễ bái. Thường thường người ta chọn đức Thế Tôn Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, hoặc các đức Phật A Di Đà, Phật Dược Sư, hay các đức Bồ-tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, Văn Thù Sư Lợi, Phổ Hiền, Địa Tạng v.v..., hay đức Phật hoặc vị Bồ-tát nào khác cũng được; hễ thấy có duyên thì tâm liền khế hợp, như vậy là tốt. Sau khi đã chọn được một vị làm đối tượng rồi thì không bao giờ thay đổi; cho đến sau này khi tu thành công pháp môn Niệm Phật Vô Tướng, cũng vẫn là một vị ấy.
Sau khi đã chọn một đức Phật hay một vị Bồ-tát thì bắt đầu lễ lạy. Khi lễ lạy, chỉ dùng cái “tâm niệm nhớ Phật” để lạy Phật. Thông thường khi lạy Phật, trước tiên người ta nhẩm đọc trong tâm một câu Phật hiệu, rồi lạy một lạy, 3 lần xưng niệm, 3 cái lạy mà thôi. Nhưng với phương pháp ở đây thì không xưng niệm Phật hiệu, trừ bỏ Phật hiệu, chỉ lạy đức Phật hay vị Bồ-tát do chính mình đã chọn. Khi lạy, phải biết thật rõ ràng là chính mình đang lạy đức Phật hay vị Bồ-tát ấy. Không những miệng không xưng niệm Phật hiệu, mà trong tâm cũng không được có Phật hiệu. Không có tướng ngôn ngữ, tướng văn tự, cũng không có hình tượng Phật và Bồ-tát; thậm chí bất cứ một dấu hiệu nào đại biểu cho Phật và Bồ-tát đều không được có. Khi lạy, tâm phải an nhiên, động tác phải chậm rãi, chuyên chú quán sát chính mình ở mỗi sát na trong từng cái lạy, để xem tự mình có biết rõ là mình đang lạy đức Phật hay vị Bồ-tát ấy hay không. Nếu danh hiệu Phật hoặc hình tượng Phật xuất hiện trong tâm, phải lập tức trừ khử, trở về với cái niệm duy nhất. Cách thức lạy Phật này là phương tiện quyền xảo, đối với người tu học pháp môn Niệm Phật Vô Tướng, quả là trọng yếu phi thường! Người mới phát tâm học Phật, nếu không được rèn luyện từ phương pháp này, muốn tu thành công pháp môn Niệm Phật Vô Tướng thật không phải dễ. Cũng không được bài xích phép tu lễ bái Phật và Bồ-tát. Nên biết công đức của chư Phật và chư đại Bồ-tát là vô lượng vô biên, không thể nói hết được. Chí thành đảnh lễ chắc chắn có lợi ích lớn lao. Lại nữa, cái tối kị của người học Phật là tâm ngã mạn, lạy Phật, Bồ-tát, nhất là lạy ở nơi công cộng đông người, tâm ngã mạn rất dễ tiêu trừ, đối với Đạo Pháp thật có ích lợi.
Thường người ta hay chấp trước vào danh hiệu và hình tượng của Phật và Bồ-tát. Nếu không có hình tượng và danh hiệu thì không biết làm sao mà niệm Phật. Ở một đoạn trước, kẻ hậu học này đã dẫn lời của thiền sư Đạo Tín rằng: “Thế nào gọi là không có cái để niệm? Tức là tâm niệm Phật, gọi đó là không có cái để niệm...... Vì sao thế? Vì thức không có hình, Phật không có hình, Phật không có tướng mạo.” Phàm có hình tượng, âm thanh, ngôn ngữ, phù hiệu, cho đến một chữ “Phật”, đều không phải là Phật.
Nếu ngôn ngữ là Phật, khi trong miệng chúng ta phát ra tiếng đọc “Thích Ca Mâu Ni Phật”, thì Phật Thích Ca Mâu Ni phải từ trong miệng xuất hiện ra. Nếu một loại âm thanh nào đó được đặt định là Phật, đại biểu cho Phật Thích Ca Mâu Ni, thì khi chúng ta phát ra loại âm thanh đó, Phật Thích Ca Mâu Ni phải xuất hiện ở trước mắt. Nếu văn tự là Phật, đương khi chúng ta viết xuống bốn chữ“A Di Đà Phật”, thì Phật A Di Đà phải xuất hiện. Nếu hình tượng là Phật, thì tất cả tượng Phật ở các tự viện và của các Phật tử thờ phượng đều phải biến thành Phật; cho đến trong Thiền tông có một công án rất nổi tiếng: “Thích Ca, Di Lặc vẫn là đầy tớ của nó, nó là anh chàng nào?” Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất hiện hơn 2500 năm trước, và đức Phật Di Lặc sẽ xuất hiện ở thế giới này vài ngàn vạn năm sau (xin xem chú thích số 10 của tác giả ở cuối sách), vẫn chỉ là đầy tớ của nó, vậy ông hãy tham cứu thử xem, rốt cuộc “NÓ” là ai? Ý nói rằng, trên lịch sử thì quả thật có đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất hiện ở thế gian; nhưng đó chỉ là cái thân ứng hóa do pháp thân của Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện mà thôi. Đức Phật Di Lặc sẽ hạ sinh trong tương lai cũng giống như vậy.
Đệ tử Phật phần nhiều đều biết Phật có ba thân: thân pháp tánh, thân hiện báo viên mãn và thân ứng hóa. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất hiện ở Ấn-độ hơn 2500 năm trước, đó chỉ là cái thân ứng hóa. Nhân vì nhiều người ở thế gian này có nhân duyên được cứu độ đã thành thục; và vì cái “đại sự nhân duyên” ấy mà Ngài giáng thần vào thai mẹ, rồi ra đời ở hoàng cung vua Tịnh Phạn tại thành Ca-tì-la-vệ, thành một vị thái tử, cưới vợ sinh con, tuần du bốn cửa thành, trông thấy các cảnh khổ sinh già bệnh chết, phát nguyện cứu độ chúng sinh thoát khổ mà nửa đêm đi xuất gia. Học hết các giáo lí ngoại đạo, lại tu khổ hạnh 6 năm, sau khi nghiệm ra sự thành Phật không phải ở chỗ hành hạ xác thân cực khổ, Ngài liền tắm rửa và thọ nhận bát sữa. Sau khi khí lực đã khôi phục, Ngài ngồi tham cứu nơi cội cây bồ đề, khi sao mai vừa mọc thì đại ngộ thành Phật. Tiếp đó Ngài thị hiện chuyển pháp luân, hàng phục ngoại đạo, cứu độ chúng sinh, cho đến thị hiện già bệnh mà nhập niết bàn – nhập đại niết bàn không sinh không diệt, thường trụ ở thế gian mà không có chỗ trụ, cho tới ngày nay vẫn được các chúng sinh có duyên cung kính tin theo. Tất cả các sự việc vừa nêu trên, chỗ nào cũng nói cho chúng ta biết: đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni chỉ là thân ứng hóa, vì những chúng sinh có duyên được độ nên đến thế giới này; những chúng sinh nào chưa được cứu độ, cũng vì họ mà gieo nhân duyên để trong tương lai sẽ được độ. Khi nhân duyên đã hết thì thị hiện tướng sinh diệt để nhắc nhở chúng sinh.
Cái thân hiện báo viên mãn của Phật thì có 32 tướng tốt của bậc đại nhân và 80 vẻ đẹp vi tế ẩn mật trong thân thể, đó là pháp tướng[75] Phật thị hiện cho các chúng Thanh-văn và Bồ-tát hiền thánh[76] thân cận tu học cư trú tại các cõi Phương-tiện hữu-dư độ và Thật-báo trang-nghiêm độ.
Cái thân pháp tánh không hình không tướng, tất cả chúng sinh đều không thể thấy, cho nên Phật cần có thân ứng hóa và thân hiện báo làm phương tiện độ sinh. Nếu nói một cách thực tế, thân pháp tánh mới là thân chân thật của Phật, xa lìa tất cả (như xác thân, những hành động của xác thân, ngôn ngữ, văn cú, âm thanh, hình tượng, phù hiệu), không thể biểu thị, chỉ có một tánh không. Không tên gì có thể đặt tên, chỉ tạm đặt ra “phật”, “pháp thân”, rồi gọi đó là tên. Đó là Phật thật tế, cho nên thiền sư Đạo Tín nói: “Không có cái để niệm, gọi là niệm Phật.” Điều này, phải sau khi đạt đến cảnh giới “lí nhất tâm”, lại tư duy quán chiếu thì mới hiểu biết một cách sâu xa. Đó là lí tưởng của người học Phật, chưa chắc người người ai cũng hiểu được. Nhưng niệm Phật ở bước “sự nhất tâm” (tức niệm Phật vô tướng), thì chỉ cần tinh tấn tập luyện, ai ai cũng đạt được.
