Saturday, May 26, 2012

Tha Thứ - ĐĐ Thích Thiện Thuận giảng

Phần 1 :

Phần 2 :

Thân cận bạn tốt


                                          
                                 Một thời Thế Tôn trú ở núi Gijjhakùta, dạy các Tỷ kheo:
Thành tựu bảy chi phần, này các Tỷ kheo, là người bạn cần phải thân cận, cần phải giao thiệp, cần phải hầu cận, dầu có bị xua đuổi. Thế nào là bảy?
Khả ái, khả ý; tôn trọng; đáng được bắt chước; nhà thuyết giả; kham nhẫn lời nói; nói lời sâu kín; không có hối thúc những điều không hợp lý.
Thành tựu bảy pháp này, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo là người bạn, cần phải thân cận, cần phải giao thiệp, cần phải hầu hạ, dầu có bị xua đuổi.
Khả ái và đáng kính/Ðáng bắt chước, thuyết giả/Kham nhẫn các lời nói/Nói những lời thâm sâu/Không hối thúc ép buộc/Những điều không hợp lý/Ai có những pháp này/Ở đời, người như vậy/Người ấy là bạn hữu/Với ai cần bạn hữu/Người mong muốn lợi ích/Với lòng từ ai mẫn/Dầu có bị đuổi xua/Hãy thân cận bạn ấy.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 7, phẩm Chư thiên, phần Bạn hữu [2], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.323)

LỜI BÀN:
Tục ngữ Việt Nam có câu “Học thầy không tày học bạn” để nói lên tầm quan trọng và ảnh hưởng từ những người bạn tốt. Có không ít người vươn lên thành công trong cuộc sống nhờ có duyên lành được bạn tốt dắt dìu, nâng đỡ. Tuy vậy, tìm được bạn tốt để kết thân, gần gũi và học hỏi, cùng nhau hướng thiện cũng không phải là điều dễ dàng.
Theo kinh nghiệm của Thế Tôn, một người bạn tốt mà ta cần nương tựa để học hỏi, trước hết dung mạo phải dễ nhìn, tính cách hiền lành dễ thương. Kế đến, người bạn tốt luôn có những hành động và ứng xử đẹp đẽ khiến ta khâm phục. Không chỉ làm tốt mà người ấy còn nói hay. Những lời động viên chân thành, góp ý ngăn can hợp lý, chia sẻ đồng cảm sâu sắc có tác dụng đánh thức ta trước những cám dỗ, quyết định sai lầm. Người bạn tốt luôn biết nhẫn nhịn, không nóng nảy cộc cằn. Nhờ trầm tĩnh nên bạn rất sâu sắc và vững chãi trong cuộc sống. Bạn tốt là người có thể hơn ta về nhiều phương diện nhưng lại luôn tôn trọng, không hề chi phối mà chỉ trợ duyên soi sáng giúp ta tự quyết định lấy công việc của mình.
Những ai gặp được bạn hiền, hội đủ những tố chất tốt đẹp như trên là một phước báo lớn, cần nương tựa suốt đời để noi gương, học hỏi. Khoan nói đến việc bạn chỉ bảo cho ta điều gì mà chỉ cần được gần gũi, thân cận, thân thiết với người tốt thôi cũng đã có thật nhiều lợi ích. Năng lượng hiểu biết và yêu thương nơi bạn sẽ lan tỏa và thấm đẫm tâm ý chúng ta một cách nhẹ nhàng, khiến ta luôn bình an và tỉnh thức.
Trải lòng để học thầy, học bạn và học nơi tất cả mọi người trong cuộc sống xung quanh cùng với sự suy ngẫm, chiêm nghiệm sâu sắc, chắc chắn sẽ giúp chúng ta từng bước trưởng thành.

Thích Quảng Tánh

  


                                          
                              

