Sunday, September 23, 2012

Uống nước nhớ nguồn - TT. Thích Thông Phương

Quán Âm cảm ứng kỳ diệu !

- Có viện hải dương học thuê một chiếc thuyền để làm phim tài liệu chuyên môn cho viện. Không may cho ê-kíp làm phim và thủy thủ đoàn, ngoài khơi họ đã gặp sóng to gió lớn, thuyền bị lật, mọi người đều bị rơi xuống biển giữa dòng nước lạnh thật khủng khiếp. Vì không được cứu hộ nên từng người một phải bỏ mạng trong biển lớn.



Phù điêu Quan Âm Nam Hải

Chỉ duy nhất một người sống sót. Anh ta kể lại rằng trong lúc tuyệt vọng ấy, bỗng nhiên anh nhớ tới người vợ hiền thường khuyên anh niệm "Quán Thế Âm Bồ tát" mà trước đây anh cảm thấy không cần dùng nên không lưu tâm đến, và cứ như thế anh một mực niệm "Đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ tát, Quán Thế Âm Bồ tát, Quán Thế Âm Bồ tát,…". Anh không biết mình đã niệm bao lâu, đến khi có một chiếc thuyền đánh cá đến cứu, đưa về bệnh viện, anh mới biết đã trôi giạt trên biển hết 14 tiếng đồng hồ.

Người ngư phủ đến cứu anh hôm đó vốn không muốn ra biển, vì có sóng to gió lớn. Nhưng hôm ấy cái lư hương dùng để cúng Phật của gia đình ông bỗng nhiên phát hỏa, lửa bốc cháy trong lư hương rất kỳ lạ. Bà vợ của ông như linh cảm chuyện gì, bèn giục chồng phải ra biển. Ông càu nhàu nói: "Hôm nay không ai ra biển, bà lại ham tiền sao lại xúi tôi như thế?". Sau đó, mặc dù không muốn nhưng ông cũng cho thuyền nhổ neo ra khơi, thấy có người gặp nạn liền cứu rồi đưa về bệnh viện.

Chính anh ấy là người duy nhất trong đoàn làm phim thoát nạn nhờ ông ngư dân cứu hộ. 14 tiếng đồng hồ trôi nổi dập vùi giữa sóng lớn, phải chứng kiến những người bạn mất đi, vừa đói khát lạnh lẽo, thế mà có thể sống quay về, anh ấy tự cảm nhận đó là sự linh ứng do niệm Bồ tát Quán Thế Âm. Thật là điều kỳ diệu! (Theo Liên hoa hóa sanh)

Bài học đạo lý
Một người mắc nạn trên biển, 14 tiếng đồng hồ bị dập vùi giữa sóng lớn, dầm mình trong nước lạnh giá, bốn bề không có người, chẳng được ăn uống, lại phải chứng kiến cảnh từng người bạn chìm dần trong sóng biển, tình huống thê lương và bi thảm như thế mà anh chàng gặp nạn ấy vẫn may mắn được cứu sống như một phép mầu. Chỉ có thần lực của Bồ tát mới có thể cứu độ, che chở và cho chiếc thuyền của ngư dân ra khơi kịp thời tiếp cứu anh ấy mà thôi.

Tự trong lòng, anh ta cảm nhận rất rõ sự mầu nhiệm đó là thần lực của Bồ tát Quán Thế Âm. Anh bạn ấy vốn chưa niệm Quán Thế Âm Bồ tát bao giờ, chỉ mới niệm lần đầu tiên trong đời mà chiêu cảm được sự linh ứng, lại không bị thương tổn, cũng không cảm thấy thống khổ. Trong tình huống bi thảm như thế, anh vẫn một lòng chân thành niệm danh hiệu Bồ tát, nhờ năng lực cứu độ nhiệm mầu khiến thân tâm anh được an nhiên và thoát nạn.

Anh ta niệm Phật, Bồ tát lần đầu mà được như vậy. Còn các bạn chắc chắn niệm Phật, Bồ tát và trì kinh hơn anh ta rất nhiều, không lẽ Bồ tát không luôn ở bên bạn để gia hộ cho thân tâm bạn được an nhiên? Không lẽ mình học Phật lâu như thế mà đức tin lại không bằng anh ấy? Và không lẽ sự cảm ứng giữa bạn và Phật, Bồ tát lại không được như anh ấy?

Nghĩ được như thế, tôi và các bạn càng có đức tin lớn hơn gấp bội, vui vẻ mà niệm Phật, Bồ tát. Trong những hoàn cảnh khó khăn, một khi tôi và các bạn không sợ, không bận tâm tới, mà lại chuyên tâm trì niệm danh hiệu của chư Phật, Bồ tát với lòng tin mãnh liệt và tôn kính nhất, chắc chắn chúng ta sẽ được bình an, vượt qua chướng ngại như anh chàng kia được Bồ tát cứu thoát khổ nạn trên biển.


Lê Đàn

http://giacngo.vn/vanhoa/2010/10/25/7AF653/
__________________
Đống xương sanh tử dường non cả,
Giọt lệ chia ly nước biển đầy!
Thế giới ngày kia rồi cũng hoại,
Đời người khoảnh khắc chớ mê say.
Cái thân nam nữ ngàn phen đổi,
Mà kiếp sừng lông vạn lúc thay.
Muốn khỏi luân hồi nhiều khổ hận,
Phải tu Tịnh độ gấp khi này.