Những điều trình bày trên đây có vẻ phiền phức, nhưng không phải là không giúp ích gì cho hành giả. Xin đừng chấp trước vào danh hiệu Phật nữa, hình tượng hay phù hiệu cũng vậy, mà hãy nhất tâm nhớ Phật lạy Phật vô tướng!
Sách này lấy phép xưng danh niệm Phật và phép nhớ Phật lạy Phật vô tướng làm phương tiện buổi đầu mà tiến vào pháp môn này.Xưng danh niệm Phật là một pháp phương tiện do đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni, vì tín tâm yếu kém của chúng sinh trong thời kì mạt pháp mà nói ra. Nương vào nguyện lớn của đức Phật A Di Đà, các chúng sinh hành trì phép trì danh niệm Phật có thể vãng sinh về thế giới Cực-lạc; nhưng cũng không phải là tất cả mọi người đều có thể vãng sinh. Cần phải có đủ lòng tin, phát nguyện cầu vãng sinh, trong sinh hoạt hằng ngày không ngưng câu niệm Phật, miệng đọc tâm niệm. Một khi gặp chuyện khẩn cấp, cũng lập tức nghĩ đến Phật A Di Đà, buột miệng kêu cứu, như thế mới gọi là tu hành kiên cố, đến khi mạng chung mới có thể vãng sinh về Tây-phương Tịnh-độ. Trong kinh từng nói, không thể do một chút ít căn lành, nhân duyên phước đức kém cỏi, mà được sinh về nước Cực-lạc. Chắc chắn là phải chấp trì Phật hiệu đến chỗ nhất tâm bất loạn, hoặc chuyên niệm từng giây phút, tâm không xáo trộn, thì mới có thể vãng sinh; vì vậy, cũng không phải là ai ai cũng chắc chắn được vãng sinh! Đến như trong kinh nói vãng sinh lên chín phẩm hoa sen, trong đó, ba phẩm bậc Thượng[77] cùng hai phẩm Trung-thượng và Trung-trung của bậc Trung[78], đều cần phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện nhất định, mới có thể vãng sinh. Nếu người không chuẩn bị đầy đủ các điều kiện ấy mà được vãng sinh về thế giới Cực-lạc, phần nhiều thuộc vào phẩm Trung-hạ, phải ở trong búp sen 7 ngày, sau đó hoa nở, thấy hai đức Bồ-tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí, được nghe pháp, vui mừng, chứng quả Tu-đà-hoàn (Sơ-quả). Sau đó, trải qua một tiểu kiếp mới chứng quả A-la-hán (Tứ-quả). Xét ra, một ngày ở thế giới Cực-lạc tương đương với một đại kiếp ở thế giới Ta-bà; thì người vãng sinh về phẩm Trung-hạ của thế giới Cực-lạc, thời gian ở trong búp sen, tính ra lâu dài biết bao nhiêu! Xin hành giả tự mình suy nghĩ, xem xét cho tường tận. Ở thế giới Cực-lạc, từ quả vị Tu-đà-hoàn tu tập cho đến khi chứng quả A-la-hán, cần một thời gian là một tiểu kiếp, cái khoảng thời gian quá lâu dài ấy, con người làm sao tưởng tượng cho nổi! Nếu ở thế giới Ta-bà này tu học, dù cho tu một đời rồi quên ba đời, thì tốc độ thành tựu, đem so với thời gian tu học của người ở phẩm Trung-hạ của thế giới Cực-lạc, vẫn nhanh hơn gấp trăm ngàn vạn lần! Quí hành giả không thể không suy xét. (Hành giả muốn biết rõ sự việc ấy, xin đọc Kinh Di Lặc Hạ Sinh.)


IV. THỨ TỰ 10 BƯỚC TU HỌC
từ NHỚ LẠY PHẬT VÔ TƯỚNG đến NIỆM PHẬT VÔ TƯỚNG

1. Mỗi buổi sáng và buổi tối trong ngày đều dành ra một khoảng thời gian từ 10 đến 20 phút để lạy Phật. Xin y theo cách thức vừa trình bày trong tiết III ở trên mà luyện tập phép nhớ lạy Phật vô tướng. Khi lạy, không xướng đọc Phật hiệu, mà trong tâm cũng không để xuất hiện âm thanh hoặc văn tự của Phật hiệu, chỉ cần trong tâm nhớ Phật Bồ-tát, tưởng niệm Phật Bồ-tát, chuyên chú vào một đức Phật (hoặc Bồ-tát). Tuy không có ngôn ngữ, văn tự, hình tượng, nhưng rõ ràng là mình biết mình đang nhớ tới đức Phật (hoặc Bồ-tát) ấy, rõ ràng là mình biết mình đang lạy đức Phật (hoặc Bồ-tát) ấy. Trong tâm tuyệt nhiên không để xuất hiện danh hiệu hay hình tượng Phật, mà thuần túy chỉ là ức niệm. Giống như xa mẹ vài mươi năm, trong tâm tưởng nhớ, lo nghĩ, mà không có tên tuổi, hình tượng. Khi lạy, biết rõ mình đang lạy, đang nhớ đức Phật (hoặc Bồ-tát) của mình, và cứ giữ chắc một niệm đó, nhất định không rời bỏ. Nếu không hiểu được “ức và niệm”, có thể dùng tâm quán sát, xem cái ý niệm lạy Phật (hay Bồ-tát) ở nơi mình có thật rõ ràng hay không; xem tâm mình có biết rõ là mình đang lạy đức Phật (hay Bồ-tát) ấy hay không.
Phương pháp nhớ lạy Phật vô tướng này là phương pháp cốt lõi để quyết định việc tu tập pháp môn Niệm Phật Vô Tướng có thành công hay không, hành giả nên hiểu rõ, đọc đi đọc lại suy nghĩ kĩ càng. Nếu suy nghĩ nhiều ngày, cho đến một, hai tháng mà vẫn không thể nào thể hội được, xin hãy đến trước Phật Bồ-tát (nhất là đức Phật Thích Ca, đức Bồ-tát Quán Thế Âm và Bồ-tát Đại Thế Chí) lễ bái, sám hối tội lỗi, cầu xin gia hộ. Hãy phát nguyện thọ giới Bồ-tát, tu tập hạnh Bồ-tát, độ vô lượng chúng sinh. Sau đó hãy tĩnh tọa, đọc kĩ những điều vừa nói ở đoạn văn trên và tiết III ở trước, suy nghĩ chín chắn, siêng năng luyện tập, thì có thể thông hiểu. Nếu không có thánh tượng, cứ vọng lên hư không mà lạy cũng được, chỉ cần chí tâm thành khẩn, không chút coi thường.
Một khi đã thông hiểu, liền y theo cách thức này mà nhớ lạy Phật vô tướng. Trừ bỏ danh hiệu và hình tượng, nhớ rõ đức Phật mình lạy, và giữ cho cái niệm nhớ ấy không bị đứt đoạn. Nếu biết được cái niệm nhớ Phật ấy không thể rõ ràng, cũng có thể dùng cách“tưởng”, như ở tuổi thanh xuân, nam nữ đang trong tình luyến ái mà phải Đông Tây phân cách, không thấy được nhau, sáng tư tối tưởng; khi lạy Phật có thể dùng tâm tưởng này, tưởng tượng pháp thân Phật không hình không tượng, biến khắp hư không, không chỗ nào không có. Hoặc tưởng tượng pháp thân Phật không hình không tượng, trụ nơi tâm (không phải quả tim) mình, hoặc trong óc mình, luôn luôn hộ niệm, không giây phút nào bỏ rơi mình. Tưởng niệm như thế, gọi là “niệm Phật”. Cho nên chữ “niệm” () trong từ “niệm Phật”, bên trái không có bộ “khẩu” (口); nếu có bộ khẩu (tức chữ [79]) thì thành ra là đọc Phật – miệng đọc tâm niệm cũng có thể tương ứng; nếu miệng đọc mà tâm không niệm thì cùng với Phật không tương ứng, đọc đến năm con lừa[80] mới có thể vãng sinh về tịnh độ Cực-lạc!
