Đặt chân lên thành phố Saigon lần thứ hai nầy cùng má tôi sau mười năm cách
biệt, chàng trai với hai giòng máu Ý-Việt trong tôi không hiểu mình đang là
người tìm về nguồn cội hay chỉ là một khách du hành Âu châu bình dị.
Hôm nay chúng tôi đến tiệm cơm chay Bồ Đề ở đường Phạm Ngũ Lão để dùng cơm
trưa. Một người đàn bà tàn tật cụt nửa chân, bà đang
dùng hai đầu gối di
động trên nửa đôi chân còn lại, lê lết khắp từ bàn này đến bàn khác để bán
những tập lưu ảnh cảnh đẹp Việt Nam cho khách ăn trong các tiệm quán.
Tôi chợt ngó sang trước tiệm đối diện khoảng cách không xa bên kia đường có
một tiệm bán thức ăn Ý. Má tôi nhìn tôi và nhận ra liền sự thèm muốn món ăn
thường nhật trong tôi, người bảo tôi cứ tự nhiên. Tôi đứng dậy sang bên
tiệm bên kia và chọn một bàn gần bàn của một nhóm người Đức.
Người đàn bà tàn tật cụt chân đang tiến vào tiệm và dừng chân nơi bàn của
những người khách Đức. Họ không ngước nhìn bà, cứ như sự hiện diện của bà
chẳng có gì dù bà đang chìa ra một cọc bưu ảnh để mời họ mua. Bà cứ đứng đó
chờ, có lẽ sự
kiên nhẫn của bà làm họ bực bội nên một người trong bọn móc
bóp rút ra tờ bạc mười ngàn đồng rồi ném lên bàn về phía bà mà không cần
nhìn bà dù chỉ một ngước mắt để chọn bưu ảnh, họ muốn ngầm bảo với bà rằng
tiền đó, bà hảy đi đi, họ không cần mua.
Tôi cũng ngỡ là bà sẽ nhận tiền và bước đi, nhưng ngạc nhiên làm sao, bà
cất tiếng rỏ ràng, tiếng Việt với những từ ngữ mà tôi dễ dàng hiểu được:
- Tôi bán bưu ảnh chứ không ăn xin. Nếu không mua, các ông hãy cất tiền của
các ông đi, tôi không nhận.
Những ông khách da trắng đó thấy bà đẩy tiền trả lại, họ bình thản cất tiền
vào, không màng nhìn đến bà nữa. Người đàn bà tàn tật khập khểnh trên đôi
đầu gối lặng lẽ bước ra khỏi tiệm và
đi về đầu ngõ. Lòng tự trọng của bà
làm tôi xúc cảm.
Một tuần lễ trôi qua, trong một buổi chiều mưa đi bộ về khách sạn cùng má
tôi với chỉ một cây dù. Tôi để dù cho má tôi che, còn tôi đi trước cho mau
về đến nơi. Ngang qua khúc quẹo đường Bùi Viện tôi chợt dừng lại vì tôi vừa
thấy người đàn bà tật nguyền hôm nào. Bà đang lê đôi gối trước cửa một tiệm
ăn, không dù che cũng chẳng phủ áo mưa. Tôi nhìn bà và như nghĩ ra được
điều gì, tôi chạy ngược về phía má tôi xin mượn cây dù rồi chạy nhanh về
phía người đàn bà tàn tật, bà vẫn còn đúng đó, ướt sủng, co ro. Tôi đến bên
bà, đưa chiếc dù tận tay và nói mau:
- Chiếc dù nầy của bà đó, bà che cho bớt lạnh.
Người đàn bà khốn khổ nhìn tôi
ngơ ngác, và như chợt hiểu ra, bà cầm dù và
cám ơn. Tôi sung sướng thấy bà không từ chối như đã từ chối những tờ giấy
bạc miệt khinh của những khách da trắng hôm nào. Tôi và má tôi cùng bước
dưới mưa, nhưng tôi nghe lòng ấm áp làm sao. Tôi không nghĩ mình là một du
khách tìm thăm xứ lạ nữa. Những giọt nước trong cơn mưa chiều đang tưới mát
hồn tôi để tôi nghe nữa giòng máu Việt đang luân lưu đưa tôi trở lại nguồn
bằng một chuyến hồi hương về thăm quê mẹ.
Theo Mạch Sống