Monday, June 11, 2012

HIỆU LỰC CẦU NGUYỆN & KINH NGƯỜI ÁO TRẮNG - Thích Nhất Hạnh


Trong khóa tu mùa đông vừa qua[1] chúng ta có nhắc tới Thiền như một truyền thống, trong đó hành giả nương vào tự lực nhiều hơn tha lực. Điều này có nghĩa là mình phải nắm lấy vận mệnh của mình ở trong tay, chứ không nên chỉ trông cậy vào một kẻ khác, dù người đó là Bụt.
Nhưng nếu như vậy thì vai trò của sự cầu nguyện là như thế nào? Chúng ta có nên cầu nguyện không, và chúng ta có thể cầu được gì?
Tôi còn nhớ hôm các sư cô Định Nghiêm và Giải Nghiêm đi thăm và chia xẻ ở một nữ tu viện Công giáo ở Saint Étienne về, các sư cô có tâm sự rằng: Thấy mấy bà xơ ở trong tu viện, cái gì họ cũng khoán trắng cho Chúa, cũng hoàn toàn trông cậy vào Chúa, phó thác cho Chúa, và như vậy các bà khỏi phải làm gì hết! Mình thấy mà ham! Còn bên đạo Bụt thì mình phải lo đủ mọi thứ: Phải thực tập thiền hành, thiền tọa, phải nắm lấy hơi thở và vận mạng của mình trong tay, nhiều khi cũng cảm thấy mệt!
Câu nói đó còn nằm ở trong tim của tôi, và vì vậy trong bài giảng hôm nay tôi sẽ tìm cách giải đáp cho hai vị đó, cũng như cho những ai thường thắc mắc về vấn đề linh ứng của sự cầu nguyện.
 
NHỮNG NGHI VẤN KHI CẦU NGUYỆN
Khi đối diện với việc cầu nguyện, chúng ta thường có nhiều nghi vấn. Nghi vấn đầu tiên là cầu nguyện có kết quả không?
Câu hỏi đó đã được rất nhiều người đặt ra, trong Cơ-Đốc giáo cũng như trong các truyền thống tôn giáo khác. Tại sao vậy? Tại vì nếu có linh ứng thì mình mới cầu, còn nếu không thì tại sao mình lại cầu? Vì vậy mà mình phải trả lời câu hỏi này trước, rồi sau đó mới đi tìm câu trả lời cho các nghi vấn khác.
Sự thật là mình thấy sự cầu nguyện nhiều khi có hiệu lực, nhiều khi lại chẳng có hiệu lực gì cả! Cho nên nói có là sai mà nói không cũng không đúng.
Có một em bé người Mỹ hồi còn sáu tuổi, một hôm ra sân chơi với con chuột trắng của mình, con chuột mà em thích nhất. Không biết em chơi với con chuột ra sao mà con chuột chui vào một cái lỗ, rồi đi thẳng xuống đất mà không trở lên nữa! Buồn quá trời đất, em bé quỳ xuống, khẩn cầu Chúa để Chúa đem con chuột lên cho em. Ngoài má em ra thì con chuột đó là kẻ thân với em nhất, là người bạn số một trong thiên đường tuổi thơ của em. Không có con chuột đó thì em buồn khổ vô cùng, em không muốn sống nữa. Vì vậy nên em đã quỳ xuống, hai tay chắp lại với tất cả trái tim để cầu nguyện Chúa xin Chúa đem con chuột trở lên cho mình. Bắt chước mẹ, em lẩm nhẩm khấn cầu: Con tin tưởng hoàn toàn nơi Chúa, nếu Chúa muốn thì Chúa có thể đem con chuột trở lên cho con!
Em bé quỳ suốt một tiếng, rồi hai tiếng đồng hồ, với tất cả sự chí thành của mình mà con chuột vẫn không chịu trở lên!  Rốt cuộc thì em phải vào nhà ăn cơm. Không có con chuột, em buồn khổ vô cùng!
Một vài câu chuyện như vậy đã xảy ra trong đời cậu bé, cho nên cậu không còn tin vào sự cầu nguyện nữa.
Lớn lên vào trung học, cậu chọn ngành âm nhạc. Hôm đầu tiên vào lớp, chàng thấy giáo sư nhạc của chàng là một ông già lớn tuổi, bệnh hoạn, giọng nói hơi run run. Đặc biệt là sáng nào vào lớp ông cũng cầu nguyện, cầu nguyện tới 15 phút, làm học trò trong lớp rầu lắm. Tại vì cái cách thức cầu nguyện của ông không hay ho và hấp dẫn gì cả! Trước khi bắt đầu, ông thường hỏi: Anh có điều gì cầu nguyện không? Chị có điều gì cầu nguyện không? Ông ghi lại hết tất cả những điều mà các học trò của ông muốn cầu rồi bắt cả lớp cúi đầu xuống, và ông bắt đầu cầu nguyện cho tất cả mọi người.
Những điều cầu xin có lúc rất buồn cười, ví dụ: Ngày mai là ngày chúng con đi picnic, xin trời nắng ráo, đừng mưa! Vì vậy mà đối với anh chàng học sinh đi học nhạc kia thì 15 phút cầu nguyện trước giờ học là 15 phút chán ngấy, anh chẳng tin gì hết! Vậy mà ông thầy vẫn tiếp tục làm một cách rất chí thành, rất tinh chuyên!
Một hôm có một nữ sinh vào lớp, khóc nức nở. Cô nói rằng bác sĩ vừa khám phá ra một cái bướu trong óc của má cô, và bác sĩ còn nói là sợ bà ta không sống nổi qua tuần này! Cô khóc sướt mướt rất là tội nghiệp, làm tất cả mọi người trong lớp xúc động! Lúc ấy ông giáo bèn đứng dậy, giương mắt nhìn cả lớp bằng một cái nhìn rất là mãnh liệt, rồi tuyên bố: Trong lớp này có ai không tin vào khả năng cứu chữa của Thượng đế thì đi ra hành lang đứng, tại vì chúng tôi sẽ cầu nguyện cho má của cô nữ sinh này. Sau khi cầu nguyện xong thì tôi sẽ cho người ra đón các vị vào lại! Anh chàng của chúng ta định đứng dậy đi ra, tại vì anh không tin gì vào sự cầu nguyện cả. Nhưng không biết tại sao anh lại không đủ can đảm để đi ra, nên anh ngồi nán lại.
Ông giáo yêu cầu mọi người cúi đầu xuống, và ông bắt đầu cầu nguyện. Lời cầu nguyện tuy ngắn gọn nhưng giọng ông lại rất hùng tráng. Trong tư thế cúi đầu, chắp tay, và khép mắt, ông nói rằng: Chúng con xin cám ơn Thượng đế chữa lành cho má cô Nancy ngay trong giờ phút này. Nhân danh Chúa Ki-tô, Amen! (Lord! We thank you for healing Nancy’s mother right now. In the name of Jesus Christ, Amen!)
Ông chỉ nói có chừng đó!
Hai tuần sau người ta báo tin rằng bà má của Nancy đã lành bệnh. Bác sĩ rọi kiếng, làm scanner và thấy không còn một dấu tích tối thiểu nào của cái bướu ngày xưa nữa. Đúng là một phép lạ! Bà lành lập tức chứ không trải qua một thời gian trị liệu nào hết!
Lúc đó anh chàng sinh viên của chúng ta mới bắt đầu tin vào khả năng cứu chữa của Thượng đế. Anh tin vào sự linh ứng của việc cầu nguyện, và anh bắt đầu cầu nguyện cho ông thầy dạy nhạc của mình. Anh đã cầu nguyện với tất cả tâm thành, tại vì chuyện chữa lành cho bà mẹ của Nancy là một phép lạ mà anh đã chứng kiến. Anh cầu nguyện với tất cả trái tim anh cho sức khỏe của ông thầy dạy nhạc. Nhưng một năm sau thì ông giáo qua đời!
Như vậy có nghĩa là, để trả lời cho nghi vấn thứ nhất, ta có thể nói rằng cầu nguyện có khi thành công, có khi không thành công.
Vì vậy câu hỏi thứ hai được đặt ra là tại sao cầu nguyện có khi thành công, có khi không thành công? Có một phương thức cầu nguyện nào bảo đảm đem lại kết quả không? Nếu người nào có phương thức đó thì mình sẽ bằng lòng mua với giá rất cao, vì nếu làm đúng theo phương thức đó thì thế nào cầu nguyện cũng có kết quả. Nhưng ai là người đang nắm cái phương thức cầu nguyện có kết quả đó?