Nếu có người đọc đi đọc lại sách này, tư duy, luyện tập, mà kết quả thì “ức” đã không được, mà  “tưởng” cũng không được, lại“niệm” cũng không được, thì khi lạy Phật có thể dùng tâm “xem”[81] cái ý niệm lạy Phật này có phải là biết rõ ràng là mình đang lạy đức Phật (hoặc Bồ-tát) của mình hay không. Xem cái niệm ấy, không để nó bị đứt đoạn, cũng không để cho Phật hiệu xuất hiện trong tâm. Mỗi một lạy đều chuyên tâm xem thấy, theo sát một niệm đó đang an trú trong tâm mình, không tiêu mất. Nếu xem cũng không được nữa, lại xin đổi sang phương pháp khác:
Ví dụ ngày thường hành giả lấy đức Phật Thích Ca Mây Ni làm đối tượng để trì danh niệm Phật, trước hết hãy ngồi nơi yên tĩnh, không bị ai phá rầy, trong tâm đọc thầm câu danh hiệu “Thích Ca Mâu Ni Phật” (tùy theo nhân duyên, hành giả tự chọn lấy một danh hiệu Phật), đồng thời nhớ tưởng Ngài. Câu Phật hiệu tuy đã đọc qua rồi, nhưng đừng để cho cái niệm tưởng Phật bị đứt đoạn; thời gian tưởng niệm vẫn tiếp nối cho đến khi cái niệm tưởng niệm đứt đoạn, thì ngưng. Khi biết cái niệm tưởng niệm đã đứt thì trở lại ngay từ đầu, trong tâm đọc thầm câu danh hiệu “Thích Ca Mâu Ni Phật”, đồng thời nhớ tưởng Ngài, không đọc lại câu Phật hiệu, cho đến khi cái niệm nhớ tưởng chấm dứt. Cứ tập luyện lặp đi lặp lại như thế.
Sau khi tập luyện đã thuần thục, vào buổi sáng sớm khi đầu óc còn tỉnh táo, ngồi yên tĩnh trước tượng Phật (hoặc một nơi vắng vẻ không người quấy rầy). Khi tâm đã lắng, hãy thầm đọc một câu “Thích Ca Mâu Ni Phật” (hoặc một Phật hiệu nào khác), đồng thời tưởng niệm Ngài, và trong tâm bắt đầu quán sát: Phật hiệu đọc qua rồi, cái niệm tưởng niệm Phật này, rốt ráo là tình trạng gì. Sau khi đã quán sát thật rõ ràng, thì bắt lại từ đầu; nhưng không phải bắt đầu từ lúc đọc thầm Phật hiệu, mà từ cái đoạn thời gian sau khi câu Phật hiệu “Thích Ca Mâu Ni Phật” đã qua rồi. Đó chính là nhớ Phật, niệm Phật, tưởng Phật, ngay như niệm Phật vô tướng, tiếp theo sau, cũng có thể dùng một niệm này mà lạy Phật; đó chính là nhớ lạy Phật vô tướng.
Khi vừa bắt đầu tu tập phép nhớ lạy Phật vô tướng, cần phải phi thường chăm chỉ, phải đem ý chí mạnh mẽ để nỗ lực chế ngự, thì danh hiệu Phật và hình tượng Phật mới không thể xuất hiện trong tâm; nếu lơ là một chút thôi, là danh hiệu và hình tượng Phật xuất hiện trong tâm tức thì. Tuy phải rất mực chú tâm, nhưng xin hãy buông thư thân thể, tránh sự khẩn trương. Như thế luyện tập mỗi ngày không nghỉ, nỗ lực không ngừng, trải qua một thời gian, Phật hiệu dần dần không còn xuất hiện nữa. Nhưng có lúc hơi mất chú ý, chữ đầu tiên của Phật hiệu vẫn có thể xuất hiện. Khi lạy Phật vào mỗi buổi sáng và buổi tối trong ngày, hành giả phải tập chú hết tinh thần thì mới có thể trừ khử được Phật hiệu. Đến như tâm phan duyên mà mạnh, lại đó là người cố chấp, thì khi lạy Phật, tuy chưa xuất hiện danh hiệu Phật, nhưng lại thường hay xuất hiện một chữ “Phật”. Đó là cái tập khí thâm căn cố đế, cần phải luôn luôn suy nghĩ: “Danh hiệu Phật không phải là Phật.”, “Chữ Phật không phải là Phật.”; cả đến trong lúc tĩnh tọa cũng phải suy nghĩ sâu như vậy, mới mong trừ khử cái tập khí cố chấp này.
Hành giả cần phải nhận thức rõ: Bước đầu nhập môn của pháp môn Niệm Phật Viên Thông này (tức niệm Phật vô tướng), có tu tập thành công hay không, hoàn toàn phải xem cái ý chí của hành giả đối với phép nhớ lạy Phật vô tướng, hành giả có thể hội hoàn toàn hay không, có tu tập chân thành hay không. Xin đừng trách kẻ hậu học này sao cứ nói tới nói lui, lắm lời nhiều chuyện. Nếu muốn tu trì pháp môn Niệm Phật Vô Tướng mà không chịu khởi bước từ phép nhớ lạy Phật vô tướng mà thâm nhập thể hội và siêng năng luyện tập, thật khó thành công; trừ phi đó là người lợi căn, hoặc đã dày công tu hành, vừa nghe là hiểu ngay, hiểu tới đâu liền thâm nhập tới đó, mới có thể an trụ.
Nếu hành giả không phải là người lợi căn, vào mỗi buổi sáng, tối, xin hãy dành từ 10 đến 20 phút để tu tập pháp nhớ lạy Phật vô tướng, một là tiêu trừ nghiệp chướng, hai là rèn luyện công phu. Đối với con người hiện đại, sáng tối đều dùng từ 10 đến 20 phút để tu tập nhớ lạy Phật vô tướng, có thể nói là không mất nhiều thì giờ, nhẹ nhàng, dễ thực hiện. Niệm Phật một tiếng đã diệt tội nhiều như cát trong sông, huống là lạy Phật trong lúc nhất tâm bất loạn, tâm định nhớ Phật, diệt tội vô lượng. Phép nhớ lạy Phật vô tướng này là một phương pháp tu định mạnh mẽ và có nhiều năng lực. Công phu này đạt được từ trong chỗ xao động, cho nên sau này khi tu thành công pháp môn Niệm Phật Vô Tướng, thân tâm có thể tới lui trong thanh sắc tự tại an nhiên, không có gì làm chướng ngại cho công phu “tịnh niệm tiếp nối” của Niệm Phật Vô Tướng.
Thêm một cách thực hành phương tiện: Đối với người không có đủ kinh nghiệm về trì danh niệm Phật, lại không hiểu rõ như thế nào là nhớ Phật niệm Phật vô tướng, thì trong sinh hoạt hằng ngày nên tập trì danh niệm Phật. Luôn luôn trong tâm thầm đọc Phật hiệu. Tâm đọc tâm nghe. Nhờ đó mà dập tắt tâm phan duyên, thu nhiếp tâm tán loạn về một mối. Hành giả có thể lấy thánh hiệu của đức Phật hoặc Bồ-tát mà mình lạy trong lúc tu phép nhớ lạy Phật vô tướng, biến thành một câu mà mình cho là có giai điệu hay nhất, giống như người ta ca hát; trong tâm niệm đi niệm lại không ngừng, đồng thời nhớ Phật tưởng Phật. Giai điệu của thánh hiệu không được khoan thai nhẹ nhàng, mà phải vững chắc đẹp đẽ, tốc độ xướng niệm (thầm) càng nhanh càng tốt. Chỉ có một câu niệm đi niệm lại, không thể đem nhiều câu biến thành hợp âm để xướng niệm. Cũng không thể trong lúc nhớ lạy Phật vô tướng thì lạy đức Phật Dược Sư, mà lúc thường lại xướng niệm Bồ-tát Quán Thế Âm; lạy và xướng niệm cùng một vị mà thôi, thì tâm không bị phân rẽ, lạy Phật và niệm Phật được chuyên nhất. Ngoài ra, lúc bình thường, khi trong tâm thầm xướng niệm thánh hiệu, không nên ham niệm cho nhiều, mà nên chậm rãi khoan thai; khi xướng niệm hãy chú ý coi tâm mình có hấp tấp không, có nổi vọng tưởng không, có đang nhớ Phật không. Nếu người đã có kinh nghiệm trì danh niệm Phật, hoặc đã hiểu rõ như thế nào là nhớ Phật lạy Phật, thì nên chuyên tâm học tập pháp nhớ lạy Phật vô tướng, không cần phải thực hành pháp trì danh niệm Phật.