Thành tâm sám hối


Bất cứ ai hiện hữu trong cuộc đời này, cũng đều có thể phạm phải những lỗi lầm, sai sót dù ít hay nhiều. Bởi khi tâm ý mê mờ, thiếu sáng suốt thì mọi hành động, nói năng của ta rất dễ dàng vấp phải những lầm lỡ, sơ suất gây khổ đau cho bản thân và ảnh hưởng không nhỏ đến với kẻ khác, đó là lẽ đương nhiên. Do vậy, thành tâm ăn năn các tội lỗi mà mình đã tạo ra, và lập nguyện thận trọng đừng để những hành vi sai trái tiếp diễn là việc làm đáng được mọi người trân trọng, quý mến và noi theo!
Sám hối là hành động tích cực, hướng tâm về nẻo thiện, không chạy trốn sự thật và khao khát được sửa đổi bản thân để thăng hoa cuộc sống. Hay nói cách khác, sám hối là tẩy sạch các cấu uế tội lỗi bởi tham sân si che ám, giúp cho thân tâm trong sáng, an tịnh và mới mẽ. Sám là từ bỏ những lỗi lầm mà trước đó chúng ta đã vi phạm. Hối là phát nguyện từ nay về sau ta không bao giờ lập lại các hành vi thiếu ý thức như trước đây và đồng thời thay đổi cái nhìn tích cực, sâu rộng hơn đối với muôn loài trong thực tại. Như vậy, sám hối là việc làm cụ thể, thiết thực mà mỗi một con người cần phải thực thi, để đem lại lợi ích an vui cho tự thân và cho cuộc đời này.
Trong thực tế, có những người mắc phải tội lỗi nặng nề hầu như vô phương cứu chữa. Họ sống với tâm trạng sợ hãi lo âu, ăn không ngon ngủ chẳng được yên vì những cơn ác mộng kéo dài. Mặc dù họ có của cải vật chất dư thừa, nhưng đời sống thì lại cô đơn trống vắng, vì chẳng có ai muốn đến gần tiếp xúc và chuyện trò. Tuy nhiên, mọi thứ trên cuộc đời này đều có thể thay đổi, không có gì thực sự cố định cả. Do đó, đối với những người làm điều bất thiện nhưng họ biết thành tâm ăn năn hối cải và quyết chí tu hành thì vẫn có thể chuyển hóa được nghiệp xấu ác, trở thành một con người lương thiện hữu ích cho gia đình và xã hội!
Cùng với ý này, trong kinh Trung Bộ II có đề cập đến sự kiện Đức Thế Tôn hóa độ cho tên sát nhân khét tiếng Angulimàla (Vô Não). Angulimàla là tên giết người không gớm tay, sau khi hạ sát, nó lại còn chặt ngón tay của người ta để xâu thành một tràng chuỗi và đeo vào cổ. Angulimàla chỉ sống đơn độc ở rừng núi, mỗi khi bóng dáng của nó xuất hiện trong thành phố thì dân chúng đều phải kinh hãi và lẩn tránh. Hành động của Angulimàla quả thật độc ác, không một ai có thể chấp nhận và tha thứ. Nhưng may thay! Có lẽ Angulimàla đã gieo trồng phước đức từ nhiều kiếp lâu xa cho nên hôm nay anh ta may mắn gặp được Thế Tôn, và được Ngài khai thị về ý nghĩa đạo lý làm người. Nhờ vậy, Angulimàla có cơ hội sám hối tội lỗi đã gây tạo và phát nguyện xuất gia tu hành, sau một thời gian ngắn Angulimàla chứng được quả vị A-la-hán.
Thế giới ngày nay cũng có những hạng người điên loạn như thế, họ đi khủng bố khắp nơi, khiến cho dân chúng khắp nơi cứ mãi phấp phòng lo âu, sợ hãi. Hiện nay, các nước trên thế giới ngoài việc đầu tư ngân quỹ để phòng chống bão lụt, động đất, sóng thần liên tục xảy ra, còn phải hao phí ngân quỹ khá nhiều vào việc ngăn ngừa nạn khủng bố chiến tranh, ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế toàn cầu. Thật là xót thương cho những hạng người mang phải nghiệp chướng nặng nề như thế! Giá mà các vị ấy biết ăn năn, sám hối tội lỗi như Angulimàla, buông bỏ khí giới và quay về nẻo thiện thì nhân loại sẽ được an bình hạnh phúc biết bao nhiêu!
“Bao nhiêu lầm lỗi cũng do tâm Tâm tịnh còn đâu giấu lỗi lầm Sám hối xong rồi lòng nhẹ nhõm Ngàn xưa mây bạc vẫn thong dong
Đức Thế Tôn dạy rằng, có hai hạng người đáng được tán thán khen ngợi là kẻ có trí. Này các Tỷ-kheo, có hai loại người có trí. Thế nào là hai? Người có phạm tội là thấy có phạm tội, và người chấp nhận người khác như pháp phát lộ tội của mình. Này các Tỷ-kheo, có hai loại người có trí này” (Tăng Chi Bộ, Chương hai).
a97_thumb13