Như đã nói ở trên, khi đối diện với việc cầu nguyện, ta thường gặp rất nhiều nghi vấn. Vì vậy mà khi đang tìm câu trả lời cho câu hỏi thứ hai, thì một thắc mắc khác lại hiện đến. Đó là câu hỏi thứ ba: Nếu Trời đã quyết định như vậy, nếu Thượng đế đã an bài như vậy rồi, thì cầu nguyện làm gì nữa? Các nhà thần học nói rằng nếu Thượng đế đã muốn như vậy thì cái ý nguyện của Thượng đế sẽ thành tựu (Que ta volonté soit faite) vậy thì ta cầu làm gì nữa? Nếu tất cả đều đã được Thượng đế sắp đặt rồi, ví dụ như người đó đến tuổi đó thì sẽ phải bị bệnh ung thư, thì tại sao ta lại còn cầu nguyện cho mất công? Ngài đã quyết định rồi mà!
Cũng như đứng về phương diện nhân quả và nghiệp báo, vì người kia đã làm những điều ác, cho nên tới giờ phút đó thì phải bị bệnh này, thì làm sao cầu nguyện mà có thể thay đổi được?
Một bên là cái ý chí của Thượng đế, một bên là cái nghiệp báo của chúng sanh. Nghiệp đã như vậy rồi thì làm sao có thể thay đổi được quả? 
Cái gọi là ý chí (volonté) của Thượng đế ở trong đạo Ki-tô cũng tương đương với cái nghiệp báo ở trong đạo Bụt.
Chưa hết, nghi vấn thứ tư từ từ lộ diện: Nếu cầu nguyện không có kết quả, có phải là tại đức tin của mình đang yếu kém hay không? Thánh kinh có nói rằng “Nếu đức tin của anh vững chãi thì anh có thể dời một ngọn núi từ chỗ này sang chỗ kia”!
Vậy thì đức tin của mình lúc nào mới thực sự gọi là đầy đủ, là vững chãi? Đối với câu chuyện chuột chui vào hố sâu của cậu bé trên đây, thì một cậu bé sáu tuổi, quỳ xuống cầu nguyện như vậy, là cậu có một đức tin rất lớn. Cậu vững tin rằng nếu Thượng đế muốn thì chắc chắn được! Lúc đó nếu có ai hỏi về niềm tin của cậu, thì cậu sẽ nói rằng đức tin của cậu rất lớn, tại vì nó đã được un đúc trong biết bao nhiêu năm tháng! Mỗi đêm cậu đều có cầu nguyện theo lời chỉ dẫn của má, vậy mà tại sao lần này cậu lại không thành công trong việc cầu nguyện?
Hay là tại trong khi cầu nguyện cậu chỉ có ý muốn được thoả mãn cái ham muốn của mình, cái ưa thích có con chuột để làm bạn với mình, mà cậu không thật sự thương con chuột đó đang bị hoạn nạn ở trong hố sâu? Vì vậy nếu cầu nguyện mà không có kết quả, thì có phải là do mình không có tình thương hay không?
Nhiều khi mình tin rằng mình đã cầu nguyện hết lòng, cầu nguyện với tất cả mọi tế bào trong cơ thể của mình, với tất cả mọi giọt máu trong con người của mình, vậy mà cầu nguyện cũng không thành công! Mình thương người đó quá chừng, người đó đang hấp hối, vậy mà nói là mình không có tình thương sao được? Mình thật sự có thương mà!
Tuy vậy, nếu nhìn sâu vào thì ta sẽ thấy tình thương này đôi khi không hẳn là tình thương mình hướng về cho người đó, mà chỉ là vì mình sợ bị bơ vơ, mình lo bị thiếu vắng! Nếu mình lầm lẫn tình thương với sự sợ hãi về cái bơ vơ của mình, thì đó có phải là tình thương, hay đó chỉ là một cái ước muốn, ước muốn người đó được sống để cho mình khỏi bơ vơ? Cho nên đó không phải thật sự là tình thương mình dành cho người đó, mà chỉ là tình thương hướng về cho chính mình.
Đó là những câu hỏi được đặt ra trong khi mình thực tập nhìn sâu vào vấn đề. Tất cả những câu hỏi này cũng cần phải được trả lời.
Ngoài ra, trong vấn đề cầu nguyện ta còn một câu hỏi cuối, câu hỏi thứ năm: Người mình cầu nguyện là ai? Thượng đế là ai? Bụt là ai? Bồ tát Quan Thế Âm là ai? Đức mẹ Maria là ai?
Nói rõ ra, câu hỏi cuối cùng trong vấn đề cầu nguyện: Khi cầu, ta cầu ai?
 
Tự lực và Tha lực trong Cầu nguyện
Chúng ta biết rằng khi ta có một đường dây điện thoại, muốn cho điện thoại của chúng ta có thể sử dụng được, thì trong đường dây đó phải có điện. Cũng giống như khi mình sử dụng máy quạt, tủ lạnh, hay bóng đèn, thì trong dây điện phải có dòng điện chạy qua. Sự cầu nguyện cũng vậy. Trong lúc cầu nguyện phải có một năng lượng. Năng lượng đó là đức tin, là tình thương yêu. Nếu cầu nguyện mà không có năng lượng của đức tin và của tình thương thì cũng giống như một đường dây không có điện, hành động cầu nguyện sẽ không đưa tới một kết quả nào hết.
Trong đạo Bụt, chúng ta có danh từ tụng kinh. Tụng kinh có nghĩa là ôn lại, đọc lại những lời Bụt dạy. Có khi chúng ta tụng một mình, có khi chúng ta tụng với tăng thân. Có khi chúng ta tụng thầm, có khi chúng ta tụng thành tiếng. Có lúc trong khi tụng, ta có năng lượng của chánh niệm, của đức tin, của tình thương. Có lúc chúng ta tụng như những con vẹt, chỉ để ý đến âm điệu ngân nga của câu kinh tiếng kệ, mà không để ý gì đến nghĩa lý của lời kinh.
Ta nên tự hỏi tụng kinh để làm gì?
Trước hết, tụng kinh là để chúng ta có cơ hội tiếp xúc với lời Bụt dạy, tiếp xúc với tuệ giác của Bụt. Đồng thời ta có dịp tưới tẩm những hạt giống đẹp, lành, và tươi tốt ở trong ta.
Tụng kinh như thế có thể gọi là cầu nguyện hay không? Nếu chúng ta hiểu chữ cầu nguyện theo nghĩa sâu của nó thì chúng ta có thể nói rằng tụng kinh cũng là cầu nguyện. Đúng vậy, tụng kinh là cầu nguyện, vì ngoài những kinh văn, chúng ta còn có những bài có tính cách cầu nguyện hơn, như là bài Nguyện trú cát tường, dạ cát tường, Trú dạ lục thời hằng cát tường – (Nguyện ngày an lành, đêm an lành, Đêm ngày sáu thời đều an lành). Đó là một ước mơ, đó là một lời cầu nguyện.
Nhưng hành động cầu nguyện này không phải là một sự mơ ước suông, tại vì đứng sau lưng của lời cầu nguyện đó có một sự thực tập: Sự thực tập trì tụng kinh chú, và thực tập chánh niệm. Thành ra lời cầu nguyện này không hoàn toàn căn cứ trên tha lực. Nó có căn cứ trên tự lực, và ta biết rằng khi không có tự lực thì cũng không có tha lực.
Trong bài Hồi Hướng Tiêu Trừ Nghiệp Chướng có câu:
            Nguyện tiêu tam chướng trừ phiền não,
            Nguyện đắc trí tuệ chân minh liễu.
Nguyện tiêu tam chướng trừ phiền não, đó là một ước mơ, và mình đưa ước mơ ấy hướng về Bụt, để Bụt có thể giúp cho mình tiêu trừ được tam chướng, thoát ra khỏi những phiền não, và đạt tới cái trí tuệ có thể thấy được chân tướng của sự vật.
Khi đọc những câu kinh này chúng ta biết rằng đây không phải là chuyện khoán trắng cho một người ở ngoài ta. Chúng ta biết sở dĩ chúng ta mở miệng ra và đọc: 
            Nguyện tiêu tam chướng, trừ phiền não,
            Nguyện đắc trí tuệ chân minh liễu,
            Phổ nguyện tội chướng tất tiêu trừ,
            Thế thế thường hành Bồ tát đạo,
là vì chúng ta đang thực tập theo những lời dạy của đức Thế Tôn, của các vị Bồ tát, cho nên chúng ta mới có được cái thế đứng để có thể cầu nguyện như vậy. Như vậy là chúng ta đang phối hợp thế đứng của tự lực với thế đứng của tha lực.