2. Mỗi buổi sáng tối trong ngày đều nhớ lạy Phật vô tướng từ 10 đến 20 phút, không để cho gián đoạn; cũng không thể hôm nay thì lạy Phật 2 giờ đồng hồ, rồi ngày mai ngày mốt lại nghỉ. Cũng như chèo thuyền, cần phải chèo liên tục, nếu ngưng chèo trong một khoảng thời gian thì thuyền sẽ trôi khỏi luồng chạy, hoặc bị nước đẩy trôi trở lại phía sau. Thời gian lạy Phật chỉ có thể gia tăng mà không được giảm bớt. Trừ thời gian lạy Phật ra, trong tâm còn phải xướng niệm Phật hiệu không ngưng nhỉ. Sau khi luyện tập như thế một thời gian, tâm tán loạn dần dần bị khống chế. Nhưng vẫn sẽ phát hiện những tạp niệm trong khi mình lạy Phật tuy ngày càng giảm thiểu, Phật hiệu cũng không thể xuất hiện trong tâm, lại rất dễ bị các thứ âm thanh bên ngoài hấp dẫn. Các thứ âm thanh như tiếng chuông điện thoại, tiếng chuông gọi cửa, tiếng người nói, tiếng máy truyền hình, tiếng ca nhạc, tiếng chó sủa v.v..., chỉ cần có âm thanh thì tâm liền phan duyên liên tưởng, tiếp nối không dứt. Thẳng đến lúc động tác của một lạy kết thúc, và lạy sau sắp bắt đầu, mới lại nghĩ rằng chính mình đang nhớ lạy Phật vô tướng, nhiên hậu lại bắt đầu cái lạy mới. Hành giả đừng lấy đó làm buồn; đối với người sơ học, đó là cái giai đoạn không thể tránh khỏi. Chỉ cần hạ quyết tâm, giữ cho bền chí, mỗi ngày nhớ lạy Phật vô tướng và thầm niệm Phật hiệu không gián đoạn (người nguyên đã có cơ sở trì danh, nên dùng ức niệm mà niệm Phật), nhất định sẽ tiến bộ.
 Do mỗi ngày giữ liên tục việc luyện tập nhớ lạy Phật vô tướng và niệm Phật trong ức niệm, hoặc thầm xướng niệm Phật hiệu, mà tâm phan duyên không ngừng bị giảm xuống, cuối cùng không còn bị những âm thanh bên ngoài ảnh hưởng nữa, mà chuyên chú vào phép tu nhớ lạy Phật vô tướng. Điều đó cho biết công phu của mình đã được tăng cường, năm căn nhĩ, tị, thiệt, thân và ý đã bị chế ngự; chỉ riêng nhãn căn và nhãn thức thì còn khó khống chế, thường thường khi nhớ lạy Phật vô tướng, khi thấy trên đất có một sợi tóc hay một vật gì khác, tâm liền phan duyên. Mỗi lần khom lưng lạy xuống, không tự chủ được, cũng phải nhìn nó một cái. Đã biết rõ mình phải để hết tâm ý nhớ Phật lạy Phật, theo sát cái niệm nhớ Phật, mà lại không có cách nào làm cho mình đừng nhìn đến nó. Cái tâm phan duyên này, một cách tương đối, so với các loại tâm phan duyên khác, cũng đã là vi tế hơn nhiều rồi. Chúng sinh từ vô thỉ kiếp cho đến nay, các tập khí do nhãn căn mà có, rất khó đối trị, với công phu hiện có, thật không đủ sức để khắc chế. Phương pháp duy nhất là tạm thời hãy nhắm mắt lại để khỏi phải thấy gì hết. Đợi đến sau này, khi công phu mạnh mẽ thì mở mắt trở lại. Đến đây, hành giả có thể bước vào giai đoạn thứ ba.
3. Nhắm mắt nhớ lạy Phật vô tướng: Nhắm mắt nhớ lạy Phật vô tướng có thể đối trị tâm phan duyên ở nhãn căn, tinh thần tập trung dễ dàng, công phu tăng cường nhanh chóng; mà tâm quán chiếu khi lạy Phật cũng rõ ràng hơn. Nhưng nhiều người khi lạy Phật mà nhắm mắt thì lại dễ bị choáng váng, vậy phải tìm hiểu cái nguyên nhân của tình trạng choáng váng ấy để khắc phục. Dù thế nào thì cũng đừng vì sự choáng váng ấy mà bỏ đi cái giai đoạn rất quan trọng này. Đại khái, các nguyên nhân làm cho đầu choáng váng như sau:
 a) Choáng váng vì mất cảm giác về phương hướng: Những người thuộc trường hợp này, trước khi nhắm mắt nhớ lạy Phật vô tướng, hãy tự cảnh tỉnh rằng: “Phật không có căn thân, không tướng mạo, pháp thân đầy khắp mọi nơi, Phật ở ngay trong tâm mình. Phật tượng ngay ở trước mặt mình cũng không phải là Phật, mà chỉ là một thứ tượng trưng, một loại pháp khí mà thôi.”Cho nên không cần phải cố chấp mà bắt thân thể mình nhất định phải lạy về một phương hướng nào. Dù cho quay ra sau mà lạy – tức là xoay lưng lại với tượng Phật mà lạy, thì cũng chẳng quan trọng gì. Trong tâm đã trừ bỏ được sự cố chấp về phương hướng, thì nhắm mắt lạy Phật không còn bị choáng váng nữa.
 b) Choáng váng vì cái tư thế lạy Phật không được chính xác: Lúc khom lưng hạ người xuống, không nên để đầu thấp hơn thân thể (nếu người không bị chứng choáng váng thì không cần quan tâm điểm này), lúc lạy xong đứng dậy, lúc nào cũng giữ cho đầu cao hơn thân thể chút ít. Khi khom lưng mà đầu cúi thấp thì máu sẽ chảy dồn xuống đầu, khi ngẩng dậy máu lại đột ngột chảy dồn về thân thể, rất dễ làm cho choáng váng; cho nên, làm như cách trên là để tránh khỏi bị choáng váng. Một trường hợp khác cũng có thể làm cho choáng váng, là khi năm vóc gieo xuống đất mà cánh tay quá cao; trường hợp này, nên đưa thân thể thụt ra sau, hạ mông thật thấp xuống, để tránh cho lượng máu khỏi đầy ứ nơi đầu. Nếu vì quần dài quá chật hoặc không có tính co dãn, khiến không thể hạ mông xuống thấp được, thì nên thay loại y phục rộng rãi mặc lúc nghỉ ngơi, hoặc loại quần áo tập thể dục. Dây lưng quần nên dùng dây thun hay cái “ghen” (đeo tất) là thích hợp. Khi đầu chạm đất thì chóp mũi phải cùng lúc chạm đất, để tránh cho đỉnh đầu không chạm đất.
c) Thân thể béo mập: Người thân thể béo mập, nên đặt cái đệm để lạy, cao khoảng 2 tấc tây. Khi lạy, cả hai chân và hai đầu gối đều chạm đất, còn đầu và bàn tay, khuỷu tay đều đặt trên cái đệm lạy. Làm vậy để tránh cho máu không dồn ứ trên đầu, khỏi bị choáng váng.
Sau khi đã khắc phục được chứng choáng váng do nhắm mắt lạy Phật, liền có thể tiếp tục phép nhớ lạy Phật vô tướng. Mỗi ngày chuyên chú nhất tâm, liên tục luyện tập, không phan duyên ngoại cảnh, so với lúc trước, tiến bộ nhanh chóng; khi lạy Phật, Phật hiệu đã khó xuất hiện được trong tâm.
4. Tránh đừng áp chế hơi thở: Từ giai đoạn khó khắc phục ở trên trở về sau, có nhiều người biết mình không còn phan duyên theo sắc thanh hương vị xúc pháp, nhưng có thể lại phát giác ra rằng mình bị khó thở, hoặc có cảm giác như có cọng cỏ mắc kẹt nơi cuống họng, rất khó chịu. Đó chẳng qua là vì “tâm” vẫn còn quá thích phan duyên; nhưng lúc bấy giờ năm căn nhãn, nhĩ, tị, thiệt và ý đều bị bít lối, không thể phan duyên được, tốt hơn hết là chuyển sang phan duyên nơi hơi thở của thân căn vậy. Nhân đó, một mặt thì lạy Phật, một mặt thì ở tầng dưới của ý thức ra tay khống chế hơi thở! Lúc đầu thì không biết, đến khi phát giác thấy khó chịu nơi cuống họng, hơi thở khó khăn, thì sự trạng cũng đã trải qua vài tuần rồi. Bây giờ đã phát hiện biết có hiện tượng đó, thì khi lạy Phật, phải chú ý đến nó, không để cho tầng dưới của ý thức phan duyên làm khó hơi thở nữa. Nếu hiện tượng khống chế hơi thở đã quá nghiêm trọng (rất ít người bị), làm cho cuống họng vô cùng khó chịu, có thể tạm thời dùng miệng để thở. Sau một thời gian thì trở lại thở bằng mũi, nhưng phải chú ý đề phòng tầng dưới của ý thức lại phan duyên khống chế hơi thở. Nếu người gặp tình trạng này, thì khi thầm xướng niệm Phật hiệu trong sinh hoạt hằng ngày, cũng sẽ gặp tình trạng khó thở tương tự, cho nên phải chú ý đề phòng. Cho đến khi lạy Phật mà không còn vướng bất cứ mối phan duyên nào, cái giai đoạn khó khăn này mới gọi là đã hoàn toàn vượt qua. Nếu người nào không bị hiện tượng khó thở này, xin tiến thẳng vào giai đoạn kế tiếp sau đây.