Thực chất, trừ các bậc Thánh đã toàn thiện, còn chúng ta, sống trong đời này không ai tránh khỏi lầm lỗi, vụng dại. Do đó, điều quan trọng là mỗi người phải tự nhận biết những hành động sai trái của mình đã gây tạo mà sám hối, chừa bỏ. Nguyện giữ tâm hồn cho trong sáng, dù chỉ một vết lỗi nhỏ nhặt cũng đừng để vi phạm thì đó chính là hành động của người có trí tuệ.
“Chớ xem thường lỗi nhỏ Mà cho là không nguy Giọt nước nhỏ li ti Dần dần đầy chum lớn.
Tuy vậy, có không ít người vẫn thiếu ý thức về vấn đề này. Người ta không muốn hối lỗi, cầu tiến mà phó thác cuộc đời của mình cho số phận định đoạt. Khi tạo ra cái nhân xấu ác thì họ không biết nghĩ đến hậu quả phải trả ở ngày mai. Dù biết rằng, việc làm ấy hết sức tai hại nhưng họ vẫn cứ mặc nhiên tạo tác ác nghiệp, đến khi hệ quả khổ đau được hình thành thì người ta lại kêu trời trách đất và đổ lỗi cho số phận, do trời đã định, v.v… quả thật là mâu thuẫn. Mặt khác, có những người sám hối theo kiểu van xin cầu nguyện, họ tìm đến những nơi gọi là “linh thiêng” để cầu khẩn van xin, hoàn toàn nhờ vào tha lực với mục đích mong muốn được chạy tội. Những hành động mê mờ như thế, chỉ tạo thêm cái lỗi lừa dối chính mình, khiến cho lòng tham muốn ngày càng bành trướng thêm hơn.
Thực ra, sám hối không phải là việc làm mang tính chất cầu khẩn van xin, mà phải thực sự thành tâm ăn năn sửa đổi lỗi lầm, biết hỗ thẹn với chính mình, khi lỡ gây tổn hại cho kẻ khác. Cụ thể hơn, chúng ta cần phải siêng năng học hỏi đạo lí, để thấu hiểu lời Phật dạy và thực hành trong mọi lúc mọi nơi. Khi đi đứng, lúc nằm ngồi, ăn cơm rửa bát, lái xe, quét dọn nhà cửa, kinh hành niệm Phật, v.v… chúng ta cần phải thường trực chánh niệm tỉnh giác để nhận biết các ý niệm sinh diệt, đến và đi. Khi tâm hồn tĩnh lặng sáng suốt, ta sẽ phát hiện ra được đâu là ác pháp sinh khởi và đâu là thiện pháp, để từ đó mỗi lời nói và hành động của ta đều phát huy đúng mức với lẽ thật, đem lại lợi ích thiết thực cho tự thân và cho cuộc đời này.
Thiết nghĩ, là một con người thì ai cũng mong muốn được an vui hạnh phúc và ưa thích người khác thương yêu, quý trọng mình. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh nghiệp lực đẩy đưa khiến cho ta lâm vào tình trạng bế tắc nghèo khổ, túng thiếu và bất hạnh. Từ đó, ta chán ngán sự đời nên bỏ mặc cho số phận định đoạt và cuối cùng trở thành một con người hư đốn, vô nghĩa. Thực ra, bản chất của cuộc sống vốn dĩ vô thường; thân tâm và hoàn cảnh đều được thay đổi trong từng giây từng phút. Và chúng vận hành theo hai chiều hướng khác nhau, một là theo chiều hướng tiêu cực và thứ hai là tích cực. Nếu ta thường xuyên tiếp xúc với các đối tượng không lành mạnh thì sẽ đi theo chiều hướng tiêu cực và dĩ nhiên là dẫn tới khổ đau, hệ lụy. Ngược lại, theo chiều hướng tích cực là ta biết gần gũi và học hỏi với những người có phẩm chất đạo đức cao đẹp. Và chính vì sự thay đổi tự nhiên đó, cho nên những người nghèo khổ vẫn có thể giàu sang sung sướng, còn kẻ bất nhân, hung tàn cũng có thể trở nên hiền lương đạo đức. Miễn là, ngay trong hiện tại họ biết khắc phục những lỗi lầm và tiếp xúc với các bậc thiện tri thức thì chắc chắn đời sống của họ sẽ được chuyển đổi theo hướng đi sáng đẹp.
Để trở thành một con người lương thiện, sống đời hạnh phúc an vui, chúng ta cần phải thành tâm sám hối về những hành động lầm lỡ của mình bằng những việc làm cụ thể ngay trong đời sống thường nhật. Vận dụng hết khả năng của tự thân để làm lợi ích cho cuộc đời bằng cách bố thí tài vật cho kẻ cơ nhỡ thiếu thốn, cúng dường Tam bảo, hiến tặng niềm vui cho người, v.v… và vấn đề quan trọng hơn hết chính là sống chánh niệm tỉnh giác trong mỗi giây phút. Khi ta thực hành phước huệ song tu một cách trọn vẹn như thế thì nghiệp chướng tiêu trừ, thiện căn tăng trưởng, vượt thoát mọi ràng buộc khổ đau và đạt được niềm an vui giải thoát ngay trong đời sống hiện tại.
Viên Ngộ