Rõ ràng hơn nữa, chúng ta hãy nhắc lại một vài câu trong bài Đệ tử kính lạy, một bài tụng rất phổ biến ở Việt-nam, mà Phật tử người lớn cũng như các em trong Gia đình Phật tử đều thuộc lòng:
            Đệ tử lâu đời lâu kiếp,
            Nghiệp chướng nặng nề,
            Tham, giận, kiêu căng,
            Si, mê, lầm, lạc,
            Ngày nay nhờ Phật,
            Biết sự lỗi lầm,
            Thành tâm sám hối.
Đó là một lời cầu nguyện hay không phải là một lời cầu nguyện? Không, đây mới chỉ là một sự soi chiếu, một sự soi gương để có được tuệ giác về sự thật đã xảy ra cho mình. Đệ tử lâu đời lâu kiếp, Nghiệp chướng nặng nề, Tham, giận, kiêu căng, si, mê, lầm, lạc. Ngày nay nhờ Phật, biết sự lỗi lầm. Thành tâm sám hối. Đó mới chỉ là sự hành trì, chưa phải là lời cầu nguyện. Đó mới là đem ánh sáng chánh niệm soi chiếu vào tình trạng của mình, để mình thấy rằng trong quá khứ mình đã có những vụng dại và lỗi lầm, và nay nhờ ánh sáng từ bi của Bụt mà mình thấy được những vụng dại và lỗi lầm đó, rồi mình quyết tâm sẽ không tiếp tục làm như thế nữa. Đó mới chỉ là một sự thực tập.
Thề tránh điều dữ, Nguyện làm việc lành (bản chữ Hán là Chư ác mạc tác, Chúng thiện phụng hành). Những câu này là để ghi nhận rằng nhờ thấy được giáo lý của Bụt người hành giả nguyện áp dụng giáo lý ấy vào cuộc sống. Kế đến mới là lời cầu nguyện:
            Ngưỡng trông ơn Phật,
            Từ bi gia hộ,
            Thân không tật bệnh,
            Tâm không phiền não.
Tu tập cũng như cầu nguyện, là để cho hai mặt của sự sống của mình là thân và tâm đều được an lành. Nhưng muốn Thân không tật bệnh, Tâm không phiền não là để làm gì? Không phải để chạy theo dục vọng, mà để:
            Ngày ngày an vui,
            Tu tập phép Phật nhiệm mầu,
            Để mau ra khỏi luân hồi.
Ta cầu nguyện như vậy đó. Cầu cho thân không tật bệnh, tâm không phiền não, là để hàng ngày có thể an vui tu tập phép Bụt nhiệm mầu mà thoát khỏi luân hồi; tu tập để đạt tới sự minh tâm kiến tánh mà độ thoát cho mọi loài chúng sanh. Đó là một lời đại nguyện.
Bài Đệ tử kính lạy là một bài tiêu biểu cho tinh thần cầu nguyện của đạo Bụt. Cầu nguyện nhưng tất cả đều căn cứ trên sự hành trì tu tập của mình. Y vào tự lực nhưng cũng y vào tha lực, tại vì ta biết rằng nếu không có tự lực thì tha lực cũng không có.
Ranh giới giữa tự và tha là cái mà mình phải quán chiếu. Chỗ nào là chỗ chấm dứt cái tự, và chỗ nào là chỗ bắt đầu của cái tha? Đó là một câu hỏi rất lớn, nó thuộc về câu hỏi thứ năm: Cầu ai? Ai là người mình cầu nguyện?
Trong đạo Bụt, có thể câu hỏi đó (Đối tượng của cầu nguyện là ai?) là câu hỏi căn bản. Nếu chúng ta tìm được lời giải đáp của câu hỏi này thì đối với những câu hỏi khác, chúng ta có thể giải quyết được một cách không khó khăn gì.
Trong truyền thống tu tập của người Phật tử, mỗi khi chắp tay lại trước đối tượng của sự lễ bái, chúng ta phải quán chiếu để biết mình là ai, và người ngồi hoặc đứng trước mặt mình mà mình sắp lạy là ai. Trước hết ta phải thấy giữa hai ta có liên hệ gì với nhau, giữa ta với Bụt có liên hệ gì với nhau, rồi ta mới nên lạy xuống.
Nếu anh tưởng rằng Bụt là một thực tại hoàn toàn biệt lập với anh, không dính líu gì tới anh cả, anh đứng ở dưới này, còn Bụt ngồi ở trên kia, rồi anh lạy xuống, thì cái lạy của anh không đúng chánh pháp, tại vì cái lạy của anh căn cứ trên một tà kiến gọi là Ngã. Bụt có một cái ngã riêng biệt, hoàn toàn khác với anh, và anh có một cái ngã riêng biệt hoàn toàn khác với Bụt. Cái lạy đó là một cái lạy mê tín!
Khi đứng chắp tay trước đức Thế Tôn, mình phải quán tưởng. Vì cái hình tượng dù làm bằng đồng, bằng ciment, bằng ngọc thạch, hay bằng kim cương, cũng đều không hẳn là đức Thế Tôn. Đó chỉ là một biểu tượng mà thôi. Tượng đó giống như có mặt ở ngoài ta, nhưng đức Thế Tôn thì không phải như vậy. Đức Thế Tôn hay là Bồ tát Quán Thế Âm không phải là những thực tại nằm ngoài ta như là một tượng đá hay một tượng đồng. Cho nên để tránh thoát, để đừng bị kẹt vào cái quan niệm sai lầm ngã chấp của sự kính lạy, chúng ta phải quán tưởng.
Chúng ta bắt đầu sự quán tưởng bằng câu Năng lễ sở lễ tánh không tịch. Nếu mình là một chú bé 16 tuổi, mới đi tu, đọc câu đó trước khi lạy xuống, thì mình chưa hiểu được nghĩa lý của nó. Nhưng vì thầy dạy mình phải học thuộc câu đó, cho nên mình học để đọc trước khi lạy vậy thôi. Có thể là 10 năm hay 20 năm sau, mình mới có tuệ giác để đọc câu này một cách sâu sắc.
Năng lễ sở lễ tánh không tịch, có nghĩa là người lạy và người được lạy, cả hai đều có tánh cách trống rỗng. Một tín hữu Cơ-đốc giáo mà nghe điều này thì có thể sẽ rất lấy làm lạ, và có thể rùng mình! Tại sao một tín đồ mà lại dám nói với vị Giáo chủ của mình: Ngài là rỗng, Ngài không có một cái ngã riêng biệt?
Đúng vậy, câu này có nghĩa là thể tính của Bụt và của chúng sanh, đều là rỗng, đều là lặng. Hòa thượng Thiện Siêu dịch câu này là Phật, chúng sanh tánh thường rỗng lặng. Nhưng dịch ra tiếng Việt như thế rồi, đọc mìmh vẫn không hiểu như thường! Trong cuốn Thương yêu theo phương pháp Bụt dạy, chúng ta có một bản dịch ý của bài Quán tưởng về lạy này[2] . Người lạy và người được lạy, cả hai đều không có bản chất riêng biệt. Mình và Bụt không phải là hai thực thể riêng biệt. Mình ở trong Bụt và Bụt ở trong mình, phải thấy cho được điều đó trước khi lạy xuống.
Đây là một điểm rất đặc biệt của đạo Bụt. Những hạt giống của tuệ giác này có thể có mặt trong truyền thống Cơ-đốc giáo, và trong các tôn giáo khác, nhưng đã không biểu lộ ra một cách quá rõ rệt như trong đạo Bụt.
Năng lễ là người lạy, Ce lui qui fait la prosternation. Sở lễ là người được lạy, Ce lui qui reçoit la prosternation. Cả hai đều rỗng ruột, nghĩa là cả hai đều không có một cái ngã riêng biệt. Hai ta có dính líu tới nhau.
 
Cầu nguyện cho mình
Mùa hè năm rồi có một thiền sinh bị bệnh, đến Làng Mai để thực tập. Trong cơ thể của người đó có những tế bào đang mọc lên một cách lộn xộn. Khi những tế bào mọc lên không có qui củ, mình gọi đó là ung thư. Có thể ta bị ung thư là vì nếp sống của ta hàng ngày không được chỉnh đốn lắm. Lo lắng quá nhiều, sống không có chừng mực, ăn uống không điều độ.