5. Khi nhắm mắt nhớ lạy Phật vô tướng có thể đạt đến cảnh giới một niệm không sinh: Hành giả lúc nhắm mắt nhớ lạy Phật vô tướng, đã có thể chuyên nhất ức niệm nơi Phật. Cái niệm chuyên nhất nhớ Phật ấy thật sáng tỏ, rõ ràng, không bị phan duyên theo sắc thanh hương vị xúc pháp. Tuy là được như thế, nhưng không nên tự mãn, mà vẫn phải tinh tấn thực tập cho tinh thục. Cũng giống như chăn trâu, luôn luôn phải chú ý theo sát chúng; công phu nhớ lạy Phật vô tướng và thầm niệm Phật hiệu trong lúc bình thường cũng phải như vậy. Mỗi ngày tinh tấn tập luyện, thì mai sau, sự tịnh niệm nhớ Phật khi lạy Phật sẽ giữ được liên tục một cách an nhiên tự tại. Lúc đó, không còn phải đem hết tinh thần chú ý, mà tự nhiên nhớ niệm. Cái niệm tự nhiên ấy thật rõ ràng phân minh, mà cái lạy lúc ấy cũng thật khoan thai mát ý, không có gì gấp gáp rộn ràng. Nếu hành giả đã từng tu tập nhiều năm phép thiền đếm hơi thở, có thể cảm thấy được chuỗi tịnh niệm tiếp nối trong khi nhớ lạy Phật vô tướng, so sánh với công phu đếm hơi thở trong lúc tĩnh tọa khi đạt đến chỗ“đếm mà không đếm, một niệm tiếp nối”, quả thật không có chỗ phân biệt. Lúc bấy giờ tâm đã vô cùng vững chắc, vào lúc nhớ lạy Phật vô tướng đã hoàn toàn thể nhập cảnh giới “một niệm không sinh”. Do đây có thể hiểu được ý của kẻ hậu học này khi nói rằng:“Đối với người đã tiến vào cảnh giới này, thật sự phải nói đó là cảnh giới một niệm tiếp nối.” Hành giả đã đến giai đoạn này, trong những lúc đi đứng ngồi nằm thường ngày, trong tâm vẫn phải thầm niệm Phật hiệu, đừng để bị gián đoạn. Đến lúc này, nếu tốc độ xướng niệm Phật hiệu trở nên vô cùng chậm rãi thì đừng nên hoang mang, vì đó là hiện tượng bình thường, nó chứng tỏ định lực bắt đầu hiển hiện, tâm không còn trạo cử. Tuy có lúc tâm rất khinh an, không muốn thầm niệm Phật hiệu, nhưng không phải vì vậy mà bỏ quên Phật hiệu; vẫn phải thầm niệm Phật hiệu một cách bình thường, đồng thời ức niệm trong tâm. Người đã có cơ sở trì danh niệm Phật, trong sinh hoạt hằng ngày phải thường tự cảnh giác hành trì nhớ Phật niệm Phật, không nên thầm đọc Phật hiệu nữa.
6. Mở mắt lớn lên mà nhớ lạy Phật vô tướng: Do vì công phu hiện tại đã gia tăng mạnh mẽ, có năng lực khắc phục các phan duyên của nhãn căn, cho nên chuyển (từ nhắm mắt) sang mở to đôi mắt mà nhớ lạy Phật vô tướng. Vẫn mỗi ngày hai buổi sáng tối đều lạy Phật từ 10 đến 20 phút. Khi lạy Phật cứ mở mắt, nhưng vẫn nhớ nghĩ đến Phật. Lúc đầu có thể bị xao lãng chút ít, lại còn bị sắc trần lôi cuốn. Có lúc mắt xem tượng Phật, trong tâm liền có tượng Phật; có lúc thấy một vật phẩm ở dưới bàn thờ, hoặc một sợi tóc, một miếng bông gòn, hay một mẩu hoa văn. Lúc đó hành giả phải tức thời thu nhiếp tâm thần, chuyên tâm chú ý đến dòng tịnh niệm khi lạy Phật, xem có bị đứt đoạn hay không. Tiêu điểm của cặp mắt phải lìa khỏi tất cả hình tượng. Mắt tuy có thấy, nhưng đó chỉ là một ảnh tượng mơ hồ, thu nhiếp nhất tâm hướng vào trong, tưởng đến pháp thân Phật, an trú tại tâm mình, một lòng chỉ có nhớ Phật lạy Phật, và quán sát cái niệm nhớ Phật ấy thật rõ ràng, phân minh. Ngày ngày đều tinh cần chuyên nhớ chuyên niệm lạy Phật, đừng để cho tâm thần bị phân tán. Dần dần có thể nhìn mà không thấy, nghe như không nghe, chuyên nhớ đến một đức Phật mà lễ bái. Khi lạy Phật, sáu trần(xin xem chú thích số 12 của tác giả ở cuối sách) không làm chướng ngại mình. Bấy giờ, tốc độ lạy Phật tự nhiên sẽ nhanh hơn lúc trước một chút; đó là vì công phu sắp thành công.
7. Bắt đầu pháp môn Niệm Phật Vô Tướng trong sinh hoạt thường ngày: Lúc nhớ lạy Phật vô tướng ở giai đoạn trên, có thể không để ý đến ảnh hưởng của sắc thanh hương vị xúc pháp, mà chuyên nhớ chuyên lạy một cách chậm rãi, an tường, không bị phân tâm, tức có thể bắt đầu bảo trì được thường xuyên cái niệm nhớ Phật khi lạy Phật trong sinh hoạt thường ngày, mà không cần phải thầm niệm Phật hiệu nữa; đó tức là niệm Phật vô tướng. Niệm Phật vô tướng lúc bấy giờ, đức Phật mà mình nghĩ nhớ trong tâm, phải cùng là đức Phật mà mình lạy khi tu tập phép nhớ lạy Phật vô tướng trong hai buổi sáng tối mỗi ngày. Không thể ở hai buổi sáng tối, khi nhớ lạy Phật vô tướng thì lạy Phật Thích Ca Mâu Ni, mà khi bình thường niệm Phật vô tướng, lại niệm đức Bồ-tát Quán Thế Âm! Nếu không nhất trí như thế thì công phu sẽ bị giảm yếu, hoặc không thể tăng cường. Cũng không thể có lúc thì nhớ tưởng đức Phật Thích Ca Mâu Ni, có lúc thì nhớ tưởng đức Phật A Di Đà; lại càng không thể cùng lúc nhớ nghĩ đến hai, ba hay bốn vị. Cần phải chuyên tâm ức niệm chỉ một đức Phật (hay Bồ-tát) mà mình đã tự chọn từ lúc bắt đầu tu học pháp môn này, vĩnh viễn không thay đổi. Như thế, ở trong sinh hoạt thường ngày, luôn luôn lúc nào cũng giữ gìn cái niệm nhớ Phật của lúc nhớ lạy Phật vô tướng, không có danh hiệu, hình tượng, âm thanh, trong tâm biết một cách rõ ràng chính mình đang nghĩ nhớ đức Phật (hay Bồ-tát) ấy; đó chính là niệm Phật vô tướng, là bước đầu tiến vào cánh cửa pháp môn Niệm Phật Viên Thông của đức Bồ-tát Đại Thế Chí. Đương nhiên, bằng cách trì danh niệm Phật, hành giả cũng có thể đạt đến tầng bậc này, với điều kiện là phải chuẩn bị chính xác và đầy đủ tri kiến và công phu về thiền định mới được; – ngoại trừ một số rất ít người có đầy đủ thiện căn, phước đức, và nhân duyên, còn người thường, cơ hồ có thể nói rằng, hi vọng thì được mà đạt đến thì hoàn toàn không có khả năng.