Friday, May 25, 2012

Cỏ cứt heo


Mèn ơi, ai mà chơi cắc cớ lại đặt cho loài cỏ hiền hòa cái tên nghe ghê dễ sợ: cỏ cứt heo!
         Không có xấu tính tranh giành đất sống quá thô bạo như cỏ tranh, mắc cở, cỏ ống... Loài cỏ có cái tên xấu xí này thường mọc rãi rác bên ven đường đất ẩm hay những khu vườn ít được chăm sóc. Có người thương tình gọi tên khác nhẹ hơn là cỏ hôi, hoặc an ủi với tên cây hoa ngũ sắc, cây hoa ngũ vị, nhưng đã là cỏ thì thiếu gì loại vướn mùi hôi! Ngũ vị, ngũ sắc thì hình như không rõ ràng. Thôi thì cứ là cỏ cứt heo cho dễ nhớ, dễ phân biệt. Về miền quê lấy tên đó mà hỏi thì ai cũng biết, chứ mà xướng tên ngũ sắc, ngũ vị... mềm mại, mỹ miều thì chắc phải bó tay, đợi lối xóm í ới hỏi nhau đó là cây gì, nhiều khi phải chịu về không mà chẳng biết  nó có “dung nhan” ngoài đời ra mầm sao hết.
          Điều đáng nói, tuy nó có mùi hơi hắc hắc nhưng chẳng có chút gì liên quan tới heo, tới lợn cả. Hoa nở chùm tím tím, trăng trắng; lá mọc đối xứng hình trứng  mép có răng cưa tròn, hai mặt đều có lông, mặt dưới có màu nhạt hơn... Mèn ơi, tả nhiều chứ chắc nhớ bao nhiêu? Thôi chịu khó nhìn hình đi hén!
           
          Ủa, mà tự nhiên kêu bạn nhận diện cỏ cứt heo mần chi mà không chịu nói ra lý do trước, thiệt lãng hết biết.
        Mùa này nếu bạn không có thì người thân cũng vướn những cái hắt hơi nhảy mũi do khí trời trở lạnh vì bệnh viêm mũi dị ứng được dịp tác oai, phải hông nè? Bạn đừng xem thường loài cỏ vừa được nhắc tên trên nha. Thuốc quý đó chứ chẳng bỡn đâu.
                                    
         Chịu khó về miền quê (sẳn dịp đổi gió luôn) và mang theo cái giỏ lớn, nhổ cả gốc lẫn rễ cỏ Cứt Heo, nhiều chừng nào tốt chừng nấy. Về nhà rửa sạch, xắt khúc, phơi khô (Chú ý nên tránh những khu vườn thường sử dụng thuốc cỏ, trừ sâu cho cây trái). Mỗi ngày hốt một nhúm cỏ khô ấy, rửa sơ rồi cho vào ấm nấu với chừng hai chén nước, sôi chừng hai ba phút,  tốt nhất uống ngày 3 lần sáng- trưa- chiều, liên tục cở tháng. Đừng lo, mùi hắc hắc của cỏ cứt heo lúc tươi không còn nữa mà thay vào đó là đặc trưng của mùi thuốc nam
                 + (Dùng cho người lớn. Riêng trẻ em và phụ nữ mang thai: Hổng biết nha).
        Trời lạnh, giữ ấm cơ thể... Đảm bảo khỏe ru bà rù luôn đó.
He he, chắc bạn cười là trớt quớt hả? Không đâu, vì viêm mũi dị ứng rất là nhạy với khí lạnh dù có khéo léo giữ ấm, người bệnh vẫn khó tránh khỏi hắc hơi, chảy mũi . Uống vị thuốc này rồi bạn sẽ thấy hiệu quả rõ rệt ngay thôi. Còn trời lạnh mà cứ phông phanh thì (he he) người khỏe mấy cũng phải ách xì, nói chi tới người có cơ địa viêm mũi dị ứng phải không hả?
          Trong nhiều bài thuốc nam trị viêm mũi dị ứng có kê cỏ cứt heo với nhiều thứ khác... Ố là là,   Chẳng biết sao, nhưng mà rối quá! Thôi thì cứ như thế mà dùng đi, cũng hiệu quả rõ ràng mà đỡ tốn công nữa. Cái vụ này biết được là bạn bè chỉ bảo và cũng là kinh nghiệm bản thân nữa đó nghe.
 Một vị thuốc trị viêm mũi dị ứng hay đáo để mà cũng dễ tìm. Đừng vì cái tên xấu xí  mà bỏ nó sang bên nhé bạn.
                                   


Ghi chú : CN chỉ biết cỏ này cầm máu rất hay .