Sư cô Chân Không đã dạy cho người thiền sinh ấy phương pháp cầu nguyện. Trước hết là cầu ông chú và cầu bà ngoại của cô ta, vì sau khi nói chuyện với vị thiền sinh này, Sư cô biết rằng người đó có một bà ngoại và một ông chú sống rất lâu, sống đến 94, 95 tuổi. Cho nên Sư cô nói: Đạo hữu có thấy không? Những tế bào trong ông chú, trong bà ngoại rất mạnh, rất khỏe, vì vậy cho nên đạo hữu phải kêu cầu tới ông chú và bà ngoại: Ông chú ơi đến giúp con với, bà ngoại ơi đến giúp con với!
Phải cầu nguyện như vậy là tại trong cơ thể mình có ông chú, có bà ngoại. Điều này là điều có thật. Nếu mình không có thì bà ngoại cũng không có, nếu bà ngoại không có thì mình cũng không có. Bà ngoại và mình là hai thực thể tương tức với nhau. Những tế bào rất tốt của ông chú, của bà ngoại hiện đang có mặt trong mình, và mình phải kêu gọi chúng lên để giúp mình. Tuy rằng ông chú hiện đã khuất núi, và bà ngoại cũng không còn nữa, nhưng những tế bào của họ vẫn còn có mặt ở trong mình, nghĩa là họ còn có mặt ở trong cơ thể mình. Vì vậy mà khi mình kêu gọi ông chú, kêu gọi bà ngoại, thì mình thấy rõ mình và ông chú là một, mình và bà ngoại là một.
Hôm đó vị đạo hữu kia đã thực tập rất thành khẩn, đã thực tập với một niềm tin. Niềm tin này không phải căn cứ trên sự mê tín, trên cái giả tưởng, tại vì người đó đã thấy được một cách rất rõ ràng, rất khoa học là mình cũng có khả năng của ông chú, mình cũng có khả năng của bà ngoại, nhưng tại mình làm ăn như thế nào đó mà bây giờ tình trạng lại sanh ra như thế này! Điều quan trọng là mình phải chỉnh đốn nếp sống hàng ngày của mình lại trong khi mình cầu nguyện ông chú và bà ngoại.
Sư cô Chân Không chỉ cần dạy trong vòng 15 phút mà người đó đã đạt tới một niềm tin rất lớn, một chánh tín, và sự cầu nguyện của người đó đã được đặt trên nhận thức trí tuệ chứ không phải trên mê tín, dị đoan.
 
Cầu nguyện cho người
Tối hôm qua trong khi ngồi thiền, tôi có gởi năng lượng của tôi cho sư chị Đàm Nguyện ở Hà-nội.
Khi thực tập từ bi quán thì mình thực tập tình thương, cho nên sự truyền năng lượng này là một hình thức của cầu nguyện. Chuyện sư chị lành bệnh hay không lành bệnh, là chuyện khác. Khi trái tim mình tràn đầy yêu thương (sự yêu thương của một vị thầy, sự an lạc và sự vững chãi của vị thầy là một loại năng lượng có thật), trong giây phút ấy mình gởi cái năng lượng này cho người học trò, đó mới là vấn đề quan yếu. Người học trò của mình có biết hay không biết, điều đó không quan trọng lắm. Điều quan trọng là chỗ cái năng lượng đó nó có, và cái ý chí, lòng thương yêu, lòng ưu ái đó nó có, và tất cả những năng lượng đó đã được gởi đi.
Như vậy thì khi cái bản chất của sự thương yêu, của lòng từ bi có mặt trong ta, và nếu bản chất đó được gởi đi, thì đó chính là một sự cầu nguyện. Hành động như vậy, trước hết mình thấy trong lòng mình có một sự thay đổi, thì sự cầu nguyện đó đã bắt đầu có kết quả, kết quả ngay trong lòng của mình. Còn sư chị nhận được cái năng lượng đó, sư chị lành bệnh ngày hôm nay, hay phải đợi đến 30 năm sau mới lành, chuyện đó còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác. Nếu sư chị sống trong thanh thản, sống không sợ hãi, sư chị tiếp tục đi thiền hành, sư chị tiếp tục thở trong chánh niệm thì cái hiệu quả của sự cầu nguyện sẽ biểu lộ một cách mau chóng hơn, rõ ràng hơn. Chuyện đó sẽ xảy ra, dù sư chị biết hay không biết rằng bên này tôi có cầu nguyện cho sư chị.
Trong thời gian sư chị ở bên này, các sư em đã lo cho sư chị rất nhiều, biểu lộ sự thương yêu rất nhiều. Sư cô Định Nghiêm đã đưa sư chị đi nhà thương rất nhiều lần. Tất cả những yêu thương đó, những năng lượng đó chúng vẫn còn nằm trong sư chị, và còn nằm ngay trong mỗi chúng ta. Nếu chúng ta trở về tiếp xúc với những năng lượng để chữa trị cái thân và cái tâm của mọi người trong chúng ta, không phải chỉ một mình sư chị Đàm Nguyện mới tiếp nhận được sự chữa trị đó.
 
PHƯƠNG THỨC CẦU NGUYỆN
Thiết lập sự giao cảm
Người cầu nguyện và đấng được cầu nguyện là hai thực tại gọi là không pháp, tức là hai thực tại không tách rời nhau được. Không pháp có thể được dịch là interrelated realities. Điều đó là rất căn bản trong đạo Bụt. Tôi tin chắc rằng trong Cơ-đốc giáo, những người giác ngộ, những người tu lâu, những người có tuệ giác, cũng thấy được như vậy. Họ thấy rằng Chúa ở trong trái tim của mình, Chúa là mình, và mình là Chúa, không phải mình và Chúa là hai thực tại riệng biệt. Chúng ta không bị chia cách bởi những danh từ. Nếu thật sự tu học thì chúng ta có cùng một bản chất của tình thương, của chánh niệm, của tuệ giác với Bụt, với Chúa. Vì vậy cho nên có những tín hữu Ki-tô thấy rất rõ rằng đối tượng của cầu nguyện và người cầu nguyện không phải là hai đối tượng tách biệt.
Năng lễ, sở lễ tánh không tịch, the one who bows and the one who is bowed to, are both by nature empty. Empty là không, là trống rỗng. Đó là giáo pháp về sūnyatā của đạo Bụt. Trống rỗng ở đây không có nghĩa là không có mặt. Trống rỗng ở đây có nghĩa là chẳng có một cái thực thể riêng biệt. Thượng đế và ta là cùng một bản chất. Giữa ta với Chúa không có một sự phân biệt, cũng như người thiền sinh trên đây với ông chú, với bà ngoại của cô, không phải là ba cái thực tại tách biệt. Phải thấy cho được như vậy.
Cho nên khi đi sang câu quán niệm thứ hai thì ta mới hiểu được: Cảm ứng đạo giao nan tư nghì, nghĩa là “vì vậy cho nên sự cảm thông, sự giao tiếp giữa hai bên nó không thể nào diễn tả được”. Tiếng Anh mình có thể dịch là Therefore the communication between them is inexpressibly perfect. Vì vậy cho nên sự truyền thông giữa đôi ta (mình và đấng mình cầu) là mầu nhiệm vô cùng. Nó không lệ thuộc vào thời gian, nó không cần tới không gian, và khi mình quán niệm như vậy, khi mình thiết lập được sự liên hệ chặt chẽ giữa mình và người mà mình cầu, khi mình thấy được tính cách tuơng tức giữa mình và người mình cầu nguyện rồi, thì lúc đó sự cảm thông, sự cảm ứng mới được thực hiện, và thực hiện liền lập tức. Lúc đó trong đường dây mới thật có luồng điện, nếu không thì hoàn toàn không có hiệu quả, totally flat!
Từ câu hỏi thứ năm (Cầu ai?) chúng ta trở lại câu hỏi thứ hai (Có một phương thức nào đảm bảo đem lại kết quả cho sự cầu nguyện hay không?), thì qua hai câu quán niệm:
            Năng lễ, sở lễ tánh không tịch,
            Cảm ứng đạo giao nan tư nghì,
chúng ta đã thoáng thấy cái nguyên tắc đầu của phương pháp cầu nguyện. Đó là: Cái cảm ứng đạo giao, cái sự thông cảm giữa ta và đấng ta cầu nguyện phải được thiết lập trước. Sự thông cảm đó không cần thời gian, mà cũng không bị không gian chi phối.