Công phu Niệm Phật Vô Tướng đến đây là thành tựu, cần phải trân quí giữ gìn, không nên buông lung tâm mình mà trở về lại với phép trì danh niệm Phật. Tuy nhiên, khi hành trì niệm Phật vô tướng trong sinh hoạt hằng ngày, hành giả cũng có lúc bị quên mất cái niệm ấy, giống như những người hành trì phép trì danh niệm Phật vậy. Nhưng, đối với người học Phật mười mấy năm mà không thông đạt, khi người ấy luyện tập đến giai đoạn này, trong tâm tự biết nhân duyên đã thù thắng, hiểu rõ rằng pháp môn này chính là thứ mình được thọ dụng, do đó mà chí không thối chuyển; cho nên, dù có lúc bị quên mất cái niệm này, cũng tức thì biết tự cảnh tỉnh, phản chiếu nội tâm, khơi dậy lại chánh niệm nhớ tưởng Phật. Trong khi nói chuyện với người khác, nhân vì phải lắng nghe và phải suy nghĩ để đáp lời, cho nên cái niệm này có thể bị quên đi; khi phải suy nghĩ về các sự việc công tư, cái niệm này cũng nên tạm thời buông bỏ. Nếu chức nghiệp hay công tác của hành giả có tính nguy hiểm cao độ, thì cứ để tâm chuyên chú vào công tác, đừng để cho tâm bị phân tán. Mỗi tối trước khi ngủ, hành giả có thể nằm trên giường một cách an nhàn mà niệm Phật vô tướng, bất tất phải chuyên tâm, tự nhiên ngay trong lúc niệm Phật vô tướng mà đi vào giấc ngủ. Đã tiến đến bước này, hành giả vẫn phải hành trì nhớ lạy Phật vô tướng đều đặn hai buổi sáng tối mỗi ngày, không được bỏ qua. Cho tới khi hầu hết thời gian trong ngày có thể niệm Phật vô tướng mà không quên mất, tức là giai đoạn này đã thành công. Bấy giờ thì đã có được niềm pháp hỉ mạnh mẽ. Nếu thời gian tu thành công giai đoạn này mà chiếm hơn hai tháng thì niềm pháp hỉ hơi nhạt. Thời gian trải càng lâu, niềm pháp hỉ càng nhạt; nếu kéo dài đến sáu tháng mới tu tập thành tựu, niềm pháp hỉ ấy hầu như không có; tuy nhiên, công phu vẫn đầy đủ. Tu tập thành công nhanh chóng, niềm pháp hỉ có được cũng sẽ nhân vì thói quen nơi cảm giác mà dần dần cũng trở nên nhạt phai, hành giả đừng để tâm về chuyện đó.
8. Lạy nhiều đức Phật và Bồ-tát: Những ngày đầu của giai đoạn này, vào mỗi buổi sáng, vẫn chuyên nhất lạy một đức Phật (hay Bồ-tát); khi lạy thì chuyên nhớ chuyên niệm, mà không danh hiệu, không hình tượng. Trong sinh hoạt thường ngày cũng vẫn nhớ nghĩ vô tướng cùng một đức Phật (hay Bồ-tát) đó. Khi lạy Phật vào buổi tối, có thể đổi cách ra lạy nhiều đức Phật và Bồ-tát. Trước khi lạy, hãy chọn sẵn từ 3 đến 6 vị, xếp theo thứ tự, Phật trước, Bồ-tát sau. Vị chắc chắn phải chọn đầu tiên là đức Phật Thích Ca Mâu Ni, vì chúng sinh ở thế giới Ta-bà này, tất cả người học Phật đều là đệ tử của đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni, đều do nơi đức Thế Tôn Thích Ca mà biết tu học Phật pháp. Uống nước nhớ nguồn, vì cảm đội ơn đức của Ngài, nên khi lạy Phật thì lạy Ngài trước tiên. Tiếp đến là các đức Phật và Bồ-tát khác. Như vậy, hành giả tùy tâm tự biết mình có duyên với đức Phật và Bồ-tát nào, hãy chọn thêm từ 2 đến 5 vị nữa, xếp sau đức Thích Tôn. Sau khi đã xếp đặt như thế xong rồi là vĩnh viễn không thay đổi. Khi hành trì phép nhớ lạy Phật vô tướng vào buổi tối mỗi ngày, y theo thuận tự mà lạy các đức Phật và Bồ-tát đó. Lạy mỗi vị 3 lạy, và vẫn giữ thời gian chừng mực là từ 10 đến 20 phút. Nếu đến giờ mà lạy chưa xong, cứ tiếp tục chậm rãi mà lạy cho xong. Khi chọn các đức Phật và Bồ-tát có duyên, tối thiểu phải là 3 vị, mà tối đa cũng chỉ đến 6 vị mà thôi; ít hơn 3 vị thì tác dụng không rõ ràng, nhiều hơn 6 vị thì tinh thần dễ bị phân tán (vì tâm phải nhớ cái thứ tự quá dài), đưa đến tâm tán loạn.
Giai đoạn này cũng là phương tiện quyền xảo, mục đích là huấn luyện cho hành giả tâm càng trở nên vi tế ẩn mật thì lại càng sáng tỏ; muốn cho hành giả không những có năng lực phân biệt niệm tưởng (thoại đầu), mà ngoài ra, sau này khi tham thiền, cũng đủ năng lực tư duy quán chiếu (xin xem chú thích số 12 của tác giả ở cuối sách).
Hành giả khi lạy Phật vào buổi tối, vẫn phải trừ bỏ danh hiệu, hình tượng và âm thanh, nhưng mỗi khi lạy một lạy, phải phân biệt rõ ràng rằng: niệm này là lạy đức Thế Tôn Thích Ca; niệm này là lạy đức Thế Tôn Di Đà; niệm này là lạy đức Bồ-tát Quán Thế Âm; niệm này là lạy đức Bồ-tát Đại Thế Chí. Cái “tướng niệm”[82] của niệm trước và niệm sau sai khác ở chỗ nào, đều phân minh rõ ràng.
Khi mới bước vào giai đoạn này, buổi sáng vẫn chỉ chuyên nhất lạy đức Phật (hay Bồ-tát) mà mình đã chọn từ lúc bắt đầu tu tập pháp môn này; đến buổi tối mới lạy nhiều đức Phật và Bồ-tát. Bởi vì hành giả vừa mới thành công ở giai đoạn 7, công phu chưa đủ mạnh; vừa chuyển vào giai đoạn này, khi niệm Phật vô tướng trong sinh hoạt hằng ngày, vẫn cần nương vào công phu mà mình đã đạt được trong phép lạy Phật vô tướng ở buổi sáng; cho nên mỗi buổi sáng vẫn phải giữ chuyên nhất lạy một đức Phật, lí do là như thế. Nếu vừa mới bước vào giai đoạn này mà sáng tối đều lạy nhiều đức Phật và Bồ-tát, có thể khiến cho công phu của hành giả bị đình trệ, không tiến bộ thêm. Cho nên xin đề nghị với hành giả, khi bắt đầu vào giai đoạn này, lạy Phật vào buổi sáng, chỉ lạy một đức Phật; nhờ sự nhớ lạy Phật chuyên nhất đó mà công phu trong động sẽ được gia tăng mạnh mẽ, khiến mình có thể tập trung tâm lực niệm Phật vô tướng trong sinh hoạt hằng ngày, nhanh chóng tu tập thành tựu.
Giai đoạn này phải luyện tập liên tiếp trong thời gian từ hai đến bốn tuần lễ, cho đến khi cái niệm về niệm Phật vô tướng của hành giả trong sinh hoạt đi đứng ngồi nằm hằng ngày, đạt đến chỗ càng ở trong tình trạng xao động, càng trở nên rõ ràng phân minh; bấy giờ, hành giả có thể chuyển sang bước kế tiếp là cả hai buổi sáng tối đều lạy nhiều đức Phật và Bồ-tát. Nhưng phải nhớ, trong cả hai buổi ấy đều lạy các đức Phật và Bồ-tát giống nhau như đã chọn, cả thuận tự của các Ngài cũng không được thay đổi; còn bình thường niệm Phật vô tướng thì vẫn là đức Phật mình đã chọn từ lúc ban đầu, không được đổi tới đổi lui.
Hành trì phép nhớ lạy Phật vô tướng trong giai đoạn này, mỗi đức Phật và Bồ-tát phải lạy đúng 3 lạy, không hơn không kém; hơn thì tác dụng phân biệt tướng niệm không rõ ràng, kém thì tâm dễ tán loạn, công phu khó tăng tiến. Khi vừa mới bước vào giai đoạn này, thường bị quên số lần lạy: có lúc mới 1 lạy thì nhớ là đã 2 lạy; có lúc đã 3 lạy thì nhớ là mới có 2 lạy. Nếu khi lạy mà bị lẫn lộn, không biết rõ ràng, thì hãy cứ chấp nhận con số mà mình biết lúc đó, không cần phải tự trách mình sao đã quên con số; làm như thế là vì tránh không để cho tâm hối hận có thể gây ảnh hưởng xấu cho công phu tu hành vào giờ phút đó.