Khai Thị Của Một Vị Chân Tu Đã Đạt Bất Niệm Tự Niệm



HT Thích Trí Tịnh khai thị :

 Trong những pháp môn Phật dạy, tôi cả đời chuyên tâm nơi pháp môn Trì danh niệm Phật. Pháp tu niệm Phật có nhiều, trì niệm danh hiệu Phật là một trong những pháp niệm Phật. Đây là pháp môn dễ tu, dễ thực hành nhất, dễ thành tựu. Về chỗ thành tựu cũng như chỗ đạt được rất rõ ràng từng bước, từng nấc tiến, có thể diễn nói, có thể khắc nghĩa. Do cái rõ ràng mà người được nghe, người được biết, nghe cũng dễ mà biết đúng cũng dễ. Chỉ quan trọng là phải có lòng tin chân thật, chí nguyện vãng sanh chân thật và thực hành đúng pháp siêng năng. Được vậy, thì đã nắm vững ở pháp môn niệm Phật. Nếu lúc tu hành có sai cũng dễ nhận biết, làm đúng mình cũng tự biết, khi được mình cũng tự biết.

Tôi nói thật với các huynh đệ, những gì sau khi tôi đã hiểu đã biết, lúc thực hành như thế nào, trải qua mấy mươi năm, các huynh đệ đôi khi thắc mắc: không biết Hòa thượng tu như vậy thành tựu được gì không? Có được mà chỉ được bước đầu tiên thôi.

Các huynh đệ tụng kinh A Di Đà, đức Phật có nói, nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân được nghe đức Phật A Di Đà rồi chấp trì danh hiệu của đức Phật đó, hoặc một ngày, hoặc hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày, bảy ngày nhất tâm bất loạn thì người đó đến lúc lâm chung được đức Phật A Di Đà cùng các Thánh chúng hiện ra trước mặt. Lúc ấy, do sức niệm của mình đã vững, lại có Phật và Thánh cùng đến tiếp đón nên tâm không điên đảo, được sanh về thế giới Tây phương Cực lạc.

Khi về cõi Cực lạc lấy hoa sen làm bào thai mà sanh ra, thọ hưởng về chánh báo là thân thể, được thân kim cang bất hoại. Trong kinh nói, hoàn cảnh ở cõi đó rất rõ ràng, đất đai, nhà cửa, sự sinh hoạt đều rất trang nghiêm thanh tịnh, bảo đảm chắc chắn thành tựu quả vị Phật. Cho nên, vãng sanh Tịnh độ không phải chuyện tầm thường, phải được đức Phật cùng Thánh chúng đến tiếp đón.

Vậy làm thế nào chúng ta được sanh về cõi Cực lạc? Trong kinh A Di Đà nói: "Chẳng thể dùng chút ít thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sanh về cõi ấy". "Chẳng dùng chút ít" nghĩa là phải nhiều, nhiều thiện căn phước đức nhân duyên mới được sanh về. Nhưng muốn được nhiều phải làm sao? Theo lời Phật dạy, rất dễ hiểu, dễ thực hành, dễ được kết quả. Nghĩa là: Người nào nghe đến đức Phật A Di Đà rồi chấp trì danh hiệu. "Nghe đến" nghĩa là chưa từng nghe biết cõi Cực lạc và đức Phật A Di Đà, bây giờ mới được nghe biết danh hiệu của Ngài.

Bốn tiếng "Chấp trì danh hiệu" thường thường không ai chú ý. Khó lắm! Lời trong kinh nói là lời Phật nói không phải chuyện thường, từ tiếng phải nắm cho rõ chứ không phải như phàm phu nói chuyện với nhau. Nếu không như vậy thì sẽ hiểu sai lệch, đã hiểu sai thì tu sai, tất nhiên không có chỗ thành tựu. Thế nào mới đúng ở nơi "chấp trì danh hiệu"? "Chấp" nghĩa là nắm, "trì" nghĩa là giữ, tức là trong tâm thường niệm Phật luôn luôn, chẳng phải như lúc mới tập niệm hoặc nửa tiếng hay một tiếng, hoặc một trăm câu nhưng lúc buông ra thì trong tâm không nhớ niệm Phật. Như vậy nghĩa của "chấp trì" là nắm luôn giữ kỹ, không lúc nào không có, lúc có lúc không thì chẳng phải.

Về sau các bậc cổ đức diễn tả bốn tiếng ấy như là:

1. Bất niệm tự niệm: mình không nghĩ niệm nhưng trong tâm vẫn luôn tự niệm Phật.

2. Niệm lực tương tục: niệm Phật có sức mạnh thường niệm luôn, không lúc nào hở dứt.

Nếu người nào tự thực hành thì sẽ tự biết. Từ chỗ được "chấp trì danh hiệu" là đạt bước đầu tiên về đạo lực trong pháp môn Trì danh niệm Phật.

Nhạc niệm Quán Thế Âm Bồ Tát rất hay