Chúng ta biết rằng khi đài truyền hình ABC gửi những tín hiệu lên vệ tinh viễn thông và những tín hiệu đó từ trên vệ tinh phát chiếu xuống để cho máy truyền hình của ta tiếp nhận, thì cũng cần một khoảng thời gian ngắn để các làn sóng truyền qua không gian. Nhưng trong trường hợp cầu nguyện, khi chúng ta thiết lập được cảm thông giữa chúng ta bới Bụt, thì sự cảm thông đó hoàn toàn vượt khỏi ranh giới thời gian và không gian. Chúng ta không cần đợi một vài ngày sau mới thấy có kết quả, kết quả có tức thời! Khi pha cà-phê làm sẵn, instant coffee, thì tuy họ gọi là instant, nhưng chúng ta cũng phải nấu nước sôi, phải cần thì giờ để pha cà-phê, thì mới có cà-phê để uống. Còn ở đây, ta không cần chờ đợi chút nào cả, dù chỉ là một sát-na[3].
Như vậy thì cái phương thức cầu nguyện có hiệu quả đó được làm bằng một số những yếu tố, những nguyên tắc. Đầu tiên là nguyên tắc Năng lễ sở lễ tánh không tịch, cho nên Cảm ứng đạo giao nan tư nghì. Nói khác đi, trước tiên ta phải thiết lập cho được sự liên hệ không thể nghĩ bàn giữa ta và đấng ta cầu nguyện. Nó tương đương với việc thiết lập đường dây trong vấn đề truyền thông bằng điện thoại.
 
Năng lượng tu tập
Yếu tố thứ hai của sự cầu nguyện là phải có năng lượng, tương đương với vấn đề phải có dòng điện trong đường dây điện thoại.
Trong sự cầu nguyện, dòng điện đó là tình thương, là chánh niệm, là chánh định. Phải có niệm, phải có định, phải có tuệ, và phải có tình thương (tức là từ và bi), thì mới có hy vọng thành công trong sự cầu nguyện.
Như vậy tiến trình của việc cầu nguyện là trước hết ta phải thiết lập sự liên hệ, tức là nối cho được đường dây; kế đó ta phải chuyền năng lượng của chánh niệm qua đường dây đó. Dù trong tư thế ngồi, trong tư thế đứng, trong tư thế quỳ, hay trong tư thế nằm, nếu chúng ta có năng lượng của niệm, của định, của từ, và của bi thì chúng ta có thể cầu nguyện được, và hiệu quả của sự cầu nguyện có thể tức thời, xảy ra cùng một lúc với sự cầu nguyện.
Nếu hành trì như vậy mà kết quả của sự cầu nguyện vẫn không thấy, thì chúng ta thường phân vân với câu hỏi thứ tư: Nếu cầu nguyện không có kết quả, đó có phải là do đức tin yếu kém hay không? Đó có phải là do tình thương không có mặt, hoặc còn yếu kém hay không?
Đúng vậy! Nếu cầu nguyện mà không đủ niệm, mà thiếu định, thiếu từ, thiếu bi, thì việc cầu nguyện sẽ không thành công. Các yếu tố đó là những năng lượng cần có để chuyền vào đường dây. Khi trái tim của anh chưa mở ra, làm sao anh thấy khỏe được? Khi trái tim anh đã mở ra rồi thì anh thấy khỏe liền lập tức, anh thấy sự cầu nguyện có hiệu quả liền lập tức, rõ nhất là trong thân và trong tâm của chính anh, anh không cần thì giờ chờ đợi kết quả.
Không những đức tin cần phải có tình thương, mà còn cần phải có niệm. Theo sự thực tập của chúng ta tại Làng Mai thì niệm là sự có mặt đích thực của thân và tâm. Thân và tâm về cùng một mối, trong giờ phút hiện tại. Nếu không có điều đó thì chúng ta không cầu nguyện được, dù chúng ta là người Cơ-đốc giáo hay là người Hồi giáo. Nếu anh không có mặt thì ai là người đang cầu nguyện đây? Cho nên anh phải có mặt đích thực, thân và tâm anh phải an ổn tìm về một mối ngay trong giây phút đó, tức là anh phải có niệm trong lúc anh cầu nguyện. Khi có niệm thì anh có định, tức là có điều kiện để dẫn đến cái thấy sâu sắc (Tuệ).
Cái mà chúng ta nói là nguyên tắc đầu tiên, sự cảm ứng đạo giao, năng lễ sở lễ tánh không tịch, là một cái tuệ. Cái tuệ đó có thể được gọi là Không, là Tương tức, the nature of interbeing. Khi chúng ta chắp tay lại và quán tưởng Năng lễ, sở lễ tánh không tịch là chúng ta đem cái tuệ giác Bát nhã, cái tuệ giác tương tức vào để thiết lập sự liên hệ giữa ta và đấng ta cầu nguyện. Nếu không có cái đó thì cầu nguyện sẽ không thành. Nếu không có cái đó thì sự khấn vái chỉ là một sự mê tín.
Khi ta cầu ông nội, bà ngoại, hay là ông chú, chúng ta phải có cái tuệ giác tương tức này thì chúng ta mới chạm tới được những tế bào của ông chú, của bà ngoại ở trong ta. Nhờ vậy mà những tế bào đó mới bắt đầu sống dậy trong ta, bắt đầu hoạt động để giúp những tế bào khác tăng trưởng, những năng lượng đó giúp chúng ta biết đi thiền hành, biết thở, biết nuôi dưỡng, chăm sóc những tế bào khác ở trong chúng ta. Ngay lúc chúng ta chạm được tới ông nội, bà ngoại, ông chú thì những tế bào tươi tốt đó bắt tay vào việc liền lập tức, không cần chờ đợi một thời gian nào cả.
Cũng vậy, khi chúng ta đã tiếp xúc được với Bụt ở trong ta rồi, khi chúng ta đã tiếp xúc được với Bồ tát Quán Thế Âm trong ta rồi, thì không đợi thời gian nữa, cái năng lượng đó của ta và của Bụt đã giao nhau và trong ta đã bắt đầu có sự chuyển đổi.
 
Nghiệp báo và sự cầu nguyện
Chúng ta đi sang câu hỏi thứ ba: Nếu Thượng đế đã quyết định như vậy, nếu cái nghiệp lực nó đã như vậy rồi, thì làm sao chúng ta có thể thay đổi được mà cầu nguyện cho mất công? Câu hỏi mà chúng ta có thể hỏi lại là Tại sao không?
Trong đạo Bụt chúng ta đã học được rằng tất cả đều là vô thường, nghĩa là có thể thay đổi được. Hôm nay khỏe, ngày mai bệnh; hôm nay bệnh ngày mai có thể hết bệnh. Tất cả đều vâng theo luật nhân quả.Vì vậy nếu chúng ta có một năng lượng mới, có một tuệ giác mới, có một niềm tin mới, thì chúng ta có thể mở ra một giai đoạn mới của thân và của tâm. Vì vậy cho nên khi ngồi lại để thực tập đem thân, tâm về một mối, và đưa năng lượng tình thương của mình về cho bà con hoặc sư chị, hay sư em của mình, thì lúc đó chúng ta đang chế tác ra một năng lượng mới. Năng lượng đó lập tức làm cho trái tim ta mở ra. Chúng ta có cam lồ, có từ bi, và cái khoảng từ Làng Mai đến Hà-nội không có nghĩa gì cả. Khoảng cách đó so với khoảng cách từ đây đến vệ tinh viễn thông ngắn hơn rất nhiều. Mà ngay cả khoảng cách từ đây đến về tinh viễn thông cũng chẳng có nghĩa gì cả so với việc thiết lập giao cảm giữa người cầu và người được cầu trong đạo Bụt. Trong sự cảm thông không thể nghĩ, không thể bàn, trong cái nguyên tắc năng lễ, sở lễ tánh không tịch thì thời gian và không gian không là một trở ngại nào cả. Vậy thì cái ý chí của Thượng đế, cái volonté của Thượng đế cũng là cái ý chí của ta, tại vì Thượng đế và ta không phải là hai thực tại riêng biệt. Nếu ta muốn thay đổi thì Thượng đế cũng sẽ chiều ta. Cụ Nguyễn Du cũng đã thấy điều đó:
            Khi nên trời cũng chiều người, 
            Nhẹ nhàng nghiệp trước, đền bồi duyên sau.