Ngoài ra, số lần lạy Phật sở dĩ có là vì có thân thể và có động tác lạy Phật, nếu lìa thân thể và động tác, thì con số ấy không có. Chúng ta đang lợi dụng thân thể và động tác để làm công cụ luyện tâm, chỉ cần có thể chế ngự được tâm trụ một chỗ, chỉ cần được chuyên nhất, phân biệt tướng niệm được tỉ mỉ, được như thế là tốt; số lần đúng hay sai không thành vấn đề, quan trọng là chúng ta có tu thành tựu công phu phân minh rõ ràng hay không. Do đó, hành giả trong lúc nhớ lạy Phật vô tướng, nếu số lần lạy bị nhớ lẫn lộn, cứ dứt khoát chấp nhận ngay con số mình biết lúc bấy giờ, rồi tiếp tục lạy; không để cho tâm hối hận hoặc trách cứ mình làm ảnh hưởng đến công phu tu hành.
Về sự ghi nhớ số lần lạy Phật, không được để cho chữ hay tiếng “một, hai, ba” xuất hiện trong tâm, mà vẫn biết rõ mình đang lạy cái lạy thứ mấy, đồng thời cũng nhớ rõ đức Phật mình đang lạy. Sau khi lạy một đức Phật (hay Bồ-tát) 3 lạy rồi, trong tâm cũng không được khởi lên ý niệm, ví dụ: “Tiếp theo là lạy đức Bồ-tát Đại Thế Chí.”; mà hãy nhớ nghĩ trực tiếp đức Phật (hay Bồ-tát) kế tiếp, và an trụ nơi ý nghĩ về cái lạy thứ nhất, tuyệt nhiên không có danh hiệu và con số. Cái “niệm nhớ tưởng Phật Bồ-tát” và cái “ý nghĩ lạy thứ nhất” đồng thời cùng tồn tại, rỏ ràng, phân minh. Luyện tập một thời gian lâu, tự mình có thể phân biệt rõ ràng: hiện tại mình đang lạy đức Phật (hay Bồ-tát) đó, và đây là cái lạy thứ mấy. Cái niệm về một đức Phật trước khi lạy, và cái niệm về một đức Phật sau khi lạy, phải được phân biệt rõ ràng.
9. Phật ở Linh-sơn, đừng tìm xa: Khi hành giả hoàn thành công phu của giai đoạn thứ 8, tự biết mình còn không bao lâu nữa sẽ hoàn toàn tu tập thành tựu pháp môn Niệm Phật Vô Tướng, trong tâm vô cùng vui mừng; nhưng, phải đề phòng tâm tự mãn và cống cao! Nếu khởi tâm tự mãn thì sẽ không lạy Phật nữa, công phu liền đình trệ, không tiến tới nữa. Hành giả nên biết, công phu của pháp môn này cần phải dùng phép nhớ lạy Phật vô tướng làm phương tiện, thì mới được gia tăng mạnh mẽ. Nếu tâm sinh tự mãn rồi giải đãi trong việc lạy Phật, công phu khó mà tăng tiến. Trừ phi hành giả đã từng tu định từ nhiều kiếp, là người lợi căn, hoặc công phu đã vượt khỏi tầng bậc này thì không nói, còn không, vẫn phải tinh cần tu tập phép nhớ lạy Phật vô tướng vào hai buổi sáng tối mỗi ngày.
Nếu khởi tâm cống cao thì cũng khởi tâm phân biệt, cho rằng ta có khả năng, còn người khác thì không có khả năng; người kia không bằng ta, họ phải học theo ta. Đã khởi tâm phân biệt, đối với người tất khởi tâm khinh mạn; tâm đã phân biệt khinh mạn thì mất hết các pháp lợi. Cho nên hành giả đã tiến đến giai đoạn này, cần phải trừ khử tâm tự mãn và cống cao ngã mạn, tiếp tục tinh cần tập luyện, ngày càng thuần thục, tâm càng sáng tỏ, thanh tịnh. Cuối cùng, khi nhớ lạy Phật vào hai buổi sáng tối mỗi ngày, ý chí không cần gắng sức mà có thể soi thấy cái niệm nhớ Phật, rõ ràng phân minh; cái niệm về lạy đức Phật trước, cùng với cái niệm về lạy đức Phật sau, phân biệt cực kì tỏ rõ. Khi lạy Phật thì thư thái, an nhiên, tự tại. Số lần lạy mỗi đức Phật (hay Bồ-tát) sẽ không bị quên mất, cũng không có chữ hay tiếng của con số xuất hiện trong tâm. Lúc bấy giờ thì sự hành trì niệm Phật vô tướng trong sinh hoạt hằng ngày cũng thư nhẹ, tự nhiên như vậy. Tuy thân đang bận rộn trong đời sống đầy rối rắm khẩn trương hiện tại, nhưng không giờ phút nào mà không niệm Phật vô tướng một cách tự tại; thậm chí khi cùng người nói chuyện, khi xử lí các công việc công tư, suy nghĩ mọi sự, đều không nhớ mà nhớ, niệm Phật vô tướng một cách tự động, tự phát.
Hành giả tu tập đến bước này, trong tâm sáng tỏ thanh tịnh, tự biết Phật ở tại tâm mình, Phật ở trong tự thân mình; đó gọi là “Phật ở Linh-sơn đừng tìm xa, Linh-sơn vốn tại ngay tâm ta.” Thẳng xuống nhận định: cái niệm niệm Phật vô tướng này thật sự là hướng vào nội tâm mà niệm. Nếu hành giả trước nay vốn niệm đức Phật Thích Ca Mâu Ni, thì tự biết đức Thích Ca Mâu Ni kì thật ở tại tâm mình, không cách xa gang tấc; nếu vốn niệm Phật A Di Đà (hoặc một đức Phật hay Bồ-tát nào khác), cũng đều như vậy.
Hành giả lúc bấy giờ, nếu đang đi đường thì thấy con chó là Phật, thấy người cũng là Phật. Tất cả cái gì nhãn căn trông thấy cũng đều là cái niệm nhớ Phật, mà không hề có Phật hiệu, âm thanh, hay hình tượng. Hoặc ở trong sinh hoạt hằng ngày, nghe bất cứ một tiếng gì, cũng đều là cái niệm nhớ Phật, mà trong tâm không hề có tiếng của Phật hiệu. Những cảnh tượng được diễn tả trong Kinh Phật Thuyết A Di Đà như: “Gió thổi nhẹ làm lay động các hàng cây báu và các mạng lưới báu, phát ra âm thanh vi diệu, ...... Người nghe các âm thanh ấy đều tự nhiên sinh tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.”, tức là trường hợp này vậy. Chúng ta ở nơi thế giới Kham-nhẫn[83] đầy năm thứ dơ bẩn này, tuy không có các hàng cây báu và các mạng lưới báu để phát ra âm thanh vi diệu, nhưng do biết y theo pháp môn Niệm Phật Viên Thông để khéo léo tu trì, khi đạt được đến bước này, nghe tất cả mọi âm thanh huyên náo, tự nhiên khởi tâm niệm Phật, tất cả mọi niệm khởi lên trong tâm đều là niệm nhớ Phật. Hành giả tu tập đạt đến bước này, niềm cảm thọ pháp hỉ đạt được ở đỉnh đầu. Nếu người tinh tấn cùng cực, trong vòng 6 tuần lễ tu tập đã đạt đến được bước này, thì niềm pháp hỉ lại vô cùng mãnh liệt, thậm chí còn nhảy nhót nữa! Gặp ai cũng khuyên tu tập pháp môn này, khởi tâm từ bi, nguyện khắp mọi người đều do từ pháp môn này mà chứng nhập “duy tâm tịnh độ”, hoặc vãng sinh về tịnh độ của chư Phật. Mình tự biết chắc chắn, đến khi lâm chung là vãng sinh Cực-lạc, không chút nào do dự. Tâm vô cùng an ổn, vững chãi, khác với tâm trạng bàng hoàng của những người học Phật không thành công. Nếu hành giả vốn có tham thiền, thì lúc này đã đủ sức để sẵn sàng tham thoại đầu và tư duy quán chiếu, cánh cửa vô-môn đã ở ngay trước mắt, tâm vô cùng hoan hỉ, bèn phát thệ nguyện: Nguyện cho tất cả mọi Phật tử đều do từ pháp môn Niệm Phật Vô Tướng này mà đích thân trông thấy cánh cửa vô-môn!
Thông thường người tu tập pháp môn Niệm Phật Vô Tướng này, đến giai đoạn thứ 9 thành công, đa phần trên dưới 3 tháng thì niềm pháp hỉ phai dần. Nếu không tinh tấn thì 4, 5 tháng, thậm chí cả năm, cũng không thành công. Người căn khí không nhạy bén, nếu tu tập tinh cần, hết 6 tháng cũng có thể thành công, nhưng niềm pháp hỉ sẽ rất nhạt. Hành giả tu tập pháp môn này, tối kị là tính nôn nóng, cứ muốn vượt gấp tới trước, tham cầu pháp hỉ; nên biết, quá nóng vội sẽ hỏng việc, lại còn mất thêm thì giờ, sau ăn năn không kịp. Vả lại, pháp hỉ chỉ là loại cảm giác tâm lí do tu tập thành công, giống như được tưởng thưởng, lúc đầu thì vui mừng, rồi dần dần phai nhạt đi; đó là niềm vui vô thường, không phải là là niềm vui vĩnh cửu. Hành giả không nên tu tập pháp môn này vì cầu được thưởng thức niềm pháp hỉ, mà mục tiêu tu tập loại công phu này phải là vì đạt được sự giải thoát rốt ráo; còn pháp hỉ chỉ là cái ích lợi phụ giúp mà thôi.