Vấn đề chính là anh có chịu thay đổi hay không, anh có muốn thay đổi hay vẫn thích ôm lấy cái thú đau thương, cái thích thả hồn trong mộng? Nếu anh thực tâm muốn thay đổi thì Thượng đế cũng sẽ chiều anh để thay đổi.
Khi nên trời cũng chiều người, trời đây là cái tha lực, mà trời và ta không phải là hai thực thể cách biệt. Giữa cha và con cũng vậy, giữa mẹ và con cũng vậy, nếu con thay đổi thì mẹ thay đổi, nếu con thay đổi thì cha cũng sẽ thay đổi. Quý hồ là cái năng lượng phát xuất từ người con, nó làm thay đổi trong trái tim của người con trước, rồi nó sẽ tạo ra sự thay đổi trong trái tim của người cha, người mẹ sau. Sở dĩ như vậy là vì chúng ta không phải là những thực tại độc lập với nhau. Cho nên tuy Thượng đế đã an bài như vậy, Thượng đế muốn như vậy, nhưng chúng ta vẫn có thể thay đổi được, tại vì nói theo ngôn ngữ của Cơ-đốc giáo, chúng ta là con của Thượng đế.
Giữa tạo hóa (Thượng đế) và tạo vật (vũ trụ chúng sanh) có liên hệ gì? Một bên là Creator, một bên là Creature. Một bên là Creator, một bên là Creature. Một bên là Năng sáng tạo, một bên là Sở sáng tạo, Nếu có dính líu gì, nếu có liên hệ gì thì mới gọi là Năng với Sở, nếu không thì tại sao gọi là Năng và Sở?
Năng sáng tạo là Thượng đế, Sở sáng tạo là thế giới vũ trụ của chúng ta. Giữa cái năng và cái sở có một liên hệ mật thiết, như giữa cái trái và cái phải, cái ngày và cái đêm, cái no và cái đói. Cũng như vật thấy và vật bị thấy, theo định luật tia tới và tia phản chiếu trong quang học, chúng có liên hệ mật thiết với nhau. Góc tới thay đổi, thì góc phản chiếu đổi theo liền lập tức. Vì vậy cho nên cái mà chúng ta gọi là ý chí của Thượng đế, La volonté de Dieu, cũng dính líu tới cái volonté của ta, cái ý chí của ta.
Thành ra nghiệp báo có thể thay đổi được.
 
MỤC ĐÍCH CỦA CẦU NGUYỆN
Ba điều cầu nguyện thông thường
Chúng ta có những mong ước, có những điều tâm nguyện, và chúng ta muốn những điều đó được thực hiện, vì vậy mà chúng ta cầu nguyện.
Đại đa số chúng ta mong ước gì? Trước hết là mong ước về sức khỏe. Tất cả chúng ta ai cũng mong ước có sức khỏe. Chúng ta mong ước gì nữa? Mong ước sự thành công. Làm gì chúng ta cũng muốn thành công, đi tu cũng muốn thành công chứ đừng nói là đi buôn. Chúng ta thường chúc Tết nhau về hai mặt thành công và thịnh vượng. Điều thứ ba chúng ta mong ước là sự hài hòa. Thiếu điều thứ ba này chúng ta không sống hạnh phúc được. Chúng ta có liên hệ với những người khác, và nếu liên hệ giữa ta với những người này không được tốt đẹp thì ta không có hạnh phúc, vì vậy mà ta cầu cho sự liên hệ hàng ngày giữa ta với người kia có sự hài hòa.
Ở Đài-bắc có một phụ nữ rất đau khổ vì chồng đi đánh bạc. Bà không biết làm gì hơn là đến chùa cầu nguyện, xin đức Bồ tát làm sao để chồng mình bỏ bài bạc, nếu không thì mối liên hệ giữa mình với chồng sẽ rất cực nhọc, rất khổ đau. Một bên làm lụng, buôn bán tảo tần, một bên phung phí tiền bạc, không để ý gì đến vợ con. Đó là về vấn đề liên hệ. Người đàn bà này không cầu tiền bạc, không cầu thành công, không cầu sức khỏe, mà chỉ cầu xin đức Bồ tát cứu giúp, xui khiến cho chồng mình bỏ bài, bỏ bạc.
Có một phụ nữ khác, tới chùa cầu nguyện để người đàn bà kia buông chồng mình ra, tại vì chồng mình đang bị đặt dưới ảnh hưởng của một người đàn bà ấy. Chúng ta hãy tưởng tượng một người đàn bà đang đau khổ, ngày đêm khóc thầm, tại vì chồng mình đã bỏ rơi mình để đi theo một người đàn bà khác! Trong lòng bà chứa chất những đau khổ, những oán hận, những ganh tị. Những niềm đau, nỗi khổ đó biểu lộ ra trong đời sống hàng ngày. Con mắt bà chứa đầy oán trách, lời nói bà chứa đầy cay đắng. Nhưng bà càng làm như vậy thì ông chồng bà lại càng chán và càng bám sát lấy người đàn bà kia. Bây giờ người vợ đó chỉ có cách đến chùa để lạy đức Bồ tát Quán Thế Âm, cầu cho người đàn bà kia buông thả chồng mình ra.
Cầu nguyện như vậy có đúng không, nhất là trong tinh thần đạo Bụt? Có cần sự thực tập nào đi theo sự cầu nguyện đó hay không? Trong sự cầu nguyện này có niệm, có định, có tuệ, có từ, có bi hay không? Hay chỉ có sự giận hờn, sự trách móc, sự ganh tị, sự uất hận mà thôi? Nếu không có những năng lượng của niệm, của định, của tuệ, của tình thương thì làm sao đường dây có điện? Làm sao lời cầu của mình thấu đến tai Bồ tát được?
Phải có trí tuệ để thấy rằng mình, chồng mình, và người đàn bà kia có liên hệ mật thiết với nhau. Phải có những năng lượng phát xuất từ chính mình thì mình mới có thể thiết lập được liên hệ với chồng, và với người đàn bà kia. Tất cả những điều đó đều thuộc phạm vi thực tập.
Chúng ta cầu nguyện bằng cách nào? Chúng ta phải cầu nguyện bằng cả thân, cả miệng và cả ý, nghĩa là ta phải cầu nguyện bằng ý, bằng lời, và bằng sự sống hàng ngày của ta. Thân-khẩu-ý phải hợp nhất lại trong niệm, và trong tình trạng gọi là thân tâm nhất như đó, chúng ta mới có thể chế tác ra được cái năng lượng của đức tin, của thương yêu, và chúng ta mới thay đổi được tình trạng.
Chúng ta hãy nhìn vào ba điều cầu nguyện thông thường của mọi người. Trước hết là cầu xin sức khỏe. Phần lớn chúng ta đều là những người nghèo mà ham, đều là những thằng mõ mong được gõ cửa nhà trời! Chúng ta mong mình có cái sức khỏe gọi là toàn hảo, perfect health. Nhưng cái gọi là sức khỏe toàn hảo đó chỉ là một ý niệm, nó không bao giờ có thật trong sự sống.
Sở dĩ chúng ta còn sống đây là nhờ chúng ta đã từng có bệnh. Nếu không bệnh thì chúng ta không thể nào sống được. Người nào trong chúng ta cũng đều đã trải qua cái thời gian đau vặt vãnh, ốm liên miên, nhất là trong thời thơ ấu. Con người là một câu lau, một sinh vật yếu đuối, luôn luôn bị hăm dọa bởi những con vi khuẩn, những con nấm độc. Chúng đầy dẫy ở trong không khí, trong nước uống, trong thức ăn. Ba loại sinh vật li ti luôn luôn rình rập, hăm dọa chúng ta, là Vi trùng (Bacteria), Vi khuẩn (Virus), và Nhiễn khuẩn (Fungus). 
Chính nhờ những lần đau vặt vãnh, chính nhờ luôn luôn bị bao vây, bị tấn công bởi những con vi sinh đó, mà trong người của chúng ta mới phát triển ra được một hệ thống kháng thể, để phòng thủ và bảo vệ cho ta. Như vậy thì nhờ có bệnh, nên mình mới biết tự vệ để sống còn. Cho nên đừng ham là mình có được một sức khỏe gọi là không tật bệnh, một sức khỏe tuyệt đối. Không có bệnh thì không có sức khỏe! Chúng ta phải nhận thức điều đó và phải biết sống hòa bình, an lạc với bệnh của mình.
Trong bụng hơi đầy hơi thì đừng nói rằng vì đầy hơi nên mình ngồi thiền không được! Phải tập ngồi thiền với một ít hơi ở trong bao tử. Có hơi ở trong bao tử mà ngồi thiền có an lạc thì mới gọi là biết tu tập, mới là có điều kiện để tu tập. Đừng bao giờ nghĩ rằng chừng nào mình hết đầy hơi thì mình mới ngồi thiền an lạc được! Nếu vậy thì không bao giờ mình có thể tạo được an lạc trong khi ngồi thiền! Trong chúng ta người nào cũng có một ít bệnh, chúng ta phải ký một hiệp ước sống chung an lạc với bệnh của mình.
Vì vậy mà trong sự cầu nguyện đừng bao giờ mơ tưởng tới cái gọi là hoàn toàn không có bệnh. Trong bài Đệ tử kính lạy, mình phải hiểu câu Thân không tật bệnh là không tật bệnh đến độ không tu tập được. Phải có một sức khỏe tối thiểu nào đó thì mới tu tập thành công được.
Ví dụ trong khu vườn của chúng ta có ba trăm cây rất đẹp, nào cây tùng, cây bách, cây bồ đề, cây liễu, cây hạnh, cây lê, cây táo v.v… Trong khu vườn của chúng ta cũng có thể có ba bốn cây bị chết. Nhưng không phải vì vậy mà khu vườn không đẹp. Mình đừng than khóc khi thấy ba, bốn cây trong vườn bị chết khô. Mình phải vui lên vì có đến ba trăm cây trong vườn còn khỏe mạnh! Trong cơ thể mình cũng vậy. Mình có một bệnh, hai bệnh, ba bệnh. Nhưng những bộ phận khác của cơ thể mình đang còn tốt. Phải thấy như vậy. Mắt của anh còn tốt không? Hai lá phổi của chị còn tốt không? Hai chân chú còn đi vững không? Tại sao mình không sung sướng nhận diện những yếu tố đó của sức khỏe, mà cứ nói rằng tại sao tôi cứ đau cái này nhức cái kia hoài! Mình phải nhận diện những yếu tố tích cực. Mình phải biết trong người của mình có thể có tới bảy mươi, tám mươi, hoặc chín mươi phần trăm cơ phận còn tốt. Đừng bao giờ than phiền, đừng bao giờ mong cầu một tình trạng sức khỏe gọi là toàn hảo. Cái đó không bao giờ có. Ngay cả đức Bổn Sư, ngài cũng đã cần có đức A-Nan xoa bóp, ngài cũng đã từng bị bệnh đau bụng.
Nếu mình có vài ba bệnh, và nếu các tật bệnh đó không trầm trọng đến độ có thể ngăn cản sự tu tập của mình, thì đó đã được xem là thân không tật bệnh. Với những ốm đau lặt vặt, mình vẫn có thể hàng ngày an vui tu tập pháp Bụt nhiệm mầu, để mau ra khỏi luân hồi và giúp được cho nhiều người khác rồi.
Nếu chúng ta có một công thức để cầu nguyện cho mọi người đều có sức khỏe tuyệt đối thì mọi nhà thương đều đóng cửa, tất cả các y tá, các bác sĩ đều thất nghiệp! Thành ra chúng ta phải thực tế, đừng mơ tưởng những điều trên mây. Bệnh tật là một thực tại mà chúng ta phải chấp nhận, chúng ta phải ký một hiệp ước sống chung an lạc với chúng. Mình chỉ cần một sức khỏe tương đối. Vì vậy, trong khi cầu nguyện, chúng ta đừng quá đòi hỏi. Nếu tất cả mọi người không bệnh, không chết, thì làm gì có chỗ để chúng ta ngồi trong thiền đường này? Trái đất cũng sẽ không đủ chỗ chứa!
Chúng ta phải biết rằng cái bệnh và cái chết là một phần của sự sống.
Điều cầu nguyện thứ hai là sự thành công. Ai cũng muốn thành công. Nhà buôn muốn thành công với tư cách nhà buôn; nhà văn muốn nổi tiếng, muốn sách bán chạy; người làm phim muốn phim của mình được nhiều hãng mua. Ai cũng muốn thành công cả. Người nào cũng muốn cầu nguyện để cho sự làm ăn của mình thịnh vượng, thành công. Mỗi khi Tết đến chúng ta thường chúc nhau thịnh vượng, nhưng sự thịnh vượng đó có hẳn là cái yếu tố không thể có của hạnh phúc không? Đó là câu đáng hỏi.
Ngoài ra, sự thịnh vượng của một người có phải kéo theo sự không thịnh vượng của người khác hay không? Nếu một nước sản xuất lúa gạo như Việt-nam mà không xuất cảng được lúa gạo thì nguy lắm. Nếu tất cả các nước đều có thể sản xuất đủ gạo cho nước mình thì ai là người mua số lúa gạo thặng dư của các nước khác? Cho nên thỉnh thoảng phải có những năm mất mùa. Thế giới có những nước cần mua lúa, mua gạo thì những nước sản xuất lúa gạo mới có thể làm ăn được. Vì vậy cho nên tất cả chỉ có giá trị tương đối mà thôi.
Điều cầu nguyện thứ ba là sự hài hòa. Hài hòa cũng vậy, hài hòa là làm thế nào để có tình thương, làm thế nào có sự hòa điệu giữa mình và người mình thương, giữa mình và gia đình mình, giữa mình và xã hội mình. Đây là một yếu tố khác của hạnh phúc. Chúng ta có thể làm gì và chúng ta có thể cầu nguyện cho điều này không? Và cầu nguyện theo lối nào, theo công thức nào?
Đó là ba đối tượng cầu nguyện của rất đông người trong chúng ta, nhỏ cũng như lớn. Thường thường chúng ta cầu nguyện cho chính chúng ta trước, rồi mới cầu nguyện cho người ta thương. Thông thường thì ta không cầu nguyện cho người dưng nước lã, và nhất là không cầu nguyện cho những người chúng ta ghét, những người đã làm khổ ta.
 
Điều cầu nguyện của người tu
Người xuất gia có một ý niệm khác về cầu nguyện. Ngay trong bài Đệ tử kính lạy, bài cầu nguyện phổ thông nhất của giới Phật tử Việt-nam, có nói rất rõ về mục đích của sự cầu nguyện.
Đã đành chúng ta cầu thân không tật bệnh, tâm không phiền não. Nhưng chúng ta không cầu nhận hai điều đó như là hai cứu cánh, tại vì chúng ta muốn đi xa hơn nữa. Nên nhớ rằng bài này không phải chỉ dành cho giới xuất gia mà chung cho tất cả mọi người tại gia, và những em rất trẻ ở trong Gia đình Phật tử Việt-nam nữa.
Ngửa trông ơn Phật từ bi gia hộ, thân không tật bệnh, tâm không phiền não để làm gì? Để hàng ngày an vui tu tập phép Phật nhiệm mầu, để mau ra khỏi luân hồi, minh tâm kiến tánh. Đó là câu tụng của người xuất gia. Ra khỏi luân hồi, vượt thoát sanh tử, là lời cầu nguyện của những người xuất gia.
Người xuất gia có thể cầu nguyện sức khỏe, có thể cầu nguyện thành công, có thể cầu nguyện hài hòa trong tăng thân không? Có! Nhưng chừng đó chưa đủ. Người xuất gia phải đi đến một mức độ sâu sắc hơn, đó là giải thoát sanh tử để có thể thỏa mãn được những nhu yếu rất sâu mà người tại gia chưa thấy được. Đó là biết rõ tôi từ đâu tới, tại sao tôi có mặt đây, tôi sẽ đi về đâu, sau khi chết tôi còn hay không, tôi với Bụt có liên hệ gì không, cái bản lai diện mục của tôi là gì? Đó là những điều cầu nguyện sâu sắc nhất của người tu.
Nếu là người tu mà chỉ cầu nguyện ba điều thông thường là sức khỏe, thành công và hài hòa, thì chưa phải là người tu đích thực. Người tu đích thực phải cầu nguyện tới mức độ sâu sắc hơn. Mình phải làm thế nào để trong đời sống hàng ngày, mình có thể có cái nhìn chọc thủng được bình diện tích môn, để đi tới bản môn, mà thấy được cái bản chất tương tức của vạn sự, vạn vật. Mình phải thấy được cái Như Lai tạng, cái chân như, cái bản thể, cái niết bàn thì lúc đó mình mới đạt tới sự thỏa mãn lớn lao của người tu.