10. Động tịnh kiêm tu: Sau khi tu tập thành công pháp môn Niệm Phật Vô Tướng, hành giả vẫn không được tự mãn. Nếu quán sát thật kĩ, vẫn có thể phát giác ra rằng, cái ý niệm nhớ Phật trong lúc cùng người nói chuyện hay suy nghĩ sự việc gì, vẫn chưa được rõ ràng hoàn toàn. Cho nên, khi nói chuyện hay suy nghĩ việc gì, cần chú ý, “nội nhiếp và ngoại duyên[84] phải cân bằng” (xin xem chú thích số 13 của tác giả ở cuối sách); nếu trong ngoài đều cân bằng thì cái niệm nhớ Phật liền trở nên sáng tỏ. Muốn đạt được bước này, ngoại trừ việc hành trì nhớ lạy Phật vô tướng vào hai buổi sáng tối hằng ngày và niệm Phật vô tướng trong sinh hoạt hằng ngày, còn phải tham gia một hội niệm Phật để cùng tu chung với người khác. Khi cùng tu chung thì miệng xướng niệm Phật hiệu, tâm quán chiếu niệm nhớ Phật, làm sao cho cái niệm này không bị ảnh hưởng bởi câu Phật hiệu, mà luôn luôn chuyên nhất, rõ ràng. (Mình ở tại nhà cũng có thể xướng niệm như vậy.) Ngoài ra, mỗi ngày nên tĩnh tọa một giờ. Khi tĩnh tọa thì niệm Phật vô tướng, không được hôn trầm, quán chiếu cái niệm vô tướng niệm Phật này từ thô sơ đến vi tế. Đó là công phu từ động chuyển thành tĩnh. Chư Phật tử muốn thành tựu đạo nghiệp, cần phải tu tập cả trong lúc động lẫn trong lúc tĩnh; được thế thì nhanh chóng nhập đạo.
Nếu hành giả muốn vào cảnh giới “niệm Phật tam ma địa”, tu “duy tâm tịnh độ”, cũng phải mỗi ngày tĩnh tọa niệm Phật vô tướng, không nên chỉ ỷ lại nơi công phu niệm Phật vô tướng trong hoàn cảnh xao động hằng ngày. Bởi vì tam ma địa có tướng định[85], cho nên phải tìm cầu trong lúc ngồi yên. Khi niệm Phật vô tướng trong lúc tĩnh tọa, thân không nghiêng ngả giao động, sáu căn đều thu nhiếp, tịnh niệm tiếp nối; cứ thế mà ngày ngày luyện tập. Đến một sáng sớm nào đó, tánh chướng[86] tiêu trừ, liền nhập vào tam ma địa. Nếu không tự mãn, lại chuyên cần tu tập, tam ma địa thuần thục, dần dần đạt được các công dụng tam muội của pháp môn Niệm Phật. Nhân vì pháp môn này thâm nhập vào cảnh giới niệm Phật viên thông của Bồ-tát Đại Thế Chí, cho nên dần dần sẽ chứng nhập Lăng-nghiêm đại định. Về việc chứng các cảnh giới của Lăng-nghiêm đại định và thấy được các cảnh giới tương quan với tự tánh, xin hành giả tự mình tìm đọc trong Kinh Lăng Nghiêm, ở đây xin khỏi trình bày.
Khi đã thành công giai đoạn này, hành giả có thể ở trong hai tướng động tĩnh, lúc nào cũng soi thấy rõ ràng cái niệm niệm Phật vô tướng. Giống như con trâu đã tập luyện thuần thục, ngoan ngoãn đi theo người, không còn hung dữ nữa. Bấy giờ hành giả bỗng nhiên hiểu ra cái điều mà trong kinh từng nói “một niệm ban sơ”, nguyên lai là như thế đó. Đến đây, công phu Niệm Phật Vô Tướng đã hoàn toàn thành tựu; nhưng thực ra, đó cũng chỉ là bước nhập môn của pháp môn Niệm Phật Viên Thông của Bồ-tát Đại Thế Chí mà thôi.
Hành giả tu tập đến đây, nếu muốn vãng sinh về tịnh độ của chư Phật, chỉ cần mỗi ngày một lần đứng trước Phật hoặc vọng lên không trung xưng niệm danh hiệu Phật, nhớ đến bốn lời nguyện lớn và lời phát nguyện đặc biệt của đức Phật ở quốc độ mà mình muốn vãng sinh về (như một lời nguyện nào đó trong 48 lời nguyện lớn của đức Phật A Di Đà ở thế giới Cực-lạc, tương ứng với chí nguyện của mình; hoặc như một lời nguyện nào đó trong 12 lời nguyện lớn của đức Phật Dược Sư ở thế giới Lưu-li tại phương Đông, tương ứng với chí nguyện của mình); thêm vào đó, đem công đức tu hành mỗi ngày hồi hướng phát nguyện, khi xả bỏ báo thân sẽ vãng sinh về cõi nước của đức Phật ấy. Như thế là được. Thì giờ còn lại thì chuyên nhớ nghĩ đến đức Phật ấy. Khi ngày giờ vãng sinh đến, mong được báo trước. Sau đó 7 ngày, đức Phật mà mình hằng nhớ nghĩ, sẽ hiện ra trước mặt và trao tay cho mình, rồi an tường vãng sinh, không có gì chướng ngại. Đó là thông thường các hành giả tu niệm Phật Tịnh-độ hằng khao khát mong cầu.
Nếu hành giả tự biết mình nhất tâm bất loạn, trong tương lai vãng sinh không bị chướng ngại, mà muốn ở trong đời này, tiến thêm một bước nữa trong việc tu tập Phật pháp, thì hãy kéo dài thời gian tĩnh tọa, thâm nhập vào pháp môn Niệm Phật Viên Thông, tùy mỗi hành giả có tinh tấn hay không, và thiện căn sâu cạn không giống nhau, mà dần chứng được các cảnh giới giải thoát và các thứ tam muội niệm Phật của Lăng-nghiêm đại định. Các cảnh giới trong đại định đó, kẻ hậu học này chưa đủ khả năng dò tìm để trình bày được. Bởi vì, pháp môn Niệm Phật Viên Thông do đức Bồ-tát Đại Thế Chí thuật lại, thứ lớp từ cạn đến sâu, từ hàng Bồ-tát ở bậc Tín đầu tiên cho đến hàng Bồ-tát ở bậc Đẳng-giác, Diệu-giác (cả thảy 52 bậc trong quá trình tu tập Bồ-tát hạnh), đều cùng thông dụng. Pháp môn tuy một, mà trình độ chứng đắc thì sâu cạn không đồng đều. Nếu, như trong Kinh Lăng Nghiêm nói, tu tập cho đến khi tưởng ấm tận diệt thì tiến vào phạm vi của hành ấm; cho đến hành ấm tận diệt thì cảnh giới của vị Bồ-tát này đã vượt hơn quả vị A-la-hán của bốn quả Thanh-văn; nếu qua phạm vi của thức ấm mà đến được chỗ thức ấm tận diệt, tức là viên mãn cả 10 bậc Địa của cấp Thập-địa, trở thành Bồ-tát Đẳng-giác. Từ chỗ cạn nhất là niệm Phật vô tướng, tiến đến chỗ sâu xa nhất là thức ấm tận diệt, thời gian chứng đắc của mỗi vị hành giả không giống nhau, cảnh giới cũng không phải là một. Đối với các loại cảnh giới giải thoát thứ lớp không đồng nhau có nói trong kinh, chúng ta nên lấy tinh thần “Trông lên càng cao, dùi vào càng cứng”[87], hợp sức siêng năng tu hành. Không bao giờ vừa đạt được chút ít đã vội cho là đủ, rồi vọng ngôn nói rằng mình đã thành tựu pháp môn Niệm Phật Viên Thông của Bồ-tát Đại Thế Chí, tội lỗi vô cùng! Hãy tu hành trong khiêm tốn, thầm lặng, ân cần cúng dường lễ bái đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni và các đức Phật, Bồ-tát mà mình luôn nhớ nghĩ.
---o0o---

Mục Lục >> 1 >> 2 >>  3 >> 4 >> 5

Khuyến Tu - HT. Thích Thanh Từ