Sự thỏa mãn đó có rồi thì dầu có sức khỏe nhiều hay sức khỏe ít, mình vẫn có hạnh phúc như thường. Dù thành công hay không thành công trong công việc, trong sự tạo dựng chùa chiền, hoặc trong tổ chức tăng thân, thì mình vẫn không đau khổ gì cả. Cố nhiên khi mình có hạnh phúc rồi thì mình sẽ không tranh chấp, không gây chiến tranh, không tạo khổ đau. Sự hài hòa do đó tự nhiên nó có.
Như vậy thì chúng ta khác nhau ở chỗ nào? Khác nhau ở trình độ cầu nguyện của chúng ta. Khi chúng ta đã tiếp xúc được với bản môn rồi, nghĩa là tiếp xúc được với niết bàn, với chân như, với Như Lai tạng, khi chúng ta đã bước vào được thế giới của Hoa Nghiêm, đã tiếp xúc được với nước Chúa, với Thượng đế rồi, thì cái gì xảy ra trong tích môn ta cũng chấp nhận được cả, chúng ta đã đi vào trong cõi an lạc, không còn đau khổ nữa. Sống thêm mười năm nữa cũng được, mà sống thêm nửa năm nữa cũng không sao.
Lúc đó, chúng ta đã thay đổi hẳn cách nhìn của chúng ta. Trước kia nếu không có cái này, ta sẽ đau khổ vô cùng, nhưng khi tiếp xúc được với chân như rồi thì không có cái này cũng không sao. Trước kia không có sự thành công này, ta xem như cả cuộc đời thất bại, nhưng khi đã tiếp xúc được với bản môn rồi thì dù chùa của mình có bị cháy, dù người ta bôi xấu mình, người ta gán cho mình những điều oan ức, thì mình vẫn mỉm cười, an lạc được như thường. Cái mà ta cho là sự thành công, căn bản hạnh phúc của đời ta, ta không cần nữa, tại vì hạnh phúc của ta ở trong bản môn đã có, và rất lớn, nó vượt thoát khỏi cái thành cái bại.
Ngoài ra, khi mình thấy được mình và tất cả chúng sanh là cùng một bản thể, thì làm gì có sự chia cách mà không có sự hài hòa? Ta và bụt đã là một, thì làm gì có sự chia cách nữa? Vì vậy cho nên người tu phải biết cách cầu nguyện, và cái ước muốn sâu sắc nhất của người tu là tiếp xúc được với bản môn. Tiếp xúc được với bản môn rồi thì tự nhiên sức khỏe của chúng ta tăng tiến, chúng ta sẽ thành công trong sự tu học và hóa độ, chúng ta sẽ tạo được tăng thân rất an lạc, rất hạnh phúc, rất hài hòa. Nhưng dù cho sự thành công không tới mức mà ta mong ước, chúng ta vẫn không thấy khổ. Cho nên chúng ta thấy rằng sự cầu nguyện của người tu là rất sâu sắc, nó không chỉ nằm trên bình diện tích môn.
Chúng ta đừng nghĩ rằng sức khỏe của chúng ta là quan trọng nhất, sự thành công của chúng ta là quan trọng nhất, hay cái liên hệ của chúng ta với người thương, với gia đình, với xã hội là quan trọng nhất. Cái quan trọng nhất của người tu là chúng ta chọc thủng được bức màn tích môn để đi vào thế giới của bản môn, để thấy được sự liên hệ, thấy được cái tương tức giữa ta và Bụt, giữa ta và tất cả những hiện tượng khác của sự sống quanh ta.
Vì vậy khi cầu nguyện, chúng ta phải có trí tụê. Đa số chúng ta khi cầu nguyện thường muốn đức Bồ tát làm cho chúng ta điều này điều kia, muốn Thượng đế ban cho chúng ta cái này cái nọ. Chúng ta tưởng rằng nếu Bụt, nếu Bồ tát, nếu Thượng đế làm cho ta cái đó, ta sẽ có hạnh phúc. Nhưng cái trí tuệ của chúng ta đâu có đủ để chúng ta đặt ra một chương trình cho Bụt, cho Bồ tát, hoặc cho Thượng đế làm theo?
Ví dụ về sinh môi. Chúng ta muốn cầu nguyện như thế nào? Chúng ta cầu nguyện cho cây đừng bị đốn, cho các loài chúng sanh đừng bị sát hại, không bị diệt chủng. Nhưng cái thấy của chúng ta có đủ để chúng ta đưa ra một chương trình và nhờ Thượng đế thực hiện giùm không? Tại vì trong chương trình của Thượng đế, có sự sinh nở, có sự tiêu diệt. Những con châu chấu đó nếu không chết, mỗi khi hàng trăm triệu con đáp xuống, thì chỉ trong vài giây đồng hồ là chúng có thể làm cho mùa màng của cả một vùng bị tiêu tan. Có những con vi khuẩn có thể ăn những con vi khuẩn khác. Chúng ta có đủ trí tuệ để thiết kế một sinh môi hay không? Trong sự sinh nó phải có sự diệt. Phải có những loài này tấn công những loài khác và tạo thành một thế thăng bằng để sự sống có thể có mặt được. Chúng ta có đủ trí tuệ để thiết lập ra sự thăng bằng đó hay không? Nếu chúng ta không có khả năng đó mà vẫn muốn sự việc xảy ra theo ý mình, thì sự cầu nguyện của chúng ta chỉ biểu lộ sự ngu si, sự tham lam của chúng ta mà thôi.
Trí tuệ của chúng ta về sự sống như thế nào, từ bi của chúng ta có bao nhiêu mà chúng ta muốn làm một danh sách công việc để bắt Thượng đế phải làm theo? Cho nên trong khi cầu nguyện ta phải có trí tuệ, chúng ta đừng đòi hỏi quá đáng như đòi hỏi một sức khỏe toàn hảo, một perfect health, một đòi hỏi rất là vô lý!
Chúng ta cầu nguyện cho bản thân ta, cầu nguyện cho những người thương của ta, và chúng ta đòi hỏi những điều mà nếu Thượng đế làm, nếu đức Bồ tát làm thì sẽ tạo ra một sự xáo trộn rất lớn trong thế giới này, và sẽ gây ra rất nhiều đau khổ.
Cho nên phải có trí tuệ trong khi cầu nguyện. Làm sao để có trí tuệ? Muốn có trí tuệ thì ta phải quán chiếu, phải đi về bản môn. Một điều mà chúng ta có thể biết được là khi năng lượng của từ bi, của trí tuệ, của chánh niệm khởi dậy rồi, thì chúng ta có thể thay đổi được tình trạng, thay đổi được hoàn cảnh. Thay đổi không phải bằng cá nhân của ta mà thôi, mà bằng cả tâm thức cộng đồng. Tâm thức cộng đồng đó là cái chìa khóa của tất cả sự thay đổi.
Larry Dossey, một bác sĩ người Mỹ, nói rằng: Thượng đế là một vệ tinh viễn thông. Tất cả những ước muốn của mình phải được phóng lên trên đó, rồi Thượng đế sẽ gởi phán quyết của ngài lại cho người mình muốn cầu nguyện.
Ví dụ mình là A, mình muốn cầu nguyện cho B, hai bên ở xa nhau. Mình phải hướng lời cầu nguyện tới Thượng đế và Thượng đế sẽ phản chiếu lại giùm mình. Mình cầu cho B được làmh bệnh thì B sẽ được lành bệnh. Vì vậy mà Thượng đế được ví như là một vệ tinh viễn thông.
Cái vệ tinh viễn thông mà Larry Dossey gọi là Thượng đế đó, đạo Bụt gọi là Tâm thức cộng đồng, tức là A-lại-gia thức, trong đó Bụt và chúng ta là một. Nếu có một sự chuyển biến ở trong tâm thức cá nhân thì có sự chuyển biến ở trong tâm thức cộng đồng. Mà khi có chuyển biến trong tâm thức cộng đồng thì có sự chuyển biến tình trạng của đối tượng cầu nguyện của chúng ta. Vì vậy cho nên ta nói rằng tất cả là đều do tâm. Tâm của chúng ta là một sáng tạo phẩm của tâm thức cộng đồng. Nếu chúng ta muốn có sự thay đổi, thì chúng ta phải trở về với tâm.
Tâm của chúng ta là một trung tâm chế biến năng lượng. Từ trung tâm điện lực đó, ta mới có thể thay đổi được thế giới, vũ trụ. Thay đổi bằng những năng lượng có thật, và do chính ta chế tác ra.
Đó là cách cầu nguyện hữu hiệu nhất.